Tác giả: BARBARA OKUN
Nguồn: Effective Helping
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Tài liệu Huấn luyện của CLB
Trăng Non
Xem lại Phần 1
Phần
2
CÁC
CHIẾN LƯỢC VỀ CẢM XÚC
Cơ sở lý thuyết cho các chiến lược hỗ trợ về
cảm xúc được rút ra từ hai trường phái tâm lý trị liệu là trường phái thân chủ
trọng tâm của Carl Rogers và trường phái Gestalt. Các chiến lược can thiệp cảm
xúc có trọng tâm nhấn mạnh vào sự tự nhận biết về bản thân (self-awareness) và
sự trải nghiệm các cảm xúc.
Kỹ
thuật
Liệu pháp thân chủ trọng tâm đóng góp vào những
kỹ năng giao tiếp dựa trên sự “lắng nghe có đáp ứng” (responsive listening).
Nhà trị liệu, bằng cách giao tiếp một cách thấu cảm, chân thành, hài hòa, trung
thực và chấp nhận thân chủ, sẽ tạo nên một môi trường có tính an toàn, không đe
dọa, trong đó thân chủ có thể khám phá những cảm xúc, ý nghĩ và hành vi của
chính họ, và từ đó có thể hiểu biết được bản thân và thế giới xung quanh. Môi
trường có tính hỗ trợ này sẽ giúp cho thân chủ phát triển nên một ý niệm có
tính tích cực về bản ngã của họ. Để kỹ thuật này thực hiện hiệu quả, thân chủ hẳn
phải nhận được những cảm xúc và thái độ tích cực từ nhà trị liệu như đã nêu
trên. Kỹ thuật “lắng nghe có đáp ứng” có thể đủ để trở thành một chiến lược duy
nhất cần thiết trong việc thiết lập một mối quan hệ hỗ trợ.
Các chiến lược can thiệp của liệu pháp
Gestalt, trái lại, chú trọng đến việc giúp thân chủ tự nhận biết về bản thân.
Những nhà trị liệu không thuộc trường phái Gestalt vẫn thường sử dụng những kỹ
thuật Gestalt để giúp thân chủ nhận được sự tự hiểu biết bản thân. Mục đích của
chiến lược Gestalt là nhằm hợp nhất sự chú tâm và nhận biết của thân chủ, sao
cho thân chủ có thể nhận trách nhiệm về những hành vi hiện tại của họ. Một số
quy luật trong khi vận dụng các chiến lược Gestalt:
Sử dụng cụm từ “ở đây và ngay lúc này” (here
and now) để tập trung vào hoàn cảnh hiện tại và những người đang có mặt tại chỗ;
Sử dụng ngôn ngữ trực tiếp, ví dụ: dùng đại từ
“Tôi” thay vì “Nó”, “Chuyện ấy”… và sử dụng cách nói “Tôi sẽ không…” thay vì
“Tôi không thể…”
Không nói về một “ngôi thứ ba”: thân chủ
không nên nói về một người vắng mặt, thay vào đó có thể nói chuyện trực tiếp với
người vắng mặt bằng cách sắm vai;
Khẳng định rằng thân chủ là người làm chủ các
cảm xúc, tư duy và hành động của họ, bằng cách sử dụng những từ ngữ như “tôi”,
“của tôi”, “tôi chịu trách nhiệm về việc”…
Hướng dẫn thân chủ thực hiện các hành động
thay vì chỉ suy nghĩ và tưởng tượng.
Các trò chơi như “Đối thoại” (Dialogue), “Tôi
nhận trách nhiệm” và “Đảo vai” (Reversals) sẽ khuyến khích tác phong nói chuyện
định hướng vào hiện tại và định hướng vào trách nhiệm. Trong những trò chơi
này, thân chủ sẽ cư xử với một người vắng mặt bằng cách sắm vai, đảm nhận cả
hai vai trong một cuộc đối thoại, đóng tất cả các vai trò, có khi bao gồm cả
các vật vô tri vào trong các giấc mơ, vv…
Kỹ thuật nói chuyện trong chiến lược Gestalt
có mục đích giữ cho thường xuyên tiếp xúc với những sự kiện đang diễn biến. Và
kỹ thuật nói chuyện này có những quy luật sau:
Giữ cho sự giao tiếp giữa thân chủ và nhà trị
liệu luôn ở trong hiện tại bằng cách dùng những câu ở thì hiện tại và nhấn mạnh
vào những sự việc đang diễn ra. Sử dụng những câu hỏi như “Bạn đang cảm thấy
như thế nào?” và “Bạn có nhận thấy rằng…?”
Sử dụng các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và
ngôi thứ hai (I-though) và giao tiếp trực tiếp với người đang đối thoại.
Sử dụng đại từ nhân xưng “Tôi” chứ không nói
về “Điều đó”, “Ngừơi ấy”, để giúp cho thân chủ có trách nhiệm hơn về hành vi của
chính mình: Thay vì nói “Tiếng ồn trong ký túc xá khiến tôi không thể làm bài tập
được” thì nên nói “Tôi đã không thể làm bài được”…
Theo đuổi những câu hỏi “Cái gì?” và “Như thế
nào?” chứ không hỏi “Tại sao?”. Ví dụ có thể hỏi “Hiện bạn nhận thấy được điều
gì?” hoặc “Bạn cảm thấy như thế nào?” chứ không hỏi “Tại sao bạn lại cảm thấy…?”.
Việc này sẽ giúp đưa thân chủ ra khỏi những lý giải, biện hộ dài dòng, bất tận.
Không nói phiếm, không nói về người vắng mặt.
Qui luật này khuyến khích sự giải bày cảm xúc và giúp thân chủ đối diện trực tiếp
với những con người. Nếu người mà thân chủ muốn nói đến đang không có mặt, thì
thân chủ sẽ được khuyến khích nói chuyện trực tiếp với người này bằng cách sử dụng
một “chỗ ngồi trống” hoặc sử dụng một đồ vật khác để thay thế.
Chuyển các câu hỏi sang câu xác định, khuyến
khích thân chủ đảm nhận trách nhiệm và đương đầu trực tiếp với các vấn đề.
Những quy luật nêu trên được dựa trên cơ sở
những hướng dẫn sau đây (Levitsky & Perls, 1970):
Hãy sống trong hiện tại; quan tâm đến hiện tại
thay vì quá khứ hoặc tương lai. Chúng ta đã dành quá nhiều thời gian để nói về
quá khứ và tương lai. Thói quen này làm chúng ta xao lãng và giảm khả năng nhận
biết hiện tại.
Hãy sống tại đây, và hãy giải quyết những gì
đang hiện diện thay vì đương đầu với những sự việc không có tại đây. Một trong
những chiến lược né tránh mà chúng ta thường sử dụng là nhắm vào những điều
không xảy ra thay vì là nhắm vào những gì đang có, nhắm vào người vắng mặt hơn
là vào những người đang hiện diện.
Hãy ngưng sự tưởng tượng và hãy trải nghiệm sự
thật. Sự tưởng tượng đưa chúng ta rời xa những điều đang có trong thực tế, làm
tắc nghẽn các trải nghiệm và sự nhận biết của chúng ta. Chúng ta đôi lúc đã mất
đi khả năng nhìn thấy những gì là thật đối với chúng ta.
Hãy ngưng những suy nghĩ không cần thiết; hãy
nếm, hãy nhìn, hãy cảm… Lần cuối cùng bạn ăm cam là lúc nào? Khi ấy bạn chỉ ăn,
cảm nhận, nếm và ngửi quả cam chứ không có một ý nghĩ nào về khái niệm quả cam
cả? Chúng ta lâu nay cho phép sự suy nghĩ làm tắc nghẽn các giác quan của chúng
ta, và chúng ta cần có thời gian để trở lại tiếp xúc với các giác quan ấy.
Hãy thể hiện thay vì lý giải, giải thích, phê
phán… Hãy học cách thể hiện bản thân mình một cách trực tiếp, để yêu cầu những
gì bạn muốn, để chấp nhận bản thân và chấp nhận người khác vì những gì vốn dĩ họ
như thế, chứ không vì những ngôn từ khéo léo của họ.
Hãy trải rộng sự nhận biết của bạn bằng cách trải
nghiệm những nỗi khổ đau lẫn những niềm vui thú. Sự nhận biết thực sự phải bao
gồm cả những trải nghiệm tiêu cực lẫn tích cực, và nếu chúng ta sử dụng năng lượng
của chúng ta để ngăn chận lại những trải nghiệm không vui thì chúng ta cũng sẽ
phần nào mất đi khả năng cảm nhận được hạnh phúc.
Đừng chấp nhận những điều khuyên răn, những
cái “nên” và “không nên”. Thay vì thế hãy làm theo những quyết định của chính bạn
và không cần phải theo đuổi những thần tượng. Chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm
về những luật lệ, tập tục và những hành vi của chính mình.
Nhận trách nhiệm hoàn toàn về những hành động,
cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Đây là bản chất của sự trưởng thành theo tư duy kiểu
Gestalt. Hãy ngưng đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh và hãy tự quyết định, tự
lựa chọn dù trong bất kỳ hoàn cảnh như thế nào.
Hãy chấp nhận là người bạn vốn dĩ đã như thế.
Hãy chấp nhận chính bản thân mình, chấp nhận con người mà ban đang là thay vì
con người mà bạn hoặc người khác nghĩ bạn “nên” là.
Những trò chơi đối thoại (dialogue games) là
những kỹ thuật có tính đặc trưng của liệu pháp Gestalt. Nó có thể được thực hiện
bởi một trong hai cách: (1) đối thoại giữa hai “mặt” đối lập của cùng một thân
chủ; (2) đối thoại giữa thân chủ với một người mà thân chủ vẫn đang trải qua xung
đột.
Các kỹ thuật Gestalt khác bao gồm việc sử dụng
sự nhận biết về hình ảnh và giác quan (imagery and sensory awareness), tập
trung vào mối tương quan giữa hành vi bằng lời và không lời (vd, “Bạn nói bạn
đang giận, sao bạn lại mỉm cười?”), thể hiện những huyễn tưởng ra ngoài bằng
hành động (sắm vai để thể hiện những huyễn tưởng, kể cả những thành phần là
sinh vật lẫn vật thể vô tri), lập lại và cường điệu hóa những hành vi bằng lời
và không lời (“Bạn có thể dừng lại ở những cảm xúc đó được không?”, “Hãy đung
đưa chân bạn mạnh hơn nào, và lập lại những gì bạn vừa nói, lớn lên, lớn
lên!”); sắm những “vai trò được phóng chiếu” (projected roles) bằng cách làm
cho người khác những gì mà người này làm đối với chính bạn, và hoàn tất những
công việc chưa hoàn tất thông qua việc sắm vai tích cực. Những nhà trị liệu
theo trường phái Gestalt cũng yêu cầu thân chủ diễn xuất các giấc mơ theo cùng
cách thức mà họ diễn xuất các huyễn tưởng. Bất cứ một thành phần hoặc một “mảnh”
của giấc mơ hoặc huyễn tưởng đều được xem là một khía cạnh trong con người của
thân chủ, một hình ảnh ẩn dụ (metaphor) để hiểu những gì đang xảy ra tại đây và
ngay lúc này.
Trường phái Gestalt thường sử dụng những câu
hỏi quan trọng như:
“Bạn
đang trải nghiệm điều gì vào lúc này?”
“Bạn
đang ở đâu đây?”
“Bạn
đang muốn làm gì?”
“Bạn
đang làm gì lúc này?”
“Bạn
đang tránh né điều gì?”
Thân chủ được khuyến khích sử dụng những
thông điệp có đại từ “tôi” để hoàn tất những câu nói như “Tôi biết rằng…”, “Hiện
giờ, tôi cảm thấy rằng…” và “Tôi cho rằng…”. Nhà trị liệu Gestalt sử dụng những
câu nói hướng dẫn như “Hãy nói Tôi thay vì là Nó, điều đó”, “Hãy cảm nhận những
điểm mạnh của bạn”, “Hãy cụ thể hơn nào”, “Nói lại điều ấy lần nữa xem nào… nói
mạnh lên…”, “Hãy nói với con người mạnh mẽ bên trong bạn rằng nó nên làm những
gì”, “Hãy hành động một cách ngốc nghếch xem nào”, “Hãy hành động như thể bạn bất
cần đi nào”… Nhà trị liệu Gestalt thường chia sẻ những trải nghiệm mà mình có
được về những gì thân chủ đang làm vào thời điểm hiện tại, ví dụ “Tôi nhận thấy
bạn đong đưa chân khi bạn nói về điều ấy” hoặc “Linh cảm báo cho tôi biết rằng
bạn đang sợ, như thể bạn đang muốn bỏ chạy và trốn đi”.
Mục đích của những chiến lược can thiệp về mặt
cảm xúc là phát triển khả năng nhận biết các cảm xúc và nhận biết bản thân của
thân chủ, bằng cách áp dụng những kỹ thuật như “lắng nghe có đáp ứng” và các thực
nghiệm theo kiểu Gestalt với trọng tâm nhấn mạnh vào những gì đang diễn ra tại
đây và ngay lúc này.
“Lắng nghe có đáp ứng” (responsive listening)
được định nghĩa là sự chú tâm (lắng nghe, quan sát và hiểu) những thông điệp có
lời và không lời, cùng những ý nghĩ, cảm xúc của thân chủ, dù ở dạng bộc lộ hay
còn ẩn kín. Đây là một loại kỹ năng mà nói đến thì dễ hơn thực hiện rất nhiều,
và được xem là kỹ năng cơ bản mà nhà trị liệu cần có để đáp ứng với thân chủ.
Nó đòi hỏi nhà trị liệu cần phải phát triển một sự nhận biết rõ về bản ngã của
mình như một công cụ để giao tiếp cũng như phải rèn luyện những kỹ năng lắng
nghe và nhận hiểu người khác.
“Lắng nghe có đáp ứng” ngụ ý rằng nhà trị liệu
có khả năng thông tin cho thân chủ biết về sự thấu cảm, chấp nhận và quan tâm của
mình đối với thân chủ. Cùng lúc ấy, nhà trị liệu dùng cách làm rõ nghĩa câu nói
của thân chủ (clarification) để có thể giúp thân chủ nâng cao khả năng hiểu biết
vấn đề của họ. Vì thế, nhà trị liệu phải có khả năng thông tin cho thân chủ biết
ông ta đã xác định và hiểu được những mối bận tâm suy nghĩ và những cảm xúc
trong lòng thân chủ, cũng như thông tin cho thân chủ về những quan tâm chăm sóc
của nhà trị liệu. Điều thiết yếu là nhà trị liệu phải hài hòa trong cung cách
giao tiếp bằng lời lẫn không lời, nếu không thân chủ sẽ có thể trở nên nhầm lẫn
khi tiếp nhận những thông điệp nước đôi, nhập nhằng từ nhà trị liệu.
Việc dùng những câu như “Đừng lo!” hoặc “Bạn
nên…” không có lợi ích gì. Các kiểu đáp ứng này không hề giúp gì cho thân chủ
trong việc nâng cao khả năng hiểu biết được bản thân họ.
Khi
nào áp dụng các chiến lược can thiệp về cảm xúc
Các chiến lược áp dụng kỹ thuật lắng nghe có
đáp ứng và phát triển một mối quan hệ có tính chân thành và thấu cảm thì rất
phù hợp với những cá nhân không có khả năng giải bày cảm xúc của mình và không
thể có được những mối quan hệ cá nhân thân thiết, có ý nghĩa với người thân
trong gia đình và bạn bè. Kỹ thuật lắng nghe có đáp ứng có thể đủ để trở thành
một chiến lược can thiệp duy nhất trong mối quan hệ hỗ trợ mà mục đích của nó
là nhằm phát triển một ý niệm về bản ngã (self-concept) nơi thân chủ. Khi một
thân chủ thường gặp khó khăn trong việc thiết lập những mối quan hệ liên cá
nhân, lại có thể phát triển được một mối quan hệ chân thành, thân mật và có ý
nghĩa với nhà trị liệu, thì khi ấy những trải nghiệm mà thân chủ có được từ nhà
trị liệu sẽ có tính bền vững, không thể đảo ngược được. Một khi thân chủ đã thiết
lập được một mối quan hệ theo kiểu này với một ai đó, thì sau đó, họ sẽ có khả
năng nhận được những mối quan hệ thân tình với những người khác. Lắng nghe có
đáp ứng cũng là một phương thức áp dụng phù hợp trong việc thiết lập những mối
quan hệ ngắn hạn và không chính thức, khi mà một người cảm thấy có ai đó biết lắng
nghe và hiểu được những mối bận tâm của bản thân mình thì điều đó tự nó đã hữu
ích rồi.
Các kỹ thuật Gestalt đặc biệt hiệu quả ở những
người thiếu khả năng nhận biết được về hành vi của họ, những người từ chối nhận
lãnh trách nhiệm đối với bản thân và cuộc sống của họ, những người có sự tương
tác một cách cứng nhắc, kiểu cách với môi trường sống, những người bị chìm đắm
vào những việc chưa được hoàn tất trong quá khứ hoặc cứ suy đi nghĩ lại về
tương lai, và những người mà bản thân dường như bị chia cắt làm đôi bởi vì họ
đã từ chối hoặc loại bỏ đi một phần nào đó trong bản thân của họ. Các kỹ thuật
Gestalt cũng đặc biệt hiệu quả đối với trẻ em, những con người thường hay tiếp
xúc với thế giới huyễn tưởng và tưởng tượng nhiều hơn so với người lớn. Những kỹ
thuật Gestalt nói chung không hiệu quả nhiều đối với những ai không muốn phát
triển sự nhận biết cảm xúc của họ, những người đang cần tìm kiếm thông tin để
thực hiện những quyết định về mặt nhận thức, những người đang trải qua một cơn
khủng hoảng bất ngờ, và những người không có khả năng tưởng tượng hoặc huyễn tưởng
hóa một cách đầy đủ để có thể tham gia vào các trò chơi và thực nghiệm theo kiểu
Gestalt.
Xem tiếp Phần
3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét