The concept of inferiority and superiority complex
Bài viết của PAUL ADEKA –
Nghiên cứu sinh người Nigeria
Nguồn: Academia
Người dịch: HỒ TÂM ĐAN
– Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu
Phức cảm
tự ti (inferiority complex) là một cảm giác ý thức hoặc vô thức của một người rằng
bản thân không tốt bằng những người khác. Cùng với những khái niệm khác như đặc
điểm, vô thức, và tự hiện thực hóa, trong tâm lý học khái niệm phức cảm tự ti
được dùng để giải thích về nhân cách. Được Alfred Adler phát triển lần đầu tiên
vào những năm 1920, khái niệm này đóng một vai trò quan trọng trong lý thuyết của
Adler về tâm lý học cá nhân. Adler đề xuất rằng, tất cả mọi người đều tìm kiếm
cảm giác thành tựu và vượt trội. Tuy nhiên, khi còn là trẻ con, mọi người lại cảm
thấy mình thua kém so với người lớn, là những người mạnh mẽ hơn và tạo ra sự an
toàn. Những người có phức cảm tự ti sơ cấp (primary inferiority complex) là do
họ chưa bao giờ vượt qua được cảm giác tự ti thời thơ ấu, chúng dai dẳng và quá
mức. Phức cảm tự ti thứ cấp (secondary inferiority complex) là kết quả của việc
người lớn luôn cảm thấy rằng thành công là điều không tưởng.
Một số
tác giả đã tranh luận về việc phức cảm tự tôn (superiority complex) và tự ti
không thể có ở cùng một cá nhân được vì rằng một cá nhân có phức cảm tự tôn thật
sự tin rằng mình vượt trội hơn những người khác. Phức cảm tự ti có
thể biểu hiện bằng những hành vi nhằm cho người khác thấy rằng mình là người vượt
trội; chẳng hạn như của cải vật chất đắt tiền, hoặc nỗi ám ảnh về sự phù phiếm
và vẻ bề ngoài. Họ thể hiện mình là người vượt trội bởi vì họ thiếu cảm giác đầy
đủ. Những người mắc phải phức cảm tự tôn không phải lúc nào cũng quan tâm đến
hình tượng hay hư danh, vì họ có cảm giác vượt trội bẩm sinh và do đó thường
không quan tâm đến việc chứng tỏ mình vượt trội so với người khác. Thuật ngữ
“phức cảm tự tôn”, trong cách dùng hàng ngày, liên quan đến đánh giá quá cao về
bản thân. Trong tâm lý học, nó không nói đến niềm tin, mà là một khuôn mẫu hành
vi thể hiện niềm tin rằng bản thân là vượt trội. Tương tự, một người có phức cảm
tự ti sẽ hành xử như thể họ kém cỏi, hay không đủ năng lực.
Phức cảm
tự tôn là một trong những cách mà một người có phức cảm tự ti có thể dùng như một
cách thức để thoát khỏi khó khăn của bản thân. Anh ta cho rằng anh ta là người
vượt trội trong khi không phải thế, và thành công giả tạo này bù đắp cho anh ta
về tình trạng kém cỏi mà anh ta không thể chịu đựng được. Người bình thường
không có phức cảm tự tôn; anh ta thậm chí không có cảm giác vượt trội. Anh ấy
có sự phấn đấu để trở nên vượt trội theo nghĩa là tất cả chúng ta đều có khát vọng
thành công; nhưng miễn là sự phấn đấu này được thể hiện trong công việc thì nó
không dẫn đến những giá trị giả tạo, phức cảm tự tôn là loại phức cảm phát triển
khi một người mắc phải phức cảm tự ti quyết định tỏ ra vượt trội hơn để che đậy
sự thấp kém của mình.
Người
có phức cảm tự tôn thường khẳng định rằng ý kiến của mình luôn tốt hơn những
người khác và quan trọng hơn những người khác, đây được coi là một trong những
triệu chứng gốc rễ của bệnh tâm thần.
TRIỆU CHỨNG CỦA PHỨC CẢM TỰ
TÔN
1. Tính
ngạo mạn (kiêu hãnh) và tự phụ
2. Cảm
giác rằng bạn luôn đúng và người khác luôn sai, vì vậy bạn không đồng ý với họ
3. Luôn
khao khát được chú ý
TRIỆU CHỨNG CỦA PHỨC CẢM TỰ
TI
1. Thu
rút xã hội (Social Withdrawal). Những người có mặc cảm tự ti thường cảm thấy
không thoải mái khi ở bên người khác, đặc biệt là ở một nơi đông người...
2. Thiếu
lòng tự trọng (Lòng tự trọng thấp) (Lack of/Low Self-Esteem)
3. Hay
tức giận và có xu hướng dễ cảm thấy mình không được tôn trọng
ĐỘNG LỰC ĐẰNG SAU PHỨC CẢM TỰ
TÔN VÀ PHỨC CẢM TỰ TI
Chặt
cành vẫn không đốn hạ được cây và cành sẽ mọc lại. Bạn phải cắt bỏ gốc rễ để
ngăn cây mọc trở lại.
Nếu phức
cảm tự ti với bản chất lòng tự trọng thấp là nguyên nhân chính dẫn đến phức cảm
tự tôn, vậy thì việc xác định nguyên nhân của phức cảm tự ti sẽ là bước đầu
tiên để khám phá động lực đằng sau cảm giác đó.
1. Trải nghiệm tiêu cực trong
quá khứ: ví dụ, trải nghiệm về sự yếu đuối, bất lực, bất an, bị từ chối
và phụ thuộc dẫn đến lòng tự trọng thấp, điều này cũng đóng một phần rất lớn
trong việc hình thành phức cảm tự ti, phức cảm tự tôn là một trong những cách
mà một người có phức cảm tự ti có thể sử dụng như một phương pháp để thoát khỏi
những khó khăn hoặc trải nghiệm đó.
2. Không có khả năng hòa nhập
với xã hội hoặc nhóm bạn đồng trang lứa: một cá nhân không được
chỉ dẫn phù hợp để giải đáp các vấn đề của cuộc sống có thể cố gắng chứng tỏ
mình có ưu thế cá nhân bằng mọi giá để hòa nhập với xã hội hoặc nhóm bạn đồng
trang lứa. Nếu một cá nhân không thể giỏi hơn người khác về thành tích của
chính họ, họ sẽ cố gắng hạ gục người hoặc nhóm khác để duy trì vị trí vượt trội
của họ. Một người mắc phải phức cảm tự ti sẽ nhận thấy mình thua kém về nhiều
phẩm chất khác nhau khi so sánh với người khác. Ví dụ, một học sinh có thể cảm
thấy tự ti với những người khác mà anh ta coi là xuất sắc trong lớp vì thành
tích kém của mình. Cảm thấy tự ti chính là bắt nguồn từ việc so sánh bản thân với
người khác và nhận thấy bản thân không bằng với những người khác trên một thước
đo nhất định.
3. Nỗi sợ thất bại: phức cảm
tự ti thường dẫn đến mức độ tự tin thấp và không quý trọng bản thân. Khi điều
này xảy ra, một người sẽ đánh mất nhiệt huyết của mình và thậm chí thường không
cố gắng làm mọi việc hoặc trốn chạy khỏi chúng. Một người có phức cảm tự ti sẽ
từ bỏ mọi thứ thậm chí trước khi bắt đầu và đây chính vấn đề thực sự. Luôn có
xu hướng lo lắng khi một người phải thất bại sau khi họ đã nỗ lực hết sức mình.
Lần tới khi một người như vậy đối mặt với thử thách tương tự, sẽ xuất hiện cảm
giác “rút lui” hoặc miễn cưỡng để thử lại.
4. Sợ hãi định kiến và phân
biệt đối xử: Những hạn chế về mặt xã hội và tình trạng phân
biệt đối xử đối với một cá nhân dựa trên gia đình, chủng tộc, giới tính, tình
trạng kinh tế xã hội, trình độ học vấn, tôn giáo và khuynh hướng tính dục có thể
khiến người đó có nguy cơ có phức cảm tự ti/tự tôn.
5. Khiếm khuyết về thể chất - Một
số khiếm khuyết về ngoại hình, chẳng hạn như vấn đề về cân nặng, khiếm khuyết về
thị giác, bệnh ngoài da, vết thương do bỏng, có thể gây ra cảm giác nghi ngờ bản
thân và tự trọng thấp ở một số cá nhân. Các đặc điểm thể chất khác như khiếm
khuyết về giọng nói bao gồm cả tật nói lắp cũng có thể dẫn đến phức cảm tự ti.
NGUYÊN LÝ CỦA HÀNH VI ĐỘNG LỰC
(Motivational Behavior)
1. Năng lực bản thân và động
cơ xã hội
Năng lực
bản thân (self-efficacy) là niềm tin của một cá nhân vào khả năng của bản thân
để hoàn thành một nhiệm vụ, có thể dựa trên việc trước đó đã hoàn tất thành
công một nhiệm vụ giống như vậy hoặc một nhiệm vụ tương tự như vậy. Albert
Bandura (1994) đã đưa ra giả thuyết rằng ý thức về năng lực bản thân của một cá
nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi. Bandura cho rằng
động lực (hay động cơ – motivation) bắt nguồn từ những kỳ vọng mà chúng ta có về
kết quả của các hành vi của mình, và cuối cùng, chính việc đánh giá cao năng lực
của chúng ta khi tham gia vào một hành vi nhất định sẽ quyết định những gì
chúng ta làm và các mục tiêu tương lai mà chúng ta đặt ra cho bản thân. Ví dụ,
nếu bạn có niềm tin chân thật vào khả năng đạt được thứ hạng cao nhất của mình,
bạn có nhiều khả năng sẽ đảm nhận những nhiệm vụ đầy thử thách và không để những
thất bại ngăn cản bạn hoàn thành nhiệm vụ đến cùng.
2. Nhìn nhận thế mạnh của bạn
Một điều
mà lòng tự trọng thấp gây ra cho cá nhân là làm cho điểm yếu của họ trở nên lấn
át. Những người có phức cảm tự ti thường tập trung nhiều vào những gì họ không
thể làm tốt và ít tập trung vào những gì họ có thể làm được. Nếu bạn tập trung
vào những thứ bạn giỏi, cho dù đó là ca hát, viết lách, nấu ăn hay nói chuyện,
bạn sẽ thấy rằng bạn làm những việc đó ngày càng tốt hơn, rồi bạn sẽ cảm thấy tốt
hơn và tự tin hơn rất nhiều về bản thân.
3. Xây dựng các mối quan hệ
tích cực
Bạn nên
tránh những người có xu hướng hạ thấp bạn hoặc những người liên tục nói những
điều hạ thấp về bạn hoặc với bạn. Chọn để xây dựng tình bạn với những người nhận
ra và thúc đẩy những điều tốt nhất ở bạn. Hãy đồng hành với những người củng cố
thế mạnh của bạn và giúp bạn trở thành một người tốt hơn.
4. Rèn luyện tính quyết đoán (Practice Assertiveness)
Tính
quyết đoán liên quan đến việc thiết lập các ranh giới trong mối quan hệ của bạn
với người khác. Nó liên quan đến việc tôn trọng nhu cầu và ý kiến của người
khác và mong đợi rằng phần của bạn cũng được tôn trọng. Một số ví dụ về sự quyết
đoán bao gồm đứng lên vì bản thân, từ bỏ những mối quan hệ bạn bè độc hại và tự
tin nói rõ nhu cầu của mình. Bạn càng quyết đoán, càng nhiều người sẽ tôn trọng
bạn và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân mình.
5. Học cách nói
"Không"
Những
người có lòng tự trọng thấp thường rơi vào cái bẫy của việc đồng ý với yêu cầu
của mọi người. Họ làm điều này không phải vì họ muốn mà vì họ không muốn đánh mất
tình bạn với người khác. Học cách nói “Không” là một cách tuyệt vời để trở nên
quyết đoán và làm rõ nhu cầu của bản thân với người khác. Theo thời gian, những
người khác sẽ học cách tôn trọng bạn, thời gian của bạn, không gian của bạn,
v.v. bởi vì bạn đã nói rõ ranh giới của mình. Điều này cũng sẽ khiến bạn cảm thấy
tốt hơn về bản thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét