Psychodrama, an
Experiential Treatment, Helps Diffuse Anger
Tác giả: MARTY BABITS – Đồng sáng lập Trung tâm
Trị liệu Gia đình và Cặp đôi, thuộc Viện Tâm lý Trị liệu Đương đại (the
Institute for Contemporary Psychotherapy) tại Tp New York, Hoa Kỳ.
Nguồn: Psychology Today – 31/1/2018
Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN - Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa
KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên tâm lý trị liệu, Thành viên CLB
Trăng Non.
Giảm giận dữ, mở ra khả năng cho lòng trắc ẩn và kết nối.
Valerie Simon, LCSW, PAT, một blogger
khách mời của ngày hôm nay, là một nhà thực hành có kinh nghiệm về tâm kịch, một
kỹ thuật mạnh mẽ được hướng dẫn trong trị liệu cá nhân, nhóm và cặp đôi. Bà viết:
Nhiều thập kỷ trước, một bác sĩ
tâm thần tại Đông Âu có tên là Jacob Moreno đã hiểu rằng cơ thể nhớ được những gì mà tâm trí quên (the body
remembers what the mind forgets). Đầu thế kỷ 20, Moreno đã tạo nên tâm kịch, một
trong những hình thức sớm nhất của trị liệu trải nghiệm mà tên gọi của nó thường
lúc ban đầu có vẻ “đe dọa”. Trong lúc quan sát trẻ nhỏ tại sân chơi ở Vienna thể
hiện những xung đột của chúng, Jacob Moreno nhận ra rằng việc sắm vai
(role-playing) giúp chúng ta chữa lành những vấn đề của mình. Sau đó, ông phát
triển những “kỹ thuật sân khấu ứng tác” (improvisational theatre techniques) được
sử dụng theo cách thức có tính trị liệu. Những kỹ thuật này có thể được điều chỉnh
để giúp đỡ cho những cặp đôi đang có tình trạng xung đột.
Bằng cách nào chúng ta có thể giao
tiếp, đặc biệt là trong lúc giận dữ. Nếu một mối quan hệ có một “tài khoản về cảm
xúc”, liệu rằng sự giao tiếp của chúng ta trong những tình huống stress có cho
phép chúng ta có thể “ký gửi” sự thông cảm về mặt cảm xúc hoặc phải chăng chúng
ta sẽ rút lui với sự giận dữ và cắt giảm sự đáp ứng cảm xúc của mình?
Cách thức mà một cặp đôi xử lý
những xung đột như thế nào có thể xác định được kết quả của mối quan hệ. John
Gottmann nghiên cứu những cặp đôi và khám phá một vài yếu tố tiên báo trong việc
liệu một cặp đôi sẽ ở lại cùng nhau hay bị chia cắt sau khi quan sát họ giao tiếp
với nhau trong khi xung đột.
Những nhà trị liệu cặp đôi gặp
phải rất nhiều thách thức khi một cặp đôi đang trong tình trạng giận dữ. Chúng
ta thường thấy chính mình giống như một trọng tài hoặc một bậc cha mẹ phải giải
quyết cuộc tranh giành giữa mấy anh chị em đang chơi trong hố cát. Đôi khi
chúng ta gặp khó khăn để có thể xen lời vào. Cặp đôi có thể rất khư khư khó
thay đổi trong một mô hình giao tiếp tiêu cực và trước khi họ đến văn phòng của
chúng ta, họ thường đã trải qua nhiều năm thể hiện sự giận dữ đến độ rối loạn
chức năng.
Ngoài ra, não bộ của chúng ta cũng
được cài đặt các mô hình tiêu cực mà chúng ta đã từng chứng kiến và trải nghiệm
khi còn nhỏ. Mặc dù hữu ích, nhưng chỉ bằng cách nói ra những chủ đề của chúng
ta trong trị liệu cặp đôi không hẳn sẽ giúp “tháo gỡ” những kết nối thần kinh
trong não chúng ta và đó là việc có thể giúp thay đổi hành vi.
Liệu pháp trải nghiệm – thông qua
tâm kịch – giúp thống hợp một cơ thể trong hoạt động với việc giữ trọng tâm
chính là nhằm chuyển đổi các mô hình từ tiêu cực sang tích cực. Cơ thể chúng ta
ghi nhận những ký ức sang chấn bên trong hệ viền của não bộ (limbic system).
Đây là khu vực khởi đầu những đáp ứng “chống, chạy hoặc đông cứng” (fight,
flight or freeze responses) và hầu hết những phản ứng tức giận cũng bắt nguồn từ
đây.
Dưới đây là một vài công cụ
mang tính trải nghiệm có thể được sử dụng trong những phiên trị liệu cặp đôi và
giúp làm tan biến sự giận dữ.
Khởi động (warm-ups) –
Trong tâm kịch, cách thức khởi động rất được ưa chuộng. Khi sử dụng trong trị
liệu cặp đôi, việc khởi động (làm ấm lên) có thể cung cấp một không gian an
toàn để cặp đôi chia sẻ tâm trạng của họ nhanh hơn mà sự làm việc thông qua trò
chuyện có thể không mang lại.
Đây là một vài ví dụ: Hoạt phổ đồ (spectrogram) là một thước đo mức độ
ưu tiên trên thang đo phổ (spectrum scale). Nhà trị liệu có thể hỏi một cặp
đôi, “trên một thang điểm có điểm số từ 1 đến 10, bây giờ bạn cảm thấy mình
đang giận anh ấy/cô ấy ở mức nào?” và mỗi người đứng ở vị trí chính xác trên một
dòng tưởng tượng trên sàn nhà tượng trưng cho hoạt phổ này từ mức 0 cho đến mức
10. Sau đó, mỗi người sẽ chia sẻ về sự lựa chọn của mình.
Một cách khởi động khác là sử dụng
Lược đồ Cơn giận (locogram) áp dụng cách định
vị khác nhau tuỳ theo cách trả lời. Nhà trị liệu có thể đặt một vài mẫu giấy
trên sàn nhà trên đó có những từ mô tả những cách khác nhau mà người ta thể hiện
sự giận dữ chẳng hạn như “la hét”, “đối xử theo kiểu im lặng”, “tiêu tiền”, hay
“tán tỉnh người khác”. Cặp đôi sẽ có cơ hội đứng ở vị trí có tờ giấy có ghi cách
thức mà họ thường áp dụng khi xảy ra xung đột và chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận
về nó. Ngoài ra, mỗi người trong cặp đôi cũng có thể lựa chọn cách mà người bạn
đời áp dụng với mình trong khi xung đột mà khiến bản thân mình gần như sẽ bị kích
hoạt, rồi sau đó chia sẻ điều đó khiến bản thân mình cảm thấy thế nào. Một lược
đồ khác có thể dựa trên câu hỏi “Bên dưới sự giận dữ của tôi là gì?” và những lựa
chọn có thể được sắp xếp từ “sợ bỏ rơi”, sang “cô đơn”, cho đến “cảm thấy như bị
mắc bẫy”, và một cặp đôi có thể có cơ hội để bộc lộ sự tổn thương của họ và lắng
nghe sự tổn thương của người kia. Trong việc lập lược đồ locogram, chúng tôi
luôn cung cấp một sự lựa chọn “khác” để người tham gia có thể điền vào chỗ trống
và đáp lại theo cách mà nhà trị liệu không đoán trước.
Đảo vai (Role Reversal) – Khi
một cặp đôi bị vướng mắc vào những mô hình loạn chức năng, việc chuyển đổi vị
trí và chuyển đổi vai trò có thể giúp hoá giải sự giận dữ. Trong kỹ thuật đảo
vai, từng người trong cặp đôi sẽ đứng dậy và thực sự chuyển đổi chổ, chuyển đổi
vai trò cho người kia. Kế đó, mỗi người lặp lại một vài điều sau cùng mà người
bạn đời kia mới vừa nói, rồi tiếp tục cuộc đối thoại. Một sự thay đối cách nhìn
thường đạt được khi mỗi người đứng vào vị trí của người kia và nhìn nhận sự việc
từ quan điểm của người đó. Bằng cách đảo vai, một phần mới trong não bộ sẽ dự
phần vào kỹ thuật này, giúp nuôi dưỡng sự thấu cảm, một cách dễ nhất để làm
thay đổi những thái độ giận dữ và oán trách.
Chiếc ghế trống (The empty chair) – Kỹ thuật này được tạo lập bởi Jacob Moreno,
sau này Fritz Perl, một cựu thực tập sinh của Moreno, đã đưa vào áp dụng trong liệu
pháp Gestalt. Một chiếc ghế trống được đặt trước mặt một cặp đôi và họ được hướng
dẫn để xem xét liệu họ có bao giờ chuyển sự giận dữ của họ với một ai khác
trong cuộc sống lên người bạn đời của mình hay không. Ví dụ, Susan và Steven đã
kết hôn và đang đi làm, Susan có một người sếp nam có tính cách rất thách thức.
Trong ví dụ này, Susan sẽ tưởng tượng rằng sếp của mình đang ngồi ở chiếc ghế
trống và cô sẽ có cơ hội để trút nỗi hụt hẫng của mình lên ông ấy một cách an
toàn theo cách mà cô không thể làm được ở văn phòng. Trong thực tế, cô đã có thể
rủ sạch mọi chuyện chứ không tích trữ nỗi tức giận cho đến khi nó tràn vào cuộc
sống gia đình của cô và chuyển hướng sai về phía chồng cô. Chứng kiến hoạt động
chiếc ghế trống này, Steven có thể phát triển sự thấu cảm với Susan. Trong lần sau,
khi Susan bắt đầu trút nỗi thất vọng của mình lên Steven sau một ngày vất vả,
anh ấy có thể không còn phản ứng phòng vệ, mà thay vào đó có thể hỏi vợ mình về
ngày làm việc của cô ấy. Cặp đôi này thậm chí còn có thể điều chỉnh một cách thức
mang tính xây dựng hơn để Susan có thể nói với ông sếp khó chịu của mình, hoặc cô
ấy cũng có thể xem xét việc không còn những cảm nhận này nữa bằng cách tìm một
công việc mới.
Hầu hết những xung đột đều không
có tính trắng đen rõ rệt. Khi chúng ta đang trong mô hình “chống, chạy hoặc
đóng băng”, có thể nhận thấy rằng chúng ta thường bị mất kết nối với người mà chúng
ta muốn kết nối nhất. Khi chúng ta bị kích hoạt và giận dữ, chúng ta đôi khi quay
trở lại mô hình ứng xử giống trẻ con. Tâm kịch giúp chúng ta xua đi những mô
hình giận dữ và suy nghĩ rõ ràng hơn, giúp hình thành nhiều giải pháp lựa chọn cho
việc tái kết nối với những con người quan trọng với chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét