Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

TỶ LỆ SINH CON NGOÀI HÔN NHÂN GIA TĂNG ĐÁNG KỂ Ở HOA KỲ TỪ 1990 ĐẾN 2016

Dramatic increase in the proportion of births outside of marriage in the United States from 1990 to 2016

Các tác giả: ELIZABETH WILDSMITH, JENNIFER MANLOVE, ELIZABETH COOK

Nguồn: Child Trends – 08/8/2018

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Gia đình là nơi trẻ em được sinh ra và là nơi trẻ trải qua những năm đầu thời thơ ấu, những nơi ấy đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Trong số những thay đổi đáng chú ý nhất đó là sự gia tăng tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân hay còn gọi là ngoài giá thú (nonmarital childbearing) - tức là tỷ lệ phần trăm trẻ em được sinh ra từ các bậc cha mẹ không kết hôn. Các ước tính gần đây cho thấy khoảng 40% các ca sinh ở Hoa Kỳ là ngoài hôn nhân, tăng so với 28% vào năm 1990 (Child Trends, 2016). Sự gia tăng này phù hợp với những thay đổi trong việc sinh con ngoài hôn nhân trên toàn thế giới (Chamie, 2017).

Các phân tích mới của Child Trends chỉ ra rằng khả năng một đứa trẻ được sinh ra từ các bậc cha mẹ chưa kết hôn thay đổi đáng kể theo trình độ học vấn hiện tại của người mẹ cũng như chủng tộc và dân tộc của cô ấy.

Vào năm 2016, 28% tổng số ca sinh của phụ nữ da trắng không phải gốc Latin (non-Hispanic) xảy ra ngoài hôn nhân, con số này cao gần gấp đôi so với 15% số ca sinh của cùng nhóm nhân khẩu học này không kết hôn vào năm 1990. Năm 2016, 52% tổng số phụ nữ gốc Latin (Hispanic) sinh con ngoài hôn nhân, so với 34% vào năm 1990 (tăng hơn 50%). Tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân cũng tăng đối với phụ nữ gốc Phi không phải gốc Latin từ năm 1990 đến năm 2016, từ 63 lên 69% (tăng 9%), mặc dù mức độ thấp hơn nhiều so với phụ nữ da trắng và gốc Latin.

[Chú thích: Từ “Hispanic” thường được sử dụng ở Hoa Kỳ để chỉ những người dân ở Hoa Kỳ có gốc đến từ những quốc gia Trung và Nam Mỹ, chịu ảnh hưởng văn hoá Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; phân biệt với “Spanish”, để chỉ người Tây Ban Nha chính gốc. Trong bài, chúng tôi tạm dịch “Hispanic” là “gốc Latin”, hoặc Latino, cùng một nghĩa. Ngoài ra, trong nguyên văn bài gốc dùng chữ “black” để chỉ người da đen, chúng tôi dịch là “gốc Phi”. Còn từ "whites" thường dùng để chỉ các sắc dân da trắng, gốc châu Âu, không thuộc gốc Latin. – ND]

Từ năm 1990 đến năm 2016, tỷ lệ % sinh con không hôn nhân tăng đáng kể ở tất cả trình độ học vấn khác nhau - mặc dù có phần ít hơn đối với các bậc cha mẹ nghỉ học sớm.

Sự gia tăng nhiều nhất về số ca sinh ngoài hôn nhân là ở những phụ nữ đã học đại học hoặc có bằng cao đẳng (nhưng không có bằng cử nhân); tỷ lệ phần trăm sinh con ngoài ý muốn của những phụ nữ này tăng hơn gấp đôi, từ 17% năm 1990 lên 43% năm 2016. Tỷ lệ % sinh con ngoài hôn nhân của những phụ nữ chưa kết hôn đã hoàn thành chương trình trung học hoặc có bằng GED (nhưng không đi học đại học), và những có bằng cử nhân trở lên, tăng gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2016. Mặc dù tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân cũng tăng ở những phụ nữ không học hết cấp 3, nhưng mức tăng này không đáng kể (46% năm 1990 và 62% năm 2016).

Bất kể những thay đổi này, tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân giữa phụ nữ có trình độ học vấn thấp nhất và những phụ nữ có trình độ học vấn cao nhất vẫn còn khác biệt đáng kể. Vào năm 2016, những phụ nữ chưa học hết cấp 3 hoặc chưa đạt được GED có nguy cơ sinh con ngoài hôn nhân cao hơn gấp 6 lần (62%) so với những phụ nữ có bằng cử nhân trở lên (10%).

Mối quan hệ giữa trình độ học vấn và việc sinh con ngoài hôn nhân thay đổi tùy theo chủng tộc và sắc tộc gốc Latin (Hispanic). Đáng chú ý, sự khác biệt về tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân giữa phụ nữ có trình độ học vấn thấp nhất và những người có trình độ học vấn cao nhất là lớn nhất ở phụ nữ da trắng. Năm 2016, có 59% các ca sinh con ở phụ nữ da trắng chưa học hết cấp 3 hoặc có bằng GED là xảy ra ngoài hôn nhân, cao hơn gần 9 lần so với tỷ lệ 7% các ca sinh ngoài hôn nhân ở phụ nữ da trắng có ít nhất một bằng cử nhân. Khoảng cách so sánh tương tự ở phụ nữ gốc Phi là khoảng 2,5 lần (82% so với 33%) và gần 3 lần đối với phụ nữ gốc Latin (61% so với 20%).

Ngay cả trong nhóm có trình độ học vấn cao nhất, vẫn có sự khác biệt lớn về chủng tộc và sắc tộc trong các trường hợp sinh con ngoài hôn nhân. Những trường hợp sinh con ngoài hôn nhân trong năm 2016, mặc dù chỉ có 7% trường hợp ở phụ nữ da trắng có bằng cử nhân trở lên, nhưng có đến 1/3 ở phụ nữ gốc Phi (33%) và 1/5 ở phụ nữ gốc Latin (20%) có cùng trình độ học vấn.

Ở phụ nữ 20-29 tuổi - những người có khả năng làm cha mẹ lần đầu nhiều hơn phụ nữ lớn tuổi - mức độ sinh con ngoài hôn nhân thậm chí còn cao hơn so với tất cả phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, xét về trình độ học vấn và chủng tộc/sắc tộc. Điều này đặc biệt đúng ở các cấp học cao nhất. Ví dụ, gần một nửa (48%) số lần sinh con ở phụ nữ gốc Phi từ 20–29 tuổi có bằng cấp từ cử nhân trở lên là sinh ngoài hôn nhân, so với 1/3 (33%) số ca sinh của tất cả phụ nữ gốc Phi từ 18 tuổi trở lên có bằng cấp từ cử nhân hoặc cao hơn. Những mô hình này cho thấy rằng chúng ta khó có thể sớm thấy sự đảo ngược (reversal) trong việc sinh con ngoài hôn nhân.

THẢO LUẬN

Nhiều lời giải thích đã được đưa ra về sự gia tăng tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân. Tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân được xác định bởi 3 yếu tố: 1) Tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn, 2) Tỷ lệ sinh của phụ nữ đã kết hôn và 3) Tỷ lệ sinh của phụ nữ chưa kết hôn. Một sự thay đổi trong bất kỳ yếu tố nào trong 3 yếu tố này đều có thể dẫn đến sự thay đổi tổng thể về tỷ lệ phần trăm các ca sinh ngoài hôn nhân. Ngoài ra, sự khác biệt giữa các nhóm phụ nữ, hoặc về chủng tộc/sắc tộc hoặc về trình độ học vấn (hoặc cả hai), các yếu tố này có thể góp phần tạo nên sự khác biệt chung giữa các nhóm tuổi về sinh con ngoài hôn nhân.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong những thập niên gần đây nằm ở yếu tố đầu tiên: Tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn. Trung bình, phụ nữ và nam giới kết hôn ở độ tuổi ngày càng cao (Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, 2017). Tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ là 27,4 tuổi vào năm 2016, so với 23,9 tuổi vào năm 1990. Điều này có nghĩa là có tương đối ít phụ nữ kết hôn khi ở vào lứa tuổi có nhiều khả năng sinh con nhất. Ngoài ra, ngày càng có ít người trưởng thành kết hôn. Điều này đặc biệt đúng đối với người gốc Phi và gốc Latin, những người đã cho thấy ​​tỷ lệ kết hôn giảm mạnh nhất (Wang & Parker, 2014). Năm 2012, 35% người gốc Phi và 26% người gốc Latin (từ 25 tuổi trở lên) chưa bao giờ kết hôn, so với 16% người da trắng.

Sự suy giảm trong việc kết hôn có liên quan đến một loạt các yếu tố xã hội và kinh tế (Solomon-Fears, 2014). Các cặp đôi ngày càng chờ đợi kinh tế ổn định hay vững chắc rồi mới kết hôn. Về khía cạnh này, những sắc dân không phải người da trắng (nonwhites) đặc biệt bị thiệt thòi. Những chênh lệch về kinh tế, phần nào phản ánh những tác động lâu dài của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính thể chế và có tính hệ thống thể hiện trong các chính sách, trong thực tiễn và trong những chuẩn mực xã hội bất bình đẳng. Ví dụ, do xu hướng mạnh mẽ trong việc kết hôn với bạn đời cùng chủng tộc, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm và tù tội ở nam giới gốc Phi tương đối cao, đã khiến hạn chế cơ hội kết hôn của những phụ nữ gốc Phi (Raley và cộng sự, 2015). Ngoài ra, trong nhóm dân số gốc Phi có học vấn cao nhất, phụ nữ thường nhiều hơn nam giới, điều này càng hạn chế hơn nữa cơ hội kết hôn và gia tăng khả năng sinh con ngoài hôn nhân (Reeves & Guyot, 2017).

Tuy nhiên, cùng lúc đó, tình trạng sống chung không kết hôn (cohabitation) ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, nhiều trường hợp sinh con ngoài hôn nhân xảy ra đối với các cặp vợ chồng sống chung một nhà nhưng không chính thức kết hôn. Các ước tính gần đây cho thấy 62% số ca sinh của phụ nữ không kết hôn là của phụ nữ có tình trạng sống chung (Lamidi, 2016). Tuy nhiên, phụ nữ da trắng và gốc Latin có nhiều khả năng sinh con trong bối cảnh chung sống hơn phụ nữ gốc Phi (Payne và cộng sự, 2012).

Mặc dù nhiều đứa trẻ sinh ra ngoài hôn nhân có thể phát triển mạnh mẽ, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng, so với những trẻ được sinh ra có cha có mẹ, những trẻ sinh ngoài hôn nhân có nhiều khả năng rơi vào cảnh nghèo, trải qua nhiều thay đổi trong cách sắp xếp cuộc sống gia đình khi trẻ lớn lên và đối mặt với những thách thức về nhận thức và hành vi như tính gây hấn và trầm cảm (Child Trends, 2016). Mặc dù những cặp đôi sống chung có nhiều khả năng sẽ kết hôn sau khi sinh con nhiều hơn so với những cha mẹ không sống chung, tình trạng sống chung không hôn nhân (cohabiting unions) thường kém bền vững hơn hôn nhân và khiến trẻ em có nhiều nguy cơ gánh chịu những kết quả bất lợi (Osborne, 2005; Manning, 2015).

Những nỗ lực gần đây của liên bang đã khuyến khích các cặp vợ chồng chưa kết hôn có thu nhập thấp tiến đến hôn nhân thông qua giáo dục mối quan hệ và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quan trọng (Văn phòng Kế hoạch, Nghiên cứu & Đánh giá). Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào có con ngoài hôn nhân đều có khả năng kết hôn hoặc muốn kết hôn. Mặc dù vậy, sự quan tâm tích cực của cha mẹ với đứa con của mình sẽ liên quan đến kết quả tốt hơn cho đứa trẻ, ngay cả khi cha mẹ không sống với trẻ (Scott và cộng sự, 2016). Để mang lại hạnh phúc cho nhiều trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân, các nhà hoạch định chính sách và nhà cung cấp chương trình nên khuyến khích và hỗ trợ các mối quan hệ lành mạnh giữa các bậc cha mẹ chưa kết hôn, bất kể họ có chia sẻ chung một mái nhà hay không. Ngoài ra, cần tiếp tục nỗ lực để giúp tất cả các cặp vợ chồng tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

DỮ LIỆU

Child Trends đã sử dụng dữ liệu sinh của Hệ thống Thống kê Sinh tồn Quốc gia (NVSS - National Vital Statistics System) từ 1990 đến 2016 để tiến hành phân tích cho bản tóm tắt này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...