Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

ĐIỂM GẶP GỠ GIỮA DONALD WINNICOTT VÀ MARTIN BUBER - Phần 2

Tựa gốc: Bản chất của “Khoảng Giữa” trong khái niệm “Khoảng Không gian Chuyển tiếp” của Winnicott và das Zwischenmenschliche của Martin Buber

The Nature of the “In-Between” in D.W. Winnicott’s Concept of Transitional Space and in Martin Buber’s das Zwischenmenschliche

Tác giả: LAURA PRAGLIN – Giáo sư về Công tác Xã hội, Đại học Northern Iowa, Hoa Kỳ
Nguồn: UNIVERSITAS, Volume 2, Issue 2 (Fall 2006)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Xem lại Phần 1

Phần 2

NHỮNG PHẢN ẢNH VỀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG

Điều then chốt trong địa hạt “ở giữa” (“in-between” realm) của trẻ nhỏ bao gồm những huyễn tưởng, nhưng khả năng gợi lên huyễn tưởng trước tiên lại phải cần đến những đáp ứng nhạy bén của những người lớn xung quanh trẻ. Chúng ta nhất trí rằng đừng bao giờ thách thức đứa trẻ như là: “Con đã tạo ra vật này hay là chỉ tiện thể tìm thấy nó nằm ở đâu đó?”, Winnicott đề nghị “Điều cần nói là tính chất cốt yếu của những hiện tượng chuyển tiếp và vật chuyển tiếp là ở chỗ chất lượng của thái độ của chúng ta khi chúng ta quan sát chúng”. Hậu quả là, thông qua những vật chuyển tiếp, những vật sở hữu ban đầu “không phải của đứa trẻ” (not-me), đứa trẻ lần đầu tiên trong đời vừa sử dụng biểu tượng vừa trải nghiệm sự vui chơi.

Mặc dù hơi dè dặt với địa hạt tưởng tượng hơn khi so với Winnicott, Martin Buber đã mô tả sự tương tác của một đứa trẻ với một con gấu bông theo kiểu I and Thou tương tự như Winnicott. Trải nghiệm của đứa trẻ không phải như đang trong mối quan hệ với một đồ vật, mà là “trong mối tương quan của đứa trẻ - chắc hẳn chỉ là “tưởng tượng” – với một thứ gì đó rất sống động và rất hiệu quả đối với nó. Điều này, Buber lưu ý, chính “là bản năng biến mọi vật trở thành Thou, để tạo lập mối quan hệ với cả vũ trụ. Từng mẩu âm thanh rời rạc, vô nghĩa vẫn phát ra đi vào khoảng không, nhưng đến một ngày kia, chúng sẽ trở thành một cuộc đối thoại”.

Lời bình của Buber liên quan đến tầm quan trọng cốt yếu của sự đối thoại đã gợi lên câu chuyện của Winnicott về một đứa bé trai với sợi dây của cậu ấy. Winnicott đã được yêu cầu đánh giá cho một cậu bé, khi mà phương tiện chủ yếu mà cậu bé giao tiếp đó là một sợi dây mà cậu luôn mang bên mình. Nỗi ám ảnh với sợi dây của cậu bắt đầu từ khi cậu bị tách ra khỏi người mẹ bị trầm cảm của cậu, và nỗi ám ảnh đó càng mạnh hơn vào mỗi khi người mẹ có những đợt trầm cảm và cậu bị tách mẹ. “Sợi dây có thể được xem như một sự vươn dài ra của tất cả các kỹ thuật giao tiếp khác”, Winnicott cho rằng “Sợi dây giúp kết nối, cũng như khi nó được dùng để cột đồ đạc và làm cho những vật liệu tách rời được giữ lại với nhau. Theo cách này, sợi dây có một ý nghĩa biểu trưng. Winnicott cho rằng nếu sợi dây vẫn tách rời khỏi một “điều cụ thể sống động” (lived concreteness – Theo ngôn từ của Buber), tức là mong muốn ban đầu được duy trì sự tiếp xúc với mẹ, thì có nhiều khả năng rằng đứa trẻ đó có thể được giúp. Nhưng nếu sợi dây đó chỉ có tính biểu tượng, không còn giữ ý nghĩa nguyên ban đầu, thì việc chữa lành sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tình trạng gay go mà Winnicott quan sát được đó là “chức năng của sợi dây đang bị thay đổi từ sự giao tiếp chuyển sang thành sự khước từ việc chia ly” (the function of the string is changing from communication into a denial of separation).

Như một sự khước từ việc chia ly, sợi dây trở thành một sự vật tự trong chính nó (a thing in itself). Khi niềm hy vọng vắng bóng và sợi dây đại diện cho một sự khước từ việc chia ly, một tình trạng phức tạp hơn rất nhiều sẽ nẩy sinh – một tình trạng rất khó chữa lành, do bởi những điều nẩy sinh thứ phát sẽ vượt quá những kỹ năng có thể có bất cứ khi nào một đối tượng cần phải được xử lý để có thể trở nên làm chủ được nó”.

NGHỆ THUẬT VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO

Đối với Winnicott, cuộc sống tự nó cũng luôn luôn được biểu thị dưới hình thức biểu tượng, vì nó đóng vai trò như một phần tích hợp trong việc định hình và nhận biết về khoảng không gian chuyển tiếp (transitional space). Tuy nhiên, một cách nghịch lý, ngay cả một nghệ sĩ cũng không hoàn toàn có thể tạo nên những biểu tượng và những hình thái mới, mà giống như đứa trẻ, họ chỉ có thể khám phá chúng. Hậu quả là, Winnicott lưu ý, “sự sống sáng tạo (creative living), trong từng trải nghiệm chi tiết của nó, đều liên quan đến một thế lưỡng nan về triết lý (philosophical dilemma), do bởi trong thực tế, với sự lành mạnh của mình, chúng ta chỉ sáng tạo nên những gì chúng ta tìm thấy”.

Sự sáng tạo ấy, theo Winnicott – dù là về nghệ thuật, tôn giáo hay khoa học – đều là “việc thực hiện nẩy sinh từ sự hiện hữu” (“the doing that arises out of being”). Dùng cách nói của Winnicott, chúng ta có thể nói rằng, chẳng hạn như, người nghệ sĩ đang diễn đạt sự hiện hữu của mình bằng cách kiến tạo nên một vùng chuyển tiếp có khuôn khổ qua đó sự sáng tạo tìm thấy cách để diễn đạt (the artist, for example, expresses his/her being by constructing a framed, transitional area in which creativity finds expression). Người nghệ sĩ sáng tạo và tái tạo những tiến trình vô thức, và trình bày những tiến trình này theo một cách thức cộng hưởng với những cảm quan chung của chúng ta về những biểu tượng. Bằng cách diễn đạt những biểu tượng được chia sẻ này, người nghệ sĩ mời gọi chúng ta đi vào vùng trung gian của sự trải nghiệm này (the artist invites us into this intermediate area of experiencing). Chẳng hạn một nhà thơ, chọn lựa những biểu tượng và những hình ảnh từ một ngôn ngữ chung, và thấy bên trong chính mình không sẵn có sự thoải mái. Nhà thơ mời gọi những người khác đi vào trong “khoảng giữa” ấy (in-between space), bên ngoài vùng tâm lý chủ quan, riêng tư, và khoảng giữa ấy sẽ phục vụ như một khoảng nghỉ (resting place) giữa thực tại bên trong và thực tại bên ngoài, giữa tâm trí và nền văn hoá. Vì thế, thong qua nghệ thuật, người ta có thể di chuyển từ thế giới riêng tư ra ngoài môi trường xã hội. Độc giả cũng tìm thấy ý nghĩa, bởi vì giờ đây họ cũng chia sẻ khả năng diễn đạt các trải nghiệm. Sự diễn đạt bằng cách sáng tạo – thông qua nghệ thuật, triết học, tôn giáo hoặc toán học – do vậy có thể giải quyết các tình huống và tạo điều kiện cho những khả năng mới. Theo cách này, cũng giống như cách đứa trẻ trải nghiệm khi đang chơi tưởng tượng.

Buber dường như cũng đồng ý rằng sự sáng tạo và sự khám phá các dạng thức cũng xảy ra trong địa hạt của khoảng “ở giữa” (in-between). Maurice Friedman cho rằng Buber xem “một tác phẩm nghệ thuật không phải là ấn tượng về tính khách quan tự nhiên, và cũng không phải là sự diễn đạt của tính chủ quan về tinh thần” (a work of art is not the impression of natural objectivity nor the expression of spiritual subjectivity). “Nó là chứng nhân cho mối liên hệ giữa những chất liệu từ người và chất liệu từ sự vật” (It is the witness of the relation between the human substance and the substance of thing). Nghệ thuật là “địa hạt của khoảng ở giữa mà nay đã trở nên một hình thái (Art is “the realm of ‘between’ which has become a form). Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ khám phá ra tiềm năng của hình thái, khi anh ấy/cô ấy đối diện với những gì vượt lên trên bản ngã của mình. Nhưng hình thái tự nó lại kết tinh thành cấu trúc, và vì thế trở nên không còn tính chất tức thời nữa (non-immediacy).

NHỮNG PHẢN ẢNH VỀ VĂN HOÁ

Trong tiểu luận The Concept of the Healthy Individual (Khái niệm về một cá nhân lành mạnh), Winnicott cho rằng con người sống trong ba cõi giới: bên trong, bên ngoài và khoảng chuyển tiếp (the inner, the outer, and the transitional) – với khoảng chuyển tiếp là vùng trải nghiệm văn hoá (the area of cultural experience). Winnicott viết, trải nghiệm về văn hoá bắt đầu từ vui chơi, và sau đó, “tiếp tục đi đến khu vực toàn thể những di sản của loài người, bao gồm các loại hình nghệ thuật, các huyền thoại lịch sử, diễn trình của các tư tưởng triết học, những điều kỳ diệu của toán học, về sự vận hành của những nhóm người, và về những tôn giáo”. Trong ba cõi giới này, vùng trải nghiệm văn hoá là vùng có biến thiên nhiều nhất theo Winnicott. Đó cũng là vùng lành mạnh nhất, bởi vì đây không chỉ là khu vực của đùa vui, mà “còn là vùng tích luỹ tất cả văn hoá của nhiều ngàn năm trước” (Nguyên văn: “but also all the accumulated culture of the past five to ten thousand years”. Cũng chính ở đây một tâm trí tốt lành có thể được vận hành tốt nhất và lòng tin cũng có thể được hình thành và gia cố”

Buber tin rằng địa hạt đối thoại (dialogical realm), gọi tên là das Zwischenmenschliche, cũng  có tầm quan trọng tương tự trong việc bảo tồn nền văn hoá. Tuy nhiên, Buber đã vượt lên trên sự diễn đạt ban đầu của ông về tâm lý học bình dân lãng mạn và chủ thuyết thần bí (romantic folk psychology and mysticism), và khẳng định rằng văn hoá phải thống hợp lại vào trong các chiều kích về đạo đức và xã hội (incorporate ethical and social dimensions). Buber vì thế đã sử dụng địa hạt của das Zwischenmenschliche như một khoảng không gian tiềm năng cho việc tái tạo lại những mối quan hệ của con người bên trong một cộng đồng có tính trách nhiệm về mặt luân lý (das Zwischenmenschliche as a potential space for the reconstruction of human relations within a morally accountable community).

Trong lĩnh vực triết học xã hội của mình, Buber đã tìm kiếm những yếu tố của một cộng đồng trung thực, nơi có thể diễn ra sự gặp gỡ thực sự. Ông thường nói về das Gemeinschaft [Từ tiếng Đức có nghĩa là: quan hệ xã hội, hoặc cộng đồng gắn bó – ND] như một sự định vị cho das Zwischenmenschliche, trong đó chứa đựng “một ma trận những mối quan hệ nồng ấm và tin cậy, nhưng bị lu mờ đi bởi những quan hệ theo kiểu toan tính, cạnh tranh của cuộc sống trưởng giả thành thị”. Ngoài ra, quan điểm của Buber cho rằng Gemeinschaft không đơn giản chỉ là một thứ ký ức khó hồi phục do vậy không thể tái tạo lại được. Buber viết một Gemeinschaft thực thụ sẽ cho phép “cái Thou trở thành hiện thực”. Tuy nhiên, trong một đời sống tập thể khi đang tồn tại như một cá thể, không phải tự thân “thế giới của It” (It-world) là điều xấu mà chính sự chi phối (domination) của nó trên toàn bộ đời sống mới là điều không hay.

Buber đưa ra một thể loại cái “Chúng Tôi thực chất” (the essential We) trên bình diện cộng đồng tương đương với cái “Thou thực chất” (the essential Thou) trên bình diện cá nhân. Tương tự, ông cũng nói về cái “Chúng Tôi nguyên sơ” (primitive We) trên cấp độ tập thể/nhóm tương đương với cái “Thou nguyên sơ” (primitive Thou) trên cấp độ cá nhân: “Cái Chúng Tôi nguyên sơ có trước tính cá nhân và tính độc lập thực sự, trong khi cái Chúng Tôi thực chất xuất hiện khi những con người độc lập cùng đến với nhau trong những mối quan hệ và tiếp xúc trực tiếp một cách thực chất”. Thông qua cái Chúng Tôi thực chất này, con người có thể vượt lên trên sự phi nhân tính của nền văn hoá theo kiểu đại chúng hoá (Through this essential We, humans can transcend the impersonality of mass culture). Như Buber đã viết trong Between Man and Man, một người “thực sự được cứu vớt từ ‘một người’ không phải bằng cách chia ly mà chỉ có thể bằng cách gắn kết với một sự hiệp thông chân thành” (one is truly saved from the ‘one’ not by separation but only by being bound up in genuine communion).

Buber kêu gọi tái cấu trúc lại xã hội trở thành “một cộng đồng của những cộng đồng” (a community of communities), việc này sẽ cố gắng chuyển đổi một “xã hội đoàn ngũ hoá” (mass society) trở thành cái “Chúng Tôi thực chất” (essential We) của Gemeinschaft (một cộng đồng gắn bó). Tuy nhiên, một cộng đồng thực sự chỉ xuất hiện khi mọi người đảm đương những trách nhiệm cá nhân và có thể hy sinh cho nhóm. Triết học xã hội của Buber khác xa với những người theo xu hướng xã hội không tưởng (utopian), trong khi nhận ra những khó khăn như thế nào trong kỷ nguyên của một thứ xã hội đoàn ngũ hoá phi nhân tính và tái điều hướng bản chất con người theo hướng có trách nhiệm vì sự toàn vẹn của toàn thể cộng đồng. Ông không ấp ủ những ý thức hệ chính trị, mà chỉ là những quan điểm về những cộng đồng khác nhau trong đó nổi trội lên những mối quan hệ không có tính bóc lột nhau (non-exploitative relations)”.

Mặc dù Winnicott không phát biểu những chi tiết tương tự về những động lực trong văn hoá (dynamics of culture), ông vẫn xem các hình thái văn hoá là những thứ vốn có tính khả dụng và sáng tạo. Do sống trong hoàn cảnh xã hội ở Anh Quốc, Winnicott dường như có tính thực tế hơn và có thái độ tích cực hơn đối với cả thể chế quân chủ lẫn nền dân chủ phổ biến rộng rãi. Trong tiểu luận Some Thoughts on the Meaning of Democracy (Một vài Suy nghĩ về Ý nghĩa của Nền Dân chủ), Winnicott xem nền dân chủ là một hình thái văn hoá có tính trưởng thành hơn, chẳng hạn, nó tôn trọng tính riêng tư khi thông qua những lá phiếu bầu kín (secret ballot). Tuy nhiên, Winnicott viết, mối đe doạ chính đối với nền dân chủ đó là khi những người dân không đủ trưởng thành để duy trì và nuôi dưỡng nó. Khi đó, những thể chế toàn trị có thể gây đe doạ thông qua việc kêu gọi về một tình trạng chắc chắn thần kỳ, kéo theo việc một số người có mong muốn gây hại cho những người khác.

Winnicott nhận thấy rằng những mong muốn gây hại hoặc bị gây hại như thế là kết quả từ sự thất bại trong việc thiết lập những đối tượng/vật chuyển tiếp (transitional objects), mà thường là những hệ quả từ sự tác động đầu đời bởi những người khác. Trong đời sống tập thể ở người trưởng thành, sự khiếm khuyết về phát triển này sẽ dẫn đến một nhóm người đặc biệt để áp đặt những “ảo tưởng” (illusions) lên người khác. Những ảo tưởng, “điều mà trong đời sống người lớn vốn hiện diện trong nghệ thuật và tôn giáo”, Winnicott lưu ý, “đã trở thành chỉ dấu của sự điên loạn khi một người trưởng thành đặt ra một yêu sách quá mạnh mẽ lên trên tính nhẹ dạ của những người khác, bắt buộc họ phải chấp nhận sự chia sẻ một ảo tưởng vốn không phải của họ. Sự thấu rõ của Winnicott ở đây có thể cung cấp một số lý lẽ để giải thích về sự xuất hiện của Chủ nghĩa Quốc Xã (ở Đức), một điều mà tâm lý học xã hội của Buber (Buber’s social psychology) rất khó để hiểu được.

Winnicott nhận thấy rằng những người lành mạnh duy trì cả lòng tự tôn lẫn sự hoài nghi, và cũng phân biệt được sự khác nhau giữa xung đột bên trong và xung đột bên ngoài (inner and external conflict). Ông viết, “Khi những con người lành mạnh cùng đến bên nhau, mỗi người họ sẽ đóng góp phần mình vào một thế giới vẹn nguyên (a whole world), bởi vì mỗi người mang đến một con người vẹn nguyên (a whole person)”. Họ có khả năng trở nên trầm uất, thay vì gia nhập vào những cơn hưng cảm tập thể và tìm kiếm sự thống trị của người khác.

Cảm quan về một nền văn hoá phong phú và có tính nuôi dưỡng có thể được thấy ở việc Winnicott dùng hình ảnh “một môi trường có tính nâng đỡ” (holding environment) của người mẹ và đứa con suy rộng ra cho thế giới rộng lớn hơn bên ngoài, một môi trường làm nên cảm nhận về sự an trú và đồng hành và một thực tế rằng chúng ta là những con người”. Những âm vang tương tự về một “môi trường có tính nâng đỡ” này cũng có thể được tìm thấy trong khái niệm Gemeinschaft của Buber, một khái niệm xác quyết về tình đồng chí và tính cộng đồng trong khi đương đầu với sự áp bức và thống trị.

Buber viết, bệnh lý thể hiện những sự bóp méo, vừa do những cá thể tách mình ra khỏi thế giới xung quanh, lẫn do xã hội chối bỏ những cá nhân, từ chối mang lại sự thừa nhận. Điều bắt buộc của một nền văn hoá lành mạnh, vì thế, là phải mang đến một cách cư xử không chỉ nhằm “hoà nhập” (integrate) hoặc “điều chỉnh” (adjust) một cá nhân vào trong xã hội đang thịnh hành, mà là phải tìm cách phục hồi lại những mối quan hệ có tính đối thoại vốn đã bị gián đoạn của cá nhân ấy.

Sau cùng, cả Buber và Winnicott đều thấy rằng một cuộc sống hợp quần lành mạnh đòi hỏi các thành viên của nó phải đảm nhận trách nhiệm liên tục vì hạnh phúc của những người khác trong nhóm. Winnicott kết luận “Chính con người mới là những tác nhân có khả năng huỷ diệt thế giới. Nếu thế, có lẽ chúng ta sẽ chết… hãy biết rằng đây không phải là sự lành mạnh, mà là sự sợ hãi, một phần nó là sự thất bại của những người lành mạnh và của những xã hội lành mạnh trong việc mang theo những thành viên bệnh lý”. Để quan tâm chăm sóc cho người khác, đối với cả Buber và Winnicott, những cá nhân phải vươn ra khỏi chính mình với một cảm quan mới về sự can đảm. Việc đảm nhận những trách nhiệm vì người khác sẽ khích lệ và hồi phục những mối quan hệ chân thành giữa những con người, và làm như thế sẽ tạo điều kiện cho sự tái tạo lại thế giới về mặt đạo đức và tinh thần.

Khoảng không gian chuyển tiếp (transitional space), hoặc das Zwischenmenschliche, vì thế vẫn là yếu tố bắt buộc đối với việc bảo tồn một cộng đồng thế giới có trách nhiệm về mặt luân lý (a morally accountable world community), trong đó khả năng thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa với người khác vẫn tiếp tục như một thực tại thường xuyên và có tính lâu dài.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...