ÁP DỤNG CÁC LIỆU PHÁP CHƠI VÀ LIỆU PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG VIỆC HỖ TRỢ TÂM LÝ TRẺ EM SỐNG TRONG MỘT SỐ CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Tham luận của Chi hội Trăng Non tại
HỘI THẢO ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC VÀ GIÁO DỤC HỌC TRONG MỘT XÃ HỘI PHÁT TRIỂN
TP. HỒ CHÍ MINH, 25-5-2013
Nhóm tác giả: Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Thị Thu Trúc, Cao Huỳnh Thị Thương Mỵ, Hà Thị Huyền, Trần Thị Thu Vân, Trần Thị Yến, Phan Văn Phúc, Nguyễn Thị Thủy, Lâm Mỹ Phương, Nguyễn Thị Hạnh Dân.
Nhắc lại 8 nguyên tắc cơ bản khi làm trị liệu trẻ em theo Virginia Axline 1. Phát triển một mối quan hệ thân thiện và nồng ấm với đứa trẻ. 2. Chấp nhận hiện trạng của đứa trẻ như nó đang thật sự biểu hiện. 3. Thiết lập một cảm giác lạc quan, cho phép trẻ tự do giải bày cảm
xúc. 4. Nhận diện và đáp ứng lại với những cảm xúc của trẻ theo một cách
thức sao cho đứa trẻ tự hiểu được ý nghĩa của những hành vi của nó. 5. Trông đợi ở trẻ một khả năng tự giải quyết vấn đề và có trách
nhiệm trong việc lựa chọn quyết định cũng như thực hiện quyết định đó. 6. Tránh việc hướng dẫn hành vi và lời nói của trẻ; nhà trị liệu
cần phải “đi theo” sự hướng dẫn của đứa trẻ. 7. Trị liệu là một quá trình từ từ, không có gì phải vội vã. 8. Đặt ra một ít giới hạn cần thiết cho việc trị liệu và giúp trẻ
có trách nhiệm trong trị liệu. |
Xem lại Phần 1
Phần 2
CÁC KẾT QUẢ BAN ĐẦU
Về hình vẽ
Hình vẽ là một công cụ có chức năng “kép”, vừa để đánh giá, chẩn đoán, vừa để nhà trị liệu có thể thực hiện những can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho trẻ. Những hình vẽ của trẻ chứa đựng các nội dung có tính ẩn dụ cao, tiết lộ nhiều điều về hoàn cảnh và nhân thân của trẻ.
Trong công trình của Hà Thị Huyền (2006), có 9/10 trường hợp trẻ vẽ hình cây. Cách thể hiện phổ biến là vẽ cây đơn độc hoặc cây có quả hoặc lá lìa cành. Phần lớn các trẻ vẽ cây không có rễ và không có hoặc có ít cành nhánh. Chỉ có 1/9 trường hợp vẽ cây có rễ và cành, nhưng cây này rất mỏng manh và lửng lơ như đang bay đi xa dần (Huyền, 2006). Thân cây từ gốc đến ngọn gần như bằng nhau, mà theo các nhà nghiên cứu cách vẽ ấy nói lên việc trẻ khao khát tình thương; cây không có gốc rễ được giả định là có liên hệ về mặt ý nghĩa với việc trẻ không biết rõ nguồn gốc xuất thân của mình; lá hay quả lìa cành cũng nói lên việc trẻ xa lìa gia đình gốc của mình...
Nghiên cứu của Huyền cũng nhận thấy, mặc dù với đối tượng là trẻ mồ côi hoặc bị gia đình bỏ rơi, hầu hết trẻ đều thể hiện nội dung gia đình qua tranh vẽ. Thể hiện chính là những thành viên trong gia đình, với những sinh hoạt bên trong một ngôi nhà. Một nửa số trẻ (5/10) tái hiện lại nội dung cái chết của cha hoặc mẹ. Có 3/10 trẻ khi được yêu cầu vẽ gia đình thì thể hiện cảnh sinh hoạt của một nhóm người (không phải gia đình). Một số còn lại nhắc đến nội dung gia đình theo kiểu hình ảnh ẩn dụ (thông qua chuyện về thú vật). Điều này cho thấy, chủ đề gia đình thường xuyên là chủ đề rất đáng quan tâm của trẻ, dù qua hình vẽ trẻ đang nói về một gia đình tưởng tượng, mơ ước, hoặc trẻ nói về những ký ức về gia đình trước đây, hoặc có khi chỉ nêu cách nhìn của trẻ về gia đình thay thế đó chính là môi trường mái ấm mà trẻ đang cư ngụ.
Một số trẻ từ chối khi yêu cầu vẽ hình người (8/10), nhưng khi yêu cầu tiếp tục có 5 trẻ vẽ hình người. Những hình vẽ người có thể dưới dạng mặt ma quái (1 trường hợp), người không tay chân (1 trường hợp), hình vẽ người như hình cây có mặt người (1 trường hợp), 1 trường hợp vẽ hình người đầy đủ nhưng được quy là một người khác (trẻ gọi là “chị” cùng sống trong mái ấm). Những kết quả này gợi ý về các kỷ niệm đau buồn hoặc sang chấn có thể có liên quan đến con người và hình ảnh về con người.
Một số hình ảnh tự do của trẻ có những nội dung dị thường, siêu nhiên như ma quái, Phật, thiên đường (3 trường hợp); hoặc những cảnh tượng liên quan đến thiên tai như núi lửa phun trào (một trường hợp). Những nội dung này có thể liên quan đến tâm trạng lo âu, hoặc tâm trạng hoang mang trước các thực trạng đời sống. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nghiên cứu ban đầu năm 2006 chỉ giới hạn trong phạm vi có tính khảo sát cách thể hiện cảm xúc của trẻ (chứ không thực hiện nghiên cứu ca và can thiệp tâm lý) nên những diễn giải trên chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết chứ không đủ điều kiện kiểm chứng thông qua hoàn cảnh sống thực tế của trẻ.
Trong nghiên cứu của Trần Thị Yến (2011), tranh vẽ cũng được thực hiện bởi một cặp trẻ gái sinh đôi 12 tuổi. Trong tranh vẽ của cô em thì có những nội dung tương phản, đối lập trên một tranh vẽ: Một nửa bên trái vẽ cảnh trẻ em vui chơi; nửa bên phải lại vẽ một lọ đựng hoa bị nứt nẻ. Nội dung ấy như thể ẩn dụ cho một vật lẽ ra lành lặn để chứa đựng và bảo vệ cho hoa (ẩn dụ cho gia đình với trẻ?) lại bị nứt và mất công năng chứa đựng, bảo vệ cho hoa. Trong khi đó, cô chị vẽ một bức tranh với một nội dung tang thương như sau: Một chiếc thuyền chở một gia đình 4 người bị cướp biển giết chết, một người bị ném xuống biển, có cả một hộp sữa của trẻ em đang uống dở dang cũng bị rơi và nổi trên mặt nước. Những hình vẽ như thế phần nào bộc lộ những cách thức mà trẻ nhìn và hiểu thế giới xung quanh cũng như về chính đời sống của trẻ. Thay cho lời nói, hình vẽ giúp trẻ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện quan trọng.
Một trẻ trai 11 tuổi, sống trong một mái ấm ở thành phố, có biểu hiện ương bướng, chống đối, câm lặng khi người lớn hỏi chuyện, cũng thể hiện tranh vẽ về một chuồng gà (BS. Tiến, 2010). Gà mẹ ngủ quên để một trong số những quả trứng rơi ra khỏi chuồng mà không hay biết. Trẻ sau đó đã kể tiếp câu chuyện rằng gà trống thức dậy và đi tìm được quả trứng bị rơi. Vẽ xong trẻ nhanh chóng dùng bút xóa hết những gì đã vẽ. Bé trai ấy đã phần nào biết được lai lịch của mình một cách gián tiếp qua một phụ nữ mà trẻ biết là mẹ nuôi. Trong thực tế, cha mẹ ruột của trẻ đã bỏ rơi trẻ khi trẻ mới chỉ khoảng 1 tuổi. Họ đến thuê phòng tại một nhà trọ, rồi bỏ con lại. Người phụ nữ chủ nhà trọ đã giữ trẻ nuôi một thời gian, nhưng sau đó gửi trẻ vào mái ấm. Vào lúc trẻ vẽ hình quả trứng bị rơi khỏi chuồng, trẻ đang có biểu hiện chống đối các giáo dục viên của mái ấm, có lúc đòi bỏ mái ấm đi tìm mẹ.
Trong can thiệp hỗ trợ tâm lý cho một trường hợp trẻ khiếm thị mồ côi sống trong mái ấm (Phúc, 2012), phương pháp sử dụng hình vẽ đã được thay thế bằng việc sử dụng đất nặn. Tác phẩm nghệ thuật được chuyển từ tranh vẽ dành cho trẻ “sáng” thành các vật thể làm từ đất nặn để có thể được nặn và sờ chạm bởi trẻ khiếm thị. Trường hợp được nghiên cứu là một trẻ nữ 14 tuổi, bị bỏ rơi từ nhỏ và được đưa rất xa từ miền Bắc vào một mái ấm tại Tp.HCM. Khi sử dụng đất nặn, chủ đề “chiếc lá lìa cành” và “quả trái bị dư thừa” được trẻ nói đến: Quả trái dư thừa, nó là cái quả cuối cùng trên cây, nhưng đến một ngày chiếc lá rụng đi, cái quả này không thể chịu đựng nổi. Cô đơn chồng cô đơn. Nó hy vọng có thể rơi xuống và vỡ tan cùng chiếc lá. Có lẽ đó là giải pháp tốt nhất... – Trích lời của trẻ nói (Phúc, 2012).
Nói chung, thông qua sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, nặn tượng, trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi thường cố gắng thông tin cho nhà trị liệu về hoàn cảnh, nhân thân của trẻ, hoặc thể hiện những nỗi lo sợ của trẻ về những hoàn cảnh ấy. Việc bộc lộ như thế rất khó cho trẻ nếu phải diễn đạt thành lời nói. Chỉ thông qua những hình ảnh có tính ẩn dụ và ở trong một môi trường có tính an toàn với sự thấu cảm, tôn trọng của nhà trị liệu, trẻ mới có thể thoải mái hơn và tự do hơn trong việc bộc lộ. Tự thân việc bộc lộ ấy với sự hiện diện của nhà trị liệu đã có tính chất chữa lành những đau thương và lo âu của trẻ.
Chơi
Như đã nêu, các nội dung chơi của trẻ cũng hàm chứa những câu chuyện kể có tính ẩn dụ. Một bé gái 6 tuổi trong làng trẻ mồ côi vào buổi chơi đầu tiên đã nhận lầm mấy viên long não màu trắng để ở gầm tủ là những quả trứng thằn lằn. Bé gái khăng khăng đòi đập vỡ những “quả trứng thằn lằn” ấy là sẽ thấy những thằn lằn con trong đó (Thu Trúc, Hạnh Dân, 2013). Mặc dù sau khi đã đập vỡ những viên long não và thấy chẳng có gì bên trong nhưng bé vẫn tiếp tục đập thêm những viên khác... Câu chuyện không được tiếp tục, nhưng dường như chủ đề về “quả trứng” với “thằn lằn con bên trong” cũng gợi ý về những mối bận tâm của trẻ đối với quá trình thai nghén và sinh nở (?).
Song song với việc sử dụng đồ chơi để tạo cảnh, bé gái ấy cũng hay kể những câu chuyện bịa. Trẻ kể về những người anh, người chị, về “hồi em còn nhỏ”, “em được bú sữa bình”... Trẻ dường như cố gắng tưởng tượng và hình dung về giai đoạn còn nhỏ đầy khó khăn của mình vì trong thực tế cả bố lẫn mẹ của trẻ lần lượt bị bệnh lao và mất sớm. Lúc chỉ mới 2 tuổi, trẻ phải về sống với người cô út, rồi sau đó được nhà ngoại gửi vào làng trẻ mồ côi.
Những buổi chơi sau đó của trẻ với 2 cô tâm lý phần nào giúp trẻ thoải mái hơn, tự nhiên hơn trong biểu lộ và nói chuyện. Sau 5 buổi, trẻ bắt đầu nói chuyện thực tế hơn, ít bịa chuyện và trong buổi thứ 5, trẻ vẽ một bức tranh có ngôi nhà với những đứa trẻ đang vui chơi bên ngoài. Trẻ nói về cái chết của bố mẹ “ba em chết, rồi mẹ em cũng chết. Em và H (em của trẻ) còn nhỏ lắm. H vào đây (làng trẻ mồ côi) trước em”. Trẻ nói như thể đang chấp nhận dần thực tế đau buồn của trẻ và cũng buổi ấy, bé đề nghị được mang bức tranh ngôi nhà mà mình đã vẽ đem về nhà ở của mình trong làng. Vào buổi sau cùng, trẻ vẽ một bức tranh tối màu, bên trong cũng có hình một ngôi nhà mà trẻ gọi tên là “nghĩa địa” nhưng không nói gì thêm. Và trẻ xin mang cả 2 bức tranh sau cùng ấy về nhà ở của mình trong làng, với mong muốn được treo ảnh ở một chỗ riêng biệt để tưởng nhớ bố mẹ của mình. Các cô tâm lý của nhóm Trăng Non hội ý với bà mẹ nuôi trẻ trong làng cùng giúp trẻ thực hiện ý nguyện như một nghi thức “đưa tang” của trẻ đối với bố mẹ của mình. Những trạng thái cảm xúc của trẻ được ghi nhận sau đó là khá tích cực. Trẻ vui vẻ ôm tranh đi về nhà ở, khoe với mọi người và có vẻ rất tự hào về việc này.
Trên đây chỉ là mô tả về việc sử dụng các công cụ chơi và tranh vẽ trên một trường hợp minh họa. Nhiều cảnh chơi trong những trường hợp lâm sàng khác cũng rất phong phú, nhưng trong phạm vi bài tham luận này chúng tôi khó thể kể hết. Một số hoạt cảnh chơi ở các bé trai có nhiều phần thể hiện tính xung đột và bạo lực cao như xe húc nhau, thú rượt đuổi hoặc ăn thịt nhau vv... Phần nào cũng nói lên sự yếu đuối và lo âu của trẻ.
Chơi trên khay cát
Minh họa trường hợp: (Mỵ, Phương, 2013) Một trẻ nữ 16 tuổi, trình bày cảnh chơi trên khay cát với 4 khu vực khác nhau: Góc 1 gồm những con thú ăn cỏ hiền lành, đang đi lại nhởn nhơ; góc 2 với những con thú dữ như sư tử và báo đang rình rập những thú hiền; góc 3 là hồ nước có tôm cá và hà mã bên dưới nhờ có nước che chắn nên khá an toàn và góc 4 có những con rắn len lỏi dưới những tảng đá và một con khỉ đang ngồi quan sát. Con khỉ dường như biết rõ mọi chuyện đang diễn ra trước mắt, nó có thể thấy thú dữ khi nào sẽ ăn thịt những con thú hiền, dù những con này chẳng hề hay biết nguy hiểm đang chờ đợi mình. Lẫn trong khung cảnh chung ấy là một cặp chim (một lớn, một nhỏ) đang đi tìm chỗ trú ẩn.
Nhiều chủ đề được nêu ra cùng lúc trong cảnh chơi trên khay cát, trong đó có những chủ đề mang tính đối lập nhau như: mối hiểm nguy (thú dữ rình rập) và sự an toàn (lặn sâu trong nước), sự vô tư (thú hiền) và trí thông minh (con khỉ), không biết hiện trạng (thú hiền) và biết rõ hiện trạng (con khỉ), sự thong thả của bầy thú ăn cỏ đi kèm với sự tập trung chú ý của thú ăn thịt và chủ ý đi tìm nơi an toàn của cặp chim... Các mặt mâu thuẫn cũng thể hiện trong giải pháp: con khỉ không định báo cho thú hiền biết rằng chúng đang nguy hiểm, và giả sử những thú ấy chạy thoát khỏi sự săn đuổi của sư tử thì đến lượt các sư tử con sẽ bị đói...
Các cô tâm lý của nhóm Trăng Non luôn giữ thái độ trân trọng và cùng đồng hành với trẻ, cùng trao đổi với trẻ về các chủ đề được nêu lên trong cảnh chơi. Sự nhận biết các chi tiết, nội dung trong từng phần của cảnh diễn là rất quan trọng để trẻ có thể thống hợp dần dần các chủ đề mà trẻ đã ngoại hiện ra. Sau đó, chính trẻ đã đưa ra một giải pháp: Con khỉ đã quyết định thông báo cho những thú hiền biết chúng đang nguy hiểm.
Những nội dung mang tính ẩn dụ này tạo điều kiện cho trẻ thể hiện các chủ đề mà trẻ quan tâm theo một cách thức khá an toàn mà trẻ khó có thể mô tả thành lời để kể trực tiếp những gì đang xảy ra trong thực tế cuộc sống. Ở tuổi 16, bé gái ấy bắt đầu ý thức được thực tế cuộc sống của mình, nhân thân của mình, nhận ra những mối bận tâm và cả những lo âu của mình. Nhưng đồng thời, trẻ cũng có thể bắt đầu có được sự tinh ý, thông thái (ẩn dụ con khỉ) và có thể thông qua diễn cảnh và đối thoại mà trẻ dần dần có được những quyết định của riêng mình (con khỉ quyết định thông báo nguy hiểm). Chủ đề lo âu có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong một cảnh chơi như thế. Và khi trẻ cùng làm việc với các cô tâm lý, trẻ cũng cảm nhận được sự giới hạn của các khả năng cũng như tính bất toàn của các giải pháp: Nếu các thú hiền thoát nguy thì các thú con trong bầy sư tử cũng sẽ bị đói – Có lẽ đó cũng là quy luật chung trong cuộc sống!
Việc trao đổi với trẻ chỉ tập trung trong các chủ đề của cảnh chơi. Phương pháp sử dụng khay cát (cũng giống như tranh vẽ hoặc chơi trị liệu) không nhấn mạnh đến việc diễn giải ý nghĩa hoặc liên hệ những gì ngụ ý trong khay cát với những sự việc đang diễn ra trong thực tế đời sống của trẻ, nhằm tránh khơi dậy những đau khổ đã có nơi trẻ. Chính thông qua cách làm việc trên những hình ảnh có tính ẩn dụ mà nhà trị liệu có thể trao đổi với trẻ về những điều trẻ thực sự quan tâm mà trẻ vẫn cảm thấy an toàn để thể hiện và được hiểu.
Trong khi làm việc với trẻ với công cụ khay cát, điều quan trọng là nhà tâm lý phải nhận ra các chủ đề được nêu ra trong cảnh chơi. Trong cảnh chơi của bé gái 16 tuổi trên đây, trẻ đã bộc lộ chủ đề về nỗi lo âu với cuộc đời, các mối nguy đang rình rập, sự tìm kiếm nơi chốn an toàn, sự sống và cái chết, khả năng tồn tại và qua đó trẻ cũng bộc lộ những mâu thuẫn, xung đột trong suy nghĩ và cảm nhận của trẻ. Cũng trong khi đối thoại với trẻ về các chủ đề như vậy, nhà tâm lý cũng giúp trẻ nhận ra các giá trị nào đang được xem xét, những giải pháp nào là có tính khả thi và những quyết định sẽ được thực hiện như thế nào. Nguyên tắc chung cho các đối thoại như thế vẫn là tính chất “không hướng dẫn” và chủ đề vẫn nằm trong khuôn khổ cảnh chơi với những hình ảnh ẩn dụ do trẻ tạo dựng.
KẾT LUẬN
Trong khuôn khổ những giới hạn của điều kiện làm việc và hoàn cảnh nghiên cứu, chúng tôi chỉ có thể nêu ra ở đây một số những kết luận sơ bộ mà bước đầu mà chúng tôi có thể rút ra được từ những kết quả quan sát vẫn còn nhiều hạn chế của chúng tôi.
1, Tiếp cận làm việc với trẻ em sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội là một việc làm khó khăn, phức tạp và đòi hỏi sự kiên nhẫn, tinh tế của người làm hỗ trợ tâm lý. Bức tranh lâm sàng của từng trường hợp luôn luôn bị “pha lẫn màu sắc” bởi lịch sử thực tế mà trẻ trải qua, cùng với những gì vẫn tiếp tục được “vẽ lên” sau khi trẻ vào các cơ sở bảo trợ ấy. Những gì mà các cơ sở này làm cho trẻ không thể hoàn toàn giống với chức năng của một gia đình tự nhiên, do vậy khó có thể tách bạch các vấn đề nào là do từ hoàn cảnh của riêng trẻ và vấn đề nào là chuyện phát sinh từ trong môi trường sống của các cơ sở nuôi trẻ. Điều khó khăn này luôn phải được xem xét đến khi phân tích các sản phẩm chơi và sáng tạo nghệ thuật của trẻ.
2, Các chuyên viên tâm lý phải làm việc trong các môi trường phối hợp liên ngành, liên bộ phận (multidisciplinary), do vậy cần mất rất nhiều thời gian để tiếp cận và làm việc với một trường hợp trẻ em sống trong các cơ sở ấy. Cứ mỗi giờ dành cho làm việc riêng với đứa trẻ thì chuyên viên tâm lý của Trăng Non cần trung bình khoảng 5-6 giờ làm việc với các nhân viên khác trong cơ sở, và có trường hợp phải làm việc với thân nhân (gia đình gốc) của trẻ nếu có thể còn liên hệ được với họ.
3, Liệu pháp chơi hoặc sáng tạo nghệ thuật chỉ là một phần trong một chuỗi các biện pháp can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho trẻ. Chúng không thể thay thế cho những việc làm khác của các cơ sở trong việc cung cấp nơi ăn, chốn ở an toàn cho trẻ, cung cấp các điều kiện giáo dục, học tập cho trẻ và cũng không thể thay thế cho các công tác hỗ trợ khác bao gồm cả việc giúp trẻ duy trì các mối liên hệ với gia đình gốc của mình và đôi khi chính các nhân viên làm việc trong những cơ sở bảo trợ ấy cũng cần được hỗ trợ và nâng đỡ tinh thần [Đây cũng là một phần trong công việc của các chuyên viên từ Trăng Non khi đến làm việc với những cơ sở bảo trợ xã hội đã nêu - Chú thích thêm của TN Online].
4, Tuy vậy, qua quá trình làm việc cụ thể trên các trường hợp, chúng tôi vẫn thu nhận được kết quả rất đáng khích lệ từ việc việc sử dụng chơi và sáng tạo nghệ thuật để hỗ trợ tâm lý cho trẻ. Trẻ có thể trở nên sẵn lòng đối thoại, tham gia toàn tâm toàn ý với việc chơi và sáng tạo nghệ thuật, và thay đổi từng bước nhỏ về thái độ, hành vi khi sống và tham gia các sinh hoạt trong cơ sở nuôi trẻ.
5, Việc phân tích các tranh vẽ và cảnh chơi của trẻ đã góp phần cho các chuyên viên tâm lý của Trăng Non có thể cùng với nhân viên của cơ sở bảo trợ hiểu biết hơn về tâm lý của trẻ, và nhiều trẻ tham gia hoạt động chơi và sáng tạo nghệ thuật cũng đã biểu lộ sự cải thiện về mặt tâm trạng, cảm xúc cũng như các hành vi ứng xử và những mối quan hệ của trẻ với người xung quanh.
6, Một điều vô cùng quan trọng mà chúng tôi đạt được khi triển khai công việc nghiên cứu này đó là đã từng bước xây dựng được một mô hình kết hợp làm việc giữa một nhóm chuyên viên làm việc về tâm lý trị liệu trẻ em (Trăng Non) với những cơ sở bảo trợ dành cho trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi (các mái ấm, làng mồ côi...). Đây cũng là một mô hình đưa các dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp đến với các đối tượng trẻ em thiệt thòi, nhận chịu hoàn cảnh sống có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương.
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG SẮP TỚI
Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện tiếp tục mô hình hợp tác giữa Trăng Non và các cơ sở bảo trợ xã hội dành cho trẻ em thiệt thòi, để nâng cao dần chất lượng làm việc của mình và làm sao để mô hình này có tính khả thi hơn trong thời gian lâu dài.
Chúng tôi cũng tiếp tục rút kinh nghiệm từ những kết quả ban đầu khi ứng dụng các liệu pháp chơi và sáng tạo nghệ thuật trong hỗ trợ tâm lý trẻ dễ tổn thương nói riêng và những trẻ em có vấn đề khó khăn tâm lý nói chung. Những nghiên cứu về sau, nếu có đủ điều kiện, sẽ được thực hiện sâu hơn, liên tục hơn, thời gian lâu hơn để góp phần phát triển chung cho ngành tâm lý trị liệu trẻ em còn non trẻ tại Việt Nam.
[Trong thực tế ở những khoảng thời gian sau đó (từ 2013 đến 2018), mô hình hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội vẫn được Trăng Non tiếp tục thực hiện nhưng chưa có dịp để đúc kết và công bố - Chú thích thêm của TN Online]
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
1, Những nghiên cứu tương tự trong tương lai rất cần được hỗ trợ về kinh phí. Tính cho đến nay (2013), hầu hết những công việc mà Trăng Non thực hiện trên đây đều do bản thân chi hội và các cá nhân tham gia đóng góp, cả về công sức lẫn vật liệu và tài chính.
2, Những mô hình phối hợp làm việc giữa một đơn vị làm chuyên môn tâm lý như Trăng Non và các cơ sở bảo trợ xã hội cần được nghiêm túc đánh giá, chuẩn hóa và chính thức hóa để có thể nghiệm thu và nhân rộng.
3, Các loại liệu pháp chơi và sáng tạo nghệ thuật cần được học tập, nghiên cứu và ứng dụng trong thực tế làm việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em. Chi hội Trăng Non sẵn lòng cung cấp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực làm việc này.
LỜI KẾT
Chúng tôi chân thành cảm ơn Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Tp. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện chung cho chi hội Trăng Non hoạt động chuyên môn trong thời gian qua.
Chúng tôi chân thành cảm ơn các thành viên và cộng tác viên của Trăng Non đã góp công sức vào quá trình làm việc và nghiên cứu về các liệu pháp tâm lý dành cho trẻ em.
Chân thành cảm ơn các cơ sở mái ấm, nhà mồ côi, làng trẻ em, đã giúp chúng tôi thực hiện nghiên cứu. Thiếu sự hợp tác và giúp sức ấy, chúng tôi không thể hoàn thành những công việc nghiên cứu này.
Tri ân những trẻ em thiệt thòi, những trẻ em bất hạnh sống trong các cơ sở mái ấm và làng mồ côi. Những cuộc đời không may nhưng đã để lại cho người khác những bài học về nghị lực và sức phấn đấu.
Cảm ơn quý đồng nghiệp cùng bạn hữu, những người đã hỗ trợ tinh thần cho Trăng Non làm việc suốt thời gian qua.
۩
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét