Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

CÁC KỸ THUẬT TIỀM NĂNG CỦA LIỆU PHÁP HẬU HIỆN ĐẠI

Powerful Texts: The Potent Techniques of Postmodern Therapy

Nguồn: Psychology Today – 6/5/2020

Tác giả: NOAM SHPANCER Ph.D. – Insight Therapy – Duyệt bởi GARY DREVITCH

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Bạn không nghe nhiều về liệu pháp hậu hiện đại (postmodern therapy)? Có lẽ bạn nên biết.

Chủ nghĩa hậu hiện đại, theo Encyclopedia Britannica, là “một phong trào cuối thế kỷ 20 được đặc trưng bởi xu hướng hoài nghi bao quát, tính chủ quan hoặc tính tương đối”. Tư tưởng hậu hiện đại đã nổi lên phần lớn như một thách thức đối với ý tưởng về “tính khách quan” liên quan đến các giải thích khoa học về thực tại. Nó lập luận rằng chúng ta không chỉ nhận thức về thực tế như nó vốn có mà còn tích cực kiến tạo nó trong tâm trí của chúng ta. Việc kiến tạo đó vốn dĩ sẽ phụ thuộc vào các công cụ trí óc, thói quen và cấu trúc mà chúng ta đã phát triển. Những điều đó, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào những trải nghiệm văn hóa và cá nhân của chúng ta

Chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng kiến ​​thức của con người về thế giới được phát triển trong bối cảnh xã hội, và phần lớn những gì chúng ta coi là sự kiện khách quan (facts) hoặc phạm trù tự nhiên (natural categories) trên thực tế đã được “kiến tạo về mặt xã hội” (socially constructed). Do đó, chủ nghĩa hậu hiện đại tranh chấp với sự tồn tại của bất kỳ “Chân lý” khoa học, triết học, xã hội hoặc tôn giáo nào có thể áp dụng tương tự cho tất cả mọi người. Nói đúng ra, các cá nhân và các nhóm khác nhau có thể sở hữu những “chân lý” của riêng họ.

Đối với những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, tri thức là một “tạo tác có tính xã hội” (social artifact), là sản phẩm của “diễn ngôn” (discourse) - những tương tác bằng văn bản và lời nói giữa những con người nhất định tại một số thời điểm lịch sử nhất định. Theo quan điểm này, ngôn ngữ không chỉ mô tả thế giới của chúng ta mà còn định hình và kiến tạo thế giới.

Thực tế, theo quan điểm này, chỉ đơn thuần là những diễn giải, mà không cái nào trong số đó có thể có bất kỳ tuyên bố cố hữu nào về sự thật hoặc giá trị cao hơn bất kỳ thứ nào khác. Việc một hình thức hiểu biết nhất định có trở nên thống trị và được chấp nhận hay không phần lớn là một chức năng của các quá trình xã hội, chứ không phải do một giá trị ưu việt khách quan nào đó vốn có trong bản thân hình thức đó. Vì vậy, những gì vượt qua đối với “sự thật” trong xã hội phản ánh các giá trị của quyền lực xã hội ấy.

Ví dụ, lý do chúng ta đánh giá cao khoa học là vì diễn ngôn khoa học ngày càng trở thành một hình thức hiểu và thông hiểu chiếm ưu thế trong nền văn hóa của chúng ta, chứ không phải vì khoa học vốn đã vượt trội hơn so với những cách khác để tìm kiếm “sự thật”. Xét cho cùng, các dữ liệu không tự thu thập, quan sát và diễn giải chính chúng. Con người làm những điều này, và những đánh giá và quyết định của con người trong bối cảnh này vốn mang tính chủ quan và thiên về giá trị và thế giới quan của họ.

Kể từ khi xuất hiện trong giới học thuật vào những năm 80 và 90, chủ nghĩa hậu hiện đại đã bị chỉ trích dưới mọi hình thức. Các nhà phê bình cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại giả vờ có vẻ sâu sắc nhưng thực chất chỉ là mập mờ tối nghĩa; họ lập luận rằng, đối với tất cả những sai sót của nó, chủ nghĩa hiện đại - với khái niệm về tính khách quan, những công cụ khoa học và tầm nhìn về sự tiến bộ của nó – đã thực sự hoàn thành công việc, và do đó đã bác bỏ mọi thứ mà họ không muốn: họ lưu ý rằng việc coi mọi thứ chỉ như là những diễn ngôn và mọi cách diễn giải đều có giá trị như nhau thì sẽ tạo nên sự hỗn loạn, “cào bằng” các trải nghiệm sống của chúng ta (Nina Simone hát cũng không hay hơn bạn vừa tắm vừa hát) và xóa bỏ sự khác biệt hữu dụng giữa kiến thức chuyên môn và sự thiếu hiểu biết (bạn muốn ai sửa xe cho mình?). Sau cùng, họ chỉ ra rằng, trong chừng mực mà nó rao giảng chống lại chân lý trừu tượng và giá trị duy nhất, thì chủ nghĩa hậu hiện đại lại rao giảng chống lại tuyên bố ngầm của chính nó đó là nắm bắt chân lý và giữ lấy các giá trị.

Mặc cho những lời chỉ trích như vậy, tư tưởng hậu hiện đại, với sự nhấn mạnh vào ngôn ngữ, đối thoại và tính chủ quan, đã dẫn đến một số phát triển hiệu quả trong lĩnh vực tâm lý trị liệu. Hai trong số những liệu pháp có ảnh hưởng nhất đó là Liệu pháp Chuyện kể (LP Tường thuật – Narrtive Therapy) và Liệu pháp Tập trung vào Giải pháp (Solution-Focused Therapy). Cả hai liệu pháp này đều xem ngôn ngữ là phương tiện mà chúng ta kiến tạo (và có thể giải kiến tạo) bản sắc và ý thức của chúng ta về thế giới xã hội. Cả hai cách tiếp cận đều tránh việc dán nhãn chẩn đoán và tập trung vào những gì đúng thật đang diễn ra và dựa trên trải nghiệm chủ quan độc đáo của thân chủ.

Liệu pháp Chuyện kể, được phát triển bởi Michael White và David Epston lập luận rằng mọi người đều thấy có những ý nghĩa về cuộc sống của họ bằng cách “kể” về những trải nghiệm của họ. Những câu chuyện bao gồm các sự kiện được liên kết theo trình tự xuyên thời gian theo một cốt truyện. Những sự kiện không có cùng ý nghĩa theo bố cục thì được bỏ ra bên ngoài những câu chuyện kể này. Khi xây dựng câu chuyện cuộc đời, chúng ta định hình về bản chất, bản sắc của chúng ta. Khi ấy, chỉ có một phần nhỏ các sự kiện đã trải qua có thể được thêu dệt thành câu chuyện của chúng ta. Vì vậy, chính mỗi cá nhân đã phải quyết định những khía cạnh nào của tình huống sống được đưa vào câu chuyện kể và những ý nghĩa nào có thể được gán cho chúng.

Khi trải qua cuộc sống, chúng ta phát triển những câu chuyện về bản thân bằng cách chọn một số sự kiện nhất định và xâu chuỗi chúng lại với nhau thành “những câu chuyện nổi trội” (dominant narratives). Tuy nhiên, những câu chuyện nổi trội ấy thường không đủ để giải thích sự phức tạp và độc đáo của cuộc sống cá nhân. Chúng có thể giống như những con đường cao tốc (highways) - giúp mọi cuộc hành trình trở nên an toàn và hiệu quả hơn, nhưng cũng nhàm chán và vô vị. Theo thời gian, những câu chuyện nổi trội hay chủ đạo của chúng ta cũng có thể trở nên kém thích nghi khi hoàn cảnh sống thay đổi, hoặc bị phá vỡ và trở nên không mạch lạc bởi một số sự kiện đau buồn xâm phạm đến cấu trúc của câu chuyện cũ ấy.

Liệu pháp chuyện kể dường như tạo ra những câu chuyện mới cho cá nhân chúng ta thể hiện sự tự do và quyền tự quyết bằng cách xem xét “những hệ quả độc đáo” (unique outcomes), những khía cạnh trải nghiệm của chúng ta vốn ban đầu nằm ngoài câu chuyện nổi trội kia. Mục đích là để “giải kiến tạo” (deconstruct) hay “tách rời từng phần” (take apart) câu chuyện nổi trội, khảo sát những câu chuyện kể thay thế khác (alternative narratives), và cuối cùng là xây dựng những câu chuyện cá nhân (personal narratives) phong phú hơn thay vì là đơn điệu về nội dung.

Một kỹ thuật được sử dụng trong quá trình này được gọi là Ngoại hiện vấn đề (Externalizing problems). Điều này có nghĩa là thay vì dán nhãn bản thân là “người có vấn đề” (Vd. “Tôi là một người giận dữ”), bạn tự định nghĩa mình là “người đang giải quyết vấn đề” (tôi là người đang nỗ lực đối phó với vấn đề là cơn giận”). Với việc ngoại hiện, vấn đề được xem là điều được kiến tạo về mặt xã hội, không đặt bên trong các cá nhân mà là ở bên ngoài họ, tồn tại phần lớn như một sản phẩm của kinh nghiệm văn hóa, lịch sử và cá nhân của họ. Vấn đề không phải ở chỗ bạn là ai, mà là bạn đang phải đối mặt với vấn đề gì.

Liệu pháp tập trung vào giải pháp, được phát triển bởi các nhà trị liệu tâm lý Steve De Shazer và Insoo Kim Berg của Milwaukee vào cuối thập niên 1970, tập trung vào việc tìm ra cách nào phù hợp với các loại người khác nhau, thay vì tập trung vào cách nào phù hợp với các loại vấn đề khác nhau. Một trong những hiểu biết khởi nguyên của các nhà trị liệu này là "giải pháp cho một vấn đề được tìm thấy trong “các ngoại lệ” (exceptions), hoặc vào những thời điểm khi một người được tự do với vấn đề của họ hoặc đang thực hiện các bước để quản lý vấn đề". Do đó, cách tiếp cận này tìm cách khám phá những điểm mạnh và các nguồn lực ứng phó, giúp thân chủ làm được nhiều việc hơn. Nó đưa ra những câu hỏi như: "Làm thế nào bạn giữ cho mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn?" và xem xét các biến thể trong các triệu chứng trước khi trị liệu (pre-treatment variations in symptoms) để tìm ra manh mối về cách thức đối phó hiệu quả.

Nhà trị liệu hỏi về “Tương lai được ưa thích” (Preferred Future) của thân chủ - mục tiêu và kế hoạch của họ, khám phá cụ thể khi nào, ở đâu, với ai và làm thế nào mà các phần của tương lai ưa thích đó hiện nay đã diễn ra. Một câu hỏi thường hữu ích trong việc làm rõ mục tiêu đó là “Câu hỏi về Phép màu” (Miracle Question): "Nếu có một phép màu xảy ra vào đêm nay và vấn đề nhờ đó được giải quyết, thì điều đầu tiên sáng hôm sau bạn nhận thấy là gì để cho bạn biết rằng phép màu đó đã xảy ra?"

Dựa trên thông tin này về những ưu điểm, nguồn lực, chiến lược đối phó và mục tiêu hiện có của thân chủ, nhà trị liệu và thân chủ xem xét để đưa ra các bước tích cực cụ thể, có thể đo lường được để đưa ra các giải pháp. “Câu hỏi tính điểm” (Scaling Questions) thường được sử dụng cho mục đích đó: “Trên thang điểm từ 1-10, với điểm 10 là hoàn toàn không có vấn đề, hôm nay bạn ở đâu? (Mấy điểm?) Điều gì cần xảy ra để chuyển từ điểm số 3 lên điểm số 4 trong tuần tới? ”

Thay vì tập trung vào bệnh lý hoặc đưa ra các dán nhãn chẩn đoán, các nhà trị liệu thay vào đó sẽ tìm kiếm những gì thân chủ đang làm hiệu quả và khuyến khích họ tiếp tục theo hướng đó. Một số kỹ thuật hữu ích trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Ví dụ: “Thể thức trong phiên đầu tiên” (The Formula First Session Task) đặt câu hỏi cho thân chủ: "Từ bây giờ đến khi chúng ta gặp nhau lần sau, tôi muốn bạn quan sát những gì xảy ra mà bạn muốn tiếp tục xảy ra". “Câu hỏi Ngoại lệ” (Exception Questions) thì hỏi như sau: "Khi nào bạn không gặp vấn đề?" và "Khi đó bạn làm gì khác?"

Bạn không cần phải tham gia liệu pháp để sử dụng các câu hỏi và kỹ thuật được mô tả ở trên. Đây là những công cụ hữu ích cho bất kỳ ai muốn bảo vệ và cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. Nhìn vào câu chuyện bạn đang kể về chính mình. Bạn có thể sửa đổi nó thành một bài viết phong phú hơn, chính xác hơn, mạch lạc hơn và khẳng định được cuộc sống hay không? Hãy xem xét những khoảng thời gian trong ngày hoặc trong tuần khi bạn phải rút lui với những phiền muộn, hoặc khi thình lình hoặc trong giây lát bạn cảm thấy tốt lên – Liệu bạn có thể học được điều gì đó từ những khoảnh khắc ấy về điều gì có tác động tốt cho mình hay không? Rồi thì bạn có thể làm nhiều hơn thế chứ?

Đi tới thôi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...