Lược trích từ An Introduction
to Family Therapy – Systemic Theory and Practice
Tác giả: RUDI DALLOS & ROS DRAPER – 3rd Edition
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
PHẦN
1
NHỮNG
HẠT GIỐNG
Tìm về cội nguồn với những con người và những
ý tưởng có tầm ảnh hưởng ban đầu
Những ý tưởng ban đầu về hệ thống dường như
đã hình thành và phát triển theo hai con đường: Sự khởi đầu của Lý thuyết Hệ thống
và Điều khiển học (Cybernetics) – Một thuật ngữ được đề xuất bởi Norbert Wiener
(1961) từ một từ gốc Hy Lạp để chỉ những người lái tàu – Có thể truy nguyên từ
những cuộc Hội nghị Macy tại New York trong thập niên 1940 [Macy Conferences:
Những cuộc hội thảo bàn về Điều khiển học – ND], trong đó quy tụ những nhà khoa
học, những kỹ sư, những nhà toán học và khoa học xã hội với mối quan tâm mạnh mẽ
về lĩnh vực giao tiếp và điều khiển. Mối quan tâm ấy phần nào được thúc đẩy bởi
những ứng dụng trong quân đội Mỹ vào thời Thế chiến II và tập trung vào việc
phát triển những hệ thống hướng dẫn mục tiêu cho những phi đạn và hoả tiễn. Một
ý niệm then chốt đó là nguyên lý về sự phản hồi (feedback) – Bằng cách nào mà
thông tin có thể quay trở ngược lại với hệ thống để có thể có được sự kiểm soát
dưới hình thức thiết lập nên những điều chỉnh. Một hệ thống được xem là có khả
năng duy trì trạng thái ổn định của nó thông qua một quá trình tự điều hoà (self-regulation)
bằng cách sử dụng những thông tin trong quá khứ và làm thế nào một cách chuyên
biệt để những thứ bị trệch hướng so với mô hình tối ưu như mong muốn có thể được
sửa chữa. Việc này không chỉ mang lại một số cách ứng dụng quan trọng trong thực
tiễn mà còn tạo nên một bước nhảy vọt quan trọng có tính triết lý trong việc giải
thích về tương quan nhân quả (causation). Thay vì nhìn những sự kiện theo một
trình tự tuyến tính (linear sequences), điều khiển học nêu ra rằng tương quan
nhân quả là một “tiến trình tuần hoàn” (circular process) diễn ra liên tục theo
thời gian. Điều này cung cấp nên một mô hình động (dynamic model) thay vì là mô
hình tĩnh (static model) về thế giới.
Những ý tưởng ban đầu này được phát triển
theo hai lộ trình riêng biệt nhưng có liên quan với nhau:
Lộ trình thứ nhất là một lộ trình có tính cơ
học (mechanistic) trong đó các ý tưởng điều khiển học được vận dụng để thiết kế
một số kiểu hệ thống điều khiển cơ học (mechanical control systems). Một ví dụ
đơn giản đó là trường hợp của hệ thống điều nhiệt trung tâm (central heating
system), ví dụ phức tạp hơn đó là trường hợp hệ thống hướng dẫn hoả tiễn (rocket
guidance system). Với sự nhấn mạnh vào bản chất liên cá nhân của những vấn đề ở
con người, điều khiển học bậc một (first-order cybernetics) đã mang đến một sự
thách thức sâu sắc và đáng kể đối với tính chính thống của tâm thần học đang hiện
hữu vào thời đó. Sự thách thức này cũng có sự đồng cảm với trào lưu chống tâm
thần học (anti-psychiatry movement) đang trỗi dậy từ thập niên 1960s, một trào
lưu đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ bản chất áp bức (của tâm thần học) khi thực
hiện những biện pháp hạn chế, sử dụng thuốc men và cô lập những người mắc bệnh
tâm thần. Trong sự đồng cảm với trào lưu chống tâm thần học, việc lý giải các vấn
đề dựa trên mô hình bệnh lý do sinh học về cơ bản đã sai lầm. Cách nhìn về vấn
đề là điều có tính chất liên cá nhân cho rằng việc dùng thuốc nhiều lắm thì chỉ
nên được xem là một cách thức tạm thời. Một cách nhìn mang tính hệ thống về các
vấn đề không chỉ giải phóng cho những thành viên gia đình đang thể hiện những vấn
đề khó khăn, mà còn cho những nhà trị liệu, khi họ đang thực hành liệu pháp gia
đình, mang lại sự hỗ trợ và giảm nhẹ cho những thành viên khác của gia đình.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng này không hẳn là không chịu những sự chỉ trích, và
cũng đã có những sự phân vân đáng kể trong việc phải bỏ đi một số những phương
thức thực hành, chẳng hạn như việc sử dụng thuốc cho những trường hợp có vấn đề
“nghiêm trọng” về sức khoẻ tâm thần.
Lộ trình hoặc hướng phát triển thứ hai là việc
ứng dụng các khái niệm của lý thuyết hệ thống vào trong những hệ thống sinh học.
Walter Cannon (1932) đã sớm đưa ra khái niệm về “sự cân bằng động” (dynamic
equilibrium) để giải thích làm thế nào mà cơ thể có khả năng duy trì được sự ổn
định mặc dù môi trường bên ngoài thay đổi. Ví dụ, dù nhiệt độ bên ngoài có sự
thay đổi lớn, chúng ta vẫn có khả năng duy trì thân nhiệt gần với mức 98.6oF
(37oC). Tương tự, cơ thể cũng có khả năng duy trì một mức độ tối ưu
về nồng độ đường trong máu (đường huyết), điều chỉnh lượng ánh sáng cho phép đi
vào mắt, sự hưng phấn của hệ thần kinh trung ương, sự quân bình của nhiều loại
nội tiết tố (hormones), vân vân. Tuy nhiên, mặc dù các hệ thống sinh học được
mô tả theo những cách thức tương tự như những hệ thống cơ học, vẫn có những sự
khác biệt và nhầm lẫn về việc này khi đưa những tư duy của lý thuyết hệ thống
vào trong liệu pháp gia đình ở thời kỳ đầu. Thật vậy, có khả năng là khi áp dụng
quá đơn giản ẩn dụ mang tính cơ học của những bàn luận nêu trên, chẳng hạn như
hệ thống điều nhiệt trung tâm, đã dẫn đến cách nhìn đơn giản hoá quá mức về những
gia đình.
1, Những hệ thống sinh học, không giống như
những hệ thống cơ học, vốn không phải là một sản phẩm nhân tạo mà là được thiết
kế thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Vì thế chúng cũng tiến triển trong
khi đáp ứng lại với những đòi hỏi của môi trường xung quanh chúng.
2, Những hệ thống sinh học thì vô cùng phức tạp,
và chúng ta nhiều lắm thì cũng chỉ mới có được một ý tưởng gần đúng về cách hoạt
động của chúng. Chúng ta chỉ có thể phát triển nên những cách giải thích gần đúng
để dựa vào đó mà suy luận chứ không hẳn là những kiến thức tuyệt đối.
3, Những hệ thống sinh học có khả năng tiến
hoá và thay đổi. Một ví dụ về việc các hệ thống ấy phải thích ứng trong ngắn hạn
đó là chúng ta có thể điều chỉnh [Nguyên văn: “acclimatize” – nghĩa là điều chỉnh
cho hợp với khí hậu, thổ nhưỡng – ND] với những khí hậu lạnh hơn hoặc nóng hơn.
Trong dài hạn, thông qua chọn lọc tự nhiên, một số những thích ứng cơ bản cũng
có thể được thiết lập.
4, Các hệ thống sinh học có một tiến trình lịch
sử phát triển và môi trường xung quanh cũng có những tác động lên trên những
thiết kế và kiểu tính trạng cơ bản của chúng (basic design or phenotype) để ảnh
hưởng lên trên sự phát triển của hệ thống đó.
5, Trong các hệ thống cơ học, những khuôn mẫu
đang biểu hiện thì được quyết định bởi nhà thiết kế; còn trong các hệ thống
sinh học, chúng ta không quyết định được những khuôn mẫu (patterns) mà chỉ có
thể quan sát chúng. Sự quan sát này tự nó là một tiến trình chủ động và những
người quan sát khác nhau sẽ nhìn thấy những khuôn mẫu khác nhau, chẳng hạn như
khi nhìn vào những mức độ khác nhau của hệ thống sinh học ấy – những hành vi,
những cấu trúc đại thể, cấu trúc vi thể, những hoạt động hoá học và điện học,
vân vân.
Có thể liệt kê ra ở đây thêm nhiều điều khác
biệt nữa nhưng tất cả những điều ấy đều chỉ ra một số chủ đề quan trọng, mà một
trong số điều cơ bản nhất đó là những hệ thống cơ học thì hoàn toàn đã được xác
lập trước và có thể tiên đoán được, trong khi đối với những hệ thống sinh học,
chúng ta chỉ có thể phát triển những giả thuyết hoặc những suy luận (hypotheses
or inferences). Nói đơn giản là những hệ thống con người và hệ thống sinh học
thì vô cùng phức tạp.
Những “hạt giống” làm nên sự tiến triển của
liệu pháp hệ thống và liệu pháp gia đình có thể đã được “gieo mầm” đồng thời,
nhưng cũng tương đối độc lập, trong một số những cơ cấu làm việc khác nhau. Đáng
kể là, mặc dù có sự trỗi dậy của liệu pháp gia đình, các lý thuyết và phương
pháp thực hành có tính hướng dẫn của nó lại bắt nguồn từ việc nghiên cứu. Sự thất
bại của phân tâm học và những loại liệu pháp tâm lý khác trong các tình trạng
nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tâm thần phân liệt, đã dẫn đến việc tài trợ
cho những nghiên cứu về những tương quan nhân quả của nó. Những nghiên cứu này
đến lượt chúng lại nêu ra vai trò manh mẽ của giao tiếp (communication) trong bệnh
nguyên (aetiology) của những tình trạng ấy và đưa đến việc thực hiện những khảo
sát trong trị liệu những gia đình nhằm thu thập thêm những dữ liệu nghiên cứu (Lidz
et al. 1957; Wynne et al. 1958; Haley 1962; Bateson 1972). Lúc khởi đầu, tiến
trình trị liệu gia đình tự thân nó cũng được xem là một hình thức nghiên cứu và
như một cách thức tạo ra một mạch dẫn phong phú cho những bằng chứng mới, và
khác biệt đáng kể, về sự tương tác (interactional evidence).
Có một câu chuyện kể rằng sự phát triển những
nỗ lực đầu tiên về liệu pháp gia đình là kết quả từ một sự nhầm lẫn. John Bell,
một trong những người tiên phong nhưng không được nêu danh trong lĩnh vực trị
liệu gia đình, trong lúc đến viếng Trung tâm Tavistock Clinic ở Luân Đôn năm
1951, đã tình cờ nghe lỏm một điều lưu ý rằng John Bowlby, một nhà phân tâm và
nhà nghiên cứu nổi tiếng về sự gắn bó cảm xúc ở trẻ em, đã thử nghiệm cách trị
liệu với toàn thể các thành viên trong gia đình. Từ ý đó, Bell tưởng rằng Bowly
đã thực hiện đều đặn những trị liệu như thế cho các gia đình, và rồi khi ông
quay trở về Hoa Kỳ, ý tưởng ấy đã tạo cảm hứng cho ông để phát triển nên những
phương pháp làm việc có tính trị liệu dựa trên những buổi làm việc đều đặn với
toàn thể thành viên trong những gia đình. Trong thực tế thì Bowlby chỉ thỉnh
thoảng làm những phiên họp với gia đình để bổ sung cho quá trình trị liệu cá
nhân cho những đứa trẻ “có vấn đề”.
Bell đã bắt đầu “liệu pháp gia đình” của ông
từ những năm đầu thập niên 1950s, nhưng có lẽ vì ông là người khiêm nhường và
ít tham vọng nên ông đã không hề công bố một sự mô tả nào về công trình của
mình mãi cho đến 10 năm sau đó (Bell, 1961). Câu chuyện này cho thấy rằng việc
khảo sát về giao tiếp đã dần trở nên có vị trí trung tâm trong thực hành liệu
pháp gia đình. Nó cũng cho thấy, mặc dù điều này ít khi được xem trọng, rằng
một sự hiểu nhầm cũng có khi tạo nên một tác động đầy tính sáng tạo.
Xem
tiếp các phần sau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét