Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

NAM TÍNH ĐỘC HẠI

What Is Toxic Masculinity?

Tác giả: AMY MORIN, LCSW

Duyệt nội dung y khoa bởi: AKEEM MARSH, MD, board-certified child, adolescent, and adult psychiatrist

Nguồn: VeryWellMind - Updated on November 25, 2020

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN - Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non



“Nam tính độc hại” bao gồm những áp lực về văn hóa đối với nam giới phải hành xử theo một cách nhất định. Và có khả năng điều này sẽ tác động đến tất cả các bé trai và nam giới theo một thể thức nào đó.

“Nam tính độc hại” ngụ ý rằng “nam tính” (manliness) hẳn sẽ phải thể hiện qua tính chất nổi trội, ghét người đồng tính và lấn lướt.

Cách nghĩ này cho rằng nam giới cần hành động cứng cỏi và tránh thể hiện cảm xúc vì những điều đó có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của họ và có thể có hậu quả nghiệm trọng đối với xã hội, cách nghĩ như thế ngày nay được gọi là “nam tính độc hại”.

NAM TÍNH ĐỘC HẠI LÀ GÌ?

Nam tính độc hại không đơn thuần chỉ nói về những hành xử như một người đàn ông. Thay vào đó, nó còn liên quan đến những áp lực cao độ mà một người đàn ông có thể cảm thấy để hành động theo cách thực sự gây hại.

Có nhiều định nghĩa về “nam tính độc hại” xuất hiện trong các nghiên cứu cũng như trong nền văn hóa phổ biến. Một số nhà nghiên cứu đã đồng ý rằng nam tính độc hại có 3 thành tố cốt lõi:

1, Tính cứng cáp (Toughness): Đây là khái niệm cho rằng đàn ông nên mạnh mẽ về thể chất, trơ lỳ về cảm xúc và xông xáo về hành vi.

2, Ngược lại với nữ tính (Antifeminity): Điều này bao gồm đến ý tưởng cho rằng đàn ông nên từ chối tất cả những gì được xem là thuộc về nữ tính, chẳng hạn như thể hiện cảm xúc hay chấp nhận sự giúp đỡ.

3, Quyền lực (Power): Đây là giả định cho rằng đàn ông phải làm việc hướng đến quyền lực và địa vị (về xã hội và tài chính) để có thể có được sự tôn trọng của người khác.

CA NGỢI NHỮNG THÓI QUEN KHÔNG LÀNH MẠNH (Glorification of Unhealthy Habits)

Nam tính độc hại ca ngợi những thói quen không lành mạnh. Đây là một khái niệm cho rằng “tự chăm sóc chỉ dành cho nữ” (self-care is for women) và đàn ông nên đối xử với cơ thể của mình giống như một cái máy như bỏ bê giấc ngủ, tập luyện thể dục ngay cả khi đang bị thương và thúc ép bản thân đạt đến những mức giới hạn về thể chất.

Ngoài việc tự thúc ép bản thân về thể chất, nam tính độc hại không khuyến khích đàn ông đến gặp bác sĩ.

Một nghiên cứu năm 2011 đã cho thấy rằng khả năng những người đàn ông có niềm tin mạnh mẽ nhất về nam tính tham gia chăm sóc sức khỏe với mục đích dự phòng chỉ bằng một nửa so với những người đàn ông có niềm tin vừa phải về nam tính. Ví dụ việc đi khám bác sĩ để theo dõi sức khỏe hàng năm thì đi ngược lại với niềm tin của một số nam giới về tính dẻo dai, cứng cáp.

Ngoài sự né tránh việc điều trị dự phòng, nam tính độc hại cũng khuyến khích những hành vi không lành mạnh.

Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy rằng càng nhiều người đàn ông đã tuân thủ theo các chuẩn mực về nam tính (masculine norms), họ có khuynh hướng thực hiện những hành vi nguy cơ như là uống rượu nhiều, hút thuốc lá, tránh ăn rau. Hơn nữa, họ có nhiều khả năng xem những lựa chọn rủi ro như vậy là “chuyện bình thường”.

SỰ KỲ THỊ VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN

Nam tính độc hại cũng không khuyến khích đàn ông tìm đến những hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trầm cảm, lo âu, các vấn đề lạm dụng chất, và vấn đề sức khỏe tâm thần có thể được xem là yếu đuối.

Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra rằng đàn ông mang những quan niệm truyền thống về nam tính (traditional notions of masculinity) giữ vững thái độ tiêu cực về việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần so với những người có thái độ về giới linh hoạt hơn (more flexible gender attitudes).

Nam tính độc hại cũng có thể nhấn mạnh rằng đàn ông không thích hợp để nói về cảm xúc của họ. Việc né tránh trò chuyện về những vấn đề hay cảm xúc có thể gia tăng cảm nhận về sự cô lập (isolation) và cô đơn (loneliness).

Điều này có thể gia tăng cảm nhận cô đơn. Nó cũng có thể làm giảm sự sẵn sàng của nam giới trong việc tiếp cận và tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ trải qua vấn đề về sức khỏe tinh thần.

CHỦNG TỘC, SẮC TỘC VÀ GIỚI (Race, Ethnicity, and Gender)

Chủng tộc và sắc tộc của một người nam có thể đóng vai trò trong cách anh ta nhìn nhận về nam tính cũng như cách những người khác nhìn nhận về anh ta.

Một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra rằng trong những sinh viên đại học, nam giới người Mỹ gốc Á được nhìn nhận là ít có nam tính hơn nam giới người Mỹ da đen hoặc da trắng.

Những đòi hỏi về nam tính vẫn hết sức ngặt nghèo và trở thành một mảnh đất tốt để nuôi dưỡng “xu hướng người hung như John Henry” ở những đàn ông Mỹ gốc Phi. Thuật ngữ John Henryism từng mô tả những người đàn ông nỗ lực cao trong việc ứng phó với vấn đề và họ tiếp tục làm như vậy khi đối mặt với stress dai dẳng và tình trạng bị phân biệt đối xử. Một nghiên cứu năm 2016 đã cho thấy mối liên hệ giữa “xu hướng John Henry” với nguy cơ cao bị tăng huyết áp và trầm cảm.

[Chú thích: John Henry là một anh hùng dân gian ở Hoa Kỳ. Một người Mỹ gốc Phi từng là một nô lệ, anh ta được cho là đã làm việc như một "người máy thép" (steel-driving man) - một người đàn ông được giao nhiệm vụ đóng một chiếc khoan thép vào đá để tạo lỗ cho thuốc nổ phá đá trong quá trình xây dựng một đường hầm đường sắt – TN Online]

Những đứa bé trai, thuộc tất cả các sắc tộc và chủng tộc khác nhau, nếu không ứng xử “đủ nam tính” sẽ có thể bị quấy rối ở trường học.

Một Khảo sát cấp Quốc gia về Môi trường Học đường (National School Climate Survey) cho biết 85% học sinh LGBTQ+ được báo cáo đã bị quấy rối bằng lời ở trường về sự biểu thị giới (gender expression) và định hướng giới tính (sexual orientation) của các em.

Những học sinh có những biểu hiện không phù hợp với giới (Gender non-conforming students) được báo cáo là bị đối xử tệ hơn những trẻ thể hiện phù hợp với khái niệm giới tính truyền thống trong lúc vẫn đồng thời được xác nhận là LGBTQ+.

HÀNH VI GIÚP ĐỠ

Đàn ông tự thấy mình “nam tính hơn” khi ít tham gia những điều mà những nhà nghiên cứu gọi là “hành vi giúp đỡ” (Helping Behavior). Điều này có nghĩa là sẽ có khả năng họ không can thiệp khi chứng kiến những vụ bắt nạt hoặc hoặc khi thấy ai đó bị công kích.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng nam tính độc hại có thể cản trở nam giới thực hiện việc an ủi một nạn nhân, kêu gọi sự giúp đỡ, hoặc đứng lên chống lại kẻ thủ ác (perpetrator). Những người đàn ông ủng hộ niềm tin rằng đàn ông phải mạnh mẽ và năng nỗ lại có nhiều khả năng tiếp nhận những hệ quả xã hội tiêu cực liên quan đến cách can thiệp theo kiểu một người chủ động đứng ngoài cuộc.

Ví dụ trong những trường hợp tấn công tình dục, những người đàn ông đồng nhất hoá cao nhất với các hành vi nam tính sẽ ít có khả năng dừng hành vi tấn công hơn. Nghiên cứu này nhận thấy rằng người đàn ông sẽ can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào nếu họ nghĩ rằng thanh danh là nam tính theo truyền thống của họ có thể bị tổn hại.  

HƯỚNG DẪN CỦA APA

Trong những năm qua, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) bắt đầu nhận ra rằng áp lực xã hội đặt lên nam giới có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân cũng như xã hội.

Các thành viên của APA đã lập ra các hướng dẫn mới về thực hành tâm lý nhằm giúp cho trẻ em trai và đàn ông giúp giải quyết một số vấn đề liên quan đến nam tính độc hại.

Dựa trên hơn 40 năm nghiên cứu, họ cho rằng nam tính truyền thống vốn có hại về mặt tâm lý. Họ cũng báo cáo rằng việc “xã hội hoá”những trẻ em trai  (socializing boys) nhằm kìm nén cảm xúc của trẻ có thể tạo ra những tổn thương cho trẻ, cả bên trong và bên ngoài.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi họ loại bỏ các định kiến ​​và kỳ vọng văn hóa, sẽ không có nhiều khác biệt trong các hành vi cơ bản giữa nam giới và phụ nữ. Các nghiên cứu theo kiểu ghi nhật ký thời gian (Time diary studies - Nghiên cứu theo cách cho những người tham gia ghi nhật ký các hoạt động của họ) cho thấy rằng nam giới thích chăm sóc con cái chẳng kém gì phụ nữ. 

Biểu hiện tình cảm giữa nam và nam chỉ có sự khác biệt là tương đối nhỏ và không phải lúc nào cũng rập theo khuôn mẫu. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2013 cho thấy các trẻ trai vị thành niên lại thực sự thể hiện cảm xúc như tức giận ra bên ngoài ít hơn các trẻ gái vị thành niên.

Các hướng dẫn mới của APA được lập nên để giúp các nhà tâm lý hỗ trợ nam giới trong việc phá vỡ các quy tắc nam tính mà vốn có tính chất gây hại nhiều hơn là có lợi.                       


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...