Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG VỚI VIỆC HỖ TRỢ GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG VÀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM - Phần 1

The role of mass media in facilitating community education and child abuse prevention strategies

Các tác giả: BERNADETTE J. SAUNDERSCHRIS GODDARD
Nguồn: NCPC - National Child Protection Council, Tài liệu Số 16 - 16/6/2002
Website aifs.gov.au (AIFS - Australian Institute of Family Studies) - Child Family Community Austtralia (CFCA)

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Phần 1

Trong phần thứ hai của bài phân tích về vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong phòng chống xâm hại trẻ em, các tác giả thảo luận về lợi ích của các chương trình truyền thông đại chúng như một công cụ để vận động cho quyền trẻ em và cụ thể hơn là để thúc đẩy nhận thức và ngăn ngừa xâm hại trẻ em . Các tác giả nhấn mạnh rằng các chiến lược chiến dịch chỉ có thể thành công khi chúng được hỗ trợ bởi giáo dục cộng đồng và các chương trình hỗ trợ trực tiếp. Thông tin thu được từ các cuộc đánh giá được làm nổi bật và các đề xuất cho các chiến dịch và sáng kiến ​​truyền thông trong tương lai được đưa ra.

GIỚI THIỆU

Một tài liệu phát hành trước đây tập trung vào việc ngăn ngừa ngược đãi trẻ em đã lưu ý về một câu ngạn ngữ Châu Phi rằng "Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, thể hiện vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc nuôi dạy trẻ em và thanh thiếu niên" (Tomison và Wise 1999:1). Trách nhiệm đối với trẻ em ngày càng không chỉ được giao cho cha mẹ hoặc người giám hộ mà còn cho cả cộng đồng (Cohen, Ooms và Hutchins 1995; Korbin và Coulton 1996). Các chiến lược nhắm đến việc hoàn thiện những trải nghiệm sống của trẻ em và vị thành niên và để ngăn chặn tình trạng xâm hại và bỏ bê trẻ em (child abuse and neglect), do đó cần phải xác định chắc chắn, và có lẽ phải đối mặt với, các thái độ và phản ứng phổ biến của cộng đồng đối với tất cả trẻ em và vị thành niên, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến trẻ em và người trẻ.

Theo Hội đồng Bảo vệ Trẻ em Quốc gia (National Child Protection Council) (Không đề ngày: 9, Trích dẫn trong Hawkins, McDonald, Davison và Coy 1994): “Việc phòng chống xâm hại bao gồm việc thay đổi những thái độ, niềm tin và những hoàn cảnh ở cả mức độ cá nhân lẫn cộng đồng nào có thể tạo điều kiện cho sự xâm hại dễ xảy ra”.

Các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của con người. Báo cáo số 14, Xâm hại trẻ em và phương tiện truyền thông (Issues Paper 14, Child abuse and the media) (Goddard và Saunders 2001), đã thu hút sự chú ý đến vai trò thiết yếu của phương tiện truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về và ứng phó với xâm hại và bỏ bê trẻ em. Đặc biệt lưu ý là phần đóng góp của tin tức và các tin bài báo cáo về các trường hợp ngược đãi trẻ em cụ thể, cùng các chiến lược nghiên cứu và can thiệp. Đôi khi, sự chú ý của các phương tiện truyền thông đối với xâm hại trẻ em đã ảnh hưởng tích cực đến phản ứng của công chúng, những phản ứng của giới chuyên môn và cả về mặt chính trị đối với hoàn cảnh mà trẻ em và thanh thiếu niên tìm thấy được chính mình. Do đó, việc hiểu được ảnh hưởng của phương tiện truyền thông và làm thế nào sử dụng phương tiện truyền thông một cách xây dựng, có thể là một công cụ thiết yếu cho những người ai có vai trò vận động cho trẻ em, thanh niên và gia đình của họ (xem Brawley 1995).

Ngoài các tin tức, bài báo và phóng sự điều tra, các chiến dịch giáo dục và phòng ngừa trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng thỉnh thoảng được triển khai. Các chiến dịch này thường cố gắng nâng cao kiến ​​thức cộng đồng về xâm hại và bỏ bê trẻ em, tác động đến thái độ của người dân hướng đến trẻ em và thanh thiếu niên, và thay đổi hành vi góp phần gây ra hoặc dẫn đến vấn đề xâm hại và bỏ bê trẻ em trong cộng đồng của chúng ta.

Tuy nhiên, vì một số lý do, hiệu quả của các chiến dịch này vẫn còn gây tranh cãi. Về cơ bản, hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phòng chống xâm hại và bỏ bê trẻ em là điều còn nhiều tranh cãi. Ví dụ, Rayner (1996) lập luận rằng “các chiến dịch truyền thông rất tốn kém” và tác động của chúng rất khó xác định. Có thể khó biện minh cho các chiến dịch truyền thông tốn kém trong một môi trường chính trị mà ngân quỹ và nguồn lực có hạn để cung ứng cho việc giải quyết các nhu cầu của trẻ em. Hơn nữa, McDevitt (1996: 270) trích dẫn O'Keefe và Reed (1990: 215) lưu ý rằng: Trong điều kiện tốt nhất, các phương tiện truyền thông "có hiệu quả trong việc xây dựng nhận thức của người dân về một vấn đề" nhưng thay đổi thái độ và hành vi phức tạp hơn lại “đòi hỏi có thêm các hình thức tiếp xúc và can thiệp trực tiếp đối với người dân”.

Tuy nhiên, những người khác lại lập luận rằng các chiến dịch truyền thông đại chúng và việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông về xâm hại và bỏ bê trẻ em thực hiện một vai trò quan trọng và có ý nghĩa trong việc đưa các vấn đề như xâm hại trẻ em vào chương trình nghị sự chính trị và công cộng. Lindsey (1994: 163) cho rằng: “Truyền thông có vai trò trung tâm trong việc điều chuyển thông tin và định hình dư luận. Các phương tiện truyền thông chú ý đến những sự kiện mà ít người trong chúng ta trực tiếp trải nghiệm và đưa ra những diễn biến từ xa có ý nghĩa và có thể quan sát được”.

Như Wurtele và Miller-Perrin (1993) đã quan sát, việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông về tình trạng tấn công tình dục trẻ em (child sexual assault) đã góp phần làm sáng tỏ và làm giảm bớt sự bí mật đặc trưng vốn có xung quanh những sự việc ấy. Tương tự, khảo sát tổng quan trên tư liệu về các chiến dịch truyền thông đại chúng cho thấy nhiều ví dụ về các chiến dịch có tác động đến kiến ​​thức của cộng đồng về các vấn đề như an toàn lao động, sử dụng ma túy và rượu, uống rượu khi lái xe, chạy quá tốc độ, hút thuốc lá, béo phì, AIDS và bạo lực gia đình. Thay đổi thái độ và/hoặc thay đổi hành vi cũng có thể xảy ra trong các chiến dịch đó, mặc dù kết quả này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, và mất hiệu lực khi chiến dịch kết thúc (Reger, Wootan và Booth-Butterfield 2000; Freimuth, Cole và Kirby 2001).

Các phương tiện thông tin đại chúng mang đến cơ hội để truyền thông cho nhiều người và nhắm mục tiêu đến các nhóm người cụ thể. Theo quan sát của Gamble and Gamble (1999: 478), giao tiếp đại chúng khác biệt đáng kể so với các hình thức giao tiếp khác. Họ lưu ý rằng truyền thông đại chúng có khả năng tiếp cận “đồng thời” đến hàng nghìn người không liên quan đến người gửi. Nó phụ thuộc vào “thiết bị kỹ thuật” hoặc các “máy móc” để nhanh chóng phân phối thông điệp đến các đối tượng khác nhau và thường không biết đến nhau. Nó có thể được nhiều người truy cập, nhưng cũng có thể bị né tránh. Nó được dàn dựng bởi các chuyên gia với mục đích thuyết phục khán giả tiềm năng về những lợi ích nhờ sự quan tâm của họ. Nó được “kiểm soát bởi những người gác cổng”, những người kiểm duyệt nội dung của các thong điệp. Và cuối cùng, không giống như giao tiếp mặt-đối-mặt, truyền thông đại chúng chỉ nhận được rất ít phản hồi hoặc phản hồi rất chậm từ người nhận đến người gửi thông điệp.

Tuy nhiên, truyền thông đại chúng đồng thời đưa ra những cơ hội và hạn chế, cả hai đều cần được cân nhắc khi lập kế hoạch truyền thông đại chúng hỗ trợ xóa bỏ các vấn đề xã hội như lạm dụng và bỏ rơi trẻ em. Theo Wellings và Macdowall (2000: 23), Tones et al. (1990): “Sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng. . . nằm trong việc giúp đưa các vấn đề vào chương trình nghị sự công cộng, trong việc củng cố các nỗ lực của địa phương, trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề và trong việc truyền đạt những thông tin đơn giản… Hạn chế của các phương tiện truyền thông đại chúng là chúng kém hiệu quả trong việc truyền tải những thông tin phức tạp, trong việc giảng dạy các kỹ năng, trong việc thay đổi thái độ và niềm tin và trong việc thay đổi hành vi khi thiếu các yếu tố tạo điều kiện khác”.

Các chiến dịch và các hình thức giải trí và giáo dục trên phương tiện truyền thông khác (chẳng hạn như các chương trình truyền hình, phim và sản phẩm trực tiếp), có thể có mục tiêu nhắm vào tất cả các gia đình nhằm khuyến khích thái độ tích cực đối với trẻ em và ngừng lại việc xâm hại trước khi nó bắt đầu hoặc thậm chí trước khi được nghĩ đến (dự phòng cấp một - primary prevention). Các nhóm người được xác định là đặc biệt dễ bị xâm hại có thể được nhắm làm mục tiêu (phòng ngừa cấp hai). Ngoài ra, một chiến dịch hoặc chương trình có thể nhắm mục tiêu đến các gia đình đã xảy ra tình trạng xâm hại với mục đích ngăn chặn sự tái diễn của hành vi xâm hại (dự phòng cấp ba).

Do đó, những chiến dịch truyền thông đại chúng (mass media campaign), chương trình giáo dục (educational program) hoặc các sản phẩm sân khấu trực tiếp (live-theatre production) nếu được chú trọng sẽ có tiềm năng đóng góp thành công vào việc giáo dục cộng đồng và phòng chống xâm hại và bỏ bê trẻ em. Tuy nhiên, như sẽ được nhấn mạnh trong toàn bộ tài liệu về vấn đề này, các chiến lược thực hiện trong các chiến dịch chỉ có thể thành công nếu chúng có được sự hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ và giáo dục cộng đồng (community education and support programs):

“Một chiến dịch truyền thông có thể hiệu quả, nhưng nó không có nghĩa lý gì trừ khi chiến dịch được tích hợp vào một cách tiếp cận tổng thể giải quyết các khía cạnh khác nhau của vấn đề đang được giải quyết” (Peter White, Điều phối viên Chương trình Drug Offensive ở NSW, được trích dẫn trong Burrows 1988: 16)

“Bất cứ điều gì xảy ra ở tầm mức đại chúng (mass level) đều phải được bổ sung và hỗ trợ ở cấp cơ sở (grass roots level) để xảy ra những thay đổi lâu dài về mặt hành vi” (Julie Urquhart, về sau là Giám đốc Chiến dịch the Drink-Drunk; the Difference is U NSW Youth Alcohol Strategy, được trích dẫn trong Wood 1994: 18)

Một báo cáo từ một chiến dịch truyền thông đại chúng gần đây của Bang Tây Úc (Western Australia), mang tên 'Thoát khỏi nỗi sợ' (Freedom from Fear), nhắm mục tiêu vào các thủ phạm bạo lực gia đình là nam giới, đã xác định “5 chiến lược thông điệp tiềm năng” (five potential message strategies) cho các chiến dịch phòng ngừa qua phương tiện truyền thông đại chúng (Donovan và cộng sự 2000: 80):

1.  Các biện pháp trừng phạt hình sự: Nhấn mạnh vào các răn đe về mặt pháp lý;

2.  Sự can thiệp của cộng đồng: Cách tiếp cận khuyến khích bạn bè và hàng xóm báo cáo bạo lực gia đình hoặc can thiệp với thủ phạm hoặc nạn nhân;

3.  Sự phản đối của xã hội: Nhấn mạnh vào nỗi ngượng ngùng và xấu hổ (“đàn ông thực sự không đánh phụ nữ”);

4.  Các hệ quả: Các ảnh hưởng của bạo lực đối với người bạn đời hoặc con cái; và

5. Sự trợ giúp luôn có sẵn: Nhấn mạnh rằng sự giúp đỡ luôn sẵn sàng nếu người đàn ông muốn thay đổi.

Các chiến lược này được phát triển từ việc xem xét các nguồn tư liệu và các cuộc phỏng vấn với những nhân viên làm việc cho các chương trình chống bạo lực gia đình. Mỗi một trong số 5 chiến lược này đều có những điểm mạnh và điểm yếu cần được xem xét trong việc hình thành các thông điệp truyền thông cho các chiến dịch giáo dục và phòng ngừa.

Tập tài liệu này (Issues Paper) mô tả một số chiến dịch giáo dục và phòng ngừa trên phương tiện truyền thông đại chúng gần đây và trong quá khứ, các chương trình truyền hình, phim và các tác phẩm sân khấu trực tiếp. Lý lẽ sống của chúng (raison d'tre), sự biện minh của chúng về môi trường kinh tế và chính trị hiện tại, và tác động của chúng sẽ được thảo luận. Thông tin thu thập được từ các cuộc đánh giá được làm nổi bật và đưa ra các đề xuất cho các chiến dịch và sáng kiến ​​truyền thông trong tương lai.

Trọng tâm chính của tài liệu này là sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông để ngăn chặn tất cả các hình thức xâm hại và bỏ bê trẻ em. Tuy nhiên, các ví dụ về hoạt động phòng ngừa dựa trên phương tiện truyền thông đại chúng trong các lĩnh vực khác như sức khỏe và sự an toàn cũng đã được rút ra, và mỗi chiến lược thông điệp (message strategies) nêu trên (Donovan và cộng sự 2000) sẽ trở nên rõ ràng trong bối cảnh hiện tại và quá khứ của các chiến dịch và các cách thức tiếp cận truyền thông nhắm đến việc phòng ngừa.

TẠI SAO CẦN GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG VÀ CÁC CHIẾN DỊCH DỰ PHÒNG?

Xem tiếp Phần 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...