Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

THAM VẤN PHÁT HUY TIỀM NĂNG

Empowerment Counseling
Nguồn: Psychology iResearch

Người dịch: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu



Thuật ngữ empowerment lần đầu tiên được sử dụng vào giữa thế kỷ 17. Trong lịch sử, thuật ngữ này được mô tả là quá trình để cho người khác có quyền hoặc là trao quyền cho họ (giving power to, or empowering, others). [Chúng tôi chọn cách dịch là "phát huy tiềm năng - ND]. Nói cách khác, phát huy tiềm năng có thể được hiểu như là một cách để giúp đỡ người khác tự giúp đỡ bản thân họ. Trong các mô tả đương đại về phát huy tiềm năng, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến và được nhiều người biết đến, và nó là một thuật ngữ thường xuyên được sử dụng trong xã hội. Các định nghĩa hiện đại thì vẫn tương tự như các định nghĩa trước đây, nhưng chúng rộng hơn và bao gồm cả quá trình cho phép người khác đạt được kiểm soát và sức mạnh. Phát huy tiềm năng còn liên quan đến việc thực hành tăng cường quyền hạn (increasing power) - từ trong cá nhân đến cộng đồng rộng lớn - để cá nhân và các nhóm có thể hành động nhằm cải thiện tình hình của họ. Mô tả này giải thích phát huy tiềm năng là một cách cho phép mọi người sở hữu hoặc ủy thác quyền hạn của họ. Phát huy tiềm năng có thể bắt nguồn từ những tác động bên ngoài, nhưng nó cũng là thứ có thể được tạo ra bên trong một người, được gọi là tự-phát-huy-tiềm-năng (self-empowerment).

GIẢI THÍCH

Lịch sử

Có nhiều bối cảnh khác nhau trong đó việc phát huy tiềm năng có thể diễn ra, bao gồm cả trong các cơ cấu hành nghề. Trong cơ cấu hành nghề, việc phát huy tiềm năng có thể được định nghĩa là quá trình khuyến khích và cho phép người lao động chủ động cải thiện chất lượng và các điều kiện trong môi trường làm việc của họ. Phát huy tiềm năng cũng cho phép người lao động cải thiện hoạt động hoặc dịch vụ của tổ chức mà họ được tuyển dụng. Một số hình thức phát huy tiềm năng đã tồn tại, chẳng hạn như phát huy tiềm năng cá nhân, phát huy tiềm năng xã hội và phát huy tiềm năng chính trị. Các ví dụ thường được tham khảo về phát huy tiềm năng bao gồm phong trào về quyền công dân trong những thập niên 1950 và 1960 và phong trào nữ quyền, bắt đầu vào giữa những năm 1800, cả hai đều mong muốn đạt được quyền chính trị cho những người ủng hộ. Một số nhà lãnh đạo nổi tiếng trong việc đấu tranh cho quyền chính trị bao gồm Cesar Chavez, Mahatma Gandhi, Malcolm X, Nelson Mandela, và Martin Luther King, Jr.

Vấn đề đa văn hóa

Các vấn đề về phát huy tiềm năng rất quan trọng đối với chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism), đặc biệt là đối với các nhóm bị áp bức và các nhóm dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội. Phát huy tiềm năng liên quan đến năng lực văn hóa vì cả hai đều tập trung vào cách mà các nhóm người đã trải qua như thế nào đối với các vấn đề như tình trạng phân biệt chủng tộc (racism) và phân biệt đối xử (discrimination). Việc phát huy tiềm năng góp phần thay đổi và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người cũng như cải thiện xã hội. Từ góc độ công bằng xã hội, việc phát huy tiềm năng bao gồm việc để cho người ta có quyền đưa ra quyết định và lựa chọn của riêng họ và cho phép họ hành động theo những quyết định và lựa chọn đó. Việc phát huy tiềm năng có thể được tạo ra bên trong các cá nhân để giải quyết sự bất bình đẳng trong cuộc sống của họ hoặc nó có thể được tạo ra giữa các cộng đồng để giúp các nhóm đông người có thể có được quyền kiểm soát những hoàn cảnh sống của họ. Việc phát huy tiềm năng có thể mang lại nhiều lựa chọn và tự do hơn cho các cá nhân và nhóm và có thể khiến họ tham gia nhiều hơn vào các tổ chức và các nỗ lực vận động chính sách. Hơn nữa, việc phát huy tiềm năng có thể tạo điều kiện để có được sự tôn trọng, mối quan hệ bền chặt với người khác và cảm giác kết nối với một cộng đồng lớn hơn.

Khái niệm hóa sự phát huy tiềm năng (Conceptualization of Empowerment)

Quá trình phát huy tiềm năng bao gồm nhiều điều hơn là chỉ gia tăng khả năng tiếp cận đến quyền hạn. Việc phát huy được tiềm năng cũng liên quan đến sự thay đổi trong cách suy nghĩ của mọi người, sao cho có thể hình thành được khả năng nhận thức và tư duy phản biện. Ngoài ra, sự phát huy tiềm năng không phải là thứ có thể bị thúc ép đối với người khác. Nếu cá nhân hoặc nhóm muốn tạo ra sự phát huy tiềm năng nơi người khác, thì nên tạo ra các điều kiện cho sự phát huy tiềm năng được thuận lợi để phát triển, sự phát huy tiềm năng không nên bị thúc ép. Lý thuyết phát huy tiềm năng giải thích rằng sự phát huy tiềm năng liên quan đến quá trình thay đổi niềm tin và thái độ trong bản thân một người hoặc giữa nhóm người, từ đó dẫn đến sự thay đổi xã hội. Sự phát huy tiềm năng đã được mô tả là được gắn kết về mặt sinh thái và hoạt động trong các kết nối phức tạp giữa các cá nhân, nhóm và các bối cảnh cộng đồng. Như vậy, phát huy tiềm năng là một khái niệm thay đổi theo thời gian và có những hình thức khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân.

Ý thức phản biện (Critical Consciousness)

Một khía cạnh cơ bản của lý thuyết phát huy tiềm năng (empowerment theory) bàn về sự phát triển của ý thức phản biện trong những người đang nỗ lực để tạo ra sự thay đổi trong suy nghĩ của chính họ. Ý thức phản biện là quá trình nhận biết sự áp bức và hành động chống lại sự áp bức vốn đã được thừa nhận này. Các lý thuyết về sự phát huy tiềm năng giải thích rằng sự phát triển của ý thức phản biện liên quan đến ba quá trình tâm lý: sự đồng nhất hoá với nhóm (group identification), ý thức nhóm (group consciousness) và tính hiệu quả (efficacy). Các quá trình tâm lý này thường xảy ra nối tiếp nhau, độc lập hoặc kết hợp với nhau. Quy trình đầu tiên liên quan đến các thủ tục gia nhập vào nhóm. Đồng nhất hoá với nhóm được mô tả là sự đồng nhất hoá với những trải nghiệm và những mối quan tâm chung, một sự ưa thích của một người đối với nhóm của mình, cùng với nền văn hóa và những chuẩn mực của nó. Quá trình tâm lý thứ hai của ý thức phản biện liên quan đến cái được gọi là ý thức nhóm. Ý thức nhóm là sự hiểu biết về những khác biệt về địa vị và quyền hạn giữa các nhóm khác nhau. Quá trình thứ ba của ý thức phản biện là hiệu quả bản thân và/hoặc hiệu quả tập thể, đề cập đến niềm tin vào khả năng thực hiện một nhiệm vụ hoặc trách nhiệm nhất định. Ví dụ: phát huy tiềm năng liên quan đến tính hiệu quả đề cập về nhận thức của con người về khả năng tạo ra sự thay đổi xã hội của họ. Ý thức phản biện là một đóng góp đáng kể vào sự phát triển của việc phát huy tiềm năng vì các nhóm và cá nhân tin tưởng vào khả năng của họ để tạo ra sự thay đổi và sẽ có nhiều khả năng được phát huy tiềm năng hơn.

THAM VẤN

Trong tham vấn, phát huy tiềm năng được xem là một cách tập trung vào các vấn đề về việc yếu kém quyền năng, còn được gọi là mất quyền hạn (powerlessness), và để dàn xếp vai trò của việc thiếu khả năng trong việc hình thành và duy trì các vấn đề xã hội. Các chủ đề về phát huy tiềm năng thường xuất hiện trong tham vấn, với trọng tâm là niềm tin của thân chủ về bản thân họ. Sự nhấn mạnh này có thể khơi dậy thân chủ để họ góp phần vào sự thay đổi - cả sự thay đổi mà họ muốn cho chính họ và sự thay đổi mà họ muốn thấy ở những người khác. Sự đóng góp vào sự thay đổi này thường cũng liên quan đến sự thay đổi của cộng đồng và xã hội. Vai trò của sự phát huy tiềm năng trong tham vấn gợi nên một cách thức mới để xem xét về tham vấn, vì sự phát huy tiềm năng (trong tham vấn) cũng có thể dẫn đến sự phát triển các chương trình và chính sách mà từ đó lại tạo ra những môi trường biết cách phát huy tiềm năng.

Trong tham vấn, phát huy tiềm năng thường được khái niệm hóa ở cấp độ cá nhân. Phát huy tiềm năng cho cá nhân cũng có thể được biết đến và được mô tả là phát huy tiềm năng về mặt tâm lý (psychological empowerment). Phát huy tiềm năng trong bối cảnh tham vấn liên quan đến quá trình cùng làm việc với thân chủ để thực hiện những thay đổi mà họ muốn thực hiện trong cuộc sống của mình. Zimmerman mô tả ba khía cạnh của phát huy tiềm năng cá nhân, hoặc tâm lý: nội tâm, tương táchành vi. Khía cạnh nội tâm được mô tả là cách mọi người nghĩ về bản thân và bao gồm các khái niệm như hiệu quả bản thân và động cơ (self-efficacy and motivation). Thành phần tương tác đề cập đến môi trường xã hội và cách mọi người suy nghĩ về và liên hệ đến môi trường xã hội của họ. Thành phần cuối cùng, hành vi, liên quan đến các hành động mà mọi người thực hiện để tạo ra ảnh hưởng của họ đối với môi trường chính trị và xã hội. Điều này được thực hiện thông qua việc tham gia vào các tổ chức và hoạt động cộng đồng. Sự hiểu biết về ba thành phần này là rất quan trọng trong các mối quan hệ tham vấn vì sức mạnh của cả ba thành phần này là cần thiết để con người có thể trở nên phát huy được tiềm năng của mình .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...