Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

TẠI SAO NGƯỜI ĐỒNG PHỤ THUỘC Ở LẠI TRONG NHỮNG MỐI QUAN HỆ KÉM CHỨC NĂNG?

Why Do Codependents Stay in Dysfunctional Relationships?
Tác giả: SHARON MARTIN, LCSW
Nguồn: PsychCentral - March 25, 2016

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Tại sao người ta lại duy trì các mối quan hệ đồng phụ thuộc?

Các mối quan hệ thật phức tạp! Và các mối quan hệ đồng phụ thuộc lại càng đặc biệt phức tạp. Nhìn bề ngoài, không có ý nghĩa gì đối với bất cứ ai khi phải ở lại trong một mối quan hệ bị rối loạn chức năng, có tính lạm dụng hoặc không hài lòng và tuy thế, rất nhiều, rất nhiều người thường vẫn như thế.

Thật dễ dàng để đưa ra sự phán xét. Bạn có thể đang chất vấn tại sao một người bạn hoặc thành viên gia đình vẫn ở trong một mối quan hệ độc hại. Hoặc bạn có thể đang tự chỉ trích bản thân mình vì đã ở trong một mối quan hệ phụ thuộc. Khi bạn hiểu rõ hơn về tâm lý và cảm xúc đằng sau sự phụ thuộc, bạn sẽ bắt đầu hiểu những lý do phức tạp để ở lại và hy vọng bạn sẽ có nhiều lòng trắc ẩn hơn đối với người khác và với chính mình.

Tình trạng đồng phụ thuộc là một kiểu động lực quan hệ bị rối loạn chức năng mà có thể truy nguyên trở lại từ thời thơ ấu. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình rối loạn chức năng sẽ tự cho rằng bản thân mình là xấu, không xứng đáng, ngu xuẩn, thiếu khả năng và là nguyên nhân của những rối loạn chức năng của gia đình. Những niềm tin và trải nghiệm này tạo nên gốc rễ cho các mối quan hệ đồng phụ thuộc (codependent relationships) khi lớn lên.

Dưới đây là 9 lý do lớn nhất khiến những người đồng phụ thuộc (codependents) luôn ở lại trong các mối quan hệ loạn chức năng.

Lý do số 1: Tình yêu và sự quan tâm

Tình yêu là một cảm giác mạnh mẽ. Ngay cả khi bị đối xử tệ bạc, cảm giác yêu thương và quan tâm mạnh mẽ vẫn có thể tồn tại. Khi đã hình thành một sự gắn kết, rất khó để phá vỡ nó ngay cả khi bị ai đó xâm hại hoặc ngược đãi.

Hầu hết những người phụ thuộc từ thời thơ ấu đã “học” được rằng tình yêu và sự lạm dụng đi đôi với nhau. Thật không may, theo thời gian, một số người đồng phụ thuộc tin rằng việc ngược đãi là “bình thường” trong một mối quan hệ. Họ mong đợi bị lạm dụng, bị thao túng và bị lợi dụng. Đây là những kiểu hành xử đã trở nên quen thuộc đối với họ.

Họ cũng xem tình yêu là sự hy sinh quên mình. Thể hiện tình yêu bằng cách chăm sóc bạn đời của họ và hy sinh những nhu cầu và ý kiến ​​riêng của mình.

Những người nghiện, những kẻ lạm dụng và những người bị bệnh tâm thần rất thường lâm vào những mối nguy thực sự. Những người đồng phụ thuộc có mối quan ngại chính đáng về điều gì sẽ xảy ra nếu họ không có mặt ở đó để chăm sóc cho bạn đời của họ. Họ lo lắng rằng cá nhân hoặc gia đình họ có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu họ không giữ “mọi thứ đi đúng đường”. Những người đồng phụ thuộc thường xuyên có thể cứu lấy mình hoặc thoát khỏi cảm giác tội lỗi hoặc tức giận, nhưng tình yêu và sự quan tâm thực sự lại lôi kéo họ ở lại và tiếp tục giúp đỡ.

Lý do thứ 2: Hy vọng về sự thay đổi

Hy vọng là một động lực mạnh mẽ. Người đồng phụ thuộc cống hiến bản thân để cố gắng hàn gắn và chữa lành bạn đời của họ. Khi bạn đã đầu tư quá nhiều thì thật khó để mà từ bỏ! Và sự thật là ngay cả những mối quan hệ bị loạn chức năng cũng không phải lúc nào cũng bị xem là xấu. Những khoảng thời gian tốt đẹp lại giữ cho hy vọng của họ sống lại. Những người đồng phụ thuộc ở lại mối quan hệ bởi vì họ vẫn nuôi hy vọng rằng đối tác của họ sẽ thay đổi. Đối với những người đồng phụ thuộc, thì sự thay đổi, rời bỏ hoặc thiết lập lại ranh giới được cảm thấy giống như là đã bỏ cuộc.

Lý do thứ 3: Tội lỗi

Cảm giác tội lỗi là một động lực lớn khác đối với những người đồng phụ thuộc vì họ vốn là những người làm hài lòng mọi người (people-pleaser). Họ làm việc chăm chỉ để tránh xung đột, bất đồng hoặc làm bất cứ điều gì để tránh gây mất lòng người khác. Cảm giác tội lỗi là cảm giác rằng bạn đang làm điều gì đó sai và điều này rất khó chịu đối với một người thích làm hài long người khác. Cảm giác tội lỗi này thường xuất hiện khi họ cố gắng thiết lập các ranh giới hoặc khi họ buộc người bạn đời của họ phải nhận trách nhiệm. Cảm giác tội lỗi khiến những người đồng phụ thuộc cảm thấy rằng ở lại mới là điều “đúng đắn” cần làm và họ sẽ là một người rất tệ nuối ngay cả khi họ chỉ mới nghĩ đến việc rời đi.

Khi những người đồng phụ thuộc cố gắng rời đi, họ cảm thấy có lỗi và nhận lầm mình là người chịu trách nhiệm đã làm tan vỡ gia đình. Và ngay cả khi họ thấy rằng họ không gây ra các vấn đề gia đình, họ cũng có thể lo lắng rằng những người khác sẽ đổ lỗi cho họ. Họ bị đánh giá, la mắng, hoặc thậm chí có thể bị ruồng bỏ bởi những người nghĩ rằng họ nên ở lại và làm cho điều này vẫn tồn tại.

Người bạn đời nghiện ngập, ái kỷ, hoặc bệnh hoạn của họ là một kẻ thao túng lão luyện. Anh ta/cô ta biết phải làm gì và nói gì để có thể thao túng tình cảm của người đồng phụ thuộc và còn gây gia tăng thêm cảm giác tội lỗi của họ.

Lý do thứ 4: Lòng tự trọng thấp

Hầu hết những người đồng phụ thuộc lớn lên trong những gia đình rối loạn chức năng vốn đã cản trở việc phát triển sự tự tin và lòng tự trọng tích cực của họ. Kết quả là, những người đồng phụ thuộc đôi khi tin rằng họ xứng đáng bị đối xử như vậy và không cảm thấy mình có quyền để thay đổi và trở nên độc lập hơn. Những người phụ thuộc nói với tôi (tác giả) rằng họ chưa bao giờ có một hình mẫu cho các mối quan hệ lành mạnh. Vì thế, trong khi họ không hạnh phúc trong một mối quan hệ đồng phụ thuộc, họ tự hỏi liệu đó có phải là bình thường không và liệu một mối quan hệ đủ đầy, tôn trọng nhau là điều thực sự khả thi?

Những người đồng phụ thuộc là những người hỗ trợ tự nhiên. Họ thường hợp tác với những người thiếu thốn vì họ cảm thấy hài lòng về bản thân khi họ có thể giúp đỡ người khác. Vai trò của người chăm sóc hoặc người cứu hộ mang lại cảm giác có giá trị và có mục đích cho một người đồng phụ thuộc vốn thường vẫn đánh giá thấp về bản thân.

Lý do thứ 5: Sợ hãi

Sự sợ hãi có nhiều dạng đối với những người đồng phụ thuộc. Họ có thể lo sợ cho sự an toàn của chính mình hoặc sự an toàn của con cái hoặc gia đình của họ. Những kẻ ái kỷ, lạm dụng, nghiện ngập hoặc bệnh hoạn có thể công khai hoặc ngấm ngầm đe dọa và điều này cần phải được cân nhắc một cách nghiêm túc.

Những người phụ thuộc đã nhiều lần được bảo rằng họ là người không xứng đáng, không đủ năng lực, xấu xa (và còn có thể tồi tệ hơn nhiều). Kết quả là, họ sợ bị từ chối và bị đơn độc. Nỗi sợ hãi mạnh mẽ đến mức những người đồng phụ thuộc có thể nghĩ rằng mối quan hệ rối loạn chức năng của họ “tốt hơn” so với việc phải ở một mình.

Lý do thứ 6: Sự phụ thuộc

Những người phụ thuộc có thể phụ thuộc vào đối tác của họ về tiền bạc hoặc nơi ở. Một phần nguyên nhân khiến người nghiện hoặc người lạm dụng nắm giữ là anh ta đánh vào nỗi sợ hãi và lòng tự trọng thấp của đối tác, thuyết phục cô ấy rằng cô ấy không thể tự mình vượt qua.

Lý do thứ 7: Xấu hổ

Từ thời thơ ấu, những người đồng phụ thuộc đã được dạy phải giữ bí mật chuyện gia đình, phải giấu cảm xúc của họ vào bên trong, chịu đựng nỗi đau và bỏ qua những vấn đề khó khăn. Đối với nhiều người, việc giữ những bí mật gia đình là một vấn đề sống còn. Xấu hổ là cảm giác mà chúng ta có khi làm sai điều gì đó. Những người đồng phụ thuộc không làm sai bất cứ điều gì, nhưng họ được bảo rằng họ đã làm sai. Khi một người không thể nói ra những cảm xúc và trải nghiệm của mình một cách trung thực, sự ngờ vực sẽ len vào. Khi không ai xác thực rằng hệ thống gia đình đó đang bị rối loạn chức năng, thì người đồng phụ thuộc sẽ tin rằng chính bản thân mình có sai sót. Người ấy tin rằng bản thân mình chính là vấn đề. Và mặc dù điều này có thể không có ý nghĩa gì đối với người ngoại cuộc, thì nó lại hoàn toàn có ý nghĩa đối với người đồng phụ thuộc, một người đã quen được người khác bảo rằng cả đời sẽ là người không tốt.

Sự xấu hổ khiến việc yêu cầu giúp đỡ trở nên khó khăn. Yêu cầu giúp đỡ có nghĩa là phải phá vỡ quy tắc im lặng này. Những người đồng phụ thuộc sợ hãi khi cho người khác biết họ bị đối xử tệ như thế nào hoặc cho biết bạn đời của họ là một người nghiện, hoặc bị bệnh tâm thần. Họ cảm thấy xấu hổ như thể họ đã làm điều gì đó để gây ra tình trạng nghiện hoặc bệnh lý của người kia.

Lý do thứ 8: Sự thao túng

Như tôi đã đề cập ở trên, những người ái kỷ, những kẻ lạm dụng và nghiện ngập là những người có khả năng thao túng điêu luyện. Nhiều người trong số này rất quyến rũ và lôi cuốn đối với người ngoài, đó là vỏ bọc hoàn hảo cho sự thao túng của họ. Họ sẽ đạt được thứ họ muốn bằng bất cứ giá nào và khiến đối tác tin rằng đó là lỗi của mình. Thao túng là công cụ số một của họ để giữ cho người bạn đời của họ ở vào vị trí phụ thuộc. Sự thao túng được sử dụng để tối đa hóa cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lòng tự trọng vốn đã yếu kém (của người bạn đời đồng phụ thuộc).

Lý do 9: Áp đảo, chế ngự

Khi bị áp đảo, chúng ta sẽ khó tập trung, khó lập kế hoạch và khó thấy rõ mọi thứ. Rất nhiều người đồng phụ thuộc ở vào trạng thái stress cao độ và liên tục bị áp đảo. Đây là lý do tại sao việc tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài lại vô cùng quan trọng.

Mặc dù những người đồng phụ thuộc đóng một vai trò quan trọng trong các mối quan hệ loạn chức năng của họ, nhưng họ không phải chịu trách nhiệm về việc bị ngược đãi và điều quan trọng là không nên đổ lỗi cho họ. Thậm chí việc hỏi "Tại sao bạn ở lại?" cũng có thể thúc đẩy sự xấu hổ và đổ lỗi. Thay vào đó, hãy bắt đầu hỏi: "Làm cách nào để tôi có thể giúp bạn gỡ rối?"

Để tìm hiểu thêm, có thể tìm hiểu thêm về cách thức làm thế nào để chấp nhận bản thân, tìm hiểu về các mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc.

Trong bài, để đơn giản, tác giả sử dụng thuật ngữ đối tác (partner) và đại từ anh ấy/cô ấy để chỉ kẻ bạo hành, người bệnh, người kém chức năng. Trong thực tế, tình trạng đồng phụ thuộc có thể xuất hiện trong bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào (giữa cha mẹ - con cái, giữa những bạn đời, giữa các anh chị em, v.v.); và bất cứ ai, thuộc mọi giới tính, đều có thể trở thành đồng phụ thuộc và lạm dụng lẫn nhau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...