NHỮNG NHÀ TRỊ LIỆU CÓ THẬT SỰ KHÔNG PHÁN XÉT? KHI NIỀM TIN
TÔN GIÁO MÂU THUẪN VỚI NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC TRONG THỰC HÀNH NGHỀ CỦA NHÀ TRỊ LIỆU.
Are Therapists Really
Nonjudgmental? When a therapist's religious and professional ethics are in conflict.
Tác giả: F. DIANE BARTH, L.C.S.W., nhà tâm lý trị liệu tại New York, Hoa Kỳ
Nguồn: Psychology Today – 2/2012
Người dịch: TRẦN NGUYỄN NGỌC TRINH – Chuyên viên Tâm lý Học đường
Một bài báo trên tờ New York Times có lần đã nêu câu hỏi rằng
một nhà trị liệu hay một nhà tham vấn nên làm gì khi chuẩn mực đạo đức và niềm
tin tôn giáo của họ mâu thuẫn với lối sống của thân chủ. Ẩn dưới câu hỏi này là
một câu hỏi khác: Những nhà trị liệu có thật sự là không phán xét
(nonjudgmental)?
Theo lời tác giả Mark Oppenheimer, một cô sinh viên học
chuyên ngành tham vấn tâm lý được phân công làm việc với một thân chủ mà lối sống
của thân chủ này không được chấp nhận trong tôn giáo của cô ấy. Cô ấy đã đề nghị
chuyển thân chủ cho một nhà tham vấn khác thay vì đối diện với nguy cơ phải thừa nhận lối sống của thân chủ. Cô sinh viên là người theo đạo Tin lành. Thân
chủ là người đồng tính.
Nhà trường đồng ý với yêu cầu của cô ấy và phân công một nhà
tham vấn khác cho thân chủ; sau đó tiến hành kỷ luật và đuổi học cô sinh viên
vì hành vi phân biệt đối xử với những người đồng tính. Cô sinh viên sau đó đã
kiện nhà trường vì đã phân biệt đối xử với cô ấy vì niềm tin tôn giáo.
Trường hợp này đã dấy lên một cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa
những nhà trị liệu và nhà tham vấn trên toàn Hoa Kỳ. Mặc dù có rất nhiều vấn đề
được đề cập đến nhưng nổi bật nhất là 2 câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên, khi một nhà
trị liệu hoặc một nhà tham vấn cảm thấy họ không thể làm việc với thân chủ vì
những khác biệt giá trị đạo đức và họ đề nghị chuyển thân chủ cho một chuyên viên khác, thì điều
này liệu có phù hợp với nguyên tắc đạo đức trong thực hành nghề hay không? Và
câu hỏi thứ hai, cơ sở đào tạo có thể ép buộc nhà trị liệu hoặc nhà tham vấn thực
hành nghề với thân chủ có lối sống đi ngược lại với niềm tin tôn giáo của họ?
Tờ NY Times trích lời Daniel Mach, một luật sư của Liên đoàn
Tự do Dân sự Hoa Kỳ, đơn vị đã trình một bản tóm tắt ủng hộ phía nhà trường rằng
“Không ai bị buộc phải thay đổi niềm tin tôn giáo hoặc bị trừng phạt vì đức tin
của mình.” Tuy nhiên, theo bài báo, “chuyển thân chủ cho một nhà tham vấn khác
không phải là một hành động trung lập”. Ông ấy còn chỉ ra rằng có lẽ những nhà
tham vấn ở các trường trung học phổ thông là những người trưởng thành duy nhất
có thể đủ lòng nhân ái với những bạn trẻ đồng tính, song tính hoặc chuyển giới,
và việc quay lưng lại với một người trẻ đang khủng hoảng như vậy “có thể là rất
tàn nhẫn.”
Theo như tờ Times, Jeremy Tedesco, thành viên của Alliance
Defense Fund, một tổ chức vận động pháp lý Công giáo, đã bảo vệ quan điểm của
nhà tham vấn, anh ta nói rằng, “cô ấy chọn không làm việc với những người đồng
tính và cũng sẽ từ chối làm việc với những thân chủ dị tính về vấn đề ngoại
tình” và nhấn mạnh rằng “nhà tham vấn được phép lựa chọn không làm việc với những
vấn đề liên quan đến đạo đức khác, chẳng hạn khi có một ai đó đang bị bệnh nan y và
mong muốn kết thúc cuộc đời mình.”
Người ta cho rằng nhà tham vấn ấy cảm thấy mình có thể thừa nhận những phần khác trong đời sống của thân chủ nhưng lại không thể đồng
tình với chuyện thân chủ có những ham muốn sâu sắc và có ý nghĩa đối với một đối
tượng cùng giới. Mặc dù tôi (tác giả bài viết) hoàn toàn không đồng ý với quan
điểm của cô sinh viên ấy về vấn đề đồng tính, nhưng với tôi việc chuyển thân chủ
cho một nhà trị liệu khác lại tốt hơn nhiều so với lựa chọn của một nhà tham vấn
khác như được trích dẫn trong vụ kiện, là một người “đã bảo rằng cô ấy dự định nói với
những thân chủ đồng tính rằng đồng tính là một sự sai lầm.”
Nhưng Oppenheimer đã đặt một câu hỏi vô cùng quan trọng
khác: “Liệu nhà tham vấn/nhà trị liệu phải “thừa nhận” (affirm) với niềm tin của
thân chủ, hay là hỗ trợ và định hướng cho thân chủ, thậm chí cả những thân chủ
mà nhà tham vấn cảm thấy bất đồng hoặc sai về mặt đạo đức?”
Tôi nghĩ Oppenheimer đã đúng ở điểm này. Mặc dù phần lớn các
nhà tham vấn/trị liệu đều được dạy là không được phán xét và hỗ trợ thân chủ
thay vì đưa ra những quan điểm về mặt đạo đức, nhưng sẽ không thực tế nếu nói rằng
chúng ta phải là người không có thành kiến. Và liệu đó có phải là công việc của
chúng ta? Thừa nhận bất kỳ sự lựa chọn nào mà thân chủ đưa ra?
Nhiều năm trước đây, trong quá trình thực tập, tôi đã chật vật
khi làm việc với một thân chủ nghiện ma tuý và rượu. Khi tôi trình bày khó khăn
của mình với người giám sát, cô ấy đã nói: “Em đang hơi chỉ trích thân chủ của
mình, phải không?” Tôi đã sửng sốt nhưng phải thừa nhận rằng cô ấy nói đúng.
Người giám sát của tôi nói rằng: “Công việc của em là giúp thân chủ hiểu được
những gì mà họ đang làm và vì sao làm như vậy, chứ không phải ngồi đó mà phán
xét họ.” Tôi đã cực kỳ xấu hổ và hỏi rằng liệu tôi có thể làm gì với những cảm
xúc này. Người giám sát của tôi tiếp lời: “Phân tích chúng. Hiểu nguyên nhân vì
sao em phán xét cũng như hãy nhìn vào những khuyết điểm và thất bại của mình.
Điều gì trong em có thể giúp em hiểu được những trải nghiệm của thân chủ?”
Những lời nói đó đã trở thành một phần quan trọng trong những
nguyên tắc hành nghề của tôi. Điều này không có nghĩa là tôi không bao giờ phán
xét, nhưng tôi cố hiểu những thành kiến của mình và nếu tôi không thể vượt qua
những cảm xúc này thì tôi sẽ bày tỏ lo lắng về khó khăn của mình cho thân chủ lựa
chọn liệu có tiếp tục làm việc với tôi hay không. Lần đầu tiên tôi làm điều này,
tôi đã kinh ngạc khi người ngồi đối diện cảm ơn tôi và nói rằng nếu chúng tôi vẫn
tiếp tục làm việc thì anh ấy nghĩ đây sẽ là một quá trình trị liệu có ích. Tôi
đã tiếp tục và anh ấy đã đúng, mặc dù bằng cách nào đó tôi nghĩ rằng mình đã
thay đổi nhiều hơn anh ấy trong những năm chúng tôi làm việc với nhau.
Trong trường hợp mà Oppenheimer đã mô tả, nhà tham vấn dường
như đã không cảm nhận rằng hệ thống niềm tin của cô ấy có thể chứa một những ý
nghĩa nào đó về mặt tâm lý. Với cô ấy, đó chỉ đơn giản là một sự thật. Điều
này, hiển nhiên, là vấn đề phần nhiều thuộc về định kiến. Nó bị đóng chặt, bị
chấp nhận như là thực tế, không sẵn sàng để thử thách hay dấn thân vào lãnh địa
những trải nghiệm của con người.
Trị liệu là một quá trình giữa hai phía (two-person
process). Có nhiều lúc những khó khăn của thân chủ nằm ngoài chuyên môn của nhà
trị liệu, và lúc này việc chuyển thân chủ cho một chuyên gia khác biết nhiều
hơn về những vấn đề của họ là một điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng bất kỳ ai khi trở
thành một nhà tham vấn hoặc một nhà trị liệu đều phải biết rằng quá trình trị
liệu luôn được hình thành bởi hai phía. Khi một phía bị "niêm phong" thì cả
hai phía đều bị ảnh hưởng. Nhà trị liệu chuyển thân chủ đi có thể đã đánh mất
cơ hội để tạo nên một sự kết nối có ý nghĩa không chỉ với người khác mà còn với
phần nội tâm bên trong mình.
Nhà trị liệu, hiển nhiên, là những con người, có những niềm
tin và quan điểm đạo đức riêng. Một quan điểm cũ cho rằng nhà trị liệu cần phải
trung tính (neutral), điều mà Freud gọi là “tấm màn trắng” (blank screen) chỉ
phản chiếu lại những vấn đề của thân chủ chứ không phải nhân cách của nhà trị
liệu, điều ấy là bất khả thi. Ai cũng có nhân cách, và như nhà phân tâm học
Stephen Mitchell cho rằng ngay cả khi nhà trị liệu không nói gì thì thân chủ vẫn
có thể nhìn ra những gợi ý về niềm tin của nhà trị liệu trong sự im lặng. Nhà
phân tâm và cũng là người thầy của tôi, Martin Wagner, từng nói rằng phần lớn
chúng ta vật lộn với những vấn đề trong bối cảnh của những mối quan hệ. Nhà trị
liệu và thân chủ cũng ở trong một mối quan hệ mà từ đó cho họ cơ hội để thử làm
việc với những vấn đề đó. Vậy nên những giá trị của một nhà trị liệu rất quan
trọng đối với quá trình trị liệu.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi những giá trị này mâu thuẫn với
những giá trị của thân chủ? Tôi đã từng làm việc với nhiều người với nhiều niềm
tin tôn giáo khác với niềm tin tôn giáo của tôi và tôi nghĩ rằng họ sẽ nói rằng
tôi đã giúp đỡ họ - có lẽ trong một vài trường hợp – nhờ vào những sự khác biệt
này. Tôi cũng đã nhận thấy bản thân mình được trau dồi trong quá trình cùng họ
khám phá những niềm tin của họ, và kết quả là đôi lúc tôi buộc phải xem lại những
suy nghĩ của mình về những vấn đề này.
Tuy vậy, tôi đã có những thời điểm nhận thấy bản thân mình
đang đối mặt với những thân chủ có những hành vi mà tôi không thể chấp nhận.
Trong một vài trường hợp như là lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ em, hoặc khi một người
là mối nguy với chính họ hoặc với một ai khác, về mặt pháp lý tôi cần phải thực
hiện một số quy trình. Nhưng trong một vài trường hợp hiếm hoi, khi tôi không
thể chịu được hành vi của thân chủ, tôi nhận ra rằng tốt nhất là nên cởi mở về
chuyện đó, thừa nhận đó là vấn đề của mình và chuyển thân chủ cho một đồng nghiệp
mà tôi tin sẽ làm việc với những vấn đề này tốt hơn tôi.
Vì vậy trong khi tôi hoàn toàn phản đối quan điểm của nhà
tham vấn trên về đồng tính thì tôi thật sự nghĩ rằng cô ấy đã làm đúng khi đề
nghị chuyển thân chủ cho một nhà tham vấn khác. Tôi cũng hiểu cho quan điểm đạo
đức (và có lẽ là cả về pháp lý) của nhà trường. Thật không may là điều này có
nghĩa rằng nhà tham vấn này sẽ được đào tạo bởi những người sẽ củng cố những
quan điểm cứng nhắc của cô ấy. Tôi tự hỏi liệu đây có phải là một phần lý do cô
ấy đấu tranh để ở lại ngôi trường đã từ chối cô ấy. Liệu rằng, có lẽ là một
cách vô thức, cô ấy đang tìm kiếm một ai đó để khuyên cô ấy hãy nhìn vào tâm
trí của chính mình và thấu hiểu những phán xét của mình về vấn đề đồng tính? Liệu
cô ấy có đang hy vọng rằng một ai đó sẽ khuyên cô ấy nhìn vào chính bản thân
mình để tìm cách lắng nghe và chấp nhận thân chủ của cô ngay cả khi cô bất đồng
với quan điểm sống của họ? Và liệu rằng ngôi trường như vậy có thể giúp cô ấy
làm bất kỳ điều nào trên đây không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét