Tựa gốc: Bản chất của “Khoảng Giữa” trong khái niệm “Khoảng Không gian Chuyển tiếp” của Winnicott và das Zwischenmenschliche của Martin Buber
The Nature of the “In-Between” in
D.W. Winnicott’s Concept of Transitional Space and in Martin Buber’s das
Zwischenmenschliche
Tác giả: LAURA PRAGLIN
Nguồn: UNIVERSITAS, Volume 2, Issue 2 (Fall 2006)
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Phần
1
Martin Buber (1878-1965), triết gia và nhà thần
học người Đức gốc Do Thái và D.W. Winnicott (1896-1971), một bác sĩ nhi khoa và
phân tâm gia người Anh đều mô tả những chi tiết sinh động về một thực tại “ở
khoảng giữa” (in-between). Mặc dù là những người sống cùng thời, họ lại cách biệt
nhau về quê hương và lĩnh vực nghề nghiệp, và họ cũng không quen biết nhau. Tuy
nhiên cả hai đều nêu ra trong các tác phẩm của mình một quan điểm có tính bổ
sung lẫn nhau rất đáng kể liên quan đến khái niệm về một “khoảng không gian ở
giữa” (in-between space) – với Winnicott là “vùng chuyển tiếp” (transitional
area), còn với Martin Buber là điều được gọi tên tiếng Đức là das Zwischenmenschliche. Đây là nơi gặp
gỡ của tiềm năng (potentiality) và tính đích thực (authenticity), nó không định
vị bên trong bản thân (the self), mà cũng không nằm trong thế giới của những sự
vụ chính trị hay kinh tế. Trong khoảng không gian này, người ta sẽ tìm thấy những
khía cạnh đích thực nhất và sáng tạo nhất của sự tồn tại của cả cá nhân lẫn cộng
đồng, bao gồm cả những biểu đạt về nghệ thuật, khoa học và tín ngưỡng.
Những ngụ nghĩa có tính sáng tạo và về luân
lý (creative and moral implications) tiếp tục cộng hưởng sâu sắc và gây sự chú
ý của nhiều học giả gần đây. Nhiều thập niên sau những đóng góp ban đầu của họ,
chúng ta chứng kiến một sự chắp nối liên tục của Buber và Winnicott vào trong
những bối cảnh làm việc ở nhiều ngành. Nhiều lĩnh vực rất khác nhau như triết học,
thần học, chính trị, chăm sóc sức khoẻ, giao tiếp, nghiên cứu về giới và tâm lý
học liên tục sử dụng các công trình của hai nhà tư tưởng ấy trong khi kết nối với
những chủ đề về tính “liên chủ thể” (intersubjectivity), đối thoại (dialogue)
và nghĩa vụ về luân lý (moral responsibility). Chẳng hạn như, về mặt tính thích
đáng của khái niệm có tính quan hệ của bản ngã (relational concept of the self),
Fishbane đã viết như sau:
Tầm nhìn của ông, dù đã định hình từ nhiều thập
niên trước, cũng đã cộng hưởng đáng kể với những phát biểu gần đây trong lĩnh vực
trị liệu gia đình và những lĩnh vực khác, những lĩnh vực đang tái định hình những
giả định nền tảng về thế nào là nhân vị tính (personhood) và thế nào là trị liệu
(therapy). Bên trong các lĩnh vực trị liệu gia đình, phân tâm học, phát triển
con người và nghiên cứu về giới, những ý niệm truyền thống về bản ngã (self) đã
bị thách thức. Trong những bối cảnh phức tạp về nghiên cứu cũng như lý thuyết,
các ý niệm xưa cũ như “tính độc lập” (independence) và sự “chia ly - cá thể
hoá” (separation-individuation) cũng đã được đặt trong cách nhìn về cá nhân
theo ý nghĩa có tính quan hệ và tương quan phụ thuộc nhiều hơn (in more
relational, interdependent terms).
Những khía cạnh có tính đối thoại (dialogical
aspects) như thế trong cách nhìn của Buber và Winnicott có ý nghĩa rất đặc biệt
trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, và phần lớn những bài viết trước đây về hai nhà
tư tưởng này cũng đều tập trung vào địa hạt này. Tuy vậy, những khía cạnh then chốt
trong tư duy của hai người hiếm khi được khảo sát bên ngoài địa hạt tâm lý học,
đặc biệt là bằng cách nào mà khoảng “ở giữa” đó đã có thể chở che cho nền văn
hoá và trí tưởng tượng; tạo điều kiện cho nghệ thuật và biểu tượng; và giúp cho
sự tái sinh về đạo đức và tinh thần cho thế giới rộng lớn xung quanh.
Buber và Winnicott đều trình bày với những
phong cách rõ ràng, ý nhị phù hợp với những lĩnh vực chuyên môn của họ. Cách
hành văn của họ đều có kiểu kết thúc để ngỏ (open ended) một cách có chủ đích
“với mong muốn để cho các độc giả của họ có thể tự điền thêm những trải nghiệm
của chính mình”. Cả hai cũng đáng được chú ý bởi sự tôn trọng trên mức bình thường
đối với tính tự chủ cá nhân (individual autonomy), về sự chấp nhận người khác một
cách vô điều kiện, và về sự tìm kiếm tính phụ thuộc qua lại (mutuality) trong
các mối quan hệ giữa người với người.
Do sự khác biệt về ngành nghề và đào tạo,
Buber vẫn duy trì tính mơ hồ và sự hoài nghi về lĩnh vực tâm lý, còn Winnicott
thì ít chuyên chú vào các thực tại xã hội và văn hoá. Mặc dù Buber thể hiện sự
dè dặt với chiều kích tâm lý, nội tâm của sự tồn tại của con người, ông vẫn
không gạt bỏ những khả năng nội thị của khoa học tâm lý miễn là chúng không nhằm
định nghĩa về bản chất của cá nhân con người (the essence of the person). Tuy
nhiên, Buber thấy tâm lý học nói chung đã nhanh chóng phân loại thế giới và cá
nhân con người theo kiểu lưỡng phân - chủ thể và khách thể, và vì thế khả năng để
đi vào địa hạt đối thoại sẽ không được đầy đủ. Buber kết luận rằng mặc dù bản
chất con người là một sản phẩm mang tính xã hội, các cá nhân vẫn có một sự tự
do và trách nhiệm rất lớn. Kết quả là Buber đã khẳng định rằng hãy nên bác bỏ
các lý thuyết tâm lý học hành vi (behavioristic psychologies) bởi vì chúng
không dành nhiều chỗ cho sự tự do chân thực. Ông tố cáo những loại tâm lý học
kiểu này khi chúng cho rằng việc trị liệu thành công khi con người thay đổi và
tạo những thói quen mới để thích ứng chúng sao cho phù hợp hơn với những thực tại
văn hoá.
KHOẢNG
KHÔNG GIAN CHUYỂN TIẾP: GIỮA CHỦ THỂ VÀ KHÁCH THỂ
(The Transitional Space:
Between Subject and Object)
Giống như người thầy Georg Simmel của mình,
Buber cố gắng kết hợp triết học với các lý thuyết về xã hội và tâm lý. Trong lời
nói đầu quyển die Gesellschaft vào
năm 1906, Buber lần đầu tiên đã đưa ra khái niệm das Zwischenmenschliche, mà sau đó ông đã nói rõ hơn với ý nghĩa là
một “địa hạt đối thoại” (dialogical realm), thế giới của mối liên hệ giữa những
cá nhân con người. Ông đã đối lập khái niệm này với bình diện phi cá nhân
(impersonal domain) của “tính tập thể xã hội” (social collectivity) đặc trưng
trong những “xã hội đoàn ngũ hoá” (mass society). Buber đặt trọng tâm vào mối
liên hệ có ý nghĩa được ưu tiên theo đuổi trong một nghiên cứu còn phôi thai của
ông vào năm 1923, nhan đề I and Thou,
trong đó ông mô tả hai cách hiện hữu trong thế gian: thông qua các kiểu thức I-It và I-Thou [Tôi-với-Nó và Tôi-với-Bạn]. Trong địa hạt mối liên hệ kiểu I-It, con người đối xử với nhau như những
“đối tượng” (objects – khách thể, vật thể). Trong địa hạt I-Thou, các cá nhân tìm kiếm những mối liên hệ có ý nghĩa với những
người khác. Chúng ta phải sống trong cả hai thế giới ấy, Buber khẳng định, tuy
chỉ có trong thế giới của mối liên hệ I-Thou, các cá nhân mới có thể liên hệ với
toàn thể sự hiện hữu của họ và chỉ ở đó mới có thể diễn ra những đối thoại và
quan hệ thực sự. Sự chuẩn nhận thực sự về tính trưởng thành và lành mạnh trở
thành sự thương lượng thành công trong bản chất song đôi của sự tồn tại (twofold
nature of existence).
Chịu ảnh hưởng bởi hai nhà phân tâm là
Sigmund Freud và Melanie Klein, Winnicott cũng đã đưa ra ý tưởng ban đầu liên
quan đến vai trò của những “hiện tượng chuyển tiếp” (transitional phenomena)
trong sự phát triển đầu đời cũng như trong giai đoạn sống cuối đời. Trái với cả
những nhà hành vi học (behaviorists) lẫn những nhà phân tâm cách tân
(neo-Freudians), Winnicott còn đoan chắc rằng chủ đề mấu chốt trong tâm lý học
đó là những mối quan hệ đặc thù giữa cá nhân với những người khác trong thế giới
sống xung quanh, chứ không phải chỉ để thoả mãn những thôi thúc có tính bản
năng. Mặc dù Winnicott thấy rằng những “đối tượng” (objects) – một thuật ngữ
bao gồm luôn cả những con người – mà qua đó những đứa trẻ thiết lập liên hệ, vẫn
bắt buộc phải thoả mãn những bản năng, nhưng sự việc đứa trẻ tham gia với các đối
tượng thì cơ bản vẫn là để duy trì một mối quan hệ ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống
của trẻ.
Trong một bài thuyết trình tại Hiệp hội Phân
tâm Anh Quốc vào năm 1966, Winnicott đã mô tả sự tiến triển trong tư tưởng của
ông. Đầu tiên ông đã tôn sùng Freud một cách không thắc mắc gì, xem việc chơi
và thiết lập biểu tượng (play and symbolism) như là những cách thức giải bày của
các cấu trúc trong tâm trí, phóng chiếu một cách khái quát vào thế giới rộng
hơn xung quanh. Tuy nhiên, ông đã dần dần nhận ra rằng “Bên trong địa hình tâm
trí của mình (his topography of the mind), Freud đã không dành chỗ cho sự trải
nghiệm về những sự vật có tính văn hoá. Ông cũng nhận ra rằng đứa trẻ, chẳng hạn
như trong lúc chơi, cũng đã có những quan điểm riêng của chính nó, khác với
quan điểm của cha mẹ nó và của những người quan sát nó.
Trong một thời
gian dài, tâm trí tôi vẫn duy trì trong một trạng thái “không biết” (a state of
not-knowing)… Tôi đã lan man với những “hình ảnh đại diện bên trong tâm trí” (‘mental
representations)… theo nghĩa đó là những “đối tượng” và những “hiện tượng” (objects
and phenomena) định vị bên trong thực tại tâm trí cá nhân, được cảm thấy như là
đang ở “bên trong”… ngoài ra, tôi cũng dõi theo những tác động của sự vận hành
các cơ chế tâm trí, của “phóng chiếu” và “nhập nội” (projection and
introjection). Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng việc chơi (play) chẳng phải chuyện
thuộc về thực tại nội tâm bên trong mà cũng chẳng phải chuyện thuộc thực tại
bên ngoài.”
TUỔI
NHŨ NHI – KHỞI ĐẦU CỦA “KHOẢNG GIỮA”
(Infancy: The Beginning of the
In-Between)
Winnicott chú trọng vào cách làm thế nào mà một
đứa trẻ chuyển từ một “cảm nhận về tính toàn năng pha lẫn ảo tưởng” (a sense of
illusory merged omnipotence) đối với người mẹ để trở nên nhận biết được về một
cấu trúc tâm trí, hoặc có được một “cảm nhận về một bản ngã” tương đối chắc chắn
(relatively firm sense of self). Ông cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để một đứa
trẻ đương đầu được với sự mất mát đối tượng (object loss) hoặc với một môi trường
xã hội không đáp ứng với nó. Phần trung tâm của những mối quan tâm này chính là
ý tưởng của ông về những “hiện tượng chuyển tiếp” (transitional phenomena), những
điều được nẩy sinh từ tình trạng “làm mẹ vừa đủ tốt” (good-enough mothering)
bên trong một môi trường có tính nâng đỡ, khích lệ. Những đối tượng (vật) chuyển
tiếp (transitional objects) là những vật sở hữu đầu tiên trong đời của đứa trẻ nhỏ
vốn ban đầu “không phải của trẻ” (“not-me” possession), chúng có tính phổ quát
và với vô vàn hình thức biến thiên. Chúng bắt đầu có tác dụng khi trẻ ở độ tuổi
từ 4 đến 12 tháng, cùng với sự chăm sóc thông thường, tốt lành bởi cha mẹ và
trong một môi trường có tính nâng đỡ. Mặc dù chúng là những vật có thật (ví dụ:
một tấm chăn hoặc một ngón tay cái), những vật này vẫn không được đứa trẻ tiếp nhận
như là những vật hoàn toàn thuộc về thực tại bên ngoài. Chúng có tính biểu tượng
cho một “thực tại thứ ba” (symbolic of a third reality) – một khoảng “nằm ở giữa”
chủ thể và khách thể (“in between” subject and object) – nằm giữa trạng thái
hoà lẫn với mẹ và trạng thái “bên ngoài” và tách mẹ. Những “đối tượng chuyển tiếp”
giúp bảo tồn ảo tưởng của trẻ về trạng thái cộng sinh với mẹ, “vì thế cho phép
trẻ có ảo tưởng rằng những gì mà trẻ tạo ra là thực sự vẫn tồn tại” (thus
allowing the infant the illusion that what the infant creates really exists).
Nó giúp điều hoà cho một tiến trình ảo tưởng không thể tránh và vốn có trong
khi trẻ đang dần dần thiết lập những đường ranh giới cho cái Tôi của trẻ (ego boundaries)
khi trẻ “bắt đầu phân biệt dần giữa huyễn tưởng và thực tế, bên trong và bên
ngoài, tương tự và khác biệt”.
Trong khi Winnicott, một bác sĩ nhi khoa và một
phân tâm gia, chú trọng đến những trải nghiệm và những thực tại mang tính quyết
định trong sự phát triển giai đoạn đầu đời của con người, bao gồm cả những mất
mát tình cảm nghiêm trọng có thể dẫn đến những sang chấn tâm lý lâu dài, thì
Buber, một triết gia xã hội, lại cho rằng hầu hết những người lớn trưởng thành
đều có khả năng thiết lập quan hệ một cách có ý nghĩa, hiếm khi dẫn đến những
khiếm khuyết trong sự phát triển về cảm xúc. Buber cũng khác với nhiều nhà tâm
lý về việc ông đã cho rằng bên trong đứa trẻ vốn đã “có tính chất quan hệ” (positing
an inherent relationality of child) ngay từ giai đoạn đầu đời. “Khởi đầu đã là
mối quan hệ - như một thể loại hiện hữu, một tính chất sẵn sàng, một hình thức nắm
bắt… đã uốn nắn cho tâm hồn của trẻ; chính đó là một tiên nghiệm (priori) của mối quan hệ, một Thou bẩm sinh (the inborn
Thou). Việc này đã làm cho Buber khác biệt với nhiều lý thuyết gia về tâm
lý khi những người này cho rằng một đứa trẻ ban đầu đón nhận người mẹ như một “đối
tượng từng phần” (part-object), một It,
và chỉ dần dần về sau mới quan hệ với mẹ như một “con người toàn thể” (whole
person) hay một Thou. Hơn nữa, mối
quan hệ giữa đứa trẻ và mẹ của nó, ngay từ lúc đầu, đã là một mối quan hệ có
qua có lại theo kiểu I-Thou. Tuy
nhiên, sau cùng, Buber viết rằng, đứa trẻ cũng phải “rơi” vào tình trạng
biệt hoá và cá thể hoá (“fall” into a state of differentiation and individuation).
Tuy thế, đó là một “cú rơi” đáng giá, bởi vì một sự dịch chuyển không thể tránh
khỏi từ I-Thou sang I-It mới là một sự hoàn tất mà từ đó giúp
làm nên khả năng cho một “sự hội ngộ I-Thou
mang tính thực chất” (essential I-Thou
encounter). Buber vì thế đã vạch ra sự khác biệt có ý nghĩa giữa một cái Thou trưởng thành hoặc một cái “Thou thực chất ở mức độ tự hiện hữu” (essential
Thou on the level of self-being) với một cái Thou kém trưởng thành hoặc một “cái
Thou nguyên sơ có trước sự ý thức về tình trạng chia ly của cá nhân” (“primitive
Thou [which] precedes the consciousness of individual separateness). Tuy nhiên,
làm thế nào để một trẻ nhỏ, khi chưa thể có ý thức đầy đủ về sự chia ly một
cách đầy đủ, lại có thể đạt được một sự “xa cách” cần thiết cho sự hình thành mối
quan hệ I-Thou? Câu hỏi này vẫn còn
là vấn đề đối với một số người phê phán Buber. Buber miêu tả I-Thou nguyên sơ như “một thể loại hiện
hữu, một sự sẵn sàng… một tiên nghiệm
của mối quan hệ” (“category of being, a readiness. . .the a priori of relation), nó “không dựa trên sự khác biệt giữa tính hợp
nhất và sự tách biệt (oneness and separateness), mà dựa vào sự khác biệt mang
tính nền tảng giữa một bên là trải nghiệm cụ thể của một trẻ sơ sinh (a
newborn’s concrete experience) và bên kia là những điều kiện hiện sinh để đứa
trẻ đó nên người (existential conditions which make him human).
I-Thou nguyên sơ
(primitive) là sự mô tả về những đặc trưng cơ bản giúp một trẻ nhỏ trở thành
con người, trong khi I-Thou “thực chất”
(‘essential’) là sự mô tả về kiểu quan hệ diễn ra trong những mối quan hệ đôi
bên cùng trưởng thành. Vì thế, I-Thou
nguyên sơ biểu thị rằng một thành tố thiết yếu bên trong con người là luôn luôn
trong-mối-quan-hệ-với-một-ai-khác.
Mặc dù nó có khả năng cung cấp một nơi ẩn trú
và để làm mới, tuy thế, Winnicott và Buber vẫn khẳng định rằng cái thế giới ở “khoảng
giữa” này chẳng bao giờ có thể làm mất đi hoặc thay thế cho cả thế giới bên
trong lẫn thế giới bên ngoài. Dù còn nhỏ hay đã lớn, chúng ta vẫn không thể cứ
mãi mãi ở trong địa hạt của khả năng sáng tạo và chuyển đổi này, ngay cả khi nó
là một phần có thật và đích thực của sự tồn tại của chúng ta. Buber và
Winnicott vì thế đã từ chối việc trở thành những “người sùng bái theo kiểu tân
lãng mạn” đối với cảm nhận và tính chủ quan (neo-romantic worshippers of
feeling and subjectivity). Họ né tránh một kiểu quan điểm nhị nguyên như thế, và
theo cách nói của Buber, họ không khuyến khích sự bài bác một thế giới của quan
hệ kiểu I-It, thay vì thế họ đề xuất
một sự hoà nhập sâu giữa địa hạt I-It
với địa hạt I-Thou.
Giống như một đứa trẻ, chúng ta phải luôn
quay trở lại với “nỗi ưu phiền đáng giá về số phận của chúng ta” (exalted
melancholy of our fate) trong cõi giới I-It:
Tuy thế, Buber khẳng định rằng ngay trong bầu khí phàm trần này, chúng ta vẫn
có thể đòi hỏi một cảm nhận về ý nghĩa sống (sense of meaning), vì “những địa hạt
của Thou bị chuyển đổi thành của It đều vẫn có nó trong bản chất để một lần
nữa lại thay đổi trở lại vào trong cái hiện tại” (these Thou’s which have been changed into It’s have it in their nature to change back again into presentness).
Vật chuyển tiếp của Winnicott, tự nó là một ảo
tưởng, một cách nghịch lý đối với tất cả mọi người, nó vẫn như là “cơ sở khởi đầu
của sự trải nghiệm”. Vùng trải nghiệm trung gian này, trong đó có vật chuyển tiếp,
vẫn được gìn giữ trong suốt cuộc đời, “dưới hình thức những trải nghiệm sâu sắc
thuộc những lĩnh vực nghệ thuật, tín ngưỡng, cuộc sống tưởng tượng và những
công trình khoa học sáng tạo”. Thế giới “ở khoảng giữa” của Winnicott không bị
lắc lư, giao động giữa Thou và It như của Buber, mà vẫn là một khái niệm
ổn định, bền vững, sẵn sàng để vẽ nên phần còn lại trong cuộc sống của chúng
ta.
Xem
tiếp Phần 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét