Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

CHU KỲ BẠO LỰC

Nguồn:

Walker, L.E. (2016).  The battered woman syndrome (4th edition).  New York: Harper & Row.

Cycle of violence - Truy xuất từ: https://www.shelterforhelpinemergency.org/get-help/cycle-violence?fbclid=IwAR27ROGiKwwVH7YcWn1yCD_Xp80Th5gotp_x69pAaO8kxlrs_wyMvYZPA-s

CV Tâm lý ĐẶNG THỊ THANH TÂM Dịch và tổng hợp



Nhiều người trong chúng ta thường tự hỏi: Tại sao bà A chị B sống trong cảnh bạo hành như vậy mà người ta vẫn chịu đựng? Tại sao bị đánh đập tàn bạo rồi khi được xin tha thứ thì lại mềm lòng? Tại sao lại không ly hôn đi?

Trên thực tế, bạo lực phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều và không phải đơn giản để có thể giải quyết được nó. Năm 1979, tác giả Lenore Walker đã xuất bản cuốn sách “The Battered Woman”, trong đó giới thiệu về Lý thuyết Bạo lực theo Chu kỳ (Cycle Theory of Violence).

Đây là lý thuyết về sự thuyên giảm căng thẳng (tension reduction theory), nó góp phần giải thích sự phức tạp và sự tồn tại đồng thời (co-esistence) của hành vi lạm dụng và hành vi yêu thương. Lý thuyết này đề cập đến ba giai đoạn riêng biệt liên quan đến sự tuần hoàn của chu kỳ bạo lực:

(a) Hình thành căng thẳng đi kèm với sự gia tăng nguy hiểm,

(b) Sự cố bạo hành nghiêm trọng và

(c) Kỳ trăng mật (honeymoon).

Nó giúp những người chưa từng bị bạo lực gia đình hiểu rằng việc phá vỡ chu kỳ bạo lực phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ “thoát ra” hoặc bỏ đi. Chu kỳ bạo lực thường bắt đầu sau giai đoạn tán tỉnh thường được mô tả là có rất nhiều sự quan tâm từ kẻ bạo hành trong cuộc sống của người phụ nữ và thường chứa đầy hành vi yêu thương. Một số phụ nữ mô tả rằng, sau một thời gian, hành vi của kẻ bạo hành sẽ chuyển thành rình rập và theo dõi. Nhưng vào thời điểm điều này xảy ra, người phụ nữ đã cam kết với người đàn ông và không còn sức lực cũng như mong muốn thường trực để cắt đứt mối quan hệ. Hơn nữa, nhiều phụ nữ cho biết họ tự nhủ rằng khi đã kết hôn, đàn ông sẽ cảm thấy an tâm hơn trong tình yêu của mình và không có nhu cầu tiếp tục thực hiện hành vi theo dõi. Thật không may, điều này hiếm khi xảy ra mà thay vào đó, hai giai đoạn đầu tiên của chu kỳ bạo lực bắt đầu với giai đoạn thứ ba của hành vi yêu thương trong mối quan hệ tương tự như những giai đoạn tốt đẹp của giai đoạn tán tỉnh.



Giai đoạn 1: Hình thành căng thẳng đi kèm với sự gia tăng nguy hiểm

Trong giai đoạn đầu, có một sự từ từ leo thang mức độ căng thẳng biểu hiện qua một số hành vi đơn lẻ như chửi rủa, đối xử thô lỗ có chủ ý hoặc bạo lực thể chất. Kẻ bạo hành thể hiện sự bất mãn và thù địch nhưng không hẳn thể hiện sự bùng nổ đến mức cực đoan. Người phụ nữ cố gắng xoa dịu kẻ đã đánh đập mình, làm những gì cô ấy nghĩ có thể làm hài lòng anh ta, khiến anh ta bình tĩnh lại, hoặc ít nhất, điều gì sẽ không kích động anh ta. Cô cố gắng không đáp lại những hành động thù địch của anh ta và sử dụng những phương thức nói chung giúp làm giảm sự tức giận. Thường thì cô ấy thành công trong một thời gian ngắn, điều này củng cố niềm tin phi thực tế của cô ấy rằng cô ấy có thể kiểm soát người đàn ông kia. Nó cũng trở thành một phần của mô hình đáp ứng/kết quả không thể đoán trước được, tạo ra một kiểu “bất lực do được tập nhiễm” (learned helplessness).

Căng thẳng tiếp tục leo thang, người bị bạo hành trở nên lo sợ hơn về mối nguy hiểm sắp diễn ra và cuối cùng họ không thể tiếp tục kiểm soát mô hình phản ứng khi tức giận của kẻ bạo hành. “Quá mệt mỏi vì căng thẳng thường xuyên, nạn nhân thường rút lui khỏi kẻ bạo hành, sợ rằng mình sẽ vô tình kích hoạt một cơn cuồng nộ. Kẻ bạo hành bắt đầu có xu hướng áp bức hơn về phía nạn nhân khi anh ta quan sát thấy nạn nhân có động thái rút lui… Căng thẳng giữa hai người trở nên không thể chịu đựng được”. (Walker, 1979, trang 59).

Giai đoạn 2: Sự cố bạo hành nghiêm trọng

Giai đoạn thứ hai, sự cố bạo hành nghiêm trọng, đây là điều không thể tránh khỏi nếu không có sự can thiệp. Đôi khi, nạn nhân đoán được thời gian và địa điểm các cơn cuồng nộ có thể xảy ra để chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa tốt hơn nhằm giảm thiểu chấn thương và đau đớn cho mình. Theo thời gian, nạn nhân có thể học cách dự đoán thời điểm trong chu kỳ mà có một khoảng thời gian chắc chắn - sau khi đạt đến thời điểm đó, nạn nhân sẽ không có lối thoát trừ khi kẻ bạo hành cho phép. “Giai đoạn 2 được đặc trưng bởi sự bùng nổ không thể kiểm soát của những căng thẳng đã tích tụ trong giai đoạn 1” (Walker, 1979, tr.59). Kẻ bạo hành thường tung ra một cuộc tấn công bằng lời nói và thể chất có thể khiến nạn nhân bị chấn động và bị tổn thương nặng. Nạn nhân cố gắng hết sức để tự bảo vệ mình, thường che các bộ phận trên khuôn mặt và cơ thể để đỡ một số cú đánh. Trên thực tế, các chấn thương thường xảy ra ở giai đoạn thứ 2 này. Đó cũng là lúc cảnh sát phải vào cuộc, nếu họ được gọi đến. Giai đoạn sự cố bạo hành nghiêm trọng được kết thúc khi người bạo hành dừng lại, kéo theo đó là sự giảm căng thẳng về mặt sinh lý. Điều này tự nó có tính củng cố (reinforcing) một cách tự nhiên: Bạo lực thường thành công bởi vì nó có thể diễn ra.

Giai đoạn 3: Giai đoạn trăng mật

Trong giai đoạn 3, kẻ bạo hành có thể xin lỗi rối rít, cố gắng giúp đỡ nạn nhân, thể hiện sự tử tế và hối hận, làm cho nạn nhân bị đắm chìm trong những món quà hoặc lời hứa. Vào thời điểm này, bản thân kẻ bạo hành có thể tin rằng anh ta sẽ không bao giờ cho phép mình sử dụng bạo lực nữa. Nạn nhân muốn tin vào kẻ bạo hành và ít nhất trong thời gian đầu của mối quan hệ, có thể nuôi dưỡng hy vọng của mình vào khả năng thay đổi của hắn ta. Giai đoạn thứ ba này cung cấp sự củng cố tích cực cho nạn nhân để duy trì mối quan hệ. Nhiều hành vi mà kẻ bạo hành đã làm khi hai người yêu nhau trong thời gian tán tỉnh (courtship period) lại tái diễn ở đây. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng giai đoạn 3 cũng có thể được đặc trưng bởi sự vắng mặt của căng thẳng hoặc bạo lực, không có hành vi yêu thương quan sát được nhưng vẫn mang tính củng cố cho nạn nhân. Đôi khi nhận thức về sự căng thẳng và nguy hiểm vẫn được duy trì ở mức rất cao và không trở lại mức cơ bản hoặc mức độ yêu thương. Đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ xảy ra sự cố chết người là rất cao.

Trong một khoảng thời gian có thể có những thay đổi đối với chu kỳ. Giai đoạn trăng mật có thể trở nên ngắn hơn, căng thẳng và bạo lực có thể tăng lên. Một số nạn nhân cho biết họ không bao giờ cảm thấy sự hối lỗi hoặc yêu thương của kẻ bạo hành, mà chỉ đơn giản là thấy sự giảm bớt căng thẳng trước khi bắt đầu một chu kỳ mới.

Khi chu kỳ bắt đầu, nạn nhân bắt đầu ra vào mối quan hệ. Thường mất nhiều nỗ lực khi đưa ra quyết định cuối cùng để tìm đến những điều tốt đẹp. Cảm giác tội lỗi, bất an và quan tâm đến lợi ích của các con đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của nạn nhân.


2 nhận xét:

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...