Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

VŨ KHÚC CỦA CHIẾC BÓNG – HALLOWEEN CỦA JUNG

Shadowdancing: Jung’s Halloween
Từ trang web cá nhân của KEITH KARABIN - Chuyên viên Tham vấn, Nhà trị liệu theo trường phái Jungian – 23/10/2015

BS NGUYỄN MINH TIẾN lược dịch



[Trong bài Shadow sẽ được dịch là “Chiếc Bóng” – viết hoa; Shadow Self – dịch là phần Bản Ngã Bóng Tối]

“Để một người đối đầu với với Chiếc Bóng của anh ta là cho anh ta thấy ánh sáng của chính mình… bất kỳ ai nhận biết Chiếc Bóng của mình và ánh sáng của mình thì đồng thời nhìn thấy chính mình từ cả hai phía và do vậy sẽ đứng đâu đó ở giữa”

- Carl Jung, Thiện và Ác trong Tâm lý học Phân tích (Good and Evil in Analytical Psychology).

Trong bầu không khí trong lành, những chiếc lá trong đêm rực rỡ, và tâm trí của những trẻ em Mỹ đang xoay vần với những điều kỳ diệu đượm mùi hương sô cô la - những chiếc bánh răng cưa tưởng tượng đang quay nhanh hơn bao giờ hết mỗi khi người lớn hỏi chúng "Sao, lễ Halloween sẽ như thế nào đây?"

Gần như mọi nền văn hóa trên thế giới đều tổ chức lễ hội hàng năm tương tự như Halloween. Trong cách thể hiện của người dân Mỹ về lễ hội hóa trang này, một quầy trưng bày kẹo mọc lên như nấm ở mọi cửa hàng (bất kể dòng sản phẩm thực tế của họ là gì), những ngôi nhà được trang trí trong vẻ lộng lẫy ma mị hoặc tính cách ma quái ngờ nghệch và các bậc cha mẹ đã đầu tư tiền bạc và thời gian để giúp chế tác những bộ trang phục trong mơ cho các con của họ.

Khi khám phá về hiện tượng phổ quát này, những nhà nhân học đã đặt ra mối liên hệ của lễ hội này với việc mùa màng, còn các nhà lãnh đạo tôn giáo lại gợi ra ý tưởng về “tội lỗi nguyên thủy” hoặc mặt tăm tối trong linh hồn của con người. Tâm lý học cũng nắm giữ một manh mối cho loại lễ hội ma quái này của chúng ta; qua đó một phần tiềm ẩn của mỗi người chúng ta, ẩn giấu bên trong, có thể xem Halloween là thời điểm an toàn để xuất hiện mà không có sự sợ hãi nào từ trong tâm hồn sâu thẳm của chúng ta.

“Bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ, Carl Jung, đã đặt tên cho phần ẩn này của chúng ta là CHIẾC BÓNG - The Shadow – Chiếc Bóng là một nguyên mẫu (archetype) - một mô-típ hay một hình ảnh phổ quát được xây dựng cho tất cả con người” - Theo bác sĩ tâm thần Phil Stutz và nhà trị liệu tâm lý Brian Michels.

Họ tiếp tục nói rằng “Chiếc Bóng xuất hiện như là tổng thể của những phần yếu ớt nhất, thiếu sót nhất, kém cỏi nhất hoặc thậm chí là ghê tởm trong con người bạn. Đó là tất cả những gì bạn không muốn trở thành, nhưng vẫn sợ rằng bạn đang như thế. Không quan trọng bạn có giàu sang, xinh đẹp hoặc nổi tiếng, miễn là bạn sợ rằng mọi người có thể nhìn thấy Chiếc Bóng của bạn, bạn hẳn sẽ trở nên bất an”. Có một sự căng thẳng (tension) giữa Chiếc Bóng của chúng ta và phần bản ngã mà chúng ta thể hiện ra với thế giới bên ngoài. Chúng ta che giấu Chiếc Bóng của mình “như là nguồn cơn của sự bẽ mặt - thường là thông qua một xu hướng hoàn hảo nào đó”, thế nhưng trong một chừng mực nào đó, chúng ta cũng có thể khao khát thể hiện phần này của mình và trong một số trường hợp, Chiếc Bóng sẽ không bị che giấu (Stutz & Michels, 2012) .

Hãy nghĩ đến những đứa trẻ yêu thích hóa trang, những bữa tiệc hóa trang cho người lớn, ngành công nghiệp phục vụ cho Halloween và những lễ hội tương tự trên toàn thế giới. Có lẽ nó được thúc đẩy bởi cuộc xung đột nội tâm này. Tôi có lần đã được nghe một ai đó nói rằng, "Tôi yêu Halloween vì đây là ngày mà nếu không phải là chính mình thì cũng không sao". Sau cùng có thể hiểu được rằng phần bản ngã mà người này thực sự lựa chọn luôn là một khía cạnh của chính người đó, nhưng là một khía cạnh mà người đó ngại thể hiện hoặc muốn nắm lấy nhưng cảm thấy không xứng đáng, hoặc quá bất an khi thể hiện.

Để kỷ niệm “ngày của những mặt nạ” này, chúng ta liên tưởng đến sự xung đột nội tâm ấy và tìm cách khám phá Chiếc Bóng tăm tối này.

Sức nặng của một Chiếc Bóng

“Việc chữa lành không thể xảy ra khi mà những năng lượng đen tối vẫn còn bị đóng kín ở bên trong”

- Deepak Chopra

Jung đã xác định ba phần quan trọng trong tâm hồn của chúng ta - Persona, Self Shadow. Persona là chiếc mặt nạ chúng ta đeo trong xã hội để tạo ấn tượng tích cực. Nó có khả năng thể hiện bản chất thực của chúng ta nếu chúng ta tự tin vào nó, nhưng thường thì nó là “sự thỏa hiệp giữa cá tính thực sự của một người và kỳ vọng của xã hội”. Shadow - Chiếc Bóng, như chúng tôi đã nói, là mặt tối, nhưng Jung đã khích lệ khi cho rằng đó cũng là mặt “chưa phát triển” và chúng ta có thể tiến tới việc “tự nhận thức khi một người nhận ra và tích hợp nó” vào khía cạnh thứ ba, là Self – Bản Ngã. Jung xem Bản Ngã là phần “quan trọng nhất” bởi vì “nó biểu thị sự hài hòa và cân bằng giữa các phẩm chất đối lập khác nhau cùng tạo nên tâm trí” (Curran, 2013).

Trang phục Halloween là một ví dụ hiện ra bên ngoài của sự xung đột bên trong này. Nhìn bề ngoài, dù là trẻ em hay người lớn, chúng ta có thể nghĩ rằng hóa trang thành Darth Vader, một sĩ quan cảnh sát, một ma cà rồng hay nhân vật Joy trong phim Inside Out là điều tuyệt vời - và đúng là như vậy. Nhưng nếu chúng ta dành một chút thời gian để xem xét về những trang phục đó, chúng ta có thể “nếm” được hương vị của Chiếc Bóng trong Bản Ngã của cách tư duy Jungian. Thông thường, những gì đẩy lùi chúng ta hoặc thu hút chúng ta tiết lộ các khía cạnh của Bản Ngã Bóng Tối của chúng ta. Chúng ta hóa trang thành một người hùng hoặc một nhân vật phản diện, sự nghiệp tương lai hoặc ước mơ trở thành ngôi sao. Chúng ta tự bao bọc mình trong bộ dạng xấu xí mà chúng ta có thể thấy ở chính mình, khao khát được chấp nhận hoặc tìm kiếm sự xác thực được khoác lên mình những nguyên mẫu mạnh mẽ nhằm xoa dịu những nỗi bất an của chúng ta. “Một sự thật đối lập với trực giác thong thường đó là khi chúng ta bộc lộ phần Bóng Tối, khi chúng ta nhượng bộ sự bất toàn của nó, thì bản chất của nó sẽ thay đổi. Nó trở thành nguồn của sự sáng tạo và tự tin”.

Jung tin rằng chúng ta có thể tích hợp Chiếc Bóng bằng cách sử dụng những ước mơ, sự sáng tạo hoặc trí tưởng tượng tích cực (Stutz & Michels, 2012). Có thể tìm thấy hình thức tưởng tượng tích cực nào hơn trong dịp Halloween? Chúng ta xem xét, sáng tạo và tô điểm cho chính mình trong phần Bản Ngã Bóng Tối của mình, và chỉ trong một đêm, chúng ta sống tự do, được tán dương hoặc được quyền sợ hãi, và nếu là những đứa trẻ, thì sẽ được thưởng kẹo.

Chiếc Bóng của chúng ta – Bản Ngã của chúng ta

“Nếu con người có lòng can đảm thực sự, họ sẽ mặc những bộ đồ hoá trang của mình vào mọi ngày trong năm, chứ không chỉ vào dịp Halloween”

- Douglas Coupland, Nghệ sĩ và Tiểu thuyết gia

Trong lúc chúng ta có một cái nhìn vui tươi về việc thực hành kiểu Jungian có thể ẩn náu trong lễ hội Halloween cùng những tiềm năng chữa lành chưa được lưu ý đến của chúng, cũng cần phải lưu ý rằng: Jung, và vô số những nhà trị liệu sau ông, đã hết sức nghiêm túc khi xem xét phần Bản Ngã Bóng Tối của con người. Nó là một tác nhân tạo nên những thay đổi mạnh mẽ về mặt cá nhân trong khi trị liệu và vẫn đang được những chuyên viên thực hành vận dụng một cách cẩn thận cho đến ngày nay, bao gồm cả tác giả bài viết. Tựa đề Shadow Self gây xúc động với bộ phim truyền hình về cách tư duy ở Thụy Sĩ những năm 1800s, nhưng nó vẫn có liên quan đến cuộc sống lành mạnh trong thế giới thực.

Jung đã dành cả cuộc đời của mình để viết về Bản Ngã Bóng Tối vì ông cảm thấy rằng việc cảnh giác đón nhận phần Bóng Tối của chúng ta là một mục đích lớn lao để con người có thể hướng đến sự lành mạnh. Ông cảnh báo rằng “một điều ác nhỏ sẽ trở thành cái ác lớn hơn nếu nó bị coi thường và đàn áp” và “với bất kỳ kiểu hiểu biết nào về bản thân”, chúng ta phải coi phần Bóng Tối của mình như là “một vấn đề đạo đức có tính thách thức toàn bộ nhân cách (ego-personality)… khi nhận ra các khía cạnh tăm tối của nhân cách như là đang hiện diện và có thật” (Curran, 2013).

Có - và nên có – những niềm vui và sự phấn khích được chia sẻ về sự đón nhận cẩn trọng này, cũng giống như đám trẻ mặc quần áo chỉnh tề chạy và cười trên phố vào đêm Halloween. Tiến sĩ Stutz (2012) khi kết thúc một câu chuyện về phần Bản Ngã Bóng Tối của chính mình đã nói rằng “Tôi đã chấp nhận Bóng Tối của mình với tất cả những điểm không hoàn hảo của nó”. Cũng tương tự như trong mỹ thuật, cách tô bóng sẽ tạo thêm chiều sâu và độ tương phản cho một vẻ đẹp thực sự, Tiến sĩ Stutz cho biết “Phần thưởng là một cảm giác tuôn chảy vô tận (sense of endless flow) - từ một chiều kích rộng lớn hơn, sâu sắc hơn vốn có chân lý của riêng nó”.

Tất cả chúng ta đều có chiều kích sâu xa ấy bên trong bản thân mình. Hãy để nó bước ra và diễn xuất trong dịp Halloween này. Khi những đứa trẻ gõ cửa nhà chúng ta, trong khi ban kẹo cho chúng, có lẽ cũng là để chứng thực, để ngợi khen và chấp nhận tính chất dễ tổn thương đầy vinh quang của chúng và hơn nữa là sự chấp nhận phần Bản Ngã Bóng tối của chúng. Sau đó, chúng ta hãy đi đến đứng trước tấm gương soi và chia sẻ điều tương tự ấy với chính chúng ta.


Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

THAM LUẬN CỦA CHI HỘI TRĂNG NON TẠI HỘI THẢO 2013 - Phần 2

ÁP DỤNG CÁC LIỆU PHÁP CHƠI VÀ LIỆU PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG VIỆC HỖ TRỢ TÂM LÝ TRẺ EM SỐNG TRONG MỘT SỐ CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Tham luận của Chi hội Trăng Non tại

HỘI THẢO ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC VÀ GIÁO DỤC HỌC TRONG MỘT XÃ HỘI PHÁT TRIỂN 

TP. HỒ CHÍ MINH, 25-5-2013

Nhóm tác giả: Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Thị Thu Trúc, Cao Huỳnh Thị Thương Mỵ, Hà Thị Huyền, Trần Thị Thu Vân, Trần Thị Yến, Phan Văn Phúc, Nguyễn Thị Thủy, Lâm Mỹ Phương, Nguyễn Thị Hạnh Dân.



 

Nhắc lại 8 nguyên tắc cơ bản khi làm trị liệu trẻ em theo Virginia Axline

 

1. Phát triển một mối quan hệ thân thiện và nồng ấm với đứa trẻ.

2. Chấp nhận hiện trạng của đứa trẻ như nó đang thật sự biểu hiện.

3. Thiết lập một cảm giác lạc quan, cho phép trẻ tự do giải bày cảm xúc.

4. Nhận diện và đáp ứng lại với những cảm xúc của trẻ theo một cách thức sao cho đứa trẻ tự hiểu được ý nghĩa của những hành vi của nó.

5. Trông đợi ở trẻ một khả năng tự giải quyết vấn đề và có trách nhiệm trong việc lựa chọn quyết định cũng như thực hiện quyết định đó.

6. Tránh việc hướng dẫn hành vi và lời nói của trẻ; nhà trị liệu cần phải “đi theo” sự hướng dẫn của đứa trẻ.

7. Trị liệu là một quá trình từ từ, không có gì phải vội vã.

8. Đặt ra một ít giới hạn cần thiết cho việc trị liệu và giúp trẻ có trách nhiệm trong trị liệu.


Xem lại Phần 1

Phần 2


CÁC KẾT QUẢ BAN ĐẦU

Về hình vẽ

Hình vẽ là một công cụ có chức năng “kép”, vừa để đánh giá, chẩn đoán, vừa để nhà trị liệu có thể thực hiện những can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho trẻ. Những hình vẽ của trẻ chứa đựng các nội dung có tính ẩn dụ cao, tiết lộ nhiều điều về hoàn cảnh và nhân thân của trẻ.

Trong công trình của Hà Thị Huyền (2006), có 9/10 trường hợp trẻ vẽ hình cây. Cách thể hiện phổ biến là vẽ cây đơn độc hoặc cây có quả hoặc lá lìa cành. Phần lớn các trẻ vẽ cây không có rễ và không có hoặc có ít cành nhánh. Chỉ có 1/9 trường hợp vẽ cây có rễ và cành, nhưng cây này rất mỏng manh và lửng lơ như đang bay đi xa dần (Huyền, 2006). Thân cây từ gốc đến ngọn gần như bằng nhau, mà theo các nhà nghiên cứu cách vẽ ấy nói lên việc trẻ khao khát tình thương; cây không có gốc rễ được giả định là có liên hệ về mặt ý nghĩa với việc trẻ không biết rõ nguồn gốc xuất thân của mình; lá hay quả lìa cành cũng nói lên việc trẻ xa lìa gia đình gốc của mình...

Nghiên cứu của Huyền cũng nhận thấy, mặc dù với đối tượng là trẻ mồ côi hoặc bị gia đình bỏ rơi, hầu hết trẻ đều thể hiện nội dung gia đình qua tranh vẽ. Thể hiện chính là những thành viên trong gia đình, với những sinh hoạt bên trong một ngôi nhà. Một nửa số trẻ (5/10) tái hiện lại nội dung cái chết của cha hoặc mẹ. Có 3/10 trẻ khi được yêu cầu vẽ gia đình thì thể hiện cảnh sinh hoạt của một nhóm người (không phải gia đình). Một số còn lại nhắc đến nội dung gia đình theo kiểu hình ảnh ẩn dụ (thông qua chuyện về thú vật). Điều này cho thấy, chủ đề gia đình thường xuyên là chủ đề rất đáng quan tâm của trẻ, dù qua hình vẽ trẻ đang nói về một gia đình tưởng tượng, mơ ước, hoặc trẻ nói về những ký ức về gia đình trước đây, hoặc có khi chỉ nêu cách nhìn của trẻ về gia đình thay thế đó chính là môi trường mái ấm mà trẻ đang cư ngụ.

Một số trẻ từ chối khi yêu cầu vẽ hình người (8/10), nhưng khi yêu cầu tiếp tục có 5 trẻ vẽ hình người. Những hình vẽ người có thể dưới dạng mặt ma quái (1 trường hợp), người không tay chân (1 trường hợp), hình vẽ người như hình cây có mặt người (1 trường hợp), 1 trường hợp vẽ hình người đầy đủ nhưng được quy là một người khác (trẻ gọi là “chị” cùng sống trong mái ấm). Những kết quả này gợi ý về các kỷ niệm đau buồn hoặc sang chấn có thể có liên quan đến con người và hình ảnh về con người.

Một số hình ảnh tự do của trẻ có những nội dung dị thường, siêu nhiên như ma quái, Phật, thiên đường (3 trường hợp); hoặc những cảnh tượng liên quan đến thiên tai như núi lửa phun trào (một trường hợp). Những nội dung này có thể liên quan đến tâm trạng lo âu, hoặc tâm trạng hoang mang trước các thực trạng đời sống. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nghiên cứu ban đầu năm 2006 chỉ giới hạn trong phạm vi có tính khảo sát cách thể hiện cảm xúc của trẻ (chứ không thực hiện nghiên cứu ca và can thiệp tâm lý) nên những diễn giải trên chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết chứ không đủ điều kiện kiểm chứng thông qua hoàn cảnh sống thực tế của trẻ.

Trong nghiên cứu của Trần Thị Yến (2011), tranh vẽ cũng được thực hiện bởi một cặp trẻ gái sinh đôi 12 tuổi. Trong tranh vẽ của cô em thì có những nội dung tương phản, đối lập trên một tranh vẽ: Một nửa bên trái vẽ cảnh trẻ em vui chơi; nửa bên phải lại vẽ một lọ đựng hoa bị nứt nẻ. Nội dung ấy như thể ẩn dụ cho một vật lẽ ra lành lặn để chứa đựng và bảo vệ cho hoa (ẩn dụ cho gia đình với trẻ?) lại bị nứt và mất công năng chứa đựng, bảo vệ cho hoa. Trong khi đó, cô chị vẽ một bức tranh với một nội dung tang thương như sau: Một chiếc thuyền chở một gia đình 4 người bị cướp biển giết chết, một người bị ném xuống biển, có cả một hộp sữa của trẻ em đang uống dở dang cũng bị rơi và nổi trên mặt nước. Những hình vẽ như thế phần nào bộc lộ những cách thức mà trẻ nhìn và hiểu thế giới xung quanh cũng như về chính đời sống của trẻ. Thay cho lời nói, hình vẽ giúp trẻ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện quan trọng.

Một trẻ trai 11 tuổi, sống trong một mái ấm ở thành phố, có biểu hiện ương bướng, chống đối, câm lặng khi người lớn hỏi chuyện, cũng thể hiện tranh vẽ về một chuồng gà (BS. Tiến, 2010). Gà mẹ ngủ quên để một trong số những quả trứng rơi ra khỏi chuồng mà không hay biết. Trẻ sau đó đã kể tiếp câu chuyện rằng gà trống thức dậy và đi tìm được quả trứng bị rơi. Vẽ xong trẻ nhanh chóng dùng bút xóa hết những gì đã vẽ. Bé trai ấy đã phần nào biết được lai lịch của mình một cách gián tiếp qua một phụ nữ mà trẻ biết là mẹ nuôi. Trong thực tế, cha mẹ ruột của trẻ đã bỏ rơi trẻ khi trẻ mới chỉ khoảng 1 tuổi. Họ đến thuê phòng tại một nhà trọ, rồi bỏ con lại. Người phụ nữ chủ nhà trọ đã giữ trẻ nuôi một thời gian, nhưng sau đó gửi trẻ vào mái ấm. Vào lúc trẻ vẽ hình quả trứng bị rơi khỏi chuồng, trẻ đang có biểu hiện chống đối các giáo dục viên của mái ấm, có lúc đòi bỏ mái ấm đi tìm mẹ.

Trong can thiệp hỗ trợ tâm lý cho một trường hợp trẻ khiếm thị mồ côi sống trong mái ấm (Phúc, 2012), phương pháp sử dụng hình vẽ đã được thay thế bằng việc sử dụng đất nặn. Tác phẩm nghệ thuật được chuyển từ tranh vẽ dành cho trẻ “sáng” thành các vật thể làm từ đất nặn để có thể được nặn và sờ chạm bởi trẻ khiếm thị. Trường hợp được nghiên cứu là một trẻ nữ 14 tuổi, bị bỏ rơi từ nhỏ và được đưa rất xa từ miền Bắc vào một mái ấm tại Tp.HCM. Khi sử dụng đất nặn, chủ đề “chiếc lá lìa cành” và “quả trái bị dư thừa” được trẻ nói đến: Quả trái dư thừa, nó là cái quả cuối cùng trên cây, nhưng đến một ngày chiếc lá rụng đi, cái quả này không thể chịu đựng nổi. Cô đơn chồng cô đơn. Nó hy vọng có thể rơi xuống và vỡ tan cùng chiếc lá. Có lẽ đó là giải pháp tốt nhất... – Trích lời của trẻ nói (Phúc, 2012).

Nói chung, thông qua sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, nặn tượng, trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi thường cố gắng thông tin cho nhà trị liệu về hoàn cảnh, nhân thân của trẻ, hoặc thể hiện những nỗi lo sợ của trẻ về những hoàn cảnh ấy. Việc bộc lộ như thế rất khó cho trẻ nếu phải diễn đạt thành lời nói. Chỉ thông qua những hình ảnh có tính ẩn dụ và ở trong một môi trường có tính an toàn với sự thấu cảm, tôn trọng của nhà trị liệu, trẻ mới có thể thoải mái hơn và tự do hơn trong việc bộc lộ. Tự thân việc bộc lộ ấy với sự hiện diện của nhà trị liệu đã có tính chất chữa lành những đau thương và lo âu của trẻ.

Chơi

Như đã nêu, các nội dung chơi của trẻ cũng hàm chứa những câu chuyện kể có tính ẩn dụ. Một bé gái 6 tuổi trong làng trẻ mồ côi vào buổi chơi đầu tiên đã nhận lầm mấy viên long não màu trắng để ở gầm tủ là những quả trứng thằn lằn. Bé gái khăng khăng đòi đập vỡ những “quả trứng thằn lằn” ấy là sẽ thấy những thằn lằn con trong đó (Thu Trúc, Hạnh Dân, 2013). Mặc dù sau khi đã đập vỡ những viên long não và thấy chẳng có gì bên trong nhưng bé vẫn tiếp tục đập thêm những viên khác... Câu chuyện không được tiếp tục, nhưng dường như chủ đề về “quả trứng” với “thằn lằn con bên trong” cũng gợi ý về những mối bận tâm của trẻ đối với quá trình thai nghén và sinh nở (?).

Song song với việc sử dụng đồ chơi để tạo cảnh, bé gái ấy cũng hay kể những câu chuyện bịa. Trẻ kể về những người anh, người chị, về “hồi em còn nhỏ”, “em được bú sữa bình”... Trẻ dường như cố gắng tưởng tượng và hình dung về giai đoạn còn nhỏ đầy khó khăn của mình vì trong thực tế cả bố lẫn mẹ của trẻ lần lượt bị bệnh lao và mất sớm. Lúc chỉ mới 2 tuổi, trẻ phải về sống với người cô út, rồi sau đó được nhà ngoại gửi vào làng trẻ mồ côi.

Những buổi chơi sau đó của trẻ với 2 cô tâm lý phần nào giúp trẻ thoải mái hơn, tự nhiên hơn trong biểu lộ và nói chuyện. Sau 5 buổi, trẻ bắt đầu nói chuyện thực tế hơn, ít bịa chuyện và trong buổi thứ 5, trẻ vẽ một bức tranh có ngôi nhà với những đứa trẻ đang vui chơi bên ngoài. Trẻ nói về cái chết của bố mẹ “ba em chết, rồi mẹ em cũng chết. Em và H (em của trẻ) còn nhỏ lắm. H vào đây (làng trẻ mồ côi) trước em”. Trẻ nói như thể đang chấp nhận dần thực tế đau buồn của trẻ và cũng buổi ấy, bé đề nghị được mang bức tranh ngôi nhà mà mình đã vẽ đem về nhà ở của mình trong làng. Vào buổi sau cùng, trẻ vẽ một bức tranh tối màu, bên trong cũng có hình một ngôi nhà mà trẻ gọi tên là “nghĩa địa” nhưng không nói gì thêm. Và trẻ xin mang cả 2 bức tranh sau cùng ấy về nhà ở của mình trong làng, với mong muốn được treo ảnh ở một chỗ riêng biệt để tưởng nhớ bố mẹ của mình. Các cô tâm lý của nhóm Trăng Non hội ý với bà mẹ nuôi trẻ trong làng cùng giúp trẻ thực hiện ý nguyện như một nghi thức “đưa tang” của trẻ đối với bố mẹ của mình. Những trạng thái cảm xúc của trẻ được ghi nhận sau đó là khá tích cực. Trẻ vui vẻ ôm tranh đi về nhà ở, khoe với mọi người và có vẻ rất tự hào về việc này.

Trên đây chỉ là mô tả về việc sử dụng các công cụ chơi và tranh vẽ trên một trường hợp minh họa. Nhiều cảnh chơi trong những trường hợp lâm sàng khác cũng rất phong phú, nhưng trong phạm vi bài tham luận này chúng tôi khó thể kể hết. Một số hoạt cảnh chơi ở các bé trai có nhiều phần thể hiện tính xung đột và bạo lực cao như xe húc nhau, thú rượt đuổi hoặc ăn thịt nhau vv... Phần nào cũng nói lên sự yếu đuối và lo âu của trẻ.

Chơi trên khay cát

Minh họa trường hợp: (Mỵ, Phương, 2013) Một trẻ nữ 16 tuổi, trình bày cảnh chơi trên khay cát với 4 khu vực khác nhau: Góc 1 gồm những con thú ăn cỏ hiền lành, đang đi lại nhởn nhơ; góc 2 với những con thú dữ như sư tử và báo đang rình rập những thú hiền; góc 3 là hồ nước có tôm cá và hà mã bên dưới nhờ có nước che chắn nên khá an toàn và góc 4 có những con rắn len lỏi dưới những tảng đá và một con khỉ đang ngồi quan sát. Con khỉ dường như biết rõ mọi chuyện đang diễn ra trước mắt, nó có thể thấy thú dữ khi nào sẽ ăn thịt những con thú hiền, dù những con này chẳng hề hay biết nguy hiểm đang chờ đợi mình. Lẫn trong khung cảnh chung ấy là một cặp chim (một lớn, một nhỏ) đang đi tìm chỗ trú ẩn.

Nhiều chủ đề được nêu ra cùng lúc trong cảnh chơi trên khay cát, trong đó có những chủ đề mang tính đối lập nhau như: mối hiểm nguy (thú dữ rình rập) và sự an toàn (lặn sâu trong nước), sự vô tư (thú hiền) và trí thông minh (con khỉ), không biết hiện trạng (thú hiền) và biết rõ hiện trạng (con khỉ), sự thong thả của bầy thú ăn cỏ đi kèm với sự tập trung chú ý của thú ăn thịt và chủ ý đi tìm nơi an toàn của cặp chim... Các mặt mâu thuẫn cũng thể hiện trong giải pháp: con khỉ không định báo cho thú hiền biết rằng chúng đang nguy hiểm, và giả sử những thú ấy chạy thoát khỏi sự săn đuổi của sư tử thì đến lượt các sư tử con sẽ bị đói...

Các cô tâm lý của nhóm Trăng Non luôn giữ thái độ trân trọng và cùng đồng hành với trẻ, cùng trao đổi với trẻ về các chủ đề được nêu lên trong cảnh chơi. Sự nhận biết các chi tiết, nội dung trong từng phần của cảnh diễn là rất quan trọng để trẻ có thể thống hợp dần dần các chủ đề mà trẻ đã ngoại hiện ra. Sau đó, chính trẻ đã đưa ra một giải pháp: Con khỉ đã quyết định thông báo cho những thú hiền biết chúng đang nguy hiểm.

Những nội dung mang tính ẩn dụ này tạo điều kiện cho trẻ thể hiện các chủ đề mà trẻ quan tâm theo một cách thức khá an toàn mà trẻ khó có thể mô tả thành lời để kể trực tiếp những gì đang xảy ra trong thực tế cuộc sống. Ở tuổi 16, bé gái ấy bắt đầu ý thức được thực tế cuộc sống của mình, nhân thân của mình, nhận ra những mối bận tâm và cả những lo âu của mình. Nhưng đồng thời, trẻ cũng có thể bắt đầu có được sự tinh ý, thông thái (ẩn dụ con khỉ) và có thể thông qua diễn cảnh và đối thoại mà trẻ dần dần có được những quyết định của riêng mình (con khỉ quyết định thông báo nguy hiểm). Chủ đề lo âu có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong một cảnh chơi như thế. Và khi trẻ cùng làm việc với các cô tâm lý, trẻ cũng cảm nhận được sự giới hạn của các khả năng cũng như tính bất toàn của các giải pháp: Nếu các thú hiền thoát nguy thì các thú con trong bầy sư tử cũng sẽ bị đói – Có lẽ đó cũng là quy luật chung trong cuộc sống!

Việc trao đổi với trẻ chỉ tập trung trong các chủ đề của cảnh chơi. Phương pháp sử dụng khay cát (cũng giống như tranh vẽ hoặc chơi trị liệu) không nhấn mạnh đến việc diễn giải ý nghĩa hoặc liên hệ những gì ngụ ý trong khay cát với những sự việc đang diễn ra trong thực tế đời sống của trẻ, nhằm tránh khơi dậy những đau khổ đã có nơi trẻ. Chính thông qua cách làm việc trên những hình ảnh có tính ẩn dụ mà nhà trị liệu có thể trao đổi với trẻ về những điều trẻ thực sự quan tâm mà trẻ vẫn cảm thấy an toàn để thể hiện và được hiểu.

Trong khi làm việc với trẻ với công cụ khay cát, điều quan trọng là nhà tâm lý phải nhận ra các chủ đề được nêu ra trong cảnh chơi. Trong cảnh chơi của bé gái 16 tuổi trên đây, trẻ đã bộc lộ chủ đề về nỗi lo âu với cuộc đời, các mối nguy đang rình rập, sự tìm kiếm nơi chốn an toàn, sự sống và cái chết, khả năng tồn tại và qua đó trẻ cũng bộc lộ những mâu thuẫn, xung đột trong suy nghĩ và cảm nhận của trẻ. Cũng trong khi đối thoại với trẻ về các chủ đề như vậy, nhà tâm lý cũng giúp trẻ nhận ra các giá trị nào đang được xem xét, những giải pháp nào là có tính khả thi và những quyết định sẽ được thực hiện như thế nào. Nguyên tắc chung cho các đối thoại như thế vẫn là tính chất “không hướng dẫn” và chủ đề vẫn nằm trong khuôn khổ cảnh chơi với những hình ảnh ẩn dụ do trẻ tạo dựng.

KẾT LUẬN

Trong khuôn khổ những giới hạn của điều kiện làm việc và hoàn cảnh nghiên cứu, chúng tôi chỉ có thể nêu ra ở đây một số những kết luận sơ bộ mà bước đầu mà chúng tôi có thể rút ra được từ những kết quả quan sát vẫn còn nhiều hạn chế của chúng tôi.

1, Tiếp cận làm việc với trẻ em sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội là một việc làm khó khăn, phức tạp và đòi hỏi sự kiên nhẫn, tinh tế của người làm hỗ trợ tâm lý. Bức tranh lâm sàng của từng trường hợp luôn luôn bị “pha lẫn màu sắc” bởi lịch sử thực tế mà trẻ trải qua, cùng với những gì vẫn tiếp tục được “vẽ lên” sau khi trẻ vào các cơ sở bảo trợ ấy. Những gì mà các cơ sở này làm cho trẻ không thể hoàn toàn giống với chức năng của một gia đình tự nhiên, do vậy khó có thể tách bạch các vấn đề nào là do từ hoàn cảnh của riêng trẻ và vấn đề nào là chuyện phát sinh từ trong môi trường sống của các cơ sở nuôi trẻ. Điều khó khăn này luôn phải được xem xét đến khi phân tích các sản phẩm chơi và sáng tạo nghệ thuật của trẻ.

2, Các chuyên viên tâm lý phải làm việc trong các môi trường phối hợp liên ngành, liên bộ phận (multidisciplinary), do vậy cần mất rất nhiều thời gian để tiếp cận và làm việc với một trường hợp trẻ em sống trong các cơ sở ấy. Cứ mỗi giờ dành cho làm việc riêng với đứa trẻ thì chuyên viên tâm lý của Trăng Non cần trung bình khoảng 5-6 giờ làm việc với các nhân viên khác trong cơ sở, và có trường hợp phải làm việc với thân nhân (gia đình gốc) của trẻ nếu có thể còn liên hệ được với họ.

3, Liệu pháp chơi hoặc sáng tạo nghệ thuật chỉ là một phần trong một chuỗi các biện pháp can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho trẻ. Chúng không thể thay thế cho những việc làm khác của các cơ sở trong việc cung cấp nơi ăn, chốn ở an toàn cho trẻ, cung cấp các điều kiện giáo dục, học tập cho trẻ và cũng không thể thay thế cho các công tác hỗ trợ khác bao gồm cả việc giúp trẻ duy trì các mối liên hệ với gia đình gốc của mình và đôi khi chính các nhân viên làm việc trong những cơ sở bảo trợ ấy cũng cần được hỗ trợ và nâng đỡ tinh thần [Đây cũng là một phần trong công việc của các chuyên viên từ Trăng Non khi đến làm việc với những cơ sở bảo trợ xã hội đã nêu - Chú thích thêm của TN Online].

4, Tuy vậy, qua quá trình làm việc cụ thể trên các trường hợp, chúng tôi vẫn thu nhận được kết quả rất đáng khích lệ từ việc việc sử dụng chơi và sáng tạo nghệ thuật để hỗ trợ tâm lý cho trẻ. Trẻ có thể trở nên sẵn lòng đối thoại, tham gia toàn tâm toàn ý với việc chơi và sáng tạo nghệ thuật, và thay đổi từng bước nhỏ về thái độ, hành vi khi sống và tham gia các sinh hoạt trong cơ sở nuôi trẻ.

5, Việc phân tích các tranh vẽ và cảnh chơi của trẻ đã góp phần cho các chuyên viên tâm lý  của Trăng Non có thể cùng với nhân viên của cơ sở bảo trợ hiểu biết hơn về tâm lý của trẻ, và nhiều trẻ tham gia hoạt động chơi và sáng tạo nghệ thuật cũng đã biểu lộ sự cải thiện về mặt tâm trạng, cảm xúc cũng như các hành vi ứng xử và những mối quan hệ của trẻ với người xung quanh.

6, Một điều vô cùng quan trọng mà chúng tôi đạt được khi triển khai công việc nghiên cứu này đó là đã từng bước xây dựng được một mô hình kết hợp làm việc giữa một nhóm chuyên viên làm việc về tâm lý trị liệu trẻ em (Trăng Non) với những cơ sở bảo trợ dành cho trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi (các mái ấm, làng mồ côi...). Đây cũng là một mô hình đưa các dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp đến với các đối tượng trẻ em thiệt thòi, nhận chịu hoàn cảnh sống có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương.

PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG SẮP TỚI

Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện tiếp tục mô hình hợp tác giữa Trăng Non và các cơ sở bảo trợ xã hội dành cho trẻ em thiệt thòi, để nâng cao dần chất lượng làm việc của mình và làm sao để mô hình này có tính khả thi hơn trong thời gian lâu dài.

Chúng tôi cũng tiếp tục rút kinh nghiệm từ những kết quả ban đầu khi ứng dụng các liệu pháp chơi và sáng tạo nghệ thuật trong hỗ trợ tâm lý trẻ dễ tổn thương nói riêng và những trẻ em có vấn đề khó khăn tâm lý nói chung. Những nghiên cứu về sau, nếu có đủ điều kiện, sẽ được thực hiện sâu hơn, liên tục hơn, thời gian lâu hơn để góp phần phát triển chung cho ngành tâm lý trị liệu trẻ em còn non trẻ tại Việt Nam.

[Trong thực tế ở những khoảng thời gian sau đó (từ 2013 đến 2018), mô hình hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội vẫn được Trăng Non tiếp tục thực hiện nhưng chưa có dịp để đúc kết và công bố - Chú thích thêm của TN Online]

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1, Những nghiên cứu tương tự trong tương lai rất cần được hỗ trợ về kinh phí. Tính cho đến nay (2013), hầu hết những công việc mà Trăng Non thực hiện trên đây đều do bản thân chi hội và các cá nhân tham gia đóng góp, cả về công sức lẫn vật liệu và tài chính.

2, Những mô hình phối hợp làm việc giữa một đơn vị làm chuyên môn tâm lý như Trăng Non và các cơ sở bảo trợ xã hội cần được nghiêm túc đánh giá, chuẩn hóa và chính thức hóa để có thể nghiệm thu và nhân rộng.

3, Các loại liệu pháp chơi và sáng tạo nghệ thuật cần được học tập, nghiên cứu và ứng dụng trong thực tế làm việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em. Chi hội Trăng Non sẵn lòng cung cấp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực làm việc này.

LỜI KẾT

Chúng tôi chân thành cảm ơn Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Tp. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện chung cho chi hội Trăng Non hoạt động chuyên môn trong thời gian qua.

Chúng tôi chân thành cảm ơn các thành viên và cộng tác viên của Trăng Non đã góp công sức vào quá trình làm việc và nghiên cứu về các liệu pháp tâm lý dành cho trẻ em.

Chân thành cảm ơn các cơ sở mái ấm, nhà mồ côi, làng trẻ em, đã giúp chúng tôi thực hiện nghiên cứu. Thiếu sự hợp tác và giúp sức ấy, chúng tôi không thể hoàn thành những công việc nghiên cứu này.

Tri ân những trẻ em thiệt thòi, những trẻ em bất hạnh sống trong các cơ sở mái ấm và làng mồ côi. Những cuộc đời không may nhưng đã để lại cho người khác những bài học về nghị lực và sức phấn đấu.

Cảm ơn quý đồng nghiệp cùng bạn hữu, những người đã hỗ trợ tinh thần cho Trăng Non làm việc suốt thời gian qua.

۩


Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

KHI TRẺ EM TẠO SẢN PHẨM NGHỆ THUẬT

BS NGUYỄN MINH TIẾN Tổng hợp

"Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm sao để duy trì con người nghệ sĩ ấy một khi chúng ta lớn lên." _ Pablo Picasso



Khi một đứa trẻ đem khoe sản phẩm nghệ thuật mà trẻ mới sáng tạo nên, người lớn chúng ta thường hay mở lời khen ngợi trẻ: "Ồ, giỏi quá!" hoặc "Thật là đẹp!"

Mặc dù là có ý tốt, những lời khen này thực sự KHÔNG hữu ích lắm nếu chúng ta muốn khuyến khích trẻ giãi bày thông qua nghệ thuật. Việc này cần được lưu ý cả khi ta tương tác với trẻ ở nhà lẫn trong bối cảnh khi làm trị liệu.

Nếu ngạc nhiên khi nghe thấy điều này, bạn nên suy nghĩ đôi điều sau đây:

- Trẻ nên làm nghệ thuật dựa trên chính ý tưởng, sở thích và khả năng sáng tạo của chính mình;

- Trẻ nên tự mình trải nghiệm cảm giác vui thích, tự hào và cảm nhận về sự hoàn thành công việc trong khi làm nghệ thuật;

- Trẻ nên được tự do trong việc đón nhận lấy những nguy cơ cũng như có lúc phạm sai lầm trong khi làm nghệ thuật;

- Trẻ nên được phép làm sản phẩm nghệ thuật theo kiểu bừa bộn, xấu xí, hoặc đơn giản chỉ cho vui mà thôi;

- Trẻ cũng nên làm nghệ thuật mà không bị phán xét hoặc so sánh.

Nếu bạn là một nhà trị liệu nghệ thuật, khi làm việc với trẻ, bạn nên tránh nói ra những lời tán thưởng hoặc những lời bình có ý phán xét. Bạn có lẽ nên nói để thân chủ của bạn hiểu rằng "tiến trình quan trọng hơn là sản phẩm" và điều chính yếu trong nghệ thuật trị liệu không phải chỉ để làm nên những sản phẩm đẹp mắt!

Đừng để trẻ hình thành thói quen chỉ biết dựa trên sự chấp thuận, hài lòng của những người lớn. Lòng tự tin và tự trọng thực sự chỉ được hình thành dựa trên sự cảm nhận của trẻ về chính khả năng của mình, cảm nhận về sự tự hào và tự làm chủ bản thân của chính mình. Lòng tự trọng nếu chỉ dựa trên sự ngợi khen của người khác thì sẽ rất mong manh và dễ bị thương tổn.

Không phải sản phẩm nghệ thuật nào cũng có tính "hoàn hảo" và xứng đáng để được khen ngợi. Trẻ không nên bị mắc mứu vào chuyện khen chê hoặc phải tuân theo sự kỳ vọng đến từ bên ngoài, mà từ đó khiến trẻ lo ngại chuyện mình bị thất bại. Sự sáng tạo thực sự chính là phải biết sẵn lòng đón nhận những nguy cơ.

Kết quả nhận được từ tiến trình sáng tạo là ở chỗ giúp trẻ vui thú và khám phá, chứ không phải để tạo nên những sản phẩm "đẹp". Ngay cả những lời khen cũng có thể khiến trẻ nhập tâm những sự phê phán và so sánh, rồi sau đó trẻ tự phán xét chính mình - Có sản phẩm "tốt" thì ngược lại cũng sẽ có những sản phẩm "không tốt"!

Điều nên làm là bạn có thể nói chuyện với trẻ về những gì trẻ tạo nên thông qua sản phẩm. Bên trong những sản phẩm đó, có thể chất chứa những "câu chuyện" mà đứa trẻ muốn nói ra...

Michaela Herr, chuyên viên tâm lý phát triển tại Đại học Brooklyn, thành phố New York, Hoa Kỳ, đã mô tả một số trường hợp trẻ em bị tổn thương tâm lý mà cô đã làm việc như một nhà trị liệu nghệ thuật (art therapist).

Ca 1: Chuyển từ hung tính sang niềm vui

Một bà mẹ dẫn đứa con trai 7 tuổi đến nhà trị liệu nghệ thuật vì những hành vi hung tính của đứa trẻ. Việc gần nhất mà trẻ làm là đã dìm chết con mèo nuôi trong chiếc bồn tắm. Trẻ tư duy nhanh, nói nhiều chuyện chẳng biết là thực hay là trong tâm trí như đang mơ của mình. Cậu nói về những nỗi sợ của mình và về cách mà cậu đánh đập người khác khi cậu nổi điên lên. Nhà trị liệu nói với cậu rằng nổi điên cũng được, nhưng có nhiều cách khác để bày tỏ sự tức giận thay vì là sử dụng bạo lực. Cậu ngạc nhiên hỏi "Có à?". Nhà trị liệu đưa cho cậu bút vẽ và một tờ giấy, bảo cậu hãy vẽ ra cơn giận của mình. Khi đó, cậu trở nên rất tập trung và cảm xúc đang mạnh mẽ trở nên dịu lại. Sau vài phút, cậu ngưng vẽ, nhìn nhà trị liệu rồi nói "Cháu là một họa sĩ". Gương mặt cậu có vẻ say sưa và ngạc nhiên về những gì mình có thể làm được. Niềm hạnh phúc như đang lan truyền...

Ca 2: Chuyển từ lo âu sang điềm tĩnh

Một bé trai 6 tuổi từng chứng kiến những hành vi bạo lực giữa cha mẹ ở nhà và bị bạn bè bắt nạt trong trường học. Cậu rất ngưỡng mộ những nhân vật siêu anh hùng và thường mặc chiếc áo thun có in hình Captain America. Chiếc áo như một nguồn cảm hứng tạo nên chiếc khiên che chắn cho cậu. Nhà trị liệu khuyến khích cậu dùng chiếc khiên ấy bất cứ khi nào cậu cảm thấy cần được bảo vệ, đặc biệt khi bạn bè ở trường nói những lời gây tổn thương cho cậu. Rồi nhà trị liệu bảo rằng chiếc khiên phải được để lại ở nhà, nhưng cậu có thể tưởng tượng rằng mình vẫn mang theo chiếc khiên ấy đến trường như một quyền năng vô hình. Cậu bé đã chỉnh lại dáng ngồi và mỉm cười. Việc này dường như đã làm cho cậu thêm tự tin. Cậu chưa bao giờ ngồi thẳng như thế...

Ca 3: Chuyển từ sợ hãi sang tự kiểm soát

Một trẻ trai 11 tuổi được nhiều lần gửi vào cơ sở nuôi dưỡng vì bị cha mẹ bỏ bê ngay từ lúc cậu mới 3 tuổi. Cậu được gặp nhà trị liệu nghệ thuật theo định kỳ. Do sợ những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật sẽ bị hỏng khi mang về nhà nên cậu đã để tất cả chúng ở lại phòng trị liệu. Nhà trị liệu đã để cậu viết ra khoảng thời gian mà cậu cảm nhận về bản thân như là rác rưởi hoặc vật phế thải. Cậu yêu cầu nhà trị liệu không nhìn cậu khi cậu viết. Nhà trị liệu đã nhắm mắt lại và quay mặt đi nơi khác. Sau khoảng mười phút, nhà trị liệu yêu cầu cậu xé mảnh giấy và bỏ nó vào chiếc máy xay. Cậu đã mỉm cười khi ấn nút chiếc máy để hủy những mảnh giấy kia đi. Rồi những máy giấy nát vụn ấy được trút đổ ra, nhà trị liệu yêu cầu trẻ hãy dùng chúng để tạo nên một thứ gì đó mới hơn. Trẻ đã tạo nên "Bức Tường" - một thứ mà cậu mô tả rằng đó là cách có thể kiểm soát được ai đi vào và ai đi ra. Bức tường đã đóng vai trò như một tấm khiên giống như trường hợp thứ 2 nêu trên. Cả hai đứa trẻ đã sáng tạo nên một mảnh nghệ thuật mang ý nghĩa ẩn dụ nhằm bảo vệ mình trước những công kích từ môi trường sống xung quanh...

Sự bình phục thực sự bắt đầu từ trong những khoảnh khắc lắng đọng ấy. Nghệ thuật tạo lối mở cho sự giải bày, bàn luận và đương đầu với các tình huống gây stress trong cuộc sống. Nghệ thuật tạo không gian an toàn cho phép đứa trẻ xử lý những xúc cảm mà khi nói ra bằng lời thì lại có tính chất quá thách thức. Trẻ có thể khám phá ra những cảm xúc mới lạ, khám phá được tiềm năng sáng tạo của mình, trẻ được lắng nghe, được hiểu, và trẻ cũng có thể tìm thấy lại được niềm vui và sự hy vọng...


Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

NHÌN LẠI TRƯỜNG PHÁI MILAN - Phần 3

Milan Revisited: A Comparison of the Two Milan Schools
Tác giả: SERGIO PIRROTTA - Ed.M., L.C.S.W.
Nguồn: JST – Journal of Systemic Therapy; Volume 3, Issue 4, Dec 1984, Guilford Publication Inc.
Published Online: May 2016, GP - Guilford Press Periodicals

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Xem lại Phần 1 - Phần 2

Phần 3

TRÌNH CA

TRƯỜNG HỢP B: GIA ĐÌNH TOSCA – NHÓM NOUVO CENTRO

Gia đình này gồm có ông Tosca, một chuyên viên ngân hàng 52 tuổi, và vợ, một phụ nữ làm nội trợ 45 tuổi, trước đó làm giáo viên, bệnh nhân chỉ định là cô gái 23 tuổi, hiện ở nhà và cô em gái 19 tuổi, ở cùng nhà và hiện theo học tại một trường đại học ở địa phương. Vị bác sĩ gia đình đã chuyển cô gái 23 tuổi đến trị liệu tâm lý vì chứng chán ăn thường xuyên của cô ấy; cô ấy không ăn và kèm theo một sự thôi thúc phải sử dụng các thuốc nhuận trường. Trong 3 năm qua, gia đình đã đưa cô ấy đến một số nhà trị liệu làm liệu pháp cá nhân và một vài nhà trị liệu gia đình. Phiên trị liệu mà tác giả bài viết này quan sát được đó là phiên thứ 5 được thực hiện bởi nhóm Nouvo Centro (Nhóm nghiên cứu của Selvini-Palazzolli), các tóm tắt trước khi vào phiên này được nhóm nghiên cứu thực hiện và gồm những nội dung như sau:

Trong phiên đầu tiên, cả bốn thành viên trong gia đình đều đến dự, trọng tâm nhắm vào việc thiếp lập một “sơ đồ quan hệ” (relational map) và hiểu được lịch sử của quá trình trị liệu trước đó. Từ phiên đầu tiên này, điều có thể được nhận ra đó là gia đình này đã xem vấn đề như một chuyện kinh niên mà cứ mỗi lần trị liệu thất bại thì lại củng cố cho sự nghi ngờ của họ về tính chất thâm căn này. Ông bố và bà mẹ có vẻ tự hào với những nỗ lực của họ trong việc tìm kiếm các phương pháp trị liệu tốt nhất cho con gái của họ. Bà mẹ đặc biệt có sự quan tâm dạt dào với cô con gái bị bệnh của bà, trong khi lại tỏ vẻ gần gũi và tự hào về cô con gái nhỏ hơn của bà. Người bố biểu hiện hơi ít liên hệ với cuộc sống gia đình, có vẻ bối rối với những vấn đề của gia đình nhưng tỏ vẻ sẵn lòng làm bất cứ điều gì mà vợ ông và nhà trị liệu yêu cầu để trình bày vấn đề.

Từ ấn tượng đầu tiên này, nhóm đã quyết định rằng gia đình này thoả tiêu chí để đưa vào dự án nghiên cứu của họ và việc trị liệu sẽ vẫn đi theo kiểu “kê đơn” muôn thuở của họ. Hai cô con gái được miễn không cần tham gia thêm vào quá trình trị liệu, còn bố mẹ thì được báo cho biết rằng nhóm nghiên cứu đã nhận ra vấn đề của gia đình và độ trầm trọng của nó. Từ những kinh nghiệm của nhóm về loại vấn đề này, chỉ có một cách trị liệu mà họ có thể cung ứng nhưng đòi hỏi phải có sự hợp tác hoàn toàn từ phía gia đình để cho việc trị liệu có tác dụng. Hai bố mẹ đã đồng ý, và cuộc trị liệu đã bắt đầu bằng việc hai bố mẹ lên kế hoạch cho những cuộc rời khỏi nhà, mà không giải thích gì cho hai cô con gái lẫn những bạn bè của họ. Theo cách “kê đơn” muôn thuở này, họ sẽ để lại một thông điệp bằng lời lẽ cẩn trọng cho hai cô con gái, đơn giản chỉ là bố mẹ sẽ đi, từ lúc này đến lúc này, nếu được hỏi về chuyện đi đâu, làm gì, họ chỉ cần trả lời: “Đây là việc giữa bố và mẹ. Đây là việc của bố mẹ”. Một phần của huấn thị này bao gồm việc tránh đến những nơi chốn mà bạn bè của họ hoặc bạn bè của các con họ có thể nhìn thấy họ và vì thế có thể báo lại cho các con họ và làm hỏng bí mật này. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu không chỉ thị gì thêm cho việc hai bố mẹ phải làm gì khi ra khỏi nhà. Họ có thể ở cùng với nhau hoặc hoạt động riêng lẻ, nhưng phải trở về nhà chính xác vào thời gian đã định. Các phiên trị liệu sau đó sẽ được dùng để ghi nhận các phản hồi từ bố mẹ về những tác động của những cuộc “xuất gia” ấy của họ, và hướng dẫn họ cách lên những kế hoạch rời nhà sau đó.

Ở phiên trị liệu thứ tư, hai bố mẹ đã cho biết rằng họ đã ra khỏi nhà để đến một hộp đêm ở địa phương và gặp một người bạn của gia đình. Ông bố, trong cố gắng khắc phục sai lầm này, đã giải thích với người bạn ấy rằng những gì họ đang làm là để giữ bí mật với hai cô con gái và yêu cầu người bạn kia phải hứa giữ im lặng không được nói gì. Khi ấy, nhóm nghiên cứu đã bị rơi vào một khủng hoảng. Họ cần phải tìm cách hiểu rằng sự việc này cần được diễn giải như thế nào. Liệu đây có phải là một sự phá hỏng việc kê đơn trị liệu hay không? Liệu đây có phải là một nỗ lực nhằm mở rộng tiểu hệ thống (cha mẹ) với một thoả ước [ở đây là kéo thêm một nhân vật thứ ba là người bạn của gia đình – ND], nhờ đó mà làm giảm bớt độ căng thẳng của cặp đôi bố mẹ? Liệu hai cô con gái có khả năng phát hiện ra rằng những chuyến rời nhà của bố mẹ có liên quan đến việc trị liệu? Sau rất nhiều bàn luận, nhóm đã quyết định để gia đình tiếp tục trị liệu.

Nếu nhóm quyết định rằng hai bố mẹ đã để lộ ra bí mật theo cách thức không thể đảo ngược lại được, gia đình phải rời khỏi trị liệu với một thông báo rằng nhóm nghiên cứu không thể biết thêm được điều gì về vấn đề của họ. Họ sẽ trở nên bất lực vì sự “kê đơn” đã thất bại. Tác giả bài viết này đã được nhóm bảo cho biết rằng cách chấm dứt trị liệu theo kiểu như thế cũng có thể được sử dụng trong một số tình huống, và cách chỉ định đó cũng có thể có tác dụng như những can thiệp trị liệu, mặc dù đó không phải là dự định của nhóm trị liệu.

Gia đình (Tosca) chuyển sang giai đoạn thứ hai của trị liệu khi hai bố mẹ được yêu cầu thực hiện những lần ra khỏi nhà hằng đêm, nhịp độ 5 lần mỗi tuần. Trong phiên trị liệu thứ 5, hai bố trong lúc báo cáo tiến độ của họ, đã cho biết rằng họ chỉ thực hiện được có hai lần ra khỏi nhà thôi. Lần thứ nhất, họ đến hộp đêm cùng chỗ lần trước họ đã đến. Lần thứ hai, họ đến một resort gần đó để ở qua đêm, để lại hai cô con gái ở nhà, trong đó cô con gái út có một người bạn trai từ miền Nam nước Ý đến chơi với cô trong một tuần. Người mẹ suốt đêm vô cùng lo lắng không biết con gái bà (cô con út) có xảy ra chuyện gì hay không và đó quả là một tình trạng căng thẳng quá mức đối với bà. Người đọc cũng nên lưu ý rằng trong một số những gia đình miền Nam nước Ý, người bạn trai ấy cũng thuộc những gia đình có định kiến phân biệt chủng tộc.

Với nỗi lo âu như thế, người mẹ cảm thấy không đúng nếu bà phải rời nhà lần nữa. Nhưng đến lúc đó, bà tiếp tục nói rằng bà lấy làm tiếc đã không tuân thủ việc “kê đơn” bởi vì cô con gái lớn của bà đã trở nên tệ đi trong tháng vừa qua. Người mẹ đã tỏ ra rất khổ sở, bất lực và hoang mang. Bà đã biện minh rằng việc “kê đơn” đã quá khó thực hiện vì bà rất lo lắng cho đứa con gái út của bà (mặc dù dĩ nhiên bà cũng lo lắng cho cô con gái lớn nữa). Liệu có nên dùng một ít thuốc men để ổn định tình hình chăng?

Phía sau tấm gương [Tức tấm gương một chiều ngăn giữa hai phòng, một bên là phòng tiếp gia đình, bên kia là nhóm nghiên cứu đang quan sát – Chú thích của ND], nhóm nghiên cứu giả thuyết rằng người mẹ đang cố gắng làm hỏng cuộc trị liệu và đang đảo ngược mọi việc trở về trạng thái ban đầu, và rằng các chuyến rời khỏi nhà ban đêm của họ là một sự cường điệu hoá có chủ tâm đối với việc kê đơn để rồi bà có lý do để phá vỡ những nhiệm vụ cần làm trong phần còn lại của tháng đó. Người bố cũng thụ động thông đồng với bà trong quá trình này. Nhà trị liệu quay trở lại với những hướng dẫn từ nhóm nghiên cứu là hãy nghiêm khắc với cả hai người họ và hãy thử xem họ có sẵn lòng và có thể tiếp tục với cách “kê đơn” như thế không.

Trong phần bàn luận tiếp theo sau đó, người mẹ đã bật khóc, hết giận dữ, lo sợ rồi lại biện hộ; còn ông bố, lúc thì đứng về phía người mẹ, lúc thì đứng về phía nhà trị liệu. Tuy nhiên, cuối cùng thì, cả hai đều quyết định rằng họ có thể tiếp tục nhận việc “kê đơn” này và trở về sau khi được giúp để lên kế hoạch cho những lần rời khỏi nhà của họ. Trong suốt thời gian người mẹ bộc lộ cảm xúc, thái độ của nhà trị liệu khá là thực tế và đôi lúc gần như lạnh lùng (Nguyên văn: “The therapist's stance, throughout the mother's display of emotions, was quite matter-of-fact, and at times almost cool”), nhà trị liệu nhắc đi nhắc lại một thông điệp rằng nhóm chỉ có một cách kê đơn và hỏi xem hai bố mẹ có sẵn lòng và có thể thực hiện việc này hay không.

Quá trình trị liệu này vẫn tiếp thêm 4 phiên trị liệu sau đó, rồi gia đình được cho một thời gian nghỉ sau đó. Trong báo cáo cuối cùng, hai bố mẹ đã tiến triển tốt qua những lần rời khỏi nhà ban đêm và tình trạng của bệnh nhân chỉ định thì đã cải thiện.

Đón xem tiếp Phần 4


THANH TẨY LÀ GÌ? - CATHARSIS

What is Catharsis?
Tác giả: KENDRA CHERRY
Nguồn: Very Well Mind – 24/5/2021

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên tâm lý trị liệu BV ĐH Y Dược Tp.HCM, Thành viên CLB Trăng Non.



Thanh tẩy là sự giải phóng cảm xúc. Theo học thuyết phân tâm, sự giải phóng cảm xúc này liên quan đến nhu cầu làm dịu những xung đột trong vô thức. Ví dụ, trải nghiệm stress trên những tình huống liên quan đến công việc có thể gây ra những cảm xúc thất vọng và căng thẳng.

Stress, lo âu, sợ hãi, giận dữ, và sang chấn có thể gây ra những cảm xúc khó khăn và dữ dội được hình thành qua thời gian. Đến lúc nào đó, những cảm xúc và sự xáo động có thể nhiều đến mức trở nên tràn ngập. Thậm chí con người có thể cảm thấy họ đang “nổ tung” nếu không tìm một cách nào đó để giải phóng những cảm xúc dồn nén này.

Một cá nhân có thể giải phóng những cảm xúc này theo những cách khác nhau, chẳng hạn như thông qua các hoạt động thể chất, hoặc các hoạt động giải tỏa căng thẳng khác hơn thay vì trút những cảm xúc này ra một cách không phù hợp.

Ý NGHĨA CỦA THANH TẨY

Thuật ngữ này bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp Katharis có nghĩa là “thanh lọc” (purification) hoặc “làm sạch” (cleansing). Thuật ngữ này từng được dùng trong trị liệu cũng như trong văn chương. Một nhân vật “người hùng của một tiểu thuyết nào đó có thể trải qua sự thanh tẩy cảm xúc để từ đó dẫn đến một kiểu làm mới hoặc khôi phục tinh thần cho bản thân mình. Mục đích của thanh tẩy là đem đến một kiểu thay đổi có tính tích cực trong đời sống cá nhân.

Sự thanh tẩy bao gồm từ những thành phần cảm xúc mạnh mẽ mà qua đó những cảm xúc mạnh được cảm thấy và được bộc lộ, cho đến thành phần nhận thức mà nhờ đó một cá nhân đạt đến sự nội thị.

NHỮNG ỨNG DỤNG CÓ TÍNH TRỊ LIỆU

Thuật ngữ này đã từng được sử dụng từ thời Hy Lạp cổ đại, nhưng đồng nghiệp của Sigmud Freud là Josef Breuer là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này để mô tả một kỹ thuật trị liệu. Breuer đã phát triển những gì ông ấy giới thiệu là điều trị“thanh tẩy” đối với chứng hysteria (a "cathartic" treatment for hysteria).

Phương pháp điều trị của ông ấy liên quan đến sự kiên nhẫn khơi gợi lại những trải nghiệm sang chấn bằng cách thôi miên. Bằng cách bộc lộ có ý thức những cảm xúc bấy lâu bị dồn nén, Breuer thấy rằng những bệnh nhân của ông có thể trải qua sự giảm nhẹ triệu chứng.

Freud cũng tin rằng sự thanh tẩy có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ những triệu chứng đau khổ.

Theo học thuyết phân tâm của Freud, tâm trí con người bao gồm ba thành tố chính: ý thức, tiềm thức (hay tiền ý thức) và vô thức. Ý thức chứa đựng tất cả những điều chúng ta nhận biết.

Tiềm thức chứa đựng những điều chúng ta có thể không nhận biết ngay lập tức nhưng chúng ta có thể phác họa nó trong ý thức với sự cố gắng và thúc đẩy. Cuối cùng, vô thức là phần tâm trí chứa đựng kho dự trữ khổng lồ những suy nghĩ, cảm nhận, và ký ức nằm ngoài sự nhận biết của chúng ta.

Phần vô thức trong tâm trí đóng một vai trò cốt yếu trong học thuyết của Freud. Trong khi nội dung của vô thức nằm bên ngoài tầm nhận biết, ông ấy vẫn tin rằng chúng liên tục gây ảnh hưởng lên hành vi và chức năng của con người. Freud tin rằng con người có thể đạt đến sự thanh tẩy bằng cách đem những cảm nhận và ký ức trong vô thức ra ánh sáng. Quá trình này liên quan đến việc sử dụng những công cụ tâm lý mang tính trị liệu như giải mộng và liên tưởng tự do (dream interpretation and free association).

Trong quyển Studies on Hysteria (Nghiên cứu về chứng Hysteria), Freud và Breuer định nghĩa thanh tẩy là “tiến trình giảm nhẹ hoặc loại bỏ một phức cảm (complex) bằng khơi lên tầm nhận biết ý thức và cho phép nó được bộc lộ”. Ngày nay, sự thanh tẩy vẫn có vai trò trong phân tâm học của Freud.

TRONG NGÔN TỪ HÀNG NGÀY

Thuật ngữ thanh tẩy cũng xuất hiện đâu đó trong ngôn từ hàng ngày, thường được sử dụng để mô tả những khoảnh khắc xảy ra sự nội thị (insight) hoặc trải nghiệm về việc tìm ra được một “cái kết” (closure). Một cá nhân trải qua ly hôn có thể mô tả trải nghiệm về một “khoảnh khắc thanh tẩy (a cathartic moment) đã mang lại cho họ cảm giác bình yên và giúp người đó thoát ra khỏi mối quan hệ tồi tệ ấy.

Người ta cũng mô tả trải nghiệm thanh tẩy theo sau việc trải qua một số sự kiện gây sang chấn hoặc stress chẳng hạn như khủng hoảng, mất việc làm, tai nạn, hoặc mất người thân. Thuật ngữ này vẫn được sử dụng để mô tả một khoảnh khắc cảm xúc dẫn đến những thay đổi tích cực trong đời sống, hơi khác một chút so với cách sử dụng trong phân tâm học truyền thống.

Ví dụ

Thanh tẩy có thể diễn ra trong quá trình trị liệu, nhưng nó cũng có thể xảy ra trong những thời điểm khác. Sau đây là một vài ví dụ về cách xảy ra sự thanh tẩy:

· Nói chuyện với một người bạn: Trao đổi với một người bạn về vấn đề bạn đang đương đầu có thể làm lóe lên sự sáng suốt mà bạn có thể thấy cách một sự kiện trước đây trong cuộc sống của bạn có thể đang đóng góp vào mô hình hành vi hiện tại của bạn. Sự giải phóng cảm xúc này có thể có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn để đương đầu với tình thế lưỡng nan trong hiện tại của bạn.

· Nghe nhạc: Âm nhạc có thể là giúp tạo động lực, nhưng nó cũng thường có thể khơi lên những thời khắc thấu hiểu lớn lao. Âm nhạc cho phép bạn giải phóng cảm xúc theo cách thường giúp bạn cảm thấy mình được hồi phục.

· Sáng tạo hoặc thưởng ngoạn nghệ thuật: Một tác phẩm nghệ thuật mạnh mẽ có thể khuấy động những cảm xúc sâu sắc. Việc tạo sản phẩm nghệ thuật cũng là một phương thức giúp bạn giải tỏa.

· Tập thể dục: Rèn luyện thể chất có thể là một cách tuyệt vời giúp khơi thông (work through) những cảm xúc mạnh và giải phóng chúng bằng một cách thức có tính xây dựng.

· Tâm kịch: Loại hình trị liệu này bao gồm diễn lại (acting out) những sự kiện gây khó khăn trong quá khứ. Khi làm như vậy, đôi khi người ta có thể đánh giá lại và trút bỏ nỗi đau từ những sự kiện này.

· Viết để diễn đạt (expressive writing): Viết  có thể là một công cụ hiệu quả đối với sức khỏe tâm thần, cho dù bạn viết nhật ký hay viết tiểu thuyết. Viết diễn đạt, một tiến trình bao gồm viết về những sự kiện gây sang chấn hoặc stress, có thể hữu ích để đạt đến sự nội thị và làm giảm nhẹ những cảm xúc gây stress.

Điều quan trọng cần nhớ là việc khám phá những cảm xúc khó khăn đôi khi có những nguy cơ, đặc biệt là khi những trải nghiệm này có nguồn gốc từ những sang chấn và lạm dụng. Nếu bạn quan ngại về những tác động tiềm ng của việc khám phá những cảm xúc này, cần cân nhắc về việc tìm đến một chuyên gia đã được huấn luyện về sức khỏe tâm thần.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng sự thanh tẩy có lẽ giúp làm giảm áp lực trong thời gian ngắn; nó cũng có thể củng cố những hành vi tiêu cực và gia tăng nguy cơ có những sự bùng nổ cảm xúc trong tương lai.

LỜI NHỦ

Thanh tẩy có vai trò trong việc giúp con người đương đầu với những cảm xúc đau đớn và khó khăn. Sự giải phóng cảm xúc này cũng có thể là một công cụ trị liệu quan trọng để ứng phó với sợ hãi, trầm cảm và lo âu. Nếu bạn đang ứng phó với những cảm xúc khó khăn, việc trao đổi với chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn khám phá những kỹ thuật khác nhau đưa đến sự thanh tẩy.  


HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...