Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

ÁP DỤNG CÁC CHIẾN LƯỢC HỖ TRỢ - Phần 1

Tác giả: BARBARA OKUN
Nguồn: Effective Helping
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Tài liệu Huấn luyện của CLB Trăng Non



Phần 1

Tiến trình hỗ trợ bao gồm hai giai đoạn:

(1) Giai đoạn thiết lập quan hệ hỗ trợ và

(2) Giai đoạn áp dụng các chiến lược hỗ trợ.

Trong khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, nhà trị liệu và thân chủ sẽ xem xét các mục đích và mục tiêu của mối quan hệ hỗ trợ, sau đó cả hai sẽ tập trung vào các nhu cầu trị liệu có tính đặc hiệu để cuối cùng có thể đạt đến sự nhất trí với nhau về mục đích trị liệu. Thân chủ và nhà trị liệu cần phải định rõ vấn đề nào cần phải giải quyết và loại hình can thiệp hỗ trợ nào sẽ được áp dụng.

Sau khi xác định rõ vấn đề là gì, nhà trị liệu có thể chọn lựa một chiến lược thích hợp hoặc phối hợp nhiều chiến lược khác nhau để áp dụng vào việc giải quyết vấn đề. Các tham số như thời gian trị liệu, thời lượng mỗi phiên trị liệu, thiết kế khuôn khổ trị liệu và bản chất của vấn đề hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cách thức chuyển tiếp giữa hai giai đoạn lẫn các chiến lược được chọn để giải quyết vấn đề.

CÁC CHIẾN LƯỢC HỖ TRỢ VÀ BA BÌNH DIỆN CHÍNH TRONG SỰ THỂ HIỆN CÁC VẤN ĐỀ

Các chiến lược hỗ trợ có thể được phân loại tùy theo chúng nhắm giải quyết các vấn đề thuộc bình diện nào: cảm xúc (affective), nhận thức (cognitive) hoặc hành vi (behavioral domains). Trong thời gian gần đây (Bruce, 1984), đã có nhiều cố gắng phân loại các chiến lược và triết lý của nhiều học thuyết hỗ trợ khác nhau, để có thể hình thành nên một kiểu “phác đồ” có thể áp dụng được. Các cố gắng phân loại này phần lớn đều có tính chất “phi học thuyết” (atheoretical), nghĩa là không phải phụ thuộc vào một học thuyết duy nhất, mà có thể vận dụng nhiều loại chiến lược khác nhau tùy từng thân chủ và tùy theo vấn đề của thân chủ được thể hiện trên bình diện nào. Mục đích của những cố gắng này cũng là để nhằm lấp dần khoảng cách giữa ba yếu tố sau: (1) Hiệu năng của phương pháp trị liệu; (2) Nhu cầu ngắn hạn và dài hạn của thân chủ và (3) Nhu cầu và định hướng của nhà trị liệu.

Các vấn đề về cảm xúc (affective problems) là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tình cảm, lĩnh vực tự nhận biết bản thân cũng như nhận biết những cảm xúc của người khác. Ví dụ: cảm thấy mình yếu kém, không hiệu quả, hoặc không thể nhận biết được cảm xúc của chính mình, không hiểu được cảm xúc của người khác… Đối với loại vấn đề này, những chiến lược theo kiểu “trải nghiệm” (experiential strategies) tỏ ra có hiệu quả. Đây là những chiến lược tập trung can thiệp trên những tư duy hình ảnh, sự nhận biết bằng các giác quan, cùng những cách thức biểu lộ cảm xúc bằng lời và không lời.

Các vấn đề thuộc bình diện nhận thức (cognitive problems) có liên quan đến quá trình suy nghĩ, ví dụ những vấn đề liên quan đến khả năng quyết định và giải quyết vấn đề. Những thân chủ thường hay có những quyết định sai lầm, lo sợ khi phải quyết định, hoặc những người từ chối nhận lãnh trách nhiệm về những việc làm của mình… là những người đang có vấn đề trên bình diện nhận thức. Sự hỗ trợ có hiệu quả nhất đối với những thân chủ này là các chiến lược có tính chất huấn luyện (didactic) hoặc có hướng dẫn (instructional). Các chiến lược này tập trung vào việc thực hiện từng bước quá trình trao đổi, chỉ dẫn bằng lời nói, hướng đến việc giúp thân chủ có thể quyết định, phân tích và giải quyết vấn đề.

Các vấn đề trên bình diện hành vi (behavioral problems), ví dụ như làm thế nào để bỏ thuốc lá, thay đổi một thói quen, học cách trở nên quyết đoán hơn, hoặc thay đổi từ một hành vi có hại sang một hành vi có lợi… Các chiến lược can thiệp về hành vi bao gồm những hướng dẫn bằng lời và định hướng hành động (action-oriented) được bố trí thực hiện sao cho thân chủ có thể được kích thích thay đổi hành vi và nhận được những tưởng thưởng từ môi trường khi thực hiện những thay đổi này.

Các vấn đề của thân chủ cũng có khi cùng xảy ra trên cả ba bình diện cảm xúc-nhận thức-hành vi, với sự thể hiện đa dạng nhiều loại triệu chứng: những trường hợp thuộc loại này có thể gặp như trầm cảm, rối loạn ăn uống, tính khí bốc đồng, hoặc những rối loạn hành vi có tính chuyên biệt. Các chiến lược hỗ trợ theo kiểu “nhận thức-hành vi” có thể hiệu quả, bao gồm những kỹ thuật “tái cấu trúc nhận thức” (cognitive restructuring), giúp thân chủ có khả năng nhận định, đánh giá về khả năng của bản thân, của người khác và đánh giá các sự kiện trong đời sống, huấn luyện những kỹ năng ứng phó và những hành vi mới.

Các cách thức phân loại vấn đề và phân loại chiến lược hỗ trợ không luôn luôn tách bạch rõ ràng, mà chúng có thể xảy ra đồng thời hoặc chồng chéo với nhau. Bản chất vấn đề mà thân chủ đang gặp phải, bản chất của mối quan hệ hỗ trợ và kỹ năng thành thạo của nhà trị liệu, tất cả đều có ảnh hưởng trên sự lựa chọn các chiến lược hỗ trợ.

Khi nói về chiến lược can thiệp trong bối cảnh mối quan hệ hỗ trợ, tức là chúng ta đang nói về những phương thức tổng quát được thực hiện nhằm đạt đến những mục đích chung và có tính dài hạn. Các chiến lược phản ánh các khái niệm và các giả thuyết của những lý thuyết chuyên biệt, trong khi những kỹ thuật là sự áp dụng cụ thể của các chiến lược. Một số chiến lược và kỹ thuật tương ứng có thể tác dụng tốt nhất khi được áp dụng đúng vào một loại tình huống cụ thể. Và mặc dù có những loại kỹ thuật có tính đặc thù riêng cho một loại chiến lược, nhưng cũng có nhiều kỹ thuật lại có thể được áp dụng trong nhiều chiến lược khác nhau.

Có lúc những vấn đề của thân chủ xuất hiện rõ ràng ở trên một trong ba bình diện cảm xúc, nhạn thức hoặc hành vi, khi ấy sự áp dụng các chiến lược là khá rõ ràng. Ví dụ, nếu vấn đề thể hiện là tình trạng làm việc chậm chạp của một nhân viên – một vấn đề thuộc bình diện hành vi – thì khi đó, chiến lược được lựa chọn có thể là sự can thiệp trên hành vi và những kỹ thuật áp dụng sẽ là lập thỏa thuận cam kết, có thể cần đến hoặc không cần đến việc tái cấu trúc nhận thức. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề được thể hiện (presenting problems) có khi lại do một vấn đề khác tiềm ẩn bên dưới (underlying problems), và thường thì hai vấn đề ấy lại có thể nằm trên hai bình diện khác nhau. Khi ấy việc chọn lựa các chiến lược can thiệp cần phải được xem xét kỹ.

Ví dụ: Một nữ thân chủ được một chuyên viên tham vấn gửi đến một nhà tâm lý trị liệu với yêu cầu được làm một kỹ thuật gọi là “giải cảm ứng hệ thống” (systematic desensitization), một loại kỹ thuật tác động trên bình diện hành vi. Thân chủ này có triệu chứng là không thể nuốt được các thức ăn đặc (một vấn đề trên bình diện hành vi). Khám y khoa không phát hiện bất cứ căn nguyên thực thể nào gây ra tình trạng này. Nhưng sau vài buổi trao đổi, thiết lập quan hệ và tìm hiểu những kỳ vọng của thân chủ, nhà trị liệu nhận thấy rõ nỗi khổ tâm mà thân chủ đang gặp phải lại xuất phát từ bình diện cảm xúc chứ không phải là một vấn đề thuộc về hành vi. Cô thân chủ này đã không thể bày tỏ được sự tức giận đối với một người; cô đã tức giận rất nhiều vì trước đó cô đã bị người yêu phá vỡ sự đính ước giữa họ với nhau. Cô sụt cân rất nhanh và sức khỏe đang bị đe doạ nghiêm trọng vì cô chỉ có thể nuốt được những thức ăn lỏng. Sau đó, những phiên trị liệu với sự áp dụng các kỹ thuật theo kiểu gestalt và thân chủ trọng tâm đã giúp cô nhận ra được những cảm xúc của mình và có thể bày tỏ những cảm xúc ấy một cách phù hợp. Sau cùng, cô đã có thể nuốt được những thức ăn đặc và dần dần cải thiện những mối quan hệ với người xung quanh. Đây là ví dụ về một vấn đề tiềm ẩn bên dưới (khó khăn trong việc bộc lộ sự tức giận) đòi hỏi việc thực hiện các chiến lược can thiệp hoàn toàn khác với vấn đề được thể hiện (khó nuốt). Trong khi vấn đề được thể hiện đang hướng đến một chiến lược can thiệp về hành vi, thì vấn đề thực sự tiềm ẩn bên dưới lại cần đến một chiến lược can thiệp trên bình diện cảm xúc.

Những phần sau đây trong bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc một tổng quan ngắn gọn về các chiến lược và những kỹ thuật tương thích với từng bình diện xuất hiện vấn đề (cảm xúc, nhận thức hoặc hành vi).

Xin lưu ý rằng có một số chiến lược chỉ phù hợp với những người hỗ trợ chuyên nghiệp (professional helpers) và có kinh nghiệm hơn là dành cho người hỗ trợ bán chuyên nghiệp hoặc người mới hành nghề. Việc giới thiệu các chiến lược hỗ trợ sẽ cung cấp cho bạn những ý tưởng để biết được bạn đang quan tâm điều gì và có thiên hướng như thế nào, và có lẽ cũng sẽ đề xuất một số hướng dẫn cho việc nghiên cứu sâu thêm. Bài viết chỉ trình bày ở đây phần tổng quan tóm tắt. Bạn đọc cần xem và được huấn luyện thực hành thêm qua các bài tập. Thông qua thực hành, bạn có thể nhận ra những chiến lược can thiệp nào là phù hợp và có ý nghĩa đối với bạn.

Xem tiếp Phần 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...