Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

KHI MỘT PHẦN TUỔI THƠ BỊ ĐÁNH MẤT DO TÌNH TRẠNG LOẠN LUÂN TÌNH CẢM?

Was Part of Your Childhood Deprived by Emotional Incest?
Nguồn: bpdfamily.com
Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Học đường



Patricia Love, Ed.D., cựu chủ tịch của Hiệp hội Tham vấn Hôn nhân và Gia đình Quốc tế, định nghĩa “loạn luân về tình cảm” là "một phong cách nuôi dạy con cái mà trong đó cha mẹ trông chờ sự hỗ trợ tình cảm từ những đứa con của họ chứ không phải từ người bạn đời" Theo Love, những bậc cha mẹ loạn luân về mặt tình cảm (emotionally incestuous parents) có thể tỏ ra yêu thương, tận tụy và họ có thể dành rất nhiều thời gian cho con cái và nuông chiều chúng bằng những lời khen ngợi và những món quà vật chất - nhưng khi suy cho cùng thì tình yêu của họ không phải là tình yêu có tính bảo dưỡng, mà đó chỉ là một phương tiện để thỏa mãn cho những nhu cầu của chính họ.

THUẬT NGỮ "LOẠN LUÂN VỀ TÌNH CẢM" (emotional incest) xuất phát từ Kenneth Adams, Ph.D. dùng để đặt tên cho sự gắn kết giữa các thế hệ trong một gia đình mà trong đó một đứa trẻ (thường là khác giới) trở thành “vợ” hoặc “chồng” thay thế cho mẹ hoặc cha của chúng. "Sự mắc mứu, nhập nhằng về tình cảm" (Emotional Enmeshment) là một thuật ngữ khác thường được sử dụng. Và thuật ngữ "phụ mẫu hóa về mặt cảm xúc" (emotional parentification) mô tả một khái niệm tương tự - nó mô tả quá trình vai trò bị đảo ngược, theo đó một đứa trẻ có nghĩa vụ hành động như cha mẹ đối với cha mẹ của chúng.

Có nhiều bậc phụ huynh thân thiết với con mình. Sự gần gũi là lành mạnh và đáng mơ ước. Sự khác biệt giữa một mối quan hệ gần gũi lành mạnh và một mối quan hệ loạn luân là trong một mối quan hệ gần gũi lành mạnh, cha mẹ quan tâm đến nhu cầu của trẻ theo cách phù hợp với lứa tuổi mà không làm cho đứa trẻ cảm thấy có trách nhiệm với những nhu cầu tình cảm của cha mẹ. Còn trong một mối quan hệ loạn luân về mặt tình cảm, thay vì cha mẹ đáp ứng nhu cầu của con cái thì đứa con lại đáp ứng nhu cầu của cha mẹ.

Loạn luân tình cảm xảy ra khi ranh giới tự nhiên của cha mẹ như là người chăm sóc, người nuôi dưỡng và người bảo vệ đã bị xâm phạm và đứa trẻ trở thành người chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ "thực tế nhưng không chính thức" (de facto) của cha mẹ chúng. Điều này thường xảy ra khi hôn nhân tan vỡ hoặc khi có dấu hiệu cho thấy động lực của gia đình bị gãy đổ (ví dụ: lạm dụng chất, không chung thủy, bệnh tâm thần và sự phụ thuộc vào đứa con ngày càng tăng). Một hoặc cả hai cha mẹ có thể lôi kéo đứa trẻ vào những cuộc trò chuyện về các vấn đề của người lớn và cảm xúc của người lớn như thể đứa con là bạn đồng trang lứa với họ. Đứa con có thể được yêu cầu để thỏa mãn những nhu cầu của người lớn như sự thân mật, bầu bạn, những kích thích lãng mạn, lời khuyên, giải quyết vấn đề, hoàn thiện cái tôi (ego fulfillment), và/hoặc giúp giải tỏa cảm xúc. Đôi khi cả cha và mẹ sẽ trút hết cho đứa trẻ bằng cách đặt đứa trẻ vào giữa những bất đồng giữa cha mẹ - mỗi bên phàn nàn về người còn lại.

Điều xảy ra sau đó là một vai trò mà đứa trẻ không có khả năng hoàn thành có thể tạo nên cảm giác đặc biệt hoặc thấy mình có đặc ân khi làm như vậy. Rõ ràng trong động thái này, đứa trẻ bị cha mẹ ngầm bỏ rơi về mặt tình cảm và bị tước mất đi tuổi thơ của chúng.

Những bậc cha mẹ loạn luân về tình cảm thường rơi vào trạng thái “xâm hại con” mà không hề có một chủ định làm hại con cái.

Điều quan trọng cần nhớ là có các mức độ nghiêm trọng khác nhau trong loạn luân tình cảm. Đôi khi loạn luân về tình cảm là cực kỳ nghiêm trọng và có tính gây hao tổn, trong khi những tình huống khác, nó lại có tính tiết chế hơn và hầu như không được chú ý.

TÁC ĐỘNG DÙ SAO CŨNG VẪN LÀ CÓ HẠI.

Những tác động của loạn luân về tình cảm đối với trẻ em là gì?

Theo Tiến sĩ Love, "Việc trở thành nguồn hỗ trợ chính của cha mẹ là một gánh nặng đối với trẻ nhỏ khi chúng buộc phải kìm nén nhu cầu của bản thân để thỏa mãn nhu cầu của người lớn". Do sự đảo ngược vai trò này, các em hiếm khi được bảo vệ, hướng dẫn hoặc kỷ luật đầy đủ, và các em được tiếp xúc với những kinh nghiệm vượt xa lứa tuổi của mình.

Sự loạn luân về tình cảm từ một trong hai phụ huynh có tác động tàn phá khả năng của đứa trẻ để có thể thiết lập các ranh giới và chăm sóc để đáp ứng các nhu cầu của bản thân khi trẻ trở thành người lớn. Loại lạm dụng này, khi do cha mẹ khác giới gây ra, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ người lớn/trẻ em với xu hướng tính dục và giới của đứa trẻ và khả năng có được các mối quan hệ mật thiết thành công khi trẻ trưởng thành.

Vì những lý do thực tế, con cái thường được chọn cho vai trò "làm cha mẹ" trong gia đình - thường nhất là những đứa con đầu lòng bị đặt vào vai trò bất thường ấy. Tuy nhiên, việc cân nhắc về giới tính có nghĩa là đôi khi con trai cả hoặc con gái lớn được chọn, ngay cả khi họ không phải là con lớn nhất trong tất cả, vì những lý do như muốn phù hợp với giới tính của cha hoặc mẹ bị khuyết (missing parent).

Ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành, các em có thể gặp phải một hoặc nhiều khó khăn sau:

  • "Cảm giác tội lỗi đặc biệt là trong việc chăm sóc bản thân - một cảm giác không thực tế trong nghĩa vụ đối với cha mẹ.
  • Khó khăn liên quan đến bản sắc giới hoặc giới tính
  • Cảm giác thiếu hụt
  • Mối quan hệ yêu/ghét với cha mẹ "đã phạm lỗi".
  • Khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ do sự lý tưởng hóa của người bị lạm dụng và sự đánh giá thấp bởi người khác, cũng như đặt kỳ vọng không phù hợp vào người bạn đời.
  • Hành vi cưỡng chế có thể bao gồm quan hệ tình dục, chất gây nghiện, rượu, công việc, thức ăn
  • Các mô hình của sự hợp thành bộ ba quá mức (excessive triangulation) (tức giao tiếp gián tiếp) trong những mối quan hệ làm việc, quan hệ gia đình hoặc các mối quan hệ lãng mạn
  • Các vấn đề liên quan đến nghiện tình dục hoặc lãng tránh tình dục hoặc nghiện hoặc lãng tránh tình yêu "

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA LOẠN LUÂN VỀ TÌNH CẢM TRONG GIA ĐÌNH LÀ GÌ?

Loạn luân về tình cảm ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong một gia đình. Tiến sĩ Love xác định 5 mô hình sau:

1, Cha mẹ có tính xâm hại bị dính mắc với một đứa trẻ để đáp ứng những nhu cầu của họ điều mà điều này không được đáp ứng trong mối quan hệ với người lớn.

2, Đứa trẻ được chọn bị mắc mứu với cha mẹ xâm hại; thường được đối xử như là một đứa con "tốt toàn diện" và được ưu ái, nhưng lại bị bỏ qua những nhu cầu thực sự như là được phát triển bản thân như một cá thể độc lập, được phép mắc lỗi và học hỏi, được nhận sự dạy dỗ và kỷ luật, v.v.. Những đứa trẻ được chọn cũng có thể bị coi như "vật tế thần" (scapegoat), không chỉ được sử dụng để hỗ trợ tinh thần mà còn để giải tỏa sự tức giận và căng thẳng (của cha mẹ).

3, Người bạn đời bị bỏ quên (Left-Out Spouse) của người cha/mẹ xâm hại, thường bị loại trừ khỏi mối quan hệ gắn bó chỉ có người phụ mẫu xâm hại và đứa con được chọn; người ấy có thể chuyển sang nghiện làm việc, rượu chè, ngoại tình hoặc các cơ chế đối phó không lành mạnh khác để đối phó với cuộc sống không hạnh phúc ở nhà.

4, (Những) Đứa con "Bị bỏ quên", một đứa trẻ không được ưu ái, có thể bị bỏ mặc hoặc nhận được ít nguồn lực của gia đình hơn; và có thể trở nên gắn bó với “người bạn đời bị bỏ quên”

5, “Bạn đời của đứa trẻ được chọn” (Spouse of the Chosen Child) khi đứa trẻ được chọn lớn lên và kết hôn, bạn đời của đứa trẻ đó có thể thấy mình đang vướng mắc vào việc tạo lập một bộ ba khá nhiêu khê với đứa trẻ được chọn và vị phụ mẫu có tính xâm hại.

TÌNH CẢM LOẠN LUÂN MANG TÍNH CÁ NHÂN SÂU SẮC

Thật khó để buông bỏ mong ước về những người cha mẹ hoàn hảo. Chúng ta bám vào quan điểm lý tưởng hóa về những người chăm sóc chúng ta bởi vì ở một mức độ nào đó, chúng ta vẫn nhìn cuộc sống qua con mắt của một đứa con và chúng ta vẫn tin rằng chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ để tồn tại. Khi chúng ta nhìn thấy những sai sót trong tính cách của họ, sự tồn tại của chúng ta dường như có thể bị đe dọa. Trong sâu thẳm chúng ta có thể nói rằng "Không ai chăm sóc tôi"

Để đối phó với sự lo lắng này, chúng ta thường ôm giữ trong giấc mơ rằng lỗi lầm của cha mẹ sẽ biến mất một cách kỳ diệu: trong “chuyến thăm” ấy, cha mẹ sẽ nhạy cảm với những nhu cầu của chúng ta; cuộc hội ngộ này sẽ suôn sẻ và không có gì bất ổn; cuộc điện thoại hay lá thư này sẽ hàn gắn vết thương cũ và xích lại gần nhau hơn.

Không có gì ngạc nhiên khi những khuyết điểm về tính cách mà chúng ta khó chấp nhận nhất lại là những khuyết điểm khiến chúng ta bị tổn thương nhiều nhất trong suốt thời thơ ấu. Khi cha mẹ của chúng ta hành động theo những cách tiêu cực và quen thuộc, nỗi đau khổ hiện tại của chúng ta càng tăng lên bởi nỗi đau từ nhỏ của chúng ta. Bên dưới sự suy sụp khi trưởng thành của chúng ta là một đứa trẻ nhỏ đang khóc để mong được yêu thương và được an toàn hơn.

PHỤC HỒI SAU LOẠN LUÂN TÌNH CẢM

Một cá nhân bị lạm dụng có thể đạt được sự giải phóng và phát huy tiềm năng của bản thân bằng sự nhẫn nại, kiên trì và sự nhận thức về bản thân.

Theo Debra L. Kaplan, MA, LPC, một chuyên viên tham vấn chuyên về phục hồi loạn luân về mặt tình cảm, quá trình phục hồi trải qua 5 giai đoạn:

1, Xác định gia đình gốc và các động lực gia đình chuyên biệt có liên quan

2, Nhận biết mọi hình thức loạn luân tình cảm giữa người chăm sóc và cá nhân bị lạm dụng

3, Học cách thiết lập ranh giới với người phụ mẫu đó. Trong trường hợp một người chăm sóc đã qua đời, hãy làm việc với một nhà trị liệu, vị ấy có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kỹ thuật chiếc ghế trống (empty chair work) hoặc một trải nghiệm dựa trên những phương thức khác giành cho mất mát và đau thương.

4, Thừa nhận mọi cảm giác bị bỏ rơi do hậu quả của loạn luân về mặt tình cảm

5, Hướng tới sự phân biệt và tách biệt bằng cách học cách làm cha mẹ lại bản thân (Làm việc với đứa trẻ bên trong) (reparent the self - Inner child work).

Kaplan lưu ý rằng hành trình từ đứa trẻ bị tổn thương đến người lớn khỏe mạnh không diễn ra độc lập với nhau. Ngoài việc trị liệu, các cá nhân nên tranh thủ sự giúp đỡ của người bạn đời của mình trong việc khắc phục tình trạng lạm dụng chưa được giải quyết. Kaplan cũng cho biết "Nhiều sự hỗ trợ có thể đạt được bằng cách giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh trong mối quan hệ. Chia sẻ những trải nghiệm sống lẫn nhau có thể giúp nhau chữa lành trong bối cảnh của một nhóm hỗ trợ hoặc giữa các tương tác lành mạnh khác."


Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

STRESS, LO ÂU VÀ KIỆT SỨC - SỰ KHÁC BIỆT LÀ GÌ? - Phần 2

Tác giả: LINDSEY PHILLIPS

Nguồn: Counseling Today – 26/1/2022

Người dịch: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH – Chuyên viên tâm lý lâm sàng, Khoa Tâm lý Lâm sàng, Khu Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Vị thành niên, Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2, Biên Hoà, Đồng Nai.



Xem lại Phần 1

Phần 2

Flowers, một giáo sư hỗ trợ tư vấn tại Đại học New York, cũng hướng dẫn thân chủ của cô nhận thức về tất cả các yếu tố gây stress hiện diện trong cuộc sống của họ. Cô thường yêu cầu họ xếp hạng những yếu tố gây stress đó, từ những yếu tố ảnh hưởng đến họ nhiều nhất đến những yếu tố ảnh hưởng đến họ ít nhất. Chiến lược này cung cấp cho thân chủ một bản đồ về lộ trình (road map) mà các yếu tố gây stress nào cần được lưu tâm trước tiên. Cô nhận thấy rằng khi thân chủ giảm bớt áp lực của một tác nhân gây stress, hành động với tác nhân đó thường dịu xuống và cũng giảm bớt tác động tiêu cực của các lĩnh vực gây stress khác trong cuộc sống của họ.

Với việc đưa ra cách tiếp cận từng bước và sự khởi đầu của kiệt sức, thân chủ cũng nên áp dụng một chiến lược dài hạn để giảm thiểu nó thay vì mong đợi loại bỏ nó trong một sớm một chiều, Flowers nói. Cô ấy thấy rằng tốt nhất nên bắt đầu quá trình này với cách tiếp cận “từ trong ra ngoài” (inside-out): thân chủ đánh giá những thay đổi cơ bản hoặc lối sống mà họ có thể thực hiện để cải thiện hoàn cảnh hiện tại của họ. Sau đó, họ có thể bắt đầu tập trung vào những gì trong tầm kiểm soát của họ và thực hiện các thay đổi dần dần để duy trì sức khỏe lâu dài, cô nói.

Không giống như stress, kiệt sức không phải là điều mà mọi người phải sống chung. Schroeder khẳng định: “Sự kiệt sức có thể ngăn ngừa được, nhưng mọi người không sẵn sàng [ngồi lại] với cảm xúc khó chịu khi thay đổi những khuôn mẫu [không lành mạnh] hoặc đưa ra các lựa chọn khó khăn như thực hiện các ranh giới hoặc rời bỏ môi trường văn hóa làm việc hoặc mối quan hệ độc hại”. Cô nói, các nhà tham vấn có thể giúp thân chủ thực hiện các bước phòng ngừa để tránh kiệt sức bằng cách giúp họ: 

  • Thiết lập các “lối thoát sáng tạo” (creative outlets) và dành thời gian để giải trí
  • Tăng cảm giác tự chủ cả bên trong và bên ngoài nơi làm việc
  • Tăng cường kết nối tâm trí và cơ thể và nhận thức theo thời gian thực về các giới hạn cá nhân (real-time awareness of personal limits)
  • Xác định và đưa ra các ranh giới có tính hỗ trợ (supportive boundaries)
  • Tăng cường hệ thống hỗ trợ lành mạnh
  • Tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sự điều chỉnh của hệ thần kinh (ví dụ: dành thời gian ở bên ngoài, âu yếm thú cưng, hít thở)
  • Cải thiện vệ sinh giấc ngủ
  • Nhận thức được mức độ năng lượng tinh thần và tình cảm  dành cho người khác và làm việc so với bản thân

QUẢN LÝ STRESS VÀ LO ÂU

Stress và lo âu là không thể tránh khỏi, và như Schroeder đã chỉ ra, việc cố gắng loại bỏ hoàn toàn stress thường là không có ích vì chúng ta cần một mức độ stress có thể kiểm soát được để duy trì động lực cho chúng ta. Chẳng hạn, stress có thể thúc đẩy chúng ta chuẩn bị cho một dự án làm việc quan trọng. Tuy nhiên, các nhà tham vấn có thể trang bị cho thân chủ các chiến lược để giúp họ quản lý và đối phó với các triệu chứng của stress, từ đó có thể hành động để giúp ngăn ngừa tình trạng kiệt sức.

Ruiz đồng ý rằng mục tiêu của tham vấn là không nên “loại bỏ stress mà là để cảm thấy thoải mái, tự tin và có đủ năng lực để đối mặt với những tác nhân gây stress đó một cách thực sự lành mạnh [để] bạn có thể vượt qua chúng và vượt qua những vấn đề khác.”

"Có sự tỷ lệ nghịch giữa stress và mức độ kiểm soát của bạn," Flowers nói. “Bạn càng cảm thấy ít kiểm soát, bạn càng cảm thấy stress và ngược lại”.

Flowers đã làm việc với một thân chủ cảm thấy mất kiểm soát và không biết cách sắp xếp ngày tháng của mình để thực hiện một số hình thức kế hoạch tự chăm sóc bản thân. Cô đã yêu cầu thân chủ điền vào lịch trình lý tưởng của mình bằng cách ghi vào giấy theo dõi công việc, nó giống như một cuốn sổ hẹn, hỏi thân chủ về những ngày hoặc tuần của họ sẽ ra sao nếu họ không có bất kỳ tác nhân gây căng thẳng nào. Sau đó, thân chủ tự lập ra lịch trình hàng ngày thực tế của mình (bao gồm tất cả các nghĩa vụ bắt buộc) và rồi để họ so sánh cả hai lịch trình ấy. Flowers đã giúp thân chủ suy nghĩ về những cách để kết hợp một số góc nhìn của họ về kế hoạch làm việc lý tưởng vào kế hoạch hiện tại. Ví dụ, họ có thể dành ra 30 phút mỗi ngày cho một hoạt động mà mình yêu thích, như đọc sách hoặc dành thời gian với bạn bè hay không? Họ liệu có thích dành ra những khoảng thời gian đáng kể để dành cho các hoạt động tự chăm sóc bản thân hay họ muốn sắp xếp kế hoạch thành từng giai đoạn ngắn (ví dụ: dành một vài khoảng thời gian 15 phút trong ngày để đi dạo)? Họ cũng thảo luận về các khía cạnh trong kế hoạch hiện tại mà thân chủ sẽ sẵn sàng từ bỏ nếu chúng không còn phục vụ nhu cầu của thân chủ nữa.

Fowers thường cố gắng thu hút thân chủ vận dụng vào thực tế theo cách như thế trong phiên làm việc. Cô nói, kế hoạch quản lý stress mang lại cho thân chủ hình ảnh mô tả trực quan về cách tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của họ cũng như cảm giác kiểm soát được cách họ sử dụng thời gian.

Riggs khuyên những nhà tham vấn không nên bỏ qua những tác động của sang chấn trong quá khứ. Ví dụ, nếu thân chủ đến tham vấn vì họ có nhiều lo lắng về việc sắp xếp lại công ty của họ, nhà tham vấn có thể muốn tránh đi thẳng vào hiện tại và giúp thân chủ “quản lý” những lo ngại đó, cô ấy nói. Thay vào đó, những nhà lâm sàng có thể hỏi thân chủ về những gì đã điễn ra trong quá khứ về công việc. Khi làm như vậy, họ có thể biết được thân chủ này đã từng bị sa thải trước đây và đó là nguyên nhân khiến họ phải rời ngôi nhà của mình và sống trên chiếc xe của họ hai tháng. Những lo lắng của thân chủ thường tăng lên bởi những trải nghiệm đau khổ trầm trọng, nó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch trị liệu của nhà tham vấn, cô ấy nhấn mạnh. Riggs nói, nhà tham vấn cũng có cơ hội để nói về những kinh nghiệm vượt qua của thân chủ trước đây và có thể gợi nhắc tới năng lực chống chịu (resiliency) để giúp họ hoạch định và chuẩn bị cho việc tái sắp xếp trong hiện tại

ĐIỀU HOÀ CẢM XÚC (Emotional Ragulation)

Mặc dù con người không thể tránh khỏi sự lo âu, nhưng những nhà tham vấn có thể giúp thân chủ hiểu rõ hơn các triệu chứng của lo âu và hướng mục tiêu vào những yếu tố và niềm tin tiềm ẩn khiến làm trầm trọng thêm nó, Schroeder lưu ý. Nhà lâm sàng có thể làm việc với thân chủ về các kỹ năng tự điều chỉnh và tự thoại của họ (self-regulation skills and self-talk), cô nói. Ví dụ: thân chủ có thể lo lắng về việc từ chối điều gì đó với người khác, hoặc họ có thể đã nuôi dưỡng niềm tin rằng họ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm điều gì đó có tính thách thức.

Schroeder sử dụng phương pháp sắm vai (role-play) để giúp thân chủ của cô nhận thức được cách cơ thể họ phản ứng lại với các tác nhân gây stress. Mọi người thường cảm thấy khó khăn khi nói từ chối với người khác, điều này có thể khiến họ phải gánh chịu nhiều hơn những gì họ có thể xử lý. Để giải quyết vấn đề này, cô ấy sẽ yêu cầu thân chủ trả lời “không” với bất cứ điều gì cô ấy nói trong khi đóng vai - và không làm rõ câu trả lời (ví dụ: “Không, nhưng tôi có thể giúp bạn theo cách này”). Ví dụ, Schroeder có thể đảm nhận vai trò là ông chủ của khách hàng và hỏi, "Bạn có thể làm thêm giờ vào cuối tuần này không?" Khách hàng chỉ nói một cách đơn giản, "Không".

Trong khi thực hiện hoạt động này, Schroeder yêu cầu thân chủ đi chậm lại và để ý xem họ cảm thấy thế nào trong cơ thể khi họ phản ứng theo cách này. Họ có nắm chặt tay nhau không? Đầu óc họ có quay cuồng không? Tiếp theo, khi thân chủ có phản ứng không lành mạnh, họ sẽ dừng lại và điều chỉnh, chẳng hạn như thư giãn hai vai hoặc hít thở sâu.

Ruiz khuyên thân chủ nên dừng lại trước khi nói đồng ý với điều gì đó và cân nhắc xem họ có thực sự muốn làm điều đó hay họ đang làm việc đó vì nghĩa vụ. Cô ấy cũng khuyên họ nên trả lời các yêu cầu bằng "Hãy để tôi liên hệ lại với bạn" hoặc "Hãy để tôi suy nghĩ về điều đó". Những kỹ thuật này cho phép thân chủ có chủ ý hơn về cách họ sử dụng thời gian và chú tâm nhiều hơn đến cách mà họ cảm nhận về thể chất và cảm xúc của họ, cô nói.

Ruiz lưu ý rằng suy nghĩ quá mức là một phần quan trọng của lo âu, vì vậy cô thường sử dụng phương pháp chữa trị bằng kỹ thuật Brainspotting, một phương pháp điều trị được phát triển để giúp những người sống sót sau chấn thương. Liệu pháp này giúp thân chủ lách qua vỏ não, phần não chịu trách nhiệm về phản ứng lo âu và xử lý cảm xúc tiêu cực mà không cần suy nghĩ quá nhiều. Brainspotting được tiến hành bởi nhà lâm sàng hướng dẫn tầm nhìn mắt của thân chủ để tìm “điểm não” (brainspot) thích hợp – đó là vị trí mắt giúp kích hoạt ký ức sang chấn hoặc cảm xúc đau đớn. Ruiz, một bác sĩ chuyên về Brainspotting, đã phát hiện ra cách tiếp cận này cho phép một số khách hàng đang loay hoay với nỗi lo âu và suy nghĩ quá mức có thể đạt được sự tiến bộ nhanh hơn.

Schroeder khuyến khích các tham vấn viên không chỉ nói về tầm quan trọng của các kỹ năng giảm stress, định tâm (mindfulness) và điều hoà cảm xúc mà hãy thực sự tạo cơ hội cho thân chủ thực hành các kỹ năng này trong phiên. Ví dụ, Schroeder gợi ý rằng họ có thể bắt đầu hoặc kết thúc mỗi phiên bằng một hoạt động hít thở đơn giản. Khách hàng có thể hít vào trong bốn nhịp đếm, từ từ đánh vần SLOW, và sau đó tạm dừng trước khi họ thở ra trong bốn nhịp đếm, từ từ đánh vần DOWN. Sau khi thực hành điều này một vài lần, thân chủ có thể tiếp tục kiểu thở này và thêm vào một “câu thần chú”, chẳng hạn như “Tôi được phép chăm sóc bản thân” hoặc “Nghỉ ngơi có ích” sau khi thở ra.

Flowers đề nghị thân chủ liệt kê về những điều họ cảm thấy có lỗi. Sau khi thừa nhận khía cạnh cảm xúc của họ đang cảm thấy như thế nào và những suy nghĩ này đang góp phần tạo nên tình trạng stress của họ như thế nào, thân chủ đưa ra những tuyên bố ứng phó (coping statements) để chống lại những suy nghĩ không lành mạnh này. Nếu khách hàng cảm thấy tội lỗi về hiệu suất của họ trong công việc, thì câu nói đương đầu có thể là "Mức độ giá trị bản thân của tôi không gắn liền với năng suất làm việc". Tuyên bố này cho phép thân chủ thấy mình có giá trị bởi chính con người của họ.

Sau khi thân chủ tạo ra ba đến năm tuyên bố ứng phó, Flowers yêu cầu họ viết những lời tuyên bố ra giấy hoặc sử dụng ứng dụng ghi chú để họ biến chúng trở thành hữu hình để có thể sử dụng chúng trong những thời điểm họ cảm thấy sttress. “Đây là những kiểu hoạt động giúp ngăn ngừa sự chuyển biến thành tình trạng kiệt sức,” Flowers nói. “Nó giúp kiểm soát stress. Nó giúp giữ cho stress không đi từ cấp độ 1 đến cấp độ 3.

XÂY DỰNG NGUỒN LỰC BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI MẠNH MẼ

Schroeder luôn lắng nghe những rào cản bên ngoài và bên trong có thể cản trở tiến trình của thân chủ. Ví dụ, nếu một thân chủ bị mắc kẹt trong một môi trường làm việc độc hại, họ sẽ chú ý đến việc liệu rào cản để rời bỏ công việc là tài chính (ví dụ: họ cần thu nhập để trả tiền thuê nhà) hay là do nguyên nhân nội tại (ví dụ: không cảm thấy mình xứng đáng với thứ gì đó tốt hơn).

Schroeder cho biết thêm, những thân chủ có nhu cầu quá cao thường có xu hướng giảm thiểu và biện minh cho các triệu chứng của họ. Họ có thể nói với chuyên viên tham vấn, “Tôi chỉ thấy mệt mỏi”, “Tôi chỉ cần có một thói quen tốt hơn”, “Sẽ tốt hơn sau khi X, Y hoặc Z xảy ra” hoặc “Tôi chỉ cần đi nghỉ thôi ”. Khi Schroeder nghe một thân chủ nói, “Tôi chỉ thấy mệt mỏi”, cô nhanh chóng hỏi ý họ là gì. Cô lưu ý rằng cách đặt câu hỏi này có thể bộc lộ suy nghĩ tiêu cực không lành mạnh là mình “lười biếng” nếu họ không làm việc hiệu quả hoặc lúc nào cũng bận rộn.

Riggs làm việc với thân chủ để tăng nguồn lực bên ngoài của họ, chẳng hạn như hệ thống hỗ trợ lẫn cả nguồn lực bên trong của họ. Hai nguồn nội lực quan trọng bao gồm (1) Học cách thiết lập và duy trì các ranh giới lành mạnh và (2) Lắng nghe và điều chỉnh cảm xúc của một người tốt hơn. Thân chủ cần chú ý đến những gì mà cơ thể họ đang nói với họ. Nếu họ cảm thấy đau bụng vào tối chủ nhật trước khi đi làm vào thứ hai, thì cơ thể họ đang cho họ biết họ đang có vấn đề. Và nếu họ không làm điều gì đó, Riggs nói, nó sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn.

Sự khác biệt chính giữa trải nghiệm stress và lo âu theo tình huống và trải nghiệm căng thẳng và lo âu kinh niên là ở mức độ phục hồi và khả năng khai thác các nguồn lực bên trong của người đó chẳng hạn như khả năng điều chỉnh cảm xúc và ranh giới lành mạnh, Schroeder nói.

Flowers nhận thấy rằng tình trạng stress xảy ra bên trong theo kiểu tự áp đặt (self-imposed) thường dẫn đến việc đấu tranh với lo âu và kiệt sức, vì vậy cô ấy giúp thân chủ đặt ưu tiên các nghĩa vụ của họ và tách biệt điều gì thực sự quan trọng với điều gì họ có thể cảm thấy áp lực bên trong (hoặc bên ngoài) phải làm. Cô nói: “Có một thứ huyền thoại khi cho rằng một sự cân bằng có nghĩa là [phải dành] lượng thời gian và năng lượng bằng nhau cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống của bạn”. Flowers khuyên các nhà tham vấn hãy giúp thân chủ phát triển một định nghĩa linh hoạt hơn về ý nghĩa của sự cân bằng. “Cân bằng là chất lỏng; nó đến theo mùa” cô giải thích. “Có thể có một tuần hoặc một tháng nào đó mà bạn thực sự phải tập trung vào một khía cạnh của cuộc sống [ví dụ: những hạn định (deadlines) của công việc], nhưng tuần sau hoặc tháng sau, bạn lại có thể thay đổi và dành nhiều thời gian và năng lượng hơn cho phần khác của cuộc sống của bạn [ví dụ: dành thời gian cho gia đình]. Cố nói rằng “Định nghĩa này là một cách nhìn thực tế hơn và có tính trắc ẩn hơn về sự cân bằng” (more realistic and compassionate way of viewing balance).

Sự bóp méo về nhận thức (Cognitive distortions) cũng có thể góp phần vào tình trạng stress của thân chủ. Ruiz sử dụng một bảng kê “những sai lầm về tâm trí” (“mental mistakes” worksheet) bao gồm 12 lỗi phổ biến trong tâm trí (ví dụ: suy nghĩ theo kiểu “tất cả hoặc không có gì” - all-or-nothing thinking, hoặc sử dụng các từ khắc khe như “nên” thế này, thế kia) để giúp thân chủ suy nghĩ về cách suy nghĩ của họ đã có ảnh hưởng đến cảm xúc của họ. Cô để cho thân chủ đánh dấu những sai lầm tâm trí nào mà họ đã ứng dụng, và sau đó họ thu hẹp danh sách xuống đến mức còn hai hoặc ba kiểu. Tiếp theo, Ruiz yêu cầu thân chủ chia sẻ các ví dụ gần đây về thời điểm họ mắc phải loại sai lầm tâm trí ấy (ví dụ: Lần gần đây nhất nào họ đã loại bỏ những suy nghĩ tích cực hoặc sử dụng loại suy nghĩ “tất cả hoặc không”?). Với sự giúp đỡ của cô, thân chủ có thể thử thách những suy nghĩ này là có chính xác hay không và tìm cách kiềm chế những suy nghĩ không lành mạnh.

Stress nội tâm đôi khi xảy ra khi thân chủ phải lựa chọn giữa hai giá trị có tính cạnh tranh nhau. Riggs nói. Ví dụ, thân chủ có thể muốn đưa mẹ của họ đi khám bệnh, nhưng làm như vậy có thể khiến họ bỏ lỡ buổi chơi ở trường của con mình. Cô nói rằng việc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn như thế này có thể ảnh hưởng kéo dài đối với thân chủ. Cô ấy giúp thân chủ xác định hướng giải quyết những quyết định khó khăn này và tập trung vào cách đưa ra lựa chọn tốt nhất trong thời điểm đó. Riggs nhận thấy rằng đôi khi người ta đưa ra giả định về những gì họ mong đợi và điều này chỉ làm họ thêm căng thẳng. Trên thực tế, mẹ của thân chủ có thể đồng ý với việc người khác đưa mình đến bác sĩ, vì vậy, thân chủ có thể làm rõ ý muốn của người mẹ thay vì cho rằng bà ấy sẽ khó chịu.

Sự trùng lặp giữa các triệu chứng stress, lo âu và kiệt sức có thể gây nhầm lẫn cho cả thân chủ và nhà tham vấn. Trên thực tế, Flowers nhận thấy thân chủ thường gộp chung hai khái niệm stress và yếu tố gây stress, vì vậy cô ấy giúp họ phân biệt giữa hai yếu tố này với lời giải thích sau: “Hầu hết thời gian bạn không thể kiểm soát tác nhân gây stress bởi vì nó là bên ngoài, nhưng bạn có thể kiểm soát stress về mặt phản ứng hoặc phản ứng của cơ thể bạn đối với những gì đang xảy ra trong bạn". Sự hiểu biết này giúp thân chủ thấy được các yếu tố gây stress xảy ra với họ như thế nào nhưng không cần phải định nghĩa chúng.

“Chúng tôi muốn đưa thân chủ đến một nơi mà họ có thể ứng phó với một tình huống cụ thể hoặc một tác nhân gây stress đến từ bên ngoài,” cô nói, “và có thể nhìn lại trải nghiệm đó và tự hào về cách họ đã xử lý nó,” cả về mặt thể chất và về mặt cảm xúc.

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

STRESS, LO ÂU VÀ KIỆT SỨC - SỰ KHÁC BIỆT LÀ GÌ? - Phần 1

Stress vs. anxiety vs. burnout: What’s the difference?

Tác giả: LINDSEY PHILLIPS
Nguồn: Counseling Today – 26/1/2022

Người dịch: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH – Chuyên viên tâm lý lâm sàng, Khoa Tâm lý Lâm sàng, Khu Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Vị thành viên, Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2, Biên Hoà, Đồng Nai.


Phần 1

Một người phụ nữ 43 tuổi đang gặp khó khăn về giấc ngủ vào buổi tối. Sáu tháng trước, cô mở một công ty kinh doanh riêng và làm việc đến 50 giờ một tuần, điều đó khiến cô có ít thời gian để chăm sóc mọi việc liên quan đến nhà cửa. Hơn nữa, cô có người cha 71 tuổi, ông ấy đang có những dấu hiệu sớm của chứng mất trí (dementia), vì vậy cô phải trích ra phần thời gian trong lịch làm việc luôn quá tải của mình để kiểm tra, để mắt tới ông trong suốt cả tuần.

Hiển nhiên là có một số việc đang bị cô bỏ qua. Cô ấy đã bỏ lỡ buổi đi chơi của con trai mình vào tuần trước vì một dự án công việc, và là một người mẹ đơn thân, cô ấy cảm thấy có lỗi mặc dù dành chỉ một phút cho việc chăm sóc bản thân. Những tác nhân gây stress này đang ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân của cô, và cô không còn thời gian để đi chơi với bạn bè - nguồn hỗ trợ duy nhất của cô.

Những yếu tố gây stress tích tụ này khiến cô cảm thấy choáng ngợp, vì vậy cô đã tìm đến dịch vụ tham vấn. Trong buổi đầu tiên, cô nói với nhà tham vấn rằng cô đang cảm thấy căng thẳng, kiệt quệ và không biết phải làm gì. Giờ đây, nhà lâm sàng có nhiệm vụ khó khăn là giúp thân chủ giải mã xem liệu rằng cô ấy đang vật lộn với stress, lo âu (anxiety) hay kiệt sức (burnout).

Nhiệm vụ này còn phức tạp hơn bởi trong thực tế nhiều thân chủ thường hiểu một cách cô đọng hoặc bị nhầm lẫn những tình trạng này. Julianne Schroeder, một chuyên viên tham vấn chuyên nghiệp (LPC) ở Colorado và Texas, nhận thấy rằng thân chủ thường sử dụng các thuật ngữ stress, lo âu và kiệt sức thay thế cho nhau hoặc sử dụng chúng một cách bỡn cợt - “Tôi bị stress”, “Tôi rất bận”, “Tôi choáng ngợp”, “Tôi rất kiệt sức”, “Ồ, đó chính là nỗi lo âu của tôi”- đến mức họ thường đến với chuyên viên tham vấn mà không chắc chắn về những gì họ thực sự đang đối mặt.

Có một mối nguy hiểm cố hữu khi sử dụng những cụm từ này một cách ngẫu nhiên, Schroeder nói, bởi vì chúng củng cố thông điệp về mặt xã hội rằng cũng ổn thôi khi người ta có thể chịu đựng những chu kỳ stress và kiệt sức một cách thường xuyên. Trên thực tế, Schroeder thường nghe thân chủ chia sẻ, “Hiện tại tôi có rất nhiều việc phải làm; nó chỉ là stress thôi mà”. Nhưng khi họ bắt đầu bóc tách các lớp tự thoại tiêu cực (negative self- talk) và những niềm tin cốt lõi không lành mạnh (unhealthy core beliefs) - chẳng hạn như không "đủ tốt" - đang nuôi dưỡng những yếu tố gây stress này, cô thường nhận thấy những thân chủ này đang đối diện với một vấn đề nghiêm trọng hơn như là lo âu (anxiety) hoặc kiệt sức (burnout).

ĐÓ CÓ PHẢI LÀ STRESS KHÔNG?

Các triệu chứng của stress và lo âu thường có vẻ giống nhau, nhưng Schroeder chỉ ra một điểm khác biệt chính: Nguồn gốc của stress thường là bên ngoài, trong khi lo âu có xu hướng là phản ứng bên trong. Schroeder có một cơ sở hành nghề tư nhân ở Denver và làm cố vấn tại The Mindful Therapists, một cơ sở tham vấn nhóm thuộc các khu vực ở Oak Cliff, Texas và Denver.

“Stress là trải nghiệm chung của các yếu tố thuộc về thể chất, tinh thần, cảm xúc và quan hệ, những yếu tố đó khiến con người và hệ thống thần kinh cảm thấy quá tải”, cô giải thích. Với stress, nhà tư vấn có thể nghe thân chủ nói: “Hiện tại tôi có rất nhiều việc đang diễn ra”, nhưng với lo âu, họ có thể nói, “Hiện tại tôi có rất nhiều việc đang diễn ra và tôi không biết mình sẽ làm thế nào xử lý nó.”

“Stress có thể xuất hiện một cách đột ngột [hoặc] không có sự cảnh báo trước”, Siobhan Flowers, một thành viên của Hiệp hội Tư vấn Hoa Kỳ-ACA (American Counseling Association) có chuyên môn về quản lý stress, lo âu và những chuyển đổi trong cuộc sống, lưu ý rằng: “Bản chất của stress thường ngắn hạn hơn, và lý tưởng là… một khi tác nhân gây stress được loại bỏ, thì không lâu sau đó, các triệu chứng stress có thể giảm đáng kể.”

Flowers, một chuyên viên giám sát cho các tham vấn viên chuyên nghiệp (LPC-S) ở Texas, người cũng có bằng tiến sĩ về tham vấn, nhận định rằng stess phân biệt được với lo âu vì các triệu chứng lo âu thường tiếp diễn ngay cả khi tác nhân gây stress đã được loại bỏ. Cô nói thêm rằng lo âu có thể gây ra tình trạng suy giảm chức năng đáng kể chẳng hạn như các cơn hoảng loạn (panic attacks).

Schroeder mô tả các dấu hiệu thể chất thường liên quan đến stress bao gồm căng cơ, nghiến chặt hàm, mệt mỏi, đau đầu, bồn chồn và đau nhức nói chung. Các triệu chứng về cảm xúc bao gồm cảm giác choáng ngợp, các trường hợp thường xuyên phản ứng theo cảm xúc, suy nghĩ miên man (racing thoughts), hay quên và khả năng giải quyết vấn đề kém. Các dấu hiệu hành vi có thể bao gồm giảm chất lượng giấc ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc cân nặng, sử dụng chất kích thích và có những khó khăn về quan hệ tình dục.

Keri Riggs, LPC-S tại Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc Sức khỏe New Directions ở Richardson, Texas, cho biết cả stress và lo âu đều liên quan đến cảm giác thúc bách và mong muốn tiếp tục cố gắng “khắc phục” vấn đề. Cô ấy thường giúp thân chủ làm rõ ý của họ khi họ nói rằng họ “quá căng thẳng” hoặc “quá tải”. Cô ấy yêu cầu họ mô tả ý nghĩa của những thuật ngữ này, nơi họ cảm thấy stress trong cơ thể và stress biểu hiện như thế nào trong cuộc sống của họ.

Tiếp theo, Riggs thảo luận về tần suất, cường độ và thời gian của các triệu chứng stress với thân chủ của cô để đánh giá vấn đề tốt hơn. Cô ấy hỏi liệu họ có cảm nhận được các yếu tố gây stress của họ là nhẹ (ví dụ: đi làm muộn), trung bình, nghiêm trọng hay thảm hại (ví dụ: đối phó với hậu quả của một cơn bão). Nhiều yếu tố gây stress cũng có thể làm phức tạp các vấn đề, vì vậy Riggs nói về các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống có thể gây stress cho thân chủ: Stress của họ chủ yếu liệu có liên quan về tài chính, các mối quan hệ, vấn đề liên quan đến công việc, sức khỏe hoặc tinh thần? Cô ấy cũng tìm hiểu xem liệu rằng nguồn gốc stress của họ là cấp tính (ví dụ như chiếc lốp xe bị xẹp) hay kinh niên (ví dụ, bệnh tự miễn, bạo lực gia đình, căng thẳng liên tục tại nơi làm việc).

ĐÓ CÓ PHẢI LÀ LO ÂU KHÔNG?

Ngoài việc là những phản ứng bên trong, lo âu còn khác với stress về cường độ và thời gian của nó. Schroeder cho biết các triệu chứng về thể chất có thể bao gồm nhịp tim nhanh, buồn nôn và đau dạ dày, thở nhanh hoặc khó thở, run rẩy hoặc rung giật và phản xạ giật mình quá mức. Thường xuyên lo lắng, suy nghĩ miên man và trầm tư, cảm giác bất lực, sợ hãi và hoảng sợ là những triệu chứng về cảm xúc. Các triệu chứng hành vi bao gồm mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, thay đổi cảm giác thèm ăn, sử dụng chất kích thích, không có khả năng hoàn thành các chức năng bình thường hàng ngày và khả năng cao hơn là tránh né mọi người và những hoạt động gây ra đau khổ, phiền muộn.

 “Việc thiếu niềm tin vào khả năng đối phó của một người, tận dụng các hỗ trợ bên trong và bên ngoài cũng như ban hành các kỹ năng giải quyết vấn đề và tự điều chỉnh là yếu tố phân biệt lo âu với stress,” Schroeder – Người đang là giáo viên yoga trị liệu.

Riggs, một thành viên ACA có chuyên môn về quản lý stress, lo âu và kiệt sức của phụ nữ, chỉ ra rằng lo âu được tập trung hướng về tương lai. Đó là về vấn đề "nếu xảy ra thì sao?" Ví dụ, nếu thân chủ có một cái bánh xe bị xẹp lốp và đi làm muộn, họ có thể bắt đầu lo lắng rằng họ sẽ mất việc vì họ cũng đã đến muộn vào tuần trước khi con họ bị ốm và vì gần đây họ cũng không làm việc được tốt. Thân chủ này nhanh chóng chuyển từ trạng thái stress do việc chiếc lốp xe bị xẹp sang khả năng bị sếp sa thải họ. Suy nghĩ đầy lo âu này là kết quả của những tác nhân gây stress tích tụ trong tuần qua và niềm tin nội tại của thân chủ là không đủ tốt. Và điều đó, Riggs thừa nhận, có thể gây thách thức cho việc xử lý stress và lo âu trong quá trình đánh giá.

Amanda Ruiz, một LPC ở Pennsylvania, thường làm việc với những thân chủ đang bị stress ở nơi làm việc và ở nhà và cảm thấy quá tải theo nhiều cách khác nhau. Họ cảm thấy lạc lõng, và mặc dù họ biết mình không ở trong tình trạng tốt, nhưng họ không chắc chắn về cách giải quyết nó, cô ấy nói. Cảm giác choáng ngợp này thường biểu hiện bằng sự lo âu: Họ ngủ không ngon giấc, suy nghĩ lan man vào giờ đi ngủ, họ không cảm thấy mình có thời gian để chăm sóc bản thân và họ cũng có những ranh giới không rõ ràng.

Ruiz, một thành viên ACA, cho biết thêm, những thân chủ này đến tham vấn vì họ nhận ra có điều gì đó không ổn và muốn được giúp đỡ, nhưng họ không nhất thiết dùng thuật ngữ “lo âu”. Thay vào đó, họ có thể nói rằng họ “bị quá tải”, “bị căng thẳng” hoặc “bị kéo theo quá nhiều hướng”. Ruiz giúp thân chủ hiểu lo âu là gì và họ có thể trải qua nó như thế nào mà không nhận ra. Đôi khi, cô đọc ra các triệu chứng của rối loạn lo âu tổng quát hoặc định nghĩa về lo âu trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM) và hỏi họ liệu những mô tả ấy có phù hợp với những gì họ trải qua thay vì chỉ được mô tả là bị “quá tải”.

Ruiz, người sáng lập và là nhà trị liệu sức khỏe tâm thần tại The Counseling Collective ở East Petersburg, Pennsylvania, cũng sử dụng các đánh giá lo âu như thang điểm Rối loạn lo âu tổng quát (Generalized Anxiety Disorder scale) và Bảng câu hỏi về sức khỏe bệnh nhân (Patient Health Questionnaire) không chỉ để chẩn đoán mà còn giúp cho mục đích giáo dục - để thu thập cơ sở định lượng cho thân chủ. Cô ấy yêu cầu thân chủ làm lại các bài đánh giá này từ ba đến bốn tháng một lần để xem liệu họ có tiến bộ hay không và như thế nào. Sau khi thực hiện đánh giá, thân chủ sẽ thảo luận kết quả với Ruiz và cô ấy thường hỏi họ cảm thấy đánh giá chính xác như thế nào. Ruiz cho biết thêm, việc để cho thân chủ nhìn thấy được sự tiến bộ của họ cũng là một cách tiếp cận hiệu quả dựa trên những ưu điểm.

Đôi khi stress và lo âu là những phần được trông đợi trong cuộc sống, nhưng nếu chúng không được giải quyết, cả hai đều có thể leo thang thành các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu. Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (Anxiety and Depression Association of America), các rối loạn lo âu, bao gồm rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn hoảng loạn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn stress sau sang chấn, là những bệnh tâm thần phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến 40 triệu người trưởng thành mỗi năm.

Ruiz cho biết các dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy thân chủ có thể đang đối mặt với chứng rối loạn lo âu bao gồm lo lắng dai dẳng kéo dài trong vài tháng, các cơn hoảng loạn và các triệu chứng cản trở hoạt động bình thường hàng ngày (ví dụ: mất ngủ khiến ai đó không thể đi làm được).

Ruiz cho biết, thân chủ thường sẽ nhận thấy giảm các triệu chứng stress và lo âu trong vòng sáu tháng sau khi được tham vấn, trừ khi họ mắc phải một tình trạng trầm trọng hơn. Cô ấy thường đánh giá lại từ sáu đến chín tháng sau khi tham vấn, và nếu sự lo âu của thân chủ vẫn ở mức cao mặc dù đã thực hiện các chiến lược ứng phó như thiết lập ranh giới lành mạnh hơn và tự điều chỉnh, thì cô ấy sẽ tìm hiểu khả năng mắc chứng rối loạn lo âu hoặc sự cần thiết phải dùng thuốc cho thân chủ.

ĐÓ CÓ PHẢI LÀ KIỆT SỨC KHÔNG?

Kiệt sức không phải là tình trạng xảy ra đột ngột; nó phát triển theo thời gian, Flowers nói. Nếu không được điều trị, stress sẽ phát triển thành stress mạn tính và cuối cùng chuyển sang kiệt sức (burnout). Cô giải thích: Stress khiến mọi người cảm thấy rằng họ đã có quá nhiều thứ để gánh vác, nhưng kiệt sức thì khiến người ta cảm thấy bị cạn kiệt (depleted), giống như họ không còn gì để cho.

Flowers, chủ sở hữu của Balanced Vision, một cơ sở hành nghề tư nhân ở Plano, Texas, đã phát hiện ra rằng những cụm từ như “Tôi chỉ là đang sống sót (survival mode)”, “Tôi kiệt quệ” và “Tôi đã rã rời” thường cho thấy rằng một thân chủ đang trải qua tình trạng kiệt sức.

Schroeder nói rằng người ta thường trải qua stress hoặc lo âu trong một thời gian dài trước khi biểu hiện kiệt sức. Cô ấy giải thích kiệt sức như là sản phẩm từ một hệ thống bị căng thẳng và quá tải. Schroeder nói: “Cơ thể của chúng ta không được chuẩn bị cho việc ở trong một trạng thái tăng hoạt hoặc trong trạng thái chiến-hay-chạy (fight-or-flight) trong thời gian dài. Nếu điều đó xảy ra thì “cơ thể… sẽ chuyển sang chế độ bảo vệ - hay còn gọi là tình trạng kiệt sức”.

Schroeder lưu ý rằng các dấu hiệu thể chất của sự kiệt sức tương tự như các dấu hiệu của stress và lo âu. Chúng bao gồm mệt mỏi, mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, thay đổi cảm giác thèm ăn và sử dụng caffein, cơ thể căng đờ hoặc nặng nề, và gia tăng tần suất bệnh tật. Một số triệu chứng về cảm xúc và hành vi như là cáu kỉnh, thờ ơ hoặc lặng lờ, mỉa mai, nghi ngờ bản thân hoặc tự phê phán bản thân, thiếu động lực, trì hoãn, cô lập, sử dụng chất, tiềm ẩn rối loạn ăn uống, và mất hứng thú trong cuộc sống.

Riggs nói rằng kiệt sức thường biểu hiện bằng sự buông bỏ (disengagement) - cả về thể chất và cảm xúc - và trạng thái ly giải nhân cách (depersonalization) (ví dụ: "Tôi bị làm sao vậy? Tôi không cảm thấy như là chính mình"). Cô ấy nói thêm rằng nó tập trung vào bên trong hơn. Những thân chủ đang phải vật lộn với tình trạng kiệt sức có thể giận chính bản thân vì đã không xử lý các tác nhân gây stress của họ tốt hơn.

Một trong những đồng nghiệp của Riggs từng mô tả kiệt sức là “cái chết bởi hàng nghìn vết cắt nhỏ”. Riggs cho rằng thường thì không có một điều đơn độc nào đó có thể gây ra kiệt sức. Đúng hơn, đó là đỉnh điểm của nhiều yếu tố gây stress từ từ hình thành cho đến khi đương sự không thể quản lý được nữa.

Một cách mà Riggs giúp thân chủ nhận thức rõ hơn về cường độ và thời gian của các tác nhân gây stress hiện tại của họ là yêu cầu họ lập nên một dòng thời gian (timeline). Ví dụ, một thân chủ có thể lưu ý rằng trong bốn tháng qua, họ đã: (1) Lo lắng về việc con mình bị bắt nạt ở trường; (2) Chăm sóc một thành viên lớn tuổi hoặc ốm yếu trong gia đình; (3) Xuất hiện một cơn hoảng loạn tại nơi làm việc và (4) Phải xoay trở với đại dịch.

Dòng thời gian (timeline) đóng vai trò như một lời nhắc nhở trực quan về mức độ họ đã phải gánh chịu về mặt tinh thần và cảm xúc và chỉ ra rằng họ có thể đang phải đối mặt với nhiều hơn mức độ stress thông thường. Riggs nói thêm, nó cũng giúp thân chủ bắt đầu hiểu về những trải nghiệm của họ và có thể tham gia vào việc tự yêu thương bản thân (self-compassion) thay vì tự căm ghét hoặc tự đổ lỗi cho bản thân.

Xem tiếp Phần 2


Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP: MẤU CHỐT CHO VIỆC THAM VẤN CÓ HIỆU QUẢ CAO - Phần 2

Case conceptualization: Key to highly effective counseling

Tác giả: JON SPERRYLEN SPERRY

Nguồn: Counseling Today – 7/12/2020

Dịch bởi HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu



Phần 2

TRƯỜNG HỢP MINH HỌA

Để minh họa cho quá trình này, chúng tôi sẽ cung cấp một trường hợp tiêu biểu để giúp bạn thực hành và sau đó áp dụng trường hợp này vào mô hình 8 chữ P của chúng tôi. Sẵn sàng chưa? Hãy thử xem.

Joyce là một nghiên cứu sinh 35 tuổi tại một trường đại học trực tuyến. Cô là người da trắng, có xu hướng tính dục dị tính (heterosexual) và cho biết rằng cô chưa bao giờ ở trong một mối quan hệ yêu đương nào. Cô ấy tự đến và đang tìm kiếm dịch vụ tham vấn để giảm bớt chứng lo âu kinh niên và lo âu xã hội (social anxiety) của mình. Gần đây cô bắt đầu công việc mới tại một hiệu sách - một yếu tố gây stress đã đưa cô ấy đến với tham vấn tâm lý. Cô cho biết đã cảm thấy rất lo âu khi phát biểu trong các lớp học trực tuyến của mình và trong các tình thế tiếp xúc xã hội. Cô lo lắng rằng cô sẽ không thể quản lý được sự lo âu của mình trong công việc mới vì cô ấy sẽ giữ vai trò quản lý.

Joyce cho biết cô đã rất hay lo lắng từ khi còn nhỏ. Trong quá khứ, cô đã phủ nhận việc trị liệu tâm lý hoặc tâm thần dưới bất kỳ hình thức nào nhưng chia sẻ rằng gần đây cô đã đọc một số cuốn sách “tự xử lý” (self-help books) về chứng lo âu. Cô cũng kiểm soát tình trạng stress của mình bằng cách dành thời gian cùng với người bạn thân ở lớp, dành thời gian cho hai chú chó của mình, cho việc vẽ và họa. Cô tỏ ra rất có động lực cho việc được tham vấn và nói rằng mục tiêu trị liệu của cô ấy là “quản lý và giảm bớt sự lo lắng của tôi, gia tăng sự tự tin của tôi và cuối cùng là có được một mối quan hệ lãng mạn”.

Joyce mô tả thời thơ ấu của cô là cô đơn và bản thân cô là "một người hướng nội tìm cách trở thành một người hướng ngoại". Cô nói rằng cha mẹ cô là những luật sư thành đạt, những người coi trọng thành công, thành tựu và sự công nhận của công chúng. Họ phê bình Joyce rất nhiều khi cô gặp khó khăn với việc học hoặc tỏ ra nhút nhát trong các tình huống xã hội. Là con một, cô thường chơi một mình và dành thời gian rảnh rỗi để đọc hoặc vẽ một mình.

Khi được hỏi về cách cô ấy nhìn nhận bản thân và những người khác, Joyce nói, “Tôi thường không cảm thấy mình đủ tốt và không có cảm giác thuộc về. Tôi thường cho rằng mọi người tự cho mình là trung tâm, hay chỉ trích và phán xét”.

BẢN PHÁC THẢO ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP (Case conceptualization outline)

Chúng tôi đề nghị bạn nên phát triển một định hình trường hợp với một phác thảo gồm các cụm từ chính (an outline of key phrases) cho mỗi một trong số tám chữ P [Xem lại Phần 1 – ND]. Dưới đây là cách mà những cụm từ này có thể được trình bày cho trường hợp của Joyce. Sau đó, các cụm từ này được kết hợp với nhau thành các câu tạo thành một tuyên bố định hình trường hợp (a case conceptualization statement) để có thể được đưa vào báo cáo đánh giá ban đầu của bạn (initial evaluation report).

Tình trạng hiện tại: Các triệu chứng lo âu tổng thể và lo âu xã hội

Yếu tố gia tăng nguy cơ: Công việc mới và mối bận tâm về việc quản lý sự lo âu của cô ấy

Khuôn mẫu (kém thích nghi): Tránh gần gủi để tránh cảm thấy tổn thương

Cơ địa/Bẩm tố:

• Sinh học: Tiền sử lo âu của nhà nội

• Tâm lý: Xem bản thân là thiếu sót và những người khác là có tính phán xét; thiếu kỹ năng quyết đoán, kỹ năng tự xoa dịu bản thân và kỹ năng quan hệ

• Xã hội: Ít bạn bè, tiền sử mắc chứng lo âu xã hội và cha mẹ là những người rất thành công và hay chỉ trích

• Văn hóa: Không có căng thẳng tiếp biến văn hóa hoặc các tác nhân gây căng thẳng về văn hóa mà căng thẳng do tình trạng kinh tế xã hội của tầng-lớp-thượng-trung-lưu, cũng do xuất thân có đặc quyền – để tiếp cận các dịch vụ và tài nguyên

Yếu tố duy trì: Hệ thống hỗ trợ yếu; niềm tin rằng cô ấy không đủ năng lực trong công việc

Yếu tố bảo vệ/nguồn lực: Lòng trắc ẩn, ứng phó sáng tạo, quyết tâm, chăm chỉ, có tiếp cận các nguồn lực khác nhau, có động lực để được tham vấn

Kế hoạch (điều trị): Tham vấn hỗ trợ và dựa trên nguồn lực, kiểm tra suy nghĩ, tự giám sát, thực hành mindfulness, kỹ thuật mũi tên hướng xuống, huấn luyện kỹ năng ứng phó và kỹ năng về mối quan hệ, giới thiệu đến tham vấn nhóm

Tiên lượng: Tốt, do động lực điều trị của cô ấy và mức độ tích hợp các nguồn lực và yếu tố bảo vệ của cô ấy vào quá trình điều trị

PHÁT BIỂU ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP (Case conceptualization statement)

Joyce biểu hiện các triệu chứng lo âu tổng quát (generalized anxiety symptoms) và lo âu xã hội (tình trạng hiện tại). Một sự kiện kích hoạt gần đây bao gồm công việc mới của cô ấy tại một cửa hàng sách địa phương - cô ấy lo ngại rằng mình sẽ mắc lỗi và sẽ bị lo âu ở mức độ cao (yếu tố gia tăng nguy cơ). Cô ấy thể hiện một tính cách – hoặc kiểu gắn bó – né tránh và thường tránh các mối quan hệ thân thiết. Cô ấy có một người bạn thân và chưa bao giờ có mối quan hệ yêu đương. Cô ấy thường tránh xa những người khác để tránh bị chỉ trích, đánh giá hoặc từ chối (khuôn mẫu). Một số yếu tố duy trì bao gồm hệ thống hỗ trợ hạn chế của cô ấy và niềm tin của cô ấy rằng cô ấy không đủ năng lực trong công việc (yếu tố duy trì).

Một số yếu tố bảo vệ và nguồn lực của cô ấy bao gồm lòng trắc ẩn, sử dụng nghệ thuật và âm nhạc để ứng phó với căng thẳng, quyết tâm và chăm chỉ, và tính hợp tác trong mối quan hệ trị liệu. Các yếu tố bảo vệ bao gồm việc cô ấy có một người bạn thân từ thời đi học, được tiếp cận với các dịch vụ của trường đại học như dịch vụ tham vấn, câu lạc bộ và tổ chức sinh viên, có động lực để tham gia vào tiến trình tham vấn và có bảo hiểm y tế (nguồn lực và yếu tố bảo vệ).

Các yếu tố sinh lý-tâm lý-xã hội sau đây có thể giải thích các triệu chứng lo âu và kiểu nhân cách né tránh của Joyce (avoidant personality style): tiền sử lo âu của bên nội (sinh học); cô ấy xem bản thân là thiếu sót và những người khác là có tính chỉ trích và phán xét, và cô ấy phải vật lộn với những thiếu sót về kỹ năng quyết đoán, kỹ năng tự xoa dịu bản thân và kỹ năng về mối quan hệ (tâm lý); cô ấy có ít bạn bè, tiền sử mắc chứng lo âu xã hội và cha mẹ là những người rất thành công và hay chỉ trích cô ấy (xã hội). Với sự giáo dục từ tầng lớp “trung-thượng-lưu” của Joyce, cô ấy lại được sinh ra trong một cuộc sống đầy cơ hội và đặc quyền, vì vậy, việc cuộc sống của cô vốn ở trên một con đường lý tưởng và thoải mái cũng có thể lý giải cho việc cô ấy đối diện với những thách thức trong việc quản lý căng thẳng trong cuộc sống (văn hóa).

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho một mối quan hệ tham vấn mang tính hỗ trợ, thấu cảm và khuyến khích cao, việc trị liệu sẽ bao gồm cả huấn luyện kỹ năng giáo dục tâm lý để phát triển kỹ năng quyết đoán, kỹ năng tự xoa dịu bản thân và kỹ năng về mối quan hệ. Những kỹ năng này sẽ được thực tập thông qua mô hình hóa (modeling – làm mẫu), diễn tập trong phiên (in-session rehearsal) và đóng vai (role-play). Những thách thức mà cô ấy gặp phải về các kỹ năng quan hệ và khuôn mẫu tương tác liên cá nhân cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc giới thiệu cô đến một nhóm trị liệu tại trung tâm tham vấn của trường đại học. Các triệu chứng tự-thoại tiêu cực (negative self-talk), né tránh người khác (interpersonal avoidance) và lo âu của Joyce sẽ được giải quyết bằng kỹ thuật câu hỏi Socrate (Socratic questioning), kiểm định suy nghĩ (thought testing), tự theo dõi (self-monitoring), thực hành sự tỉnh thức (mindfulness) và kỹ thuật mũi tên hướng xuống (downward arrow technique) (kế hoạch trị liệu).

Kết quả trị liệu với Joyce được dự đoán là tốt, giúp cô có động lực điều trị, nếu nguồn lực và yếu tố bảo vệ của cô được tích hợp vào quá trình điều trị (tiên lượng).

****

Hãy lưu ý cách kế hoạch điều trị được nhắm vào các triệu chứng đang thể hiện (presenting symptoms) và động lực của khuôn mẫu (pattern dynamics) trong trường hợp của Joyce. Mỗi chữ P trong số tám chữ P đã được xác định trong định hình trường hợp và bạn có thể thấy dòng chảy của từng yếu tố và những liên hệ qua lại của nó với các yếu tố khác.

MỘT VÀI GỢI Ý ĐỂ VIẾT ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP HIỆU QUẢ

1) Tìm kiếm sự tư vấn hoặc giám sát với một đồng nghiệp hoặc người giám sát để có phản hồi về các định hình trường hợp của bạn. Thông thường, một góc nhìn khác sẽ giúp bạn hiểu các yếu tố khác nhau (tám chữ P) mà bạn đang cố gắng định hình.

2) Hãy linh hoạt với các giả thuyết và phỏng đoán trị liệu của bạn khi ghép các phần trong định hình trường hợp lại với nhau. Đôi khi linh cảm của bạn sẽ chính xác, và đôi khi bạn lại có thể bị đi chệch hướng.

3) Cân nhắc hỏi thân chủ xem họ sẽ giải thích vấn đề hiện tại của họ như thế nào. Chúng tôi bắt đầu bằng một câu hỏi, chẳng hạn như, "Bạn có thể giải thích như thế nào về (các triệu chứng, xung đột, v.v.) mà bạn đang gặp phải?" Quan điểm của thân chủ có thể tiết lộ các yếu tố khuynh hướng quan trọng và ảnh hưởng văn hóa cũng như kỳ vọng của họ đối với việc điều trị.

4) Hãy CHẤP NHẬN việc không hoàn hảo hoặc sai hoàn toàn. Quá trình này cần thực hành, phản hồi và giám sát.

5) Sau mỗi lần tiếp nhận hoặc đánh giá ban đầu, hãy ghi lại các động năng (dynamics) hiện tại và đưa ra một số phỏng đoán về động cơ hoặc căn nguyên của chúng.

6) Có hiểu biết vững chắc về ít nhất một mô hình lý thuyết nào đó. Đọc một số sách giáo khoa hoặc xem video lý thuyết tham vấn để giúp bạn có được đánh giá toàn diện về một lý thuyết cụ thể. Biết những ý tưởng cơ bản của ít nhất một lý thuyết sẽ giúp bạn có được một bản đồ khái niệm (conceptual map) giúp tổng hợp những thông tin mà bạn đã thu thập được về thân chủ.

Chúng tôi nhận thấy rằng việc tập hợp các định hình trường hợp lại với nhau có thể là một thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ thấy rằng cách tiếp cận này phù hợp với bạn. Gửi đến bạn lời chúc tốt đẹp nhất!

****

Để biết thêm thông tin và cách học và sử dụng cách tiếp cận này để hình thành định hình trường hợp, hãy xem ấn bản thứ hai của cuốn sách được xuất bản gần đây của chúng tôi, Định hình trường hợp: Làm chủ năng lực này một cách dễ dàng và tự tin (Conceptualization: Mastering This Competency With Ease and Confidence.).

Ngoài ra, Len và Jon Sperry đã xuất bản một cuốn sách mới vào tháng 11 năm 2021, có tựa đề Định hình trường hợp 15 phút: Làm chủ phương pháp tiếp cận Tập trung vào Khuôn mẫu (The 15 Minute Case Conceptualization: Mastering the Pattern-Focused Approach).

****

Jon Sperry là phó giáo sư tham vấn sức khỏe tâm thần lâm sàng tại Đại học Lynn ở Florida. Ông giảng dạy, viết và nghiên cứu về định hình trường hợp và tổ chức các hội thảo về định hình trường hợp trên toàn thế giới. Liên hệ với ông tại jsperry@lynn.edu hoặc truy cập trang web của ông tại drjonsperry.com.

Len Sperry là giáo sư về giáo dục tham vấn tại Đại học Florida Atlantic và là thành viên của Hiệp hội Tham vấn tâm lý Hoa Kỳ. Ông từ lâu đã ủng hộ việc các chuyên viên tham vấn phải học tập và sử dụng định hình trường hợp, và nhóm nghiên cứu của ông đã hoàn thành 8 nghiên cứu về việc này. Liên hệ với ông tại lsperry@fau.edu.

Các bài viết Chia sẻ kiến thức được phát triển từ các phiên trình bày tại các hội nghị của Hiệp hội Tham vấn tâm lý Hoa Kỳ.


Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP: MẤU CHỐT CHO VIỆC THAM VẤN CÓ HIỆU QUẢ CAO - Phần 1

Case conceptualization: Key to highly effective counseling

Tác giả: JON SPERRYLEN SPERRY

Nguồn: Counseling Today – 7/12/2020

Dịch bởi HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu



Phần 1

Trong phiên làm việc đầu tiên, người thực tập sinh (đang thực hành nghiệp vụ tham vấn - ND) biết rằng con trai của Jane đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não. Sau đó, nhà trị liệu đã gợi ra những suy nghĩ và cảm xúc của thân chủ về chẩn đoán của con trai cô. Jane bày tỏ cảm giác tội lỗi và nghĩ rằng nếu cô ấy lưu tâm nhiều hơn về những triệu chứng ban đầu, thì điều này sẽ không bao giờ xảy ra với con trai cô ấy. Nghe được suy nghĩ gây ra cảm giác tội lỗi này, người thực tập sinh đã dành phần lớn thời gian còn lại của phiên để tranh luận về nó. Khi phiên trị liệu kết thúc, thân chủ càng thấy nản lòng hơn.

Sau khi phiên trị liệu này được xử lý trong giám sát, người thực tập sinh không còn ngạc nhiên khi Jane đã không giữ cuộc hẹn tiếp theo. Phiên đầu tiên đã diễn ra vào gần cuối tuần thứ hai của kỳ thực tập và cô ấy đã háo hức thực hành khả năng tranh luận nhận thức, điều mà cô ấy tin là phù hợp trong trường hợp này. Để trả lời câu hỏi của người giám sát về lý do tại sao cô ấy lại kết luận điều này, thực tập sinh trả lời rằng mình đã “cảm thấy điều đó đúng”.

Người giám sát không ngạc nhiên trước câu trả lời này vì thực tập sinh này chưa xây dựng một “định hình trường hợp” [case conceptualization – hoặc có thể dịch là “khái niệm hoá trường hợp” – ND]. Khi có định hình trường hợp, thực tập sinh đã có thể lường trước được tầm quan trọng của việc thiết lập ngay một liên minh trị liệu hiệu quả và có tính cộng tác (effective and collaborative therapeutic alliance), đồng thời nhẹ nhàng xử lý tình trạng đau khổ của Jane một cách phù hợp trước khi đối diện với những suy nghĩ gây ra cảm giác tội lỗi của cô ấy.

Tuy nhiên, việc không thiết lập được một định hình trường hợp phù hợp và đầy đủ không chỉ là thiếu sót của các thực tập sinh mà nó cũng tương đối phổ biến trong số các nhà tham vấn có kinh nghiệm.

ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP LÀ GÌ?

Về cơ bản, định hình trường hợp là một tiến trình và là một bản đồ nhận thức (cognitive map) để hiểu và giải thích các vấn đề đang hiện diện của thân chủ và để dẫn dắt tiến trình tham vấn. Định hình trường hợp cung cấp cho các nhà tham vấn một kế hoạch nhất quán để tập trung vào các can thiệp điều trị, bao gồm cả việc xây dựng một liên minh trị liệu, để tăng khả năng đạt được các mục tiêu trị liệu.

Chúng tôi sẽ sử dụng định nghĩa từ mô hình định hình trường hợp tích hợp (integrated case conceptualization model) của chúng tôi để trình bày thuật ngữ nhằm mục đích giải thích cách tận dụng tiến trình này. Định hình trường hợp là một phương pháp và chiến lược lâm sàng để thu thập và sắp xếp thông tin về thân chủ, hiểu và giải thích tình trạng của thân chủ và khuynh hướng thích nghi kém, điều trị có định hướng và tập trung, dự đoán những thách thức và rào cản cũng như chuẩn bị cho việc kết thúc thành công.

Chúng tôi tin rằng định hình trường hợp là năng lực tham vấn quan trọng nhất bên cạnh việc phát triển một liên minh trị liệu mạnh mẽ. Nếu niềm tin của chúng tôi là đúng, tại sao kỹ năng này không được dạy thường xuyên trong các chương trình đào tạo sau đại học, và tại sao các tham-vấn-viên-đang-trong-đào-tạo (counselors-in-training) phải chật vật trong việc phát triển kỹ năng này? Chúng tôi nghĩ rằng định hình trường hợp có thể được giảng dạy trong các chương trình đào tạo sau đại học và các tham vấn viên đang hành nghề có thể phát triển năng lực này thông qua đào tạo liên tục và thực hành có chủ ý.

Bài viết này sẽ trình bày rõ một phương pháp để thực hành định hình trường hợp.

TÁM CHỮ P

Chúng tôi sử dụng và giảng dạy mô hình định hình trường hợp tám chữ P vì nó ngắn gọn, dễ học và dễ sử dụng. Các học viên và tham vấn viên trong cộng đồng hành nghề đã tham gia hội thảo của chúng tôi nói rằng mô hình từng bước một này hướng dẫn họ hình thành một bức tranh tâm trí – một bản đồ nhận thức – của thân chủ. Họ nói rằng nó cũng hỗ trợ họ trong việc đưa ra quyết định trị liệu và viết báo cáo đánh giá ban đầu (initial evaluation report).

Mô hình này dựa trên tám yếu tố để trình bày rõ ràng và giải thích bản chất và nguồn gốc của tình trạng hiện tại và hướng trị liệu tiếp theo cho thân chủ. Các yếu tố này được mô tả theo tám chữ P: Presentation (hiện trạng), Predisposition (cơ địa/bẩm tố - bao gồm cả văn hóa), Precipitants (yếu tố gia tăng nguy cơ), Protective factors and strengths (yếu tố bảo vệ và nguồn lực), Pattern (khuôn mẫu), Perpetuants (yếu tố duy trì), Plan (kế hoạch trị liệu) và Prognosis (tiên lượng).

Trình bày hiện trạng (Presentation)

Trình bày hiện trạng là một mô tả về bản chất và mức độ nghiêm trọng của biểu hiện lâm sàng của thân chủ. Thông thường, điều này bao gồm các triệu chứng, những nỗi bận tâm cá nhân và các xung đột liên cá nhân.

Bốn trong số các chữ P khác (predisposition, precipitants, pattern and perpetuants) – cơ địa/bẩm tố, yếu tố gia tăng nguy cơ, khuôn mẫu và yếu tố duy trì – cung cấp sự lý giải hữu ích về mặt lâm sàng cho mối bận tâm hiện tại của thân chủ.

Cơ địa/bẩm tố (Predisposition)

Đây là tất cả các yếu tố khiến một cá nhân dễ bị tổn thương bởi tình trạng lâm sàng. Các yếu tố cơ địa hoặc bẩm tố thường liên quan đến các yếu tố về sinh học, tâm lý, xã hội và văn hóa.

Cách tuyên bố này chịu ảnh hưởng bởi sự định hướng về lý thuyết của nhà tham vấn. Mỗi mô hình lý thuyết sẽ tán thành một cách hiểu về nguyên nhân gây đau khổ, sự phát triển của các đặc điểm nhân cách và tiến trình để sự thay đổi và chữa lành có thể diễn ra trong tham vấn tâm lý. Chúng tôi sẽ sử dụng mô hình sinh học-tâm lý-xã hội (biopsychosocial model) trong bài viết này vì nó là mô hình phổ biến nhất được các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần sử dụng. Mô hình này sẽ thống hợp nên một sự hiểu biết toàn diện (holistic understanding) về thân chủ.

Sinh học: Các yếu tố sinh học bao gồm các yếu tố di truyền, có tính gia đình, khí chất (temperament) và những yếu tố y khoa, chẳng hạn như tiền sử rối loạn tâm thần hoặc lạm dụng chất của gia đình hoặc tình trạng tim mạch như tăng huyết áp.

Tâm lý: Các yếu tố tâm lý có thể bao gồm các niềm tin loạn chức năng (dysfunctional beliefs) liên quan đến sự kém cỏi, chủ nghĩa hoàn hảo hoặc phụ thuộc quá mức (inadequacy, perfectionism or overdependence), những yếu tố này xa hơn nữa là có thể đẩy cá nhân đến một tình trạng y khoa như bệnh động mạch vành (coronary artery disease). Các yếu tố tâm lý cũng có thể liên quan đến các kỹ năng xã hội bị hạn chế hoặc bị phóng đại như thiếu kỹ năng kết bạn, thiếu quyết đoán (unassertiveness) hoặc quá hung hăng (overaggressiveness).

Xã hội: Các yếu tố xã hội có thể bao gồm những mất mát thời thơ ấu, phong cách nuôi dạy con cái không nhất quán, môi trường gia đình quá thù hận hoặc tách biệt và cả các giá trị gia đình như tính cạnh tranh hoặc tính chỉ trích. Các yếu tố gây căng thẳng về tài chính có thể làm trầm trọng thêm các biểu hiện lâm sàng của thân chủ. Yếu tố “xã hội” trong mô hình sinh học-tâm lý-xã hội bao gồm cả các yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, chúng tôi đã cho tách riêng các yếu tố này.

Văn hóa: Trong số nhiều yếu tố văn hóa, có ba yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc hình thành định hình trường hợp hiệu quả: mức độ tiếp biến văn hóa (level of acculturation), căng thẳng do tiếp biến (acculturative stress) và căng thẳng đặc trưng cho tiếp biến văn hóa (acculturation-specific stress). Tiếp biến văn hóa là quá trình thích nghi với một nền văn hóa khác với nền văn hóa ban đầu của một người. Thích nghi với một nền văn hóa khác có xu hướng gây ra căng thẳng và điều này được gọi là căng thẳng do tiếp biến văn hóa. Sự thích nghi đó được thể hiện qua nhiều mức độ tiếp biến văn hóa từ thấp đến cao. [Một từ thông dụng khác là “hội nhập văn hoá” – ND]

Nói chung, những thân chủ có mức độ tiếp biến văn hóa thấp hơn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những thân chủ có mức độ tiếp biến văn hóa cao. Sự chênh lệch về mức độ tiếp biến văn hóa trong một gia đình được ghi nhận thông qua những xung đột trong việc sử dụng ngôn ngữ, kế hoạch nghề nghiệp và việc trung thành với các lựa chọn thực phẩm và nghi thức của gia đình. Căng thẳng do tiếp biến văn hóa khác với những căng thẳng đặc trưng cho quá trình tiếp biến văn hóa như phân biệt đối xử (discrimination), năng lực sử dụng ngôn ngữ thứ hai (second-language competence) và những công kích mức độ nhỏ (microaggressions).

Yếu tố gia tăng nguy cơ (Precipitants)

Yếu tố gia tăng nguy cơ ngụ ý về các yếu tố gây stress về thể chất, tâm lý và xã hội có thể gây ra hoặc xảy ra cùng lúc với sự xuất hiện của các triệu chứng hoặc xung đột quan hệ. Chúng có thể bao gồm các yếu tố gây stress về thể chất như chấn thương, đau đớn, tác dụng phụ của dược chất hoặc hội chứng cai (withdrawal) từ các chất gây nghiện. Các yếu tố gây stress tâm lý thường gặp bao gồm những mất mát, bị chối bỏ hoặc những thất vọng làm suy giảm ý thức về năng lực cá nhân. Các yếu tố gây căng thẳng xã hội có thể liên quan đến những mất mát hoặc bị từ chối làm suy yếu địa vị và hỗ trợ xã hội của một cá nhân. Bao gồm bệnh tật, cái chết hoặc việc nhập viện của một người quan trọng khác, giáng chức trong công việc, mất các khoản thanh toán do mất khả năng từ dịch vụ an sinh xã hội, v.v.

Các yếu tố bảo vệ và những thế mạnh/nguồn lực (Protective factors and strengths)

Các yếu tố bảo vệ là các yếu tố làm giảm khả năng phát triển một tình trạng lâm sàng. Ví dụ bao gồm các kỹ năng ứng phó, một hệ thống hỗ trợ tích cực, một phong cách gắn bó an toàn và kinh nghiệm rời bỏ một mối quan hệ lạm dụng. Sẽ rất hữu ích khi coi các yếu tố bảo vệ là tấm gương đối lập với các yếu tố nguy cơ (tức là các yếu tố làm tăng khả năng phát triển một tình trạng lâm sàng). Một số ví dụ về các yếu tố nguy cơ là sang chấn sớm, niềm tin tự thất bại, các mối quan hệ lạm dụng, tự làm hại bản thân và có ý định tự sát.

Liên quan đến các yếu tố bảo vệ là nguồn lực/thế mạnh (strengths). Đây là những quá trình tâm lý luôn cho phép các cá nhân suy nghĩ và hành động theo những cách có lợi cho bản thân và những người khác. Ví dụ về nguồn lực bao gồm sự tỉnh thức (mindfulness), khả năng tự chủ (self-control), năng lực vượt khó (resilience) và sự tự tin (self-confidence). Bởi vì tham vấn chuyên nghiệp nhấn mạnh đến nguồn lực và các yếu tố bảo vệ, nhà tham vấn nên cảm thấy được hỗ trợ trong việc xác định và kết hợp các yếu tố này để họ có thể hình thành những định hình trường hợp.

Yếu tố tạo khuôn (kém thích nghi) - Pattern (maladaptive)

Sự tạo khuôn chỉ những phong cách hoặc thể thức kiên định và có thể đoán trước trong đó một người suy nghĩ, cảm nhận, hành xử, ứng phó và bảo vệ bản thân cả trong những hoàn cảnh gây stress lẫn không gây stress. “Khuôn mẫu” vừa có những tính chất về thể lý (chẳng hạn một phong cách sống tĩnh tại, ít vận động, hoặc một phong cách theo kiểu “coronary-prone”), vừa về mặt tâm lý (ví dụ: phong cách phụ thuộc hoặc rối loạn nhân cách phụ thuộc), và cả về mặt xã hội (ví dụ sự thông đồng, toa rập với các vấn đề hôn nhân của một người thân…). Các khuôn mẫu cũng có thể bao gồm những thế mạnh trong chức năng của một cá nhân, giúp đối trọng lại với tình trạng mất chức năng.

[Chú thích: “coronary-prone lifestyle” – Trong nguyên văn – chỉ về những phong cách ứng xử theo kiểu hành vi Type A, có tính cạnh tranh, tham vọng, ít kiên nhẫn, dễ có “khuynh hướng bị bệnh mạch vành” – ND]

Yếu tố duy trì (Perpetuants)

Yếu tố duy trì đề cập đến các quá trình mà qua đó khuôn mẫu của một cá nhân được củng cố và bén rễ sâu vào cả bản thân họ lẫn môi trường sống của họ. Các quá trình này có thể là về mặt thể lý, chẳng hạn như suy giảm khả năng miễn dịch hoặc “ăn quen” với những chất gây nghiện; cũng có thể về mặt tâm lý, chẳng hạn như mất hy vọng hoặc lo sợ hậu quả của việc hồi phục; hoặc về mặt xã hội, chẳng hạn như thông đồng với các thành viên gia đình hoặc các tác nhân để duy trì hành vi rối loạn chức năng thay vì là hướng đến phục hồi và tăng trưởng. Đôi khi các yếu tố gia tăng nguy cơ có thể kéo dài và trở thành những yếu tố duy trì.

Kế hoạch trị liệu - Plan (treatment)

Việc lên kế hoạch đề cập đến một can thiệp trị liệu có kế hoạch, bao gồm các mục tiêu, chiến lược và phương pháp trị liệu. Nó bao gồm các cân nhắc về việc ra quyết định lâm sàng và các cân nhắc về đạo đức (clinical decision-making considerations and ethical considerations).

Tiên lượng (Prognosis)

Tiên lượng đề cập đến đáp ứng có thể dự kiến của đương sự đối với việc trị liệu. Việc dự báo này dựa trên một sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ, nguồn lực/thế mạnh và sự sẵn sàng thay đổi của thân chủ cũng như kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của nhà tham vấn trong việc tạo ra sự thay đổi trong trị liệu.

Xem tiếp Phần 2

TRƯỜNG HỢP MINH HỌA

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...