How Faith Healing Works
Bởi: ED GRABIANOWSKI
Nguồn: HowStuffWorks
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Giả sử bạn bị đau yếu, có thể là bất cứ loại
bệnh gì: một cơn đau tim, gãy chân, nhiễm trùng nghiêm trọng. Rất có thể, bạn
muốn bác sĩ chỉ định giải pháp y tế cho vấn đề của mình, chẳng hạn như đơn thuốc
kháng sinh hoặc phẫu thuật cứu sống bạn. Nhưng thay vì tìm đến y học, một số
người có thể sử dụng các đặc tính chữa bệnh của tôn giáo thông qua một thực
hành được gọi là chữa bệnh bằng đức tin (faith healing).
Một người bị bệnh tim có thể có người thân hoặc
bạn bè cầu nguyện cho cô ấy bình phục, hoặc các thành viên trong gia đình yêu cầu
mọi người trên mạng xã hội cầu nguyện cho cô ấy. Hoặc thay vì dùng đến lời cầu
nguyện chung chung để tác động đến bệnh tim của mình, cô ấy có thể đến một thầy
chữa bệnh bằng đức tin (faith healer), một nhà lãnh đạo tôn giáo, người tuyên bố
có quyền hạn do một vị thần ban cho phép ông ấy có thể chữa lành những người bệnh
một cách thần kỳ. Cũng có thể bệnh nhân đã đến với vị thầy chữa ấy vì các phương
thức y khoa không hiệu quả hoặc cô ấy không đủ khả năng chi trả. Khi vị thầy chữa
đặt tay lên đầu cô ấy, cô ấy ngất đi và cảm thấy như mình đang được nhấc bổng
lên và cơn bệnh đang dần thoát ra khỏi cơ thể cô ấy. Ngay cả khi bệnh của cô ấy
là giai đoạn cuối, cô ấy không phải lo lắng – vị thầy chữa bằng đức tin tuyên bố
đã đưa người ấy từ cõi chết trở về.
Đức tin chữa bệnh có nguồn gốc văn hóa sâu sắc
trên khắp thế giới. Ý tưởng cơ bản đằng sau nó là sức mạnh siêu nhiên của một đấng
thiêng liêng có thể chữa khỏi các vấn đề sức khỏe ngang bằng hoặc có thể còn tốt
hơn y khoa nữa. Niềm tin chữa bệnh có từ hàng nghìn năm qua, có nhiều dạng và
thậm chí đã được các nhà khoa học nghiên cứu.
Những thầy chữa bằng đức tin làm gì?
Một loại chữa lành bằng đức tin rất đơn giản
được gọi là “cầu nguyện thay” (intercessory prayer). Ý tưởng chính đó là những
lời cầu nguyện của bệnh nhân, của bạn bè và gia đình của bệnh nhân hoặc của những
người hoàn toàn xa lạ, có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả của bệnh tật,
thương tích hoặc bệnh tật. Đôi khi những lời cầu nguyện xuất hiện để truyền cảm
hứng cho một phép lạ hoàn toàn, giống như một bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai
đoạn cuối đột ngột thuyên giảm. Đôi khi tác động gây ra có tính ảo diệu, chẳng
hạn như bệnh nhân bị chấn thương cột sống có thể phục hồi khả năng đi lại hoặc
một sự vận động thông thường diễn ra suôn sẻ.
Một loại chữa bằng đức tin khác, phức tạp hơn
một chút, khi một nhà thuyết giáo có uy tín tuyên bố có sức mạnh thần thánh có
thể chữa bệnh và chữa lành vết thương. Những thầy chữa này khẳng định rằng họ
có nhiều quyền năng siêu nhiên. Một số người, như nhà truyền giảng Tin Lành
Todd Bentley và nhà truyền giáo quá cố Kathryn Kuhlman, thực hiện bằng cách đặt
tay lên những tín đồ của họ và hàng nghìn người đã tham dự các buổi lễ của họ.
Họ có thể tính phí hoặc yêu cầu đóng góp để tham dự một sự kiện và có cơ hội được
chữa lành. Những thầy chữa bằng đức tin khác tuyên bố có khả năng chữa bệnh từ
khoảng cách xa hoặc không cần gặp trực tiếp những người đến để chữa bệnh. John
Alexander Dowie, chẳng hạn, đã thiết lập các mục vụ chữa bệnh (healing
ministries) ở San Francisco và Chicago vào thập niên 1890 và đầu thập niên 1900
(Nguồn: Harlan).
Những thầy chữa bằng đức tin có khả năng thực
hiện từ những cách chữa trị khiêm tốn cho đến những đợt hồi phục dường như rất
thần kỳ. Những nhân chứng đã kể lại những kỳ công chữa bệnh dường như là không
thể, chẳng hạn như khi một người đàn ông bị mất một cánh tay có thể đã mọc lại
nó trước đám đông (Nguồn: Barrett). Nhiều vị thầy chữa bằng đức tin, bao gồm cả
Benson Idahosa và Frank Sandford, đã tuyên bố rằng họ có thể "chữa" cả
sự chết và khiến một người đã khuất sống lại. Một số thầy chữa, chẳng hạn như
Dowie và Rua Kenana Hepetipa, thậm chí còn tự nhận mình là Giê-Su Christ hoặc một
vị thánh nào đó.
Mặc dù những thầy chữa bằng đức tin có khác nhau về phương pháp chuyên biệt của họ, nhưng phần nhiều dịch vụ của họ xoay quanh việc xây dựng năng lượng trong đám đông, mà thầy chữa bệnh có thể được xem là Chúa Thánh Linh (Holy Spirit), năng lượng của đức tin hoặc một số thế lực siêu nhiên nào khác. Sự phấn khích này có thể được tạo ra bằng một bài thuyết giáo đầy năng lượng, các buổi biểu diễn âm nhạc, tụng niệm và nhảy múa. Vào thập niên 1920, một thầy chữa bằng đức tin tên Aimee Semple McPherson là một trong những nhà thuyết giáo đầu tiên tổ chức các buổi lễ tôn giáo đầy sáng tạo với tất cả sự kịch tính và phấn khích của một buổi trình diễn sân khấu. Trong số các đạo cụ biểu diễn của cô có những con tàu khổng lồ, con ngựa thành Troy và một chiếc mô tô (Nguồn: Grimley). Những thầy chữa đặt tay lên người bệnh, thường kết hợp với một cú đẩy hoặc thậm chí là một đánh khiến người bệnh có thể ngã quỵ, ngất xỉu hoặc chỉ đơn giản là ngã xuống.
Có những lý do văn hóa phức tạp mà rất nhiều
người tin rằng những thầy chữa bằng đức tin thực sự có thể chữa lành cho người
bệnh, và họ tuỳ thuộc một phần vào loại tôn giáo mà người ta tin tưởng.
Tại
sao người ta tin vào việc chữa lành bằng đức tin?
Nếu bạn xem một video về bài giảng của một thầy
chữa bằng đức tin, bạn có thể thấy người ta tụng niệm, ca hát và nhảy múa, và bạn
sẽ nghe thấy người thuyết giáo hét lên với vẻ đầy sức thuyết phục. Có thể có những
cơn bộc phát cảm xúc sâu sắc, và khi vị thầy chữa đặt tay lên một người, người
đó thường bị ngã xuống hoặc ngất xỉu.
Niềm tin vào việc chữa bệnh bằng đức tin có sức
mạnh như vậy một phần bởi vì, trước khi có sự phát triển mạnh mẽ của y khoa
trong thế kỷ 19 và 20, đức tin và y học đã sự trùng lắp với nhau nhiều hơn so với
ngày nay. Ví dụ, người Hy Lạp cổ đại tôn kính Asclepius (Thần Y học) và đến thăm một nơi được gọi là Asclepeion có chức năng như một bệnh viện
kết hợp, vừa là cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần vừa là đền thờ tôn giáo. Hierophants – vị đại tư giáo, vừa là
linh mục, đôi khi cũng vừa là thầy thuốc, và họ chăm sóc người bệnh bằng cả
nghi lễ tôn giáo lẫn kiến thức y học thô sơ thời đó.
Hình thức chữa lành bằng đức tin hiện đại bắt
đầu vào thế kỷ 19 và bùng nổ phổ biến vào đầu thế kỷ 20, với sự quan tâm gia tăng
đột biến sau mỗi vài thập kỷ kể từ đó. Loại hình chữa lành bằng đức tin này đã
trở nên phổ biến phần lớn là do Cơ đốc giáo Đặc sủng (Charismatic Christianity).
Từ "đặc sủng" (charisma) ở đây không dùng để chỉ sức lôi cuốn cá nhân
của những vị thầy thuyết giáo. Trong một tín ngưỡng đặc sủng, các tín đồ trải
nghiệm sức mạnh của vị thần mà họ đã chọn trực tiếp trong cuộc sống hàng ngày của
họ - nói cách khác, họ tin rằng Chúa chọn tương tác với con người mỗi ngày, trong
khi thường xuyên tạo ra các sự kiện kỳ diệu.
Trào lưu Ngũ
tuần (Pentecostalism
– thuộc Tin Lành) là hình thức hiện đại sớm nhất của Cơ đốc giáo Đặc sủng. Các
nhà thờ Ngũ Tuần mọc lên vào đầu thế kỷ 20, và những ý tưởng của họ về việc chữa
lành bằng đức tin cũng như những trải nghiệm tôn giáo trực tiếp khác dần dần được
đưa vào các giáo phái Cơ đốc chính thống hơn, giống như các nhà thờ Tin lành
khác và thậm chí cả Giáo hội Công giáo. Cơ đốc giáo Đặc sủng lại trở nên phổ biến
ở Hoa Kỳ vào những năm 1960 thông qua phong trào Charismatic, và cũng đã phát
triển mạnh mẽ ở châu Phi cận Sahara (sub-Saharan Africa).
Những can thiệp siêu nhiên trực tiếp của tôn
giáo có sức lôi cuốn có thể có nhiều hình thức - bao gồm cả những tín đồ nói những
ngôn ngữ lạ (được gọi là glossolalia),
tin rằng họ thực sự nghe lời của Chúa và tuyên bố nhìn thấy những dấu hiệu trực
tiếp khác từ ý muốn của Chúa - nhưng có hai hình thức đặc biệt phổ biến: được
chữa lành một cách vi diệu và được tiếp cận với của cải vật chất. Có rất nhiều
sự trùng lặp giữa các nhà thờ rao giảng giáo lý về sự chữa lành bằng đức tin và
những nhà thờ giảng về phúc âm phong phú hoặc thịnh vượng (abundance
or prosperity gospel) - đó là ý tưởng rằng những người thực sự trung thành sẽ
trở nên giàu có (Nguồn: McKeown).
Một số giáo phái Cơ đốc giáo, đặc biệt là phái
Khoa học Cơ đốc (Christian Science), tin rằng y khoa là tội lỗi hoặc không hữu
ích. (Khoa học Cơ đốc từ chối y học bởi vì nó là một phần của thế giới vật chất
ảo tưởng và chỉ xem thế giới tâm linh là có thật). Thay vì dung phép chữa bằng
đức tin như một cách bổ sung cho y khoa, hoặc chỉ dung đến như một giải pháp cuối,
Khoa học Cơ Đốc chỉ dựa vào việc chữa lành bằng đức tin và loại trừ các phương
pháp điều trị y khoa (Nguồn: Sandstrom).
Nhưng người ta không theo đuổi việc chữa lành
bằng đức tin chỉ vì những lý do sâu sắc về tôn giáo và văn hóa. Những người bị
bệnh nặng cuối cùng không còn các lựa chọn y khoa, và trong tuyệt vọng họ chuyển
sang các khả năng phi y khoa (nonmedical). Chữa bệnh bằng đức tin chỉ là một
hình thức điều trị phi y khoa và dường như mang đến cho những người bệnh đang
tuyệt vọng có được hy vọng về một kết quả tốt đẹp.
Những tuyên bố của những thầy chữa bằng đức
tin dường như không thực tế, và những người hoài nghi đã nhiều phen thách thức
họ. Khá nhiều thầy chữa đã bị bắt quả tang là hoàn toàn gian lận.
Việc
từ chối dịch vụ y tế và ủng hộ việc chữa bệnh bằng đức tin có vi phạm pháp luật
không?
Tại Hoa Kỳ, nguyên tắc pháp lý (legal
doctrine) trao cho những người trưởng thành có tinh thần lành mạnh toàn quyền
quyết định những gì có thể và không thể làm đối với họ về mặt y tế, với một số
hiếm trường hợp ngoại lệ (như khi một người bất tỉnh cần được điều trị cấp cứu,
nguy kịch hoặc một bệnh nhân có nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng). Nếu
bệnh nhân không phải là người lớn có thẩm quyền, vấn đề pháp lý sẽ trở nên phức
tạp hơn. Trong hàng chục trường hợp ở Mỹ, cha mẹ có niềm tin Khoa học Cơ đốc đã
từ chối điều trị cho con cái của họ, dẫn đến kết quả y tế tiêu cực, bao gồm cả
tử vong cho con.
Hầu hết mọi tiểu bang ở Hoa Kỳ đều có một số
loại hình miễn trừ tôn giáo dân sự hoặc hình sự đối với việc bỏ bê y tế, và
chín tiểu bang có quyền miễn trừ tôn giáo đối với tội giết người do cẩu thả và
ngộ sát trẻ em (Nguồn: Sandstrom; childrenshealthcare.org). Điều này khiến gần
như không thể truy tố những bậc cha mẹ để con cái mình chết vì niềm tin tôn
giáo của họ - một số ít trường hợp kết án thành công đã xảy ra khi cha mẹ để
cho nhiều đứa trẻ chết theo cách này (Nguồn: Coyne). Các cơ quan lập pháp của tiểu
bang tiếp tục đấu tranh để cân bằng giữa tự do tôn giáo với các nhu cầu của sức
khỏe cộng đồng.
Những
người hoài nghi nói gì về việc chữa lành bằng đức tin?
Những người hoài nghi lưu ý rằng các buổi biểu
diễn của những thầy chữa bằng đức tin thường được viết kịch bản cẩn thận để tạo
nên sự phấn khích trong đám đông và những thầy chữa sử dụng các kỹ thuật vay mượn
từ các nhà thôi miên sân khấu (stage hypnotists) và những thầy chữa bằng đức
tin khác. Phần lớn những gì mà người tham dự các buổi thuyết pháp này cảm thấy đều
bắt nguồn từ sự kỳ vọng của họ và sự mở lòng của họ khi tin rằng có một loại
năng lượng tâm linh nào đó đang ảnh hưởng đến họ. Họ có thể ngất xỉu vì họ đã
thấy người khác ngất xỉu (và một số nhà thuyết giáo thực sự đã tát hoặc xô đẩy những
người đó để chắc chắn rằng họ sẽ bị ngã xuống). Điều mà những người hoài nghi xem
là một cơn “hysteria tập thể” (group hysteria), thì những người tin vào cách chữa
này lại cảm thấy đó là “bàn tay của Chúa” (Nguồn: Nickell; CNN).
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi và các
phóng viên điều tra đã xem xét những tuyên bố của những thầy chữa bằng đức tin,
và trong nhiều trường hợp đã tìm thấy bằng chứng cụ thể về sự lừa đảo trắng trợn.
Có lẽ tai tiếng nhất là Peter Popoff, người đã kiếm được hàng triệu đô la trong
thập niên 1980 chữa bệnh cho nhiều người và chứng minh kiến thức dường như thần
bí của mình về tên và bệnh tật của họ. Một James Randi đầy hoài nghi cùng một
nhóm những điều tra viên đã sử dụng máy quét vô tuyến để chặn đường truyền vô
tuyến từ vợ của Popoff, tiết lộ rằng cô ấy chỉ đơn giản là đọc thông tin từ thẻ
cầu nguyện mà mọi người đã điền trước buổi chiếu và Popoff đang lắng nghe cô ấy
qua một chiếc tai nghe. Dù bị Randi phanh phui trên chương trình The Johnny Carson Show, Popoff vẫn tiếp
tục bán nước thánh và dịch vụ xóa nợ thần thánh (sell holy water and divine
debt removal services) trên các chương trình truyền hình.
Một thầy chữa bằng đức tin khác bị vạch mặt
vì những trò gian lận là Benny Hinn, người nêu ra nhiều chứng bệnh khác nhau mà
anh ta được cho là có thể chữa lành trước một lượng lớn khán giả, sau đó mời những
người cảm thấy anh ta đã chữa lành cho họ lên sân khấu để làm chứng về phép lạ
của họ. Không ai trong số những người được đến sân khấu có bệnh hoặc chấn
thương rõ rệt nào, vì rõ ràng là không có sự chữa lành thực sự nào xảy ra cả (Nguồn:
McKeown). Những người cảm thấy họ đã được chữa lành có thể đã đến các sự kiện của
Hinn với kỳ vọng mạnh mẽ rằng họ sẽ là một phần của phép màu và có thể đã tạm
thời giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, các nhà điều tra, khi theo dõi một số
trường hợp của những người tuyên bố Hinn đã chữa lành cho họ, đã không tìm thấy
bằng chứng nào cho thấy bất kỳ sự chữa lành thực sự đã xảy ra (Nguồn: CNN
Sunday Morning; Nickell). Bất kỳ sự thoái lui triệu chứng hoặc lành bệnh ở những
người tham gia làm chứng này thường có thể được giải thích là do thuyên giảm tự
phát, do chẩn đoán sai hoặc do tác động mạnh của sự gợi ý.
Một số thầy chữa sử dụng các phương pháp giả
mạo khác, chẳng hạn như trả tiền cho một kẻ đồng loã để giả vờ bị bệnh sau đó
được chữa khỏi một cách bất ngờ. Một trong những kỹ thuật ngoạn mục nhất là “phẫu
thuật tâm linh” (psychic surgery). Khi thực hiện phẫu thuật tâm linh, những thầy
chữa, trong lúc “kêu gọi thần thánh”, sẽ giả vờ rạch một vết mổ (vết mổ sẽ
nhanh chóng được chữa lành một cách kỳ diệu) hoặc làm động tác ấn ngón tay trực
tiếp vào da thịt của bệnh nhân. Họ cẩn thận dùng tay hoặc khăn che giấu điểm
vào (entry point), theo cách mà một ảo thuật gia sân khấu có thể che giấu bằng một
xảo thuật khéo tay. Một khối mô tế bào không xác định rõ, thường là máu và nội
tạng động vật mua từ một cửa hàng bán thịt, được lấy ra từ những gì có vẻ là
đáng sợ, thường với những tuyên bố mang tính sân khấu về việc loại bỏ ung thư
hoặc loại bỏ ma quỷ ra khỏi bệnh nhân. James Randi đã ghi lại và vạch trần hình
thức lừa đảo đặc biệt xảo quyệt này. Không có vết thương thực sự nào cả (Randi).
Những người hoài nghi cũng mô tả tác hại của
việc chữa bệnh bằng đức tin gian dối. Những người quyên góp tiền cho một thầy
chữa giả mạo đã bị lừa và kết quả là có thể phải chịu một số khó khăn về tài
chính. Nhưng vẫn có một số người cảm thấy như thể họ đã được chữa lành mặc dù họ
vẫn chưa ngừng nhận được sự chăm sóc y tế hợp pháp, khiến tình trạng của họ trở
nên tồi tệ hơn và trong một số trường hợp, họ có thể nhanh chóng tử vong. Các
nhà điều tra đã theo dõi một số nạn nhân của Popoff và Hinn và đã phát hiện ra
nhiều trường hợp những người đã bỏ qua chăm sóc y tế mà nếu thế, lẽ ra họ đã có
thể được chữa khỏi bệnh (Nguồn: Nickell).
Ngoài ra, các nguyên lý về chữa lành theo đức
tin và các mục vụ phong phú (abundance ministries) đã đặt các gánh nặng thất bại
của chính họ lên trên những người tin theo họ, đồng thời ràng buộc sự thành
công về tài chính và kết quả chữa bệnh của họ với cường độ đức tin của những
tín đồ. Kết quả là, những người nghèo hoặc không trải qua sự chữa lành cảm thấy
như thể họ có lỗi vì đã thiếu đức tin. Một ý tưởng tương tự như "nếu bạn bệnh
hoặc nghèo, là chỉ vì bạn đã không cầu nguyện đủ" xuất hiện trong khái niệm
Luật hấp dẫn phổ biến (popular Law of
Attraction concept), gợi ý rằng “người ta có được kết quả tích cực trong hoàn cảnh
sống chỉ bằng cách nghĩ về những điều tích cực” (people get positive outcomes
in situations by simply thinking about positive things).
Tuy nhiên, những người hoài nghi không có lời
cuối cùng cho việc chữa lành bằng đức tin. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu
kỹ tác dụng của việc cầu nguyện đối với bệnh tật.
Khoa
học nói gì về chữa lành bằng đức tin?
Trong khi những người hoài nghi coi những người
chữa bệnh bằng đức tin cá nhân, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về tác
dụng của lời cầu nguyện đối với sức khỏe. Nhiều nghiên cứu và phân tích tổng hợp
đã được thực hiện, nhưng kết quả của chúng đưa ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả
lời. Nhìn chung, một vài nghiên cứu đã chỉ ra những tác động tích cực nho nhỏ từ
việc cầu nguyện; hầu hết các nghiên cứu không cho thấy bất kỳ tác dụng nào từ
việc cầu nguyện; và một số nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng việc cầu
nguyện làm xấu đi kết quả về mặt y học của những đối tượng nghiên cứu (Nguồn:
Carey).
Một nghiên cứu về sự cầu nguyện thay cho người
khác (intercessory prayer) thường được xây dựng như thế này: Một nhóm bệnh nhân
có các vấn đề y khoa giống nhau được chia thành hai nhóm. Có những người lạ từ
nhà thờ cầu nguyện cho một nhóm bệnh nhân này và không cầu nguyện cho nhóm bệnh
nhân kia. Sau một khoảng thời gian nhất định, các nhà nghiên cứu sẽ đo lường mức
độ hồi phục của nhóm được cầu nguyện so với nhóm không được cầu nguyện.
Nghiên cứu đã được thực hiện trên những bệnh
nhân AIDS, những người bị nhiễm trùng máu và những người đang hồi phục sau phẫu
thuật ghép nối động mạch vành, trong số nhiều thể loại bệnh khác. Nghiên cứu trên
bệnh nhân phẫu thuật bắc cầu động mạch vành rất đáng chú ý vì nó chia bệnh nhân
thành ba nhóm: (1) Nhóm không được cầu nguyện nhưng bệnh nhân không biết liệu họ
có nhận được cầu nguyện hay không, (2) Nhóm được cầu nguyện nhưng bệnh nhân
không biết liệu họ có nhận được cầu nguyện hay không và (3) Nhóm được cầu nguyện
và bệnh nhân biết mình được cầu nguyện. Các bệnh
nhân được cầu nguyện và biết mình được cầu nguyện có tỷ lệ biến chứng sau phẫu
thuật cao hơn các nhóm khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng kiến thức về
việc chăm sóc tinh thần thêm có thể khiến họ lo lắng rằng tình trạng của họ
nghiêm trọng (Tại sao họ lại cần những lời cầu nguyện?), Hoặc nó gây áp lực lên
họ để đáp ứng những lời cầu nguyện, gây ra lo lắng, mà điều này được là sẽ tác
hại thêm cho sức khỏe (Nguồn: Benson; Schneiderman; Carey).
Vấn đề thực sự của việc nghiên cứu lời cầu nguyện
thay cho người khác sẽ trở nên rõ ràng khi bạn xem xét kỹ các phương pháp của
các nghiên cứu. Một số nghiên cứu mắc phải các vấn đề phổ biến trong nghiên cứu
thống kê như: kích thước cỡ mẫu nhỏ, kết quả đo lường sức khỏe không rõ ràng và
“hiệu ứng thiện xạ” (sharpshooter effect) (là tình trạng trong đó rất nhiều hệ
quả có thể xảy ra đến mức các nhà nghiên cứu không thể tránh khỏi việc sẽ tìm
thấy một kết quả như ý trong số đó, giống như việc vẽ hồng tâm xung quanh các lỗ
đạn sau khi bạn đã bắn, thay vì là bắn đạn trúng hồng tâm).
Các
nhà khoa học có thể thực sự nghiên cứu về việc chữa lành bằng đức tin không?
Về mặt khoa học, đo lường một quá trình siêu
nhiên về cơ bản là không thể. Điều gì được coi là một lời cầu nguyện? Những người
cầu nguyện có nên gặp bệnh nhân không, hay chỉ cần biết tên bệnh nhân là đủ? Hoặc
có thể họ nên xem ảnh của bệnh nhân? Họ có cần cầu nguyện cho một kết quả cụ thể
không? Nghiên cứu về những bệnh nhân bệnh tim đã yêu cầu những người cầu nguyện
phải bao gồm một cụm từ cụ thể: "để phẫu thuật thành công với sự hồi phục
nhanh chóng, khỏe mạnh và không có biến chứng" (Nguồn: Carey). Liệu có thể
(và có đạo đức) khi ngăn cản bạn bè và gia đình của bệnh nhân cầu nguyện cho họ
và điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả của nghiên cứu không? Những lời cầu
nguyện được đưa ra có cần tuỳ thuộc một tôn giáo hay giáo phái nào không?
Vào năm 2001, Tạp chí Y học Anh (British Medical
Journal) đã xuất bản một nghiên cứu mang tính châm biếm (satirical study) về
"lời nguyện cầu hồi tác" (retroactive intercessory prayer) cho thấy kết
quả tích cực về diễn tiến bệnh đã xảy ra trong quá khứ trước đó. Nói cách khác,
lời cầu nguyện đủ mạnh để du hành ngược
thời gian một cách hiệu quả và ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Nghiên cứu
nhằm mục đích phê bình chỉ ra sự bất khả thi về logic trong việc thử nghiệm
khoa học về tác dụng của việc cầu nguyện, nhưng những người ủng hộ việc chữa
lành bằng đức tin vẫn tiếp tục trích dẫn kết quả của nghiên cứu như bằng chứng
về tính hiệu quả của nó.
Có rất nhiều giai thoại về những người được
chữa khỏi dường như kỳ diệu sau khi được cầu nguyện. Tất nhiên, giai thoại
không cung cấp bằng chứng thuyết phục và không thể được nghiên cứu một cách
đáng tin cậy. Một người có thể trở nên khỏe hơn, đôi khi rất bất ngờ, và thoát khỏi
một căn bệnh hiểm nghèo, và nếu người đó có niềm tin tôn giáo có thể sẽ liên hệ
hai điều này với nhau.
Có thể một số lợi ích từ việc cầu nguyện là
do hiệu ứng giả dược (placebo effect) - khi các phương pháp điều trị giả mạo có
vẻ như thật sự mang lại hiệu quả tích cực thực sự cho bệnh nhân – Những tác dụng
thường được đánh giá quá mức, nhưng vẫn là thực (Nguồn: Justman). Cũng có thể,
trái ngược với kết quả nghiên cứu trên bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, những
người cầu nguyện cho ai khác có thể mang lại cho họ sự thoải mái, giảm lo lắng,
căng thẳng và những biến chứng y khoa mà tình trạng stress kéo dài có thể gây
ra. Và cũng giống như với những thầy chữa bằng đức tin cá nhân (individual
faith healers), bệnh nhân có thể tạm thời cảm thấy tốt hơn, tin chắc rằng sức mạnh
của lời cầu nguyện đã chữa lành cho họ. Các giai thoại về sự chữa lành bằng cầu
nguyện hiếm khi đề cập đến việc theo dõi để xem liệu bệnh nhân có bình phục thực
sự và vĩnh viễn hay không.
Nhưng cuối cùng, bằng chứng thống kê là không
thể thuyết phục. Những lời cầu nguyện sẽ không làm tổn thương bạn (trừ khi bạn
là một bệnh nhân tim và bạn biết mọi người đang cầu nguyện cho bạn), nhưng đối
với các vấn đề y tế, điểm dừng đầu tiên của bạn nên là bác sĩ .
Nhiều thông tin hơn
Ghi chú của tác giả: Cách chữa bệnh bằng niềm
tin hoạt động
Có vẻ không giống nhưng đây là một trong những
bài báo đen tối nhất, khó chịu nhất mà tôi từng làm. Để xem những chiều sâu mà
mọi người sẽ tận dụng sự tuyệt vọng, nỗi sợ hãi và niềm tin của ai đó đang nổi
dậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét