“Battered Women's
Syndrome.”
Nguyên tác: TAMANNA TAZNIN
Nguồn: Linkedin của
tác giả - September 30, 2016.
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN - Dịch xong ngày
16/6/2017)
Hội chứng “người phụ nữ bị hành
hạ” (Battered woman syndrome - B.W.S.) là một rối loạn về mặt thể lý, tinh thần,
cảm xúc và tính dục, xảy ra trên những nạn nhân của bạo lực gia đình như là kết
quả của một tình trạng xâm hại nghiêm trọng và kéo dài. BWS là một tình trạng
nghiêm trọng do bởi điều chính yếu là nó có thể dẫn đến một tình trạng mà một số
học giả gọi là “tình trạng bất lực, tuyệt vọng được tập nhiễm” (learned
helplessness) - hoặc một trạng thái “bại liệt về tâm lý” (psychological
paralysis) - khi mà nạn nhân trở nên trầm nhược, bị khuất phục và thụ động đến
mức cô ấy tin rằng bản thân mình không thể thoát ra khỏi tình trạng bị ngược
đãi. Mặc dầu nghe qua nó có vẻ như một nỗi sợ hãi phi lý, nhưng đó lại là một
trạng thái được nạn nhân cảm nhận rất thật. Trong lúc cảm thấy sợ hãi và yếu đuối,
đôi lúc vẫn còn nuôi hy vọng vào việc kẻ gây hại sẽ ngưng làm tổn thương mình,
nạn nhân vẫn ở lại với kẻ ấy, tiếp tục cái chu kỳ bạo lực gia đình và củng cố
thêm hội chứng BWS đang hiện hữu nơi cô ấy.
HỘI CHỨNG BWS HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Hội chứng “phụ nữ bị hành hạ”
khởi đầu như một chu kỳ ngược đãi với 3 giai đoạn. Đầu tiên, kẻ xâm hại thực hiện
những hành vi tạo nên sự căng thẳng trong mối quan hệ. Giai đoạn 2, căng thẳng
bùng nổ khi kẻ xâm hại tiến hành một trong số những hình thức bạo hành, về thể
chất, tâm lý, cảm xúc, hoặc tình dục. Giai đoạn 3, khi kẻ xâm hại trở nên muốn
khắc phục sai lầm và hối lỗi. Giai đoạn 3 còn được xem là “giai đoạn trăng mật”
và liên quan đến việc kẻ xâm hại trở nên “hối cải” về những hành vi sai trái của
mình. Cũng trong giai đoạn trăng mật, kẻ xâm hại được tha thứ, để rồi chu kỳ
lúc nào đó lại bắt đầu trở lại.
Khi chu kỳ tiếp diễn, nạn nhân
bắt đầu cảm thấy rằng tình trạng xâm hại là do lỗi của mình. Khi nạn nhân tự nhận
trách nhiệm về tình trạng ngược đãi đối với chính mình, tìnhh trạng ấy sẽ tiến
triển thành một sự “bất lực, tuyệt vọng được tập nhiễm”. Nạn nhân cảm thấy bất
lực, vô vọng vì cô ấy tự thuyết phục mình rằng sự ngược đãi xảy ra là do lỗi của
chính cô ấy và rằng cô ấy không thể thoát ra khỏi tình trạng bị ngược đãi. Khi ấy,
hội chứng BWS được hình thành.
NHẬN DIỆN HỘI CHỨNG BWS
Những phụ nữ mắc hội chứng BWS
cùng chia sẻ chung một số nét đặc trưng có thể quan sát được. Khi nói chuyện với
một phụ nữ như thế, người ta có thể nhận ra các nét đặc trưng này và giúp phát
hiện cô ấy đang mắc phải hội chứng BWS. Các nét đặc trưng của BWS bao gồm như
sau:
Cô ấy nhận trách nhiệm về tình
trạng ngược đãi; thấy khó khăn hoặc không thể quy lỗi cho kẻ xâm hại;
Cô ấy lo sợ cho an nguy của bản
thân mình;
Một cách phi lý, cô ấy tin rằng
kẻ xâm hại có nhiều sức mạnh, có thể gây tổn thương cho cô ấy nếu cô ấy tìm kiếm
sự giúp đỡ từ nhà chức trách.
Những phụ nữ mắc hội chứng BWS
cũng có những biểu hiện của trầm cảm. Họ mất hết hứng thú về những điều mà họ
đã từng thấy thú vị. Họ cũng có thể bắt đầu lạm dụng rượu và ma túy. Một khi
các dấu hiệu của BWS đã được nhận diện, điều quan trọng là phải giúp đỡ những
phụ nữ ấy.
GIÚP ĐỠ NHỮNG PHỤ NỮ MẮC HỘI CHỨNG BWS
Cũng như trong mọi tình huống bạo
lực gia đình, những phụ nữ mắc chứng BWS cần phải liên hệ và thông báo cho nhà
chức trách địa phương về tình trạng họ bị bạo hành. Cảnh sát có thể tiến hành
việc bắt giữ và khởi tố. Vào thời điểm đó, khá nhiều phụ nữ mắc chứng BWS lại
có thể bãi nại và rút lại lời khai của mình. Họ có thể cảm thấy tiếc cho kẻ xâm
hại hoặc họ sợ mình lại bị bạo hành khi cảnh sát tha cho kẻ kia.
Một số đông phụ nữ bị ngược đãi
đã bãi nại, nhưng điều quan trọng cần nhớ là việc bãi nại có thể khiến nạn nhân
phải chịu trách nhiệm khi đã lừa dối nhà chức trách. Điều cũng đáng lưu ý là việc
bãi nại cũng không giúp thay đổi tình thế. Khi kẻ xâm hại đã bị bắt và hồ sơ đã
được thiết lập, việc bãi nại cũng không giúp gì để ngăn trở việc này.
Những phụ nữ bị ngược đãi cũng
lo sợ khi phải ra tòa làm chứng chống lại kẻ xâm hại. Tuy vậy, cũng có những biện
pháp giúp hỗ trợ họ. Trong thực tế, những người có khả năng giúp đỡ cho nạn
nhân có thể cùng hiện diện trước tòa để hỗ trợ khi nạn nhân phải đứng ra làm chứng.
GIÚP ĐỠ NHỮNG PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO HÀNH
Thoát khỏi một mối quan hệ bạo
hành là điều không dễ dàng. Nạn nhân có thể vẫn còn đang hy vọng rằng mọi việc
có thể sẽ thay đổi, hoặc họ cũng lo sợ những gì mà kẻ xâm hại có thể làm khi biết
họ đang cố gắng đào thoát. Dù bất kỳ lý do gì, dù họ cảm thấy bị trói buộc và
tuyệt vọng, họ vẫn nên nhớ rằng sự giúp đỡ luôn có sẵn. Có nhiều nguồn hỗ trợ
luôn có sẵn để trợ giúp bao gồm những đường dây nóng giúp can thiệp khủng hoảng
(crisis hotlines), những nhà tạm lánh (shelters), thậm chí cả những dịch vụ hỗ
trợ học nghề, hỗ trợ pháp lý và giúp chăm sóc con cái. Họ đáng có được một cuộc
sống không sợ hãi và hãy bắt đầu việc tiếp cận những dịch vụ ấy.
TẠI SAO CÔ ẤY KHÔNG RỜI ĐI?
Đây là câu hỏi mà nhiều người
đã đặt ra khi biết người phụ nữ ấy bị hành hạ và ngược đãi. Nhưng nếu bạn là
người đang ở trong một mối quan hệ bạo hành, bạn sẽ thấy rằng chuyện không đơn
giản như thế. Chấm dứt một mối quan hệ quan trọng chẳng bao giờ là chuyện dễ
dàng. Thậm chí càng khó khăn hơn khi bạn đã bị tách ly với gia đình, bạn bè, đã
bị ngã quỵ về mặt tâm lý, bị khống chế về mặt tài chính và bị đe dọa về mặt thể
lý.
Nếu bạn cố quyết định xem nên ở
lại hay nên rời đi, bạn sẽ cảm thấy bị mơ hồ, không chắc chắn, sợ hãi và bị dằn
xé. Lúc thì bạn muốn liều lĩnh bỏ đi, nhưng lúc khác thì bạn lại muốn ở lại
trong mối quan hệ. Bạn thậm chí có thể tự trách mình đã để xảy ra sự ngược đãi,
hoặc có thể cảm thấy yếu đuối, ngượng ngùng bởi vì bạn đã để mình bị mắc mứu.
Hãy đừng để mình mắc kẹt trong sự nhầm lẫn, mặc cảm tội lỗi và tự trách như thế
nữa. Điều duy nhất quan trọng đó là sự an toàn của bạn.
Nếu bạn đang bị ngược đãi, hãy nhớ rằng:
Bạn không hề có lỗi vì chuyện bị
hành hạ hoặc bị ngược đãi
Bạn không chịu trách nhiệm về
hành vi bạo hành của chồng mình
Bạn xứng đáng được đối xử với sự
tôn trọng
Con cái của bạn cần có một cuộc
sống an toàn và hạnh phúc
Bạn không hề đơn độc và có nhiều
người sẵn sàng giúp đỡ bạn
HỖ TRỢ NHỮNG PHỤ NỮ BỊ NGƯỢC ĐÃI - ĐI ĐẾN MỘT QUYẾT ĐỊNH
Khi bạn đang đứng trước việc thực
hiện một quyết định, hoặc chấm dứt mối quan hệ có tính bạo hành, hoặc cố gắng cứu
vớt nó, hãy ghi nhớ những điều sau đây:
Nếu bạn hy vọng người bạn đời
có tính bạo hành sẽ thay đổi, thì tình trạng ngược đãi có khả năng sẽ tái diễn
trở lại. Những kẻ xâm hại thường có những vấn đề sâu sắc về tâm lý và cảm xúc.
Sự thay đổi không hẳn là không thể, nhưng nó xảy ra không hề nhanh chóng và dễ
dàng. Sự thay đổi chỉ có thể xảy ra khi người kia nhận hoàn toàn trách nhiệm về
hành vi của mình, tìm kiếm sự trị liệu từ những nhà chuyên môn và ngừng đổ lỗi
cho bạn, trị liệu về tuổi thơ bất hạnh của anh ta (có thể đã từng bị ngược đãi
và xâm hại bởi cha mẹ của mình, vì cha mẹ ly hôn hoặc không hạnh phúc, lịch sử
gia đình có những phụ nữ bị bạo hành...), cùng những vấn đề khác của anh ta như
stress, công việc, tình trạng ngoại tình hoặc các vấn đề về tính khí...
Nếu bạn tin rằng bạn có thể
giúp đỡ cho người bạn đời có tính bạo hành của mình, chuyện đó có thể hiểu là
điều tự nhiên thôi vì bạn nghĩ rằng mình là người duy nhất hiểu được anh ta và
là người có trách nhiệm sửa chữa các vấn đề của anh ta. Nhưng sự thật là khi bạn
ở lại và chấp nhận sự ngược đãi lập đi lập lại ấy, bạn đã giúp củng cố và cho
phép những hành vi bạo hành tiếp tục diễn ra. Thay vì giúp người kia, bạn lại
làm cho vấn đề tiếp tục tồn tại. Vì thế, tốt hơn là hãy khuyên người kia tìm kiếm
sự trị liệu để thay đổi hành vi. Mặc dù tỷ lệ thành công không cao, trị liệu có
thể giúp thay đổi tính hung hăn của kẻ xâm hại và giúp tái thiết lại mối quan hệ.
Nếu người kia hứa hẹn không bạo
hành nữa, nên nhớ rằng khi phải đối mặt với hậu quả của mình, anh ta thường hay
viện lẽ những chuyện này chuyện nọ, cầu xin tha thứ hoặc hứa hẹn sẽ thay đổi,
nhưng anh ta có thể chỉ nói thế để tiếp tục ở lại vị trí kiểm soát và ngăn cản
bạn rời đi. Một khi người kia được tha thứ hoặc không còn lo ngại việc bạn sẽ rời
đi, thì trong hầu hết thời gian, anh ta sẽ trở lại với những hành vi bạo hành.
Đôi khi, có những phụ nữ còn được phát hiện là bị giết chết bởi người chồng bạo
hành của mình.
Nếu người kia đang được tham vấn
hoặc đang trong một chương trình trị liệu dành cho kẻ bạo hành, cũng nên nhớ
ngay cả khi đó cũng không có gì bảo đảm rằng anh ta sẽ thay đổi. Nhiều kẻ xâm hại
đã qua chương trình tham vấn sau đó vẫn tiếp tục hành vi bạo hành, ngược đãi và
kiểm soát. Nếu người ấy thôi không tìm cách làm giảm nhẹ vấn đề và tỏ lòng ăn
năn thì đó là những dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, bạn vẫn cần quyết định dựa trên
con người thật của anh ta vào thời điểm hiện tại, chứ không dựa trên con người
mà anh ta hứa hẹn sẽ trở thành.
Nếu bạn đang lo lắng về những
gì sẽ xảy ra sau khi bạn rời đi, bạn có thể lo lắng không biết người kia sẽ làm
gì, bạn sẽ phải đi đâu, hoặc về cách thức làm thế nào bạn có thể sống và nuôi
dưỡng con cái, thì cũng nên nhớ rằng đừng để sự lo sợ về những điều mình không
biết mà khiến bạn tiếp tục ở lại trong một hoàn cảnh sống nguy hiểm và không
lành mạnh như thế. Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng con cái của những kẻ
xâm hại chịu những ảnh hưởng tiêu cực trên hành vi của chính chúng mà từ đó có
thể gây nên những vấn đề tương tự trong cuộc sống của chính chúng về sau.
CÁC DẤU HIỆU CHO THẤY KẺ XÂM HẠI KHÔNG THAY ĐỔI
Anh ta tìm cách nói giảm nhẹ hoặc
chối bỏ mức độ nghiêm trọng của sự bạo hành mình đã gây ra;
Anh ta tiếp tục đổ lỗi cho người
khác về những hành vi của mình;
Anh ta cho rằng bạn mới là người
ngược đãi anh ta;
Anh ta áp lực bạn đi đến dịch vụ
tham vấn cho các cặp đôi;
Anh ta cho rằng bạn “nợ” anh
ta;
Bạn phải bắt ép anh ta tiếp tục
việc trị liệu;
Anh ta nói với bạn rằng anh ta
không thể thay đổi trừ khi bạn ở lại và giúp anh ta;
Anh ta cố gắng gợi sự thông cảm
từ bạn, từ con cái, hoặc từ gia đình và bạn bè của bạn;
Anh ta trông đợi điều gì đó từ
bạn để đổi lấy việc tìm kiếm sự hỗ trợ;
Anh ta ép buộc bạn phải quyết định
về mối quan hệ;
Anh ta cố tạo nên những lợi ích
nhân danh các mối quan hệ, chẳng hạn như của hồi môn hoặc yêu sách về con cái;
Anh ta cũng ép buộc bạn phải phụ
thuộc vào anh ta;
Anh ta nói với mọi người (bà
con, bạn bè) những chuyện không hay về bạn để hạ nhục bạn và tô vẽ có lợi cho
anh ta với người khác;
NHỮNG BƯỚC ĐI HỒI PHỤC VÀ TIẾN TỚI TRƯỚC
Những vết sẹo do bạo lực và ngược
đãi thường ăn rất sâu. Những chấn thương mà bạn trải qua vẫn còn ở lại với bạn
rất lâu sau khi bạn đã thoát khỏi hoàn cảnh bị ngược đãi. Sau những chấn thương
mà bạn đã trải qua, bạn cũng có thể phải tiếp tục đấu tranh với tình cảm khó chịu,
dằn vặt, những ký ức đáng sợ, hoặc cảm nhận về mối nguy hiểm thường xuyên mà bạn
không thể xua đuổi đi được. Hoặc bạn cũng có thể trở nên trơ lạnh, xa cách và
không thể tin tưởng vào người khác nữa. Khi những điều tồi tệ xảy ra, phải cần
một khoảng thời gian sau đó để có thể vượt qua nỗi đau và cảm thấy bình an trở
lại. Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có thể đẩy nhanh quá trình bình phục từ những
chấn thương tình cảm và tâm lý của bạn. Dù cho những chấn thương đã xảy ra cách
đó nhiều năm hoặc chỉ mới xảy ra hôm qua, bạn vẫn CÓ THỂ bình phục và đi tới.
XÂY DỰNG NHỮNG MỐI QUAN HỆ MỚI, LÀNH MẠNH
Sau khi thoát khỏi hoàn cảnh sống
bị ngược đãi, bạn có thể háo hức chuyển sang một mối quan hệ mới để sau cùng đạt
đến mối quan hệ mật thiết và hỗ trợ cho những gì bạn đã mất đi. Tuy nhiên, sẽ
thông minh hơn nếu bạn đi chậm rãi hơn. Hãy dành thời gian để hiểu bản thân bạn
và hiểu làm thế nào mà bạn đã bước vào mối quan hệ ngược đãi trước đây. Nếu
không dành thời gian để bình phục và để rút ra bài học từ kinh nghiệm, bạn có
nguy cơ rơi vào ngược đãi trở lại.
Nếu người cũ quay trở lại với bạn
và giúp tháo gỡ các vấn đề trong quan hệ vợ chồng, bạn hãy có những bàn bạc với
anh ta với sự hiện diện của những người bạn hoặc những người có thể bảo vệ bạn
để bạn có thể có những quyết định đúng đắn. Đôi khi, việc trị liệu hành vi có
thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp bảo tồn cuộc sống lứa đôi.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là nếu bạn và người ấy sẵn lòng làm như thế mà
không có những hành vi ngược đãi thêm nữa, bạn cũng nên cho phép mình bước tới.
Tất cả tùy thuộc vào cách ứng xử của người kia, có còn bạo hành tiếp nữa hay
không.
NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ
Việc chồng bạo hành và ngược
đãi vợ đang trở thành hiện tượng xảy ra hằng ngày trong thế giới hiện đại.
Không có lý do gì để ủng hộ hoặc che giấu một kẻ cứ lập đi lập lại việc hành hạ,
ngược đãi vợ, bất kể nguyên do là gì. Mọi phụ nữ, như những con người, đều có
những quyền về mặt xã hội và pháp lý để chống lại sự hành hạ, dù thuộc bất cứ
chủng tộc nào, bất cứ tôn giáo hoặc nghề nghiệp nào, hoặc vì bất cứ vì lý lẽ buộc
tội nào. Cả người gây ngược đãi lẫn nạn nhân đều cần được trị liệu và sự trợ
giúp từ xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét