Tác giả: BARBARA OKUN
Nguồn: Effective Helping
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Tài liệu Huấn luyện của CLB Trăng Non
Xem lại Phần 1 - Phần 2
Phần
3
CÁC
CHIẾN LƯỢC CAN THIỆP CẢM XÚC - NHẬN THỨC (AFFECTIVE-COGNITIVE STRATEGIES)
Cơ sở của các chiến lược can thiệp cảm xúc-nhận
thức là học thuyết tâm động học (psychodynamic theory). Mục đích chủ yếu của
chiến lược này là nhằm mang các tư liệu ở tầng vô thức đưa ra khu vực ý thức,
nhằm làm tăng cường sức mạnh của cái Tôi nơi thân chủ, khiến cho hành vi của
thân chủ sẽ phải dựa trên những suy nghĩ có ý thức thay vì bị điều khiển bởi những
bản năng trong vô thức. Nhân cách của thân chủ được tái cấu trúc bằng cách nhận
được khả năng “nội thị” (insight): bao gồm sự nhận biết về mặt cảm xúc và sự thấu
hiểu về mặt nhận thức. Mục tiêu của chiến lược là nhằm loại bỏ những tác động
gây hại từ những mối lo âu bên trong nội tâm, mà những nỗi lo này vừa là nguyên
nhân vừa là kết quả của cơ chế dồn nén, sao cho thân chủ có thể sống một cách đầy
đủ hơn trong hiện tại với khả năng tự hiểu biết bản thân và một sự bình an nội
tâm. Điều này cho phép thân chủ có được những mối quan hệ có tính xây dựng hơn
và khả năng sống tốt hơn.
Kỹ
thuật
Các kỹ thuật chính yếu của liệu pháp tâm động
học là liên tưởng tự do (free association), phân tích giấc mộng (dream anlysis)
và diễn giải (interpretation). Đây là những kỹ thuật dùng đến lời nói (verbal
techniques) nhằm cho phép thân chủ đẩy nhanh tốc độ phát triển nên một mối quan
hệ chuyển di với nhà trị liệu, và sau cùng là giúp khơi thông các xung đột
trong vô thức. Mục đích của liên tưởng tự do và phân tích giấc mộng là để giúp
thân chủ dần dần hiểu được ý nghĩa của những tư liệu đang ở sâu trong tầng vô
thức. Trọng tâm nhấn mạnh vào những trải nghiệm của thời thơ ấu; giúp thân chủ
hiểu được mối liên hệ giữa những sự việc trong quá khứ với chức năng tâm trí hiện
tại của họ.
Trong hiện tượng chuyển di (transference - còn có cách dịch là "chuyển cảm"),
thân chủ sẽ chuyển những cảm xúc, thái độ và xung đột được trải nghiệm trong
quá khứ sang các tình huống và các mối quan hệ hiện tại. Bằng cách nhận ra hiện
tượng này, thân chủ có thể nhận biết được những ảnh hưởng của nó trong tiến
trình trị liệu. Watkins đưa ra năm khuôn mẫu chuyển di chính thường gặp trong
quan hệ trị liệu, trong đó nhà trị liệu có thể được thân chủ nhìn nhận và cư xử
theo như một trong số các hình tượng như sau: (1) một mẫu người lý tưởng
(ideal); (2) một nhà tiên tri (seer); (3) một người bảo dưỡng (nurturer); (4) một
người gây hụt hẫng (frustrator); và (5) một đối tượng phi thực thể
(non-entity). Sự nhận thức theo mỗi mẫu người vừa nêu sẽ có ảnh hưởng lên trên
thái độ và hành vi của thân chủ, đồng thời cũng ảnh hưởng lên trên những trải
nghiệm của nhà trị liệu trong mối quan hệ. Chẳng hạn, nếu thân chủ xem nhà trị
liệu như một nhà tiên tri, thân chủ sẽ trông đợi có được những lời khuyên và giải
pháp của một chuyên gia; còn nhà trị liệu khi ấy sẽ có thể cảm nhận bản thân
mình hoặc như một người toàn năng hoặc ngược lại như một người bất toàn vì đã
không thể giải đáp thỏa đáng tất cả các câu hỏi của thân chủ. Trong trường hợp
đó, nhà trị liệu cần áp dụng các chiến lược sao cho nó có thể chỉ ra được những
nhu cầu lệ thuộc trong quá khứ của thân chủ cũng như phải làm rõ những mối quan
hệ trong quá khứ của thân chủ với những người “có uy quyền”, và tập trung vào
việc giúp thân chủ có được lòng tự tôn (self-esteem) và tính độc lập.
Khi
nào áp dụng các chiến lược cảm xúc-nhận thức
Các kỹ thuật tâm động học là cần thiết đối với
những người có những vấn đề thường xuyên và sâu xa trong nội tâm cần đến sự tái
cấu trúc về nhân cách. Trừ khi được huấn luyện sâu về phân tâm học, bằng không
bạn sẽ không thể làm được gì nhiều để mang đến sự hỗ trợ theo cách này.
CÁC
CHIẾN LƯỢC CAN THIỆP VỀ NHẬN THỨC (COGNITIVE STRATEGIES)
Các chiến lược can thiệp về nhận thức nhấn mạnh
đến sự hợp lý, các tiến trình tư duy và sự hiểu biết. Cơ sở lý thuyết của chiến
lược này là thông tin và các hệ thống thực hiện quyết định.
Kỹ
thuật
Kỹ thuật ra quyết định (decision-making) được
áp dụng cho các vấn đề về nhận thức, bởi vì các quyết định là những tiến trình
nhận thức. Điều quan trọng là cần phải giúp thân chủ học được các kỹ năng ra
quyết định sao cho họ được tự do nhiều hơn trong việc quản lý cuộc sống của họ.
Mặc dù có nhiều mô hình ra quyết định khác
nhau, nhưng tiến trình cơ bản được khuyến cáo dành cho các mối quan hệ hỗ trợ
bao gồm các bước sau đây:
Làm rõ vấn đề: Phải chắc chắn rằng bạn đã xác
định vấn đề nào đang gây ra những khó khăn hiện tại. Vấn đề phải được xác định
chính xác thì việc quyết định giải pháp mới có thể hiệu quả.
Xác định và chấp nhận trách nhiệm trong việc
giải quyết vấn đề: Trừ khi người ra quyết định thấy được mình có sức mạnh để
ra một quyết định, nếu không tiến trình ra quyết định sẽ trở nên vô ích. Con
người nói chung không đầu tư sức lực vào việc quyết định nếu kết quả không cho
họ lợi ích gì.
Đề xuất tất cả các giải pháp khả thi cho vấn
đề (động não): Thường chúng ta chỉ nghĩ đến những giải pháp có giới hạn. Sự động
não cho phép chúng ta xem xét đến tất cả những giải pháp khả thi mà không phán
xét chúng. Việc này giúp chúng ta có nhiều cơ hội mà từ đó có thể lựa chọn.
Đánh giá từng giải pháp được đưa ra bằng cách
dựa vào những điều kiện thực tế và dựa vào những hệ quả theo giả thuyết (làm rõ
giá trị của các giải pháp này). Có một số giải pháp sẽ bị chúng ta tự động loại
bỏ, hoặc vì nó có tính không khả thi, hoặc vì nó làm tổn hại đến hệ thống các
giá trị của chúng ta. Tuy nhiên, trước khi loại bỏ một giải pháp nào, chúng ta
cũng nên đặt giả thuyết về tất cả các kết quả của nó.
Đánh giá lại những giải pháp trong danh sách
được lựa chọn sau cùng, những kết quả có thể có, cùng những nguy cơ có thể gặp
khi thực hiện : Các giải pháp được chọn sẽ được đưa vào một danh sách để chúng
ta xem xét, mõi giải pháp cần phải được xem xét từng bước khi thực hiện và những
kết quả có thể dẫn đến. Ở giai đoạn này, chúng ta lại có thể loại thêm một số
giải pháp nữa.
Quyết định chọn một giải pháp để thực hiện:
Dựa vào tất cả các bước xem xét và đánh giá nêu trên, chúng ta sẽ lựa chọn một
giải pháp. Ở giai đoạn này, chúng ta thậm chí còn có thể liệt kê lại một danh
sách các lựa chọn một lần nữa.
Xác định cách thực hiện kế hoạch đã chọn, thực
hiện như thế nào và khi nào thực hiện: Đến đây, chúng ta sẽ nêu ra một cách
chính xác những gì cần đến để thực thi quyết định này: ai cần làm điều gì, khi
nào, ở đâu, cùng những phương tiện nào sẽ được cần đến, vv… Các quyết định nói
chung thường đều thường không được thực hiện bởi vì chúng ta thất bại trong việc
vượt qua giai đoạn này.
Khái quát hóa sang các tình huống khác: Việc
này là bước đi có thể cần hoặc không cần đến, tuy nhiên nó có liên quan đến việc
khám phá những tác động của quyết định đã chọn và của việc thực thi quyết định ấy
đối với những tình huống sống khác ngoài tình huống khó khăn hiện tại.
Đánh giá việc thực thi quyết định: Đây bước tối
hậu để xác định rằng việc thực thi kế hoạch và quyết định đã chọn là có thuận lợi
hay không. Chúng ta rất thường hay nói rằng một sự lựa chọn nào đó là không
hay, trong khi thực tế chính việc thực thi quyết định ấy mới là chuyện có sai
sót.
Nhà trị liệu có thể thúc đẩy quá trình trên bằng
cách làm rõ ý nghĩa, cung cấp thêm thông tin và đề xuất thêm nhiều giải pháp để
lựa chọn trong giai đoạn động não. Trong những tình huống như hoạch định kế hoạch
giáo dục và hướng nghiệp, những thông tin từ các trắc nghiệm có thể được sử dụng
cho tiến trình quyết định. Việc thu thập và tổng hợp các thông tin thích đáng sẽ
là một công cụ có giá trị trong quá trình quyết định.
Ngoài việc diễn giải kết quả trắc nghiệm và
phổ biến các thông tin chính xác, nhà trị liệu còn áp dụng cách thức làm rõ giá
trị, quan sát và hướng dẫn thân chủ học cách hiểu và vận dụng những dữ liệu nhận
được từ các trắc nghiệm, các thông tin bằng văn bản hoặc lời nói, và các thông
tin từ quan sát. Những dữ liệu này lại có thể giúp thân chủ làm rõ và giải
thích các giá trị, thái độ và niềm tin của họ cũng như những phẩm chất và trách
nhiệm của họ. Chính thân chủ mới là người quyết định sau cùng; người hỗ trợ chỉ
mang đến sự giúp đỡ mà thôi.
Đôi khi, quá trình trị liệu không nhất thiết
phải hoàn tất bằng việc có ngay một quyết định; cuộc làm việc có khi chỉ nhằm để
giúp thân chủ có thêm thật nhiều thông tin trước khi người này có thể đưa ra
quyết định sau cùng. Điều này thực sự là đúng đắn, vì có những lúc người ta đã
ra những quyết định quá nhanh trước khi thâu thập tất cả những dữ liệu cần thiết.
Khi
nào áp dụng các chiến lược can thiệp nhận thức
Các chiến lược can thiệp trên bình diện nhận
thức và quyết định sẽ hiệu quả trong các tình huống tham vấn giáo dục, hướng
nghiệp, cũng như trong bất kỳ tình huống sống nào cần đến kỹ năng quyết định và
giải quyết vấn đề. Trong một số trường hợp, các quyết định cần có những thông
tin thuộc loại suy nghĩ và hiểu biết; nhưng cũng có trường hợp trước khi quyết
định người ta cần có những thông tin thuộc về thái độ và niềm tin.
Xem tiếp Phần4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét