Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

HƯỚNG DẪN TRỊ LIỆU NHÓM CƠ BẢN - Phần 1

“Your Ultimate Group Therapy Guide” (+Activities & Topic Ideas)
Tác giả: COURTNEY ACKERMAN
Nguồn: Positive Psychology – 12/9/2020

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non



Phần 1

Chúng ta dễ dàng rơi vào trạng thái cô lập khi chúng ta cảm thấy chán nản, đặc biệt đối với những người đang khổ sở vì một vấn đề hay một căn bệnh vô hình nào đó, nhưng việc tham gia những hoạt động theo hướng hoàn toàn ngược lại nhiều khả năng sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi hố sâu đó.

Cô đơn và tách biệt có khuynh hướng càng làm tăng thêm cô đơn và tách biệt hơn, nhưng nếu nỗ lực (thường là một cách khó khăn và mất nhiều sức) để kết nối với người khác thì đó là việc cần làm để bắt đầu có thể trở nên tốt hơn.

“Điều tốt nhất khi tham gia một nhóm là bạn không làm bất kỳ điều gì một mình” - Vô danh

Nghe có vẻ không ổn, nhưng đôi khi chia sẻ những cảm nhận và suy nghĩ khó khăn trong một nhóm là điều cực kỳ hữu ích cho việc chữa lành.

Trích ngôn sau đây mô tả việc chia sẻ có thể đem lại sự giúp đỡ.

“Một trong những ngôn từ có tính an ủi nhất ở vũ trụ này là “tôi cũng vậy” (me too). Đó là khoảnh khắc bạn nhận ra rằng nỗ lực của mình cũng là nỗ lực của ai đó, không phải chỉ có mình bạn, và những người khác cũng đã từng đi cùng con đường này.” – Vô danh

Đây là quan niệm cốt lõi mà từ đó trị liệu nhóm đã được phát triển. Bài này sẽ định nghĩa trị liệu nhóm, mô tả những phiên làm việc tiêu biểu và cung cấp một vài hoạt động, bài tập để bạn có thể sử dụng trong các phiên trị liệu nhóm.

TRỊ LIỆU NHÓM LÀ GÌ? ĐỊNH NGHĨA VÀ CÁC HỌC THUYẾT

Ở mức độ cơ bản nhất, trị liệu nhóm là:

“Một hình thức tâm lý trị liệu bao gồm một hoặc nhiều nhà trị liệu làm việc với một số người trong cùng một khoảng thời gian” (Cherry, 2017).

Đây thường là một phần bổ sung cho trị liệu cá nhân, đôi khi cũng bổ sung bên cạnh việc hỗ trợ bằng thuốc, mặc dù nó có thể được sử dụng như một cách thức hỗ trợ độc lập cho những khó khăn và vấn đề nhất định.

Một trong những nhà trị liệu nhóm nổi tiếng nhất, Bác sĩ Irvin D. Yalom, đưa ra 11 nguyên tắc chính trong trị liệu nhóm:

1, Khơi dậy niềm hy vọng (Instilling hope)

Vì trị liệu nhóm thường bao gồm nhiều thân chủ ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình hỗ trợ, một vài thân chủ mới có thể nhận thấy sự khích lệ từ việc nhìn thấy những tác động tích cực trên những thân chủ trước đó hơn là những gì xảy ra theo tiến trình trị liệu của chính họ.

2, Tính phổ quát (Universality)

Là thành phần của một nhóm gồm những người, vốn hiểu những gì thân chủ mới đã trải qua và cũng đã từng trải nghiệm những vấn đề tương tự, sẽ giúp thân chủ ấy thấy họ không còn cô đơn nữa và những đau khổ ấy vốn mang tính phổ quát.

3, Truyền đạt thông tin (Imparting information)

Những thành viên trong nhóm có thể là một nguồn cung cấp thông tin tuyệt vời.

4, Lòng vị tha (Altruism)

Trị liệu nhóm đem đến cho những thành viên trong nhóm cơ hội thực hành lòng vị tha bằng cách giúp những người khác trong nhóm, một trải nghiệm dường như cũng giúp cho chính họ.

5, Quá trình “sửa chữa tóm tắt” của nhóm gia đình ban đầu (The corrective recapitulation of the primary family group)

Nguyên tắc có tên dài dòng này xem xét tiến trình học tập và khám phá của thân chủ về trải nghiệm, nhân cách, hành vi, cảm nhận từ thuở thơ ấu, và học cách nhận diện và né tránh những hành vi vô ích và có tính hủy hoại.

6, Phát triển những kỹ năng xã hội hoá (Development of socialization techniques)

Đơn giản chỉ trải qua làm việc với một nhóm sẽ đem đến cơ hội tuyệt vời để một người được xã hội hóa, thực hành những hành vi mới và trải nghiệm một môi trường an toàn.

7, Những hành vi bắt chước (Imitative behavior)

Thân chủ có thể quan sát và bắt chước những mô hình hành vi hữu ích và tích cực hướng đến những người khác trong nhóm, bao gồm của cả nhà trị liệu.

8, Học tập qua tương tác liên cá nhân (Interpersonal learning)

Tương tác với nhà trị liệu và những thành viên khác trong nhóm, đồng thời nhận những phản hồi có thể giúp thân chủ học tập nhiều hơn về chính bản thân mình.

9, Gắn kết nhóm (Group cohesiveness)

Những phiên trị liệu nhóm có thể giúp gia tăng sự chia sẻ cảm nhận thuộc về và sự chấp nhận người khác.

10, Hiệu ứng thanh tẩy (Catharsis)

Nguyên tắc này dựa trên sức mạnh chữa lành từ việc chia sẻ với người khác, nói ra những cảm nhận và trải nghiệm của mình trong nhóm có thể giúp giảm bớt những nỗi  đau, cảm giác tội lỗi và stress.

11, Những yếu tố hiện sinh (Existential factors)

Mặc dù trị liệu nhóm đưa ra những hướng dẫn và hỗ trợ thông qua nhóm nhưng nó cũng giúp thân chủ nhận ra rằng họ chịu trách nhiệm cho những hành động và hệ quả mà họ theo đuổi. (Cherry, 2017)

Bộ nguyên tắc này đã làm rõ rng sẽ có nhiều điều thuận lợi để làm việc với nhóm hơn là làm việc cá nhân. Một vài nguyên tắc trong số này đây cũng có thể sử dụng trong trị liệu cá nhân, nhưng hầu hết cơ cấu làm việc nhóm đòi hỏi những nguyên tắc như thế.

NHỮNG LOẠI TRỊ LIỆU NHÓM

“Âm điệu” và phương hướng chung của những phiên trị liệu nhóm tuỳ thuộc nhiều vào thể loại nhóm. Có rất nhiều loại nhóm khác nhau với rất nhiều lĩnh vực trọng tâm khác nhau, nhưng chúng thường thuộc một trong hai loại sau:

1, Nhóm tâm lý giáo dục (psychoeducational) – nhóm này hướng đến việc cung cấp các thông tin mà các thành viên cần để giải quyết hoặc ứng phó với bất kỳ điều gì được đem đến trong nhóm, chúng thường được cấu trúc với những chủ đhọc phần cụ thể.

2, Nhóm định hướng tiến trình (Process – Oriented) – nhóm này tập trung nhiều hơn vào những trải nghiệm, chia sẻ lẫn nhau và thực hiện việc kết nối; việc thảo luận giữa những thành viên là điều ưu tiên hơn là một chương trình học được thiết kế sẵn (Goodtherapy, 2013).

Các nhóm cũng có thể được phân chia nhỏ hơn tuỳ theo chủ đề thảo luận và cấu trúc chính của nhóm. Một số nhóm trị liệu phổ biến nhất bao gồm:

1, Nhóm tự lực (Self-Help Groups) Nhìn chung những nhóm này được dẫn dắt bởi một người không phải là người điều phối chuyên nghiệp nhưng đã từng nỗ lực vượt qua hoặc giải quyết thành công một vấn đề và mong muốn giúp đỡ người khác đi qua tiến trình này.

2, Nhóm người đang dùng thuốc (Medication Groups) Trọng tâm của những nhóm này là tuân thủ việc dùng thuốc theo y lệnh; hướng đến việc giáo dục cho thân chủ về thuốc, đảm bảo tuân thủ lời chỉ dẫn của bác sĩ và giảm nhẹ cảm nhận cô đơn.

3, Nhóm trị liệu liên cá nhân (Interpersonal Therapy Groups) Nhóm này hướng đến việc đi sâu vào những mối quan hệ hiện tại của thân chủ để hiểu những vấn đề hiện tại; trọng tâm của nhóm này làm việc trên hiện tại hơn là quá khứ.

4, Nhóm gặp gỡ (Encounter Groups) Mục đích của nhóm này là đưa các thành viên vào các tình huống nhóm căng thẳng và khó chịu tiềm ẩn với hy vọng tạo ra những thay đổi lớn hơn so với một nhóm trị liệu đặc hiệu. (Còn có cách dịch là “Nhóm đối kháng/đối đầu – ND)

5, Nhóm tâm kịch (Psychodrama)Thể loại nhóm trị liệu đặc biệt này dựa trên việc những thành viên của nhóm diễn lại một số phần có ý nghĩa trong đời sống của họ. Những cảnh tái hiện đầy kịch tính này có thể kích thích những cảm xúc mạnh, những điều này có thể được thảo luận sau mỗi “cảnh diễn” (Couselling Connection, 2010).

Số thành viên của một phiên trị liệu nhóm tuỳ thuộc vào thể loại nhóm, nhưng có thể sắp xếp từ 3, 4 người đến 12 người hoặc hơn (mặc dù trên 12 thành viên có thể không hiệu quả lắm).

Điển hình, những phiên trị liệu nhóm được tổ chức 1–2 lần mỗi tuần và mỗi phiên kéo dài từ 1–2 giờ. Thông thường số lượng phiên được đề nghị ít nhất là 6, nhưng trị liệu nhóm thường có thể tiếp tục kéo dài đến 1 năm hoặc lâu hơn (Cherry, 2017).

HAI LOẠI PHIÊN TRỊ LIỆU NHÓM

1, Nhóm mở (open group): Những thành viên mới được chào đón tham gia vào các phiên làm việc bất cứ lúc nào; ví dụ nhóm Những Người Nghiện rượu Ẩn danh (Alcoholics Anonymous) thường là những phiên trị liệu mở, có thể mời những thành viên mới tham gia vào bất kỳ phiên làm việc nào.

2, Nhóm đóng (closed group): Những phiên trị liệu bao gồm những thành viên là thành phần chính của nhóm; những thành viên mới chỉ có thể được chào đón khi thiết lập nhóm mới (Cherry, 2017)

Những gì thật sự xảy ra trong trị liệu nhóm, những phiên làm việc có thể dựa trên những chủ đề, thành phần tham dự, tiến độ hỗ trợ, nhưng có một vài điểm đặc trưng phổ biến sau:

· Những thành viên tham gia sẽ gặp nhau trong một phòng, ngồi trên ghế được xếp thành vòng tròn.

· Phiên trị liệu có thể bắt đầu bằng việc các thành viên trong nhóm tự giới thiệu và giải thích tại sao họ tham gia trị liệu.

· Trong những phiên sau này (những nhóm đóng) hoặc trong mỗi phiên (đối với nhóm mở), các thành viên có thể chia sẻ về sự tiến bộ của họ và bất kỳ những thông tin cập nhật nào từ những lần gặp trước.

Dòng lưu chuyển của các phiên làm việc phụ thuộc vào cùng những yếu tố đã được mô tả trên đây, nhưng sẽ theo một trong những con đường sau:

1, Thể thức tự do (Free-form): mỗi thành viên sẽ tham gia vào nhóm ít, nhiều bao nhiêu tùy họ muốn và những người tham dự là những người lèo lái chính của cuộc thảo luận với sự hướng dẫn và tạo điều kiện của nhà trị liệu.

2, Theo kế hoạch (Planned): trong những trường hợp khác, nhà trị liệu có thể thiết kế một chương trình cho cuộc gặp với những hoạt động và những bài tập xây dựng kỹ năng được lên kế hoạch cho các thành viên của nhóm. (Cherry, 2017)

Đón xem tiếp Phần 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...