Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

MỐI QUAN HỆ LỨA ĐÔI “VỪA ĐỦ TỐT”

Why this marriage therapist says a 'good enough' relationship is one that lasts a lifetime
Tác giả: JULIE COMPTON
Nguồn: NBC News BETTER

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Đại học Văn HIến, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non.



Nhà trị liệu về mối quan hệ (relationship therapist) John Gottman nói rằng: Những cặp đôi trong một mối quan hệ “vừa đủ tốt” không gì khác hơn là đối xử với nhau một cách trung thực, tôn trọng và thương yêu nhau.

Tình yêu đích thực mang lại rất nhiều niềm vui, nhưng đòi hỏi phải có những kỳ vọng đúng đắn, cũng theo nhà trị liệu về mối quan hệ nổi tiếng thế giới John Gottman, người đồng sáng lập Học viện Gottman.

Ông nói rằng, những gì bạn nên dành cho người bạn đời của mình không gì khác hơn điều mà ông gọi là mối quan hệ “vừa đủ tốt”

Gottman nói với NBC News BETTER, “Tôi nghĩ mối quan hệ “vừa đủ tốt” là mối quan hệ mà bạn được đối xử với tình cảm tôn trọng và yêu thương, và đó cũng là những thành tố hết sức thiết yếu.

Ông nói rằng mối quan hệ “vừa đủ tốt” đòi hỏi sự tin cậy và cam kết là một cơ sở nền tảng của hạnh phúc trong mối quan hệ của bạn.

Ông nói “Việc xây dựng lòng tin thực sự bao gồm việc mỗi đối tác thực sự để tâm đến những điều người kia quan tâm nhất, chứ không chỉ là sự quan tâm của riêng mình và sự cam kết (commitment) có nghĩa là yêu mến những gì mình có từ người kia hơn là phiền muộn về những gì người kia không có”.

Đừng mong đợi quá nhiều hoặc quá ít

Theo Gottman, một số người tin rằng để có thể hạnh phúc trong một mối quan hệ, họ cần giảm sự mong đợi của mình để tránh những nỗi thất vọng. Về điều này, ông nói rằng đây là một ý tưởng tồi, bởi vì khi bạn giảm sự mong đợi của mình, bạn có nhiều khả năng đặt mình vào vị thế bị đối xử tệ.

Ông giải thích, một mối quan hệ vừa đủ tốt không phải là mối quan hệ có sự lạm dụng về thể chất và tâm lý.

Trong khi một mối quan hệ vừa đủ tốt là nền tảng cho cách bạn nên mong đợi được đối xử như thế nào, điều quan trọng là nó phải có tính thực tế. Tất cả những cặp đôi đều đang trong tiến trình diễn ra xung đột, điều quan trọng là cách họ quản lý nó.

Tất cả các mối quan hệ đều có những thất vọng khi người ta nhận thấy bản thân mình bị tổn thương, ông nói. “Đó là một phần trong tiến trình của các mối quan hệ chỉ bởi vì trong mối quan hệ có đến hai bộ não chứ không phải chỉ có một”.

Sự mật thiết và tình bạn: Những thành tố cần thiết trong một mối quan hệ “vừa đủ tốt”

Gottman nói: Hầu hết chúng ta tập trung tìm kiếm một người hoàn hảo, một người biết khơi dậy nỗi lòng một cách đúng lúc.

Ông nói “Đây là giai thoại có tính chọn lọc cao, chỉ là ai đó mới có thể bắt đầu khơi chảy những dòng thác và những chất dẫn truyền thần kinh có liên quan để đổ vào giai đoạn yêu đương này”.

Nhưng việc phát hiện ra chàng ấy hay nàng ấy, ông nói, chỉ mới là một nửa đầu của “trận đánh” (Nguyên văn: “battle”). Bước tiếp theo – và là bước để xác định liệu mối quan hệ đó có kéo dài hay không – đó là khám phá liệu các bạn có thể xây dựng sự tin cậy và cam kết cùng nhau hay không. Và giống như khi yêu, chúng ta cũng không thể tạo ra sự tin cậy và cam kết đó với bất cứ ai.

“Tình yêu bao gồm sự hấp dẫn và quan tâm đến một người khác, nhưng nó cũng bao gồm sự tin cậy và sự cam kết. Không có sự tin cậy và cam kết, tình yêu trở thành một thứ khó nắm bắt. Nó là điều gì đó bị phai nhạt đi. Nhưng với sự tin cậy và cam kết chúng ta sẽ biết bạn có thể ở lại trong tình yêu với người ấy suốt đời.”

“Sound Relationship House” (Ngôi nhà Quan hệ Lành mạnh), một trong những học thuyết của Gottman mô tả những gì mà một cặp đôi trong mối quan hệ “vừa đủ tốt” xây dựng cùng nhau: Sự mật thiết và tình bạn.

Ông nói, “Đây là một mối quan hệ vừa đủ tốt, một mối quan hệ trong đó tình bạn là rất mạnh mẽ, tình yêu thương và sự tôn trọng cũng mạnh mẽ, nơi mà người ta có thể ứng phó với những xung đột và họ có thể cùng nhau xây dựng một cuộc sống có chủ đích, chia sẻ những ý nghĩa và mục đích, và đó chính là sự tin cậy và cam kết”.

Những điều mà cặp đôi có thể thực hiện trong một mối quan hệ “vừa đủ tốt”

Họ không để ai bị thiệt thòi (they don’t settle for less): Một cặp đôi trong mối quan hệ “vừa đủ tốt” sẽ không làm gì khác hơn là đối xử với nhau bằng sự chân thật, tôn trọng và tình yêu thương. Họ cũng không có những mong đợi phi thực tế và biết cách quản lý xung đột một cách hợp lý.  

Họ hiểu rằng yêu đương chỉ là thời kỳ đầu: Bước quan trọng nhất kế tiếp là cùng nhau xây dựng lòng tin và sự cam kết.

Họ là những người bạn của nhau: Về cơ bản, Với sự tin cậy và cam kết là tình bạn và sự mật thiết là những thành phần cho mối quan hệ “đủ tốt” kéo dài suốt đời.


Các tác giả John Julie Gottman đã phát triển nên 9 thành tố của một mối quan hệ lứa đôi lành mạnh và gọi tên lý thuyết đó là The Sound Relationship House Theory. Chín thành tố đó bao gồm: Vẽ bản đồ tình yêu (để hiểu biết về thế giới của nhau), Chia sẻ sự ngưỡng mộ và trìu mến, Hướng về nhau chứ không xoay mặt đi, Cách nhìn tích cực, Xử lý xung đột, Biến những ước mơ trong đời thành hiện thực, Tạo nên những ý nghĩa có thể được sẻ chia, Xây dựng lòng tin và Sự cam kết


Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG VỚI VIỆC HỖ TRỢ GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG VÀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM - Phần 1

The role of mass media in facilitating community education and child abuse prevention strategies

Các tác giả: BERNADETTE J. SAUNDERSCHRIS GODDARD
Nguồn: NCPC - National Child Protection Council, Tài liệu Số 16 - 16/6/2002
Website aifs.gov.au (AIFS - Australian Institute of Family Studies) - Child Family Community Austtralia (CFCA)

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Phần 1

Trong phần thứ hai của bài phân tích về vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong phòng chống xâm hại trẻ em, các tác giả thảo luận về lợi ích của các chương trình truyền thông đại chúng như một công cụ để vận động cho quyền trẻ em và cụ thể hơn là để thúc đẩy nhận thức và ngăn ngừa xâm hại trẻ em . Các tác giả nhấn mạnh rằng các chiến lược chiến dịch chỉ có thể thành công khi chúng được hỗ trợ bởi giáo dục cộng đồng và các chương trình hỗ trợ trực tiếp. Thông tin thu được từ các cuộc đánh giá được làm nổi bật và các đề xuất cho các chiến dịch và sáng kiến ​​truyền thông trong tương lai được đưa ra.

GIỚI THIỆU

Một tài liệu phát hành trước đây tập trung vào việc ngăn ngừa ngược đãi trẻ em đã lưu ý về một câu ngạn ngữ Châu Phi rằng "Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, thể hiện vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc nuôi dạy trẻ em và thanh thiếu niên" (Tomison và Wise 1999:1). Trách nhiệm đối với trẻ em ngày càng không chỉ được giao cho cha mẹ hoặc người giám hộ mà còn cho cả cộng đồng (Cohen, Ooms và Hutchins 1995; Korbin và Coulton 1996). Các chiến lược nhắm đến việc hoàn thiện những trải nghiệm sống của trẻ em và vị thành niên và để ngăn chặn tình trạng xâm hại và bỏ bê trẻ em (child abuse and neglect), do đó cần phải xác định chắc chắn, và có lẽ phải đối mặt với, các thái độ và phản ứng phổ biến của cộng đồng đối với tất cả trẻ em và vị thành niên, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến trẻ em và người trẻ.

Theo Hội đồng Bảo vệ Trẻ em Quốc gia (National Child Protection Council) (Không đề ngày: 9, Trích dẫn trong Hawkins, McDonald, Davison và Coy 1994): “Việc phòng chống xâm hại bao gồm việc thay đổi những thái độ, niềm tin và những hoàn cảnh ở cả mức độ cá nhân lẫn cộng đồng nào có thể tạo điều kiện cho sự xâm hại dễ xảy ra”.

Các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của con người. Báo cáo số 14, Xâm hại trẻ em và phương tiện truyền thông (Issues Paper 14, Child abuse and the media) (Goddard và Saunders 2001), đã thu hút sự chú ý đến vai trò thiết yếu của phương tiện truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về và ứng phó với xâm hại và bỏ bê trẻ em. Đặc biệt lưu ý là phần đóng góp của tin tức và các tin bài báo cáo về các trường hợp ngược đãi trẻ em cụ thể, cùng các chiến lược nghiên cứu và can thiệp. Đôi khi, sự chú ý của các phương tiện truyền thông đối với xâm hại trẻ em đã ảnh hưởng tích cực đến phản ứng của công chúng, những phản ứng của giới chuyên môn và cả về mặt chính trị đối với hoàn cảnh mà trẻ em và thanh thiếu niên tìm thấy được chính mình. Do đó, việc hiểu được ảnh hưởng của phương tiện truyền thông và làm thế nào sử dụng phương tiện truyền thông một cách xây dựng, có thể là một công cụ thiết yếu cho những người ai có vai trò vận động cho trẻ em, thanh niên và gia đình của họ (xem Brawley 1995).

Ngoài các tin tức, bài báo và phóng sự điều tra, các chiến dịch giáo dục và phòng ngừa trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng thỉnh thoảng được triển khai. Các chiến dịch này thường cố gắng nâng cao kiến ​​thức cộng đồng về xâm hại và bỏ bê trẻ em, tác động đến thái độ của người dân hướng đến trẻ em và thanh thiếu niên, và thay đổi hành vi góp phần gây ra hoặc dẫn đến vấn đề xâm hại và bỏ bê trẻ em trong cộng đồng của chúng ta.

Tuy nhiên, vì một số lý do, hiệu quả của các chiến dịch này vẫn còn gây tranh cãi. Về cơ bản, hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phòng chống xâm hại và bỏ bê trẻ em là điều còn nhiều tranh cãi. Ví dụ, Rayner (1996) lập luận rằng “các chiến dịch truyền thông rất tốn kém” và tác động của chúng rất khó xác định. Có thể khó biện minh cho các chiến dịch truyền thông tốn kém trong một môi trường chính trị mà ngân quỹ và nguồn lực có hạn để cung ứng cho việc giải quyết các nhu cầu của trẻ em. Hơn nữa, McDevitt (1996: 270) trích dẫn O'Keefe và Reed (1990: 215) lưu ý rằng: Trong điều kiện tốt nhất, các phương tiện truyền thông "có hiệu quả trong việc xây dựng nhận thức của người dân về một vấn đề" nhưng thay đổi thái độ và hành vi phức tạp hơn lại “đòi hỏi có thêm các hình thức tiếp xúc và can thiệp trực tiếp đối với người dân”.

Tuy nhiên, những người khác lại lập luận rằng các chiến dịch truyền thông đại chúng và việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông về xâm hại và bỏ bê trẻ em thực hiện một vai trò quan trọng và có ý nghĩa trong việc đưa các vấn đề như xâm hại trẻ em vào chương trình nghị sự chính trị và công cộng. Lindsey (1994: 163) cho rằng: “Truyền thông có vai trò trung tâm trong việc điều chuyển thông tin và định hình dư luận. Các phương tiện truyền thông chú ý đến những sự kiện mà ít người trong chúng ta trực tiếp trải nghiệm và đưa ra những diễn biến từ xa có ý nghĩa và có thể quan sát được”.

Như Wurtele và Miller-Perrin (1993) đã quan sát, việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông về tình trạng tấn công tình dục trẻ em (child sexual assault) đã góp phần làm sáng tỏ và làm giảm bớt sự bí mật đặc trưng vốn có xung quanh những sự việc ấy. Tương tự, khảo sát tổng quan trên tư liệu về các chiến dịch truyền thông đại chúng cho thấy nhiều ví dụ về các chiến dịch có tác động đến kiến ​​thức của cộng đồng về các vấn đề như an toàn lao động, sử dụng ma túy và rượu, uống rượu khi lái xe, chạy quá tốc độ, hút thuốc lá, béo phì, AIDS và bạo lực gia đình. Thay đổi thái độ và/hoặc thay đổi hành vi cũng có thể xảy ra trong các chiến dịch đó, mặc dù kết quả này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, và mất hiệu lực khi chiến dịch kết thúc (Reger, Wootan và Booth-Butterfield 2000; Freimuth, Cole và Kirby 2001).

Các phương tiện thông tin đại chúng mang đến cơ hội để truyền thông cho nhiều người và nhắm mục tiêu đến các nhóm người cụ thể. Theo quan sát của Gamble and Gamble (1999: 478), giao tiếp đại chúng khác biệt đáng kể so với các hình thức giao tiếp khác. Họ lưu ý rằng truyền thông đại chúng có khả năng tiếp cận “đồng thời” đến hàng nghìn người không liên quan đến người gửi. Nó phụ thuộc vào “thiết bị kỹ thuật” hoặc các “máy móc” để nhanh chóng phân phối thông điệp đến các đối tượng khác nhau và thường không biết đến nhau. Nó có thể được nhiều người truy cập, nhưng cũng có thể bị né tránh. Nó được dàn dựng bởi các chuyên gia với mục đích thuyết phục khán giả tiềm năng về những lợi ích nhờ sự quan tâm của họ. Nó được “kiểm soát bởi những người gác cổng”, những người kiểm duyệt nội dung của các thong điệp. Và cuối cùng, không giống như giao tiếp mặt-đối-mặt, truyền thông đại chúng chỉ nhận được rất ít phản hồi hoặc phản hồi rất chậm từ người nhận đến người gửi thông điệp.

Tuy nhiên, truyền thông đại chúng đồng thời đưa ra những cơ hội và hạn chế, cả hai đều cần được cân nhắc khi lập kế hoạch truyền thông đại chúng hỗ trợ xóa bỏ các vấn đề xã hội như lạm dụng và bỏ rơi trẻ em. Theo Wellings và Macdowall (2000: 23), Tones et al. (1990): “Sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng. . . nằm trong việc giúp đưa các vấn đề vào chương trình nghị sự công cộng, trong việc củng cố các nỗ lực của địa phương, trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề và trong việc truyền đạt những thông tin đơn giản… Hạn chế của các phương tiện truyền thông đại chúng là chúng kém hiệu quả trong việc truyền tải những thông tin phức tạp, trong việc giảng dạy các kỹ năng, trong việc thay đổi thái độ và niềm tin và trong việc thay đổi hành vi khi thiếu các yếu tố tạo điều kiện khác”.

Các chiến dịch và các hình thức giải trí và giáo dục trên phương tiện truyền thông khác (chẳng hạn như các chương trình truyền hình, phim và sản phẩm trực tiếp), có thể có mục tiêu nhắm vào tất cả các gia đình nhằm khuyến khích thái độ tích cực đối với trẻ em và ngừng lại việc xâm hại trước khi nó bắt đầu hoặc thậm chí trước khi được nghĩ đến (dự phòng cấp một - primary prevention). Các nhóm người được xác định là đặc biệt dễ bị xâm hại có thể được nhắm làm mục tiêu (phòng ngừa cấp hai). Ngoài ra, một chiến dịch hoặc chương trình có thể nhắm mục tiêu đến các gia đình đã xảy ra tình trạng xâm hại với mục đích ngăn chặn sự tái diễn của hành vi xâm hại (dự phòng cấp ba).

Do đó, những chiến dịch truyền thông đại chúng (mass media campaign), chương trình giáo dục (educational program) hoặc các sản phẩm sân khấu trực tiếp (live-theatre production) nếu được chú trọng sẽ có tiềm năng đóng góp thành công vào việc giáo dục cộng đồng và phòng chống xâm hại và bỏ bê trẻ em. Tuy nhiên, như sẽ được nhấn mạnh trong toàn bộ tài liệu về vấn đề này, các chiến lược thực hiện trong các chiến dịch chỉ có thể thành công nếu chúng có được sự hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ và giáo dục cộng đồng (community education and support programs):

“Một chiến dịch truyền thông có thể hiệu quả, nhưng nó không có nghĩa lý gì trừ khi chiến dịch được tích hợp vào một cách tiếp cận tổng thể giải quyết các khía cạnh khác nhau của vấn đề đang được giải quyết” (Peter White, Điều phối viên Chương trình Drug Offensive ở NSW, được trích dẫn trong Burrows 1988: 16)

“Bất cứ điều gì xảy ra ở tầm mức đại chúng (mass level) đều phải được bổ sung và hỗ trợ ở cấp cơ sở (grass roots level) để xảy ra những thay đổi lâu dài về mặt hành vi” (Julie Urquhart, về sau là Giám đốc Chiến dịch the Drink-Drunk; the Difference is U NSW Youth Alcohol Strategy, được trích dẫn trong Wood 1994: 18)

Một báo cáo từ một chiến dịch truyền thông đại chúng gần đây của Bang Tây Úc (Western Australia), mang tên 'Thoát khỏi nỗi sợ' (Freedom from Fear), nhắm mục tiêu vào các thủ phạm bạo lực gia đình là nam giới, đã xác định “5 chiến lược thông điệp tiềm năng” (five potential message strategies) cho các chiến dịch phòng ngừa qua phương tiện truyền thông đại chúng (Donovan và cộng sự 2000: 80):

1.  Các biện pháp trừng phạt hình sự: Nhấn mạnh vào các răn đe về mặt pháp lý;

2.  Sự can thiệp của cộng đồng: Cách tiếp cận khuyến khích bạn bè và hàng xóm báo cáo bạo lực gia đình hoặc can thiệp với thủ phạm hoặc nạn nhân;

3.  Sự phản đối của xã hội: Nhấn mạnh vào nỗi ngượng ngùng và xấu hổ (“đàn ông thực sự không đánh phụ nữ”);

4.  Các hệ quả: Các ảnh hưởng của bạo lực đối với người bạn đời hoặc con cái; và

5. Sự trợ giúp luôn có sẵn: Nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ luôn sẵn sàng nếu người đàn ông muốn thay đổi.

Các chiến lược này được phát triển từ việc xem xét các nguồn tư liệu và các cuộc phỏng vấn với những nhân viên làm việc cho các chương trình chống bạo lực gia đình. Mỗi một trong số 5 chiến lược này đều có những điểm mạnh và điểm yếu cần được xem xét trong việc hình thành các thông điệp truyền thông cho các chiến dịch giáo dục và phòng ngừa.

Tập tài liệu này (Issues Paper) mô tả một số chiến dịch giáo dục và phòng ngừa trên phương tiện truyền thông đại chúng gần đây và trong quá khứ, các chương trình truyền hình, phim và các tác phẩm sân khấu trực tiếp. Lý lẽ sống của chúng (raison d'tre), sự biện minh của chúng về môi trường kinh tế và chính trị hiện tại, và tác động của chúng sẽ được thảo luận. Thông tin thu thập được từ các cuộc đánh giá được làm nổi bật và đưa ra các đề xuất cho các chiến dịch và sáng kiến ​​truyền thông trong tương lai.

Trọng tâm chính của tài liệu này là sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông để ngăn chặn tất cả các hình thức xâm hại và bỏ bê trẻ em. Tuy nhiên, các ví dụ về hoạt động phòng ngừa dựa trên phương tiện truyền thông đại chúng trong các lĩnh vực khác như sức khỏe và sự an toàn cũng đã được rút ra, và mỗi chiến lược thông điệp (message strategies) nêu trên (Donovan và cộng sự 2000) sẽ trở nên rõ ràng trong bối cảnh hiện tại và quá khứ của các chiến dịch và các cách thức tiếp cận truyền thông nhắm đến việc phòng ngừa.

TẠI SAO CẦN GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG VÀ CÁC CHIẾN DỊCH DỰ PHÒNG?

Xem tiếp Phần 2


Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

BÀN VỀ CÁCH LÀM VIỆC VỚI TRẺ EM TRONG LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH - Phần 2

Tựa đầy đủ: "Hiện diện tại đó, trải nghiệm và tạo không gian cho một cuộc đối thoại: Bàn về cách làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đình"

Being there, experiencing and creating space for dialogue: about working with children in family therapy

Tác giả: PETER ROBER Nhà tâm lý lâm sàng, nhà trị liệu gia đình, đào tạo viên liệu pháp gia đình tại Bệnh viện Đại học Leuven (Louvain), Vương quốc Bỉ.

Nguồn: Journal of Family Therapy (2008) 30: 465-477

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Xem lại Phần 1

Phần 2

Ca lâm sàng cỦa Elly và ngưỜi mẸ

Ca lâm sàng này dựa trên sự phân tích các phiên trị liệu đã được ghi hình khi tác giả làm việc với những đứa trẻ Elly, Art (tên thật đã được thay đổi) và người mẹ của chúng. Một số chi tiết câu chuyện đã được thay đổi để bảo mật cho gia đình này. Phân tích genogram cho thấy bố mẹ Elly đã ly hôn và hai trẻ sống với mẹ.

ELLY VÀ MẸ: SỰ TRẢI NGHIỆM CỦA NHÀ TRỊ LIỆU CÓ VAI TRÒ NHƯ CHIẾC CẦU NỐI

Một người mẹ đã tiếp xúc với tôi (tác giả) vì bà bận tâm nhiều đến những hành vi có vấn đề của đứa con gái 8 tuổi của bà, Elly. Trong phiên trị liệu đầu tiên, với sự hiện diện của người mẹ, Elly và Art, đứa em trai 2 tuổi, chúng tôi đã trao đổi với nhau rất nhiều chuyện, trong lúc những đứa trẻ tự do khám phá căn phòng làm việc và chơi với những đồ chơi để trên bàn. Người mẹ kể cho tôi nghe những mối bận tâm của bà về những hành vi của con gái bà ở nhà. Mẹ nói Elly không phải đứa bé ngoan, bé không nghe lời khi mẹ yêu cầu bé giúp mẹ ở nhà, bé còn hay bắt nạt em trai và còn ăn nói thô tục nữa. Hai tháng trước đó, người mẹ đã có lần phải nhập viện để điều trị chứng trầm cảm. Vào cuối phiên đầu tiên ấy, tôi đã yêu cầu gia đình ấy rằng mỗi người sẽ chọn mang một thứ gì đó đến vào phiên thứ hai để giúp tôi có thể hiểu thêm hơn về gia đình họ (thông tin chi tiết hơn về việc làm này xin xem thêm Rober, 1998).

Vào phiên trị liệu thứ hai, khi gia đình bước vào phòng trị liệu, tôi để ý thấy mỗi đứa trẻ mang theo mình một con gấu bông, còn người mẹ thì không mang theo gì cả.

Tôi hỏi ai muốn dùng món đồ mà mình mang đế để giới thiệu về bản thân mình? Người mẹ ngay lập tức quay sang Elly và bắt em nói trước. Elly không chịu nhưng bà mẹ cứ khăng khăng bắt ép nên em cũng đã bắt đầu nói chuyện với con gấu bông của mình. Tương tác giữa Elly và mẹ, dù diễn ra rất ngắn, cũng đã đập ngay vào mắt tôi. Thông thường thì người mẹ không ép con mình nói chuyện theo cách như thế. Ngược lại, hầu hết cha mẹ thường chấp nhận phần nào sự ngần ngại của con mình, bởi vì nói cho cùng thì trị liệu là một lĩnh vực rất xa lạ đối với con trẻ. Thông thường, nếu như trẻ lưỡng lự không muốn nói thì mẹ sẽ là người xung phong nói trước, bằng cách đó mẹ sẽ có thể gánh lấy trước những rủi ro, cho phép đứa con có thời gian và không gian để quan sát những gì xảy ra trong phiên trị liệu.

Tuy nhiên, người mẹ này đã thúc ép con gái mình nói trước. Tôi cảm thấy hơi bực bội với người mẹ, nhưng tôi cũng đã tập trung được vào Elly khi em nói rằng em thích chơi với con gấu bông và rằng con gấu bông rất quan trọng đối với em. Trong khi Elly nói, tôi nhận thấy người mẹ chẳng hề để tâm đến những gì con gái nói. Người mẹ mãi lo nói chuyện với Art, em trai của Elly, lúc này cứ đi đi lại lại trong phòng, bà cũng chẳng buồn tìm đến chiếc ghế để ngồi nữa. Bà mẹ chẳng có lần nào quay lại nhìn Elly trong khi cô bé đang nói về con gấu bông của mình. Sự bực bội của tôi đối với người mẹ gia tăng. Cùng lúc đó, tôi chợt cảm thương hơn với Elly và tự nhiên cảm thấy mình phải cố gắng để bù đắp lại cho cô bé đang thiếu sự quan tâm của mẹ bằng cách biểu lộ một sự chú tâm đặc biệt đối với những gì mà Elly đang nói. Tôi đã thực sự lắng nghe Elly một cách toàn tâm khi em kể cho tôi nghe rằng em đã ôm ấp con gấu của em như thế nào, và tôi cũng hỏi Elly đủ mọi thứ chuyện linh tinh về con gấu bông để cho em thấy rằng tôi vẫn đang lắng nghe. Elly nói con gấu bông rất quan trọng đối với em và em thường đặt gấu lên giường bên cạnh em khi em đi ngủ.

Elly nói thêm “Trừ những lúc em cháu không tìm thấy con gấu bông của nó”.

Tôi hỏi “Cháu nói vậy nghĩa là sao?”

“À, em cháu mà không có gấu bông thì nó sẽ không chịu đi ngủ. Vì vậy khi em cháu không tìm thấy gấu bông, cháu phải đưa nó con gấu của cháu thì nó mới chịu ngủ”, Elly giải thích.

Điều này đã làm tôi suy nghiệm trong khi thực hiện cuộc đối thoại bên trong (inner conversation) của mình rằng cô bé này dường như rất lưu tâm và hay giúp đỡ em trai mình. Tôi lưu nhớ trong trí mình về điều đó bởi vì điều đó nằm ra bên ngoài những tính cách của cô bé theo như cách mô tả ban đầu của người mẹ vào phiên trị liệu đầu tiên khi bà cho rằng cô bé là một đứa trẻ có vấn đề. Tôi tự hỏi liệu rằng người mẹ có thực sự hiểu biết về đứa con của mình hay không? Tôi cũng tiếp tục suy nghiệm rằng liệu sau cùng người mẹ này có thể hiểu biết con gái của mình không nếu như bà chẳng hề để tâm đến những điều mà Elly đang nói, mà những điều ấy là rất quan trọng đối với cô bé?

Rồi sau đó có một điều kỳ lạ đã xảy ra. Art, đứa em trai, đã đặt con gấu bông của mình lên một chiếc ghế trống. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi Art đi đến và ngồi lên một chiếc ghế trống khác đối diện với con gấu bông của mình. Tôi im lặng quan sát cậu bé vì đó là lần đầu tiên trong buổi cậu chịu ngồi thoải mái trên ghế. Thế rồi Elly rời khỏi ghế, đứng lên, cầm con gấu bông của em (lớn hơn con gấu của Art) đặt lên cùng chiếc ghế với con gấu bông của Art. Elly kéo cánh tay con gấu lớn quàng qua vai của con gấu nhỏ. Tôi bị ấn tượng bởi vì tư thế đó giống như một cái ôm đầy yêu thương và một lần nữa tôi lại suy nghiệm thêm về Elly – em thật biết lưu tâm và giúp đỡ em mình biết bao. Khi Elly trở về ghế ngồi thì Art lại đứng lên, đi về phía chiếc ghế có đặt hai con gấu bông. Không nói một lời nào, Art cầm con gấu bông của Elly lên, thả rơi xuống sàn nhà, rồi đặt con gấu của mình ngồi lại lên ghế. Bằng giọng vui đùa, Elly kêu lên phản đối “Hey!”. Cô bé vừa mỉm cười vừa đứng lên, cầm lấy con gấu của Art rồi, đến lượt mình, cô bé cũng thả rơi con gấu của cậu em xuống sàn nhà và đặt con gấu của mình trở lại lên ghế. Ngay lúc ấy, người mẹ ập đến và nói “Elly, không được bắt nạt em”.

Lúc ấy tôi vẫn đang ngồi quan sát những tương tác giữa hai đứa trẻ và điều đập vào trí tôi một cách đặc biệt đó là lời nhận xét của người mẹ “đừng bắt nạt em”. Lời nói của người mẹ khiến tôi thấy khó chịu và bực bội. Tôi tái cấu trúc lại cảnh tượng này trong cuộc đối thoại bên trong của tôi như sau: Trước tiên, Elly đã làm một việc rất nhiệt tình và lưu tâm đến em trai bằng cách đặt con gấu bông của mình bên cạnh để dỗ dành con gấu bông của Art. Việc làm này dường như chẳng được cả mẹ lẫn em trai cô chú ý đến. Rồi đến khi Elly và em trai đang tranh giành nhau trong lúc chơi, thì người mẹ đang buông lời khiển trách cô chị. Dường như thể rằng người mẹ chỉ cho lời nhận định về Elly khi cô bé làm một việc gì đó “không đúng” – ít nhất là theo cách nhìn của người mẹ. Tôi đã cảm thấy rất không thoải mái với cách thức mà phiên trị liệu đang diễn ra. Trong cuộc đối thoại bên trong, tôi thấy bản thân mình đang phản đối và chỉ trích người mẹ, đồng thời tôi tự nhủ đây không phải là điều mà một người mẹ tốt làm cho con. “Vì sao bà mẹ đã không thừa nhận những việc có tính chất xây dựng mà Elly đang làm trong gia đình bà? Tại sao bà chỉ chú ý đến những việc làm “sai” của con gái?” Tôi thật sự bực bội, và tôi muốn bảo vệ Elly trước bà mẹ có thái độ đối xử bất công ấy.

Tôi không biết tại sao, nhưng vì lý do nào đó ngay lúc ấy, tôi đã trở nên nhận thức về điều mà tôi đang trải nghiệm trong phiên trị liệu: Tôi nhận ra rằng mình không thực sự đã thấu cảm với người mẹ, trong khi cùng lúc đó tôi lại dành nhiều sự ngưỡng mộ cho thái độ tử tế của Elly. Tôi thực sự thú nhận rằng mình đã động lòng trắc ẩn trước cô con gái. Tôi nhận ra rằng nếu như tôi không thận trọng, tôi có thể đã bắt đầu hỏi, trả lời hoặc bình phẩm với những điều xác định nên cảnh tượng đơn giản mà tôi đang thấy trước mắt về gia đình này: Một bên là một người mẹ không tốt và bên kia là một đứa trẻ ngây thơ đang cần sự lưu tâm của mẹ. Sau một chút suy ngẫm (Chú thích: Tác giả dùng từ “reflection” trong “đối thoại bên trong với nghĩa “suy ngẫm”, “tự phản ảnh” – N.D.), tôi nhận thấy rằng hình ảnh cô bé Elly đang cần đến sự quan tâm của mẹ đã thôi thúc tôi, mời gọi tôi đảm nhận lấy vai trò của một người phụ mẫu tốt trong cái kịch cảnh quan hệ (relational scenario) đang diễn ra trong phiên trị liệu. Vâng thực vậy, tôi đã đảm nhận vai trò của một phụ mẫu tốt khi tôi cố gắng bù đắp lại sự quan tâm mà tôi nghĩ là Elly bị thiếu thốn. Tôi cũng thấy thoải mái hơn trong vai trò phụ mẫu tốt ấy, cảm thấy mình hợp lý khi can thiệp vào gia đình ấy, khi đang cố gắng lấp trám vào những chỗ bị khiếm khuyết, mà không nhận ra mình đã tranh lấy vị trí mà vốn là của mẹ Elly, người mà giờ đây đã ở vào vị trí một phụ mẫu tồi. Thật vậy, tôi cũng nhận ra rằng tôi đã đứng giữa Elly và mẹ của cô bé, tách họ xa nhau ra và có khả năng kéo dài bất tận những gì đã không ổn trong quan hệ giữa họ với nhau.

Tôi cũng đã ngạc nhiên với những phản ảnh có tính tiêu cực của chính mình, và một cách trung thực, tôi đã tự thất vọng với chính mình – Tôi cũng thường tự hào mình là một nhà trị liệu có tính xây dựng khi chú tâm vào các đối thoại trao đổi với các thân chủ của mình. Rồi tôi quyết định phải thay đổi “giai điệu” của mình, bắt đầu đặt ra những câu hỏi có tính xây dựng hơn để dần dần tìm đến những khả năng và nguồn lực từ người mẹ. Tôi muốn sửa chữa lại cái hình ảnh về người mẹ có tính bất công mà trước đó tôi đã hiểu một cách đơn giản đến mức thái quá và tôi cũng muốn tìm cách chạm dần đến hình ảnh một người mẹ có khả năng yêu thương con bên trong bà ấy.

Vì thế tôi bắt đầu mời gọi người mẹ kể về những khoảnh khắc khi mối quan hệ diễn ra tốt đẹp giữa bà và con gái bà và những lúc mà bà đánh giá cao về con gái. Đầu tiên, người mẹ vẫn biểu lộ vẻ bực bội với Elly, và vẫn kể về những câu chuyện liên quan đến các vấn đề về hành vi của Elly. Nhưng rồi, dần dần, những câu chuyện khác có tính tích cực hơn bắt đầu được đề cập đến: những lúc Elly giúp đỡ mẹ, những lúc Elly chăm sóc em trai và những lúc Elly và mẹ có thể vui thú bên nhau. Những câu chuyện này đã xác định rằng người mẹ, dù vẫn luôn bận tâm và bực bội về Elly, vẫn thực sự có quan tâm đến cô bé và rằng hai mẹ con thực sự vẫn yêu thương nhau rất nhiều.

Điều thú vị là, vào phiên trị liệu thứ tư, khi tôi tiếp chuyện riêng với người mẹ, tôi đã ấn tượng với những điều mà người mẹ kể cho tôi nghe về lịch sử đời bà mà những điều ấy dường như đã có sự vang vọng (resonate) với những điều tôi trải nghiệm được trong phiên trị liệu thứ hai. Chẳng hạn như việc có rất nhiều sự tương tự giữa tuổi thơ của bà mẹ và tuổi thơ của Elly. Người mẹ, giống như Elly, khi lên 8 tuổi, bà cũng đã phải chăm sóc cho một người mẹ bị trầm cảm. Bà mẹ nói: “Tuy vậy, mẹ tôi đã chẳng bao giờ biết rằng tôi yêu bà biết bao. Bà cũng chẳng bao giờ thừa nhận rằng tôi đã làm biết bao nhiêu việc cho bà”.

Chúng tôi nói chuyện về nỗi bận tâm của mẹ Elly về chính người mẹ của bà, về những cách thức mà mẹ Elly, khi chỉ là một đứa trẻ, phải chăm sóc cho người mẹ của bà. Rồi bà nói: “Giờ đây tôi hiểu rằng Elly cũng đang trải qua những chuyện như tôi đã từng trải qua lúc còn nhỏ”.

Đến cuối phiên trị liệu, tôi ngạc nhiên khi người mẹ bắt đầu khóc và nói rằng mẹ của bà đã tự sát khi bà lên 8 tuổi. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện ấy. Lúc đó, chỉ có bà và mẹ mình sống chung với nhau. Một hôm, khi bà từ trường trở về nhà, bà đã phát hiện mẹ mình trong phòng ngủ và đã dùng súng tự sát.

Bà nói thêm: “Trong suốt những ngày tháng chăm sóc cho mẹ, tôi đã cố gắng giữ cho bà có thể sống, nhưng rõ ràng là tôi đã thất bại”.

Sau khi kể cho tôi nghe xong câu chuyện này, người mẹ nói bà không muốn Elly có một tuổi thơ đau buồn giống như bà đã từng có. Giờ đây cái hình ảnh về một người mẹ vô tâm và bất công chỉ còn là một ký ức mờ xa, và thay vì nói về những vấn đề về hành vi của Elly, chúng tôi chuyển sang nói về cách thức làm thế nào để người mẹ có thể giúp đỡ cho Elly có được một tuổi thơ hạnh phúc hơn.

BÀN LUẬN

Ca lâm sàng về Elly và mẹ, như đã được kể ra trong bài viết này, đặt trọng tâm vào những trải nghiệm của nhà trị liệu, kịch cảnh có tính tiêu cực mà nhà trị liệu có nguy cơ bị mắc mứu vào và những cơ hội mà nhà trị liệu nắm bắt được để có thể mời gọi thân chủ kể ra những câu chuyện mới hơn và có tính xây dựng hơn trong phiên trị liệu.

1, Trải nghiệm của nhà trị liệu: Nhà trị liệu cảm thấy ngày càng bực bội với người mẹ, động lòng trắc ẩn đối với Elly, cố gắng mang đến cho cô bé những gì mà người mẹ đã không cho cô.

2, Sự nguy hiểm của việc bị mắc mứu vào một kịch cảnh có tính tiêu cực: Những trải nghiệm của nhà trị liệu sẽ thúc đẩy nhà trị liệu có khuynh hướng bảo vệ cho Elly và phê phán đối với người mẹ. Nhà trị liệu bị nghiêng theo chiều hướng đảm nhận vai trò của một phụ mẫu tốt, bắt đầu làm thế mà không hề nhận ra cách làm ấy có thể gây nên những hệ quả tiêu cực như thế nào. Nếu nhà trị liệu tiếp tục góp phần theo cách như thế, theo kịch bản bảo vệ, quy lỗi và phản bác, thì có thể sẽ tiếp tục kéo dài những mô hình ứng xử tiêu cực mà gia đình này có lẽ đã mắc mứu vào.

3, Những cơ hội: Nhà trị liệu nhận ra mối nguy nêu trên và bắt đầu thực hiện việc sửa chữa. Ông nắm bắt lấy cơ hội và đặt ra những câu hỏi về những điều tích cực khi người mẹ chăm con và về những khoảnh khắc tốt đẹp mà Elly có được cùng với người mẹ. Việc làm này mở ra khoảng không gian cho những câu chuyện mới liên quan đến tình yêu thương và sự chăm sóc bên trong gia đình này, cùng những điều tốt đẹp trong quan hệ giữa mẹ và con gái. Hơn nữa, những câu chuyện này lại gợi lên câu chuyện về sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa quan hệ của người mẹ Elly với người mẹ của bà trong gia đình gốc với mối quan hệ của Elly với mẹ trong hiện tại.

Cách phân tích trải nghiệm và vị thế của nhà trị liệu trong phiên trị liệu gia đình như trên dựa theo một mô hình gọi là Mô hình EDO: Mô hình Trải nghiệm – Mối nguy – Cơ hội (Experience-Danger-Opportunity) (Rober). Mô hình EDO có ý nghĩa là đã “bắc cầu” nối qua khoảng trống ở giữa việc thực hành liệu pháp gia đình (trị liệu, giám sát, huấn luyện) với việc nghiên cứu về thực hành cuộc đối thoại bên trong của nhà trị liệu mà tôi đã tiến hành (Rober, 1999, 2002, 2004, 2005; Rober và cs., 2008). Mô hình này đề xuất rằng nhà trị liệu cần phải nhạy cảm đối với những trải nghiệm của chính mình trong phiên trị liệu, phải cẩn thận để ý kỹ những điều gì có tính chất âm thầm mời gọi mình kết nối với những thành viên gia đình theo một kịch cảnh quan hệ thiếu tính xây dựng, và sau cùng có thể khám phá những cơ hội có thể thúc đẩy phiên trị liệu hướng đến những cách thức mới có tính xây dựng hơn. Mặc dù mô hình EDO là một mô hình nói chung tập trung vào trải nghiệm của nhà trị liệu khi thực hành liệu pháp gia đình, mô hình này cũng vô cùng hữu dụng khi làm việc với những trẻ em trong các gia đình. Nhà trị liệu được mời gọi tham gia vào kịch bản quan hệ của gia đình với một vai trò mà thường thì vai trò đó sẽ phản ảnh nhiều điều – cho đến lúc đó – rất khó nói ra trong gia đình ấy (Nguyên văn: “The role the therapist is invited to play in the family’s relational scenario often reflects a lot of what – as yet – is difficult to talk about in the family”). Như đã minh họa trong trường hợp Elly và mẹ, những trải nghiệm không thoải mái của nhà trị liệu khi ở trong vai trò này có thể mang lại cho nhà trị liệu một trải nghiệm cận cảnh (firsthand experience) về một số điều mà các thành viên gia đình đang trải qua. Kinh nghiệm lâm sàng đã dạy cho tôi rằng những trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ mà nhà trị liệu có được trong phiên trị liệu – những trải nghiệm khiến thúc đẩy nhà trị liệu hướng đến việc đảm nhận một nhiệm vụ tích cực trong kịch cảnh quan hệ của gia đình ấy, thường có thể giúp kết nối nhà trị liệu với những tầng sâu chưa được nói đến của những điều mà đứa trẻ có vấn đề đang trải qua trong gia đình ấy. Vì thế nếu nhà trị liệu dám nhận lấy nguy cơ của việc dung nạp những trải nghiệm của chính mình trong phiên trị liệu và thành công trong việc phản ảnh chúng (thay vì bị chúng “kích hoạt”), khi đó những trải nghiệm ấy có thể trở thành một “chiếc cầu có tính thấu cảm” (empathic bridge) hướng đến sự thông hiểu tốt hơn về những gì đang diễn ra bên trong gia đình. Ngoài ra, những trải nghiệm ấy có thể truyền cảm hứng để nhà trị liệu có thể đặt ra những câu hỏi giúp mở ra không gian cho những cuộc đối thoại trong sáng hơn và có khả năng gây ngạc nhiên giữa các thành viên gia đình với nhà trị liệu, cũng như giữa các thành viên gia đình với nhau, thậm chí giữa các thành viên gia đình với bối cảnh xã hội xung quanh họ.

KẾT LUẬN

Trong khi hầu hết các tác giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia tích cực của trẻ em vào các phiên trị liệu gia đình, có khá nhiều nhà trị liệu gia đình đã đặt trẻ em bên ngoài quá trình trị liệu bởi họ cảm thấy không thoải mái khi làm việc với trẻ em. Việc huấn luyện cho các nhà trị liệu trở nên thoải mái hơn khi làm việc với trẻ em là một ý tưởng hay, nhưng có lẽ vẫn chưa đầy đủ.

Trong bài viết này tôi đã nêu lên tính phức tạp trong chủ đề về tính thoải mái của nhà trị liệu trong phiên trị liệu. Tôi cũng đã lưu ý những ai đang thực hành trị liệu rằng cách thức mà chúng ta cảm thấy thoải mái hay không thoải mái trong phiên trị liệu có thể giúp chúng ta hiểu được một điều gì đó từ những sự việc đang diễn ra bên trong gia đình mà chúng ta đang làm việc. Trong phần bàn luận về ca của Elly và mẹ, tôi cũng đã giới thiệu một cách tóm tắt mô hình EDO như một công cụ thực hành đơn giản để những nhà trị liệu có thể phát huy khả năng sử dụng những trải nghiệm của chính mình trong khi họ làm việc với những trẻ em trong các gia đình.

LỜI CẢM ƠN

Bài viết này được dựa trên một bài giảng được trình bày tại Hội nghị EFTA-AFT tại Glasgow, Anh Quốc, tháng 10-2007. Chân thành cảm ơn Jim Wilson đã giúp đỡ trong việc thực hiện bài viết này. - PETER ROBER


Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

VAI TRÒ CỦA ÔNG BÀ TRONG GIA ĐÌNH

Role of Grandparents in the Family

Tác giả: HARLEENA SINGH – Nhà văn tự do với nhiều suy nghĩ tích cực. Cô ấy thích viết những bài đăng đầy cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về cải thiện bản thân, gia đình, các mối quan hệ, sức khỏe và các khía cạnh khác của cuộc sống. Cô ấy cũng là một blogger, người thích chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm viết blog của mình.

Nguồn: Aha! NOW Discover Happiness – 11/9/2011

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Thứ trẻ con cần nhất là những thứ thiết yếu mà ông bà có thể mang đến một cách dồi dào. Họ dành tình yêu thương vô điều kiện, lòng tốt, sự kiên nhẫn, sự hài hước, sự thoải mái, những bài học trong cuộc sống. Và quan trọng nhất là bánh quy ~ Rudolph Giuliani

Bạn đã bao giờ tự hỏi về vai trò của ông bà trong gia đình là gì chưa? Bạn đã bao giờ thử xem vai trò của ông bà trong gia đình cũng quan trọng như vai trò của mình chưa? Khi là cha mẹ, bạn cũng có những nghĩa vụ hằng ngày đối với con cái; vai trò của ông bà cũng là một vai trò rất nhất quán, thế nhưng thường không được thừa nhận.

Ngày nay, ngày càng có ít ông bà được trở thành ông bà thực sự (theo đúng nghĩa của từ này) trong cuộc đời của các cháu của họ. Nguyên nhân là do những thay đổi khác nhau của xã hội chẳng hạn các cặp vợ chồng trẻ chuyển đến sống ở những nơi xa hơn, sự bất hòa giữa cha mẹ và ông bà trở nên lớn hơn và tỷ lệ ly hôn giữa cha mẹ và thậm chí cả ông bà tăng cao hơn, tất cả đã làm suy yếu thiết chế gia đình.

Những đổi thay như vậy đã hoàn toàn tạo ra những kết quả trái ngược nhau: có những trẻ được ông bà nội nuôi dạy với sự tham gia tối thiểu của cha mẹ, mặt khác lại có trẻ ít có dịp được tiếp xúc với ông bà.

Nước Mỹ đang nhanh chóng trở thành một “quốc gia bà già” (granny state), nơi những ông bà già không quá yếu và có khả năng làm lụng đang rời bỏ nhà hưu dưỡng và tham gia nhiều hơn vào việc nuôi dạy các cháu của họ, trong khi những cha mẹ trẻ tuổi phải chật vật trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Họ dạy cho các cháu của mình những giá trị truyền thống của Mỹ về sự chăm chỉ, trung thực và liêm chính. Nếu không có những ông bà này, nhiều trẻ em sẽ bị chối bỏ khỏi một môi trường đạo đức và lành mạnh, và một số sẽ trở thành những trẻ sống dưới sự bảo trợ của nhà nước (wards of the state).

Tuy vậy, một số ông bà cũng có thể gây ảnh hưởng không lành mạnh, chẳng hạn như khi họ can thiệp và xen vào mối quan hệ cha mẹ - con cái, điều này xảy ra khi thay vì là ông bà, họ lại cạnh tranh với con cái của họ để trở thành “cha mẹ ảo” (virtual parents) của các cháu của họ, trong khi đó lại có một số ông bà cố gắng làm cha mẹ một đứa trẻ thông qua sự uỷ quyền. Họ cần quan tâm đến việc trở thành một phần của gia đình, nhưng vẫn duy trì một khoảng cách để có thể được nể trọng.

Theo các nghiên cứu, mối quan hệ ông bà - cháu có thể có những tác động tích cực lâu dài và cha mẹ nên nỗ lực để giúp con cái biết đến cha mẹ của cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy rằng các kỹ năng ngôn ngữ phát triển tốt hơn đối với trẻ em mẫu giáo được ông bà chăm sóc; mặc dù trong một số trường hợp, trẻ không tiến xa trong các lĩnh vực học tập khi được ông bà chăm sóc. Nhưng vào cuối ngày, lẽ nào bạn lại không thích để con mình được ôm ấp, trò chuyện và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, thay vì chỉ phát triển các kỹ năng với giấy-và-viết mà trẻ vẫn sẽ phải xử lý trong phần còn lại cuộc sống của trẻ?

Theo nghiên cứu, mối quan hệ giữa cha mẹ và ông bà càng tốt thì sự tiếp xúc và gần gũi giữa ông bà và cháu càng lớn. Tuy nhiên, cha mẹ phải truyền tải thông điệp rằng vai trò của ông bà trong gia đình là không thể thiếu đối với cuộc sống của con cái chúng ta. Ngay cả khi bạn không có mối quan hệ tuyệt vời với cha mẹ, con bạn vẫn có thể hòa thuận với họ.

Nếu không có bất kỳ tình huống nào có thể gây hại, tốt nhất là cha mẹ nên có thái độ tích cực đối với quan hệ giữa ông bà với con cái của mình. Bạn nên sẵn sàng thảo luận về những điều đang và chưa hiệu quả để tạo ra các mối quan hệ tích cực, vì sức mạnh của mối quan hệ ông bà-cháu chủ yếu phụ thuộc vào cha mẹ.

Đôi khi ông bà ngại tham gia vào gia đình của con cái của họ vì họ không chắc chắn về những kỳ vọng mà chúng ta có thể có về họ, hoặc những đứa trẻ và những người khác có thể có về họ. Chúng ta cần có thêm nhiều nỗ lực để mời ông bà vào với gia đình. Dù ông bà ở gần hay ở xa, họ đều có rất nhiều điều để cung cấp cho chúng ta. Hầu hết các trường hợp ông bà đều có những nguồn lực mà cha mẹ không có, và họ có thể tiếp cận con cái của chúng ta theo những cách mà chúng ta có thể không có.

Dưới đây là một số vai trò của ông bà trong gia đình mà họ đóng trong cuộc đời của các cháu của họ.

Là tổ tiên và nhà sử học (As an ancestor and historian)

Một trong những vai trò quan trọng của ông bà trong gia đình là của một nhà sử học, giúp các cháu tìm ra danh tính (identity) của mình trong bối cảnh rộng lớn hơn. Họ là sợi dây liên kết với những tổ tiên của con cháu, người đứng đầu dòng họ và là sợi dây liên kết với lịch sử chung của gia đình. Ông bà chia sẻ những câu chuyện về quá khứ, có thể là về người thân, những sự kiện quan trọng, truyền thống gia đình... khi những câu chuyện này được truyền lại.

Những đứa cháu có được hình ảnh tích cực về tuổi già và vị trí của họ trong gia đình được củng cố. Giờ đây, các cháu cảm thấy rằng mình thuộc về một đơn vị gia đình, cảm giác về “chúng ta” phát triển và điều đó mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và an toàn.

Như một anh hùng (As a hero)

Ông bà, những người đã chiến đấu hoặc sống qua chiến tranh hoặc những khó khăn khắc nghiệt khác, có thể là những anh hùng trong đời thực đối với cháu của họ. Những đứa cháu khi biết rằng ông bà của mình đã phải chịu đựng trong nhiều năm, thì họ sẽ có thể giúp đỡ hoặc cứu nguy cho cháu mình vào lúc cần thiết. Ông bà trở thành những “người hùng”, như một người mà các cháu có thể hướng tới và nhìn lên, và là một người giúp truyền cảm hứng cho các cháu.

Là một người cố vấn (As a mentor)

Ông bà trong gia đình giống như những người cổ vũ, luôn truyền cảm hứng cho các cháu, trong việc phát triển trí tưởng tượng và ước mơ của cháu, nuôi dưỡng tinh thần, khuyến khích phát triển trí tuệ và cho các cháu ý thức về giá trị bản thân. Họ là những người cố vấn và là “những người hùng mà nhiều trẻ em tìm kiếm để làm khuôn mẫu cho cuộc sống của trẻ sau này”.

Ông bà đặc biệt hiệu quả với vai trò là giáo viên vì tình yêu thương vô điều kiện của họ, điều đó làm cho các cháu cảm thấy an toàn, thoải mái, và yêu quý con người của họ lẫn những gì họ thể hiện.

Như một hình mẫu, một tấm gương (As a role model)

Những hành động của ông bà trong gia đình có thể dạy con cháu họ nên cư xử như thế nào trong xã hội, cách chăm sóc bản thân và cách trẻ nên ước muốn trở thành ông bà, cha mẹ như thế nào trong tương lai.

Ảnh hưởng và vai trò của ông bà trong gia đình giúp tạo ra nhận thức tích cực về người lớn tuổi nói chung. Mối quan hệ của ông bà với trẻ cũng có thể là khuôn mẫu cho mối quan hệ của trẻ với cha mẹ của mình và con cái của chính trẻ khi trẻ lớn lên.

Là một người nuôi dưỡng (As a nurturer)

Sự hỗ trợ của ông bà cung cấp một mạng lưới an toàn về tình cảm cho toàn bộ gia đình, làm cho các cháu cảm thấy an toàn và yên tâm. Vai trò của ông bà trong gia đình ngày nay càng quan trọng hơn khi tỷ lệ ly hôn (ở các bậc cha mẹ) ngày càng tăng, tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, cũng như nhu cầu nghề nghiệp của cha mẹ và các vấn đề xã hội khác.

Ông bà trong gia đình cần đảm bảo với con cháu rằng họ luôn ở bên cạnh khi các cháu cần, và giữ liên lạc chặt chẽ với các cháu thông qua các cuộc điện thoại, thư từ hoặc bưu thiếp thường xuyên nếu không thể thăm nom thường xuyên.

Như một người bạn (As a friend)

Ông bà là “bạn chơi” với cháu và thật tuyệt khi trẻ con thỉnh thoảng có những khán giả vui vẻ xem trẻ biểu diễn! Vì họ không phải chịu trách nhiệm chăm sóc và kỷ luật đều đặn hằng ngày cho các cháu nên họ có thể đảm nhận vai trò của một “người bạn tâm giao bí mật” (secret confidant).

Ông bà cung cấp cho trẻ nhiều kiến ​​thức, kinh nghiệm và cảm xúc hơn so với khi còn là cha mẹ. Họ cung cấp một nơi an toàn cho trẻ em trong những thời điểm căng thẳng khi trẻ cảm thấy không thể đến gần cha mẹ của chúng. Họ cũng chiếm một vị trí đặc biệt trong gia đình với tư cách là người lớn đáng tin cậy, nhưng tách biệt và khác biệt với cha mẹ của đứa trẻ.

Vì ông bà đối xử với các cháu của mình một cách thoải mái và nhân hậu hơn so với cách họ đối xử với con cái của mình, trẻ em thường cảm thấy thoải mái hơn khi thảo luận các vấn đề nhạy cảm với ông bà hơn là với cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, ông bà cần cẩn thận với những cạm bẫy như lập kế hoạch hoạt động trái với ý muốn của cha mẹ, chiều chuộng và chia rẽ cháu này với cháu khác.

Đôi khi, cha mẹ bạn có thể làm bạn ngạc nhiên với khiếu hài hước hoặc niềm vui tiềm ẩn dường như đã được sinh ra cùng thời với sự ra đời đứa con đầu lòng của bạn!

Như một người hướng dẫn tinh thần (spiritual guide)

Vai trò của ông bà trong gia đình như một người hướng dẫn tinh thần có thể giúp dạy cho con cháu biết quý trọng và đạt được những phần thưởng tinh thần như lòng nhân ái, vui vẻ, hòa bình, yêu thương, khoan dung, tôn kính, đức tin, hòa nhã và nhân hậu.

Vì ông bà không phải chịu trách nhiệm về cuộc sống hàng ngày của cháu, nhưng ông bà có thể tập trung vào sự trưởng thành và phát triển về mặt đạo đức, tinh thần của cháu bằng cách nêu gương cho cháu mình thi đua.

Như một giáo viên (As a teacher)

Ông bà trong gia đình có cơ hội tuyệt vời để truyền đạt kiến ​​thức, kỹ năng đặc biệt và kinh nghiệm của họ trong vai trò như một giáo viên. Tuy nhiên, nếu vấn đề gặp phải sự phản đối của cha mẹ của cháu bé - như trong trường hợp giá trị, lối sống, tôn giáo và truyền thống, ông bà cần nói chuyện với cháu một cách bình tĩnh và cởi mở, và cố gắng đi đến một sự thỏa hiệp.

Ông bà có thể củng cố gia đình theo những cách mà đôi khi cha mẹ không thể tự mình làm được. Họ cũng có thể hỗ trợ cho các bài học mà cha mẹ đang dạy dỗ trẻ.

Như một người chăm sóc (As a care-taker)

Trong khi có một số ông bà là người chăm sóc cháu toàn thời gian, thì trong hầu hết các gia đình, ông bà lại chỉ là người để “lấp đầy khoảng trống”. Bạn (cha mẹ) cần một người ở nhà có thể thay thế khi kế hoạch chăm sóc trẻ thông thường bị phá vỡ, chẳng hạn như trong trường hợp trẻ bị ốm phải cần phải được chăm sóc. Hầu hết các bậc cha mẹ chỉ có thể chi trả cho việc trông trẻ bán thời gian ban ngày, vì vậy ông bà sẽ là người chăm sóc đứa trẻ vào thời gian còn lại trong ngày cho đến khi cha mẹ về nhà. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ trong trường hợp cần thiết.

Như là những “học viên” (As a student)

Trong khi ông bà có rất nhiều điều để dạy cho cháu của họ, chính họ cũng có nhiều bài học quý giá cần học hỏi và học từ chính họ với nhau. Ông bà có thể trở thành những học viên bằng cách tham gia các nhóm “làm ông bà”, tham gia các lớp học, đọc sách và tạp chí về cách làm ông bà, bên cạnh việc lắng nghe những gì mà những đứa  cháu sẽ dạy cho họ.

Các cháu có thể dạy ông bà về việc cập nhật những phát minh và ý tưởng mới để giúp họ phát triển và thay đổi, đó là chìa khóa để duy trì sự trẻ trung và sôi nổi. Các cháu cũng có được ý thức về giá trị bản thân và năng lực bản thân bằng cách dạy ông bà những điều mới và chia sẻ một chút về cuộc sống và văn hóa của cháu với ông bà.

Điều mà ông bà trong gia đình nên suy nghĩ là phải can đảm trung thực với chính các con của mình (tức cha mẹ của trẻ). Họ không nên để mình bị đẩy vào một thỏa thuận chăm sóc trẻ em mà họ không thực sự muốn, và nên làm rõ mọi thứ tại sao họ lại làm như vậy. Ông bà cần giải quyết bất kỳ loại oán giận nào mà họ có thể có để họ không cảm thấy mình bị coi là “điều hiển nhiên” [Tức là: cha mẹ xem việc ông bà phải chăm cháu là điều hiển nhiên – ND].

Vai trò của ông bà trong gia đình cũng bao gồm việc thảo luận cởi mở với con của họ (tức cha mẹ). Họ có thể làm điều này bằng cách chia sẻ một bữa ăn hoặc một tách cà phê với con (tức cha mẹ của trẻ), để chia sẻ bất cứ điều gì mà họ có thể quan tâm về đứa cháu của mình. Thảo luận về sự tiến bộ của trẻ, trao đổi thông tin cho nhau về những gì đang diễn ra, lên kế hoạch cho các hoạt động và cùng nhau đưa ra những ý tưởng mới. Thay vì để ngày tháng trôi qua, hãy lên kế hoạch cho một hoạt động mỗi ngày để ngày tháng trôi không qua một cách đơn điệu.

Các cháu mang lại nguồn năng lượng, sự yêu đời, lạc quan, tiếng cười, sự tươi trẻ và mục đích cho cuộc sống của ông bà trong gia đình. Tương tự, vai trò của ông bà trong gia đình cũng là cung cấp kiến ​​thức, sự trưởng thành, ổn định và tình yêu thương vô điều kiện cho cuộc sống của các cháu.

Hãy dành chút thời gian và nghĩ về ông bà của bạn, họ đã làm tròn vai trò nào trong gia đình bạn? Trải nghiệm của bạn với ông bà là tích cực hay tiêu cực? Những vai trò nào của ông bà trong gia đình được nêu trong bài này đã được ông bà của bạn đảm nhận đối với chính bạn? 

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC THẾ HỆ (GENERATION GAP)

Tham khảo:
Generation Gaps in Culture - UK Essays; 24/2/2017
Generation Gap - ADAM HAYES, Investopedia; 30/8/2021

Tổng hợp: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Bài này đề cập đến chủ đề chính là “Khoảng cách thế hệ” (generation gap) và cũng phân tích khái niệm chung về Khoảng cách thế hệ. Nó sẽ giúp khám phá những nguyên nhân của Khoảng cách Thế hệ cũng như phân tích những nguyên nhân và ảnh hưởng đến xã hội nói chung.

KHÁI NIỆM VỀ KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ

“Khoảng cách thế hệ” là một thuật ngữ thường được sử dụng để xác định sự khác biệt về văn hóa, suy nghĩ và hành vi giữa thế hệ trẻ và những người lớn tuổi của họ. Nó cũng có thể được mô tả là những thay đổi diễn ra khi những người già và những người trẻ không thể hiểu nhau vì kinh nghiệm, thái độ, lối sống và hoạt động khác nhau của họ. Thế hệ (generation) là “một nhóm người chọn lọc được sinh ra trong cùng những năm tháng trải qua những sự kiện trọng đại trong các chu kỳ phát triển quan trọng” (Kupperschmidt, 2000 - a select group born during the same years that experienced momentous events during significant development cycles). “Khoảng cách thế hệ” đã được nghiên cứu rất nhiều trong những thập niên 1960 và 1970 (Smith, 2000).

Với quá trình liên tục của cuộc sống, sẽ luôn có những thế hệ mới. Khi xã hội tiếp tục phát triển và các đổi mới công nghệ mới phát triển, khoảng cách thế hệ sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. “Những người già hoàn toàn bị thuyết phục rằng những ý tưởng mà họ có được trong suốt cuộc đời của họ là điều tối thượng và lý tưởng (ultimate and ideal). Họ bỏ qua một số vấn đề quan trọng không còn phù hợp trong đời sống hiện đại'' (Neff, 2011). Những thay đổi xảy ra khi xã hội phát triển sẽ không bao giờ cho phép một sự đồng thuận hoàn toàn giữa các thế hệ. Khoảng cách thế hệ là một trong những vấn đề có lẽ gây tranh cãi nhất của thời đại ngày nay (Aliampi, 1969).

Một thế hệ được xác định dựa trên phạm vi năm sinh của một nhóm người. Các thế hệ có thể kéo dài vài thế kỷ kể từ khi con người là những cá thể (individuals). Không phải tất cả các thành viên trong một thế hệ đều thể hiện những tính cách giống nhau. Sự khác biệt về thế hệ là rõ ràng khi có các trào lưu hoặc đổi thay xã hội (Brunswick, 1970). Khoảng cách thế hệ là điều khó tránh khỏi trong xã hội. Những thay đổi trong xã hội nảy sinh bởi vì mọi người trở nên quen với một môi trường không ổn định. Khi xã hội của chúng ta ngày càng phát triển, mọi người có xu hướng thay đổi những sở thích và không thích của họ. Những thay đổi này trong xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển.

Khoảng cách thế hệ đề cập đến hố sâu ngăn cách về mặt niềm tin và hành vi của các thành viên thuộc hai thế hệ khác nhau. Cụ thể hơn, khoảng cách thế hệ có thể được sử dụng để mô tả sự khác biệt trong suy nghĩ, hành động và thị hiếu của các thành viên thuộc thế hệ trẻ so với thế hệ những người lớn tuổi hơn.

Sự khác biệt có thể là về các mặt chính trị, giá trị, văn hóa đại chúng và các lĩnh vực khác. Trong khi khoảng cách thế hệ đã được phổ biến trên khắp tất cả các giai đoạn lịch sử, bề rộng của sự khác biệt này đã mở rộng ra nhiều thêm trong các thế kỷ 20 và 21.

LỊCH SỬ VỀ KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ (Chủ yếu nói về hoàn cảnh tại Hoa Kỳ và các nước Châu Âu- ND)

Mặc dù luôn có những thay đổi giữa các thế hệ, nhưng cho đến thế kỷ XX, những biến đổi mạnh mẽ mà thuật ngữ này ngụ ý vẫn chưa được thấy rõ. Trong các thời đại trước đây, xã hội không có sự di động (mobile) đáng kể. Thông thường, những người trẻ sống trong các đại gia đình. Họ hoặc làm việc trong trang trại cá nhân của họ hoặc trong một doanh nghiệp của họ hàng. Với sự ra đời của vô tuyến truyền hình và các chương trình truyền hình, những người trẻ tuổi đã được tiếp xúc với tác động của những truyền thống xa lạ so với những người thân và giá trị của chính họ (Adcox, 2015). Thập niên 1920 đã giới thiệu cho thế hệ trẻ đến với các giai điệu nhạc jazz và disco, do đó tạo ra khoảng cách giữa họ với lớp người lớn tuổi hơn của họ. Nhưng lý do thực sự đằng sau sự gia tăng khoảng cách thế hệ nằm ở những năm 1950 (thế hệ “Baby Boomers”) khi những người lính vừa trở về sau chiến tranh (Thế chiến 2 – ND) và bắt đầu sinh con để nối dõi. Những người cựu chiến binh thực sự có hơi khắc nghiệt trong bản tính và không thích những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng nhiều bởi sự xuất hiện của lối sống rock. Khoảng cách thế hệ của những năm 1960 là do thế hệ cũ có những giá trị nghiêm khắc mà thế hệ trẻ không đồng ý và họ nổi loạn. Các nền văn hóa đại chúng đa dạng khác nhau đã được tạo ra, như nhạc Rock and Roll, Discos và phong trào hippies. Khoảng cách lớn sau đây được tạo ra vào những năm 1980 thể hiện kỷ nguyên MTV (Pop, Rock, v.v.) đến từ tất cả các bộ phận bao trùm thế hệ mới hoàn toàn khác với đàn anh của họ. Khoảng cách này bắt đầu mở rộng rất nhiều vào những năm 1990 và giờ đây đã gia tang cả về tốc độ và phạm vi (Khoảng cách thế hệ ở Ấn Độ).

CÁC LOẠI THẾ HỆ

Thế hệ “vĩ đại nhất” – Greatest Generation (sinh 1900 – 1920)

Thế hệ những năm 1900 - 1920 có tuổi thọ trung bình là 47 năm. Các gia đình thời đó thường rất đông người và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là rất cao. Khoảng 1/5 phụ nữ đã chết khi sinh con. Việc sinh đẻ thường được tự thực hiện tại nhà. Thế hệ này thường làm việc theo tập thể, chấp nhận những chuỗi mệnh lệnh được phân công theo thang bậc và thực hiện mọi nhiệm vụ mà không phàn nàn (Codrington, 2008). Truyền thống và lịch sử đã hướng dẫn thái độ và niềm tin của họ. Người thuộc thế hệ này được “định hướng bởi quá khứ và tiếp thu những gì thuộc về lịch sử” (Zemke và cộng sự, 2000, tr.39). Thế hệ này là những người trung thành và yêu nước (Smith, 2011). Những người thuộc thế hệ này không có khả năng phàn nàn về những điều kiện mà họ cảm thấy khó chịu (Zemke và cộng sự, 2000). Họ là những người trưởng thành đã tồn tại và đi qua Cuộc Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai.

Thế hệ im lặng – Silent Generation (sinh 1920 - 1945)

“Thế hệ im lặng” coi trọng gia đình và lòng yêu nước. Họ có cha mẹ ở nhà để chăm sóc con cái, ưa thích sự phụ thuộc và duy trì sự gắn bó theo suốt thời gian (Allen, 2004). Họ được nuôi dưỡng trong những thời kỳ nghiêm túc khi mọi người đều có nghĩa vụ làm việc. Họ là những con người bình thường và làm việc chăm chỉ vì họ ghét bị mắc nợ. Họ cho rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ, họ có thể đạt được thành công (Codrington, 2008).

Ở Hoa Kỳ, họ là những chiến binh từ cuộc chiến Triều Tiên trở về, trong khi bọn trẻ ở nhà khiêu vũ và bắt đầu chơi nhạc rock 'n' roll. Họ trở thành những nhà lãnh đạo cho phong trào dân quyền và còn gọi là “thế hệ truyền thống” (traditionalist generation). Dù rằng đây có thể là cách “gọi nhầm tên” của thế hệ này.

Thế hệ “Baby Boomers” – Thế hệ của thời kỳ “bùng nổ sinh con” (sinh 1946 - 1960)

Những người trong thế hệ này được nhận định là rất giỏi trong các mối quan hệ. Họ tôn trọng quyền của người khác và không tìm kiếm lỗi lầm ở người khác (Rath, 1999 và Zemke và cộng sự, 2000). Baby Boomers “có thể không đồng ý với lập trường và ý kiến ​​của mọi thành phần trong nhóm tuổi của mình hoặc thể hiện cùng một hành vi trong những tình huống giống nhau, nhưng trong thâm tâm, họ rất hiểu nhau” (Zemke và cộng sự, 2000, tr.72). Họ là những cá nhân làm việc để kiếm sống và sẵn sàng hy sinh để đạt được thành công (Kerstein, 2014). Họ thích mạo hiểm và có xu hướng chấp nhận rủi ro. Họ là thế hệ đầu tiên nhận ra tình trạng thất nghiệp suốt đời không còn nữa, vì vậy sự “an toàn về việc làm” (job security) không có ý nghĩa gì đối với họ, nhưng họ thường suy xét về sự hài lòng trong công việc. Họ là thế hệ đầu tiên ly hôn ở mức độ lớn và ở độ tuổi trẻ hơn so với các thế hệ trước đó (Soroptimist, 2010).

Những “baby boomers” tham gia đóng góp vào các đổi thay xã hội tại Hoa Kỳ trong các thập niên 1960 và 1970 với các phong trào dân quyền và nữ quyền. Họ chứng kiến sự gia tăng công bằng về kinh tế - xã hội tại Mỹ và già đi khi Hoa Kỳ trở nên chia rẽ về chính trị, về các vấn đề chiến tranh và công bằng xã hội.

Thế hệ X (sinh 1960 - 1989)

Thế hệ X lớn lên trong khi trải qua thời kỳ khủng hoảng. Thế hệ X thường được coi là “thế hệ lạc lõng hoặc bị bỏ lơ” (lost or overlooked generation) (Ware và cộng sự, 2007, tr.59). Họ là những đứa con đầu lòng trong thời cổ xưa mà các bà mẹ có thể đã uống thuốc để không sinh ra họ (Nguyên văn: “They were the first offspring in the olden times that mothers could take pills not to have”). Phần lớn thế hệ X lớn lên trong suốt thời kỳ hỗn loạn của thập niên 1970, (Smith, 2011). Họ làm việc để có một cuộc sống chứ không phải sống để làm việc, họ phấn đấu để có được sự cân bằng trong cuộc sống của mình. Họ là những nhà khám phá tâm linh (spiritual explorers) với niềm tin vào những thứ siêu nhiên (Codrington, 2008). Họ độc lập và được xác định là có trách nhiệm và biết kiềm chế. Họ tập trung vào mục tiêu và biết giải quyết vấn đề (Soroptimist, 2010).

Thế hệ lớn lên với sự trỗi dậy của công nghệ, cùng sự bất toàn của các thiết chế chính trị. Ở Mỹ, họ có thể chứng kiến vụ bê bối Watergate, thảm hoạ ở Three Mile Island và vụ khủng hoảng con tin ở Iran. Nhưng họ cũng chứng kiến các tiến bộ về công nghệ, máy in ronéo có thể in ra nhanh chóng nhiều bản sao và máy fax, mở đường cho thư điện tử sau này.

Thế hệ Y – Còn gọi là Millennials, thế hệ những người chuyển tiếp giữa 2 thiên niên kỷ mới (sinh 1989 - 2000)

Thế hệ Y bị làm “hỏng” (spoilt) bởi máy tính và những tiến bộ công nghệ mạnh mẽ. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của thế hệ này là sự thư thái của họ đối với công nghệ và giỏi về công nghệ (Kersten, 2002 và Niemiec, 2000). Họ là thế hệ đầu tiên lớn lên với internet và phụ thuộc vào công nghệ (Soroptimist, 2010). Họ được sinh ra với “một con chip siêu nhỏ trong miệng” thay vì ngậm một chiếc thìa bằng vàng hoặc bạc. Thế hệ này cho rằng nhờ công nghệ, nhiệm vụ có thể được thực hiện ở mọi nơi (Smith, 2011). Họ cũng tự tin và tự phụ (Codrington, 2008). Phần lớn thế hệ Y quen thuộc với “ly hôn, ma túy, tình dục, AIDS, băng nhóm và súng” (Zemke và cộng sự, 2000, tr.136). Thế hệ này cam kết làm việc theo nhóm để phát triển và đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các ứng xử tại nơi làm việc của họ (Zemke và cộng sự, 2000).

Họ có thể chứng kiến những sự kiện bi thương khi còn nhỏ như vụ xả súng ở Trung học Columbine 1999 hoặc vụ khủng bố ngày 11/9/2001, trải qua thời kỳ tổng suy trầm năm 2008 khiến tổn hại đến đến cái nhìn dài hạn về tài chính của họ.

Thế hệ Z - GenZ

Là thế hệ đến sau những Millennials. Sinh từ 1996 đến 2012. Thế hệ này hiện là những người trẻ, vị thành niên và trẻ em. Là thế hệ đầu tiên lớn lên với internet đã trở thành một thực tế trong đời sống, chưa hề biết đến một thế giới khi chưa có thư điện tử (email). Họ có cơ hội tiếp cận nhanh đến các nguồn thông tin và sớm sử dụng điện thoại di động, điện thoại thông minh.

Thế hệ Z được kỳ vọng là những người thành công về tài chính và lớn lên trong một nền kinh tế vững mạnh. Những biến động về kinh tế năm 2020 và COVID-19 đã làm gián đoạn tính ổn định ấy và những gì xảy ra kế tiếp vẫn còn cần được xác định thêm. GenZ cũng tương tự như thế hệ Y về niềm tin về tiến bộ, công bằng xã hội và tầm quan trọng của biến đổi khí hậu. Họ có tính đa dạng về sắc tộc và chủng tộc.

Ý NIỆM VỀ KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ

Khoảng cách thế hệ được coi là một trở ngại khó tránh khỏi đối với sự giao tiếp giữa người trẻ và người già. Những xung đột này thường nảy sinh do quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và sự di chuyển của gia đình (urbanization, industrial development and family mobility) (Bengtson và Achenbaum, 1993). Sự khác xa về thể chất giữa những người trẻ tuổi và những người lớn tuổi đã dẫn đến sự thiếu kết nối nhất quán giữa các thế hệ và làm gia tăng nhận thức sai lầm và hiểu lầm giữa thế hệ trẻ và thế hệ già (Newman, 1997).

Becker (2000) phát biểu rằng “các thế hệ trở nên khác biệt do những tác động của sự thay đổi không liên tục về mặt xã hội vĩ mô lên hành vi cá nhân trong các giai đoạn của quá trình sống. Ngay khi một thế hệ mới phát triển, sự phát triển của các thành viên trước và sau thời kỳ ấy có thể được nghiên cứu để khảo sát các thiết chế liên quan đến thế hệ mới” (tr. 117). Mead (1970) nhấn mạnh vào thực tế rằng, “Người lớn ngày nay biết về sự thay đổi nhiều hơn so với bất kỳ thế hệ nào trước đây. Vì vậy, chúng ta bị tách biệt với cả những thế hệ đi trước lẫn với những người trẻ đã khước từ quá khứ và tất cả những gì người lớn tuổi của họ đã tạo ra cho hiện tại” (tr. 79). Gutman (1985) cho rằng trong xã hội hiện đại “thế hệ trẻ hiện nay đã được xã hội hóa với niềm tin rằng “trẻ là đẹp, già là xấu” để đối đáp lại với niềm tin rằng “người trẻ biết, nhưng người già thì mới có thể” (Jefferys 1997, p. 82).

Chow (2001) chỉ ra rằng người trẻ quan tâm và chú ý đến cha mẹ cũng như chấp nhận và tuân theo sở thích của họ dưới hình thức thể hiện sự tôn trọng họ. Ông cũng cho rằng “con cái ngày nay không còn muốn hỏi ý kiến ​​cha mẹ như ngày xưa” ở cả khía cạnh kết hôn và tìm kiếm việc làm. Hoàn cảnh xã hội đã phát triển theo hướng mà họ thường làm cho sự hướng dẫn của cha mẹ trở nên không thoả đáng và phù hợp nữa (Chow, 2001). Những đứa con đã thất bại trong việc thực hiện hy vọng của cha mẹ về sự vâng lời khi đưa ra các lựa chọn trong đời. Do đó, đây là một trong những vấn đề quan trọng dẫn đến sự tái diễn của “khoảng cách thế hệ”.



Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

BÀN VỀ CÁCH LÀM VIỆC VỚI TRẺ EM TRONG LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH - Phần 1

Tựa đầy đủ: "Hiện diện tại đó, trải nghiệm và tạo không gian cho một cuộc đối thoại: Bàn về cách làm việc với trẻ em trong liệu pháp gia đình"

Being there, experiencing and creating space for dialogue: about working with children in family therapy

Tác giả: PETER ROBER Nhà tâm lý lâm sàng, nhà trị liệu gia đình, đào tạo viên liệu pháp gia đình tại Bệnh viện Đại học Leuven (Louvain), Vương quốc Bỉ.
Nguồn: Journal of Family Therapy (2008) 30: 465-477

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Phần 1

Trong khi hầu hết các tác giả đều nhất trí về tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia tích cực của trẻ em trong các phiên trị liệu gia đình, rất nhiều nhà trị liệu gia đình đã “loại trừ” sự tham gia của trẻ em bởi vì họ cảm thấy không thoải mái khi làm việc với trẻ em. Việc huấn luyện cho các nhà trị liệu gia đình cảm thấy thoải mái hơn với trẻ em là điều tốt nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày tính phức tạp về chủ đề sự thoải mái của nhà trị liệu trong phiên trị liệu với trẻ em và gia đình. Trong phần bàn luận về trường hợp của Elly và mẹ, người đọc cũng sẽ được lưu ý về việc những trải nghiệm có được trong phiên trị liệu có thể giúp cho nhà trị liệu hiểu được những gì đang diễn ra bên trong gia đình mà mình đang làm việc.

 

PHẦN DẪN NHẬP

Nhiều nhà trị liệu có kinh nghiệm đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bao gồm sự tham gia của trẻ em trong các phiên trị liệu gia đình. Chẳng hạn như người tiên phong trong lĩnh vực liệu pháp gia đình, Nathan Ackerman (1970) đã cho rằng liệu pháp gia đình không thể thực hiện được khi không xảy ra sự trao đổi một cách có ý nghĩa giữa các thế hệ. Andolfi (1982) cũng đã viết rằng để có thể thực sự hiểu được lịch sử của một gia đình cũng như hiểu được gia đình đó hiện đang như thế nào thì nhà trị liệu gia đình phải nói chuyện với toàn thể gia đình, bao gồm cả trẻ em trong đó. Theo Andolfi, những đứa trẻ có thể cung cấp cho nhà trị liệu những chỉ báo tốt về bầu khí cảm xúc bên trong gia đình. Ông đề nghị nhà trị liệu gia đình nên đặt trẻ em (đặc biệt là đứa trẻ mang triệu chứng) vào vị trí như một “nhà tư vấn” (consultant) hoặc như một nhà đồng trị liệu (co-therapist): đứa trẻ khi đó sẽ trở thành “sợi chỉ của Adriadne” giúp dẫn đường cho nhà trị liệu có thể đi được trong mê cung (Andolfi và cs., 1989; Andolfi, 1995). Ngoài ra, nhiều vị tiên phong khác về liệu pháp gia đình cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trẻ em tham gia vào tiến trình trị liệu (Minuchin, 1974; Whitaker và Keith, 1981). Cuộc nghiên cứu Delphi do Sori và Sprenkle thực hiện năm 2004 cũng cho kết luận chính tương đồng như những phát biểu của các nhà tiên phong về liệu pháp gia đình: trẻ em nên được tham gia vào các phiên trị liệu gia đình. Đã có những nghiên cứu kết quả theo kinh nghiệm (empirical outcome research) về hiệu quả của liệu pháp gia đình trong trị liệu cho trẻ em (ví dụ Carr, 2009), nhưng theo như tôi được biết thì chưa có nghiên cứu theo kinh nghiệm nào so sánh hiệu quả giữa liệu pháp gia đình có sự tham gia của trẻ em với liệu pháp gia đình không có trẻ em tham gia. Có một điểm nổi bật quan trọng được nhận thấy trong các nghiên cứu theo kinh nghiệm đó là: ngay cả khi có trẻ em hiện diện trong phòng trị liệu, trẻ cũng có thể đã không tham gia một cách tích cực vào tiến trình trị liệu (Cederborg, 1997). Trong những phiên trị liệu gia đình, trẻ em dường như chỉ được “nói về” thay vì được mời gọi tham gia trực tiếp vào cuộc đối thoại.

Tiếng nói của trẻ em trong liệu pháp gia đình

Việc trẻ em thường được xem như một chủ đề của cuộc đối thoại thay vì đóng vai trò như những thành viên tham gia tích cực vào cuộc đối thoại cũng ăn khớp với các kết quả quan sát từ một số tác giả qua đó trẻ em thường bị đặt ra ngoài liệu pháp gia đình (Zilbach, 1986; Chasin và White, 1989; Carr, 1994; Rober, 1998; Lind và cs., 2004; Sori, 2006). Korner và Brown (1990) đã khảo sát 173 nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại Hoa Kỳ và đã phát hiện khoảng 40% nhà trị liệu gia đình chẳng bao giờ tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các phiên trị liệu của họ, và khoảng 31% nhà trị liệu cho trẻ em hiện diện nhưng không thực sự cho trẻ tham dự tiến trình trị liệu. Nhiều nhà trị liệu hôn nhân và gia đình dường như chỉ chủ yếu làm việc với các cá nhân hoặc những đôi lứa.

Những phát hiện trong nghiên cứu của Korner và Brown gây chủ ý hơn cả là về việc chính các trẻ em cũng xem việc được tham gia các buổi trị liệu là quan trọng. Đó cũng là điều mà Stith và cs. (1996) đã phát hiện trong nghiên cứu “Tiếng Nói Của Trẻ Em” của họ, trong đó họ đã phỏng vấn những trẻ em (từ 5 đến 13 tuổi) được tham gia vào liệu pháp gia đình. Các nhà nghiên cứu muốn xác định những cách nhìn của trẻ về các trải nghiệm mà trẻ có được qua liệu pháp gia đình. Một trong những phát hiện nổi trội nhất trong nghiên cứu đó là trẻ em muốn được tham gia một cách có ý nghĩa vào liệu pháp gia đình. Mặc dù ban đầu trẻ thường không muốn đến với trị liệu, nhưng với thời gian hầu hết trẻ em đều thấy những phiên trị liệu là có giá trị. Ngay cả khi trẻ không thực sự tập trung vào việc trị liệu, trẻ vẫn muốn hiện diện ở đó cùng với bố mẹ. Một phát hiện thú vị khác đó là những trẻ đó đã nói với những nhà nghiên cứu rằng trẻ càng cảm thấy thoải mái trong tiến trình trị liệu thì trẻ càng hiểu biết về những gì xảy ra trong gia đình và về những động cơ nào khiến bố mẹ đã cần đến việc trị liệu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em muốn tham gia trị liệu theo những cách thức riêng của trẻ: trẻ không muốn chỉ có “nói”, trẻ còn muốn “làm” một cái gì đó nữa. Phát hiện này có thể có tính khích lệ đối với những nhà trị liệu trong việc sử dụng những kỹ thuật định hướng hành động (action-oriented techniques) khi họ làm việc với trẻ em.

Cảm thấy thoải mái với trẻ em

Trẻ em đương nhiên không cần tham gia liệu pháp gia đình vào mọi lúc. Đôi khi cũng có những lý do chính đáng để nhà trị liệu chỉ làm việc riêng với bố mẹ (Sori và Sprenkle, 2004). Ví dụ khi nói về chủ đề tính dục hoặc sự thân mật của bố mẹ thì tốt hơn là nên nói khi không có trẻ em hiện diện. Mặt khác, dường như nhiều nhà trị liệu cũng có những lý do cá nhân hoặc theo kinh nghiệm khiến họ không bao gồm trẻ em vào cuộc trị liệu (Andolphi, 1982; Zilbach, 1986; Chasin và White, 1989; Wachtel, 1994). Vì thế, trong một nghiên cứu của Johnson và Thomas (1999), 143 nhà lâm sàng thành viên của AAMFT (Hiệp hội Trị liệu Hôn nhân – Gia đình Hoa Kỳ) đã được khảo sát, trong đó 49,7% các nhà trị liệu gia đình đã loại trẻ em ra khỏi các cuộc trị liệu do bởi việc cá nhân họ không cảm thấy thoải mái đối với trẻ em. Những nhà trị liệu nào cảm thấy thoải mái với trẻ em hơn thì thường dễ mời gọi trẻ tham gia trị liệu nhiều hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy các nhà trị liệu có khuynh hướng loại ra khỏi cuộc trị liệu những trẻ em nào có vấn đề bộc lộ ra bên ngoài (chẳng hạn như tăng động hoặc rối loạn ứng xử) hơn so với những trẻ có vấn đề ẩn chứa bên trong (ví dụ trầm cảm). Johnson và Thomas (1999) cũng lưu ý: “Những trẻ em hung hăng, bột phát có thể gây thách thức cao đối với phiên trị liệu. Yêu cầu bố mẹ giao đứa trẻ như thế cho một người giữ trẻ thì dễ hơn rất nhiều so với việc phải chật vật thực hiện phiên trị liệu với một đứa trẻ như thế” (trang 121).

Một thách thức

Làm việc với bất cứ đứa trẻ như thế nào cũng đều là một thách thức khi thực hiện liệu pháp gia đình. Một số trẻ có thể gây ồn ào và mất trật tự khiến người lớn rất khó nói chuyện. Một số trẻ khác lại quá im lặng đến mức nhà trị liệu cảm thấy mất phương hướng, hụt hẫng và bất lực bởi vì loại phương tiện chính yếu của mình (lời nói) đã trở nên vô dụng. Ngoài ra, không chỉ những đứa trẻ mà chính bố mẹ của chúng cũng gây nên những căng thẳng cho nhà trị liệu. Bố mẹ (chứ không phải trẻ em) là những người khởi xướng yêu cầu được trị liệu và đặt ra những kỳ vọng cao bởi vì họ bị kiệt sức khi đã vô phương hóa giải những phiền muộn về tương lai của con mình. Đôi khi nhà trị liệu cảm thấy những phụ huynh kia đang kiểm tra cách thức nhà trị liệu xử lý tình huống đang diễn ra. Bố mẹ của đứa trẻ cũng có thể cảm thấy “nhẹ lòng” khi nhìn thấy nhà trị liệu thất bại trong việc làm cho trẻ nói ra, vì thông qua sự thất bại của nhà trị liệu mà họ tìm được bằng chứng cho thấy họ cũng không đến nỗi đáng trách: “Ngay cả vị chuyên gia này cũng không xử lý nổi con của tôi”. Ngược lại, một nhà trị liệu rất thành thạo trong việc nói chuyện và chơi với trẻ em có thể thực hiện những cách thức tiếp túc với trẻ mà chẳng bao giờ bố mẹ trẻ có thể làm được; khi đó có thể phát sinh các chủ đề nhạy cảm như là sự khiển trách hoặc sự cạnh tranh nơi bố mẹ. Một sự tiếp xúc tốt giữa nhà trị liệu và đứa trẻ có thể làm gia tăng sự ngưỡng mộ và thu hút của bố mẹ đối với nhà trị liệu, đồng thời lại cũng làm mạnh thêm nỗi lo sợ ở bố mẹ vì những kỹ năng chăm nuôi con hạn chế của họ.

Sự phức tạp trong việc trẻ em tham gia vào liệu pháp gia đình đã chỉ ra tầm quan trọng của việc đưa chủ đề này vào trong việc huấn luyện những nhà trị liệu trẻ tuổi. Sori và Sprenkle (2004) nhận thấy rằng những lĩnh vực có nội dung chuyên biệt như phát triển trẻ em và tâm bệnh lý trẻ em cần được bao gồm trong quá trình đào tạo về liệu pháp gia đình. Ngoài ra, các nhà trị liệu gia đình trong quá trình huấn luyện nên được khuyến khích suy nghĩ một cách có hệ thống và cần biết rằng trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của bố mẹ, cũng như bố mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của con mình. Các chương trình đào tạo về liệu pháp gia đình phải huấn luyện cho những sinh viên trẻ tuổi những kỹ năng có tính thực hành chẳng hạn như làm sao để nói chuyện với trẻ em, làm thế nào để thiết kế một phiên trị liệu theo cách thức giúp trẻ cảm thấy an toàn, làm thế nào để sử dụng những kỹ thuật nghệ thuật không dùng lời nói (ví dụ như vẽ tranh, sử dụng con rối, khay cát) vv... Sori và Sprenkle (2004) cho rằng những tính cách như khả năng vui đùa và tính sáng tạo của nhà trị liệu nên được nhấn mạnh khi huấn luyện liệu pháp gia đình.

Nhằm tránh việc trẻ em bị đặt bên ngoài liệu pháp gia đình, điều quan trọng trong huấn luyện là phải giúp cho thực tập sinh cảm thấy thoải mái khi làm việc với trẻ em và gia đình. Sori và Sprenkle (2004) khuyến cáo các chương trình huấn luyện nên tạo cơ hội để người học có thể tiếp thu những trải nghiệm thực tế khi làm việc với những gia đình có con ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau và với các thể loại vấn đề đa dạng khác nhau. “Sự thoải mái chỉ có thể tiếp nhận được thông qua sự trải nghiệm và được giám sát tốt” (Sori và Sprenkle, 2004, trang 493). Mặc dù khuyến cáo này rõ ràng là tốt, tính phức tạp về sự thoải mái khi làm việc với trẻ em vẫn là một chủ đề phức tạp hơn là người ta vẫn tưởng.

Thoải mái và không thoải mái

Cũng có lẽ không hẳn là điều hay nếu chỉ đơn thuần nhắm vào việc gia tăng tối đa mức độ thoải mái của nhà trị liệu trong quá trình đào tạo. Vì nhiều lý do khác nhau, chủ đề về mức độ thoải mái của nhà trị liệu gia đình khi làm việc với trẻ em vẫn là một chủ đề phức tạp.

Điều trước tiên phải kể đến, nếu nói về cảm giác không thoải mái mà không định rõ loại cảm giác không thoải mái nào đang được nói đến thì chủ đề vẫn còn được đề cập quá chung chung. Đó là vì có nhiều loại cảm giác không thoải mái mà nhà trị liệu có thể trải nghiệm khi họ làm việc với gia đình và trẻ em. Khi đào tạo những nhà trị liệu gia đình trẻ tuổi, rất cần phải khảo sát chính xác loại khó khăn nào họ gặp phải khi làm việc với trẻ em: cảm giác tự ngờ vực, lo sợ mình sẽ mất khả năng kiểm soát, hoặc không thành công trong việc thiết lập mối quan hệ với trẻ vv... Điều thứ hai là cảm giác không thoải mái khi làm việc với gia đình có trẻ em xảy ra trong phạm vi trách nhiệm của nhà trị liệu (Nguyên văn: “feeling discomfort in working with families with children comes with the territory”) (Wilson, 2005), và thay vì bằng mọi cách tránh né cảm giác không thoải mái, nhà trị liệu cũng phải dung nạp phần nào cảm giác ấy. Điều thứ ba là, nhà trị liệu khi làm việc với trẻ em cũng cần có sự thoải mái ở một chừng mực nào đó, thế nhưng cảm giác quá thoải mái lại có thể chẳng hữu ích chút nào, vì nó có thể dẫn đến một kiểu trị liệu “an toàn” nhưng lại rất “nghèo nàn” (Nguyên văn: “a safe but sterile kind of therapy”). Có lẽ để trở thành một nhà trị liệu gia đình hiệu quả, những gì mà một nhà trị liệu cần đến đó là PHẢI CẢM THẤY AN TOÀN ĐỦ ĐỂ CÓ THỂ TIẾP NHẬN NHỮNG NGUY CƠ. Wilson (2005, 2007) khuyến cáo rằng để giúp đỡ cho gia đình, nhà trị liệu đôi khi cần phải rời khỏi khu vực an toàn và ứng tác của bản thân mình. Wilson (2007) mô tả sự đối diện với hoàn cảnh trị liệu giống như một “sân khấu của các khả năng” (theatre of possibilities) và nhà trị liệu gia đình là một nhà trị liệu “ứng tác” (improvisational therapist), người có thể sẽ mạo hiểm đi vào “khu vực không thoải mái” để gắn kết hiệu quả với gia đình mà mình đang làm việc.

Sau cùng, việc đó sẽ có lợi nếu nhà trị liệu chú tâm đến cả những cảm giác thoải mái lẫn không thoải mái của mình. Điều này giúp nhà trị liệu có thể lưu tâm đến những cảm giác thoải mái và không thoải mái của chính những thành viên bên trong gia đình, tạo khả năng cho nhà trị liệu có thể gắn kết với gia đình theo một cách thức – mà theo kiểu nói của Tom Andersen (1987, 1991) – có tính khác biệt nhưng không quá bất thường (Wilson, 2005). Ngoài ra, cũng sẽ có lợi khi nhà trị liệu chú tâm đến những trải nghiệm của chính mình trong phiên trị liệu bởi vì có rất nhiều điều có thể học được từ việc lắng nghe một cách cẩn thận những cảm giác thoải mái hoặc không thoải mái của chính bản thân mình: Chính xác điều gì đã làm cho tôi cảm thấy thoải mái trong phiên trị liệu này? Và điều gì đã làm tôi cảm thấy không thoải mái? Việc phản ảnh một cách thận trọng những trải nghiệm thoải mái hoặc không thoải mái của chính bản thân mình có thể mở ra không gian cho việc sử dụng những cảm nhận có được trong phiên trị liệu này như một “chiếc cầu thấu cảm” (empathic bridge) nối đến các thành viên bên trong gia đình, tạo nên những sự nối kết mới, tạo khoảng mở cho những khả năng đối thoại đáng ngạc nhiên và có thể kể ra những câu chuyện chưa được kể.

Xem tiếp Phần 2

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...