Alfred Adler's
Theories of Individual Psychology and Adlerian Therapy
Tác giả: RILEY
HOFFMAN - 17/05/2020
Nguồn: Simply
Psychology
Có tham khảo
thêm: HENRY T. STEIN - Stages of classical Adlerian Psychotherapy
Người dịch: HỒ
TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu
Xem lại Phần 1
Phần 2
CÁC GIAI ĐOẠN TRONG LIỆU PHÁP ADLERIAN
Giai đoạn 1: Thiết lập mối quan hệ trị liệu (Establishing the Therapeutic Relationship)
Giai đoạn 1&2
còn được gọi chung là giai đoạn NÂNG ĐỠ (Support)
Giai đoạn này có
các nhiệm vụ cụ thể sau:
Cung cấp sự ấm áp, thấu cảm và chấp nhận
Tạo ra hy vọng, trấn an và khích lệ
Thiết lập mối quan hệ làm việc hợp tác
Để tâm lý trị liệu có hiệu quả,
điều cần thiết là nhà trị liệu và thân chủ phải bắt đầu bằng một mối quan hệ
làm việc lành mạnh. Cần phải có một “mối liên kết ấm áp, đồng cảm” để mở ra
cánh cửa cho sự tiến bộ dần dần.
Mối quan hệ này được tạo ra bởi
sự ấm áp và lòng trắc ẩn chân thật của nhà trị liệu, bên cạnh sự tin tưởng của
thân chủ trong mối quan hệ.
Giai đoạn 2: Đánh giá (Assessment)
Giai đoạn này cần thu thập được các thông tin liên quan đến:
Vấn đề và nhiệm vụ sống hiện tại
Ký ức và ảnh hưởng của thời thơ ấu
Nhà trị liệu phải tiến hành
đánh giá cẩn thận về thân chủ để xây dựng một quy trình trị liệu hiệu quả. Việc
phân tích phải xác định ít nhất các yếu tố sau:
- Cảm giác tự ti (Feelings of inferiority)
- Mục tiêu tưởng tượng (fictive goal), được định nghĩa là “một cái ngã lý tưởng do tưởng tượng, có tính bù đắp, được tạo thành nhằm đạt đến một sự nhẹ nhõm lâu dài và hoàn toàn, trong tương lai, khỏi cảm giác tự ti sơ cấp ban đầu”
- Sự chuyển động tâm lý (psychological movement), được định nghĩa là “các hoạt động suy nghĩ, cảm xúc và hành vi mà một người thực hiện để đáp ứng với một tình huống hoặc nhiệm vụ”
- Cảm nhận về cộng đồng (feeling of community)
- Mức độ
và phạm vi của sự linh hoạt (level and radius of activity)
- Sơ đồ tổng giác/tri giác tổng thể (scheme of apperception)
- Thái độ đối với công việc; tình yêu và tình dục; và với những người khác
Những đánh giá này được thực hiện
thông qua nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng sự phòng chiếu
các ký ức ban đầu (the projective use of early memories) bên cạnh việc trắc
nghiệm về trí thông minh, nghề nghiệp và tâm lý.
Giai đoạn 3: Khích lệ/động viên và làm sáng tỏ (Encouragement and Clarification)
Còn gọi là Giai
đoạn KHÍCH LỆ (Encouragement)
Quá trình khích lệ/động viên
thân chủ giúp họ giảm bớt cảm giác tự ti. Nhà trị liệu có thể bắt đầu bằng việc
công nhận sự can đảm mà thân chủ đã thể hiện, và tiếp tục bằng cách thảo luận về
các bước nhỏ mà thân chủ có thể thực hiện để tiến đến một mức độ tự tin cao
hơn.
Ví dụ, nếu thân chủ có mức độ linh
hoạt bị giới hạn, thân chủ và nhà trị liệu có thể thảo luận về các cách để gia
tăng mức linh hoạt của họ.
Khía cạnh quan trọng thứ hai của
giai đoạn này là làm rõ những cảm nhận và niềm tin cốt lõi (core feelings and beliefs) của thân chủ
về bản thân, về người khác và về cuộc sống nói chung. Điều này được thực hiện bằng
cách sử dụng câu hỏi Socrate.
Thông qua phương pháp này, nhà
trị liệu thách thức lý lẽ riêng của thân chủ và tập trung vào hoạt động tâm lý
xung quanh những mục tiêu tưởng tượng của thân chủ.
Giai đoạn này có
các nhiệm vụ cụ thể sau:
Giúp tạo ra các lựa chọn thay thế
Kích thích hoạt động theo hướng mới, thay đổi phong cách sống
Làm rõ các cảm giác mới về nỗ lực và kết quả
Làm sáng tỏ suy nghĩ mơ hồ bằng cách hỏi kiểu Socrate
Đánh giá hệ quả của các ý nghĩ và hành động
Điều chỉnh những ý nghĩ sai lầm về bản thân và người khác
Giai đoạn 4: Diễn giải (Interpretation)
Còn gọi là giai
đoạn THẤU HIỂU hoặc NỘI THỊ (Insight)
Khi trị liệu đạt đến điểm mà
thân chủ đã có được một số tiến bộ, và thân chủ cùng nhà trị liệu đã xem xét ý
nghĩa của những tiến triển liên quan đến mục tiêu của mình, thì trị liệu đã sẵn
sàng để bắt đầu việc diễn giải phong cách sống của thân chủ.
Việc này chỉ được thực hiện khi
thân chủ được khuyến khích đầy đủ và phải được thực hiện một cách hết sức thận
trọng.
Thảo luận và nhận ra các chủ đề
như phức cảm tự ti có thể khó khăn đối với thân chủ, nhưng chính vì có sự thấu
hiểu mới này (new insight) mà mới có được sự chuyển hóa.
Giai đoạn này có
các nhiệm vụ cụ thể sau:
Diễn giải về cảm giác tự ti và mục đích hướng đến sự vượt trội
Xác định những gì đã được né tránh
Tích hợp thứ tự sinh, hồi ức, giấc mơ và mộng tưởng
Để thân chủ hoàn toàn nhận thức được phong cách sống mà không cần
sự giúp đỡ
Giúp thân chủ nhận biết và chấp nhận những điều cần phải thay đổi
Dù đã đạt được thấu hiểu (insight), thân chủ có thể vẫn có thể cảm
thấy bị bế tắc về mặt cảm xúc
Giai đoạn 5: Tái định hướng phong cách sống (Style of Life Redirection)
Còn gọi là giai
đoạn THAY ĐỔI và THÁCH THỨC (Change and Challenge)
Lúc này thân chủ và nhà trị liệu
đã nhận ra các vấn đề với phong cách sống của thân chủ, nhiệm vụ trở thành tái
định hướng phong cách sống hướng đến sự hài lòng với cuộc sống.
Điều này bao gồm việc giảm thiểu
và tận dụng một cách hiệu quả cảm giác tự ti, thay đổi những mục đích tối hậu trong
tưởng tượng và gia tăng những cảm nhận về cộng đồng.
Điều này được thực hiện bằng
các phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của thân chủ.
Giai đoạn này có
các nhiệm vụ cụ thể sau:
Đột phá về cảm
xúc - Trải nghiệm còn thiếu (Emotional Breakthrough - Missing Experience)
Thúc đẩy sự đột phá về mặt cảm xúc khi cần
Cung cấp lại các trải nghiệm phát triển phù hợp hoặc còn thiếu
Sử dụng sáng tạo việc sắm vai, tưởng tượng có định hướng (guided
imagery) và kể chuyện (narration)
Hành xử theo cách
khác (Doing Differently)
Chuyển đổi sự thấu hiểu thành thái độ mới - phá vỡ các kiểu mẫu
cũ
Cổ vũ các phép thử, hành xử cụ thể dựa trên các ý tưởng trừu tượng
Làm cho sự thụ động trở nên khó chịu
Củng cố
(Reinforcement)
Khuyến khích tất cả các hoạt động mới hướng tới sự thay đổi có ý
nghĩa
Khẳng định kết quả và cảm giác tích cực
Đánh giá sự tiến bộ và lòng dũng cảm mới
Quan tâm về mặt xã
hội (Social Interest)
Sử dụng cảm giác tốt hơn về bản thân của thân chủ để thúc đẩy sự
hợp tác nhiều hơn
Mở rộng cảm giác bình đẳng, hợp tác và thấu cảm với người khác
Giúp thân chủ nỗ lực hết sức, 100% của bản thân trong các mối
quan hệ và công việc – để chấp nhận rủi ro
Tái định hướng mục
tiêu (Goal Redirection)
Thách thức thân chủ từ bỏ việc chăm chú vào lợi ích bản thân và
mục tiêu tưởng tượng cũ
Xóa tan phong cách sống cũ – tìm một phương hướng mới
Mở ra một nhận thức tâm lý mới - sống theo những giá trị mới
Hỗ trợ & dấn
thân (Support & Launching)
Truyền cảm hứng để thân chủ có lòng phấn đấu và yêu thích sự mới
lạ
Tăng cường cảm giác kết nối và mong muốn chia sẻ
Thúc đẩy con đường phát triển không ngừng cho bản thân thân chủ
và những người khác
Giai đoạn 6: Tổng hợp Liệu pháp (Meta-therapy)
Sau cùng, một số thân chủ có thể
mong muốn tìm kiếm sự phát triển cá nhân hơn nữa, hướng tới những giá trị cao
hơn như chân lý, vẻ đẹp và công lý.
Để đạt được mục đích này, nhà
trị liệu có thể kích thích để thân chủ trở thành phiên bản tốt nhất của chính
mình.
Quá trình này chắc chắn là đầy
thách thức và đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về mỗi thân chủ.
Đây là một cuộc thảo luận mang
tính triết lý và/hoặc tinh thần về các giá trị, ý nghĩa cuộc sống của một người
và sự cam kết thực hiện sứ mệnh.
GHI CHÚ CHUNG
1, Trong tất cả các giai đoạn,
một loạt các chiến lược trị liệu được sử dụng để kích thích sự thay đổi về
nhận thức, tình cảm và hành vi.
Phương pháp Socrate hướng dẫn thân chủ: làm rõ ý
nghĩa, lý do và cảm xúc; có được sự thấu hiểu về ý định và hệ quả; cân nhắc các
cơ hội thay thế; đạt được các quyết định hợp lý; và tạo ra các kế hoạch hành động
hiệu quả.
Kỹ thuật trí nhớ hình ảnh và tưởng tượng có định hướng (Guided and eidetic imagery) tạo điều
kiện thuận lợi cho nhận thức, thay đổi và tăng trưởng. Bằng cách cung cấp "trải nghiệm phát triển còn thiếu"
(missing developmental experience), chúng ta có thể đưa ra sự chấp nhận, ủng
hộ và khích lệ sâu sắc mà thông thường sẽ xóa tan được phần còn lại của cảm
giác tự ti đau đớn ban đầu cùng sự nản lòng.
Sắm vai và "kịch bản tương lai" (role-playing and "future scenarios") cung cấp
sự chuẩn bị và thực hành hành vi một cách an toàn và được khích lệ. Có thể nghĩ
ra những hoàn cảnh diễn tiến tích cực và/hoặc tiêu cực để xây dựng sự tự tin
trong việc đối mặt với những trải nghiệm khó khăn hoặc không quen thuộc.
2, Tâm lý trị liệu Adlerian cổ
điển có khả năng đưa mỗi cá nhân đạt đến mức tối ưu trong hoạt động cá nhân,
liên cá nhân và nghề nghiệp.
Tuy nhiên, đối với nhiều thân
chủ, liệu
pháp ngắn hạn (brief therapy) cho thấy có sự giới hạn về sự quan tâm
hoặc về ngân sách hiện tại của họ, và liệu pháp do đó bị dừng lại ở đâu đó giữa
giai đoạn “Khích lệ” và “Nội thị”. Thông thường, điều này chỉ đưa đến sự thay đổi
hành vi và nhận thức khá khiêm tốn. Trị liệu vẫn có thể được tiếp tục về sau để
tiếp tục tiến độ trị liệu mong muốn.
Một liệu pháp tâm lý trọn vẹn (complete
psychotherapy) thì có hướng nhắm tới sự thay đổi thái độ và nhân cách sâu sắc
hơn. Các hạn chế của phong cách sống ít nhất cũng được giảm bớt, và đôi khi bị
loại bỏ, mở ra cánh cửa cho phong cách sống sáng tạo và vận hành đầy đủ.
Một số thân chủ, sau khi hoàn
thành tất cả các giai đoạn, có thể muốn thảo luận về các vấn đề triết học và/hoặc
tinh thần. Giai đoạn tổng hợp liệu pháp (meta-therapy) này thể hiện
một khuynh hướng siêu việt (transcendance) đi từ tình trạng bị thiếu hụt động lực
vốn có trong phong cách sống chuyển sang một "tổng hợp động lực" của
các giá trị cao hơn (“meta-motivation" of higher values).
Để biết thêm thông tin, hãy đọc
quyển The Farther Reaches of Human Nature của
Abraham Malsow.
NHỮNG ĐÁNH GIÁ QUAN TRỌNG
Như tất cả các phương pháp tiếp
cận tâm động học đối với tâm lý người, tâm lý học cá nhân theo trường phái
Adler cũng nhận được những lời chỉ trích là phi khoa học và khó chứng minh bằng
thực nghiệm. Cụ thể, việc tập trung vào mục tiêu tưởng tượng vô thức khiến người
ta cho rằng tâm lý học Adlerian là không thể kiểm chứng được.
Mặc dù các lý thuyết của Adler
rất khó để chứng minh một cách chắc chắn, nhưng khoa học thần kinh gần đây đã
cung cấp một số ủng hộ cho lý thuyết này. Một nghiên cứu gần đây tóm tắt bằng
chứng khoa học thần kinh hiện đại và cách nó liên quan đến tâm lý học Adlerian,
đã đồng ý với một tuyên bố của Maslow vào năm 1970:
“Adler sẽ ngày càng trở nên
đúng đắn hơn theo thời gian. Khi sự thật hiện ra, chúng càng hỗ trợ mạnh mẽ hơn
cho cách nhìn về con người của ông ấy” (Miller & Dillman Taylor, 2016,
trang 125).
Liên quan đến tâm lý trị liệu
Adlerian, quan điểm hiện đại là mặc dù việc thực hành là đơn giản và dễ hiểu đối
với công chúng, nhưng phương pháp này vẫn là thiếu sót vì nó không dựa trên thực
nghiệm.
Hình thức tham vấn của Adler bị chỉ trích vì thiếu chiều sâu, đặc biệt là thiếu nền tảng để giải quyết các vấn đề không liên quan đến các khái niệm như thứ tự sinh và hồi ức sớm (Capuzzi & Stauffer, 2016, trang 142).
ADLER ĐÃ KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI FREUD NHƯ THẾ NÀO?
Sigmund Freud
Hành vi được thúc đẩy bởi các động
lực sinh học bên trong (tính dục và sự hung hăng)
Con người không có quyền lựa chọn
trong việc hình thành nhân cách của họ
Hành vi hiện tại là do quá khứ
gây ra (ví dụ: thời thơ ấu)
Nhấn mạnh vào quá trình vô thức
Freud chia nhân cách thành các
thành phần (id, ego, superego)
Mối quan hệ cha mẹ đồng giới có
tầm quan trọng hàng đầu
Alfred Adler
Hành vi được thúc đẩy bởi ảnh
hưởng xã hội và phấn đấu để đạt được ưu thế
Con người chịu trách nhiệm về
con người mà họ là
Hành vi hiện tại được định hình
bởi tương lai (định hướng mục tiêu)
Mọi người nhận thức được những
gì họ đang làm và nguyên nhân khiến họ làm như vậy
Adler nghĩ rằng cá nhân nên được
nghiên cứu một cách tổng thể (toàn thể luận - holism)
Mối quan hệ gia đình rộng hơn
bao gồm cả với anh chị em ruột có tầm quan trọng hàng đầu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét