Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

ÁP DỤNG CÁC CHIẾN LƯỢC HỖ TRỢ - Phần 4

Tác giả: BARBARA OKUN

Nguồn: Effective Helping

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN

Tài liệu Huấn luyện của CLB Trăng Non



Phần 4

CÁC CHIẾN LƯỢC CAN THIỆP VỀ NHẬN THỨC - HÀNH VI (COGNITIVE-BEHAVIORAL STRATEGIES)

Các chiến lược nhận thức – hành vi là những phương thức cùng một lúc tác động trên cả tiến trình suy nghĩ lẫn các hành vi ứng xử của một con người. Cơ sở lý luận của các chiến lược này dựa trên giả thuyết cho rằng: những suy nghĩ không đúng cần phải được thay đổi trước khi xảy ra sự thay đổi về mặt hành vi. Một số học thuyết được vận dụng trong các chiến lược này bao gồm: trường phái trị liệu “cảm xúc – hợp lý” của Albert Ellis (RET: Rational-Emotive Therapy), liệu pháp thực tại của William Glasser (RT: Reality Therapy) và liệu pháp nhận thức - hành vi của Aaron Beck (CBT: Cognitive-Behavioral Therapy), cũng như từ học thuyết hành vi (Behavior Theory). Tính hợp lý và trách nhiệm là những khái niệm then chốt trong các phương pháp trị liệu này.

Kỹ thuật

Các kỹ thuật nhận thức – hành vi chủ yếu sử dụng lời nói và cần thiết phải có những “bài tập về nhà” (homework assignment) bên ngoài khuôn khổ các phiên trị liệu để thúc đẩy thân chủ chuyển những suy nghĩ mới vào các ứng xử và hành động’

Mô hình RET đã góp phần vào bằng một chiến lược khá hiệu quả gọi là “tái cấu trúc nhận thức” (cognitive restructuring), có nghĩa là: thay thế những suy nghĩ sai lầm bằng những suy nghĩ mới, hợp lý hơn. Chiến lược này bao gồm những kỹ thuật có tính chỉ dẫn như: huấn luyện (teaching), thuyết phục (persuading), thách thức (confronting), thiết kế bài tập về nhà (assigning homework). Mục đích của chiến lược tái cấu trúc nhận thức là nhằm giúp thân chủ kiểm soát được những tình cảm của họ bằng cách hướng dẫn họ có được những ý tưởng hợp lý hơn, ít gây tổn hại cho bản thân hơn và thuyết phục họ nhận ra sự phi lý của những ý tưởng mà họ đang có.

Albert Ellis (1962) đã xác định được nhiều kiểu ý tưởng phi lý như sau:

  1. Điều tối cần thiết đối với tôi là phải được mọi người yêu thương và chấp nhận vì tất cả mọi việc mà tôi làm
  2. Có những hành động xấu xa và sai trái, và những ai làm những hành động ấy đều phải bị trừng phạt thật nặng
  3. Thật là thảm hoạ, kinh khủng và đáng sợ khi những sự việc bên ngoài diễn ra không theo cách thức mà tôi mong muốn
  4. Phần lớn những bất hạnh của con người là do những nguyên nhân từ bên ngoài và bị áp đặt từ những người ngoài hoặc sự kiện bên ngoài
  5. Nếu có điều gì đó đáng sợ hoặc nguy hiểm, thì tôi phải hết sức quan tâm đến nó
  6. Sẽ dễ hơn nếu tôi tránh né những khó khăn trong đời và tránh né những trách nhiệm bản thân thay vì là đối mặt với chúng
  7. Tôi cần một thứ gì đó khác hơn, mạnh hơn hoặc lớn hơn tôi, để tôi có thể trông nhờ vào đó
  8. Tôi nên là một người hoàn toàn giỏi dang, đầy đủ, thông minh và thành công về mọi phương diện
  9. Nếu có điều gì đó từng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của tôi, việc ấy hẳn sẽ có ảnh hưởng đến tôi suốt đời
  10. Những gì mà người khác làm đều rất quan trọng cho sự hiện hữu của tôi, và tôi nên cố gắng thật nhiều để thay đổi chúng theo hướng mà tôi muốn
  11. Hạnh phúc có thể có được bằng cách ngồi yên và chẳng cần làm gì cả
  12. Tôi gần như không thể kiểm soát được những tình cảm của mình và lúc nào cũng phải cảm nhận được những điều gì đó

Những nhà trị liệu nào sử dụng các kỹ thuật nhận thức – hành vi sẽ liên tục lột bỏ những suy nghĩ sai lầm của thân chủ bằng cách nêu những suy nghĩ ấy ra cho thân chủ chú ý đến, chỉ cho họ thấy bằng cách nào mà các tư tưởng phi lý đó đã trở thành cơ sở cho các vấn đề của họ, minh họa bằng các liên kết theo trình tự A-B-C-D-E: trong đó A (Activating Event) là sự kiện khởi phát; B (Belief System) là hệ thống niềm tin; C (Consequences) là các hệ quả; D (Disputing Irrational Ideas) là sự loai bỏ các niềm tin phi lý và E (new Emotional Consequence / Effect) là hiệu ứng cảm xúc mới. Nhà trị liệu huấn luyện thân chủ cách suy nghĩ lại, phát ngôn lại những ý tưởng phi lý theo một cách thức hợp lý hơn, xây dựng hơn. Vì thế, nhà trị liệu sẽ trực tiếp phủ nhận và chối bỏ những câu phát biểu sai trái mà thân chủ cứ tự mình lập đi lập lại, và yêu cầu thân chủ phải thực hiện một số hoạt động (bài tập về nhà) mà những việc ấy sẽ có tác dụng như một lực đối trọng chống lại hệ thống những niềm tin phi lý của thân chủ.

Một bài tập về nhà có thể dưới hình thức thân chủ thực hiện theo những ý kiến hướng dẫn của nhà trị liệu mỗi khi cảm thấy buồn phiền vì những sự việc xung quanh không diễn ra tốt đẹp theo như ý muốn. Thân chủ sau đó báo cáo lại những gì họ đã làm ngoài những phiên trị liệu. Theo phương pháp của Ellis, những ý tưởng hợp lý như sau nên được hướng dẫn lại cho thân chủ:

  1. Không nhất thiết mỗi người phải được tất cả mọi người xung quanh thương yêu và chấp nhận. Con người có thể chú tâm vào việc yêu thương người khác thay vì là chỉ muốn người khác yêu thương mình.
  2. Tốt hơn hết là không nên chỉ đánh giá những giá trị của bản thân dựa vào những khía cạnh bên ngoài như sự giỏi dang, đầy đủ, thành đạt, mà còn phải đặt trọng tâm vào lòng tự trọng và được chấp nhận do bởi những gì bản thân mình làm được.
  3. Những người làm điều sai trái không nhất thiết phải bị buộc tội hoặc bị trừng phạt, mà nên được xem là những kẻ ngu dốt, khờ khạo hoặc có những xáo trộn về cảm xúc.
  4. Hạnh phúc mà một con người có được và duy trì được là do việc người ấy xem xét các sự vật như thế nào hơn là do bản thân các sự vật quyết định.
  5. Nếu có một việc gì đó nguy hiểm thì người ta nên đối mặt với nó và làm cho nó bớt nguy hiểm, chứ không nên xem là thảm họa.
  6. Cách duy nhất để giải quyết các nan đề là đương đầu với chúng một cách trực tiếp
  7. Tốt hơn hết, mỗi người nên tự đứng trên đôi chân của chính mình, đặt lòng tin vào bản thân và dùng khả năng của mình để giải quyết các hoàn cảnh khó khăn hơn là phải phụ thuộc vào người khác.
  8. Mỗi người nên nhìn thấy bản thân mình là không hoàn hảo, có những hạn chế tự nhiên và cũng có thể sai lầm.
  9. Người ta nên học từ các kinh nghiệm trong quá khứ, nhưng không nên bị gắn quá chặt vào chúng hoặc có những thành kiến bởi chúng.
  10. Những khuyết điểm của người khác chủ yếu là những vấn đề của họ, nếu làm áp lực để bắt họ thay đổi thì sẽ không thể giúp họ làm gì được.
  11. Con người thường hạnh phúc nhất khi họ tích cực theo đuổi và đạt đến những mục đích bên ngoài bản thân mình.
  12. Người ta có khả năng kiểm soát được những tình cảm của mình nếu lựa chọn cách thức làm việc để có được những ý tưởng mới và hợp lý.

Rõ ràng là việc chỉ một lần nêu ra các ý tưởng sai lầm vẫn chưa đủ để đưa đến sự thay đổi hành vi bền vững. Thay vào đó, nhà trị liệu phải liên tục “công phá” hết đợt này đến đợt khác vào hệ thống những niềm tin phi lý nơi thân chủ. Nhà trị liệu cũng phải yêu cầu thân chủ hoàn tất việc thực hiện những bài tập về nhà, mà chính những việc làm này mới là sự minh họa cụ thể cho sự thay đổi hành vi nơi thân chủ.

Liệu pháp thực tại (RT) áp dụng một kỹ thuật khác trên bình diện nhận thức – hành vi, bao gồm 8 bước sau đây:

  1. Thiết lập quan hệ với thân chủ, thông tin (cả bằng lời nói lẫn hành động) cho thân chủ biết rằng “Tôi đang lưu tâm đến anh”
  2. Hãy tập trung vào những gì “tại đây và ngay lúc này”, không tham khảo nhiều vào quá khứ và cũng tránh việc “dây dưa” vào các cảm xúc. Điều mà một người làm với chính họ thì quan trọng hơn các cảm xúc của họ.
  3. Yêu cầu thân chủ đánh giá những hành vi của chính họ và tự hỏi: “Trong những điều mình làm, điều gì là đúng?”, “Việc đó giúp ích gì cho mình… cho người khác…?”. Nếu thân chủ không thể đánh giá được hành vi của họ, điều cần làm có lẽ sẽ là trở lại bước 1 và thân chủ cần phải quyết định rằng họ có muốn thay đổi hành vi của mình hay không.
  4. Vạch một kế hoạch thay đổi hành vi và hỏi thân chủ “Bạn nghĩ việc này có thể được thực hiện tốt nhất theo cách thức như thế nào?”. Giúp thân chủ định hình một kế hoạch. Để thân chủ lựa chọn, nhà trị liệu đưa ra các đề xuất nhưng không cung cấp một kế hoạch trọn vẹn. Kế hoạch cần ngắn gọn, chuyên biệt và cụ thể (“Bạn sẽ làm việc đó khi nào? Như thế nào?”), có tính tích cực thay vì là tiêu cực và có tính trừng phạt, và kế hoạch cũng cần có tính khả thi cao.
  5. Thực hiện một hợp đồng cam kết thực hiện theo kế hoạch. Nếu cần có thể viết ra một bản cam kết về cách thức thực hiện việc thay đổi hành vi và hỗ trợ cho việc này thành công. Hợp đồng cam kết được làm giữa thân chủ và nhà trị liệu.
  6. Chấp nhận mà không cần đến những lời bào chữa hay xin lỗi nếu thân chủ không thực hiện theo kế hoạch. Nếu hợp đồng trên không được thân chủ làm theo, hãy hỏi thân chủ “Khi nào bạn có thể thực hiện việc này?” chứ không hỏi “Tại sao bạn không làm việc này?”. Nếu không thành công, hãy đi theo kết quả tự nhiên của việc không làm theo kế hoạch, rồi sau đó quay trở lại các bước ban đầu để làm một kế hoạch mới.
  7. Thân chủ nên biết và tham gia vào việc làm ra các luật lệ. Áp dụng các hệ quả tự nhiên khi luật lệ bị vi phạm chứ không dùng những biện pháp trừng phạt.
  8. Không bao giờ từ bỏ việc giúp thân chủ.

Nhà trị liệu khi áp dụng các kỹ thuật của liệu pháp thực tại sẽ trở nên quan tâm nhiều hơn đến thân chủ; còn thân chủ sau đó có thể sẽ bắt đầu đánh giá hành vi của chính bản thân họ và sẽ thấy được những gì ở bản thân họ là phi thực tế. Nhà trị liệu thách thức thân chủ đối diện với thực tại và cứ lập đi lập lại việc yêu cầu thân chủ quyết định xem họ có thực hiện những việc làm có trách nhiệm hay không. Nhà trị liệu có thể phản bác những hành vi thiếu thực tế của thân chủ, nhưng vẫn giữ thái độ tôn trọng và chấp nhận con người của thân chủ. Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn cho thân chủ những cách thức để đáp ứng các nhu cầu mà không gây tổn thương cho bản thân và cho người khác. Thân chủ sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình, sẽ làm việc trong bối cảnh hiện tại, sẽ học cách đánh giá khía cạnh đạo đức trong hành vi của họ và sẽ học được những cách thức ứng xử hiệu quả hơn.

Liệu pháp thực tại của William Glasser áp dụng một chiến lược có tính chất huấn luyện nhằm trực tiếp giải quyết các giải pháp chọn lựa của thân chủ. Triết lý cơ bản của liệu pháp này là thân chủ có thể quyết định được việc họ có còn bị phiền nhiễu nữa hay không.

Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) của Aaron Beck lại vận dụng một loạt các chiến lược mà cốt lõi bao gồm những kỹ thuật tác động vừa trên bình diện nhận thức lẫn trên bình diện hành vi. Phần nhiều những kỹ thuật của Beck cũng gần giống với kỹ thuật tái cấu trúc nhận thức của A. Ellis (liệu pháp RET). Một số kỹ thuật mà Beck thường áp dụng gồm có: “tổng duyệt lại” về nhận thức (cognitive rehearsal) để phát hiện ra những điều gì đang gây cản trở trong suy nghĩ, liên hệ cảm xúc với các hành vi bằng cách tưởng tượng thật chi tiết những tình huống sống thực ngay trong các phiên trị liệu, vận dụng những phương pháp “kiểm định thực tại” (reality testing) như tìm kiếm những cách thức để đáp ứng lại với những suy nghĩ tiêu cực, sắp xếp các công việc, tích cực kiểm định những suy nghĩ và giả định có tính tiêu cực.

Việc giúp thân chủ nhận biết và lìa xa những tư duy sai lầm sẽ có thể tránh được những sai lầm tương tự về sau. Beck (1976) liệt kê ra 7 bước của kỹ thuật kiểm định thực tại minh họa cho việc vận dụng chiến lược trị liệu của ông:

  1. Xác định những ý nghĩ và những lời nói nào ở thân chủ có tính chất tiêu cực và khiến cho thân chủ bị vướng mắc vào những cảm xúc không hay
  2. Hỏi thân chủ xem họ tin vào các ý tưởng đó đến mức độ như thế nào và theo họ có nhiều khả năng xảy ra một sự kiện tiêu cực hay không.
  3. Kiểm tra những cảm xúc có liên quan đến các ý tưởng này, vd. “Khi tự nói với mình về điều đó, nó khiến bạn cảm thấy như thế nào?”
  4. “Tháo dỡ” tính kiên định của những ý tưởng như thế bằng cách đặt những câu hỏi mở, nhẹ nhàng dẫn thân chủ thăm dò đến những chứng cứ: tìm hiểu kết quả từ những tình huống tương tự trong quá khứ, các kết quả khác nhau và tần số xuất hiện những kết quả ấy, số lần xảy ra những tình huống tương tự nhưng cho kết quả tốt hơn hoặc xấu hơn so với những kết quả được tưởng tượng ra trong hiện tại…
  5. Đánh giá (cho điểm) khả năng có những tác hại trong tương lai. Vd, “Việc sau này bạn không thể tìm được một người khác giống như anh ấy có nhiều khả năng xảy ra không? Bạn đánh giá khả năng ấy như thế nào? Một phần mười? Hay một phần trăm?”
  6. Tiếp tục thách thức thân chủ đối diện với thực tại.
  7. Kiểm tra lại lòng tin của thân chủ đối với những ý tưởng ban đầu mà họ có, sau khi đã làm việc qua những bước nêu trên.

Lưu ý: những kỹ thuật nhận thức – hành vi bao gồm cả những công việc như đánh giá (evaluation) và phán xét (judgment) của nhà trị liệu, qua đó các ý tưởng cũng như hành vi của thân chủ sẽ được đánh giá là hợp lý hay phi lý, có trách nhiệm hoặc thiếu trách nhiệm. Nhà trị liệu tuy vậy sẽ không áp đặt các giá trị của mình lên trên thân chủ, thay vì thế, nhà trị liệu sẽ xem xét và đánh giá các giá trị của thân chủ. Nói cách khác, nhà trị liệu thách thức thân chủ, nhưng không trừng phạt hoặc phản bác họ vì họ đã không có những giá trị và niềm tin “đúng đắn”. Các phương pháp này có nhiều khác biệt với những chiến lược của những liệu pháp “hiện tượng học” (phenomenological strategies) như liệu pháp Gestalt và liệu pháp thân chủ trọng tâm, vì các liệu pháp này có tính không phê phán (non-judgmental) và không đánh giá (non-evaluative).

Khi nào áp dụng các chiến lược nhận thức – hành vi

Các chiến lược nhận thức – hành vi được áp dụng với nhiều đối tượng và hoàn cảnh khác nhau, tại các trường học, bệnh viện, xí nghiệp, các cơ sở giáo huấn… Liệu pháp “cảm xúc-hợp lý” (RET) có thể không hiệu quả đối với những thân chủ có trình độ học vấn thấp, không đủ khả năng theo đuổi một sự phân tích hợp lý, hoặc những thân chủ quá gắn chặt vào những tình cảm khiến cho họ không thể làm theo những phương thức có tính duy lý. Liệu pháp thực tại (RT) cũng có thể áp dụng được trên rất nhiều loại thân chủ. Liệu pháp CBT của Beck ban đầu có hiệu quả chuyên biệt trên những thân chủ bị trầm cảm, và hiện nay còn được áp dụng trên nhiều loại rối loạn khác. Các loại liệu pháp này đòi hỏi những khả năng diễn đạt bằng lời nói và thân chủ phải có động cơ muốn thay đổi.

Xem tiếp Phần5


Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

CÁC KỸ THUẬT TIỀM NĂNG CỦA LIỆU PHÁP HẬU HIỆN ĐẠI

Powerful Texts: The Potent Techniques of Postmodern Therapy

Nguồn: Psychology Today – 6/5/2020

Tác giả: NOAM SHPANCER Ph.D. – Insight Therapy – Duyệt bởi GARY DREVITCH

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Bạn không nghe nhiều về liệu pháp hậu hiện đại (postmodern therapy)? Có lẽ bạn nên biết.

Chủ nghĩa hậu hiện đại, theo Encyclopedia Britannica, là “một phong trào cuối thế kỷ 20 được đặc trưng bởi xu hướng hoài nghi bao quát, tính chủ quan hoặc tính tương đối”. Tư tưởng hậu hiện đại đã nổi lên phần lớn như một thách thức đối với ý tưởng về “tính khách quan” liên quan đến các giải thích khoa học về thực tại. Nó lập luận rằng chúng ta không chỉ nhận thức về thực tế như nó vốn có mà còn tích cực kiến tạo nó trong tâm trí của chúng ta. Việc kiến tạo đó vốn dĩ sẽ phụ thuộc vào các công cụ trí óc, thói quen và cấu trúc mà chúng ta đã phát triển. Những điều đó, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào những trải nghiệm văn hóa và cá nhân của chúng ta

Chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng kiến ​​thức của con người về thế giới được phát triển trong bối cảnh xã hội, và phần lớn những gì chúng ta coi là sự kiện khách quan (facts) hoặc phạm trù tự nhiên (natural categories) trên thực tế đã được “kiến tạo về mặt xã hội” (socially constructed). Do đó, chủ nghĩa hậu hiện đại tranh chấp với sự tồn tại của bất kỳ “Chân lý” khoa học, triết học, xã hội hoặc tôn giáo nào có thể áp dụng tương tự cho tất cả mọi người. Nói đúng ra, các cá nhân và các nhóm khác nhau có thể sở hữu những “chân lý” của riêng họ.

Đối với những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, tri thức là một “tạo tác có tính xã hội” (social artifact), là sản phẩm của “diễn ngôn” (discourse) - những tương tác bằng văn bản và lời nói giữa những con người nhất định tại một số thời điểm lịch sử nhất định. Theo quan điểm này, ngôn ngữ không chỉ mô tả thế giới của chúng ta mà còn định hình và kiến tạo thế giới.

Thực tế, theo quan điểm này, chỉ đơn thuần là những diễn giải, mà không cái nào trong số đó có thể có bất kỳ tuyên bố cố hữu nào về sự thật hoặc giá trị cao hơn bất kỳ thứ nào khác. Việc một hình thức hiểu biết nhất định có trở nên thống trị và được chấp nhận hay không phần lớn là một chức năng của các quá trình xã hội, chứ không phải do một giá trị ưu việt khách quan nào đó vốn có trong bản thân hình thức đó. Vì vậy, những gì vượt qua đối với “sự thật” trong xã hội phản ánh các giá trị của quyền lực xã hội ấy.

Ví dụ, lý do chúng ta đánh giá cao khoa học là vì diễn ngôn khoa học ngày càng trở thành một hình thức hiểu và thông hiểu chiếm ưu thế trong nền văn hóa của chúng ta, chứ không phải vì khoa học vốn đã vượt trội hơn so với những cách khác để tìm kiếm “sự thật”. Xét cho cùng, các dữ liệu không tự thu thập, quan sát và diễn giải chính chúng. Con người làm những điều này, và những đánh giá và quyết định của con người trong bối cảnh này vốn mang tính chủ quan và thiên về giá trị và thế giới quan của họ.

Kể từ khi xuất hiện trong giới học thuật vào những năm 80 và 90, chủ nghĩa hậu hiện đại đã bị chỉ trích dưới mọi hình thức. Các nhà phê bình cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại giả vờ có vẻ sâu sắc nhưng thực chất chỉ là mập mờ tối nghĩa; họ lập luận rằng, đối với tất cả những sai sót của nó, chủ nghĩa hiện đại - với khái niệm về tính khách quan, những công cụ khoa học và tầm nhìn về sự tiến bộ của nó – đã thực sự hoàn thành công việc, và do đó đã bác bỏ mọi thứ mà họ không muốn: họ lưu ý rằng việc coi mọi thứ chỉ như là những diễn ngôn và mọi cách diễn giải đều có giá trị như nhau thì sẽ tạo nên sự hỗn loạn, “cào bằng” các trải nghiệm sống của chúng ta (Nina Simone hát cũng không hay hơn bạn vừa tắm vừa hát) và xóa bỏ sự khác biệt hữu dụng giữa kiến thức chuyên môn và sự thiếu hiểu biết (bạn muốn ai sửa xe cho mình?). Sau cùng, họ chỉ ra rằng, trong chừng mực mà nó rao giảng chống lại chân lý trừu tượng và giá trị duy nhất, thì chủ nghĩa hậu hiện đại lại rao giảng chống lại tuyên bố ngầm của chính nó đó là nắm bắt chân lý và giữ lấy các giá trị.

Mặc cho những lời chỉ trích như vậy, tư tưởng hậu hiện đại, với sự nhấn mạnh vào ngôn ngữ, đối thoại và tính chủ quan, đã dẫn đến một số phát triển hiệu quả trong lĩnh vực tâm lý trị liệu. Hai trong số những liệu pháp có ảnh hưởng nhất đó là Liệu pháp Chuyện kể (LP Tường thuật – Narrtive Therapy) và Liệu pháp Tập trung vào Giải pháp (Solution-Focused Therapy). Cả hai liệu pháp này đều xem ngôn ngữ là phương tiện mà chúng ta kiến tạo (và có thể giải kiến tạo) bản sắc và ý thức của chúng ta về thế giới xã hội. Cả hai cách tiếp cận đều tránh việc dán nhãn chẩn đoán và tập trung vào những gì đúng thật đang diễn ra và dựa trên trải nghiệm chủ quan độc đáo của thân chủ.

Liệu pháp Chuyện kể, được phát triển bởi Michael White và David Epston lập luận rằng mọi người đều thấy có những ý nghĩa về cuộc sống của họ bằng cách “kể” về những trải nghiệm của họ. Những câu chuyện bao gồm các sự kiện được liên kết theo trình tự xuyên thời gian theo một cốt truyện. Những sự kiện không có cùng ý nghĩa theo bố cục thì được bỏ ra bên ngoài những câu chuyện kể này. Khi xây dựng câu chuyện cuộc đời, chúng ta định hình về bản chất, bản sắc của chúng ta. Khi ấy, chỉ có một phần nhỏ các sự kiện đã trải qua có thể được thêu dệt thành câu chuyện của chúng ta. Vì vậy, chính mỗi cá nhân đã phải quyết định những khía cạnh nào của tình huống sống được đưa vào câu chuyện kể và những ý nghĩa nào có thể được gán cho chúng.

Khi trải qua cuộc sống, chúng ta phát triển những câu chuyện về bản thân bằng cách chọn một số sự kiện nhất định và xâu chuỗi chúng lại với nhau thành “những câu chuyện nổi trội” (dominant narratives). Tuy nhiên, những câu chuyện nổi trội ấy thường không đủ để giải thích sự phức tạp và độc đáo của cuộc sống cá nhân. Chúng có thể giống như những con đường cao tốc (highways) - giúp mọi cuộc hành trình trở nên an toàn và hiệu quả hơn, nhưng cũng nhàm chán và vô vị. Theo thời gian, những câu chuyện nổi trội hay chủ đạo của chúng ta cũng có thể trở nên kém thích nghi khi hoàn cảnh sống thay đổi, hoặc bị phá vỡ và trở nên không mạch lạc bởi một số sự kiện đau buồn xâm phạm đến cấu trúc của câu chuyện cũ ấy.

Liệu pháp chuyện kể dường như tạo ra những câu chuyện mới cho cá nhân chúng ta thể hiện sự tự do và quyền tự quyết bằng cách xem xét “những hệ quả độc đáo” (unique outcomes), những khía cạnh trải nghiệm của chúng ta vốn ban đầu nằm ngoài câu chuyện nổi trội kia. Mục đích là để “giải kiến tạo” (deconstruct) hay “tách rời từng phần” (take apart) câu chuyện nổi trội, khảo sát những câu chuyện kể thay thế khác (alternative narratives), và cuối cùng là xây dựng những câu chuyện cá nhân (personal narratives) phong phú hơn thay vì là đơn điệu về nội dung.

Một kỹ thuật được sử dụng trong quá trình này được gọi là Ngoại hiện vấn đề (Externalizing problems). Điều này có nghĩa là thay vì dán nhãn bản thân là “người có vấn đề” (Vd. “Tôi là một người giận dữ”), bạn tự định nghĩa mình là “người đang giải quyết vấn đề” (tôi là người đang nỗ lực đối phó với vấn đề là cơn giận”). Với việc ngoại hiện, vấn đề được xem là điều được kiến tạo về mặt xã hội, không đặt bên trong các cá nhân mà là ở bên ngoài họ, tồn tại phần lớn như một sản phẩm của kinh nghiệm văn hóa, lịch sử và cá nhân của họ. Vấn đề không phải ở chỗ bạn là ai, mà là bạn đang phải đối mặt với vấn đề gì.

Liệu pháp tập trung vào giải pháp, được phát triển bởi các nhà trị liệu tâm lý Steve De Shazer và Insoo Kim Berg của Milwaukee vào cuối thập niên 1970, tập trung vào việc tìm ra cách nào phù hợp với các loại người khác nhau, thay vì tập trung vào cách nào phù hợp với các loại vấn đề khác nhau. Một trong những hiểu biết khởi nguyên của các nhà trị liệu này là "giải pháp cho một vấn đề được tìm thấy trong “các ngoại lệ” (exceptions), hoặc vào những thời điểm khi một người được tự do với vấn đề của họ hoặc đang thực hiện các bước để quản lý vấn đề". Do đó, cách tiếp cận này tìm cách khám phá những điểm mạnh và các nguồn lực ứng phó, giúp thân chủ làm được nhiều việc hơn. Nó đưa ra những câu hỏi như: "Làm thế nào bạn giữ cho mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn?" và xem xét các biến thể trong các triệu chứng trước khi trị liệu (pre-treatment variations in symptoms) để tìm ra manh mối về cách thức đối phó hiệu quả.

Nhà trị liệu hỏi về “Tương lai được ưa thích” (Preferred Future) của thân chủ - mục tiêu và kế hoạch của họ, khám phá cụ thể khi nào, ở đâu, với ai và làm thế nào mà các phần của tương lai ưa thích đó hiện nay đã diễn ra. Một câu hỏi thường hữu ích trong việc làm rõ mục tiêu đó là “Câu hỏi về Phép màu” (Miracle Question): "Nếu có một phép màu xảy ra vào đêm nay và vấn đề nhờ đó được giải quyết, thì điều đầu tiên sáng hôm sau bạn nhận thấy là gì để cho bạn biết rằng phép màu đó đã xảy ra?"

Dựa trên thông tin này về những ưu điểm, nguồn lực, chiến lược đối phó và mục tiêu hiện có của thân chủ, nhà trị liệu và thân chủ xem xét để đưa ra các bước tích cực cụ thể, có thể đo lường được để đưa ra các giải pháp. “Câu hỏi tính điểm” (Scaling Questions) thường được sử dụng cho mục đích đó: “Trên thang điểm từ 1-10, với điểm 10 là hoàn toàn không có vấn đề, hôm nay bạn ở đâu? (Mấy điểm?) Điều gì cần xảy ra để chuyển từ điểm số 3 lên điểm số 4 trong tuần tới? ”

Thay vì tập trung vào bệnh lý hoặc đưa ra các dán nhãn chẩn đoán, các nhà trị liệu thay vào đó sẽ tìm kiếm những gì thân chủ đang làm hiệu quả và khuyến khích họ tiếp tục theo hướng đó. Một số kỹ thuật hữu ích trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Ví dụ: “Thể thức trong phiên đầu tiên” (The Formula First Session Task) đặt câu hỏi cho thân chủ: "Từ bây giờ đến khi chúng ta gặp nhau lần sau, tôi muốn bạn quan sát những gì xảy ra mà bạn muốn tiếp tục xảy ra". “Câu hỏi Ngoại lệ” (Exception Questions) thì hỏi như sau: "Khi nào bạn không gặp vấn đề?" và "Khi đó bạn làm gì khác?"

Bạn không cần phải tham gia liệu pháp để sử dụng các câu hỏi và kỹ thuật được mô tả ở trên. Đây là những công cụ hữu ích cho bất kỳ ai muốn bảo vệ và cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. Nhìn vào câu chuyện bạn đang kể về chính mình. Bạn có thể sửa đổi nó thành một bài viết phong phú hơn, chính xác hơn, mạch lạc hơn và khẳng định được cuộc sống hay không? Hãy xem xét những khoảng thời gian trong ngày hoặc trong tuần khi bạn phải rút lui với những phiền muộn, hoặc khi thình lình hoặc trong giây lát bạn cảm thấy tốt lên – Liệu bạn có thể học được điều gì đó từ những khoảnh khắc ấy về điều gì có tác động tốt cho mình hay không? Rồi thì bạn có thể làm nhiều hơn thế chứ?

Đi tới thôi!


ÁP DỤNG CÁC CHIẾN LƯỢC HỖ TRỢ - Phần 3

Tác giả: BARBARA OKUN
Nguồn: Effective Helping
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN

Tài liệu Huấn luyện của CLB Trăng Non


Xem lại Phần 1 - Phần 2

Phần 3

CÁC CHIẾN LƯỢC CAN THIỆP CẢM XÚC - NHẬN THỨC (AFFECTIVE-COGNITIVE STRATEGIES)

Cơ sở của các chiến lược can thiệp cảm xúc-nhận thức là học thuyết tâm động học (psychodynamic theory). Mục đích chủ yếu của chiến lược này là nhằm mang các tư liệu ở tầng vô thức đưa ra khu vực ý thức, nhằm làm tăng cường sức mạnh của cái Tôi nơi thân chủ, khiến cho hành vi của thân chủ sẽ phải dựa trên những suy nghĩ có ý thức thay vì bị điều khiển bởi những bản năng trong vô thức. Nhân cách của thân chủ được tái cấu trúc bằng cách nhận được khả năng “nội thị” (insight): bao gồm sự nhận biết về mặt cảm xúc và sự thấu hiểu về mặt nhận thức. Mục tiêu của chiến lược là nhằm loại bỏ những tác động gây hại từ những mối lo âu bên trong nội tâm, mà những nỗi lo này vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của cơ chế dồn nén, sao cho thân chủ có thể sống một cách đầy đủ hơn trong hiện tại với khả năng tự hiểu biết bản thân và một sự bình an nội tâm. Điều này cho phép thân chủ có được những mối quan hệ có tính xây dựng hơn và khả năng sống tốt hơn.

Kỹ thuật

Các kỹ thuật chính yếu của liệu pháp tâm động học là liên tưởng tự do (free association), phân tích giấc mộng (dream anlysis) và diễn giải (interpretation). Đây là những kỹ thuật dùng đến lời nói (verbal techniques) nhằm cho phép thân chủ đẩy nhanh tốc độ phát triển nên một mối quan hệ chuyển di với nhà trị liệu, và sau cùng là giúp khơi thông các xung đột trong vô thức. Mục đích của liên tưởng tự do và phân tích giấc mộng là để giúp thân chủ dần dần hiểu được ý nghĩa của những tư liệu đang ở sâu trong tầng vô thức. Trọng tâm nhấn mạnh vào những trải nghiệm của thời thơ ấu; giúp thân chủ hiểu được mối liên hệ giữa những sự việc trong quá khứ với chức năng tâm trí hiện tại của họ.

Trong hiện tượng chuyển di (transference - còn có cách dịch là "chuyển cảm"), thân chủ sẽ chuyển những cảm xúc, thái độ và xung đột được trải nghiệm trong quá khứ sang các tình huống và các mối quan hệ hiện tại. Bằng cách nhận ra hiện tượng này, thân chủ có thể nhận biết được những ảnh hưởng của nó trong tiến trình trị liệu. Watkins đưa ra năm khuôn mẫu chuyển di chính thường gặp trong quan hệ trị liệu, trong đó nhà trị liệu có thể được thân chủ nhìn nhận và cư xử theo như một trong số các hình tượng như sau: (1) một mẫu người lý tưởng (ideal); (2) một nhà tiên tri (seer); (3) một người bảo dưỡng (nurturer); (4) một người gây hụt hẫng (frustrator); và (5) một đối tượng phi thực thể (non-entity). Sự nhận thức theo mỗi mẫu người vừa nêu sẽ có ảnh hưởng lên trên thái độ và hành vi của thân chủ, đồng thời cũng ảnh hưởng lên trên những trải nghiệm của nhà trị liệu trong mối quan hệ. Chẳng hạn, nếu thân chủ xem nhà trị liệu như một nhà tiên tri, thân chủ sẽ trông đợi có được những lời khuyên và giải pháp của một chuyên gia; còn nhà trị liệu khi ấy sẽ có thể cảm nhận bản thân mình hoặc như một người toàn năng hoặc ngược lại như một người bất toàn vì đã không thể giải đáp thỏa đáng tất cả các câu hỏi của thân chủ. Trong trường hợp đó, nhà trị liệu cần áp dụng các chiến lược sao cho nó có thể chỉ ra được những nhu cầu lệ thuộc trong quá khứ của thân chủ cũng như phải làm rõ những mối quan hệ trong quá khứ của thân chủ với những người “có uy quyền”, và tập trung vào việc giúp thân chủ có được lòng tự tôn (self-esteem) và tính độc lập.

Khi nào áp dụng các chiến lược cảm xúc-nhận thức

Các kỹ thuật tâm động học là cần thiết đối với những người có những vấn đề thường xuyên và sâu xa trong nội tâm cần đến sự tái cấu trúc về nhân cách. Trừ khi được huấn luyện sâu về phân tâm học, bằng không bạn sẽ không thể làm được gì nhiều để mang đến sự hỗ trợ theo cách này.

CÁC CHIẾN LƯỢC CAN THIỆP VỀ NHẬN THỨC (COGNITIVE STRATEGIES)

Các chiến lược can thiệp về nhận thức nhấn mạnh đến sự hợp lý, các tiến trình tư duy và sự hiểu biết. Cơ sở lý thuyết của chiến lược này là thông tin và các hệ thống thực hiện quyết định.

Kỹ thuật

Kỹ thuật ra quyết định (decision-making) được áp dụng cho các vấn đề về nhận thức, bởi vì các quyết định là những tiến trình nhận thức. Điều quan trọng là cần phải giúp thân chủ học được các kỹ năng ra quyết định sao cho họ được tự do nhiều hơn trong việc quản lý cuộc sống của họ.

Mặc dù có nhiều mô hình ra quyết định khác nhau, nhưng tiến trình cơ bản được khuyến cáo dành cho các mối quan hệ hỗ trợ bao gồm các bước sau đây:

Làm rõ vấn đề: Phải chắc chắn rằng bạn đã xác định vấn đề nào đang gây ra những khó khăn hiện tại. Vấn đề phải được xác định chính xác thì việc quyết định giải pháp mới có thể hiệu quả.

Xác định và chấp nhận trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề: Trừ khi người ra quyết định thấy được mình có sức mạnh để ra một quyết định, nếu không tiến trình ra quyết định sẽ trở nên vô ích. Con người nói chung không đầu tư sức lực vào việc quyết định nếu kết quả không cho họ lợi ích gì.

Đề xuất tất cả các giải pháp khả thi cho vấn đề (động não): Thường chúng ta chỉ nghĩ đến những giải pháp có giới hạn. Sự động não cho phép chúng ta xem xét đến tất cả những giải pháp khả thi mà không phán xét chúng. Việc này giúp chúng ta có nhiều cơ hội mà từ đó có thể lựa chọn.

Đánh giá từng giải pháp được đưa ra bằng cách dựa vào những điều kiện thực tế và dựa vào những hệ quả theo giả thuyết (làm rõ giá trị của các giải pháp này). Có một số giải pháp sẽ bị chúng ta tự động loại bỏ, hoặc vì nó có tính không khả thi, hoặc vì nó làm tổn hại đến hệ thống các giá trị của chúng ta. Tuy nhiên, trước khi loại bỏ một giải pháp nào, chúng ta cũng nên đặt giả thuyết về tất cả các kết quả của nó.

Đánh giá lại những giải pháp trong danh sách được lựa chọn sau cùng, những kết quả có thể có, cùng những nguy cơ có thể gặp khi thực hiện : Các giải pháp được chọn sẽ được đưa vào một danh sách để chúng ta xem xét, mõi giải pháp cần phải được xem xét từng bước khi thực hiện và những kết quả có thể dẫn đến. Ở giai đoạn này, chúng ta lại có thể loại thêm một số giải pháp nữa.

Quyết định chọn một giải pháp để thực hiện: Dựa vào tất cả các bước xem xét và đánh giá nêu trên, chúng ta sẽ lựa chọn một giải pháp. Ở giai đoạn này, chúng ta thậm chí còn có thể liệt kê lại một danh sách các lựa chọn một lần nữa.

Xác định cách thực hiện kế hoạch đã chọn, thực hiện như thế nào và khi nào thực hiện: Đến đây, chúng ta sẽ nêu ra một cách chính xác những gì cần đến để thực thi quyết định này: ai cần làm điều gì, khi nào, ở đâu, cùng những phương tiện nào sẽ được cần đến, vv… Các quyết định nói chung thường đều thường không được thực hiện bởi vì chúng ta thất bại trong việc vượt qua giai đoạn này.

Khái quát hóa sang các tình huống khác: Việc này là bước đi có thể cần hoặc không cần đến, tuy nhiên nó có liên quan đến việc khám phá những tác động của quyết định đã chọn và của việc thực thi quyết định ấy đối với những tình huống sống khác ngoài tình huống khó khăn hiện tại.

Đánh giá việc thực thi quyết định: Đây bước tối hậu để xác định rằng việc thực thi kế hoạch và quyết định đã chọn là có thuận lợi hay không. Chúng ta rất thường hay nói rằng một sự lựa chọn nào đó là không hay, trong khi thực tế chính việc thực thi quyết định ấy mới là chuyện có sai sót.

Nhà trị liệu có thể thúc đẩy quá trình trên bằng cách làm rõ ý nghĩa, cung cấp thêm thông tin và đề xuất thêm nhiều giải pháp để lựa chọn trong giai đoạn động não. Trong những tình huống như hoạch định kế hoạch giáo dục và hướng nghiệp, những thông tin từ các trắc nghiệm có thể được sử dụng cho tiến trình quyết định. Việc thu thập và tổng hợp các thông tin thích đáng sẽ là một công cụ có giá trị trong quá trình quyết định.

Ngoài việc diễn giải kết quả trắc nghiệm và phổ biến các thông tin chính xác, nhà trị liệu còn áp dụng cách thức làm rõ giá trị, quan sát và hướng dẫn thân chủ học cách hiểu và vận dụng những dữ liệu nhận được từ các trắc nghiệm, các thông tin bằng văn bản hoặc lời nói, và các thông tin từ quan sát. Những dữ liệu này lại có thể giúp thân chủ làm rõ và giải thích các giá trị, thái độ và niềm tin của họ cũng như những phẩm chất và trách nhiệm của họ. Chính thân chủ mới là người quyết định sau cùng; người hỗ trợ chỉ mang đến sự giúp đỡ mà thôi.

Đôi khi, quá trình trị liệu không nhất thiết phải hoàn tất bằng việc có ngay một quyết định; cuộc làm việc có khi chỉ nhằm để giúp thân chủ có thêm thật nhiều thông tin trước khi người này có thể đưa ra quyết định sau cùng. Điều này thực sự là đúng đắn, vì có những lúc người ta đã ra những quyết định quá nhanh trước khi thâu thập tất cả những dữ liệu cần thiết.

Khi nào áp dụng các chiến lược can thiệp nhận thức

Các chiến lược can thiệp trên bình diện nhận thức và quyết định sẽ hiệu quả trong các tình huống tham vấn giáo dục, hướng nghiệp, cũng như trong bất kỳ tình huống sống nào cần đến kỹ năng quyết định và giải quyết vấn đề. Trong một số trường hợp, các quyết định cần có những thông tin thuộc loại suy nghĩ và hiểu biết; nhưng cũng có trường hợp trước khi quyết định người ta cần có những thông tin thuộc về thái độ và niềm tin.

Xem tiếp Phần4


Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

ĐIỀU GÌ LÀM CON NGƯỜI HẠNH PHÚC?

What Makes People Happy?

Người viết: CLAIR BROWN, Ph.D. Buddhist Economics – Duyệt bởi: JESSICA SCHRADER

Nguồn: Psychology Today – 14/6/2017

Người dịch: QUÁCH YẾN NGỌC – Chuyên viên Tâm lý Học đường



“Kinh tế học Phật giáo (Buddhist economics) cho thấy hạnh phúc chính là một cuộc sống có ý nghĩa – đối với tất cả mọi người.”

Điều gì làm mọi người hạnh phúc? Câu hỏi này dẫn chúng ta đến với cốt lõi của Kinh tế học Phật giáo – đến với cái ngã chân thật của chúng ta.

Theo Kinh tế học Phật giáo, bản chất con người là phóng khoáng và vị tha, ngay cả khi chúng ta đang quan tâm đến chính bản thân mình. Đức Phật đã dạy rằng với tất cả những người đang gặp phải khó khăn về mặt tinh thần, với những cảm nhận không hài lòng xuất phát từ những ham muốn ngày càng nhiều thêm. Đức Đạt Lai Lạt Ma căn dặn chúng ta rằng việc cảm thấy mình không đủ đầy và mong cầu có thêm nhiều hơn vốn không nẩy sinh từ những khao khát vật chất mà ta luôn tìm kiếm, mà là xuất phát từ những ảo tưởng bên trong tâm trí của chúng ta. Đức Phật dạy ta cách để chấm dứt khổ đau bằng việc thay đổi cách nhìn nhận, để chuyển sang việc tìm kiếm hạnh phúc thông qua việc sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Trái với kinh tế học Phật giáo, kinh tế học truyền thống cho rằng bản chất con người là có tính duy ngã (self-centere) và con người chỉ thôi thúc gia tăng thu nhập bản thân và phong cách sống xa hoa phù phiếm. Theo cách tiếp cận này, việc mua sắm và tiêu thụ - như là mua những đôi giày mới hay là chơi một trò chơi điện tử mới – sẽ khiến chúng ta hạnh phúc. Nhưng không sớm thì muộn ta cũng sẽ bắt đầu mệt mỏi với những đôi giày, trở nên chán nản với những trò chơi, và rồi ta lại đi mua sắm. Trong vòng lặp đầy tham vọng vô tận này, chúng ta liên tục ở trong tình trạng mong cầu hơn nữa mà chẳng bao giờ tìm thấy sự mãn nguyện lâu dài.

Kinh tế học truyền thống dựa trên thứ hạnh phúc có tính khoái lạc (hedonic happiness), hoặc thú vui cá nhân với việc né tránh những nỗi đau khổ, mà điều này chú trọng việc theo đuổi tiền tài và mua sắm những thứ mang đến cảm xúc thoải mái, ít nhất là ngay tức thời. Những niềm vui ngắn hạn này hết sức phù hợp với một nền kinh tế định hướng mục tiêu và mang tính duy vật của chúng ta. Chúng ta theo đuổi những giấc mơ về sự vinh hoa phú quý hoặc quyền lực to lớn, những nhu cầu sắc dục hoặc trở thành quán quân hàng đầu trong một lĩnh vực nào đó với niềm tin rằng chúng sẽ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc bền lâu. Những huê lợi, sự thăng tiến và những cuộc tình khiến chúng ta trở nên “thăng hoa”. Tuy nhiên, trạng thái ấy sẽ mau chóng suy tàn, để rồi chúng ta sẽ lại theo đuổi những cảm giác “thăng hoa” mới.

Kinh tế học Phật giáo dựa trên kiểu hạnh phúc thiện lành (eudaimonic happiness) của Aristotle, nơi mà hạnh phúc sẽ xuất hiện thông qua sự tự tri, và sống một cuộc đời đáng sống và đức độ trong việc phụng sự người khác và cộng đồng. Aristotle dạy ta rằng “Người hạnh phúc là người sống hoàn toàn theo đúng đức hạnh trọn vẹn và được trang bị đầy đủ những điều tốt đẹp, không chỉ trong một khoảng thời gian mà là trong xuyên suốt cả cuộc đời”. Ông còn nói, “Cuộc sống chiêm nghiệm là cuộc sống hạnh phúc nhất.”

Đức Đạt La Lạt Ma đã nhắc nhở về sự thành đạt về vật chất dựa trên những giả định sai lầm rằng những thứ chúng ta có thể mua được “có thể tự chúng sẽ mang lại cho ta tất cả những sự thoả mãn mà ta hằng mong cầu.” Ngài dạy ta rằng “hạnh phúc thật sự hình thành từ sự bình yên đến từ bên trong và sinh sôi thông qua bối cảnh của các mối quan hệ của ta với tha nhân”. Trong Kinh tế học Phật giáo, con người thường cố gắng hành động mang tính đạo đức, điều đó có nghĩa là không gây hại cho người khác, ngay cả không làm hỏng những trải nghiệm hay cảm giác hạnh phúc của người khác. Ví dụ bạn có thể gây hại bằng lời nói hoặc hành động giận dữ đối với người khác, hoặc khiến họ (hoặc chính bạn) cảm thấy ham muốn hoặc chấp bám, ganh ghét hoặc gây hấn, lọc lừa, kiêu ngạo và ghen ghét, hoặc những độc hại tinh thần khác (được gọi là phiền não - kleshas trong Phật giáo)

Đi tìm những niềm hạnh phúc nội tại (inner happiness) là một trong những mục tiêu chính của Kinh tế học Phật giáo. Đạo Phật cho rằng chúng ta đạt đến sự tự do và bình yên thật sự chỉ khi ta từ bỏ những thói quen tinh thần trong việc phản ứng theo kiểu khát khao trước các kích thích (“Tôi phải sở hữu nó!” “Hãy chiến thắng cuộc chơi này!”) hay phản ứng với sự ghét bỏ (“Tôi không thể chịu đựng được!” “Phải hạ gục nó!”). Thay vào đó, Đạo Phật đem đến sự tĩnh tại trong tâm trí ta: tập trung vào vẻ đẹp khi ta bước đi, thưởng thức thức ăn của ta khi ta ăn, kết nối thân mật với bạn bè ta.

Các nhà Kinh tế học dẫn chứng cho ta thấy con người quan tâm rất nhiều đến sự công bằng, và mong muốn được là một phần của tổ chức hay cộng đồng mà họ cảm thấy công bằng và cho là nơi công bằng. Khi các nhà Tâm lý học nghiên cứu điều gì khiến con người hạnh phúc, họ nhận ra rằng khi ta đối xử tốt với người khác, nó sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Con người cần những khoảng khắc trắc ẩn để làm nền tảng, bởi vì sẽ xảy ra những vòng cung phản hồi tích cực: khi bạn thực hiện một hành động tử tế (như là dẫn mẹ đi ăn trưa), bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, và điều đó sẽ khiến bạn mong muốn thực hiện những hành động tử tế khác hơn nữa (như là giúp hàng xóm mang vác những vật phẩm trong cửa hàng tạp hoá của họ). Sự tử tế khiến bạn hạnh phúc hơn, và con người hành phúc sẽ thực hiện những hành vi tử tế nhiều hơn.

Tâm lý học Tích cực (Positive psychology) chỉ ra rằng thân-tâm an lạc (well-being) sẽ đến từ những trải nghiệm sống có ý nghĩa vượt ra bên ngoài cảm giác hạnh phúc thông thường, điều này bổ sung thêm cho Kinh tế học Phật giáo. Lấy ví dụ, nhà Tâm lý học Tích cực Seligman đã dạy những bài tập để nâng cao trạng thái thân-tâm an lạc thông qua việc kết nối, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, sự hoàn thành công việc và lập những mục tiêu.

Theo Kinh tế học Phật giáo, chúng ta phân biệt giữa niềm hạnh phúc thật sự được xây dựng dựa trên một cuộc sống tâm trí được phát triển trọn vẹn và kiểu hạnh phúc tạm thời được phát triển từ tiền tài và các ham muốn bất tận. Kinh tế học Phật giáo cho ta thấy con người không chỉ nhắm đến việc tối đa hoá việc thu nhập cho bản thân, bởi vì ta luôn muốn có thêm hạnh phúc và mong cầu sự an lạc cho tất cả mọi người.

Kinh tế học Phật giáo mang đến những hướng dẫn cho chúng ta vừa để tái cơ cấu nền kinh tế để quan tâm đến sự bất công, sự bền vững, và đặt tinh thần của con người làm trọng tâm, vừa đưa đến những cuộc đời hạnh phúc và đầy ý nghĩa.

“Thực hành từ bi để đạt được hạnh phúc” sẽ thay thế cho “càng nhiều càng tốt.”

“Tối ưu hoá vị thế của bản thân” sẽ chuyển thành “Kết nối an lạc cho tất cả mọi người”.

Mọi người đều xứng đáng được hạnh phúc. Cùng nhau chúng ta có thể sống những cuộc đời đầy ý nghĩa trong một thế giới bền vững.


Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

BẠO LỰC GIA ĐÌNH TĂNG 30% TRONG THỜI GIAN PHONG TỎA TẠI PHÁP

Domestic violence cases jump 30% during lockdown in France 
By Euronews



Nhóm Hoạt động về quyền của phụ nữ biểu tình chống lại bạo lực với nữ giới tại Versaille, Pháp 
24/9/2020. Ảnh: Christophe Archambault, AFP

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp nói rằng các báo cáo về bạo lực gia đình trên khắp cả nước đã tăng hơn 30% kể từ khi quốc gia này tiến hành phong tỏa vào ngày 13/3/2020.

Christophe Castaner (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp (2018–2020); Hạ nghị sĩ Pháp từ 2020) tiết lộ vào thứ Năm vừa qua rằng chỉ riêng ở Paris, số ca đã tăng lên 36%.

Lệnh phong tỏa để phòng tránh Coronavirus ở Pháp đã bắt buộc người dân phải ở nhà ít nhất 11 ngày. Và nó tiếp tục được gia hạn cho đến ngày 15/4/2020.

Bị hạn chế ở nhà cùng với một người bạn đời bạo hành được cho là sẽ gia tăng nguy cơ cho các nạn nhân.

Pháp đã từng có tỷ lệ bạo lực gia đình cao nhất tại Châu Âu. Mỗi năm, ước tính khoảng 219.000 phụ nữ, tuổi từ 18-75 phải đối mặt với các vấn đề về bạo lực thể chất hoặc tình dục gây nên bởi người bạn tình hiện tại hoặc bạn tình trước đây, nhưng chỉ 20% người trong số đó dám lên tiếng báo cáo điều đó. Dựa trên các số liệu chính thức, cứ mỗi 3 ngày sẽ có 1 phụ nữ bị giết chết bởi người bạn đời cũ hoặc người bạn đời hiện tại.

Castaner nói rằng chính phủ nước này sẽ đưa ra những biện pháp mới để những người đang đối mặt với tình trạng lạm dụng kêu gọi sự giúp đỡ trong suốt thời gian phong tỏa.

Nạn nhân có thể kêu gọi sự giúp đỡ tại các hiệu thuốc, ông nói rằng: “Một người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình có thể kêu cứu khi họ đến hiệu thuốc một mình mà không có chồng đi cùng”

Ông bổ sung rằng một hệ thống luật sẽ được phát triển dành cho các nạn nhân có người bạn đời bạo lực đi cùng họ đến hiệu thuốc. Tây Ban Nha đã có hệ thống luật về việc báo cáo các trường hợp bạo lực gia đình.

Castaner nói rằng, khi tình trạng phong tỏa còn diễn ra, lực lượng cảnh sát sẽ luôn cảnh giác cao độ đối với các trường hợp tố cáo về lạm dụng và việc chống lại Bạo lực gia đình phải là ưu tiên hàng đầu.

Hiện tại, nạn nhân của Bạo lực gia đình ở Pháp có thể gọi điện thoại số 3919 để được giúp đỡ



Không riêng gì Pháp, các nước Châu Âu khác cũng ghi nhận tình trạng bạo lực gia đình gia tăng trong thời gian phong toả để ngăn ngừa COVID-19 lây lan.
Ảnh: Hoạt động chống bạo lực với nữ giới tại Bucharest, Romania, 4/3/2020



MỘT KHÓA HỌC CHUẨN BỊ CHO HÔN NHÂN CÓ LÀ BẮT BUỘC?

Is a Marriage Preparation Course Compulsory?
Viết bởi: RACHAEL PACE 
Nguồn: Marriage.Com - Cập nhật: 1/6/ 2021

Người dịch: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu



Một khóa học chuẩn bị cho hôn nhân được thiết kế để giúp các cặp đôi chuẩn bị cho những thăng trầm của cuộc hành trình được gọi là hôn nhân. Mặc dù tham gia một khóa học chuẩn bị cho hôn nhân trực tuyến là một cách dễ dàng và thuận tiện để củng cố mối quan hệ của bạn, nhưng liệu nó có bắt buộc hay không là một câu hỏi phổ biến.

Có nhiều lý do để các cá nhân tham gia một khóa học tiền hôn nhân. Đối với một số người, đó có thể là do nhà thờ hoặc chính quyền khuyến khích dưới hình thức các lớp Pre-Cana, trong khi những người trưởng thành có trách nhiệm khác chỉ tìm kiếm lời khuyên về cách để có một cuộc hôn nhân tốt nhất có thể. Thực tế là việc tham gia một khóa học như vậy xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc hôn nhân của bạn và cho thấy rằng cam kết của bạn đối với mối quan hệ có thể là chưa đủ vững vàng.

[Pre-Cana: một khóa học hoặc tư vấn cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn trong một nhà thờ Công giáo. Tên có nguồn gốc từ John 2: 1–12 - Chú thích của TN Online]

Hãy tưởng tượng về việc tham gia Thế vận hội mà không luyện tập cho các cuộc thi đấu.

Hãy tưởng tượng về việc bạn nỗ lực để tạo dựng sự nghiệp mà lại không có bất kỳ một hiểu biết nào.

Hãy tưởng tượng về việc cố gắng trở thành Tổng thống mà chưa bao giờ học về lịch sử.

Vậy thì điều gì khiến chúng ta nghĩ rằng việc chính thức hóa mối quan hệ bằng cách tiến hành lễ cưới là có thể đột nhiên giúp chúng ta chuẩn bị cho những khoảng thời gian phía trước?

Nó không hề giúp được.

Bây giờ, hãy đi sâu tìm hiểu lý do vì sao việc tham gia một khóa học tiền hôn nhân lại quan trọng đối với các cặp vợ chồng để xây dựng mối quan hệ bền chặt và hạnh phúc hơn.

Sự cần thiết của khóa học chuẩn bị cho hôn nhân

Bạn có thể đã lên kế hoạch trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc có thể là nhiều năm cho ngày kết hôn với bạn đời của mình, và hoàn toàn sẵn sàng tuyên thệ “Cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta”. Nếu là như vậy, thì bạn không đơn độc!

Các cặp vợ chồng chủ yếu dự kiến trước và lên kế hoạch cho vài tháng hoặc vài năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, tức là sẽ sống ở đâu, đi du lịch ở đâu, họ sẽ hạnh phúc như thế nào khi cuối cùng được ở bên người bạn đời của mình, thảo luận ngắn gọn về con cái và vấn đề tiền bạc, v.v.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau khi kết thúc giai đoạn trăng mật của mối quan hệ và bạn phải ổn định cuộc sống với người bạn đời của mình sau khi kết hôn?

Các nghiên cứu cho thấy những thay đổi sinh lý diễn ra vào thời điểm đó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn. Câu hỏi đặt ra là - bạn có sẵn sàng xử lý những thay đổi đó không?

Mối quan hệ của bạn liệu sẽ sóng gió khi đối mặt với những kỳ vọng khác đi hay sẽ thuận buồm xuôi gió cho bạn và người ấy?

Một khóa học tiền hôn nhân sẽ chuẩn bị cho bạn trước những tình huống có thể xảy ra như vậy và hơn thế nữa.

Bạn có thể học được nhiều điều trong một khóa học hôn nhân trực tuyến trước khi quyết định kết hôn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng đại từ quan hệ (relational pronouns – còn gọi là “đại từ nhân xưng”) rất quan trọng trong hôn nhân. Ví dụ: các cặp vợ chồng sử dụng thuật ngữ “chúng tôi” (và các đại từ chỉ cặp đôi khác) thay vì chỉ là “tôi” trong lời nói hàng ngày và việc này dẫn đến hành vi của cặp đôi trở nên tích cực hơn.

Những phát hiện này chỉ ra rằng ngôn ngữ và cách thể hiện tình yêu và cảm xúc là quan trọng để có một cuộc hôn nhân lành mạnh và bền vững. Biến bản thân từ “Tôi” thành “Chúng tôi” chỉ là một trong những điều bạn sẽ học trong lớp học tiền hôn nhân.

Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết về việc tham gia một khóa học chuẩn bị cho hôn nhân.

Khi nào thì một khóa học về hôn nhân là bắt buộc?

Viện Nghiên cứu Gia đình Úc phát hiện ra rằng khả năng thích ứng là phẩm chất thiết yếu của một cuộc hôn nhân bền vững.

Vì sao nó quan trọng? Bởi vì bạn ở vào thời điểm bắt đầu cuộc hôn nhân không nhất định sẽ giống với bạn ở vài năm sau đó.

Bằng cách tham gia khóa học chuẩn bị cho hôn nhân, các cặp vợ chồng học cách cùng nhau phát triển và thích nghi với những thay đổi có thể xảy đến với họ.

Hầu hết các cặp vợ chồng đều coi lớp học tiền hôn nhân là một lựa chọn cá nhân. Họ muốn chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân bằng cách học các kỹ thuật giao tiếp và kỹ năng giải quyết xung đột. Các lớp học tiền hôn nhân cũng giúp họ tạo ra các mục tiêu chung về tài chính và gia đình.

Nhưng có một số tình huống mà một khóa học hôn nhân là bắt buộc. Ví dụ, những người thuộc Giáo hội Công giáo và dự định kết hôn bắt buộc phải hoàn thành khóa học chuẩn bị cho hôn nhân hoặc lớp Pre-Cana.

Ngoài ra còn có các khóa học chuẩn bị cho hôn nhân được chính quyền khuyến khích bằng hình thức giảm chi phí khi đăng ký giấy đăng ký kết hôn cho các cặp đôi.

Sau khi xem qua những điều này, nếu bạn đã quyết định tham gia khóa học thì đây là những gì có sẵn cho bạn.

Khóa học Chuẩn bị Hôn nhân – Có thể trông đợi những gì

Nếu bạn chưa bao giờ tham gia một khóa học chuẩn bị cho hôn nhân trực tuyến, bạn có thể tự hỏi mình có thể học được những gì.

Xuyên suốt giáo án, các cặp đôi sẽ học mọi điều họ cần biết để xây dựng một cuộc hôn nhân bền chặt và thành công.

Đối với điều này, các cặp vợ chồng cần ngồi xuống và thực hiện một “quá trình tự điều nhịp” (self-paced course). Các bài học bao gồm video, bảng câu hỏi và các hoạt động để giúp các cặp đôi tìm hiểu thêm về nhau. Các chủ đề được đề cập trong khóa học là:

1. Tạo ra các mục tiêu chung cho một tương lai hạnh phúc hơn

2. Học tầm quan trọng của lòng trắc ẩn và sự thấu cảm

3. Kỹ thuật giao tiếp

4. Tầm quan trọng của sự gần gũi về cảm xúc và cơ thể

5. Truyền thống (traditions) đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống gia đình bạn

Lợi ích của Khóa học Chuẩn bị cho Hôn nhân Trực tuyến

1. Khi bạn đính hôn, bạn có thể biết rất rõ về đối tác của mình, nhưng vẫn luôn có thêm nhiều điều để tìm hiểu! Khóa học chuẩn bị cho hôn nhân giúp các cặp vợ chồng hiểu được tương lai của họ trong khi học các kỹ thuật giao tiếp và giải quyết xung đột để giúp họ đối phó với những thăng trầm không thể tránh khỏi của cuộc hôn nhân.

2. Ngay cả khi các cặp đôi đã hẹn hò nhiều năm hoặc đã quyết định kết hôn sau khi hẹn hò một thời gian ngắn và tin rằng họ “biết” đối tác của mình, các khóa học chuẩn bị kết hôn sẽ giúp họ có cái nhìn sâu hơn về các vấn đề mà họ có thể gặp phải trong tương lai (tài chính, sự mật thiết, giao tiếp, v.v.). Các khóa học như vậy cũng giúp họ kết nối theo cách tốt hơn ở mức độ tình cảm.

3. Nếu bạn tham gia một khóa học hôn nhân trực tuyến thay vì trực tiếp, bạn có thể quyết định lịch trình của mình. Bạn cũng có thể dừng và bắt đầu các kế hoạch bài học một cách thuận tiện.

4. Những cặp đôi nhút nhát cũng sẽ đánh giá cao bầu không khí thoải mái. Không có cố vấn hiện diện, vì vậy bạn sẽ có thể cởi mở và bộc lộ những nhược điểm với vợ/chồng của mình như cách bạn muốn.

5. Các khóa học trực tuyến cũng thuận tiện cho các cặp vợ chồng đã có con vì sẽ không cần trông trẻ khi tham gia các lớp học.

6. Hơn nữa, các khóa học được thiết lập để trở nên vui nhộn, hấp dẫn và thú vị.

Một khóa học chuẩn bị cho hôn nhân kéo dài bao lâu?

Trong một nghiên cứu về hạnh phúc hôn nhân, Tạp chí SAGE đã chỉ định ngẫu nhiên các cặp vợ chồng đã kết hôn tham gia các hoạt động được xác định là thú vị hoặc dễ chịu.

Kết quả cho thấy rằng những cặp đôi tham gia vào các hoạt động thú vị có mức độ hài lòng trong hôn nhân cao hơn những người trải qua thời gian bình thường nhưng dễ chịu bên nhau.

Tham gia một khóa học hôn nhân trực tuyến nên được coi là một cuộc phiêu lưu mới thú vị. Bạn đang tìm hiểu người phối ngẫu của mình ở mức độ sâu hơn trong một ngày, một tuần, một tháng hoặc vài tháng.

Thời gian của một khóa học hôn nhân trực tuyến là hoàn toàn tùy thuộc vào cặp đôi. Các khóa học về hôn nhân của Marriage.com kéo dài từ 2 đến 5 giờ để các cặp vợ chồng cố gắng theo đuổi tốc độ của riêng họ.

Khóa học Chuẩn bị Hôn nhân có phải là việc bắt buộc? – Lời phán quyết

Trải qua các lớp học về hôn nhân sẽ cho người phối ngẫu của bạn thấy rằng bạn là người biết quan tâm và sẽ giúp bạn có cùng quan điểm về tương lai của mối quan hệ của mình. Vì vậy, nó không phải chỉ là vấn đề làm theo sự bắt buộc. Tham gia một khóa học như vậy là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo rằng “toà lâu đài lãng mạn” của bạn sẽ được xây dựng trên một nền tảng vững chắc.

Cho dù bạn đang tìm kiếm một khóa học chuẩn bị cho hôn nhân trực tuyến miễn phí hay bạn có đủ nguồn lực để dành thời gian và tài chính cho các bài học của mình, hãy nhớ rằng sẽ không bao giờ có thời điểm nào là tốt hơn để tham gia một khóa học tiền hôn nhân.


Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

HƠN MỘT TRIỆU TRẺ MỒ CÔI LÀ NẠN NHÂN GIẤU MẶT CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19

Over a million young orphans are the hidden victims of the Covid-19 pandemic
Tác giả: SOPHIE GORMAN 
Nguồn: France24 – 25/7/2021

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Trẻ mồ côi bên ngoài một mái ấm ở Afghanistan, tháng 7/2020 
Ảnh của Mohammad Ismail, REUTERS


Ước tính có khoảng 1,1 triệu trẻ em trên toàn cầu đã trải qua cái chết của người chăm sóc chính (primary caregiver) do hậu quả trực tiếp của đại dịch coronavirus, theo một nghiên cứu được xuất bản bởi tạp chí y khoa The Lancet trong tuần này (Thời điểm tháng 7/2021). Nhưng có thể làm gì để hỗ trợ những đứa trẻ mồ côi Covid-19 mới này?

Vì phần lớn các trường hợp tử vong do Covid-19 xảy ra ở những người lớn tuổi, nên phần lớn sự chú ý của thế giới tập trung vào người lớn. Tuy nhiên, theo như nghiên cứu mới này  trên tạp chí The Lancet đã chỉ ra, kết quả bi thảm của tỷ lệ mắc bệnh cao ở người lớn là nhiều trẻ em đã mất cha mẹ, ông bà hoặc người chăm sóc chính cho Covid-19.

Trên toàn thế giới, có tổng cộng có 1,5 triệu trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc ông bà đã giúp chăm sóc trẻ, hoặc một số người thân khác chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ kể từ tháng 3/ 2021. Trong số này, hơn 1 triệu trẻ em mồ côi cha mẹ.

"Tình trạng mồ côi và mất người chăm sóc là một đại dịch ẩn (hidden pandemic) do những cái chết liên quan đến Covid-19. Trên toàn cầu, từ ngày 1/3/2020 đến ngày 30/4/2021, chúng tôi ước tính có 1.134.000 trẻ em đã trải qua cái chết của những người chăm sóc chính, bao gồm ít nhất một cha/mẹ hoặc một người giám hộ là ông hoặc bà", nhóm nghiên cứu đã phát biểu trên tờ The Lancet.

Báo cáo cho biết: "Có 1.562.000 trẻ em đã trải qua cái chết của ít nhất một người chăm sóc chính hoặc phụ (primary or secondary caregivers). Những đứa trẻ này là hậu quả bi thảm của hơn 3 triệu ca tử vong liên quan đến Covid-19 tính đến ngày 30/4/2021".

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng những cách thức đáp ứng về sức khỏe cộng đồng đối với đại dịch, chẳng hạn như phong toả và đóng cửa trường học, cũng đã làm giảm nghiêm trọng năng lực của các hệ thống và dịch vụ bảo vệ trẻ em được thiết lập để cung cấp các can thiệp và hỗ trợ an toàn hết sức cần thiết cho trẻ em. Ở các nước nghèo, thậm chí còn có thể khó khăn trong việc chứng minh một đứa trẻ đã bị mồ côi.

'Cứ hai cái chết do Covid thì có một đứa trẻ bị mất người chăm sóc'

Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), USAID, Ngân hàng Thế giới và Đại học College London. Họ thống kê số ca tử vong ở 21 quốc gia, chiếm hơn 76% tổng số ca bệnh Covid-19. Họ đã sử dụng các phương pháp tương tự đã được phát triển và xác nhận để ước tính số trẻ em trên toàn cầu sẽ bị mồ côi do AIDS (Hội chứng Suy giảm Miễn dịch Mắc phải do HIV gây ra) để dự báo số lượng trẻ mồ côi của Covid-19. Theo UNICEF, trẻ mồ côi là trẻ em (bất kỳ ai dưới 18 tuổi) bị mất một hoặc cả hai cha mẹ do bất kỳ nguyên nhân nào dẫn đến cái chết.

Susan Hillis của CDC, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Cứ hai trường hợp tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới, thì có một đứa trẻ bị bỏ lại đối mặt với cái chết của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Số lượng trẻ mồ côi Covid-19 sẽ tăng lên khi đại dịch tiến triển. Cần phải ưu tiên những đứa trẻ này và hỗ trợ chúng trong nhiều năm tới”.

Đồng tác giả nghiên cứu Lucie Cluver của Đại học Oxford cho biết thêm: “Chúng ta cần phản ứng nhanh vì cứ sau 12 giây lại có một đứa trẻ mất người chăm sóc vào tay Covid-19”.

Các đáp ứng trên toàn cầu và tại những địa phương ngay lập tức đối với đại dịch thường tập trung vào các nhu cầu thiết yếu về sức khỏe cộng đồng: ngăn ngừa lây lan, cải tiến việc điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, phát triển và phân phối vắc xin.

Báo cáo của CDC cho biết: “Việc này đã bỏ qua một trong những hậu quả cấp bách và bi thảm nhất của nó: đó là có vô số trẻ em đã phải chịu tang cha mẹ hoặc ông bà, những người đã sống cùng và chăm sóc cho trẻ,” [Children: The Hidden Pandemic 2021 – A joint report of Covid-19 associated orphanhood and a strategy for action].

Báo cáo này nói rằng, với sự ước tính dè dặt, có hơn 4 triệu trẻ em có thể phải chịu cái chết của cha mẹ và người chăm sóc, thông qua Covid-19, trong những năm tới.

Ông bà cũng thường đóng vai trò chủ chốt trong các đại gia đình trên khắp thế giới, họ thường hỗ trợ về mặt tâm lý, xã hội, chăm sóc trực tiếp hoặc hỗ trợ tài chính cho các cháu của họ.

Ở Hoa Kỳ, 40% ông bà sống với cháu đóng vai trò là người chăm sóc chính của trẻ. Ở Anh, 40% ông bà thường xuyên chăm sóc các cháu. Ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, những ông bà giữ vai trò giám hộ (custodial grandparents) thường đóng vai trò là người bảo hộ, chăm sóc những đứa cháu có cha mẹ đi xa vì công việc, qua đời vì AIDS hoặc các nguyên nhân khác, hoặc bị chia cắt bởi xung đột hoặc chiến tranh.

Nhiều thập kỷ tiến bộ đã bị đẩy lùi

"Chúng ta không thể để xuất hiện thêm bất kỳ nạn nhân nào, dù là gián tiếp, của đại dịch này. Nếu chúng ta không bảo vệ thế hệ này, các em sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Khi trẻ em mất một hoặc thậm chí cả hai cha mẹ, các gia đình thường bị đẩy vào cảnh nghèo hơn. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc trẻ em sẽ bỏ học và phải đi làm để phụ giúp thu nhập cho gia đình. Những đứa trẻ này sẽ không trở lại trường học và có thể sẽ bị mắc kẹt vào một vòng xoáy đói nghèo (cycle of poverty)”,  theo Bidisha Pillai , Giám đốc Chính sách Toàn cầu, Vận động và Chiến dịch của Tổ chức Save The Children.

Tác động của coronavirus đã khiến điều kiện sống của trẻ em trên khắp thế giới trở nên tồi tệ hơn, Save the Children cho biết. Nó đã đẩy lùi nhiều thập kỷ tiến bộ đạt được để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của họ. Hệ thống y tế yếu kém và hệ thống bảo vệ trẻ em đã sụp đổ và nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em tăng lên do các gia đình mất nguồn thu nhập và đôi khi là sinh kế.

“Không có người chăm sóc, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương,” Pillai nói thêm. “Đại dịch đã phá hoại nền giáo dục của hàng trăm triệu trẻ em, và việc mất ngày học khiến trẻ em gái, trẻ em trai và trẻ vị thành niên rơi vào nguy cơ lao động trẻ em (child labor – tức phải lao động sớm), kết hôn sớm và mang thai, và bỏ học vĩnh viễn.”

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi các tổ chức và chính phủ trên thế giới quan tâm khẩn cấp đến hoàn cảnh của trẻ em mồ côi, mất cha mẹ và người chăm sóc, và đảm bảo cho các em được chăm sóc. Họ nói rằng các chính phủ "cần xem xét việc củng cố các hệ thống chăm sóc dựa vào gia đình. Vì vậy, trẻ em mất một hoặc cả hai cha mẹ có thể được giữ an toàn trong môi trường gia đình, thay vì được gửi đến một cơ sở lưu trú".

Theo báo cáo của CDC, các đáp ứng phải dựa trên cơ sở gia đình. Trẻ em được hưởng lợi khi ở trong một cấu trúc gia đình, và gia đình cần được hỗ trợ để chăm sóc trẻ em. Các nguồn lực cần được hướng đến để đảm bảo rằng mỗi trẻ em bị ảnh hưởng đều được sống trong một gia đình được hỗ trợ, có tính an toàn và khả năng nuôi dưỡng, và để đảm bảo rằng trẻ em không bị bỏ rơi và cuối cùng sẽ được chăm sóc trong một cơ sở lưu trú.

CDC tin rằng điều này có thể đạt được thông qua phương pháp tiếp cận “tiền mặt kết hợp với chăm sóc” (cash plus care): kết hợp thu nhập và hỗ trợ nuôi dạy con cái cho các gia đình nhận chăm sóc trẻ em mồ côi, dựa trên bằng chứng và thực tiễn tốt.

Thiệt hại lâu dài

UNICEF tin rằng có những bước mà các chính phủ và cộng đồng viện trợ quốc tế cần thực hiện ngay bây giờ để đảm bảo các gia đình được tiếp tục tiếp cận với các dịch vụ bảo trợ xã hội, tư vấn và chăm sóc sức khỏe. Các dịch vụ bảo vệ trẻ em phải được tăng cường, bao gồm cả lực lượng lao động dịch vụ xã hội, cho trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương. Trường học và các dịch vụ khác của trẻ em phải được mở và có thể tiếp cận được.

Họ nói rằng một hệ thống phải được phát triển theo đó những đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ có thể được các thành viên trong đại gia đình chứ không nên đưa vào những dịch vụ chăm sóc thay thế không phù hợp (unsuitable alternative care).

“Những thiệt hại trước mắt và lâu dài do gia đình ly tán và dịch vụ chăm sóc thay thế không phù hợp, đặc biệt là ở các cơ sở, đã được ghi nhận đầy đủ. Các viện lưu trú (institutions) thường có đặc điểm là làm cho việc sắp xếp cuộc sống vốn sẽ gây tác hại cho trẻ”, Giám đốc điều hành của UNICEF Henrietta Fore cho biết trong một tuyên bố được công bố trong tuần này (Thời điểm tháng 7/2021). “Trẻ em có thể trải qua sự ép buộc sống thử chung chạ (forced cohabitation) và những thông lệ chặt chẽ có thể không phù hợp với nhu cầu cá nhân của trẻ. Trẻ thường xuyên bị tước đi khả năng đưa ra những lựa chọn phù hợp với lợi ích tốt nhất của mình”.

Ông Fore nói thêm: “Hơn nữa, trẻ em được chăm sóc thay thế thường xuyên bị cách ly khỏi gia đình và cộng đồng địa phương. “Mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, trẻ có thể chịu đựng những tổn hại về thể chất, tâm lý, tình cảm và xã hội, với hậu quả kéo dài suốt đời. Những đứa trẻ này cũng có nhiều khả năng bị bạo lực, lạm dụng, bỏ rơi và bóc lột”.

Ông Fore nói: “Khi COVID-19 tiếp tục tàn phá các gia đình và cộng đồng, chúng ta phải bảo vệ quyền được sống và lớn lên của mọi đứa trẻ trong một môi trường hỗ trợ sự phát triển về thể chất, tâm lý, xã hội và tình cảm của các em”.


HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...