Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

TƯỞNG NHỚ VIRGINIA SATIR (1916-1988) - BẬC THẦY VỀ LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH

Remembering Family Therapist Guru Virginia Satir (1916-1988)
Tác giả: BLAKE GRIFFIN EDWARDS, MSMFT, LMFT, Family Therapy Topic Expert Contributor
Nguồn: Good Therapy/ Blog – 16/1/2015

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN - Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non


Virginia Satir (1916-1988)


Với bản chất nhân văn (humanistic) và sự quan tâm đến phẩm chất hiện sinh (existential qualities) của các mối quan hệ ở con người, Virginia Satir được xem là người khởi xướng và cũng là nhân tố đi đầu trong sự tiến triển của liệu pháp gia đình dựa trên trải nghiệm (experiential family therapies)

Phương pháp của Satir xoay quanh hai yếu tố cốt lõi – biên niên sử của đời sống gia đình (family life chronology), nơi bà tìm kiếm để hiểu được mô hình phát triển của những mối quan hệ trong gia đình như là một nền tảng của sự thay đổi, và quá trình tái kiến tạo lại gia đình (family reconstruction), nơi bà nỗ lực hướng dẫn những gia đình thông qua quá trình lôi kéo những thay đổi tích cực sử dụng những can thiệp mang tính trải nghiệm, từ hoạt động tưởng tượng có hướng dẫn (guided fantasy), chiêm nghiệm có hướng dẫn (guided contemplation), thôi miên (hypnosis), tâm kịch (psychodrama), tạc tượng gia đình (family sculpting), những bữa tiệc diễn trò (parts parties), và sắm vai (role playing) (Gross, 1994; Satir, 1988; Winter và Parker, 1991).

Một trong những quan tâm hàng đầu của Satir là sự giao tiếp trong gia đình. Theo Satir (1988), “Khi một người bước vào đời sống này, giao tiếp là yếu tố đơn lẻ lớn nhất xác định thể loại quan hệ mà người ấy tạo nên với những người xung quanh và cũng xác định điều gì sẽ xảy ra với mỗi bên trong đời sống này”.

Sartir phát triển mô hình với 5 phong cách giao tiếp: xoa dịu (placating), đổ lỗi (blaming), toan tính (computing), sao nhãng (distracting), hài hòa (congruent). Theo quan niệm của Satir, người có phong cách xoa dịu (placaters) thường hành động để làm người khác vui lòng và thường tự làm cho bản thân bị lu mờ; người đổ lỗi (blamers) thì hành động tự thể hiện mình là người ngay thẳng và thường kết tội người khác; người toan tính (computers) thường ít thể hiện cảm xúc (emotionally detached) và thường cứng nhắc về mặt lý trí (rigidly intellectual); người gây xao nhãng (distracters) không có trọng tâm và dường như không thể liên hệ với những gì thực sự đang được nói đến và đang diễn ra trong gia đình và người giao tiếp hài hòa (congruent communicators) thường có khả năng bày tỏ, chịu trách nhiệm, chân thật và phát biểu về chính mình một cách rõ ràng và phù hợp với bối cảnh.

Satir sử dụng những kỹ thuật mang tính trải nghiệm (experiential techniques) tạo điều kiện cho gia đình khám phá, thừa nhận và thay đổi mô hình giao tiếp của họ trong phiên trị liệu. Sắm vai, tạc tượng, chiêm nghiệm có hướng dẫn là ba hình thức thường thấy trong liệu pháp giao tiếp trải nghiệm (experiential communication therapy) được Satir sử dụng trong khi làm việc với các gia đình.

Khi quan sát một gia đình, Satir tập trung vào sự liên kết trong gia đình (family interconnectedness), đặc biệt là những bộ ba (triad units), hệ thống cảm xúc - quan hệ giữa ba thành viên trong gia đình. Bộ ba cha – mẹ - con thường xuyên giữ vị trí trung tâm trong sự chú ý của bà, bởi vì bà tin rằng đây là điều có tác động mạnh mẽ nhất trong sự “tôi luyện” về các mối quan hệ bộ ba mà trẻ bắt đầu học tập và thực hành về sự mật thiết (intimacy) (Baldwin, 1991).

Satir đưa ra 4 nhận định: (1) Tất cả mọi người đều dự trữ cho mình những tiềm năng tang trưởng và có khả năng chuyển đổi; (2) Con người có trong mình tất cả nguồn lực mà họ cần có cho sự tăng trưởng và phát triển tích cực; (3) Gia đình là hệ thống mà trong đó mọi người và mọi thứ đều gây ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng qua lại với nhau, và (4) Những niềm tin của nhà trị liệu quan trọng hơn là những kỹ thuật của họ (Satir và Baldwin, 1983).

Satir quan tâm đến tính độc đáo và tiềm năng (uniqueness and potentials) của các thành viên trong gia đình và bà cũng quan tâm đến sự phát triển tinh thần của họ (spiritual development). Satir (1988) viết, “Tôi tin [spirituality - tinh thần] là sự kết nối của chúng ta với vũ trụ và là nền tảng của những trải nghiệm của chúng ta và vì thế nó cần thiết cho bối cảnh trị liệu của chúng ta”.

Bà thách thức những nhận thức luận theo kiểu hành vi và điều khiển học (behavioral and cybernetic epistemologies), khi phản biện rằng, trong khi nỗ lực thay đổi hành vi, tình thần của con người thường bị dày vò, “nó cũng gây méo mó về cơ thể và mờ đục về tâm trí.” Bà nhìn thấy những sai lầm khi đánh đồng giá trị của con người với bản chất của hành vi của người đó.” Bà viết, “cần nhớ rằng hành vi là một điều gì đó chúng ta học được. Chúng ta có thể cùng lúc vừa tôn vinh tinh thần và vừa thúc đẩy những hành vi tích cực hơn.”

Satir nhìn nhận sự giao tiếp kém là một yếu tố duy trì những mối quan hệ không lành mạnh và bà ủng hộ cho việc giao tiếp cởi mở và hài hòa hơn giữa những cá nhân và trong những cá nhân như là điều chính yếu để tăng cường sự nhận thức, lòng trắc ẩn, và sự kết nối trong gia đình và xã hội (Satir, 1983).

Satir (1986) phát biểu “người ta thường sử dụng quá khứ để làm ô uế hiện tại, rồi đến lượt hiện tại lại tạo ra một tương lai với sự tái tạo lại quá khứ của họ, một chốn sa lầy và thường là trong tình trạng tuyệt vọng” (chuyển đổi từ thì quá khứ sang thì hiện tại). Bà phát biểu thêm, “Chính nhờ việc học từ quá khứ mà ta có thể hình thành cách tiếp cận với hiện tại. Để thay đổi nhận thức và trải nghiệm của hiện tại để nó có thể trở thành một bước đệm (steppingstone) đến một tương lai lành mạnh hơn, bằng cách nào đó ta cần giới thiệu những cách thức để kích thích diễn ra một quá trình học tập mới.”

Không giống như người cùng thời là Carl Whitaker, Satir quan tâm đến việc trực tiếp phát hiện và giải quyết triệu chứng. Satir hiểu rằng triệu chứng của một cá nhân trong gia đình thể hiện nỗi đau của gia đình và triệu chứng của trẻ nhỏ liên quan đến những khó khăn trong hôn nhân (của bố mẹ) mà từ đó khiến họ trở thành một bộ ba (trianglulated) (Luepnitz, 2002).

Đối với Satir, về cơ bản mục tiêu của trị liệu là gia tăng giá trị bản thân và khả năng nuôi dưỡng trong các gia đình (increase self-worth and nurturance within families).

Deborah Luepnitz (2002), một nhà đấu tranh vì nữ quyền nổi tiếng trong lĩnh vực này, đã chỉ trích tính chất đơn giản trong lý thuyết của Satir như sau:

Ảo tưởng của Satir là ảo tưởng về niềm tin rằng người ta có thể thay đổi thế giới do bị lôi cuốn chỉ bởi những nguyên lý thay đổi trong trị liệu, mà bỏ qua những thay đổi về chính trị trên toàn cầu vốn cần được hiểu và đón bắt. Satir đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1984: “Nếu mỗi trường học, mỗi gia đình, mỗi nơi làm việc đều xảy ra một sự thay đổi vào ngay trong đêm nay để trở nên yêu thương và coi trọng chính bản thân mình và cũng đối xử như vậy với những người xung quanh, thì sáng ngày mai bạn hẳn sẽ thấy chúng ta thay đổi như thế nào!” (vừa nói vừa bật tách ngón tay). Đây hầu như không thể là một học thuyết giúp cải cách xã hội. Nó không thể giúp chúng ta hiểu những vấn đề phức tạp lạ thường trong sự phát triển của các quốc gia thuộc thế thới thứ ba, cũng không thể giúp giải trừ vũ khí, và cũng không giúp gì cho những chuyện cay đắng về bệnh AIDS. Có những lý do để thấy rằng con người không thể, ngay trong nửa đêm – hoặc giữa ban ngày, quyết định để yêu thương và làm những việc như họ có thể. Tuy nhiên, Satir đã không có học thuyết nào giúp giải thích về bạo lực hoặc về những điều tai ác có thể hủy hoại những cá nhân hoặc huỷ hoại toàn thể loài người trong vòng quay lịch sử. Lòng tự tôn thấp đơn giản không thể là lời giải thích cho sự diệt vong hoàn toàn các quốc gia.

Luepnitz lý giải rằng khái niệm của Satir về “lòng tự tôn” (self-esteem) chẳng gì khác hơn là sự trích dẫn từ tâm lý học cái Tôi (ego psychology) hoặc chỉ là một sự đơn giản hóa quá mức về mặt khái niệm một cách thô thiển và mơ hồ.

Sự thiếu tính rõ ràng và chính xác về mặt lý thuyết của Satir đã khiến bà mất đi sự tôn trọng ngang hàng cùng với những người tiên phong về liệu pháp gia đình lớn khác. Alan Guman và David Kniskern (1981) đã không lựa chọn công trình của Satir để trình bày trong quyển Sổ tay Trị liệu Gia đình (Handbook of Family Therpy) bởi vì không có trường phái hay phương pháp trị liệu nào rõ ràng đã phát triển từ sự đóng góp của bà.

Tuy nhiên, nhiều nhà tiên phong quan trọng trong liệu pháp gia đình đã theo đuổi thiên tài đầy tính truyền cảm hứng của Satir. Một nhà trị liệu gia đình ưu tú khác là Lynn Hoffman (1981) đã chứng thực về “sức mạnh của sự hiện diện của bà trong các gia đình” và những đóng góp “phi thường và độc đáo” của bà trong lĩnh vực làm việc này.

Xem bài có liên quan: 

MỤC TIÊU CỦA VIỆC TRỊ LIỆU


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...