Summary of Maslow on
Self-Transcendence
Tác giả: JOHN MESSERLY
Nguồn: Reason and Meaning (Blog) – 18/1/2017
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Đúng là [chúng ta sống] chỉ bằng bánh mì - khi không có bánh mì. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với mong muốn [của chúng ta] khi đã có nhiều bánh mì và khi bụng của chúng ta bị no quá lâu?
~ Abraham Maslow
THANG BẬC NHU CẦU
Abraham Maslow (1908 - 1970) là một nhà tâm
lý học nổi tiếng người Mỹ với việc tạo ra một lý thuyết về sức khỏe tâm lý được
gọi là “thang bậc về nhu cầu” (hierarchy of needs) của Maslow. Sách giáo khoa
thường miêu tả thang bậc của Maslow theo hình một kim tự tháp với những nhu cầu
cơ bản nhất của chúng ta nằm ở phần dưới và nhu cầu tự hiện thực hóa (self-actualization)
nằm ở phía trên. Lưu ý kim tự tháp mang tính biểu tượng ấy đã bỏ qua tính tự
siêu việt (self-transcendence):
Ý tưởng cơ bản của hình ảnh trên là sự sinh tồn
đòi hỏi phải có thức ăn, nước uống, sự an toàn, nơi ở, vv... Sau đó, để tiếp tục
phát triển, bạn cần có nhu cầu tâm lý về sự thân thuộc và tình yêu thương được
bạn bè và gia đình đáp ứng, cũng như ý thức về lòng tự tôn (self- esteem), kèm theo
với một số năng lực và thành công. Nếu những nhu cầu này của bạn đã được đáp ứng,
bạn có thể khám phá mức độ nhận thức của ý tưởng, mức độ thẩm mỹ của vẻ đẹp và
kết quả là bạn có thể trải nghiệm sự tự hiện thực hóa đi kèm với việc đạt được
toàn bộ tiềm năng của bạn.
Lưu ý rằng những nhu cầu cao hơn không xuất
hiện cho đến khi nhu cầu thấp hơn được thỏa mãn; vì vậy nếu bạn đói và lạnh, bạn
không thể lo nghĩ gì nhiều về lòng tự tôn, nghệ thuật hoặc toán học. Cũng lưu ý
rằng các cấp độ khác nhau tương ứng với các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
Các nhu cầu của phần đáy kim tự tháp chủ yếu là ở giai đoạn sơ sinh và giai đoạn
trẻ nhỏ; nhu cầu được thuộc về và lòng tự tôn thường chiếm ưu thế trong giai đoạn
trẻ lớn và thời kỳ đầu trưởng thành; và mong muốn tự hiện thực hóa xuất hiện
khi trưởng thành.
TỰ
SIÊU VIỆT
Điều người ta ít biết đến đó là lúc gần cuối
đời, Maslow đã bổ sung cho mô hình của mình và do đó, những mô tả thông thường
về thang bậc nhu cầu của ông được thấy là không hoàn chỉnh. Trong suy nghĩ về sau
của mình, Maslow lập luận rằng có một mức độ phát triển cao hơn, đó là điều mà
ông gọi là sự tự siêu việt. Chúng ta
đạt đến cấp độ này bằng cách tập trung vào những thứ bên ngoài cái ngã của mình
như lòng vị tha (altruism), sự thức tỉnh tâm linh (spiritual awakening), sự giải
thoát khỏi tính duy kỷ (liberation from egocentricity) và sự hợp nhất của bản
thể/tồn tại (the unity of being). Và đây là cách ông nói về nó:
Tính siêu việt (transcendence) đề cập đến mức
độ cao nhất, bao trùm nhất hoặc toàn diện nhất (highest, most inclusive or
holistic) của ý thức con người, của cách thức hành xử và quan hệ, như là những mục
đích, hơn là những phương tiện, với chính mình, với những người quan trọng
khác, với con người nói chung, với các loài khác, với thiên nhiên và với cả vũ
trụ. (Tác phẩm The Farther Reaches of
Human Nature, New York, 1971, trang 269.)
Lưu ý rằng việc đặt tính tự siêu việt (self-transcendence)
lên trên sự tự hiện thực hóa (self-actualization) dẫn đến một mô hình hoàn toàn
khác. Trong khi tự hiện thực hóa đề cập đến việc hoàn thành tiềm năng của chính
mình, thì tự siêu việt đề cập đến nghĩa đen là vượt qua cái ngã. Và nếu thành công, những người tự siêu việt thường
đạt được điều mà Maslow gọi là trải nghiệm
đỉnh (peak experiences), trong đó họ vượt ra bên ngoài cái tôi cá nhân của
mình (transcend the individual ego). Trong những trạng thái thần bí, thẩm mỹ hoặc
tình cảm như thế (such mystical, aesthetic, or emotional states), người ta có thể
cảm thấy niềm vui mãnh liệt, bình an, hạnh phúc và nhận thức về chân lý tối hậu
(ultimate truth) và sự hợp nhất của vạn vật (the unity of all things).
Maslow cũng tin rằng những trạng thái như vậy
không phải lúc nào cũng nhất thời - một số người có thể dễ dàng tiếp cận chúng.
Điều này khiến ông định nghĩa thêm một thuật ngữ khác, đó là trải nghiệm bình nguyên (plateau
experience). Đây là những trạng thái nhận thức lâu dài và thanh thản hơn, trái
ngược với những trải nghiệm đỉnh có xu hướng chủ yếu là cảm xúc và tạm thời.
Hơn nữa, trong những trải nghiệm bình nguyên, người ta không chỉ cảm thấy ngây
ngất (ecstasy; “phê”) mà còn cảm thấy buồn khi nhận ra rằng những người khác
không có những trải nghiệm như vậy. Trong khi Maslow tin rằng những người trưởng
thành, tự hiện thực hóa bản thân là những người có nhiều khả năng có được những
trải nghiệm tự siêu việt này, ông cũng cảm thấy rằng tất cả mọi người đều có khả
năng (hoặc tiềm năng) đạt được chúng.
Trong khi tâm lý học nhân văn (humanistic
psychology) của Maslow nhấn mạnh đến khả năng tự hiện thực hóa và điều gì là
đúng đắn với con người, không có gì đáng ngạc nhiên khi tâm lý học “xuyên cá
nhân” (transpersonal psychology) về sau của chính ông cũng đã khám phá ra sự lành
mạnh cực đại (extreme wellness) hoặc hạnh phúc tối ưu (optimal well-being). Điều
này gây nên sự cảm hứng cho những người đã mở rộng cảm nhận thông thường về bản
sắc của họ (sense of identity) để trải nghiệm tính chất “xuyên cá nhân” (the transpersonal)
hoặc sự hợp nhất cơ bản của mọi thực tại. (Vì thế, có mối liên hệ giữa tâm lý học
xuyên cá nhân với các truyền thống huyền bí và trầm mặc của nhiều tôn giáo trên
thế giới).
[Tâm lý học xuyên cá nhân (Transpersonal psychology) hoặc tâm lý học tâm linh (spiritual
psychology) là những phân ngành của tâm lý học, hợp nhất các khía cạnh tâm linh
(spiritual) và siêu việt (transcendent) của những trải nghiệm của con người vào
trong khuôn khổ của tâm lý học hiện đại. “Xuyên cá nhân” (the transpersonal) được
định nghĩa là những trải nghiệm trong đó cảm nhận về bản sắc (sense of
identity) hoặc về bản ngã (self) được mở rộng ra bên ngoài cá nhân (individual or personal) để
bao gồm cả những khía cạnh rộng lớn hơn của nhân loại, của cuộc sống, của tâm trí
(psyche) và của cả vũ trụ (cosmos) – Chú thích của ND]
Hãy để tôi (tác giả) kết luận bằng cách xem
xét hai tuyên bố ngắn gọn và hùng hồn nêu lên sự đối lập giữa sự tự hiện thực
hóa và tính tự siêu việt.
Tuyến bố đầu tiên là từ bản tóm tắt xuất sắc
của Mark Koltko-Rivera về những tư tưởng sau này của Maslow trong bài Khám phá lại phiên bản về sau của Maslow về
thang bậc nhu cầu: Tự siêu việt và Cơ hội cho lý thuyết, nghiên cứu và hợp nhất
(Rediscovering the Later Version of Maslow’s Hierarchy of Needs:
Self-Transcendence and Opportunities for Theory, Research, and Unification). Koltko-Rivera
đã nói:
Ở cấp độ tự
hiện thực hóa, cá nhân làm việc để hiện thực hóa tiềm năng của chính cá nhân
[trong khi] ở cấp độ siêu việt, nhu cầu của cá nhân được đặt sang một bên, ở tầm
mức lớn, để có lợi cho việc phục vụ người khác…
Tuyên bố thứ hai là của Viktor Frankl. (Tôi đã viết về Frankl trước đây trong: Summary of Mans’ Search For Meaning và Summary of Frankl on Tragic Optimism). Trong “Con Người đi tìm Ý nghĩa Cuộc sống”, một trong những cuốn sách sâu sắc
nhất mà tôi từng đọc, Frankl viết:
… Mục đích
thực sự của sự tồn tại của con người không thể được tìm thấy trong cái được gọi
là tự hiện thực hóa. Sự tồn tại của con người về cơ bản là tự siêu việt hơn là
tự hiện thực hóa. Tự hiện thực hóa hoàn toàn không phải là một mục tiêu khả
thi; vì một lý do đơn giản là [cá nhân con người] càng phấn đấu cho nó, thì [họ]
sẽ càng dễ lạc mất nó nhiều hơn. Vì chỉ đến mức mà [con người] cam kết [với
chính mình] hoàn thiện ý nghĩa cuộc sống [của họ], ở mức độ này [họ] cũng hiện
thực hóa [chính họ]. Nói cách khác, không thể đạt được tự hiện thực hóa nếu điều
đó được thực hiện như một kết thúc trong tự thân nó, mà nó chỉ là một hiệu ứng
phụ của sự tự siêu việt.
Những dòng chữ này này hoàn toàn phù hợp với
những gì tôi nghĩ là Maslow đã có trong ý nghĩ của ông.
SUY
NGẪM
Tôi thích ý tưởng vượt ra khỏi sự tự hiện thực
hóa hoặc hoàn thành tiềm năng cá nhân để hướng đến những lý do bên ngoài bản
thân hoặc trải nghiệm sự hiệp thông (communion) với điều gì đó vượt ra bên ngoài
bản thân thông qua những trải nghiệm đỉnh và/hoặc những trải nghiệm bình
nguyên. Tôi có thể tiếp thu những ý tưởng này miễn là chúng xuất phát từ những
mối quan tâm của con người (human) hoặc “xuyên nhân loại” (transhuman) mà không
nhất thiết liên quan đến lĩnh vực siêu nhiên (và có thể là do tưởng tượng). Tuy
nhiên, chắc chắn nhiều người sẽ tìm thấy mối liên hệ giữa những ý tưởng của
Maslow và những ý tưởng trong tôn giáo của họ.
Điều đặc biệt thu hút tôi là cách suy nghĩ
sau này của Maslow về khả năng tự siêu việt có thể được hiểu như là một cách định
hình trước cho xu hướng “xuyên nhân loại học” [transhumanism – Một phong trào có
tính triết lý và trí tuệ, ủng hộ việc cải thiện chất lượng đời sống con người thông
qua việc phát triển những công nghệ tinh vi - ND]. Tôi nghi ngờ rằng Maslow đã
suy nghĩ một cách có ý thức về nó theo cách này, nhưng quan điểm của ông rằng
có rất ít giới hạn đối với sự phát triển của con người trong việc báo trước cho
tư duy xuyên nhân loại (transhumanist thinking). Như Maslow đã nói: “Lịch sử
loài người là một bản ghi chép về những cách thức mà bản chất con người đã bị xem
nhẹ. Những khả năng cao nhất của bản chất con người thực tế đã luôn bị đánh giá
thấp”. Có lẽ chúng ta cần thiền định, lòng vị tha, sự hiệp thông với thiên
nhiên và sự thăng tiến của con người với sự hỗ trợ bởi công nghệ có thể thông
qua công nghệ để con người vượt lên chính mình một cách tốt nhất (best transcend
ourselves).
Cuối cùng, tôi tin rằng khả năng tự siêu việt
cũng có liên quan đến tuổi tác. Nói cách khác, nó là thứ chỉ có thể đạt được
sau khi bạn đã sống đủ lâu. Tôi sẽ thảo luận về mối quan hệ giữa tự siêu việt
và tuổi tác trong bài đăng của tôi về “Khả năng Siêu việt Ở tuổi già” - Gerotranscendence.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét