Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

MỘT ĐỨA TRẺ HAI TUỔI VÀO BỆNH VIỆN - Phần 2

Tựa gốc bài viết: "Cô y tá! Con Muốn Mẹ!” - Sự đồng cảm như một phương pháp luận trong Phim tài liệu "Một đứa trẻ hai tuổi đến bệnh viện" (1952)

“Nurse! I Want My Mummy!” - Empathy as Methodology in the Documentary Film "A Two-Year-Old Goes to Hospital" (1952)

Tác giả: JUSTYNA WIERZCHOWSKA
Nguồn: pismowidok.org
View: Theories and Practices of Visual Culture (Phiên bản tiếng Anh)
Widok. Teorie i Praktyki Kultury Wizualnej (Phiên bản tiếng Ba lan)

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Laura - Nhân vật chính trong phim A Two-Year-Old Goes to Hospital


Xem lại Phần 1

Phần 2

MỘT ĐỨA TRẺ HAI TUỔI VÀO BỆNH VIỆN

A Two Year Old Goes to Hospital là bộ phim nổi tiếng nhất trong số các bộ phim của Robertson kể về sự chia ly giữa cha mẹ và con cái. Giờ đây được coi là một tác phẩm kinh điển, nó đã được trình chiếu cho rất nhiều khán giả chuyên nghiệp lẫn khán giả bình dân trên khắp thế giới. Bộ phim được thực hiện với kinh phí 150 bảng Anh (một khoản vay để chi trả cho việc mua bộ phim chỉ 80 phút), đã đạt được vị thế “tầm quan trọng của quốc gia và lịch sử” và một bản sao được lưu trữ tại Văn khố Quốc gia Anh. Nó được quay tại Bệnh viện Trung tâm Middlesex ở Luân Đôn và được thực hiện dưới sự bảo trợ của Bệnh viện Tavistock (Tên đầy đủ: Tavistock Clinic of Human Relations). Bộ phim được James Robertson và John Bowlby trình bày lần đầu tiên vào năm 1952 trước Phân hội Nhi khoa của Hiệp hội Y khoa Hoàng gia, bao gồm một lượng lớn khán giả là bác sĩ và điều dưỡng.

Việc sản xuất trở nên nổi tiếng ngay lập tức và tạo ra phản ứng dữ dội. Một mặt, hai tạp chí y khoa hàng đầu của Anh, The British Medical JournalThe Lancet, đã ưu ái xem xét khi sàng lọc các số phát hành của họ trong năm 1952.

The British Medical Journal đánh giá bộ phim là "chân thực", không nghi vấn gì về sự tuyệt vọng của Laura và đặt câu hỏi liệu sự xa cách giữa mẹ và con có thể gây ra "tổn thương vĩnh viễn" cho đứa trẻ hay không. The Lancet khẳng định rằng “các bác sĩ và y tá có thể làm được nhiều điều để giúp giảm thiểu số lượng các cuộc chia cách giữa mẹ và con.” Robertson và John Bowlby, sau buổi ra mắt, đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các chuyên gia nhi khoa. Sự phản kháng này khiến họ nhận ra rằng “chủ đề này quá chấn động” nên bộ phim “phải được giữ lại không cho phát hành cho đến khi các chuyên gia có thời gian giải quyết vấn đề đó, kẻo sẽ gây ra sự bất bình sớm của công chúng đối với việc điều trị bệnh nhân trẻ em và kích thích các cuộc tấn công vào các bệnh viện và gây ra những phản ứng kháng cự cứng rắn”. Robertson đặc biệt đứng trước sự chỉ trích trên cơ sở rằng bộ phim đã "vu khống ngành nhi khoa" và do đó "nên bị rút lại".

Một số lý do có thể được tìm thấy cho nhân vật "gây chấn động" của bộ phim. Vào thập niên 1950, lời buộc tội phổ biến nhất đến từ các nhân viên y tế, những người thường không nhận ra được nỗi khổ của trẻ em. Hầu hết các bác sĩ đều tin rằng những đứa trẻ được đưa vào các khoa nhi “đã được ổn định” với điều kiện mới và rằng Robertson đã quay phim một “đứa trẻ không điển hình của các bậc cha mẹ không điển hình trong một bệnh khoa không điển hình”. Việc từ chối nhận ra sự tuyệt vọng của những bệnh nhi như thế đã khiến Robertson không khỏi lo lắng, thậm chí còn hơn thế nữa khi bộ phim ra mắt và chỉ có quan điểm của một vài nhà chuyên môn được chuyển đổi ngay lập tức. Trong một ấn phẩm hồi tưởng những năm 1970, Robertson đưa ra một ví dụ đáng kinh ngạc nhất về một vị bác sĩ nhi khoa, Tiến sĩ Dermod MacCarthy tại Bệnh viện Đa khoa Amersham, người đã nói rằng bộ phim ban đầu khiến ông tức giận nhưng sau khi xem nó, ông “lần đầu tiên thực sự nghe thấy tiếng khóc của trẻ con”. Việc một bác sĩ nhi khoa lần đầu tiên bắt đầu nghe thấy tiếng khóc của trẻ con đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự “áp chế tập thể” (collective repression) đang diễn ra ở các khoa nhi vào thập niên 1950.

Đáng chú ý là sự thôi thúc thực hiện phim A Two-Year-Old Goes to Hospital đến từ sự đồng cảm của chính Robertson với những đứa trẻ nằm viện. Trong nhiều năm, trong quá trình làm việc tại Tavistock ở London, Bệnh viện Trung tâm Middlesex và các bệnh viện khác, Robertson đã trải qua cảm giác thất bại trong nỗ lực truyền đạt cho các chuyên gia y tế về điều mà anh gọi là “sự vô nhân đạo của nhi khoa”. Hơn nữa, ông cũng cảm thấy rằng mình đã không thể mô tả hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề với các đồng nghiệp của mình tại Tavistock Clinic. Chính cảm giác thất bại trong giao tiếp với đồng nghiệp đã khiến Robertson phải làm bộ phim A Two-Year-Old Goes to Hospital. Sau những nỗ lực kéo dài để truyền đạt mối quan tâm của mình với đồng nghiệp, ông hiểu ra rằng chỉ riêng ngôn ngữ là không đủ để đại diện cho sự tuyệt vọng sâu thẳm của bọn trẻ. Ông quyết định mình cần có một phương tiện trực quan, một phương tiện tuân thủ các tiêu chuẩn của khoa học, đồng thời, một phương tiện có thể “vượt qua những trở lực trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em”. Ông tin rằng “giao tiếp bằng hình ảnh sẽ xuyên thủng hàng rào phòng thủ ấy khi lời nói không thể làm được”. Đó là nguồn gốc của việc làm nên bộ phim A Two-Year-Old Goes to Hospital.

Hoàn cảnh sản xuất bộ phim dường như đi ngược lại với mục tiêu của Robertson. Mặc dù nhân vật chính, Laura, được chọn ngẫu nhiên từ danh sách chờ của bệnh viện, Robertson vẫn lo lắng về sự lựa chọn này. Ông cảm thấy rằng cô bé có vẻ rất thành thục và tự chủ hơn rất nhiều so với tuổi của mình, ít phản ứng cực đoan hơn so với phần lớn các trẻ cùng trang lứa. Ông dự đoán rằng bộ phim có thể trở nên quá tinh tế để được coi là đại diện cho nỗi kinh hoàng mà một đứa trẻ hai tuổi phải chịu đựng khi bị bỏ lại một mình trong bệnh viện. Tuy nhiên, ngay cả với khả năng tự kiềm chế của cô bé, bộ phim vẫn chứa đựng một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ đủ để kích thích sự đồng cảm của người xem.

Phim ghi lại cảnh cô bé Laura, 2 tuổi 5 tháng, phải nhập viện 8 ngày để mổ thoát vị rốn. Cô bé là con một, và chưa bao giờ đến một nơi có địa hình, sinh hoạt và con người xa lạ, cùng các thủ tục y tế khó hiểu và đáng sợ như thế. Cô bé cũng chưa bao giờ rời khỏi sự chăm sóc của mẹ mình. Cô bé còn quá nhỏ để hiểu rằng bố mẹ - đặc biệt là mẹ - sẽ không ở lại với cô. Trong suốt bộ phim, người ta thấy Laura, “trưởng thành một cách phi thường” so với lứa tuổi của mình, đã suy sụp và đấu tranh để kìm giữ việc thể hiện cảm xúc của mình như thế nào. Bộ phim mở đầu bằng cảnh Laura vui vẻ chơi đùa với bố mẹ trong khu vườn của họ, với phần lồng tiếng nói rằng “Rất lâu sau đó Laura mới phải khóc”. Một lát sau, cô bé cùng mẹ lên xe bus đưa họ đến bệnh viện, bỏ qua thực tế rằng họ sẽ bị chia tách nhau khi đến bệnh viện.

Bộ phim tiếp tục ghi lại 8 ngày Laura nằm viện, trong đó cô bé trải qua nhiều trạng thái tinh thần khác nhau. Trong hầu hết thời gian, như một đứa trẻ "trưởng thành", cô bé kiểm soát cảm xúc của mình, nhưng có những lúc, khả năng tự kiềm chế của cô bé bị yếu đi hoặc suy sụp. Cô bé không khóc nhiều; thay vào đó, cô liên tục khẽ gọi mẹ khi có ai đó chú ý: “Con muốn mẹ. Mẹ ơi, Con muốn mẹ!” Cũng có những khoảng thời gian cô bé “ổn định” kéo dài, khi đó cô ra vẻ bề ngoài điềm đạm, trong khi thực tế thì cô bé rất thụ động và tách biệt. Trong những chuyến thăm ngắn ngủi hàng ngày của mẹ, tình trạng khó chịu của Laura dần dần tan biến. Mỗi lần như thế, cô bé lại chào mẹ lúc ban đầu bằng một thái độ từ chối, như thể đang trừng phạt mẹ vì đã “bỏ rơi” mình. Mô hình tương tự lặp lại khi những người khác, chủ yếu là cô y tá, cố gắng bắt đầu tiếp xúc thân thiện với cô bé. Trong 15 phút đầu tiên, cô bé hầu như không phản ứng và rất dè dặt. Máy ảnh ghi lại cẩn thận các biểu hiện trên khuôn mặt của cô bé, mà phần lồng tiếng dẫn chuyện mô tả là “đau khổ”, “không phản ứng”, “thờ ơ” và “thu rút”.

Người xem có thể thấy giai đoạn “ổn định” bị xáo trộn như thế nào mỗi khi có nhân viên cấp dưỡng đến và điều này cho phép Laura khóc đòi mẹ như thế nào. Người xem cũng thấy cô bé bám khư khư vào những món đồ đem từ nhà, đặc biệt nhất là một con gấu bông và một mảnh chăn mà cô bé đã có từ khi còn nhỏ và được gọi là “em bé” của mình. Bộ phim kết thúc với cảnh Laura và mẹ rời khỏi cổng bệnh viện với việc cô bé không chịu nắm tay mẹ. Hai hình bóng, một lớn một nhỏ, của họ biến mất trong ánh nắng, có vẻ xa cách nhau cả về cơ thể lẫn tình cảm. Chỉ từ cảnh cuối cùng ấy, chúng ta có thể suy đoán về việc Laura bị tách mẹ đã tác động tàn phá như thế nào. Chúng ta có thể thấy rằng, trong 8 ngày nằm viện, Laura đã trải qua các giai đoạn phản kháng, tuyệt vọng và rã rời, những giai đoạn được mô tả là các phản ứng điển hình của một trẻ nhỏ bị tách khỏi người chăm sóc chính của mình. Trong Young Children in Hospital, Robertson báo cáo rằng 6 tháng sau khi nhập viện, Laura vẫn phản ứng bằng "những giọt nước mắt dữ dội" và "tức giận" khi được nhắc lại việc nằm viện của mình, cô bé đã hỏi mẹ "Mẹ đã ở đâu hồi đó vậy?" Ảnh hưởng của việc Laura phải nhập viện một mình đã kéo dài rất lâu sau khi cô bé trở về môi trường quen thuộc của ngôi nhà của mình.

KHƠI THÔNG SỰ THẤU CẢM (Working Through Empathy)

Thấu cảm (Empathy), khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác, là một khái niệm phức tạp. Vì nó liên quan đến hiện tượng học của những cảm nhận (phenomenology of feelings), nên việc xác minh tính xác thực của nó là một vấn đề về phương pháp luận. Thông thường, cái mà chúng ta gọi là “sự thấu cảm” chỉ phục vụ sở thích của chúng ta là cảm thấy hài lòng về bản thân; nghĩa là, nó cho phép chúng ta nhận thức mình là những con người nhạy cảm và cao cả [Nguyên văn: “Very often what we call “empathy” only serves our own interest of feeling good about ourselves; that is, it enables us to perceive ourselves as sensitive and noble human beings”]. Hơn thế nữa, sự thấu cảm, khi bắt gặp trong các tác phẩm văn hóa - nghệ thuật hiển thị, nghệ thuật trình diễn và các tác phẩm điện ảnh - thường không vượt ra ngoài ranh giới của các thiết lập thông thường trong việc sáng tạo và tiếp nhận chúng. Chúng ta đi đến rạp chiếu phim, nhà hát hoặc phòng trưng bày nghệ thuật và trải nghiệm một “hiệu ứng thanh tẩy” (catharsis) thông qua một sự nhất thời đồng nhất hoá (momentary identification) với nhân vật chính, nhưng rất thường là nó không mang lại hiệu quả lâu dài mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nhận thức của chúng ta về thực tế và hành động của chúng ta.

Trong bài viết này, tôi (tác giả) sử dụng khái niệm được hiểu trong khuôn khổ lý thuyết mà  A Two-Year-Old Goes to Hospital bao trùm và nâng cao: Học thuyết Gắn bó và Học thuyết Quan hệ Đối tượng (the theories of attachment and object relations). Những lý thuyết này khái niệm hoá con người như những sinh vật có quan hệ vốn dĩ phát triển thông qua việc “nuôi dưỡng các mối quan hệ có tính thấu cảm” và xem sự thấu cảm như một tính cách bẩm sinh phát triển thông qua sự chăm sóc có tính quan hệ (relational care). Chính nhờ sự soi gương (mirroring) qua mối quan hệ sớm đầu đời mà con người có khả năng phát triển mối quan tâm có tính thấu cảm, hay như Winnicott đã nói một cách nổi tiếng, “không có thứ gì gọi là trẻ sơ sinh” (no such thing as an infant) vì bất cứ nơi nào có một em bé, đều có hiện diện một người chăm sóc. Trong mô hình quan hệ này, nó cho thấy rằng nếu một người không phát triển được khả năng thấu cảm, thì điều này chủ yếu là do sự thất bại ban đầu trong việc được chăm sóc với sự thấu cảm (empathic care). Hơn nữa, Winnicott nhận thức được trải nghiệm quan hệ đầu đời này - diễn ra trong một khoảng “không gian chuyển tiếp” (transitional space) do cả đứa trẻ lẫn người chăm sóc đồng tạo nên – đó cũng là cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật trong tương lai của một con người. Cơ sở lý thuyết quan trọng này làm cho A Two-Year-Old Goes to Hospital vừa là một tài liệu khoa học vừa là một tác phẩm nghệ thuật đi vào xã hội, vượt qua tầm hiểu biết thuần túy về trí tuệ của người xem và đi vào chiều sâu của các đáp ứng hiện thân của họ, lặp lại quan sát của Donald Nathanson rằng “cảm xúc có thể tác động lẫn nhau [khi mà] các kiến tạo về nhận thức không thể” (affects mutualize [where] cognitive constructs do not).

Bộ phim, thông qua việc nhìn nhận về tầm quan trọng của mối liên hệ cơ bản đầu đời (primary bond) trong cuộc sống của mỗi người, cho phép người xem không chỉ đồng cảm với nhân vật chính nhỏ tuổi, mà trên hết, liên hệ sự đồng cảm này với cuộc sống của chính họ.

Một đứa trẻ hai tuổi đến bệnh viện là một bộ phim tài liệu chứ không phải là một phim diễn đưa nhân vật của phim (Laura) vào trong một hiện tại thực nghiệm lịch sử. Mối liên hệ giữa người được giới thiệu trong phim (referent) và người xem (viewer), thể hiện qua hình ảnh của dây rốn, liên kết cả hai phía trong chủ đề về người mẹ. Với hình ảnh dây rốn, nhà nhiếp ảnh Barthes kết nối nhiếp ảnh không chỉ với cuộc sống mà còn với sinh nở, với việc làm mẹ. Trải nghiệm phổ biến của con người khi còn là một đứa trẻ, bao gồm trạng thái bấp bênh của sự phụ thuộc tuyệt đối, cùng với cách liên hệ giữa nhiếp ảnh, hiện thân làm người người và chủ đề người mẹ, đã mời gọi người xem suy nghĩ về Laura theo dòng cảm thông. Bị tách khỏi mẹ, Laura đã hoàn toàn trơ trọi trong một thế giới mà ở đó cô bé phải tồn tại trong điều kiện bất khả thi về trải nghiệm. Tính phổ biến của trải nghiệm của một đứa trẻ hai tuổi, phổ biến đối với tất cả người xem của Robertson, cho phép họ nhận ra cảm xúc của cô bé hoặc ít nhất để nó chạm vào những kìm nén sâu sắc của họ. Đây là những gì bắt đầu xảy ra khi bộ phim được giới thiệu với khán giả, đã có một số bác sĩ bắt đầu “lần đầu tiên nghe thấy tiếng khóc”, trong khi những người khác tìm thấy sự xác nhận về những gì họ đã biết.

Trên thực tế, bộ phim làm cho mối liên hệ tình cảm có tính thấu cảm giữa Robertson, Laura và người xem gần như có thể cảm nhận được. Bộ phim mở đầu bằng một màn hình đen với dòng thông tin “Laura, 2 tuổi 5 tháng, phải nhập viện trong 8 ngày để chữa thoát vị rốn”. Do đó, chúng ta biết rằng căn bệnh và lý do nhập viện của cô bé nằm ở khu vực quanh rốn. Khu vực này phải được phẫu thuật, đóng vai trò như một điểm đi vào cơ thể của cô gái nhỏ. Thông tin này ngay từ đầu giúp chúng ta liên hệ về mặt nhận thức và tình cảm với trải nghiệm của Laura. Tất cả chúng ta đều được đánh dấu bằng một cái rốn - một vết tích và vết sẹo của sự phụ thuộc vào mẹ vào đầu đời của chúng ta - và do đó, tình trạng của Laura được mở rộng ra bên ngoài thế giới đại diện. Khi liên hệ trải nghiệm của Laura với thời thơ ấu của chính chúng ta (điều gì sẽ xảy ra nếu con của chúng ta hoặc chính chúng ta phải trải qua một lần nhập viện một mình khi chỉ mới hai tuổi rưỡi?), Rõ ràng là sự quan tâm đồng cảm của chúng ta dành cho Laura cũng phục vụ lợi ích tốt nhất của chúng ta. Chỉ có sự kìm nén mới có thể ngăn cản sự công nhận này. Sự đồng cảm được dẫn dắt bởi hình ảnh cái rốn, theo đó dẫn đến sự thừa nhận thực tế rằng, trong những tình huống không chắc chắn và tiềm ẩn sự tuyệt vọng, trẻ nhỏ cần sự hiện diện của một người lớn mà trẻ gắn bó an toàn, hình ảnh cái rốn tạo thành một vị trí nơi mà các phương thức khác nhau của con người có thể tìm thấy một điểm gặp gỡ.

Câu chuyện đồng cảm này trong A Two Year Old Goes to Hospital có thể được chia thành nhiều yếu tố. Một trong số đó là sự đơn giản về mặt kỹ thuật của các cảnh quay, mà Robertson đã ghi bằng máy quay phim 16mm. Sự không hoàn hảo về mặt kỹ thuật của hình ảnh nhiễu hạt, với một chiếc đồng hồ đơn giản hiển thị ở hậu cảnh, khiến cho việc xem bộ phim trở thành một trải nghiệm gần như cận cảnh. Những hình ảnh thô, đen trắng của một đứa trẻ nhỏ, lạc lõng trong môi trường bệnh viện, có tiếng khóc bị tắt đi do hạn chế kỹ thuật của bản ghi, cung cấp nhiều chỗ cho sự tương tác tình cảm của người xem. Sự tương tác này còn được thực hiện nhiều hơn thông qua những lời chất vấn trực tiếp mà giọng đọc lời thoại của phim hướng tới khán giả. Không giống như một bộ phim tài liệu nổi tiếng khác được thực hiện vào năm 1952 (Emotional Deprivation in Infancy của René A. Spitz), bộ phim A Two Year Old Goes to Hospital trực tiếp đặt câu hỏi cho người xem qua giọng kể của phim:

[Laura] không khóc cũng không đòi hỏi sự chú ý. Nhưng  hãy xem điều gì sẽ xảy ra khi y tá đến vào giờ chơi… Bạn có nhớ sự quan tâm sôi nổi của cô ấy đối với cuốn sách khi mẹ cô ấy ở đó không?… Laura không hiểu thời gian cô ấy với mẹ là có hạn. Hãy quan sát cô ấy khi mẹ nói rằng cô ấy sẽ về nhà.

Trong khi bộ phim của Spitz thì im lặng và thay vào đó cung cấp một bài bình luận bằng văn bản được tạo thành từ các câu tuyên bố, thì cách dẫn chuyện trong phim của Robertson lại tạo phản ứng đồng cảm với người xem của ông, khiến Laura và người xem được ở trong một môi trường hòa nhập của những trải nghiệm được chia sẻ chung.

Trong A Two Year Old Goes to Hospital, “thú bông” và “em bé”, được thuật lại dưới góc nhìn của một đứa trẻ, hoạt động như những “vật thể chuyển tiếp” theo ý nghĩa của tác giả Winnicott. Thuật ngữ này, do Donald Winnicott đặt ra vào năm 1951 (một năm trước khi  bộ phim được phát hành), nắm bắt thực tế là trẻ em rất nhỏ trở nên gắn bó với các đồ vật, thông qua sự liên tục và kết nối không thể sai lầm của trẻ với gia đình, tích hợp kinh nghiệm của trẻ em về thực tế và do đó bảo vệ chúng chống lại sự lo lắng trầm cảm. Những món đồ vật như vậy là “tài sản không phải của tôi” (not-me possessions) đầu tiên của đứa trẻ và chiếm một “không gian ngưỡng” (liminal space) giữa đứa trẻ và người chăm sóc chính của nó. Chúng hoạt động như các thiết bị bảo vệ chống lại những thứ không quen thuộc và giúp liên kết với những thứ mà trẻ đã biết, đã thấy an toàn và được trẻ yêu thích. Điều thú vị là trong bộ phim tài liệu của Robertson, chúng ta có thể thấy gấu bông và em bé đóng vai trò kép là vừa bảo vệ Laura và vừa chăm sóc cho cô bé. Một mặt, cô bé bám lấy con thú bông và “đứa bé con” của mình trong những lúc đau khổ tột độ và mỗi khi cô bé đi ngủ. Mặt khác, cứ mỗi khi cô bé được cho ăn thì cô bé bao giờ cũng không quên mặc quần áo và "cho" gấu bông của mình ăn. Do đó, cô bé không chỉ dựa vào con gấu của mình để được an toàn mà còn trở thành người nuôi dưỡng cho gấu, tái hiện lại những tương tác của chính cô bé với mẹ bằng cách hành động như đang vào vai làm mẹ. Đây có thể coi là một dấu hiệu cho thấy Laura đã sớm rèn luyện kỹ năng thấu cảm.

A Two-Year-Old Goes to Hospital đưa ra nhiều chi tiết cho thấy Laura là một con người đồng cảm. Cô bé mở rộng sự đồng cảm của mình với các bạn đồng trang lứa trong khoa trẻ em. Trong thời gian 8 ngày nằm viện, nhiều lần Laura trở nên bận tâm đến nỗi đau khổ của một đứa trẻ khác. "Tại sao cậu bé này lại khóc?" Trong một lần khác, cô bé cũng tự hỏi tương tự: "Bạn ấy khóc vì điều gì?" và yêu cầu: "Hãy đi tìm mẹ cho bạn ấy." Trong một tình huống khác, cô bé lại thay đổi chiều hướng của các mối quan hệ khi thông báo rằng: “Mẹ của con đang khóc vì con. Hãy đi tìm mẹ con đi".

Trong một bài tường thuật về việc Laura nhập viện, Robertson giải thích rằng “mặc dù cô bé khóc rất ít trong suốt thời gian nằm viện, nhưng cô bé rất quan tâm khi có những đứa trẻ khác khóc - như thể chúng khóc vì cô khi cô đã quá kìm nén không để cho mình khóc”. Như thể là, theo những trải nghiệm của Laura, con người được gắn kết bằng sự đồng cảm, với sự đồng cảm lan truyền giữa họ trong bối cảnh, tùy theo nhu cầu và khả năng của họ.

Sử dụng tất cả các cách thức gây thấu cảm cùng các cách trần thuật kể trên, A Two Year Old Goes to Hospital khuyến khích chúng ta nhận ra mối liên hệ giữa Robertson (qua giọng kể của ông), Laura và chúng ta, những người xem, như được gắn kết với nhau bởi tình người chung của chúng ta. Tất cả chúng ta đều được liên kết bởi trải nghiệm chung của thời thơ ấu, một giai đoạn phụ thuộc và gắn bó với một người lớn mà sự hiện diện không thể sai sót và có tính cam kết hợp lý sẽ giúp tạo thành nền tảng cho sự hạnh phúc của đứa trẻ và dần dần giúp trẻ nhận thức về thế giới của nó. Bộ phim A Two-Year-Old Goes to Hospital mời gọi chúng ta nhận ra điều mà nhiếp ảnh gia Barthes gọi là “một khoa học không thể có của một sinh vật độc nhất” (impossible science of a unique being), đó là khoa học về sự chăm sóc và được chăm sóc (the science of caring and being cared for). Sự chăm sóc này, mà Laura vừa khao khát vừa tự thực hiện, có thể dạy chúng ta một bài học quan trọng về sự đồng cảm có thể được truyền qua làn da mà chúng ta cùng chia sẻ.

KẾT LUẬN

Robertson đã làm bộ phim A Two-Year-Old Goes to Hospital vào thời gian mà nhiều bệnh viện ở Anh cấm hoặc hạn chế rất nhiều sự hiện diện của phụ huynh trong các khoa nhi. Ngoài nguy cơ lây nhiễm chéo, lý do chính của các hạn chế là các chuyến thăm như vậy được coi là không cần thiết và gây phiền hà. Trong hầu hết các cơ sở, các chuyên gia duy trì sự tập trung theo định hướng nhiệm vụ và phát triển “lớp da thứ hai” (second skin) như một phương tiện bảo vệ chính họ không bị bất cứ sự lay động tình cảm nào bởi bệnh nhân. Như Robertson đã nói, tính hợp lý của môi trường bệnh viện và việc loại trừ sự tập trung vào cảm xúc đã hình thành nên một “rào cản chống lại nỗi đau có thể cảm thông” (barriers against the empathic pain). Hơn nữa, các hệ thống chăm sóc theo định hướng nhiệm vụ thường phân cắt mối quan hệ giữa bệnh nhân trẻ em và những điều dưỡng bận rộn, do đó hầu như không thể hình thành và duy trì một mối quan hệ tạm thời nhưng ổn định với một đứa trẻ. Như Robertson đã nói, “các bác sĩ và điều dưỡng có năng lực” chỉ tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và rất thường thì họ không nhận thức được hoặc không sẵn lòng thừa nhận những đau khổ xung quanh họ. Horst và Veer cũng lưu ý rằng, tại thời điểm đó, “các bác sĩ và điều dưỡng được đào tạo theo truyền thống và truyền thống chưa bao giờ học cách nhìn nhận quan điểm của bệnh nhân trẻ em và cha mẹ của chúng”. Robertson kết luận rằng tất cả những điều này nói chung đã dẫn đến "sự giảm sút khả năng thấu cảm".

Sự bảo vệ phổ biến này ở các nhân viên nhi khoa trong việc chống lại trải nghiệm của nỗi đau thấu cảm phần nào thật đáng ngạc nhiên. Cho phép bản thân đồng cảm với một đứa trẻ có nghĩa là cảm nhận được nỗi đau mà đứa trẻ phải chịu đựng. Chưa hết, theo quan điểm của Robertson, nỗi đau này phải được công nhận trước khi tình hình có thể cải thiện. Robertson đã xác định mục tiêu của bộ phim theo cách sau:

Vấn đề là làm thế nào để mang nỗi đau và sự lo lắng trở lại với trải nghiệm của những nhân viên y tế chuyên nghiệp, nhưng làm sao để có thể sử dụng một cách xây dựng thay vì theo kiểu phòng thủ bởi áp lực thường xuyên ở tất cả chúng ta là để nhằm tránh bị tổn thương.

Trong bài viết From Empathy to Community (Từ đồng cảm đến cộng đồng), Donald Nathanson đề xuất rằng “một người trưởng thành bước vào đời nếu luôn dễ bị tổn thương với cảm xúc… sẽ không thể duy trì được những ranh giới cá nhân”. Do đó, ông lập luận rằng người ta cần phải xây dựng một “bức tường thành thấu cảm” (empathic wall) phải “vững chắc khi cần thiết nhưng phải có cửa ra vào và cửa sổ có thể mở ra khi cần thiết”. Các quy định cứng nhắc của bệnh viện trong những thập niên 1940 và 1950 đã không khuyến khích bất kỳ việc mở cửa nào trong các “bức tường thấu cảm”. Tuy nhiên, một số bác sĩ nhận ra rằng “hầu hết các bậc cha mẹ sẽ tìm mọi cách để đến bệnh viện thăm con”. Bộ phim A Two-Year-Old Goes to Hospital đã tận dụng sự quan sát này. Bộ phim hoan nghênh người xem thực hiện nỗ lực tình cảm để đồng cảm với Laura và thông qua nỗ lực này, khuyến khích chúng ta nhìn lại thời thơ ấu của chính mình hoặc để khẳng định điều đó hoặc để sửa đổi vết thương đầu đời của chính mình. Nhận thức như vậy, như chúng ta đã thấy, biến sự đồng cảm thành một phương pháp luận có tác động đáng kể đến việc sắp xếp lại các cách thức tương tác xã hội bên trong các khoa nhi bệnh viện.


Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

ĐIỂM GẶP GỠ GIỮA DONALD WINNICOTT VÀ MARTIN BUBER - Phần 2

Tựa gốc: Bản chất của “Khoảng Giữa” trong khái niệm “Khoảng Không gian Chuyển tiếp” của Winnicott và das Zwischenmenschliche của Martin Buber

The Nature of the “In-Between” in D.W. Winnicott’s Concept of Transitional Space and in Martin Buber’s das Zwischenmenschliche

Tác giả: LAURA PRAGLIN – Giáo sư về Công tác Xã hội, Đại học Northern Iowa, Hoa Kỳ
Nguồn: UNIVERSITAS, Volume 2, Issue 2 (Fall 2006)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Xem lại Phần 1

Phần 2

NHỮNG PHẢN ẢNH VỀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG

Điều then chốt trong địa hạt “ở giữa” (“in-between” realm) của trẻ nhỏ bao gồm những huyễn tưởng, nhưng khả năng gợi lên huyễn tưởng trước tiên lại phải cần đến những đáp ứng nhạy bén của những người lớn xung quanh trẻ. Chúng ta nhất trí rằng đừng bao giờ thách thức đứa trẻ như là: “Con đã tạo ra vật này hay là chỉ tiện thể tìm thấy nó nằm ở đâu đó?”, Winnicott đề nghị “Điều cần nói là tính chất cốt yếu của những hiện tượng chuyển tiếp và vật chuyển tiếp là ở chỗ chất lượng của thái độ của chúng ta khi chúng ta quan sát chúng”. Hậu quả là, thông qua những vật chuyển tiếp, những vật sở hữu ban đầu “không phải của đứa trẻ” (not-me), đứa trẻ lần đầu tiên trong đời vừa sử dụng biểu tượng vừa trải nghiệm sự vui chơi.

Mặc dù hơi dè dặt với địa hạt tưởng tượng hơn khi so với Winnicott, Martin Buber đã mô tả sự tương tác của một đứa trẻ với một con gấu bông theo kiểu I and Thou tương tự như Winnicott. Trải nghiệm của đứa trẻ không phải như đang trong mối quan hệ với một đồ vật, mà là “trong mối tương quan của đứa trẻ - chắc hẳn chỉ là “tưởng tượng” – với một thứ gì đó rất sống động và rất hiệu quả đối với nó. Điều này, Buber lưu ý, chính “là bản năng biến mọi vật trở thành Thou, để tạo lập mối quan hệ với cả vũ trụ. Từng mẩu âm thanh rời rạc, vô nghĩa vẫn phát ra đi vào khoảng không, nhưng đến một ngày kia, chúng sẽ trở thành một cuộc đối thoại”.

Lời bình của Buber liên quan đến tầm quan trọng cốt yếu của sự đối thoại đã gợi lên câu chuyện của Winnicott về một đứa bé trai với sợi dây của cậu ấy. Winnicott đã được yêu cầu đánh giá cho một cậu bé, khi mà phương tiện chủ yếu mà cậu bé giao tiếp đó là một sợi dây mà cậu luôn mang bên mình. Nỗi ám ảnh với sợi dây của cậu bắt đầu từ khi cậu bị tách ra khỏi người mẹ bị trầm cảm của cậu, và nỗi ám ảnh đó càng mạnh hơn vào mỗi khi người mẹ có những đợt trầm cảm và cậu bị tách mẹ. “Sợi dây có thể được xem như một sự vươn dài ra của tất cả các kỹ thuật giao tiếp khác”, Winnicott cho rằng “Sợi dây giúp kết nối, cũng như khi nó được dùng để cột đồ đạc và làm cho những vật liệu tách rời được giữ lại với nhau. Theo cách này, sợi dây có một ý nghĩa biểu trưng. Winnicott cho rằng nếu sợi dây vẫn tách rời khỏi một “điều cụ thể sống động” (lived concreteness – Theo ngôn từ của Buber), tức là mong muốn ban đầu được duy trì sự tiếp xúc với mẹ, thì có nhiều khả năng rằng đứa trẻ đó có thể được giúp. Nhưng nếu sợi dây đó chỉ có tính biểu tượng, không còn giữ ý nghĩa nguyên ban đầu, thì việc chữa lành sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tình trạng gay go mà Winnicott quan sát được đó là “chức năng của sợi dây đang bị thay đổi từ sự giao tiếp chuyển sang thành sự khước từ việc chia ly” (the function of the string is changing from communication into a denial of separation).

Như một sự khước từ việc chia ly, sợi dây trở thành một sự vật tự trong chính nó (a thing in itself). Khi niềm hy vọng vắng bóng và sợi dây đại diện cho một sự khước từ việc chia ly, một tình trạng phức tạp hơn rất nhiều sẽ nẩy sinh – một tình trạng rất khó chữa lành, do bởi những điều nẩy sinh thứ phát sẽ vượt quá những kỹ năng có thể có bất cứ khi nào một đối tượng cần phải được xử lý để có thể trở nên làm chủ được nó”.

NGHỆ THUẬT VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO

Đối với Winnicott, cuộc sống tự nó cũng luôn luôn được biểu thị dưới hình thức biểu tượng, vì nó đóng vai trò như một phần tích hợp trong việc định hình và nhận biết về khoảng không gian chuyển tiếp (transitional space). Tuy nhiên, một cách nghịch lý, ngay cả một nghệ sĩ cũng không hoàn toàn có thể tạo nên những biểu tượng và những hình thái mới, mà giống như đứa trẻ, họ chỉ có thể khám phá chúng. Hậu quả là, Winnicott lưu ý, “sự sống sáng tạo (creative living), trong từng trải nghiệm chi tiết của nó, đều liên quan đến một thế lưỡng nan về triết lý (philosophical dilemma), do bởi trong thực tế, với sự lành mạnh của mình, chúng ta chỉ sáng tạo nên những gì chúng ta tìm thấy”.

Sự sáng tạo ấy, theo Winnicott – dù là về nghệ thuật, tôn giáo hay khoa học – đều là “việc thực hiện nẩy sinh từ sự hiện hữu” (“the doing that arises out of being”). Dùng cách nói của Winnicott, chúng ta có thể nói rằng, chẳng hạn như, người nghệ sĩ đang diễn đạt sự hiện hữu của mình bằng cách kiến tạo nên một vùng chuyển tiếp có khuôn khổ qua đó sự sáng tạo tìm thấy cách để diễn đạt (the artist, for example, expresses his/her being by constructing a framed, transitional area in which creativity finds expression). Người nghệ sĩ sáng tạo và tái tạo những tiến trình vô thức, và trình bày những tiến trình này theo một cách thức cộng hưởng với những cảm quan chung của chúng ta về những biểu tượng. Bằng cách diễn đạt những biểu tượng được chia sẻ này, người nghệ sĩ mời gọi chúng ta đi vào vùng trung gian của sự trải nghiệm này (the artist invites us into this intermediate area of experiencing). Chẳng hạn một nhà thơ, chọn lựa những biểu tượng và những hình ảnh từ một ngôn ngữ chung, và thấy bên trong chính mình không sẵn có sự thoải mái. Nhà thơ mời gọi những người khác đi vào trong “khoảng giữa” ấy (in-between space), bên ngoài vùng tâm lý chủ quan, riêng tư, và khoảng giữa ấy sẽ phục vụ như một khoảng nghỉ (resting place) giữa thực tại bên trong và thực tại bên ngoài, giữa tâm trí và nền văn hoá. Vì thế, thong qua nghệ thuật, người ta có thể di chuyển từ thế giới riêng tư ra ngoài môi trường xã hội. Độc giả cũng tìm thấy ý nghĩa, bởi vì giờ đây họ cũng chia sẻ khả năng diễn đạt các trải nghiệm. Sự diễn đạt bằng cách sáng tạo – thông qua nghệ thuật, triết học, tôn giáo hoặc toán học – do vậy có thể giải quyết các tình huống và tạo điều kiện cho những khả năng mới. Theo cách này, cũng giống như cách đứa trẻ trải nghiệm khi đang chơi tưởng tượng.

Buber dường như cũng đồng ý rằng sự sáng tạo và sự khám phá các dạng thức cũng xảy ra trong địa hạt của khoảng “ở giữa” (in-between). Maurice Friedman cho rằng Buber xem “một tác phẩm nghệ thuật không phải là ấn tượng về tính khách quan tự nhiên, và cũng không phải là sự diễn đạt của tính chủ quan về tinh thần” (a work of art is not the impression of natural objectivity nor the expression of spiritual subjectivity). “Nó là chứng nhân cho mối liên hệ giữa những chất liệu từ người và chất liệu từ sự vật” (It is the witness of the relation between the human substance and the substance of thing). Nghệ thuật là “địa hạt của khoảng ở giữa mà nay đã trở nên một hình thái (Art is “the realm of ‘between’ which has become a form). Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ khám phá ra tiềm năng của hình thái, khi anh ấy/cô ấy đối diện với những gì vượt lên trên bản ngã của mình. Nhưng hình thái tự nó lại kết tinh thành cấu trúc, và vì thế trở nên không còn tính chất tức thời nữa (non-immediacy).

NHỮNG PHẢN ẢNH VỀ VĂN HOÁ

Trong tiểu luận The Concept of the Healthy Individual (Khái niệm về một cá nhân lành mạnh), Winnicott cho rằng con người sống trong ba cõi giới: bên trong, bên ngoài và khoảng chuyển tiếp (the inner, the outer, and the transitional) – với khoảng chuyển tiếp là vùng trải nghiệm văn hoá (the area of cultural experience). Winnicott viết, trải nghiệm về văn hoá bắt đầu từ vui chơi, và sau đó, “tiếp tục đi đến khu vực toàn thể những di sản của loài người, bao gồm các loại hình nghệ thuật, các huyền thoại lịch sử, diễn trình của các tư tưởng triết học, những điều kỳ diệu của toán học, về sự vận hành của những nhóm người, và về những tôn giáo”. Trong ba cõi giới này, vùng trải nghiệm văn hoá là vùng có biến thiên nhiều nhất theo Winnicott. Đó cũng là vùng lành mạnh nhất, bởi vì đây không chỉ là khu vực của đùa vui, mà “còn là vùng tích luỹ tất cả văn hoá của nhiều ngàn năm trước” (Nguyên văn: “but also all the accumulated culture of the past five to ten thousand years”. Cũng chính ở đây một tâm trí tốt lành có thể được vận hành tốt nhất và lòng tin cũng có thể được hình thành và gia cố”

Buber tin rằng địa hạt đối thoại (dialogical realm), gọi tên là das Zwischenmenschliche, cũng  có tầm quan trọng tương tự trong việc bảo tồn nền văn hoá. Tuy nhiên, Buber đã vượt lên trên sự diễn đạt ban đầu của ông về tâm lý học bình dân lãng mạn và chủ thuyết thần bí (romantic folk psychology and mysticism), và khẳng định rằng văn hoá phải thống hợp lại vào trong các chiều kích về đạo đức và xã hội (incorporate ethical and social dimensions). Buber vì thế đã sử dụng địa hạt của das Zwischenmenschliche như một khoảng không gian tiềm năng cho việc tái tạo lại những mối quan hệ của con người bên trong một cộng đồng có tính trách nhiệm về mặt luân lý (das Zwischenmenschliche as a potential space for the reconstruction of human relations within a morally accountable community).

Trong lĩnh vực triết học xã hội của mình, Buber đã tìm kiếm những yếu tố của một cộng đồng trung thực, nơi có thể diễn ra sự gặp gỡ thực sự. Ông thường nói về das Gemeinschaft [Từ tiếng Đức có nghĩa là: quan hệ xã hội, hoặc cộng đồng gắn bó – ND] như một sự định vị cho das Zwischenmenschliche, trong đó chứa đựng “một ma trận những mối quan hệ nồng ấm và tin cậy, nhưng bị lu mờ đi bởi những quan hệ theo kiểu toan tính, cạnh tranh của cuộc sống trưởng giả thành thị”. Ngoài ra, quan điểm của Buber cho rằng Gemeinschaft không đơn giản chỉ là một thứ ký ức khó hồi phục do vậy không thể tái tạo lại được. Buber viết một Gemeinschaft thực thụ sẽ cho phép “cái Thou trở thành hiện thực”. Tuy nhiên, trong một đời sống tập thể khi đang tồn tại như một cá thể, không phải tự thân “thế giới của It” (It-world) là điều xấu mà chính sự chi phối (domination) của nó trên toàn bộ đời sống mới là điều không hay.

Buber đưa ra một thể loại cái “Chúng Tôi thực chất” (the essential We) trên bình diện cộng đồng tương đương với cái “Thou thực chất” (the essential Thou) trên bình diện cá nhân. Tương tự, ông cũng nói về cái “Chúng Tôi nguyên sơ” (primitive We) trên cấp độ tập thể/nhóm tương đương với cái “Thou nguyên sơ” (primitive Thou) trên cấp độ cá nhân: “Cái Chúng Tôi nguyên sơ có trước tính cá nhân và tính độc lập thực sự, trong khi cái Chúng Tôi thực chất xuất hiện khi những con người độc lập cùng đến với nhau trong những mối quan hệ và tiếp xúc trực tiếp một cách thực chất”. Thông qua cái Chúng Tôi thực chất này, con người có thể vượt lên trên sự phi nhân tính của nền văn hoá theo kiểu đại chúng hoá (Through this essential We, humans can transcend the impersonality of mass culture). Như Buber đã viết trong Between Man and Man, một người “thực sự được cứu vớt từ ‘một người’ không phải bằng cách chia ly mà chỉ có thể bằng cách gắn kết với một sự hiệp thông chân thành” (one is truly saved from the ‘one’ not by separation but only by being bound up in genuine communion).

Buber kêu gọi tái cấu trúc lại xã hội trở thành “một cộng đồng của những cộng đồng” (a community of communities), việc này sẽ cố gắng chuyển đổi một “xã hội đoàn ngũ hoá” (mass society) trở thành cái “Chúng Tôi thực chất” (essential We) của Gemeinschaft (một cộng đồng gắn bó). Tuy nhiên, một cộng đồng thực sự chỉ xuất hiện khi mọi người đảm đương những trách nhiệm cá nhân và có thể hy sinh cho nhóm. Triết học xã hội của Buber khác xa với những người theo xu hướng xã hội không tưởng (utopian), trong khi nhận ra những khó khăn như thế nào trong kỷ nguyên của một thứ xã hội đoàn ngũ hoá phi nhân tính và tái điều hướng bản chất con người theo hướng có trách nhiệm vì sự toàn vẹn của toàn thể cộng đồng. Ông không ấp ủ những ý thức hệ chính trị, mà chỉ là những quan điểm về những cộng đồng khác nhau trong đó nổi trội lên những mối quan hệ không có tính bóc lột nhau (non-exploitative relations)”.

Mặc dù Winnicott không phát biểu những chi tiết tương tự về những động lực trong văn hoá (dynamics of culture), ông vẫn xem các hình thái văn hoá là những thứ vốn có tính khả dụng và sáng tạo. Do sống trong hoàn cảnh xã hội ở Anh Quốc, Winnicott dường như có tính thực tế hơn và có thái độ tích cực hơn đối với cả thể chế quân chủ lẫn nền dân chủ phổ biến rộng rãi. Trong tiểu luận Some Thoughts on the Meaning of Democracy (Một vài Suy nghĩ về Ý nghĩa của Nền Dân chủ), Winnicott xem nền dân chủ là một hình thái văn hoá có tính trưởng thành hơn, chẳng hạn, nó tôn trọng tính riêng tư khi thông qua những lá phiếu bầu kín (secret ballot). Tuy nhiên, Winnicott viết, mối đe doạ chính đối với nền dân chủ đó là khi những người dân không đủ trưởng thành để duy trì và nuôi dưỡng nó. Khi đó, những thể chế toàn trị có thể gây đe doạ thông qua việc kêu gọi về một tình trạng chắc chắn thần kỳ, kéo theo việc một số người có mong muốn gây hại cho những người khác.

Winnicott nhận thấy rằng những mong muốn gây hại hoặc bị gây hại như thế là kết quả từ sự thất bại trong việc thiết lập những đối tượng/vật chuyển tiếp (transitional objects), mà thường là những hệ quả từ sự tác động đầu đời bởi những người khác. Trong đời sống tập thể ở người trưởng thành, sự khiếm khuyết về phát triển này sẽ dẫn đến một nhóm người đặc biệt để áp đặt những “ảo tưởng” (illusions) lên người khác. Những ảo tưởng, “điều mà trong đời sống người lớn vốn hiện diện trong nghệ thuật và tôn giáo”, Winnicott lưu ý, “đã trở thành chỉ dấu của sự điên loạn khi một người trưởng thành đặt ra một yêu sách quá mạnh mẽ lên trên tính nhẹ dạ của những người khác, bắt buộc họ phải chấp nhận sự chia sẻ một ảo tưởng vốn không phải của họ. Sự thấu rõ của Winnicott ở đây có thể cung cấp một số lý lẽ để giải thích về sự xuất hiện của Chủ nghĩa Quốc Xã (ở Đức), một điều mà tâm lý học xã hội của Buber (Buber’s social psychology) rất khó để hiểu được.

Winnicott nhận thấy rằng những người lành mạnh duy trì cả lòng tự tôn lẫn sự hoài nghi, và cũng phân biệt được sự khác nhau giữa xung đột bên trong và xung đột bên ngoài (inner and external conflict). Ông viết, “Khi những con người lành mạnh cùng đến bên nhau, mỗi người họ sẽ đóng góp phần mình vào một thế giới vẹn nguyên (a whole world), bởi vì mỗi người mang đến một con người vẹn nguyên (a whole person)”. Họ có khả năng trở nên trầm uất, thay vì gia nhập vào những cơn hưng cảm tập thể và tìm kiếm sự thống trị của người khác.

Cảm quan về một nền văn hoá phong phú và có tính nuôi dưỡng có thể được thấy ở việc Winnicott dùng hình ảnh “một môi trường có tính nâng đỡ” (holding environment) của người mẹ và đứa con suy rộng ra cho thế giới rộng lớn hơn bên ngoài, một môi trường làm nên cảm nhận về sự an trú và đồng hành và một thực tế rằng chúng ta là những con người”. Những âm vang tương tự về một “môi trường có tính nâng đỡ” này cũng có thể được tìm thấy trong khái niệm Gemeinschaft của Buber, một khái niệm xác quyết về tình đồng chí và tính cộng đồng trong khi đương đầu với sự áp bức và thống trị.

Buber viết, bệnh lý thể hiện những sự bóp méo, vừa do những cá thể tách mình ra khỏi thế giới xung quanh, lẫn do xã hội chối bỏ những cá nhân, từ chối mang lại sự thừa nhận. Điều bắt buộc của một nền văn hoá lành mạnh, vì thế, là phải mang đến một cách cư xử không chỉ nhằm “hoà nhập” (integrate) hoặc “điều chỉnh” (adjust) một cá nhân vào trong xã hội đang thịnh hành, mà là phải tìm cách phục hồi lại những mối quan hệ có tính đối thoại vốn đã bị gián đoạn của cá nhân ấy.

Sau cùng, cả Buber và Winnicott đều thấy rằng một cuộc sống hợp quần lành mạnh đòi hỏi các thành viên của nó phải đảm nhận trách nhiệm liên tục vì hạnh phúc của những người khác trong nhóm. Winnicott kết luận “Chính con người mới là những tác nhân có khả năng huỷ diệt thế giới. Nếu thế, có lẽ chúng ta sẽ chết… hãy biết rằng đây không phải là sự lành mạnh, mà là sự sợ hãi, một phần nó là sự thất bại của những người lành mạnh và của những xã hội lành mạnh trong việc mang theo những thành viên bệnh lý”. Để quan tâm chăm sóc cho người khác, đối với cả Buber và Winnicott, những cá nhân phải vươn ra khỏi chính mình với một cảm quan mới về sự can đảm. Việc đảm nhận những trách nhiệm vì người khác sẽ khích lệ và hồi phục những mối quan hệ chân thành giữa những con người, và làm như thế sẽ tạo điều kiện cho sự tái tạo lại thế giới về mặt đạo đức và tinh thần.

Khoảng không gian chuyển tiếp (transitional space), hoặc das Zwischenmenschliche, vì thế vẫn là yếu tố bắt buộc đối với việc bảo tồn một cộng đồng thế giới có trách nhiệm về mặt luân lý (a morally accountable world community), trong đó khả năng thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa với người khác vẫn tiếp tục như một thực tại thường xuyên và có tính lâu dài.


Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

MỘT ĐỨA TRẺ HAI TUỔI VÀO BỆNH VIỆN - Phần 1

Tựa gốc bài viết: "Cô y tá! Con Muốn Mẹ!” - Sự đồng cảm như một phương pháp luận trong Phim tài liệu "Một đứa trẻ hai tuổi vào bệnh viện" (1952)

“Nurse! I Want My Mummy!” - Empathy as Methodology in the Documentary Film "A Two-Year-Old Goes to Hospital" (1952)
Tác giả: JUSTYNA WIERZCHOWSKA
Nguồn: pismowidok.org
View: Theories and Practices of Visual Culture (Phiên bản tiếng Anh)
Widok. Teorie i Praktyki Kultury Wizualnej (Phiên bản tiếng Ba lan)

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Laura - Nhân vật chính trong phim "A Two-Year-Old Goes to Hospital"


Phần 1

GIỚI THIỆU

Một Đứa Trẻ Hai Tuổi Đi Bệnh Viện là một bộ phim tài liệu, được thực hiện vào năm 1952 bởi chuyên viên công tác xã hội lâm sàng (psychiatric social worker) đồng thời là một nhà phân tâm người Anh James Robertson. Tác phẩm đen trắng, dài 30 phút này, với giọng đọc lồng tiếng nhưng có nhiều phần im lặng, minh họa tác động của sự mất mát và đau khổ mà một đứa trẻ bị chia cắt khỏi cha mẹ trong thời gian nằm viện. Mặc dù, từ quan điểm ngày nay, có vẻ rõ ràng rằng sự hiện diện của người chăm sóc chính (caregiver) là điều cần thiết cho sức khỏe của một đứa trẻ nằm viện, nhưng việc không chấp nhận cho cha mẹ đến các khoa nhi đã từng hoàn toàn được xem là điều hiển nhiên. Trên thực tế, nó là kết quả của một cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ và việc ra mắt cuốn phim của Robertson tạo nên một đóng góp quan trọng nhưng ban đầu đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Khi bộ phim được phát hành, người ta thường cho rằng không nên đến thăm trẻ em nằm viện vì những cuộc thăm viếng như vậy bị coi là gây rắc rối và không cần thiết. Hầu hết các bệnh viện ở Anh đều đã hạn chế sự hiện diện của phụ huynh. Theo quan điểm hiện tại, theo các thống kê đến giữa thế kỷ 20, vẫn chưa có gì xuất hiện đủ để gây sốc. Vào năm 1949, ba năm trước khi Robertson ghi hình A Two-Year Old Goes to Hospital, một cuộc khảo sát tại các bệnh viện ở Luân Đôn cho thấy rằng, tại Bệnh viện Guy, việc thăm viếng tại bệnh viện bị hạn chế vào Chủ nhật từ 2-4 giờ chiều; ở St Bartholomew, được phép vào các ngày thứ tư từ 2–3:30 chiều; ở St Thomas's không được viếng thăm nào trong tháng đầu tiên (!) và các bậc cha mẹ chỉ có thể thấy con mình ngủ trong khoảng từ 7-8 giờ tối; ở Bệnh viện London không được thăm viếng cho trẻ dưới 3 tuổi và cha mẹ chỉ có thể nhìn thấy con mình qua các vách ngăn; tại Bệnh viện Tây London thì không có bất kỳ người nào đến thăm. Trước khi việc chấp nhận cho cha mẹ đến thăm con ở các khoa nhi trở thành tiêu chuẩn, một số bác sĩ tin rằng “nếu trẻ em bị bỏ mặc trong một hoặc hai ngày, chúng sẽ quên cha mẹ của chúng” và Hiệp hội Nhi khoa Anh, trong bản ghi nhớ năm 1958, đã không làm gì ngoại trừ suy đoán ngắn gọn rằng “ Việc đưa một đứa trẻ nhỏ vào bệnh viện, liên quan đến việc xa nhà, có thể là một bất hạnh hoàn toàn khác với bất hạnh gây nên do bệnh tật". Phương thức dự kiến ​​của từ “có thể” nói lên nhiều điều về tình trạng mù quáng và thiếu hiểu biết khá phổ biến về tình trạng thiếu thốn tình cảm của trẻ em đang diễn ra hàng ngày trong bệnh viện. Thậm chí ngày nay, có lẽ khó mà hiểu được điều gì, mới chỉ cách đây 70 năm, đã tạo thành quy định chính thức trong việc nhập viện ở trẻ em.

Việc hạn chế đến thăm trẻ nằm viện có liên quan mật thiết đến sự phát triển chuyên ngành tâm lý trẻ em và trong văn hóa chung vẫn có sự xem nhẹ đối với tầm quan trọng của mối quan hệ chính yếu trong cuộc sống đầu đời của trẻ. Đặc biệt là ở Anh, dưới ảnh hưởng của Sigmund Freud và người đồ đệ trung thành của ông là Melanie Klein, giới phân tâm học ở Anh đã không xem các trải nghiệm thực tế của trẻ em là có nhiều ý nghĩa. Trong các bài viết và thực hành lâm sàng của mình, Klein đặc biệt ưu tiên vai trò của những huyễn tưởng vô thức của đứa trẻ về mẹ của nó hơn là những tương tác thực sự giữa đứa trẻ và mẹ. Bản thân Freud chỉ nêu lên các chủ đề về người mẹ một cách hời hợt. Kết quả là, khi Robertson trình bày bộ phim của mình cho Hiệp hội Y học Hoàng gia vào năm 1952, hầu hết người xem đều không sẵn lòng chấp nhận việc một đứa trẻ sẽ trải qua đau thương và buồn khổ [Nguyên văn: “mourn or experience grief” – Giống như tình huống mất mẹ - ND] khi bị chia ly với mẹ.

Điều quan trọng là vào nửa đầu thế kỷ 20 ở Anh, có ít nhất hai trung tâm đã thách thức những quan điểm được chấp nhận phổ biến này: Hampstead Nurseries và Tavistock Clinic, cả hai đều nằm ở Luân Đôn. Hai tổ chức này, vốn duy trì mối quan hệ làm việc chặt chẽ với nhau, là chìa khóa để khám phá các cơ chế định hướng cho mối quan hệ gắn bó cơ bản (primary bond) và thúc đẩy những thay đổi trong tâm lý học phát triển. Chính tại Hampstead Nurseries, Anna Freud đã hình thành học thuyết về tâm lý trẻ em dựa trên thực nghiệm của riêng bà, học thuyết này hình thành nên một giải pháp nhằm thay thế cho các ý tưởng của Klein. Anna Freud tin rằng chính nhờ sự ràng buộc sống động, bền vững giữa một đứa trẻ và một người trưởng thành ổn định về mặt cảm xúc mà đứa trẻ có thể phát triển một ý thức tự lập không bị xáo trộn. Và chính tại Tavistock Clinic, John Bowlby, cùng với Mary Ainsworth, đã phát triển cái được gọi là lý thuyết gắn bó (attachment theory), xem sự gắn bó như một đặc điểm cố hữu và quan trọng của con người. Cũng tại Tavistock Clinic, Donald Woods Winnicott đã phát triển nên các khái niệm về “người mẹ vừa đủ tốt” (the good-enough mother) và “một môi trường có tính nâng đỡ” (the holding environment), chuyển trọng tâm từ một “phân tâm học định hướng theo người bố” (paternally-oriented psychoanalysis) sang một “địa hạt về người mẹ” (the realm of the maternal). Mặc dù theo quan điểm ngày nay, người ta có thể dễ dàng công kích Bowlby và Winnicott vì sự “thiết yếu hoá vai trò của người mẹ” (essentializing motherhood), [ngày nay khái niệm “làm mẹ” (mothering) được hiểu không chỉ dành cho các bà mẹ ruột] người ta cũng không thể đánh giá quá cao việc các tác giả này kiên quyết ủng hộ sự gắn bó và vai trò làm mẹ (mothering) như là những điều có tính quyết định đối với sự phát triển của con người. Nói tóm lại, các nhà tâm lý học và nhân viên xã hội tập trung xung quanh Hampstead Nurseries và Tavistock Clinic đã tạo nên tiếng nói mạnh mẽ trong cuộc tranh luận liên quan đến tâm lý trẻ em. Cuốn phim A Two Year Old Goes to Hospital của Robertson, đã xuất phát từ môi trường tri thức này, nổi bật lên như một trong số những kết quả đáng hoan nghênh nhất của nó.

A Two Year Old Goes to Hospital, trái ngược với các bộ phim tài liệu về tình trạng chia ly khác ở trẻ em được thực hiện cùng thời, đã sử dụng một bộ thiết bị để gợi ra cho người xem sự đồng cảm với nhân vật chính của bộ phim, một đứa trẻ chỉ ở tuổi mới biết đi. Cụ thể hơn, mặc dù bộ phim theo định dạng phim tài liệu thông thường, nhưng nó tìm cách thu hút người xem để khiến họ nhận ra tác động cảm xúc của việc phải nhập viện một mình từ góc nhìn của một đứa trẻ, cho phép người xem xác định và đồng cảm với nhân vật chính. Bộ phim đặt ra những câu hỏi sau: Làm thế nào các nhân viên y tế có thể đối phó với nỗi tuyệt vọng của những bệnh nhi của họ thay vì hiểu sai hoặc bỏ qua nó? Làm thế nào người ta có thể nhìn thấy được nỗi đau khổ của những đứa trẻ khi bị bỏ rơi bởi những người chăm sóc chính của chúng? Những thay đổi nào cần được thực hiện trong thói quen của bệnh viện để giảm bớt sự tuyệt vọng của trẻ?

NHỮNG DIỄN NGÔN CỦA GIỚI Y KHOA (MEDICAL DISCOURSE) VỀ SỰ CHIA TÁCH CHA MẸ VÀ CON CÁI TRONG BỆNH VIỆN VÀO NHỮNG NĂM 1940 VÀ 1950

Mối quan tâm của giới y học và học thuật Anh đối với tác động của sự chia ly cha mẹ - con cái bắt nguồn từ Thế chiến II khi nhiều trẻ em mồ côi hoặc phải sơ tán khỏi cha mẹ của chúng. Như Frank van der Horst và René van der Veer đã lưu ý, vào cuối những năm 1930, đã xuất hiện “những ấn phẩm đầu tiên về tác hại tiềm tàng của việc chia ly mẹ con tạm thời”. Hai tác giả này đã nghiên cứu sâu rộng về sự chia cắt giữa cha mẹ và con cái, sau chiến tranh, và cuộc tranh luận đã được mở rộng về việc điều chỉnh các quy định trong việc thăm khám của cha mẹ và sự hiện diện của cha mẹ trong bệnh viện.

Trong bốn thập kỷ sau chiến tranh [Tính từ sau Thế chiến I đến sau Thế chiến II – ND], cuộc tranh luận đã tạo ra hàng trăm ấn phẩm, bao gồm các bài báo chuyên môn trên Tạp chí Y khoa Anh và tờ The Lancet, cùng các ấn phẩm khoa học khác, phim, bài xã luận và thư gửi cho biên tập viên. Cách diễn ngôn của giới y khoa bị giao động giữa một bên là sự phản kháng nghiêm khắc đối với cha mẹ đi cùng con cái nằm viện và bên kia là sự thừa nhận những tác động có lợi của sự hiện diện của họ.

Các ấn phẩm ban đầu, được viết trong Thế chiến II, tập trung vào những trẻ em mồ côi hoặc sơ tán không cha mẹ. Ngay từ năm 1939, các bác sĩ S.L. Yates và John Rickman đã lưu ý rằng khi một đứa trẻ bị bỏ rơi, nó sẽ phát triển tình trạng lo âu và các vấn đề về cảm xúc có thể xảy ra trong tương lai, liên quan đến việc không có người chăm sóc chính của nó. Trong một lá thư gửi cho The Lancet, Rickman lập luận rằng: Vào lúc đó, đứa trẻ cần sự an toàn và sự an ủi của những gương mặt thân quen, và việc tách trẻ khỏi cha mẹ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng lên các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống của trẻ sau này.

Cùng năm đó, người cộng tác trong tương lai của Robertson tại Phòng khám Tavistock, John Bowlby, cùng với Emanuel Miller và Donald Winnicott, cũng cảnh báo tương tự rằng “việc di tản những đứa trẻ nhỏ không có mẹ đi cùng có thể dẫn đến chứng rối loạn tâm lý rất nghiêm trọng và lan rộng”. Những tuyên bố này trùng hợp với các hoạt động của Anna Freud tại các nhà trẻ nội trú ở Hampstead. Như đã đề cập, Anna Freud nhấn mạnh rằng những người người lớn chăm sóc cho trẻ, những người đóng vai trò thay thế cha mẹ, nên phát triển sự gắn bó ổn định và nuôi dưỡng tình cảm với trẻ em. Anna Freud cảnh báo rằng nếu những người trưởng thành đó vẫn duy trì vẻ xa cách và không có nhân tính, hoặc nếu họ thường xuyên thay đổi đến mức không thể hình thành sự gắn bó lâu dài, thì sẽ có nguy cơ cao là những đứa trẻ đó sẽ phát triển những khiếm khuyết về tính cách và không thích nghi được với xã hội. Robertson làm việc từ năm 1941 với tư cách là nhân viên xã hội tại Hampstead Nurseries của Anna Freud và đã cùng chia sẻ quan điểm với bà.

Trong Thế chiến II cũng chứng kiến ​​sự xuất hiện của các nghiên cứu về nhập viện. Trong số các chủ đề khác, các nghiên cứu về việc nhập viện đã thảo luận về cái gọi là “hiệu ứng nhập viện” (hospitalization effect), là một tỷ lệ tử vong cao bất ngờ ở trẻ em. Ví dụ, Harry Bakwin đã phân tích số lượng trẻ sơ sinh tử vong đáng kinh ngạc trong bệnh viện Bellevue ở New York. Các ca tử vong ban đầu có liên quan đến việc nhiễm trùng chéo và sử dụng “những buồng bẹnh nhỏ, ngăn cách, trong đó y tá và bác sĩ được đeo khẩu trang, trùm đầu và lau dọn cẩn thận để không cho vi khuẩn xâm nhập”, cùng với những hạn chế nghiêm trọng trong việc thăm khám. Khi các biện pháp phòng ngừa này không thành công, người ta mới phát hiện ra rằng trẻ đã hồi phục sức khỏe khi trở về nhà. Điều này dẫn đến việc các bậc cha mẹ được khuyến khích đến thăm và các điều dưỡng bồng bế, âu yếm những trẻ sơ sinh để cung cấp cho chúng “sự ấm áp và an toàn mà [trẻ sơ sinh] có được khi tiếp xúc với mẹ hoặc người thay thế.” Kết quả là tỷ lệ tử vong giảm từ 30 - 35% xuống 10%.

Tình hình bắt đầu thay đổi vào thập niên 1950 do các quan sát lâm sàng (được thực hiện, chẳng hạn như trong các nhà trẻ của Anna Freud và tại Tavistock Clinic), ngày càng có nhiều ấn phẩm trong lĩnh vực này và sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của việc không làm gián đoạn quyền của người chăm sóc chính đến thăm các bệnh nhi. Thập niên 1950 cũng chứng kiến 3 sự kiện đáng chú ý thúc đẩy những chuyển biến trong các khoa nhi trong bệnh viện. Hai ấn phẩm đầu tiên là các ấn phẩm chính thức đưa ra các tiêu chuẩn về sự hiện diện của cha mẹ với trẻ em nằm viện. Đầu tiên là Maternal Care and Mental Health (Sự chăm sóc bởi Mẹ và Sức khỏe Tâm thần), một báo cáo được viết cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được xuất bản vào năm 1951. Nó được viết bởi John Bowlby, người lúc đó là người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu về Chia ly, sau này là Đơn vị Nghiên cứu Phát triển Trẻ em (Separation Research Unit, later the Child Development Research Unit) tại Tavistock Clinic và là người chặt chẽ hợp tác với Robertson (trên thực tế, vào năm 1952, họ đã cùng giới thiệu cuốn phim A Two-Year Old Goes to Hospital). Bowlby trước đây đã xuất bản cuốn sách Forty-four Juvenile Thieves (Bốn mươi bốn tên trộm vị thành niên), dựa trên những quan sát lâm sàng của mình tại Trung tâm Hướng dẫn Trẻ em cho những đứa trẻ kém thích ứng (Child Guidance Clinic for maladjusted children), ông lập luận về mối liên hệ giữa hành vi phạm pháp ở tuổi vị thành niên và trải nghiệm sớm về việc vắng mẹ kéo dài. Trong báo cáo của WHO, ông nói rằng: Điều thiết yếu đối với sức khỏe tâm thần là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được trải nghiệm một mối quan hệ ấm áp, thân mật và liên tục với mẹ của mình (hoặc người thay thế mẹ), trong đó cả hai đều tìm thấy sự hài lòng và thích thú. Chính mối quan hệ phức tạp, phong phú và bổ ích này với người mẹ trong những năm đầu đời, cùng với nhiều cách khác nhau trong quan hệ với cha và với các anh chị em, là nền tảng cho sự phát triển tính cách và sức khỏe tâm thần của trẻ.

Bowlby kết luận báo cáo bằng cách nói rằng “việc đứa trẻ bị thiếu vắng sự chăm sóc thường xuyên của người mẹ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến tính cách của nó và cả cuộc đời sau này của nó”. Do đó, ông khuyến nghị về những việc như: “hãy sống cùng những trẻ em dưới 3 tuổi, thường xuyên thăm gặp ở những trẻ 3–6 tuổi (hằng ngày nếu có thể), chỉ định một y tá cho một trẻ, tạo cơ cấu gia đình, duy trì những bệnh phòng cỡ nhỏ, giữ kỷ luật một cách thư thái, và chuẩn bị cho trẻ trước khi đến thời gian nhập viện”.

Các biện pháp này đã được củng cố trong ấn phẩm quan trọng thứ hai của thập niên 1950, Báo cáo Platt 1959 (1959 Platt Report). Ấn phẩm này được ủy quyền bởiBộ Y tế Anh, khi bộ này tự nhận thấy mình đang chịu nhiều áp lực do tranh cãi liên tục xung quanh các hướng dẫn liên quan đến việc nhập viện của trẻ em và việc thăm viếng của cha mẹ. Được chấp bút bởi Chủ tịch Trường Đại học Phẫu thuật Hoàng gia (Royal College of Surgeons), Sir Harry Platt, báo cáo đã khẳng định tầm quan trọng của sự hiện diện của cha mẹ và hết lòng đưa ra các khuyến nghị về việc thăm viếng các bệnh nhi trên 5 tuổi và bệnh nhi dưới 5 tuổi, với “việc thăm khám không hạn chế cho trẻ em và […] cung cấp chỗ ở cho cha mẹ ở lại với con nhỏ trong bệnh viện.” Tác động của Báo cáo Platt mạnh mẽ đến nỗi vào năm 1962, Robertson kết luận rằng, sau khi xuất bản, “không bệnh viện nào còn có thể phủ nhận trách nhiệm tàn ác này nếu tiếp tục hạn chế sự tiếp xúc giữa bệnh nhi và người mẹ của trẻ”. Kết quả là vào năm 1964, 80% bệnh viện ở Anh cho phép thăm khám hàng ngày so với 23% vào năm 1952. Những con số này có vẻ khiêm tốn theo quan điểm ngày nay, nhưng vào giữa thế kỷ 20, chúng đã đánh dấu một cột mốc rất quan trọng. Tương tự, một ấn phẩm năm 1974 có chứa các khuyến nghị dành cho điều dưỡng, có tựa đề là Nurse! I want my Mummy, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “hiểu nhu cầu tình cảm của trẻ nhỏ” và kêu gọi “mở rộng sự tham gia của phụ huynh trong các khoa phòng bệnh viện dành cho trẻ em”. Tại Hoa Kỳ, một cuộc khảo sát bệnh viện năm 1978 chỉ ra rằng 66% bệnh viện Hoa Kỳ không còn hạn chế sự thăm khám của cha mẹ.

Sự kiện lớn thứ ba, trùng hợp theo thứ tự thời gian với Báo cáo của Bowlby gửi cho WHO và khuyến khích việc đưa Báo cáo Platt vào hoạt động, là việc James Robertson hoàn thành cuốn phim A Two Year Old Goes to Hospital.

Xem tiếp Phần 2



Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

THẾ NÀO LÀ MỘT “CHÒM SAO HỆ THỐNG”?

What is a Constellation?
Tác giả: MEGHAN KELLY – Integrative Therapist
Nguồn: GET TO THE ORIGIN (Trang Web)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Get to The Origin (cũng là tên trang Web) là tiền đề cơ bản của phương pháp làm việc của Chòm sao Hệ thống hay Chòm sao Gia đình (Family & Systemic Constellation). Tuy phải tùy thuộc vào vấn đề đang xảy ra là gì, quy trình chữa lành luôn là một quy trình dành cho từng cá nhân với sự vận hành phù hợp với nhu cầu và thời gian của người ấy. Cơ sở để làm việc này là làm việc cùng nhau trong một nhóm trong một quá trình hoặc có thể chỉ trong một phiên duy nhất. Thời gian khác nhau tuỳ mỗi người nhưng mục tiêu là giống nhau - để cuối cùng là trở về lại với nguồn gốc, bởi vì ở đó việc chữa lành sẽ diễn ra và sự kết nối cuộc sống sẽ được thực hiện. 

Meghan Kelly (tác giả bài viết) là một nhà trị liệu tích hợp (Integrative Therapist), bà sử dụng nhiều công cụ khác nhau với mục tiêu và tập trung vào việc mang lại ý thức và nhận thức mới cho cuộc sống và các mối quan hệ của thân chủ. Công việc của bà là kết nối thân chủ với cuộc sống, và điều này xảy ra khi thân chủ ngày càng kết nối với bản chất và con người thật của mình. Bà làm việc với các cá nhân, cặp đôi, nhóm và cộng đồng, và phương pháp tiếp cận của bà là một phương pháp tích hợp (integral approach) xem xét con người trong một toàn thể gồm cả về cơ thể, tâm trí và tinh thần (body, mind and spirit).

Chòm sao (Constellation – Còn được dịch là “quần tinh”) là một kỹ thuật trị liệu được sử dụng để tiết lộ các tương quan động lực tiềm ẩn (underlying dynamics) của một tình huống loạn chức năng hoặc có vấn đề, có thể có hoặc không liên quan đến gia đình. Mặc dù phương pháp này thường đề cập đến các vấn đề gia đình, nhưng nó có thể được sử dụng cho bất kỳ tình huống nào cần hàn gắn, cần làm rõ hoặc cần giải quyết vấn đề. Một chòm sao cho phép bạn truy cập vào “tấm bản đồ cá nhân” (personal map) mà bạn đang nắm giữ bên trong; nó tiết lộ các kết nối và/hoặc các xung đột giữa các thành phần (một số có thể đã biết và một số khác có thể đã được phát hiện) và sau đó là các bước được thực hiện để giải quyết và/hoặc kết nối lại các bộ phận. Trải nghiệm từ việc này sẽ mang lại cho bạn một sự nhận thức, sự trật tự và sự hiểu biết lớn hơn về bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang phải đối mặt trong hiện tại hoặc bạn đã thừa hưởng từ quá khứ.

Các chòm sao là một loại liệu pháp hệ thống (systemic therapy) và lý thuyết hệ thống cho chúng ta biết rằng một hệ thống là tổng thể bao gồm các bộ phận của nó. Lý thuyết hệ thống chỉ ra rằng một vấn đề trong hệ thống sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống và chính hệ thống đó sẽ tự tìm kiếm cách để cân bằng. Một chòm sao trước tiên là một công cụ để khám phá những gì không hoạt động trong một hệ thống và sau đó là một phương tiện để đạt đến sự cân bằng và chữa lành cần thiết. Tất cả chúng ta rốt cuộc cũng đều là sản phẩm của những hệ thống mà chúng ta thuộc về, và một cách tự nhiên hẳn sẽ có những xung đột, những bế tắc hoặc những cản trở bên trong các hệ thống khiến gây nên những ảnh hưởng lên mức độ vận hành của các hệ thống. Trong một chòm sao, nguồn gốc của một vấn đề sẽ được tiết lộ và các bước sẽ được thực hiện để hướng đến sự chữa lành và cách giải quyết. Chẳng hạn, khi bạn cố gắng thay đổi năng lượng của nỗi đau thành sức mạnh, điều này sau đó có thể cho phép bạn tiến về phía trước một cách nhẹ nhàng và chân thực hơn.

Cách tiếp cận trị liệu này có ưu điểm là rất nhanh chóng vì nó trị liệu cho cơ thể, tâm trí và tinh thần cùng một lúc. Ví dụ, một chòm sao có thể tiết lộ nguyên nhân của một vấn đề mà có thể mất hàng tháng hoặc hàng năm để khám phá trong một liệu pháp bằng nói chuyện theo kiểu truyền thống và nó làm cho những nguyên nhân gốc rễ xa xôi có thể tiếp cận được, chẳng hạn như những sang chấn của tổ tiên (ancestral trauma) từ nhiều thế hệ trước.  

Vẫn có thể thực hiện phiên trị liệu cho cá nhân, mặc dù kỹ thuật bắt đầu như một liệu pháp cho cá nhân nhưng được thực hiện với sự giúp đỡ của một nhóm. Những thành viên tham gia nhóm sẽ làm việc với tư cách là những “người đại diện” (representatives) [Tương tự như trong tâm kịch là những “auxiliaries” – ND] cho một tình huống nhất định để trợ giúp cho người tạo chòm sao, và trong khi vào vị trí các đại diện, họ cũng thường đạt được sự nội thị (insight) riêng cho chính mình. Công việc kỳ diệu theo nghĩa là tất cả mọi người đều được hưởng lợi, không chỉ riêng cho thân chủ. Kết quả và mục tiêu là mang lại cho bạn sự nhận thức, tính trật tự và sự hiểu biết lớn hơn về bất kỳ vấn đề nào bạn đang đối mặt.

Chòm sao Hệ thống & Gia đình là một kỹ thuật có tiềm năng tạo chuyến biến cao. Nó có thể được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của bạn; tuy nhiên, nó không thể  thay thế cho các liệu pháp tâm lý hoặc hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần.

Loris – một người cùng tham gia nhóm Chòm sao Hệ thống ở Madrid, đã cho biết: "Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là tôi nghĩ rằng tôi sẽ chỉ giúp đỡ những người khác khi tôi tham gia (với tư cách là người đại diện) trong chòm sao của họ, nhưng cuối cùng, nó cũng giúp tôi rất nhiều!"

LỊCH SỬ SƠ LƯỢC VỀ CHÒM SAO HỆ THỐNG

Phương pháp Chòm sao được tạo ra bởi một nhà tâm lý học người Đức tên là Bert Hellinger. Hellinger trở thành một linh mục ở tuổi 20 và cuối cùng công việc đã đưa ông đến Nam Phi, nơi ông làm việc như một nhà truyền giáo với bộ tộc Zulu trong 16 năm. Ông đã điều hành một trường học lớn trong nhiều năm, giảng dạy và đồng thời là một linh mục ở đó. Quá trình cá nhân ông rời bỏ nền văn hóa này để sống ở nền văn hóa khác đã giúp ông nhận thức rõ ràng hơn về các giá trị văn hóa, và ông đã thấy rằng nhiều nghi lễ và phong tục của người Zulu cũng tương tự như các yếu tố của Thánh lễ Công giáo. Về sau, ông đã tích hợp âm nhạc và các nghi thức của người Zulu vào trong các giáo lễ. Công việc của ông với người Zulu cũng rất ấn tượng bởi vì họ đưa tổ tiên của họ vào trong các nghi thức chữa trị (healing rituals), điều mà thế giới phương Tây thường lãng quên.


Bert Hellinger (1925-2019)


Sau 25 năm làm linh mục, Hellinger đã rời đi và theo đuổi việc đào tạo về tâm lý trị liệu. Chính phân tâm học là một sự ảnh hưởng lớn tiếp theo trong cuộc đời ông. Cũng như với tất cả những việc ông đã làm, ông cũng đã toàn tâm toàn ý với sự tập luyện. Ông được đào tạo về Liệu pháp Gestalt, Liệu pháp Nguyên sơ (Primal Therapy – một loại liệu pháp do Arthur Janov đề xướng, nhằm trị liệu cho những sang chấn thời trẻ thơ - ND) và Liệu pháp Phân tích Tương giao (Transactional Analysis). Sau cùng, ông được đào tạo về trị liệu gia đình và đây là nơi ông lần đầu tiên tiếp cận với phương pháp chòm sao gia đình và liệu pháp hệ thống. Ngày nay, ông được biết đến là người đi tiên phong trong việc thực hiện các chòm sao, và công việc đã tiếp tục phát triển kể từ đó.

Bất cứ ai quen thuộc với liệu pháp tâm lý sẽ nhận ra công việc của Hellinger là sự tích hợp độc đáo của các khái niệm khác nhau. Trên thực tế, ông không tuyên bố mình đã khám phá ra điều gì đó mới, thay vào đó ông tích hợp nhiều khái niệm vào một điều gì đó mới mẻ hơn.

Thực hiện một bước để chữa lành cho chính bạn

CÁC THỂ LOẠI CHÒM SAO (CONSTELLATION CATEGORIES)

Một chòm sao sẽ tiết lộ những gì bạn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, những động lực tiềm ẩn và những căn nguyên của một vấn đề. Bằng cách tiết lộ nguồn gốc (revealing the origin), nó sẽ được đưa vào tầm ý thức và một quá trình trao đổi có tính chữa lành (healing exchange) sẽ diễn ra để mang lại một trật tự tự nhiên hơn (more natural order) cho hệ thống bạn mà bạn thuộc về - hệ thống gia đình của bạn hoặc bất kỳ hệ thống nào khác. Các đại diện (representatives) được chọn để đại diện cho các yếu tố khác nhau của câu chuyện và các phần tương tác với nhau một cách tự nhiên để trình bày nên câu chuyện giữa các thành phần.

Các chòm sao gia đình giải quyết các vấn đề gia đình thuộc mọi loại, bao gồm giữa các cặp đôi, giữa các anh chị em, với cha mẹ hoặc bất kỳ mối quan hệ nào khác. Các chòm sao liên quan đến nghề nghiệp và tổ chức (professional and organizational constellations) giải quyết những chủ đề về nghề nghiệp và tổ chức, cho phép một người kiểm tra và thử nghiệm các động thái hoặc dự án nghề nghiệp mới và có tiềm năng, đồng thời xem xét các yếu tố khác như hạnh phúc, tiền bạc và thành công. Danh sách các khả năng cho các chủ đề nghề nghiệp thì kéo dài và có tính sáng tạo, đổi mới để giải quyết các vấn đề phức tạp. Các chòm sao về sức khỏe (health constellations) có liên quan đến bất kỳ vấn đề sức khỏe, triệu chứng hoặc bệnh tật. Nhiều khi bệnh tật hoặc các triệu chứng của một người là biểu hiện của một vấn đề khác trong lĩnh vực gia đình, điều mà trước đây không được nhận ra hoặc giải quyết. Cuối cùng, cái mà tôi gọi là "chòm sao tự thân" (self constellation) sử dụng các phần khác nhau trong tính cách của chúng ta, các khía cạnh của bản thân, để tìm kiếm cách kết nối những thành phần ấy lại với nhau.

Một chòm sao mang đến cho bạn cơ hội để tiến tới việc chữa lành cho chính mình, và giống như tất cả các cơ hội, nó thường bắt đầu từ một vấn đề.

Danh mục: Chòm sao gia đình (family constellation), chòm sao nghề nghiệp và tổ chức (professional and organizational constellation), chòm sao sức khoẻ (health constellation) và chòm sao tự thân (sel/inner parts constellation)

Đón xem tiếp các bài sau về Chòm sao Hệ thống


Bert Helling trong một Constellation Workshop



Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

ĐIỂM GẶP GỠ GIỮA DONALD WINNICOTT VÀ MARTIN BUBER - Phần 1

Tựa gốc: Bản chất của “Khoảng Giữa” trong khái niệm “Khoảng Không gian Chuyển tiếp” của Winnicott và das Zwischenmenschliche của Martin Buber

The Nature of the “In-Between” in D.W. Winnicott’s Concept of Transitional Space and in Martin Buber’s das Zwischenmenschliche

Tác giả: LAURA PRAGLIN
Nguồn: UNIVERSITAS, Volume 2, Issue 2 (Fall 2006)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Phần 1

Martin Buber (1878-1965), triết gia và nhà thần học người Đức gốc Do Thái và D.W. Winnicott (1896-1971), một bác sĩ nhi khoa và phân tâm gia người Anh đều mô tả những chi tiết sinh động về một thực tại “ở khoảng giữa” (in-between). Mặc dù là những người sống cùng thời, họ lại cách biệt nhau về quê hương và lĩnh vực nghề nghiệp, và họ cũng không quen biết nhau. Tuy nhiên cả hai đều nêu ra trong các tác phẩm của mình một quan điểm có tính bổ sung lẫn nhau rất đáng kể liên quan đến khái niệm về một “khoảng không gian ở giữa” (in-between space) – với Winnicott là “vùng chuyển tiếp” (transitional area), còn với Martin Buber là điều được gọi tên tiếng Đức là das Zwischenmenschliche. Đây là nơi gặp gỡ của tiềm năng (potentiality) và tính đích thực (authenticity), nó không định vị bên trong bản thân (the self), mà cũng không nằm trong thế giới của những sự vụ chính trị hay kinh tế. Trong khoảng không gian này, người ta sẽ tìm thấy những khía cạnh đích thực nhất và sáng tạo nhất của sự tồn tại của cả cá nhân lẫn cộng đồng, bao gồm cả những biểu đạt về nghệ thuật, khoa học và tín ngưỡng.

 
Martin Buber (trái) và Donald Winnicott (phải)


Những ngụ nghĩa có tính sáng tạo và về luân lý (creative and moral implications) tiếp tục cộng hưởng sâu sắc và gây sự chú ý của nhiều học giả gần đây. Nhiều thập niên sau những đóng góp ban đầu của họ, chúng ta chứng kiến một sự chắp nối liên tục của Buber và Winnicott vào trong những bối cảnh làm việc ở nhiều ngành. Nhiều lĩnh vực rất khác nhau như triết học, thần học, chính trị, chăm sóc sức khoẻ, giao tiếp, nghiên cứu về giới và tâm lý học liên tục sử dụng các công trình của hai nhà tư tưởng ấy trong khi kết nối với những chủ đề về tính “liên chủ thể” (intersubjectivity), đối thoại (dialogue) và nghĩa vụ về luân lý (moral responsibility). Chẳng hạn như, về mặt tính thích đáng của khái niệm có tính quan hệ của bản ngã (relational concept of the self), Fishbane đã viết như sau:

Tầm nhìn của ông, dù đã định hình từ nhiều thập niên trước, cũng đã cộng hưởng đáng kể với những phát biểu gần đây trong lĩnh vực trị liệu gia đình và những lĩnh vực khác, những lĩnh vực đang tái định hình những giả định nền tảng về thế nào là nhân vị tính (personhood) và thế nào là trị liệu (therapy). Bên trong các lĩnh vực trị liệu gia đình, phân tâm học, phát triển con người và nghiên cứu về giới, những ý niệm truyền thống về bản ngã (self) đã bị thách thức. Trong những bối cảnh phức tạp về nghiên cứu cũng như lý thuyết, các ý niệm xưa cũ như “tính độc lập” (independence) và sự “chia ly - cá thể hoá” (separation-individuation) cũng đã được đặt trong cách nhìn về cá nhân theo ý nghĩa có tính quan hệ và tương quan phụ thuộc nhiều hơn (in more relational, interdependent terms).

Những khía cạnh có tính đối thoại (dialogical aspects) như thế trong cách nhìn của Buber và Winnicott có ý nghĩa rất đặc biệt trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, và phần lớn những bài viết trước đây về hai nhà tư tưởng này cũng đều tập trung vào địa hạt này. Tuy vậy, những khía cạnh then chốt trong tư duy của hai người hiếm khi được khảo sát bên ngoài địa hạt tâm lý học, đặc biệt là bằng cách nào mà khoảng “ở giữa” đó đã có thể chở che cho nền văn hoá và trí tưởng tượng; tạo điều kiện cho nghệ thuật và biểu tượng; và giúp cho sự tái sinh về đạo đức và tinh thần cho thế giới rộng lớn xung quanh.

Buber và Winnicott đều trình bày với những phong cách rõ ràng, ý nhị phù hợp với những lĩnh vực chuyên môn của họ. Cách hành văn của họ đều có kiểu kết thúc để ngỏ (open ended) một cách có chủ đích “với mong muốn để cho các độc giả của họ có thể tự điền thêm những trải nghiệm của chính mình”. Cả hai cũng đáng được chú ý bởi sự tôn trọng trên mức bình thường đối với tính tự chủ cá nhân (individual autonomy), về sự chấp nhận người khác một cách vô điều kiện, và về sự tìm kiếm tính phụ thuộc qua lại (mutuality) trong các mối quan hệ giữa người với người.

Do sự khác biệt về ngành nghề và đào tạo, Buber vẫn duy trì tính mơ hồ và sự hoài nghi về lĩnh vực tâm lý, còn Winnicott thì ít chuyên chú vào các thực tại xã hội và văn hoá. Mặc dù Buber thể hiện sự dè dặt với chiều kích tâm lý, nội tâm của sự tồn tại của con người, ông vẫn không gạt bỏ những khả năng nội thị của khoa học tâm lý miễn là chúng không nhằm định nghĩa về bản chất của cá nhân con người (the essence of the person). Tuy nhiên, Buber thấy tâm lý học nói chung đã nhanh chóng phân loại thế giới và cá nhân con người theo kiểu lưỡng phân - chủ thể và khách thể, và vì thế khả năng để đi vào địa hạt đối thoại sẽ không được đầy đủ. Buber kết luận rằng mặc dù bản chất con người là một sản phẩm mang tính xã hội, các cá nhân vẫn có một sự tự do và trách nhiệm rất lớn. Kết quả là Buber đã khẳng định rằng hãy nên bác bỏ các lý thuyết tâm lý học hành vi (behavioristic psychologies) bởi vì chúng không dành nhiều chỗ cho sự tự do chân thực. Ông tố cáo những loại tâm lý học kiểu này khi chúng cho rằng việc trị liệu thành công khi con người thay đổi và tạo những thói quen mới để thích ứng chúng sao cho phù hợp hơn với những thực tại văn hoá.

KHOẢNG KHÔNG GIAN CHUYỂN TIẾP: GIỮA CHỦ THỂ VÀ KHÁCH THỂ

(The Transitional Space: Between Subject and Object)

Giống như người thầy Georg Simmel của mình, Buber cố gắng kết hợp triết học với các lý thuyết về xã hội và tâm lý. Trong lời nói đầu quyển die Gesellschaft vào năm 1906, Buber lần đầu tiên đã đưa ra khái niệm das Zwischenmenschliche, mà sau đó ông đã nói rõ hơn với ý nghĩa là một “địa hạt đối thoại” (dialogical realm), thế giới của mối liên hệ giữa những cá nhân con người. Ông đã đối lập khái niệm này với bình diện phi cá nhân (impersonal domain) của “tính tập thể xã hội” (social collectivity) đặc trưng trong những “xã hội đoàn ngũ hoá” (mass society). Buber đặt trọng tâm vào mối liên hệ có ý nghĩa được ưu tiên theo đuổi trong một nghiên cứu còn phôi thai của ông vào năm 1923, nhan đề I and Thou, trong đó ông mô tả hai cách hiện hữu trong thế gian: thông qua các kiểu thức I-ItI-Thou [Tôi-với-Nó và Tôi-với-Bạn]. Trong địa hạt mối liên hệ kiểu I-It, con người đối xử với nhau như những “đối tượng” (objects – khách thể, vật thể). Trong địa hạt I-Thou, các cá nhân tìm kiếm những mối liên hệ có ý nghĩa với những người khác. Chúng ta phải sống trong cả hai thế giới ấy, Buber khẳng định, tuy chỉ có trong thế giới của mối liên hệ I-Thou, các cá nhân mới có thể liên hệ với toàn thể sự hiện hữu của họ và chỉ ở đó mới có thể diễn ra những đối thoại và quan hệ thực sự. Sự chuẩn nhận thực sự về tính trưởng thành và lành mạnh trở thành sự thương lượng thành công trong bản chất song đôi của sự tồn tại (twofold nature of existence).

Chịu ảnh hưởng bởi hai nhà phân tâm là Sigmund Freud và Melanie Klein, Winnicott cũng đã đưa ra ý tưởng ban đầu liên quan đến vai trò của những “hiện tượng chuyển tiếp” (transitional phenomena) trong sự phát triển đầu đời cũng như trong giai đoạn sống cuối đời. Trái với cả những nhà hành vi học (behaviorists) lẫn những nhà phân tâm cách tân (neo-Freudians), Winnicott còn đoan chắc rằng chủ đề mấu chốt trong tâm lý học đó là những mối quan hệ đặc thù giữa cá nhân với những người khác trong thế giới sống xung quanh, chứ không phải chỉ để thoả mãn những thôi thúc có tính bản năng. Mặc dù Winnicott thấy rằng những “đối tượng” (objects) – một thuật ngữ bao gồm luôn cả những con người – mà qua đó những đứa trẻ thiết lập liên hệ, vẫn bắt buộc phải thoả mãn những bản năng, nhưng sự việc đứa trẻ tham gia với các đối tượng thì cơ bản vẫn là để duy trì một mối quan hệ ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống của trẻ.

Trong một bài thuyết trình tại Hiệp hội Phân tâm Anh Quốc vào năm 1966, Winnicott đã mô tả sự tiến triển trong tư tưởng của ông. Đầu tiên ông đã tôn sùng Freud một cách không thắc mắc gì, xem việc chơi và thiết lập biểu tượng (play and symbolism) như là những cách thức giải bày của các cấu trúc trong tâm trí, phóng chiếu một cách khái quát vào thế giới rộng hơn xung quanh. Tuy nhiên, ông đã dần dần nhận ra rằng “Bên trong địa hình tâm trí của mình (his topography of the mind), Freud đã không dành chỗ cho sự trải nghiệm về những sự vật có tính văn hoá. Ông cũng nhận ra rằng đứa trẻ, chẳng hạn như trong lúc chơi, cũng đã có những quan điểm riêng của chính nó, khác với quan điểm của cha mẹ nó và của những người quan sát nó.

Trong một thời gian dài, tâm trí tôi vẫn duy trì trong một trạng thái “không biết” (a state of not-knowing)… Tôi đã lan man với những “hình ảnh đại diện bên trong tâm trí” (‘mental representations)… theo nghĩa đó là những “đối tượng” và những “hiện tượng” (objects and phenomena) định vị bên trong thực tại tâm trí cá nhân, được cảm thấy như là đang ở “bên trong”… ngoài ra, tôi cũng dõi theo những tác động của sự vận hành các cơ chế tâm trí, của “phóng chiếu” và “nhập nội” (projection and introjection). Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng việc chơi (play) chẳng phải chuyện thuộc về thực tại nội tâm bên trong mà cũng chẳng phải chuyện thuộc thực tại bên ngoài.”

TUỔI NHŨ NHI – KHỞI ĐẦU CỦA “KHOẢNG GIỮA”

(Infancy: The Beginning of the In-Between)

Winnicott chú trọng vào cách làm thế nào mà một đứa trẻ chuyển từ một “cảm nhận về tính toàn năng pha lẫn ảo tưởng” (a sense of illusory merged omnipotence) đối với người mẹ để trở nên nhận biết được về một cấu trúc tâm trí, hoặc có được một “cảm nhận về một bản ngã” tương đối chắc chắn (relatively firm sense of self). Ông cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để một đứa trẻ đương đầu được với sự mất mát đối tượng (object loss) hoặc với một môi trường xã hội không đáp ứng với nó. Phần trung tâm của những mối quan tâm này chính là ý tưởng của ông về những “hiện tượng chuyển tiếp” (transitional phenomena), những điều được nẩy sinh từ tình trạng “làm mẹ vừa đủ tốt” (good-enough mothering) bên trong một môi trường có tính nâng đỡ, khích lệ. Những đối tượng (vật) chuyển tiếp (transitional objects) là những vật sở hữu đầu tiên trong đời của đứa trẻ nhỏ vốn ban đầu “không phải của trẻ” (“not-me” possession), chúng có tính phổ quát và với vô vàn hình thức biến thiên. Chúng bắt đầu có tác dụng khi trẻ ở độ tuổi từ 4 đến 12 tháng, cùng với sự chăm sóc thông thường, tốt lành bởi cha mẹ và trong một môi trường có tính nâng đỡ. Mặc dù chúng là những vật có thật (ví dụ: một tấm chăn hoặc một ngón tay cái), những vật này vẫn không được đứa trẻ tiếp nhận như là những vật hoàn toàn thuộc về thực tại bên ngoài. Chúng có tính biểu tượng cho một “thực tại thứ ba” (symbolic of a third reality) – một khoảng “nằm ở giữa” chủ thể và khách thể (“in between” subject and object) – nằm giữa trạng thái hoà lẫn với mẹ và trạng thái “bên ngoài” và tách mẹ. Những “đối tượng chuyển tiếp” giúp bảo tồn ảo tưởng của trẻ về trạng thái cộng sinh với mẹ, “vì thế cho phép trẻ có ảo tưởng rằng những gì mà trẻ tạo ra là thực sự vẫn tồn tại” (thus allowing the infant the illusion that what the infant creates really exists). Nó giúp điều hoà cho một tiến trình ảo tưởng không thể tránh và vốn có trong khi trẻ đang dần dần thiết lập những đường ranh giới cho cái Tôi của trẻ (ego boundaries) khi trẻ “bắt đầu phân biệt dần giữa huyễn tưởng và thực tế, bên trong và bên ngoài, tương tự và khác biệt”.

Trong khi Winnicott, một bác sĩ nhi khoa và một phân tâm gia, chú trọng đến những trải nghiệm và những thực tại mang tính quyết định trong sự phát triển giai đoạn đầu đời của con người, bao gồm cả những mất mát tình cảm nghiêm trọng có thể dẫn đến những sang chấn tâm lý lâu dài, thì Buber, một triết gia xã hội, lại cho rằng hầu hết những người lớn trưởng thành đều có khả năng thiết lập quan hệ một cách có ý nghĩa, hiếm khi dẫn đến những khiếm khuyết trong sự phát triển về cảm xúc. Buber cũng khác với nhiều nhà tâm lý về việc ông đã cho rằng bên trong đứa trẻ vốn đã “có tính chất quan hệ” (positing an inherent relationality of child) ngay từ giai đoạn đầu đời. “Khởi đầu đã là mối quan hệ - như một thể loại hiện hữu, một tính chất sẵn sàng, một hình thức nắm bắt… đã uốn nắn cho tâm hồn của trẻ; chính đó là một tiên nghiệm (priori) của mối quan hệ, một Thou bẩm sinh (the inborn Thou). Việc này đã làm cho Buber khác biệt với nhiều lý thuyết gia về tâm lý khi những người này cho rằng một đứa trẻ ban đầu đón nhận người mẹ như một “đối tượng từng phần” (part-object), một It, và chỉ dần dần về sau mới quan hệ với mẹ như một “con người toàn thể” (whole person) hay một Thou. Hơn nữa, mối quan hệ giữa đứa trẻ và mẹ của nó, ngay từ lúc đầu, đã là một mối quan hệ có qua có lại theo kiểu I-Thou. Tuy nhiên, sau cùng, Buber viết rằng, đứa trẻ cũng phải “rơi” vào tình trạng biệt hoá và cá thể hoá (“fall” into a state of differentiation and individuation). Tuy thế, đó là một “cú rơi” đáng giá, bởi vì một sự dịch chuyển không thể tránh khỏi từ I-Thou sang I-It mới là một sự hoàn tất mà từ đó giúp làm nên khả năng cho một “sự hội ngộ I-Thou mang tính thực chất” (essential I-Thou encounter). Buber vì thế đã vạch ra sự khác biệt có ý nghĩa giữa một cái Thou trưởng thành hoặc một cái “Thou thực chất ở mức độ tự hiện hữu” (essential Thou on the level of self-being) với một cái Thou kém trưởng thành hoặc một “cái Thou nguyên sơ có trước sự ý thức về tình trạng chia ly của cá nhân” (“primitive Thou [which] precedes the consciousness of individual separateness). Tuy nhiên, làm thế nào để một trẻ nhỏ, khi chưa thể có ý thức đầy đủ về sự chia ly một cách đầy đủ, lại có thể đạt được một sự “xa cách” cần thiết cho sự hình thành mối quan hệ I-Thou? Câu hỏi này vẫn còn là vấn đề đối với một số người phê phán Buber. Buber miêu tả I-Thou nguyên sơ như “một thể loại hiện hữu, một sự sẵn sàng… một tiên nghiệm của mối quan hệ” (“category of being, a readiness. . .the a priori of relation), nó “không dựa trên sự khác biệt giữa tính hợp nhất và sự tách biệt (oneness and separateness), mà dựa vào sự khác biệt mang tính nền tảng giữa một bên là trải nghiệm cụ thể của một trẻ sơ sinh (a newborn’s concrete experience) và bên kia là những điều kiện hiện sinh để đứa trẻ đó nên người (existential conditions which make him human).

I-Thou nguyên sơ (primitive) là sự mô tả về những đặc trưng cơ bản giúp một trẻ nhỏ trở thành con người, trong khi I-Thou “thực chất” (‘essential’) là sự mô tả về kiểu quan hệ diễn ra trong những mối quan hệ đôi bên cùng trưởng thành. Vì thế, I-Thou nguyên sơ biểu thị rằng một thành tố thiết yếu bên trong con người là luôn luôn trong-mối-quan-hệ-với-một-ai-khác.

Mặc dù nó có khả năng cung cấp một nơi ẩn trú và để làm mới, tuy thế, Winnicott và Buber vẫn khẳng định rằng cái thế giới ở “khoảng giữa” này chẳng bao giờ có thể làm mất đi hoặc thay thế cho cả thế giới bên trong lẫn thế giới bên ngoài. Dù còn nhỏ hay đã lớn, chúng ta vẫn không thể cứ mãi mãi ở trong địa hạt của khả năng sáng tạo và chuyển đổi này, ngay cả khi nó là một phần có thật và đích thực của sự tồn tại của chúng ta. Buber và Winnicott vì thế đã từ chối việc trở thành những “người sùng bái theo kiểu tân lãng mạn” đối với cảm nhận và tính chủ quan (neo-romantic worshippers of feeling and subjectivity). Họ né tránh một kiểu quan điểm nhị nguyên như thế, và theo cách nói của Buber, họ không khuyến khích sự bài bác một thế giới của quan hệ kiểu I-It, thay vì thế họ đề xuất một sự hoà nhập sâu giữa địa hạt I-It với địa hạt I-Thou.

Giống như một đứa trẻ, chúng ta phải luôn quay trở lại với “nỗi ưu phiền đáng giá về số phận của chúng ta” (exalted melancholy of our fate) trong cõi giới I-It: Tuy thế, Buber khẳng định rằng ngay trong bầu khí phàm trần này, chúng ta vẫn có thể đòi hỏi một cảm nhận về ý nghĩa sống (sense of meaning), vì “những địa hạt của Thou bị chuyển đổi thành của It đều vẫn có nó trong bản chất để một lần nữa lại thay đổi trở lại vào trong cái hiện tại” (these Thou’s which have been changed into It’s have it in their nature to change back again into presentness).

Vật chuyển tiếp của Winnicott, tự nó là một ảo tưởng, một cách nghịch lý đối với tất cả mọi người, nó vẫn như là “cơ sở khởi đầu của sự trải nghiệm”. Vùng trải nghiệm trung gian này, trong đó có vật chuyển tiếp, vẫn được gìn giữ trong suốt cuộc đời, “dưới hình thức những trải nghiệm sâu sắc thuộc những lĩnh vực nghệ thuật, tín ngưỡng, cuộc sống tưởng tượng và những công trình khoa học sáng tạo”. Thế giới “ở khoảng giữa” của Winnicott không bị lắc lư, giao động giữa ThouIt như của Buber, mà vẫn là một khái niệm ổn định, bền vững, sẵn sàng để vẽ nên phần còn lại trong cuộc sống của chúng ta.

Xem tiếp Phần 2

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...