What is Scientism?
Tác giả: THOMAS BURNETT - Science communicator
Nguồn: DoSER – Dialogue on Science, Ethics & Religion – 21/5/2012
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
“Các bạn thân mến của tôi, một nhà khoa học
là một người biết trước; đó là bởi vì khoa học cung cấp các phương tiện để dự
đoán rằng nó hữu ích, và các nhà khoa học thì vượt trội hơn tất cả những người khác.”
– Henri de Saint-Simon
Chủ nghĩa duy khoa học là một từ khá lạ,
nhưng vì những lý do mà chúng ta sẽ thấy, đó là một từ hữu ích. Mặc dù thuật ngữ này
đã được đặt ra khá gần đây, nhưng nó được liên kết với nhiều “isms” (chủ nghĩa) khác có lịch
sử lâu dài và hỗn loạn: chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa giản
lược, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa thực chứng. Thay vì rối rắm với từng
khái niệm này một cách riêng biệt, chúng ta sẽ bắt đầu với một định nghĩa hữu dụng
về chủ nghĩa duy khoa học và tiếp tục từ đó.
Nhà sử học Richard G. Olson định nghĩa chủ
nghĩa duy khoa học là “nỗ lực mở rộng các ý tưởng, phương pháp, thực hành và
thái độ khoa học đối với các vấn đề xã hội và chính trị của con người”. Nhưng định
dạng này quá rộng nên khiến nó hầu như trở nên vô dụng. Triết gia Tom Sorell
đưa ra một định nghĩa chính xác hơn: “Chủ nghĩa duy khoa học là vấn đề đặt giá
trị quá cao của khoa học tự nhiên so với các ngành khác của lĩnh vực học tập hoặc văn hóa”.
Nhà vật lý tại MIT, Ian Hutchinson đưa ra một phiên bản có liên quan chặt chẽ,
nhưng cực đoan hơn: “Khoa học, được mô phỏng theo các ngành khoa học tự nhiên,
là nguồn tri thức thực sự duy nhất”. Hai định nghĩa sau chính xác hơn nhiều và
sẽ giúp chúng ta đánh giá tốt hơn giá trị của chủ nghĩa duy khoa học.
LỊCH
SỬ CỦA CHỦ NGHĨA DUY KHOA HỌC
Cuộc
cách mạng khoa học (The Scientific Revolution)
Nguồn gốc của chủ nghĩa duy khoa học kéo dài
từ đầu thế kỷ 17 ở Châu Âu, một thời đại được biết với tên gọi là Cách mạng
Khoa học. Cho đến thời điểm đó, hầu hết các học giả đều rất coi trọng truyền thống
trí tuệ, phần lớn là sự kết hợp giữa kinh thánh Judeo-Ki-tô giáo và triết học
Hy Lạp cổ đại. Nhưng dòng chảy học tập mới trong cuối thời kỳ Phục hưng bắt đầu
thách thức quyền lực của người xưa, và nền tảng trí tuệ lâu đời bắt đầu rạn nứt.
Francis Bacon người Anh, Rene Descartes người Pháp và Galileo Galilei người Ý
đã dẫn đầu một phong trào quốc tế tuyên bố một nền tảng mới cho việc học (learning),
một nền tảng liên quan đến việc xem xét kỹ lưỡng về thiên nhiên (nature) thay
vì phân tích các văn bản cổ.
Descartes và Bacon đã sử dụng biện pháp hùng
biện đặc biệt mạnh mẽ để tạo ra không gian cho các phương pháp mới của họ. Họ
tuyên bố rằng bằng cách học cách thế giới vật chất hoạt động, chúng ta có thể
trở thành “chủ nhân và người sở hữu thiên nhiên”. Trong khi làm việc đó, con người đã có thể khắc phục
tình trạng đói kém thông qua việc cải tiến về nông nghiệp, loại trừ bệnh tật
thông qua những nghiên cứu về y học và cải thiện ngoạn mục toàn diện chất lượng
cuộc sống thông qua công nghệ và công nghiệp. Sau cùng, khoa học sẽ cứu lấy
loài người thoát khỏi những đau khổ không cần thiết và khuynh hướng tự hủy hoại
của họ. Và khoa học hứa hẹn đạt được những mục tiêu ấy ở ngay trong thế giới
này, chứ không phải thế giới bên kia (afterlife). Đó là một tầm nhìn mang tính
tiên tri và táo bạo.
Khi phương pháp mới này đạt được thành công lớn,
bóng dáng của chủ nghĩa duy khoa học bắt đầu xuất hiện. Cả Bacon và Descartes đều
đề cao việc sử dụng lý trí và logic bằng cách phủ nhận các khả năng khác của
con người như khả năng sáng tạo, trí nhớ và trí tưởng tượng. Sự phân loại của
Bacon về việc học thơ văn và lịch sử đã bị giáng cấp xuống vị trí hạng hai. Sự
phác hoạ của Descartes về toàn bộ vũ trụ như một cỗ máy khổng lồ chỉ để lại ít
chỗ cho nghệ thuật hoặc các hình thức biểu đạt khác của con người. Theo một
nghĩa nào đó, tài hùng biện của những người có tầm nhìn xa này đã mở ra những
khung cảnh mới mẻ và tuyệt vời cho việc tìm hiểu trí tuệ. Nhưng mặt khác, nó đề
xuất một phạm vi hẹp hơn rất nhiều cho các hoạt động của con người vốn được xem
là đáng giá.
Thời
kỳ Khai sáng (The Enlightenment)
Một thế kỷ sau, nhiều trí thức thời Khai sáng
tiếp tục tình yêu của họ với sức mạnh của khoa học tự nhiên. Họ tuyên bố rằng
khoa học không chỉ có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của con người mà thậm
chí còn có thể thúc đẩy việc cải thiện về mặt luân lý (moral improvement). Nhà
bác học Denis Diderot đã nhắm đến việc thâu thập, sắp xếp và lưu giữ tất cả kiến thức của nhân loại để “con cái của chúng ta, được hướng dẫn tốt hơn, đồng thời
có thể trở nên có đạo đức và hạnh phúc hơn”. Nhiều triết gia Pháp thậm chí còn
tuyên bố rằng khoa học có thể thay thế cho tôn giáo. Trên thực tế, trong cuộc
Cách mạng Pháp, nhiều nhà thờ Công giáo đã được chuyển đổi thành "Đền thờ
Lý trí" (Temples of Reason) và tổ chức các dịch vụ có dạng như tôn giáo (quasi-religious
services) để tôn thờ khoa học.
Chủ
nghĩa thực chứng (Positivism)
Thế kỷ 19 chứng kiến sự hình thành mạnh mẽ
và lâu dài nhất của chủ nghĩa duy khoa học, một hệ thống được gọi là chủ nghĩa
thực chứng. Người sáng lập nên nó là August Comte, người đã xây dựng nên triết học
thực chứng (positive philosophy) của mình từ sự cam kết sâu sắc với chủ nghĩa kinh
nghiệm (empiricism) và chủ nghĩa hoài nghi (skepticism) của David Hume. Comte tuyên
bố rằng dữ liệu chắc chắn (valid data) chỉ có thể được thu thập thông qua các
giác quan. Những gì có tính siêu việt (transcendent) hoặc siêu hình (metaphysical)
đều không thể có bất kỳ quyền đòi hỏi nào về tính hợp lệ (validity). Nhiệm vụ của
các nhà khoa học bao gồm hai việc - Thứ nhất là chứng minh tất cả các hiện tượng,
bao gồm cả hành vi của con người, đều tuân theo các quy luật tự nhiên bất biến;
và thứ hai, họ sẽ giảm các quy luật tự nhiên này xuống con số nhỏ nhất có thể,
và cuối cùng thống nhất chúng theo các định luật vật lý.
Comte cũng có ý thức rõ ràng về quỹ đạo của lịch
sử trí tuệ, mà ông gọi là Quy luật Ba Giai đoạn (The Law of Three Stages): Mỗi
nhánh tri thức trải đều qua ba giai đoạn: (1) Thần học hoặc hư cấu (theological
or fictitious), (2) Siêu hình hoặc trừu tượng (metaphysical or abstract) và sau
cùng là trạng thái khoa học hoặc thực chứng (scientific or positive state). Ông
tin rằng thông qua sự tiến bộ không ngừng của sự hiểu biết của con người, tôn
giáo sẽ lụi tàn, triết học và các ngành khoa học nhân văn sẽ chuyển thành cơ sở
tự nhiên (naturalistic basis), và tất cả tri thức của con người cuối cùng sẽ trở
thành sản phẩm của khoa học. Bất kỳ ý tưởng nào bên ngoài lĩnh vực đó sẽ thuần
túy chỉ là huyễn tưởng hoặc mê tín (fantasy or superstition).
Chủ
nghĩa thực chứng lôgic (Logical Positivism)
Chủ nghĩa thực chứng vẫn không mất đi sức hấp
dẫn của nó trong thế kỷ 20. Trái lại, một nhóm được gọi tên chung là The Vienna Circle đã làm sống lại các
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa thực chứng với sự đề cao logic mang tính biểu tượng
(symbolic logic) và lý thuyết ngữ nghĩa (semantic theory). Họ gọi cách tiếp cận
của họ là chủ nghĩa thực chứng logic [Còn gọi là chủ nghĩa kinh nghiệm logic hoặc
chủ nghĩa thực chứng mới – ND]. Trong hệ thống này, chỉ có hai loại phát biểu
có ý nghĩa: Phát biểu phân tích (analytic statements) - bao gồm logic và toán học,
và phát biểu thực nghiệm (empirical statements) - tùy thuộc vào kiểm chứng thực
nghiệm (experimental verification). Bất cứ thứ gì bên ngoài khuôn khổ này đều chỉ
là một khái niệm trống rỗng.
Với những tuyên bố mạnh mẽ như thế, chủ nghĩa
thực chứng lôgic đã rơi vào tầm bị soi xét chặt chẽ. Karl Popper chỉ ra rằng có
rất ít tuyên bố trong khoa học thực sự có thể được kiểm chứng hoàn toàn. Tuy
nhiên, một quan sát duy nhất có khả năng làm mất hiệu lực (invalidate) một giả
thuyết và thậm chí là toàn bộ lý thuyết. Do đó, ông đề xuất rằng thay vì xác
minh bằng thực nghiệm, nguyên tắc về khả năng phản nghiệm (falsifiability) nên
phân định những gì đủ tiêu chuẩn là khoa học và mở rộng ra, những gì có thể đủ
tiêu chuẩn là tri thức.
Một nhược điểm khác của quan điểm thực chứng
là sự phụ thuộc vào sự phân biệt hoàn toàn giữa lý thuyết và quan sát. Các quan
sát, thiết yếu đối với phương pháp tiếp cận thực nghiệm của khoa học, được các
nhà thực chứng khẳng định là những dữ kiện thô (brute facts) mà người ta có thể
sử dụng để thiết lập, đánh giá và so sánh các lý thuyết. Tuy nhiên, W.O. Quine
đã chỉ ra trong quyển Two Dogmas of
Empiricism (Hai tín điều của chủ nghĩa kinh nghiệm) rằng bản thân các quan
sát được định hình một phần bởi lý thuyết (theory-laden - “đẫm chất lý thuyết”).
Điều gì được coi là một quan sát, làm thế nào để kiến thiết một thử nghiệm và
những dữ liệu nào bạn nghĩ rằng các công cụ của mình đang thu thập - tất cả đều
yêu cầu cần có một khung lý thuyết có tính diễn giải (an interpretive
theoretical framework). Nhận thức này không phải là một đòn chí mạng đối với việc
thực hành khoa học (như một số người theo chủ nghĩa hậu hiện đại muốn tuyên bố),
nhưng nó làm suy yếu tuyên bố của những người theo chủ nghĩa thực chứng rằng
khoa học hoàn toàn dựa trên sự kiện thực tế, và do đó là nền tảng không thể chối
cãi cho tri thức.
Chủ
nghĩa duy khoa học ngày nay
Chủ nghĩa duy khoa học ngày nay vẫn tồn tại
và tốt đẹp, bằng chứng là những tuyên bố của các nhà khoa học nổi tiếng của
chúng ta:
“Vũ trụ (Cosmos) là tất cả những gì hiện có, đã
từng có hoặc sẽ có” – Carl Sagan, Cosmos
“Vũ trụ càng có vẻ dễ hiểu bao nhiêu thì nó
càng có vẻ vô nghĩa.” – Stephen Weinburg, The
First Three Minutes
"Chúng ta có thể tự hào là một giống loài
bởi vì, khi phát hiện ra rằng chúng ta đơn độc, chúng ta chẳng nợ các vị thần gì
nhiều cả." – E.O. Wilson, Consilience
Mặc dù những người này chắc chắn có
quyền đưa ra ý kiến cá nhân của họ và tự do bày tỏ chúng, nhưng việc họ đưa
ra những tuyên bố táo bạo như vậy trong tài liệu khoa học phổ thông của họ đã
làm mờ đi ranh giới giữa một bên là khoa học chắc chắn, dựa trên bằng chứng và bên
kia là sự suy đoán triết học tràn lan. Cho dù ai đó đồng ý với quan điểm của
các nhà khoa học này hay không, kết quả của những tuyên bố công khai này đã khiến
một bộ phận lớn xã hội Mỹ trở nên xa lánh. Và đó là một vấn đề nghiêm trọng, vì
nghiên cứu khoa học chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ kinh phí của cộng đồng, và chính
sách môi trường được định hình bởi các nhà lập pháp, những người lắng nghe các
thành viên của họ. Từ quan điểm thực dụng thuần túy, sẽ là khôn ngoan nếu bạn
thử một cách tiếp cận khác.
Nhà vật lý Ian Hutchinson đưa ra một phép ẩn
dụ sâu sắc cho những tranh cãi hiện nay về khoa học: “Sự lành mạnh của khoa học
trên thực tế bị đe dọa bởi chủ nghĩa duy khoa học, chứ không được thúc đẩy bởi
nó. Ít nhất, chủ nghĩa duy khoa học gây ra phản ứng phòng thủ, miễn nhiễm, công
kích từ các cộng đồng trí thức khác, đối lại với sự kiêu ngạo và chủ nghĩa bắt
nạt trí tuệ của nó. Nó làm ô uế cho khoa học bởi chính sự liên đới với nó."
Trong khi lưu ý rằng hầu hết người Mỹ nhiệt
tình hoan nghênh những tiến bộ khoa học, đặc biệt là những tiến bộ trong lĩnh vực
chăm sóc sức khỏe, giao thông và truyền thông, Hutchinson gợi ý rằng có lẽ điều
mà công chúng đang bác bỏ không thực sự là bản thân khoa học, mà là bác bỏ một
thế giới quan gắn liền với khoa học — tức là chủ nghĩa duy khoa học. Bằng cách
tách rời hai khái niệm này, chúng ta có cơ hội tốt hơn để tranh thủ sự ủng hộ của
cộng đồng cho nghiên cứu khoa học so với việc cố gắng thuyết phục hàng triệu
người chấp nhận một vũ trụ duy vật, vô thần, trong đó khoa học là hy vọng duy
nhất còn lại của chúng ta.
Phân
biệt khoa học với chủ nghĩa duy khoa học (Distinguishing
Science from Scientism)
Vậy nếu khoa học khác biệt với chủ nghĩa duy khoa
học thì nó là gì? Khoa học là một hoạt động nhằm khám phá thế giới tự nhiên bằng
cách sử dụng các phương pháp đã được thiết lập và phân định rõ ràng. Với sự phức
tạp của vũ trụ, từ vô cùng lớn đến vô cùng nhỏ, từ vô cơ đến hữu cơ, có một loạt
các ngành khoa học, mỗi ngành có những kỹ thuật cụ thể của riêng mình. Số lượng
các chuyên ngành khác nhau không ngừng tăng lên, dẫn đến nhiều câu hỏi và lĩnh
vực khám phá hơn bao giờ hết. Khoa học mở rộng sự hiểu biết của chúng ta, thay
vì giới hạn nó.
Mặt khác, chủ nghĩa duy khoa học (scientism) là
một thế giới quan mang tính suy đoán (speculative worldview) về thực tại tối hậu
của vũ trụ (ultimate reality of the universe) và ý nghĩa của nó. Bất chấp thực
tế là có hàng triệu loài trên hành tinh của chúng ta, chủ nghĩa duy khoa học chỉ
tập trung một lượng lớn sự chú ý vào hành vi và niềm tin của con người. Thay vì
làm việc trong các ranh giới và phương pháp luận được xây dựng cẩn thận do các
nhà nghiên cứu thiết lập, nó lại khái quát toàn bộ lĩnh vực chuyên môn học thuật và
loại bỏ nhiều lĩnh vực trong số đó bị họ coi là thấp kém hơn (as inferior). Với
chủ nghĩa duy khoa học, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy những lời giải thích dựa
trên những từ như “đơn thuần là”, “chỉ là”, “đơn giản là”, hoặc “không hơn
không kém”. Chủ nghĩa duy khoa học hạn chế sự tìm hiểu của con người.
Là điều đáng mừng cho khoa học khi có những
thành tựu và khả năng đáng kể của nó trong việc giải thích nhiều loại hiện tượng
trong thế giới tự nhiên. Nhưng tuyên bố rằng không có gì có thể biết được ngoài
phạm vi khoa học sẽ tương tự như một ngư dân thành công nói rằng bất cứ thứ gì
anh ta không thể đánh bắt được trong lưới của mình đều không tồn tại. Một khi bạn
chấp nhận rằng khoa học là nguồn tri thức duy nhất của con người, bạn đã chấp
nhận một quan điểm triết học (chủ nghĩa duy khoa học) mà chính khoa học không
thể xác minh hoặc phản bác được (cannot be verified, or falsified). Nói gọn
lại, nó chính là phi khoa học (It is, in a word, unscientific).
Bài viết thể hiện quan điểm riêng
của tác giả, không nhất thiết đại diện cho quan điểm của AAAS hoặc DoSER.
Thomas
Burnett là trợ lý giám đốc về sự tham gia của công chúng tại Quỹ John
Templeton. Là một nhà văn khoa học, Thomas cũng đã làm việc cho Viện Hàn lâm
Khoa học Quốc gia và Hiệp hội Vì sự Tiến bộ của Khoa học Hoa Kỳ. Ông có bằng
triết học và lịch sử khoa học tại Đại học Rice và Đại học California, Berkeley.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét