Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

SALVADOR MINUCHIN VÀ LIỆU PHÁP CẤU TRÚC GIA ĐÌNH

Salvador Minuchin

Viết bởi: STEPHANIE KIRBY

Duyệt bởi: AARON HORN

Nguồn: Better Help – 02/11/2021

Người dịch: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH – Chuyên viên Tâm lý Trị liệu Trẻ em và Gia đình, BV Tâm thần Trung Ương 2.


Salvador Minuchin (1921-2017)


Thông thường, những vấn đề mà con người đang phải đối mặt và những hành vi mà họ thể hiện chỉ là một phần của “trò chơi ghép hình” về những điều đang diễn ra. Khi bạn nhìn thấy một người xuất hiện như thể họ có thể được hưởng lợi từ việc trị liệu, thì những gì đang xảy ra lại có thể nhiều hơn những gì bạn có thể thấy, và đó là địa hạt mà liệu pháp gia đình có thể hữu ích. Liệu pháp gia đình là một cách thức xem xét và trị liệu các vấn đề ở con người, và Minuchin là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này và là một trong những người sáng tạo ra Liệu pháp Gia đình Dựa trên Cấu trúc (Structural Family Therapy) [gọi tắt là Liệu pháp Cấu trúc Gia đình].

SALVADOR MINUCHIN LÀ AI?

Salvador Minuchin được công nhận là người đã làm nên sự thay đổi trong quá trình làm thế nào để liệu pháp gia đình có tác dụng. Quá khứ của ông đã mang lại cho ông nhiều dẫn chứng về cách làm thế nào mà các động lực của một gia đình thường xuyên thay đổi và có thể tác động lên cách vận hành của gia đình đó. Gia đình của chính ông có tính chất gắn kết, nghiêm túc, công bằng, và mọi người cùng hỗ trợ lẫn nhau. Ông đã chứng kiến một sự thay đổi trong thứ bậc của gia đình khi cha ông làm ăn thất bát, và người chú của ông trở thành người đại diện đứng đầu gia đình ngay cả khi người chú ấy không có mặt. [Gia đình của Minuchin là gốc Do Thái ở Argentina - Chú thích của ND]

Salvador Minuchin theo học trường y khoa với dự định trở thành một bác sĩ nhi khoa thực hành. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã nhập ngũ làm bác sĩ cho quân đội Israel vào năm 1948. Sau khi phục vụ, ông nghiên cứu tâm lý học trẻ em ở New York trước khi trở về Israel cùng vợ. Ông đã làm việc để giúp đỡ những đứa trẻ bị rối nhiễu, mà nhiều trẻ trong số đó là những nạn nhân sống sót sau thảm hoạ diệt chủng Do Thái (holocaust). Vài năm sau, ông trở lại Hoa Kỳ với kế hoạch trở thành một nhà phân tâm. Tuy nhiên, trong khi làm việc tại một trường học dành cho trẻ em có vấn đề khó khăn, ông nhận ra đôi điều về những đứa trẻ sống trong những khu dân cư nghèo ở New York. Các phương pháp trị liệu thường được dạy để áp dụng đã trở nên không hiệu quả trong việc tiếp cận những đứa trẻ này. Minuchin và một nhóm các nhà trị liệu khác bắt đầu tìm kiếm một giải pháp khác

SALVADOR MINUCHIN ĐÃ KHÁM PHÁ RA ĐIỀU GÌ?

Khi Salvador Minuchin bắt tay vào công việc, những nhà trị liệu cùng làm việc với ông vẫn đang sử dụng loại kỹ thuật theo kiểu “ngồi tựa lưng và lắng nghe” (sit back and listened to type of technique). Theo Psychology Today, "Minuchin nhận ra rằng việc trị liệu thành công cho trẻ em và vị thành niên cần có sự hỗ trợ và hợp tác của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Ông nhận thấy rằng gốc rễ của hầu hết các vấn đề của thời thơ ấu không nằm ở đứa trẻ mà ở trong đơn vị gia đình của trẻ. Vì thế, để thay đổi hành vi của trẻ, nhà trị liệu phải giúp thay đổi những tương quan động lực trong gia đình (family dynamics)”.

Ông nhận ra những gì họ đang làm không hiệu quả và không đúng với những gì cần phải được làm khác đi. Ông cùng các nhà trị liệu khác đã phát triển một quá trình nghiên cứu (study process) trong đó họ đã mời gọi các chuyên viên khác, chẳng hạn như các giáo viên, những người giám sát và các đồng nghiệp, ngồi sau chiếc gương một chiều (one-way mirror) và quan sát khi họ phỏng vấn các gia đình. Ông và cộng sự muốn nhận được phản hồi về những gì họ đang thực hiện và từ những nghiên cứu đó, họ bắt đầu xây dựng ý tưởng về một liệu pháp gia đình chủ động hơn (active family therapy).

LIỆU PHÁP CẤU TRÚC GIA ĐÌNH

Trong khi trị liệu cá nhân thì tập trung vào đời sống riêng của cá nhân trong trị liệu và hành vi của họ, liệu pháp gia đình lại tập trung vào tương quan động lực của gia đình như một toàn thể và tác động của nó lên trên cá nhân. Salvador Minuchin đã nhìn thấy tác động của cuộc sống gia đình đối với cá nhân. Ông cũng lưu tâm rằng việc sử dụng cách tiếp cận “ngồi tựa lưng và lắng nghe gia đình” vốn chẳng có tác dụng giúp gia đình cải thiện hành vi của họ.

Vào những năm 1960, Salvador Minuchin đã phát triển Liệu pháp Cấu trúc Gia đình (Structural Family Therapy). Hình thức trị liệu này rất hữu ích khi điều trị cho trẻ em và gia đình có nguy cơ, bao gồm các gia đình phụ mẫu đơn thân (single-parent families), gia đình hỗn hợp đa văn hoá (blended-families), gia đình mở rộng, nhiều thế hệ (extended families) và những gia đình có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn. Mục đích của loại trị liệu này là tìm ra và thay đổi các hành vi rối nhiễu đang tồn tại trong một đơn vị gia đình. Sau đó, nhà trị liệu làm việc với các thành viên trong gia đình để học tập và thực hành các hành vi mới và lành mạnh, bao gồm cả việc thiết lập các đường ranh giới chức năng phù hợp.

CÁCH THỨC TÁC ĐỘNG CỦA LIỆU PHÁP CẤU TRÚC GIA ĐÌNH

Khi một nhà trị liệu sử dụng Liệu pháp Cấu trúc Gia đình với một thân chủ, họ cần phải xác định thứ bậc (hierarchy) của gia đình. Họ cần tìm hiểu các luật lệ (family rules) trong gia đình là gì, ai là người có quyền lực và cấu trúc của gia đình là như thế nào. Để thực hiện thành công, nhà trị liệu phải đóng một vai trò tích cực trong việc làm việc với gia đình. Sẽ không hiệu quả nếu họ chỉ đơn giản ngồi đó và quan sát.

CÁC TIỂU HỆ THỐNG GIA ĐÌNH (FAMILY SUB-SYSTEMS)

Đây là những nhóm nhỏ hơn tồn tại bên trong gia đình. Mỗi nhóm phục vụ mục đích cụ thể của nó. Các nhóm chính bao gồm:

Sprousal - Tiểu hệ Vợ chồng

Parental - Tiểu cha mẹ và con cái

Siblings - Tiểu hệ anh chị em

Extended (mở rộng) - bao gồm ông bà, cô dì, chú bác và những người họ hàng xa khác. Mỗi người có thể thuộc nhiều nhóm. Một người phụ nữ đã kết hôn và có con thì cô ấy là vợ của chồng cô ấy, là mẹ của con cô ấy và là con gái của cha mẹ mình. Nếu cô ấy có anh chị em, thì cô ấy cũng thuộc tiểu hệ thống anh chị em của mình. Khi một trong những nhóm này xâm lấn (intrudes) vào nhóm khác, nó sẽ gây xáo trộn chức năng trong gia đình. Ví dụ, khi con cái thường xuyên xâm phạm vào tiểu hệ thống vợ chồng (spousal sub-system – tức cha mẹ mình), nó có thể gây ra các vấn đề trong hôn nhân. Hoặc, khi những hai phía nội, ngoại vượt quá vai trò của họ và quá tham gia vào việc nuôi dạy con cái của cặp đôi, điều đó có thể làm hỏng động lực của gia đình.

Một vấn đề khác có thể xảy ra là khi một tiểu hệ thống mới được hình thành và loại trừ những người khác trong gia đình. Một ví dụ về điều này sẽ là khi một phụ mẫu, cha hoặc mẹ, có mối ràng buộc đặc biệt với một đứa con, và điều đó khiến họ loại trừ các thành viên khác trong gia đình.

CẤU TRÚC GIA ĐÌNH (FAMILY STRUCTURE)

Mỗi gia đình đều có những quy tắc thiết lập các thông lệ của cấu trúc gia đình. Các thành viên trong gia đình hiểu những quy tắc này mặc dù họ không cần nói ra. Khi các quy tắc ấy có tính lành mạnh và cả gia đình đều dựa trên sự đồng thuận, nhất trí, thì điều này có thể xây dựng lòng tin trong gia đình. Nó có thể dẫn đến giao tiếp tốt và cho phép các thành viên trong gia đình hỗ trợ nhau đúng cách. Những nhà trị liệu có thể nhìn thấy cấu trúc gia đình khi họ quan sát cách mà gia đình tương tác với nhau và cách họ nói chuyện với nhau. Bằng cách này, họ cũng có thể quan sát cấu trúc có thứ bậc của gia đình ấy. Từ đó, họ có thể biết được ai là người nắm giữ quyền hành trong gia đình.

NHỮNG RANH GIỚI CHỨC NĂNG (BOUNDARIES)

Ranh giới là thứ giúp điều hoà những gì được phép đi vào vào các tiểu hệ thống. Chúng giúp định ra những gì được phép xảy ra trong gia đình. Ranh giới lành mạnh giúp bảo vệ gia đình, và thiếu ranh giới có thể phá hủy các tiểu hệ thống. Có ba loại ranh giới:

Ranh giới cứng nhắc (Rigid boundaries) – Những ranh giới cứng nhắc có tính chất rất khắc khe và hạn chế. Nó cho phép tiếp xúc ở mức tối thiểu với những người bên ngoài tiểu hệ thống. Những loại ranh giới này tạo ra sự cô lập. Những người trong tiểu hệ thống sẽ không có một môi trường mang tính hỗ trợ và yêu thương bên trong hệ thống gia đình.

Ranh giới mờ nhạt (Diffuse boundaries) – Những ranh giới mờ nhạt thì có tính chất không rõ ràng. Đây là sự thiếu ranh giới dẫn đến sự tan vỡ trong các tiểu hệ thống. Sự thiếu vắng đường ranh giới tạo điều kiện cho người khác xâm nhập vào hệ thống và trở nên liên quan quá mức.

Ranh giới lành mạnh (Healthy boundaries) - Ranh giới lành mạnh khi chúng rõ ràng. Sự kết hợp của hai loại ranh giới đầu tiên là lý tưởng. Chúng nên được thiết lập để mọi người có thể hiểu chúng, nhưng đừng cứng nhắc đến mức trở nên không lành mạnh cho các thành viên trong gia đình.

MỤC TIÊU CỦA LIỆU PHÁP CẤU TRÚC GIA ĐÌNH

Khi Salvador Minuchin phát triển Liệu pháp Cấu trúc Gia đình, mục đích là nhằm giúp các gia đình nhận ra mối tương tác giữa các thành viên trong gia đình và thực hiện những thay đổi mà họ cần để có thể cải thiện về mặt hành vi. Các nhà trị liệu nên giúp thiết lập những ranh giới lành mạnh trong gia đình và trong các tiểu hệ thống. Họ cũng làm việc để thiết lập một cấu trúc thứ bậc thích hợp, nơi con cái không kiểm soát cha mẹ.

Để đạt được những mục tiêu này, nhà trị liệu phải đóng một vai trò tích cực và tham gia trong cấu trúc gia đình để giúp thiết lập sự lãnh đạo đúng đắn (proper leadership). Sau khi quan sát cách gia đình tương tác, nhà trị liệu sẽ tạo ra một bản đồ thể hiện cấu trúc của gia đình trong hiện tại. Nó sẽ giúp hiển thị các ranh giới, hệ thống thứ bậc và các tiểu hệ thống trong hiện tại. Với điều này, gia đình có thể thấy những chỗ nào cần thay đổi và nhà trị liệu có thể tiến hành để tạo ra những thay đổi cần thiết để họ có thể đạt đến mức hoạt động lành mạnh.

Có một quá trình mà nhà trị liệu phải đi qua để giúp gia đình đạt được các mục tiêu. Bao gồm:

Nhà trị liệu tiến hành làm việc trên hai công đoạn “dự phần” (joining) và “điều ứng” (accommodating). Đây là lúc nhà trị liệu làm việc để xây dựng sự kết nối với từng thành viên trong gia đình. Để quá trình có kết quả, cần có sự tin tưởng giữa gia đình và nhà trị liệu.

Nhà trị liệu quan sát cách gia đình cư xử với nhau. Trong suốt quá trình này, họ quan sát xem người nào đang dẫn dắt gia đình, người nào có “tính phòng thủ” (defensive) và người nào có “khả năng tấn công” nhất (most likely to attack).

Sau đó, nhà trị liệu lập bản đồ các cấu trúc cơ bản của gia đình.

Rồi thì gia đình sẽ phải hoàn thành các bài tập đóng vai, để nhà trị liệu có thể theo dõi và can thiệp giúp điều chỉnh các hành vi cho phù hợp.

Làm việc để tái cấu trúc nhằm tạo nên những ranh giới mới cần thiết để gia đình có thể củng cố chúng.

Khi cần, nhà trị liệu sẽ gây nên một tiến trình làm mất cân bằng (unbalancing process) trong đó nhà trị liệu sẽ “gắn kết” (join) một tiểu hệ thống hoặc cá nhân để giúp phá vỡ sự bế tắc trong hệ thống và hỗ trợ cho mối quan hệ.

ẢNH HƯỞNG CỦA SALVADOR MINUCHIN ĐỐI VỚI LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH

Công việc của Salvador Minuchin đã dẫn đến sự phát triển của một loại hình trị liệu gia đình giúp cho nhiều cấu trúc gia đình hoạt động đúng đắn hơn. Quá trình này có tính định hướng hiện tại (present-oriented), tập trung vào các vấn đề hiện tại và giải quyết chúng. Nhà trị liệu giúp cho gia đình trở nên có tổ chức (get organized), tạo ra một cấu trúc thứ bậc và các ranh giới thích hợp để tạo ra một môi trường gia đình mà mỗi thành viên có thể phát triển. Đó là một cách để trị liệu cho cá nhân bằng cách trị liệu những căn nguyên tiềm ẩn bên dưới những hành vi rối nhiễu của họ. Nó giúp cải thiện cho nhiều người thay vì chỉ cho một cá nhân. Salvador Minuchin đã tạo ra một ảnh hưởng lâu dài trong lĩnh vực liệu pháp gia đình, từ đó đã giúp ích cho rất nhiều người và vẫn còn sẽ tiếp tục như thế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...