Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

TÂM LÝ HỌC CÁ NHÂN VÀ LIỆU PHÁP TÂM LÝ ADLERIAN - Phần 1

Alfred Adler's Theories of Individual Psychology and Adlerian Therapy

Tác giả: RILEY HOFFMAN - 17/05/2020

Nguồn: Simply Psychology

Có tham khảo thêm: HENRY T. STEIN - Stages of classical Adlerian Psychotherapy

Người dịch: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu


Alfred Adler (1870-1937)


Phần 1

Thông điệp

  • Sự tương tác ban đầu với các thành viên gia đình, bạn bè đồng trang lứa và những người lớn giúp xác định vai trò của sự tự ti (inferiority) và tự tôn (superiority) trong đời sống.
  • Adler tin rằng thứ tự sinh (birth order) có tác động đáng kể và có thể dự đoán đến tính cách của một đứa trẻ và cảm giác tự ti của chúng.
  • Hành vi của con người đều được định hướng bởi mục đích (goal orientated) và được thúc đẩy bởi sự phấn đấu để trở nên vượt trội. Các cá nhân khác nhau về mục đích của họ và cách họ cố gắng đạt được mục đích đó.
  • Phản ứng tự nhiên và lành mạnh đối với sự tự ti là sự bù đắp hoặc bù trừ (compensation): nỗ lực để vượt qua sự tự ti có thật hoặc tưởng tượng bằng cách phát triển khả năng của chính bản thân.
  • Nếu một người không thể bù đắp cho cảm giác tự ti bình thường (normal feelings of inferiority), họ sẽ phát triển phức cảm tự ti (inferiority complex).
  • Mục tiêu bao trùm của trị liệu theo trường phái Adler là giúp bệnh nhân vượt qua cảm giác tự ti.

Trường phái tâm lý học cá nhân của Alfred Adler đã tạo nên một vực sâu ngăn cách trong lĩnh vực tâm lý học, vốn đã bị thống trị bởi thuyết phân tâm học của Freud.

Trong khi Freud chỉ tập trung vào những tiến trình nội tâm – chủ yếu là xung đột tính dục (sexual conflicts) – đã ảnh hưởng đến tâm lý của một người, Adler lại kiên quyết rằng để hiểu đầy đủ về một người, một nhà tâm lý phải vừa xem xét những yếu tố bên trong khác cũng như cả những yếu tố bên bên ngoài.

Đây là lý do tại sao ông đặt tên trường phái của ông là tâm lý học cá nhân (individual psychology); từ này nhằm mục đích gợi lên ý nghĩa không thể chia cắt (indivisibility), có nguồn gốc từ individuum trong tiếng Latin (Mosak và cộng sự, 1999, trang 6).

BÙ ĐẮP, BÙ ĐẮP QUÁ MỨC VÀ CÁC PHỨC CẢM

(Compensation, Overcompensation, and Complexes)

Adler nghĩ rằng yếu tố tâm lý cơ bản của chứng nhiễu tâm là cảm giác tự ti và rằng những người mắc phải triệu chứng của hiện tượng này dành cả đời họ để cố gắng vượt qua cảm giác tự ti mà chẳng bao giờ sống dựa trên thực tế (White, 1917)

Bù đắp cho sự yếu kém (Compensation for Weaknesses)

Theo Adler (2013b), tất cả trẻ sơ sinh đều có cảm giác tự ti và thiếu sót (feeling of inferiority and inadequacy) ngay lập tức khi trẻ bắt đầu trải nghiệm về thế giới.

Những trải nghiệm ban đầu này, chẳng hạn như nhu cầu thu hút sự chú ý của cha mẹ, định hình các mục tiêu tưởng tượng, vô thức của trẻ. Chúng tạo cho đứa trẻ nhu cầu phấn đấu để khắc phục sự tự ti đó - nhu cầu bù đắp sự thiếu hụt bằng cách phát triển những thế mạnh khác.

Có một số kết quả có thể xảy ra khi đứa trẻ tìm kiếm sự bù đắp. Đầu tiên, nếu đứa trẻ nhận được sự nuôi dưỡng và chăm sóc đầy đủ, đứa trẻ có thể chấp nhận những thử thách của mình, và học được rằng chúng có thể vượt qua bằng cách phấn đấu. Do đó mà, đứa trẻ phát triển “một cách bình thường” và hình thành sự “can đảm để không hoàn hảo” (courage to be imperfect) (Lazarsfeld, 1966, trang 163-165).

Bù đắp quá mức (Overcompensation)

Tuy nhiên, đôi khi, quá trình bù đắp bị lệch hướng. Một tình huống xảy ra việc này đó là khi cảm giác tự ti trở nên quá dữ dội, và đứa trẻ bắt đầu cảm thấy như thể nó không kiểm soát được môi trường xung quanh. Đứa trẻ sẽ phấn đấu đến cùng để bù đắp, tới mức bù đắp không còn thỏa đáng nữa.

Điều này lên đến đỉnh điểm là tình trạng bù đắp quá mức, trong đó sự tập trung của đứa trẻ vào việc đạt được mục tiêu của mình bị phóng đại và trở thành bệnh lý. Ví dụ, Adler (1917) sử dụng nhân vật Hy Lạp cổ đại Demosthenes, người bị nói lắp khủng khiếp nhưng cuối cùng đã trở thành “nhà hùng biện vĩ đại nhất ở Hy Lạp” (trang 22).

Ở đây, Demosthenes bắt đầu với sự tự ti vì tật nói lắp của mình và được bù đắp quá mức bằng cách không chỉ khắc phục tật nói lắp của mình mà còn theo đuổi một nghề mà bình thường một người nói lắp không thể làm được.

Phức cảm tự ti (Inferiority Complex)

Sự bù đắp quá mức có thể dẫn đến sự phát triển của phức cảm tự ti. Đây là sự thiếu lòng tự trọng (lack of self-esteem) khi mà một người không thể khắc phục được cảm giác tự ti của mình.

Theo Adler (2013a), dấu hiệu của phức cảm tự ti là “các cá nhân luôn cố gắng tìm ra một tình huống mà họ trở nên nổi trội hơn” (trang 74). Động lực này là do cảm giác tự ti quá mức của họ.

Có hai thành phần của cảm giác tự ti: sơ cấp và thứ cấp (primary and secondary). Tự ti sơ cấp là “cảm giác nguyên thuỷ và bình thường” về sự tự ti được duy trì bởi một trẻ sơ sinh (Stein & Edwards, 2002, trang 23). Cảm giác này rất hữu ích, vì nó cung cấp động lực cho đứa trẻ phát triển.

Mặt khác, tự ti thứ cấp là cảm giác tự ti ở người lớn khi đứa trẻ phát triển cảm giác tự ti một cách thái quá (trang 23). Những cảm giác này ở người lớn là điều có hại, và chúng bao gồm cả phức cảm tự ti.

Phức cảm tự tôn (Superiority Complex)

Phức cảm tự tôn xảy ra khi một người có nhu cầu chứng minh rằng anh ta vượt trội hơn thực tế. Adler (2013a) đưa ra một ví dụ về một đứa trẻ có phức cảm tự tôn, “bất cần, kiêu ngạo và ngoan cố” (trang 82).

Khi đứa trẻ này được điều trị thông qua tâm lý trị liệu, mới thấy được rằng đứa trẻ cư xử với thái độ thiếu kiên nhẫn này là vì nó cảm thấy thấp kém.

Adler (2013a) tuyên bố rằng phức cảm tự tôn được sinh ra từ phức cảm tự ti; chúng là “một trong những cách mà một người có phức cảm tự ti có thể sử dụng để thoát khỏi khó khăn của mình” (trang 97).

KIỂU HÌNH NHÂN CÁCH HOẶC PHONG CÁCH SỐNG

(PERSONALITY TYPOLOGY OR STYLES OF LIFE)

Adler không tán thành khái niệm về các loại nhân cách (personality types); ông tin rằng cách làm này có thể dẫn đến việc bỏ qua tính độc đáo của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, ông đã thừa nhận những khuôn mẫu (patterns) thường được hình thành trong thời thơ ấu và có thể hữu ích trong việc điều trị những bệnh nhân gắn chặt với chúng. Ông gọi những khuôn mẫu này là những phong cách sống (styles of life).

Adler (2013a) tuyên bố rằng một khi nhà tâm lý học biết phong cách sống của một người, “đôi khi có thể dự đoán tương lai của anh ấy chỉ dựa trên việc nói chuyện với anh ấy và yêu cầu anh ấy trả lời các câu hỏi” (trang 100). Adler và những người ủng hộ ông ấy phân tích phong cách sống của một người bằng cách so sánh nó với “con người được thích ứng về mặt xã hội” (“the socially adjusted human being”) (trang 101).

THỨ TỰ SINH (BIRTH ORDER)

Thuật ngữ thứ tự sinh dùng để chỉ thứ tự mà những đứa con của một gia đình được sinh ra. Adler (2013b, trang 150-155) tin rằng thứ tự sinh có tác động đáng kể và có thể dự đoán được đối với tính cách của một đứa trẻ:

Con đầu lòng

Con đầu lòng có những lợi thế hiển nhiên do được cha mẹ xem là “lớn hơn, khỏe hơn, trưởng thành hơn”.

Điều này mang lại cho những đứa con đầu lòng các đặc điểm của "người bảo vệ luật lệ và trật tự". Những đứa con này có năng lực cá nhân cao, và chúng coi trọng khái niệm quyền lực với sự tôn kính.

Con thứ

Những người con thứ thường xuyên ở trong cái bóng của những người anh chị. Họ không ngừng “phấn đấu để giành ưu thế dưới áp lực”, được thúc đẩy bởi sự tồn tại của người anh chị lớn hơn, mạnh mẽ hơn của họ.

Nếu con thứ được khuyến khích và hỗ trợ, họ cũng sẽ đạt được quyền lực, để rồi họ và người con cả sẽ hỗ trợ lẫn nhau.

Con út

Những người con út sinh hoạt trong trạng thái tự ti thường xuyên. Họ không ngừng cố gắng chứng tỏ bản thân, bởi vì họ nhìn thấy sự thua kém của họ so với các thành viên còn lại trong gia đình. Theo Adler có hai kiểu con út.

Kiểu thành công hơn “vượt trội mọi thành viên khác trong gia đình và trở thành thành viên có năng lực nhất trong gia đình”.

Một kiểu khác, đáng tiếc hơn là con út không nổi trội vì thiếu sự tự tin cần thiết. Đứa trẻ này trở nên hay thoái thác và né tránh đối với những người còn lại trong gia đình.

Con một

Con một, theo Adler, cũng là một trường hợp kém may mắn.

Do là đối tượng duy nhất trong sự chú ý của cha mẹ, đứa con một trở nên “phụ thuộc ở mức độ cao, liên tục chờ đợi ai đó chỉ đường cho mình và luôn tìm kiếm sự hỗ trợ”.

Họ cũng xem thế giới là một nơi thù địch do sự cảnh giác thường xuyên của cha mẹ họ.

TÂM LÝ TRỊ LIỆU THEO TRƯỜNG PHÁI ADLER

Phần sau đây là tóm tắt về sáu giai đoạn của tâm lý trị liệu trường phái Adler, được phát triển bởi Stein và Edwards (2002). Các giai đoạn này đóng vai trò như một hướng dẫn, vì hành trình của mỗi cá nhân sẽ có một con đường hơi khác nhau.

Như Adler (2013a) đã nói, “Cũng như người ta không thể tìm thấy hai chiếc lá của một cái cây hoàn toàn giống nhau, vì vậy người ta không thể tìm thấy hai con người hoàn toàn giống nhau” (trang 102).

Vì trong tâm lý học trường phái Adler, mục tiêu là để bệnh nhân cảm thấy có năng lực và được kết nối, mục tiêu bao trùm của tâm lý trị liệu trường phái Adler là giúp bệnh nhân vượt qua cảm giác tự ti.

Quá trình này có ba mục tiêu con:

1. Giảm phức cảm tự ti từ cảm giác tự ti đã bị phóng đại xuống đến mức độ bình thường và hữu ích, qua đó bệnh nhân vẫn phấn đấu để đạt ý nghĩa nhưng không phải phấn đầu quá mức;

2. Giảm thiểu và loại bỏ phức cảm tự tôn trong việc không ngừng nỗ lực để đạt được ưu thế hơn những người khác; và

3. Thúc đẩy cảm xúc cộng đồng và bình đẳng.

Xem tiếp Phần 2

Các giai đoạn trong liệu pháp Adlerian


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...