Tác giả:
ELLLINA NOLAN-SHMARKOVSKAYA
Nguồn: Academia
Người
dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
“Không có một ngữ vựng về luân lý, chúng ta không thể hành xử với sự thuyết phục, mà chỉ đơn giản là dựa trên thói quen” - Susan Neiman
Lĩnh vực mà bài luận này đề cập đến đó là Cách Tiếp cận Bối cảnh trong Liệu pháp Gia đình, được phát triển vào khoảng giữa thế kỷ 20. Người khởi xướng là Iván Böszörményi-Nagy (1920-2007), ông sinh ra tại Budapest, Hungary, trong một gia đình có những thẩm phán xuất chúng, tốt nghiệp bác sĩ tâm thần năm 1948 và sau đó di cư sang Hoa Kỳ.
Liệu pháp gia đình bắt đầu phát triển từ
thập niên 1950s, khi một số nhà trị liệu Hoa Kỳ, gồm cả Böszörményi-Nagy “bắt
đầu nhìn ra bên ngoài lĩnh vực tâm lý cá nhân để có thể hiểu và điều trị cho
những trường hợp rối loạn tâm thần nghiêm trọng” (Carey, 2007). Trong thời gian
thực hành lâm sàng, Böszörményi-Nagy đã lưu ý đến những mô hình tương tác có
tính chất huỷ hoại trong các gia đình. Sự quan sát này về sau góp phần hình
thành nên cách Tiếp cận Bối cảnh (Contextual Approach), từ đó trang bị cho lĩnh
vực trị liệu gia đình những nguyên tắc mới trong lý thuyết lẫn trong áp dụng
vào thực tế làm việc. Bài luận này sẽ cố gắng đánh giá sự đóng góp của
Böszörményi-Nagy vào sự phát triển cách Tiếp cận Bối cảnh trong Liệu pháp Gia
đình, cũng như những ưu điểm lẫn những giới hạn của cách tiếp cận ấy. Để có thể
thực hiện được việc đánh giá, bài luận sẽ phác thảo những nguyên lý chính của
cách tiếp cận này.
Cốt lõi của cách Tiếp cận Bối cảnh dựa vào
hai định đề chính. Thứ nhất, nó cho rằng tất cả các thành viên trong gia đình
đều là hệ quả của những hành động và không hành động giữa họ với nhau
(consequences of each other's actions or inactions). Thứ hai, nó nêu ra rằng
“chất lượng của những mối quan hệ ở một người không thể tách khỏi việc xem xét
có trách nhiệm về những hệ quả này đối với những người khác” (Fowers, Wagner, 1997).
Vừa như một hướng dẫn cho việc can thiệp trị liệu, vừa như một quan niệm lý
thuyết, cách Tiếp cận Bối cảnh đã khởi sự đề ra bốn chiều kích về thực tại quan
hệ (dimensions of Relational Reality) – bốn chiều kích này có tính chất liên hệ
qua lại với nhau, nhưng không ngang bằng và cũng không giảm trừ lẫn nhau; đó là
các chiều kích: Sự kiện thực tế (Facts), Tâm lý Cá nhân (Individual Psychology), các Tương giao (Transactions) và Đạo đức Quan hệ (Relational Ethics). Böszörményi-Nagy
còn giới thiệu thêm chiều kích thứ năm mà ông gọi là “Ontic Dimension” vào năm
2000, mặc dù nó đã hiện diện ẩn ngầm ngay từ trong lý thuyết gốc ban đầu
(Kalayjian, Paloutzian (2009), p.43).
Chiều kích thứ nhất – Sự kiện thực tế - Bao gồm thực tại có thực và những
yếu tố xác định về mặt sinh học, mà trên những yếu tố đó chúng ta phải chịu
những giới hạn và không thể kiểm soát được chúng. Nhiều yếu tố và sự kiện trong
thực tế xảy ra bên trong các gia đình hoặc trong những xã hội (di cư, trúng số,
thất nghiệp, nhận con nuôi, đặc biệt là nhận nuôi xuyên văn hoá, sinh con,
chết, xung đột sắc tộc và tôn giáo) đều tác động lên trên những mối quan hệ gia
đình, làm thay đổi những mô hình tương tác, tác động sâu sắc đến những mục đích
sống cả của cá nhân lẫn của gia đình. Cùng với những yếu tố xác định bởi sinh
học và lịch sử, việc này có thể gây nên những xung đột bên trong gia đình, tạo
nên nền tảng cho điều gọi là “long trung thành bị chia cắt” (split-loyalty)
(Krasner, Joyce, 1995, p.19). Khi có nhiều hơn một thế hệ trong gia đình liên
quan đến những xung đột không được giải quyết, hệ quả của những hành động lẫn
không hành động của một thế hệ có thể trở thành một di sản và được chuyển giao
xuống cho những hậu duệ đời sau. Những sự kiện này được gọi là “những thực tại
được tạo lập” (created realities) (Fowers, Wagner 1997).
Nhãn quan đa thế hệ này có ý nghĩa rất to
lớn trong tất cả các chiều kích của Tiếp cận Bối cảnh, và có lẽ đó là một trong
những đóng góp quan trọng nhất của Böszörményi-Nagy cho cách Tiếp cận Bối cảnh.
Nó mang lại cho liệu pháp gia đình những chìa khoá mới để hiểu về sự phát triển
của gia đình và những cách tương tác bên trong gia đình. Shpungina (2009) đã mô
tả bằng cách nào mà những hạn chế về quyền công dân đối với người Do Thái trong
Đế Quốc Nga vào các thế kỷ 18 và 19 đã dẫn đến sự hình thành những mối dây liên
kết gắn bó chặt chẽ hơn trong những gia đình, mà những đặc tính này đã được
chuyển giao qua nhiều thế hệ. Những nét tính cách ấy vẫn hiện diện trong nhiều
gia đình ở những thế hệ con cháu của họ mãi cho đến ngày nay. Trái lại, Voronov
(2009) lại đưa ra những ví dụ về sự tan rã của gia đình như là hậu quả của lòng
trung thành bị chia cắt ở những cá nhân giữa một bên là gia đình và một bên là
xã hội, tại Nga những năm 1920s.
Chiều kích thứ hai của Tiếp cận Bối cảnh – Tâm lý Cá nhân – ngụ ý chỉ
thế giới nội tâm của những cá nhân thành viên trong gia đình, nó “bao gồm những
nhận thức, tình cảm, các huyễn tưởng và những tiến trình mang tính biểu tượng
khác” (Böszörményi-Nagy, 1991), như đã được dẫn bởi Piercy, Sprenkle, Wetchler
(1996), p. 28). Trái với “cách Tiếp cận Hệ thống, nơi mà các cá nhân thường bị
đánh mất” (Gangamma, p. 11 ), cách Tiếp cận Bối cảnh cho rằng cùng những tiến
trình như thế đã tác động lên sự phát triển cả của gia đình lẫn của các cá nhân
thành viên trong gia đình. Trong cơ cấu trị liệu mà “sự thất bại trong việc
nhận ra những nỗi bận tâm, những suy nghĩ, những khao khát, những hy vọng,
những tổn thương trong quá khứ và những hụt hẫng ở các cá nhân, có thể dẫn đến…
những sai sót” (Goldenthal (2005), p. 23) cả trong liệu pháp gia đình lẫn trong
trị liệu cá nhân. Trong sự khám phá này còn hiện ra một đóng góp khác của
Böszörményi-Nagy, một nhà phân tâm đã được huấn luyện, đó là sự thống hợp các
thành phần của của lý thuyết phân tâm học vào cách Tiếp cận Bối cảnh để làm nên
sự công nhận những ảnh hưởng của một cá nhân đối với sự phát triển của gia đình
và trách nhiệm trong việc thúc đẩy sự thay đổi của tiến trình trị liệu. Điều
quan trọng cần được nhấn mạnh là theo Böszörményi-Nagy, các yếu tố cá nhân luôn
luôn phải được xem xét bên trong bối cảnh quan hệ (relational context), bởi vì
“để tồn tại thì phải tồn tại trong mối quan hệ” (to be is to be relational)
(Lothstein (1996) được dẫn bởi by Gangamma, p. 11). Sự đóng góp này của
Böszörményi-Nagy được thấy trong cách ứng dụng vào thực tiễn của nó vào việc
trị liệu dưới hình thức Nhận diện và Đánh giá các khác biệt về tâm lý cá nhân
(Acknowledgement and Assessment of individual psychological differences).
Chiều kích thứ ba của Tiếp cận Bối cảnh – Các tương giao – ngụ ý chỉ
các mô hình tương tác trong những gia đình mà vốn có tác động qua lại bởi những
thành viên của gia đình. Mặc dù cả cách Tiếp cận Bối cảnh lẫn Tiếp cận Hệ thống
đều đồng ý chung về bản chất tuần hoàn của những mối quan hệ (circular nature
of relationships), cách Tiếp cận Hệ thống xem gia đình như những hệ thống năng
động có khả năng tự điều hoà (dynamic self-regulatory systems) (Whitchurch
& Constantine (1993) được dẫn bởi Gangamma, p. 12) trong trạng thái thường
xuyên giao động về mặt cấu trúc, các vai trò và các mô hình giao tiếp, vận hành
để tạo nên sự thay đổi các mô hình hoặc để giữ nguyên trạng. Theo cách Tiếp cận
Bối cảnh, mỗi cá nhân có thể nỗ lực vì bản sắc và những đường ranh giới của
mình. Bản sắc của chúng ta chỉ tồn tại khi có sự so sánh với những người khác.
Như những sinh thể có tính xã hội, chúng ta cần sự bổ sung trong những mối quan
hệ có ý nghĩa từ gia đình, khi mà “những người khác không còn được xem là nổi
trội hơn hoặc yếu thế hơn…”, điều này giúp tạo nên “…một hình thái bản sắc ít
cứng nhắc hơn với điều mà chúng ta có thể tạo nên sự tương phản giữa ‘chúng ta’
và ‘họ’” (Chaplin (2008), p.25). Trong bối cảnh ấy, việc thoả mãn những mục
đích và những nhu cầu của cá nhân và của gia đình sẽ định nghĩa về một gia đình
lành mạnh trong khuôn khổ của cách Tiếp cận Bối cảnh.
Có lẽ đóng góp đáng kể nhất của
Böszörményi-Nagy cho cách Tiếp cận Bối cảnh đó là sự phát triển nên chiều kích thứ
tư, một khái niệm có tính đột phá về Đạo đức Quan hệ. Böszörményi-Nagy
tin tưởng mạnh mẽ rằng sự phát triển của chúng ta, sức khoẻ và thậm chí cả sự
sống còn của chúng ta cũng phụ thuộc vào bản chất của những mối quan hệ của con
người. Trong bối cảnh này, chiều kích Đạo đức Quan hệ xem lòng tin, lòng trung
thành và sự chân thật qua lại lẫn nhau (mutual Trust, Loyalty, and Sincerity)
như là những điều kiện then chốt cho những mối quan hệ bền chặt và những gia
đình được hợp nhất.
Böszörményi-Nagy là một trong số những lý
thuyết gia đầu tiên nhận ra rằng “liệu pháp gia đình và những chủ đề luân lý là
không thể tách rời với nhau” và để định đặt “chiều kích đạo đức ở vào vị trí
trung tâm của đời sống gia đình cũng như trong trị liệu” (Fowers, Wagner,
1997). Ông cũng đóng góp vào lĩnh vực trị liệu gia đình bằng cách đưa ra “những
khuyến nghị thực hành có tính tích cực về cách làm thế nào để tiếp cận chiều
kích đạo đức trong liệu pháp gia đình” (Fowers, Wagner, 1997).
Từ “Bối cảnh” có ý nghĩa rất đặc biệt
trong cách Tiếp cận Bối cảnh nói chung và trong chiều kích Đạo đức Quan hệ nói
riêng. Nó khác với ý nghĩa thông thường về trách nhiệm của mỗi người khi tham
gia vào mối quan hệ. “Bối cảnh” chỉ ra rằng các thân chủ có mối liên hệ động
năng với những mối quan hệ lâu dài và nguồn cội đa thế hệ của họ. Nó chỉ ra một
mạng lưới những sự tiếp xúc, được thiết dựng bên trong tiến trình cho và nhận
và sự tương quan phụ thuộc được tạo lập như là một hệ quả.
Chiều kích Đạo đức Quan hệ qua nhãn quan
đa thế hệ chú trọng vào cả những chức năng và vai trò, trong thế hệ lẫn liên
thế hệ, làm nên lòng trung thành cả với gia đình lẫn với xã hội (thay vì chỉ là
sự quy phục trước quyền lực), chú trọng vào di sản (legacy), tính công bằng
(fairness), trách nhiệm thực thi (accountability), sự khả tín (trustworthiness)
và tính tác động qua lại (reciprocity). Xuất phát từ những nhu cầu cơ bản và
những trải nghiệm cá nhân, Đạo dức Quan hệ còn hơn cả một bộ luật được xã hội
chấp nhận. Với tất cả sự phức tạp của mình, loài người có thể được xem, một
cách chính đáng, như là những kẻ có bản chất vị kỷ, hoặc như những người vị tha
và tốt bụng, hoặc cũng có thể là những sinh thể nhập nhằng về đạo đức. Tuy
nhiên, “sự thừa kế về mặt tiến hoá của chúng ta cho thấy rằng chúng ta là những
sinh vật có tính luân lý về mặt bản chất” (de Waal, cited by Labanyi (2009), p.21).
Vì thế, theo ý kiến của nhiều tác giả, Đạo đức Quan hệ hiện diện một cách tự
nhiên bên trong các cá nhân, các gia đình và những xã hội rộng lớn
Một số tác giả xem sự nhấn mạnh của
Böszörményi-Nagy vào các ý tưởng mang tính hấp dẫn phổ quát như sự khả tín và
tính công bằng như là một sự giới hạn hơn là một thế mạnh, bởi vì nó mang đến
một cái nhìn hạn chế về sự tốt đẹp trong đời sống gia đình (Fowers, Wagner,
1997). Khi phải định nghĩa thế nào là “công bằng” (fairness) và thế nào là
“công lý” (justice), Böszörményi-Nagy đã để việc này lại cho các gia đình. Việc
này tạo nên tính “trung lập về giá trị” (value-neutrality), mà trong thời đại
cần đến tính “đúng đắn về mặt chính trị” (political correctness) của chúng ta
hiện nay thì theo nhiều tác giả, đó lại là thế mạnh của cách tiếp cận này. Tuy
nhiên, Labanyi (2009, p. 22) lại cho rằng làm một nhà trị liệu nghĩa là phải
“sẵn lòng mở rộng sự suy nghĩ vượt ra bên ngoài những nghi thức ‘an toàn’ và có
tính hướng nội của chúng ta”. Sự trung lập về giá trị luôn luôn nêu lên các câu
hỏi. Nếu công lý (justice) là điều có thể được định nghĩa bởi sự đồng thuận lẫn
nhau giữa các thành viên trong gia đình, vậy thì tại sao cuộc tranh luận về nó
vẫn kéo dài qua nhiều thế kỷ mà nay vẫn chưa được giải quyết? Liệu những trẻ em,
người già và người thiểu năng cũng có tiếng nói trong sự bàn luận này? Liệu sự
thương lượng đó sẽ giúp gì cho tình trạng bình đặng giới và long trung thành bị
chia cắt? Điều tương tự cũng xảy ra với sự công bằng (fairness). Định nghĩa
cũng khác nhau giữa các gia đình và các xã hội với những hoàn cảnh nền tảng
khác nhau. Ulitskaya (2007) đã đưa ra những ví dụ về những khác biệt không thể
hoà hợp được trong định nghĩa thế nào là công lý và lòng trung thành trong
những gia đình di dân đa văn hoá ở Israel thập niên 1960s. Tầm quan trọng của
sự kết nối và sự khả tín (Connectedness and Trustworthiness) có thể giảm xuống
bằng số không nếu có sự thiên về ủng hộ những giá trị khác được xã hội chấp
nhận. Những thay đổi về giá trị giữa “Danh dự và Phục tùng” với lại “Nối kết và
Tin cậy”theo thời gian trong những sắc dân thiểu số ở Anh và Afghanistan cũng
đã được bàn đến bởi Sanghera (2009) và Hosseini (2007). Mặc dù có tầm quan
trọng không thể bác bỏ từ những khái niệm về đạo đức của Böszörményi-Nagy, thì
việc không thể đưa ra những giải pháp khả thi nhằm hoà hợp những khác biệt có
tính chính đáng trong cách hiểu về đạo đức có thể được xem là những hạn chế của
cách tiếp cận này.
Chính vì không hoàn toàn có thể tự do thực
hiện sự bóp méo và thiên lệch, vì thế, khi vận hành bên trong một “bộ quy tắc
đạo đức” kiểu Phương tây, tuy “không phải gánh chịu” nhưng vẫn âm thầm hiện
diện, thì Đạo đức Quan hệ đã thất bại trong việc đưa ra những “cách tiếp cận
chung cho việc xem xét về mặt đạo đức trong khi trị liệu” (Fowers, Wagner,
1997).
Mặc dù được mở rộng thành những diễn giải
tất cả những tương tác trong gia đình như những hành động có tính cho và nhận,
mỗi một trong số những tương tác ấy có thể mang lại một sự cân bằng hoặc mất
cân bằng mới cho những “quyển sổ cái ghi nhận về tính chính đáng và những món
nợ” (Ledgers of entitlement and indebtedness). Ẩn dụ về hoạt động kế toán này
của Böszörményi-Nagy là để nói đến sự quân bình giữa cho và nhận bên trong gia
đình. Vì Tiếp cận Bối cảnh định nghĩa những mối quan hệ khả tín là có tính
trưởng thành và không có tính khai thác lẫn nhau, nên khuôn khổ của một “quyển
sổ nợ” (ledger) sẽ được quân bình khi các thành viên trong gia đình đảm nhận
trách nhiệm để thực hiện những nỗ lực chân thành có xem xét đến lợi ích của
những người khác, thay vì thực hiện một sự phân phối “giá trị ngang bằng nhau”
(equal value).
Xuất phát từ ẩn dụ về “quyển sổ nợ”, mà ta
có được khái niệm về Tính Chính đáng (entitlement), liên quan đến khả năng của
những thành viên trong gia đình trong việc ưu tiên những nhu cầu, phúc lợi và
lợi ích của người khác hơn là của chính bản thân mình. Với sự trao đổi ngang
bằng giữa cho và nhận thì sẽ có được tính chính đáng xây dựng (constructive
entitlement). Những người phải gánh chịu những thực tại bất công có thực sẽ
nhận lấy tính chính đáng huỷ hoại và có thể phải cố gắng bù trừ cho những sự
xâm phạm này. Mặc dù hai loại trải nghiệm có lẽ sẽ được nêu ra trước hết, nhưng
những cố gắng có thể hiểu được nhằm bù trừ cho tính chính đáng huỷ hoại qua các
thế hệ thì thường được nói đến nhiều hơn. Böszörményi-Nagy tin rằng cách tiếp
cận của ông có thể được áp dụng cho mọi loại quan hệ, bao gồm cả xã hội nói
chung. Theo Kurimay, ông cho rằng tất cả những xung đột trong mối quan hệ đều
là kết quả của tính chính đáng huỷ hoại dù cho đó là “cuộc chiến sắc tộc ở
Sarajevo, bạo động chủng tộc ở Los Angeles, lạm dụng ma tuý trên hè phố, hoặc
những ‘đứa trẻ người lớn’ bất hạnh trong ngôi nhà của bạn”. Nói cách khác, sự
đóng góp của Böszörményi-Nagy cho cách tiếp cận này là ông đã đưa ra những giải
thích hợp lý cho việc tại sao một số người vẫn “phải dính vào những loại hành
vi gây hại lặp đi lặp lại nhưng lại gây tác động lên những người khác vốn vô
can và không làm gì gây hại cho họ (Böszörményi-Nagy's & Krasner (1986),
được dẫn bởi Gangamma (2008), p.2). Böszörményi-Nagy tin tưởng mạnh mẽ vào tính
hữu dụng của cách Tiếp cận Bối cảnh, ông còn đề nghị áp dụng nó cho “một sự hoà
giải giữa các nền văn hoá và các tôn giáo sau sự kiện Ngày 11/9” (Kurimay). Dù
việc cho rằng cách Tiếp cận Bối cảnh có thể thành công trong giải quyết các
xung đột quốc tế nghe có vẻ quá ngây thơ hay không, thì cách tiếp cận này vẫn
còn được xem như là giải pháp cho các xung đột trong gia đình. Ngay cả khi cách
tiếp cận này không đủ mạnh để vươn xa đến mức như thế, thì rõ ràng nó vẫn là
một công cụ hữu dụng trong nhiều lĩnh vực của việc trị liệu. Chẳng hạn theo
Adkins (2010), cách Tiếp cận Bối cảnh đã “cung cấp một lăng kính mới mà qua đó
ta có thể giải thích được hiện tượng bạo lực cặp đôi – IPV (intimate partner
violence) (p. 29-30) và còn lấp vào những khoảng trống trong các lý thuyết hiện
hành khi cố gắng giải thích những trường hợp bạo lực của nữ giới nhắm vào bạn
tình nam giới cũng như bạo lực trong những mối quan hệ đồng giới” (p.30)
Nêu cao giá trị của sự gần gũi giữa các
thành viên trong gia đình và tầm quan trọng của nó trong sự phát triển các mối
quan hệ, Böszörményi-Nagy đề xuất thêm chiều kích thứ năm – Ontic Dimension, Chiều kích Bản thể của Tiếp cận Bối cảnh, qua đó
nó ngụ ý chỉ sự kết nối qua lại giữa những con người cho phép một cá nhân tồn
tại một cách xác định như một “nhân vị” (person) chứ không chỉ như một “bản
ngã” (self).
Cho dù cũng như bất kỳ học thuyết nào
khác, cách Tiếp cận Bối cảnh vừa có những thế mạnh lại vừa có những giới hạn
của nó, sự đóng góp của Böszörményi-Nagy vào sự phát triển của nó cũng không
thể không được đề cao. Ông có lẽ là người đầu tiên nhận ra tính chất bất khả
phân ly giữa chiều kích hành vi và chiều kích đạo đức. Chiều kích đạo đức đã
trở nên một thành phần quan trọng và được tích hợp trong nhiều cách tiếp cận cả
trong liệu pháp gia đình lẫn trị liệu cá nhân. Có lẽ do bởi phát kiến này mà
Tiếp cận Bối cảnh dường như đã nắm bắt được bản chất của những mối quan hệ
trong gia đình với tất cả tính phức tạp của những mối quan hệ đó, bao gồm cả
những động năng xuyên thế hệ “tốt hơn bất cứ cách tiếp cận quan trọng nào khác
trong trị liệu gia đình (Fowers, Wagner, 1997).
Theo thiển ý của một người học, tác giả
bài viết là người vốn xuất thân từ một gia đình gốc đa văn hoá, đa tôn giáo và
bản thân cũng đến từ một quốc gia có một lịch sử bi thương kéo dài với những
xung đột xã hội và sắc tộc, thì cách Tiếp cận Bối cảnh của Böszörményi-Nagy đã
giúp soi sáng để hiểu về sự giao động của những mục đích cá nhân và gia đình,
về “long trung thành bị chia cắt” và về “những thực tại được tạo lập” đã được
chuyển giao qua nhiều thế hệ.
Thống hợp những giá trị cá nhân vào trong
cách Tiếp cận Hệ thống cùng với nhãn quan đa thế hệ, Học thuyết Bối cảnh của
Böszörményi-Nagy mang lại một sự giải thích độc đáo cho hiện tượng bạo lực được
chuyển giao xuyên thế hệ (cả trong gia đình lẫn trong bối cảnh xã hội rộng lớn
hơn) thông qua những khái niệm chính của nó như sự tin cậy, lòng trung thành,
công lý và tính chính đáng. Có lẽ cần có thêm nghiên cứu và cách phát triển mới
để niềm tin của Böszörményi-Nagy vào việc ứng dụng Tiếp cận Bối cảnh như một
giải pháp cho các xung đột quốc tế có thể trở thành hiện thực và để cho những
tranh biện kéo dài bất tận về những định nghĩa, cơ bản mà cốt yếu, thế nào là
công lý (justice) và thế nào là công bằng (fairness) sẽ trở thành giải pháp
thành công cả trong tầm mức gia đình lẫn trong phạm vi ngoài xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét