Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

THẾ NÀO LÀ SỰ SÁNG TẠO?

The Process of Creativity

Tác giả: ANA DROBOT

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN

Nguồn: Psychoanalysis FreudFile.Org 



Thế nào là sự sáng tạo? Điều gì xảy ra trong quá trình ấy? Phân tâm học cho chúng ta một số cách giải thích về việc quá trình sáng tạo đã có thể xảy ra như thế nào và những lợi ích mà nó mang lại, cả cho “tác giả” lẫn “công chúng”. Freud đã thừa nhận rằng ông đã không thể – một cách hoàn toàn, theo ý kiến của tôi – sử dụng phân tâm học để giải thích được về tài năng của những nghệ sĩ. 

Quá trình sáng tạo, theo Freud, là một chuyển thể của chứng nhiễu tâm (neurosis), là cơ chế phòng vệ giúp bảo vệ chống lại sự nhiễu tâm, và vì thế nó dẫn đến việc tạo nên một nguồn tiêu khiển và vui thú có thể chấp nhận được về mặt xã hội. Vì thế người nghệ sĩ có thể chuyển các huyễn tưởng (fantasy) của mình vào trong việc sáng tạo nghệ thuật thay vì chuyển chúng vào trong các triệu chứng. 

Vô thức đóng một vai trò có tính chủ đạo trong hoạt động sáng tạo. Điều đó có nghĩa là, hoạt động sáng tạo được làm cho khả thi bởi libido, năng lượng của Cái Ấy (Id), và bởi một cơ chế phòng vệ được xem là loại hữu dụng nhất – cơ chế thăng hoa (sublimation). Bằng cách chuyển các ham muốn tính dục trở thành những biểu hiện về mặt văn hóa với sự trợ giúp của Cái Tôi, cơ chế thăng hoa đã làm cho những ý tưởng bên trong vô thức trở nên dễ được chấp nhận hơn bởi ý thức và ngoài ra nó cũng cho phép sự xuất hiện một điều gì đó có tính xây dựng, và vui thú, đối với những người khác. 

Nghệ thuật cũng sử dụng các cơ chế phòng vệ khác như cơ chế cô đúc (condensation) và chuyển vị (displacement) – những thuật ngữ cũng được sử dụng khi làm công việc phân tích tiến trình của giấc mơ. 

Nghệ thuật tự nó cũng có thể được xem như một cơ chế phòng vệ. Đối với người nghệ sĩ, sự sáng tạo nghệ thuật có thể là một cách đáp ứng với những ước muốn hoặc một cách làm thỏa mãn trong huyễn tưởng đối với những đòi hỏi, mà những ước muốn và đòi hỏi ấy đã bị chối bỏ bởi những nguyên lý thực tế (reality principle) hoặc bị cấm đoán bởi những luật lệ về luân lý. Nghệ thuật, do vậy, là một phương tiện để giải bày, và để đương đầu với, những kiểu áp lực khác nhau bên trong tâm trí. Người nghệ sĩ có thể làm việc trên huyễn tưởng của mình – một cách thay thế cho việc làm thỏa mãn nó – thông qua cơ chế thăng hoa, để chuyển nó sang một hình thức có thể được xã hội chấp nhận, đó là nghệ thuật, mà những người khác có thể thưởng thức. Người nghệ sĩ bày tỏ con người cá nhân của mình từ trong mơ mộng, từ trong huyễn tưởng trở thành một thứ mà anh ta có thể chia sẻ với công chúng.

Nghệ thuật được xem là con đường kết nối giữa huyễn tưởng và thực tế, và người nghệ sĩ có thể qua đó phục hồi lại sự tiếp xúc của mình với đời sống thực tế. Freud so sánh giữa huyễn tưởng của các nghệ sĩ với huyễn tưởng ở trẻ em: việc chơi ở trẻ em, cũng như huyễn tưởng, cũng có liên quan đến khả năng kiểm soát – tức sự duy trì các mối liên hệ với đời sống thực tế. Cũng tương tự như việc chơi của một đứa trẻ, huyễn tưởng của người nghệ sĩ cũng làm công việc un đúc, định khuôn cái thế giới bên ngoài theo ham muốn của mình, sáng tạo nên một thế giới huyễn tưởng, trong chốn ấy, anh ta có thể thỏa mãn các mơ ước trong vô thức của mình.

Một số người tin rằng sự sáng tạo cũng có thể hòa quyện lại cùng với sự dồn nén (repression) và đau khổ. Freud cũng đã khẳng định rằng nghệ sĩ sử dụng công trình của mình để ngoại hiện ra thế giới bên ngoài những huyễn tưởng chưa được thỏa mãn. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, một áng thơ hay là sự thăng hoa, chứ không phải là một sự dồn nén. Hơn nữa, khả năng này giúp người nghệ sĩ sáng tạo và không trở nên một người bị chứng nhiễu tâm.

Tuy nhiên, quá trình sáng tạo nếu chỉ tính đến phần khởi nguồn từ các chất liệu vô thức phải diễn ra đến mức như thế nào thì mới có thể ngăn ngừa được chứng nhiễu tâm? Và cùng theo một mạch suy nghĩ tương tự, có thể hỏi rằng đến một mức độ như thế nào thì chúng ta mới có thể nhận ra rằng những công trình nguyên gốc của trí tưởng tượng được tạo nên từ sự “tái tạo lại những chất liệu quen thuộc và có sẵn” là có nguồn gốc từ vô thức? 

Bất cứ sự sáng tạo nghệ thuật nào cũng đều là một sự thỏa hiệp giữa các phần vô thức và ý thức trong ý định của tác giả của nó. Theo Freud, nghệ sĩ có thể lựa chọn và làm nên các thay đổi trong những chất liệu có từ vô thức. Điều này cùng với cách thức mà người nghệ sĩ chuyển các huyễn tưởng duy kỷ của mình thành một sản phẩm được xã hội chấp nhận và vinh danh có thể được xem là tài năng của người nghệ sĩ. Những huyễn tưởng của một con người có tài năng về nghệ thuật có thể mang lại niềm vui thú cho chúng ta, trong khi những huyễn tưởng của những người hay mơ mộng thì chỉ khiến chúng ta có cảm giác hững hờ, chán ghét; hoặc trong khi chúng ta thấy rằng những huyễn tưởng ở một người mơ mộng tầm thường có điều gì đó cũng phổ biến, thường thấy ở nhiều người trong chúng ta, cái gọi là “công trình” của anh ta chẳng thể nào có giá trị như những công trình của các nghệ sĩ tài năng thực thụ, và những kẻ hay mơ mộng kia sẽ chẳng hề quan tâm đến việc chia sẻ “công trình” của anh ta hoặc tái tạo lại thứ đó để dành cho công chúng.

Tuy nhiên, làm thế nào mà người nghệ sĩ có thể đạt đến được hiệu ứng vui thú này, theo Freud, đó chính là “điều bí mật thâm sâu” của anh ta. Như Freud đã nêu, cũng tương tự như tài năng của người nghệ sĩ cùng với các giá trị của công trình của anh ta, những bí mật này không thể được giải thích bằng phương pháp nghiên cứu phân tâm học. Tôi đã có nói là điều đó hoàn toàn không thể được giải thích, như Freud đã cho ý kiến về điều đó, nhưng tài năng không phải là thứ gì đó mà chúng ta có thể hoàn toàn nắm bắt được bằng một sự giải thích đến từ bất cứ lĩnh vực chuyên môn nào khác. Giá trị của một tác phẩm được đánh giá bằng cách sử dụng những tiêu chí có tính nghi thức, trên bề mặt, trong khi phân tâm học lại bộc lộ những gì xảy ra trong thế giới nội tâm của người nghệ sĩ và của công chúng, và cách thức làm thế nào để nó ảnh hưởng lên cả hai đối tượng đó. Hơn nữa, nếu tài năng có thể giải thích được, thế thì tất cả chúng ta sẽ có thể học được cách làm thế nào để lĩnh hội nó như một kỹ năng, mà việc này là hoàn toàn không thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...