Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

MỘT ĐỨA TRẺ HAI TUỔI VÀO BỆNH VIỆN - Phần 1

Tựa gốc bài viết: "Cô y tá! Con Muốn Mẹ!” - Sự đồng cảm như một phương pháp luận trong Phim tài liệu "Một đứa trẻ hai tuổi vào bệnh viện" (1952)

“Nurse! I Want My Mummy!” - Empathy as Methodology in the Documentary Film "A Two-Year-Old Goes to Hospital" (1952)
Tác giả: JUSTYNA WIERZCHOWSKA
Nguồn: pismowidok.org
View: Theories and Practices of Visual Culture (Phiên bản tiếng Anh)
Widok. Teorie i Praktyki Kultury Wizualnej (Phiên bản tiếng Ba lan)

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Laura - Nhân vật chính trong phim "A Two-Year-Old Goes to Hospital"


Phần 1

GIỚI THIỆU

Một Đứa Trẻ Hai Tuổi Đi Bệnh Viện là một bộ phim tài liệu, được thực hiện vào năm 1952 bởi chuyên viên công tác xã hội lâm sàng (psychiatric social worker) đồng thời là một nhà phân tâm người Anh James Robertson. Tác phẩm đen trắng, dài 30 phút này, với giọng đọc lồng tiếng nhưng có nhiều phần im lặng, minh họa tác động của sự mất mát và đau khổ mà một đứa trẻ bị chia cắt khỏi cha mẹ trong thời gian nằm viện. Mặc dù, từ quan điểm ngày nay, có vẻ rõ ràng rằng sự hiện diện của người chăm sóc chính (caregiver) là điều cần thiết cho sức khỏe của một đứa trẻ nằm viện, nhưng việc không chấp nhận cho cha mẹ đến các khoa nhi đã từng hoàn toàn được xem là điều hiển nhiên. Trên thực tế, nó là kết quả của một cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ và việc ra mắt cuốn phim của Robertson tạo nên một đóng góp quan trọng nhưng ban đầu đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Khi bộ phim được phát hành, người ta thường cho rằng không nên đến thăm trẻ em nằm viện vì những cuộc thăm viếng như vậy bị coi là gây rắc rối và không cần thiết. Hầu hết các bệnh viện ở Anh đều đã hạn chế sự hiện diện của phụ huynh. Theo quan điểm hiện tại, theo các thống kê đến giữa thế kỷ 20, vẫn chưa có gì xuất hiện đủ để gây sốc. Vào năm 1949, ba năm trước khi Robertson ghi hình A Two-Year Old Goes to Hospital, một cuộc khảo sát tại các bệnh viện ở Luân Đôn cho thấy rằng, tại Bệnh viện Guy, việc thăm viếng tại bệnh viện bị hạn chế vào Chủ nhật từ 2-4 giờ chiều; ở St Bartholomew, được phép vào các ngày thứ tư từ 2–3:30 chiều; ở St Thomas's không được viếng thăm nào trong tháng đầu tiên (!) và các bậc cha mẹ chỉ có thể thấy con mình ngủ trong khoảng từ 7-8 giờ tối; ở Bệnh viện London không được thăm viếng cho trẻ dưới 3 tuổi và cha mẹ chỉ có thể nhìn thấy con mình qua các vách ngăn; tại Bệnh viện Tây London thì không có bất kỳ người nào đến thăm. Trước khi việc chấp nhận cho cha mẹ đến thăm con ở các khoa nhi trở thành tiêu chuẩn, một số bác sĩ tin rằng “nếu trẻ em bị bỏ mặc trong một hoặc hai ngày, chúng sẽ quên cha mẹ của chúng” và Hiệp hội Nhi khoa Anh, trong bản ghi nhớ năm 1958, đã không làm gì ngoại trừ suy đoán ngắn gọn rằng “ Việc đưa một đứa trẻ nhỏ vào bệnh viện, liên quan đến việc xa nhà, có thể là một bất hạnh hoàn toàn khác với bất hạnh gây nên do bệnh tật". Phương thức dự kiến ​​của từ “có thể” nói lên nhiều điều về tình trạng mù quáng và thiếu hiểu biết khá phổ biến về tình trạng thiếu thốn tình cảm của trẻ em đang diễn ra hàng ngày trong bệnh viện. Thậm chí ngày nay, có lẽ khó mà hiểu được điều gì, mới chỉ cách đây 70 năm, đã tạo thành quy định chính thức trong việc nhập viện ở trẻ em.

Việc hạn chế đến thăm trẻ nằm viện có liên quan mật thiết đến sự phát triển chuyên ngành tâm lý trẻ em và trong văn hóa chung vẫn có sự xem nhẹ đối với tầm quan trọng của mối quan hệ chính yếu trong cuộc sống đầu đời của trẻ. Đặc biệt là ở Anh, dưới ảnh hưởng của Sigmund Freud và người đồ đệ trung thành của ông là Melanie Klein, giới phân tâm học ở Anh đã không xem các trải nghiệm thực tế của trẻ em là có nhiều ý nghĩa. Trong các bài viết và thực hành lâm sàng của mình, Klein đặc biệt ưu tiên vai trò của những huyễn tưởng vô thức của đứa trẻ về mẹ của nó hơn là những tương tác thực sự giữa đứa trẻ và mẹ. Bản thân Freud chỉ nêu lên các chủ đề về người mẹ một cách hời hợt. Kết quả là, khi Robertson trình bày bộ phim của mình cho Hiệp hội Y học Hoàng gia vào năm 1952, hầu hết người xem đều không sẵn lòng chấp nhận việc một đứa trẻ sẽ trải qua đau thương và buồn khổ [Nguyên văn: “mourn or experience grief” – Giống như tình huống mất mẹ - ND] khi bị chia ly với mẹ.

Điều quan trọng là vào nửa đầu thế kỷ 20 ở Anh, có ít nhất hai trung tâm đã thách thức những quan điểm được chấp nhận phổ biến này: Hampstead Nurseries và Tavistock Clinic, cả hai đều nằm ở Luân Đôn. Hai tổ chức này, vốn duy trì mối quan hệ làm việc chặt chẽ với nhau, là chìa khóa để khám phá các cơ chế định hướng cho mối quan hệ gắn bó cơ bản (primary bond) và thúc đẩy những thay đổi trong tâm lý học phát triển. Chính tại Hampstead Nurseries, Anna Freud đã hình thành học thuyết về tâm lý trẻ em dựa trên thực nghiệm của riêng bà, học thuyết này hình thành nên một giải pháp nhằm thay thế cho các ý tưởng của Klein. Anna Freud tin rằng chính nhờ sự ràng buộc sống động, bền vững giữa một đứa trẻ và một người trưởng thành ổn định về mặt cảm xúc mà đứa trẻ có thể phát triển một ý thức tự lập không bị xáo trộn. Và chính tại Tavistock Clinic, John Bowlby, cùng với Mary Ainsworth, đã phát triển cái được gọi là lý thuyết gắn bó (attachment theory), xem sự gắn bó như một đặc điểm cố hữu và quan trọng của con người. Cũng tại Tavistock Clinic, Donald Woods Winnicott đã phát triển nên các khái niệm về “người mẹ vừa đủ tốt” (the good-enough mother) và “một môi trường có tính nâng đỡ” (the holding environment), chuyển trọng tâm từ một “phân tâm học định hướng theo người bố” (paternally-oriented psychoanalysis) sang một “địa hạt về người mẹ” (the realm of the maternal). Mặc dù theo quan điểm ngày nay, người ta có thể dễ dàng công kích Bowlby và Winnicott vì sự “thiết yếu hoá vai trò của người mẹ” (essentializing motherhood), [ngày nay khái niệm “làm mẹ” (mothering) được hiểu không chỉ dành cho các bà mẹ ruột] người ta cũng không thể đánh giá quá cao việc các tác giả này kiên quyết ủng hộ sự gắn bó và vai trò làm mẹ (mothering) như là những điều có tính quyết định đối với sự phát triển của con người. Nói tóm lại, các nhà tâm lý học và nhân viên xã hội tập trung xung quanh Hampstead Nurseries và Tavistock Clinic đã tạo nên tiếng nói mạnh mẽ trong cuộc tranh luận liên quan đến tâm lý trẻ em. Cuốn phim A Two Year Old Goes to Hospital của Robertson, đã xuất phát từ môi trường tri thức này, nổi bật lên như một trong số những kết quả đáng hoan nghênh nhất của nó.

A Two Year Old Goes to Hospital, trái ngược với các bộ phim tài liệu về tình trạng chia ly khác ở trẻ em được thực hiện cùng thời, đã sử dụng một bộ thiết bị để gợi ra cho người xem sự đồng cảm với nhân vật chính của bộ phim, một đứa trẻ chỉ ở tuổi mới biết đi. Cụ thể hơn, mặc dù bộ phim theo định dạng phim tài liệu thông thường, nhưng nó tìm cách thu hút người xem để khiến họ nhận ra tác động cảm xúc của việc phải nhập viện một mình từ góc nhìn của một đứa trẻ, cho phép người xem xác định và đồng cảm với nhân vật chính. Bộ phim đặt ra những câu hỏi sau: Làm thế nào các nhân viên y tế có thể đối phó với nỗi tuyệt vọng của những bệnh nhi của họ thay vì hiểu sai hoặc bỏ qua nó? Làm thế nào người ta có thể nhìn thấy được nỗi đau khổ của những đứa trẻ khi bị bỏ rơi bởi những người chăm sóc chính của chúng? Những thay đổi nào cần được thực hiện trong thói quen của bệnh viện để giảm bớt sự tuyệt vọng của trẻ?

NHỮNG DIỄN NGÔN CỦA GIỚI Y KHOA (MEDICAL DISCOURSE) VỀ SỰ CHIA TÁCH CHA MẸ VÀ CON CÁI TRONG BỆNH VIỆN VÀO NHỮNG NĂM 1940 VÀ 1950

Mối quan tâm của giới y học và học thuật Anh đối với tác động của sự chia ly cha mẹ - con cái bắt nguồn từ Thế chiến II khi nhiều trẻ em mồ côi hoặc phải sơ tán khỏi cha mẹ của chúng. Như Frank van der Horst và René van der Veer đã lưu ý, vào cuối những năm 1930, đã xuất hiện “những ấn phẩm đầu tiên về tác hại tiềm tàng của việc chia ly mẹ con tạm thời”. Hai tác giả này đã nghiên cứu sâu rộng về sự chia cắt giữa cha mẹ và con cái, sau chiến tranh, và cuộc tranh luận đã được mở rộng về việc điều chỉnh các quy định trong việc thăm khám của cha mẹ và sự hiện diện của cha mẹ trong bệnh viện.

Trong bốn thập kỷ sau chiến tranh [Tính từ sau Thế chiến I đến sau Thế chiến II – ND], cuộc tranh luận đã tạo ra hàng trăm ấn phẩm, bao gồm các bài báo chuyên môn trên Tạp chí Y khoa Anh và tờ The Lancet, cùng các ấn phẩm khoa học khác, phim, bài xã luận và thư gửi cho biên tập viên. Cách diễn ngôn của giới y khoa bị giao động giữa một bên là sự phản kháng nghiêm khắc đối với cha mẹ đi cùng con cái nằm viện và bên kia là sự thừa nhận những tác động có lợi của sự hiện diện của họ.

Các ấn phẩm ban đầu, được viết trong Thế chiến II, tập trung vào những trẻ em mồ côi hoặc sơ tán không cha mẹ. Ngay từ năm 1939, các bác sĩ S.L. Yates và John Rickman đã lưu ý rằng khi một đứa trẻ bị bỏ rơi, nó sẽ phát triển tình trạng lo âu và các vấn đề về cảm xúc có thể xảy ra trong tương lai, liên quan đến việc không có người chăm sóc chính của nó. Trong một lá thư gửi cho The Lancet, Rickman lập luận rằng: Vào lúc đó, đứa trẻ cần sự an toàn và sự an ủi của những gương mặt thân quen, và việc tách trẻ khỏi cha mẹ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng lên các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống của trẻ sau này.

Cùng năm đó, người cộng tác trong tương lai của Robertson tại Phòng khám Tavistock, John Bowlby, cùng với Emanuel Miller và Donald Winnicott, cũng cảnh báo tương tự rằng “việc di tản những đứa trẻ nhỏ không có mẹ đi cùng có thể dẫn đến chứng rối loạn tâm lý rất nghiêm trọng và lan rộng”. Những tuyên bố này trùng hợp với các hoạt động của Anna Freud tại các nhà trẻ nội trú ở Hampstead. Như đã đề cập, Anna Freud nhấn mạnh rằng những người người lớn chăm sóc cho trẻ, những người đóng vai trò thay thế cha mẹ, nên phát triển sự gắn bó ổn định và nuôi dưỡng tình cảm với trẻ em. Anna Freud cảnh báo rằng nếu những người trưởng thành đó vẫn duy trì vẻ xa cách và không có nhân tính, hoặc nếu họ thường xuyên thay đổi đến mức không thể hình thành sự gắn bó lâu dài, thì sẽ có nguy cơ cao là những đứa trẻ đó sẽ phát triển những khiếm khuyết về tính cách và không thích nghi được với xã hội. Robertson làm việc từ năm 1941 với tư cách là nhân viên xã hội tại Hampstead Nurseries của Anna Freud và đã cùng chia sẻ quan điểm với bà.

Trong Thế chiến II cũng chứng kiến ​​sự xuất hiện của các nghiên cứu về nhập viện. Trong số các chủ đề khác, các nghiên cứu về việc nhập viện đã thảo luận về cái gọi là “hiệu ứng nhập viện” (hospitalization effect), là một tỷ lệ tử vong cao bất ngờ ở trẻ em. Ví dụ, Harry Bakwin đã phân tích số lượng trẻ sơ sinh tử vong đáng kinh ngạc trong bệnh viện Bellevue ở New York. Các ca tử vong ban đầu có liên quan đến việc nhiễm trùng chéo và sử dụng “những buồng bẹnh nhỏ, ngăn cách, trong đó y tá và bác sĩ được đeo khẩu trang, trùm đầu và lau dọn cẩn thận để không cho vi khuẩn xâm nhập”, cùng với những hạn chế nghiêm trọng trong việc thăm khám. Khi các biện pháp phòng ngừa này không thành công, người ta mới phát hiện ra rằng trẻ đã hồi phục sức khỏe khi trở về nhà. Điều này dẫn đến việc các bậc cha mẹ được khuyến khích đến thăm và các điều dưỡng bồng bế, âu yếm những trẻ sơ sinh để cung cấp cho chúng “sự ấm áp và an toàn mà [trẻ sơ sinh] có được khi tiếp xúc với mẹ hoặc người thay thế.” Kết quả là tỷ lệ tử vong giảm từ 30 - 35% xuống 10%.

Tình hình bắt đầu thay đổi vào thập niên 1950 do các quan sát lâm sàng (được thực hiện, chẳng hạn như trong các nhà trẻ của Anna Freud và tại Tavistock Clinic), ngày càng có nhiều ấn phẩm trong lĩnh vực này và sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của việc không làm gián đoạn quyền của người chăm sóc chính đến thăm các bệnh nhi. Thập niên 1950 cũng chứng kiến 3 sự kiện đáng chú ý thúc đẩy những chuyển biến trong các khoa nhi trong bệnh viện. Hai ấn phẩm đầu tiên là các ấn phẩm chính thức đưa ra các tiêu chuẩn về sự hiện diện của cha mẹ với trẻ em nằm viện. Đầu tiên là Maternal Care and Mental Health (Sự chăm sóc bởi Mẹ và Sức khỏe Tâm thần), một báo cáo được viết cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được xuất bản vào năm 1951. Nó được viết bởi John Bowlby, người lúc đó là người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu về Chia ly, sau này là Đơn vị Nghiên cứu Phát triển Trẻ em (Separation Research Unit, later the Child Development Research Unit) tại Tavistock Clinic và là người chặt chẽ hợp tác với Robertson (trên thực tế, vào năm 1952, họ đã cùng giới thiệu cuốn phim A Two-Year Old Goes to Hospital). Bowlby trước đây đã xuất bản cuốn sách Forty-four Juvenile Thieves (Bốn mươi bốn tên trộm vị thành niên), dựa trên những quan sát lâm sàng của mình tại Trung tâm Hướng dẫn Trẻ em cho những đứa trẻ kém thích ứng (Child Guidance Clinic for maladjusted children), ông lập luận về mối liên hệ giữa hành vi phạm pháp ở tuổi vị thành niên và trải nghiệm sớm về việc vắng mẹ kéo dài. Trong báo cáo của WHO, ông nói rằng: Điều thiết yếu đối với sức khỏe tâm thần là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được trải nghiệm một mối quan hệ ấm áp, thân mật và liên tục với mẹ của mình (hoặc người thay thế mẹ), trong đó cả hai đều tìm thấy sự hài lòng và thích thú. Chính mối quan hệ phức tạp, phong phú và bổ ích này với người mẹ trong những năm đầu đời, cùng với nhiều cách khác nhau trong quan hệ với cha và với các anh chị em, là nền tảng cho sự phát triển tính cách và sức khỏe tâm thần của trẻ.

Bowlby kết luận báo cáo bằng cách nói rằng “việc đứa trẻ bị thiếu vắng sự chăm sóc thường xuyên của người mẹ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến tính cách của nó và cả cuộc đời sau này của nó”. Do đó, ông khuyến nghị về những việc như: “hãy sống cùng những trẻ em dưới 3 tuổi, thường xuyên thăm gặp ở những trẻ 3–6 tuổi (hằng ngày nếu có thể), chỉ định một y tá cho một trẻ, tạo cơ cấu gia đình, duy trì những bệnh phòng cỡ nhỏ, giữ kỷ luật một cách thư thái, và chuẩn bị cho trẻ trước khi đến thời gian nhập viện”.

Các biện pháp này đã được củng cố trong ấn phẩm quan trọng thứ hai của thập niên 1950, Báo cáo Platt 1959 (1959 Platt Report). Ấn phẩm này được ủy quyền bởiBộ Y tế Anh, khi bộ này tự nhận thấy mình đang chịu nhiều áp lực do tranh cãi liên tục xung quanh các hướng dẫn liên quan đến việc nhập viện của trẻ em và việc thăm viếng của cha mẹ. Được chấp bút bởi Chủ tịch Trường Đại học Phẫu thuật Hoàng gia (Royal College of Surgeons), Sir Harry Platt, báo cáo đã khẳng định tầm quan trọng của sự hiện diện của cha mẹ và hết lòng đưa ra các khuyến nghị về việc thăm viếng các bệnh nhi trên 5 tuổi và bệnh nhi dưới 5 tuổi, với “việc thăm khám không hạn chế cho trẻ em và […] cung cấp chỗ ở cho cha mẹ ở lại với con nhỏ trong bệnh viện.” Tác động của Báo cáo Platt mạnh mẽ đến nỗi vào năm 1962, Robertson kết luận rằng, sau khi xuất bản, “không bệnh viện nào còn có thể phủ nhận trách nhiệm tàn ác này nếu tiếp tục hạn chế sự tiếp xúc giữa bệnh nhi và người mẹ của trẻ”. Kết quả là vào năm 1964, 80% bệnh viện ở Anh cho phép thăm khám hàng ngày so với 23% vào năm 1952. Những con số này có vẻ khiêm tốn theo quan điểm ngày nay, nhưng vào giữa thế kỷ 20, chúng đã đánh dấu một cột mốc rất quan trọng. Tương tự, một ấn phẩm năm 1974 có chứa các khuyến nghị dành cho điều dưỡng, có tựa đề là Nurse! I want my Mummy, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “hiểu nhu cầu tình cảm của trẻ nhỏ” và kêu gọi “mở rộng sự tham gia của phụ huynh trong các khoa phòng bệnh viện dành cho trẻ em”. Tại Hoa Kỳ, một cuộc khảo sát bệnh viện năm 1978 chỉ ra rằng 66% bệnh viện Hoa Kỳ không còn hạn chế sự thăm khám của cha mẹ.

Sự kiện lớn thứ ba, trùng hợp theo thứ tự thời gian với Báo cáo của Bowlby gửi cho WHO và khuyến khích việc đưa Báo cáo Platt vào hoạt động, là việc James Robertson hoàn thành cuốn phim A Two Year Old Goes to Hospital.

Xem tiếp Phần 2



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...