Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

KHI TRẺ EM TẠO SẢN PHẨM NGHỆ THUẬT

BS NGUYỄN MINH TIẾN Tổng hợp

"Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm sao để duy trì con người nghệ sĩ ấy một khi chúng ta lớn lên." _ Pablo Picasso



Khi một đứa trẻ đem khoe sản phẩm nghệ thuật mà trẻ mới sáng tạo nên, người lớn chúng ta thường hay mở lời khen ngợi trẻ: "Ồ, giỏi quá!" hoặc "Thật là đẹp!"

Mặc dù là có ý tốt, những lời khen này thực sự KHÔNG hữu ích lắm nếu chúng ta muốn khuyến khích trẻ giãi bày thông qua nghệ thuật. Việc này cần được lưu ý cả khi ta tương tác với trẻ ở nhà lẫn trong bối cảnh khi làm trị liệu.

Nếu ngạc nhiên khi nghe thấy điều này, bạn nên suy nghĩ đôi điều sau đây:

- Trẻ nên làm nghệ thuật dựa trên chính ý tưởng, sở thích và khả năng sáng tạo của chính mình;

- Trẻ nên tự mình trải nghiệm cảm giác vui thích, tự hào và cảm nhận về sự hoàn thành công việc trong khi làm nghệ thuật;

- Trẻ nên được tự do trong việc đón nhận lấy những nguy cơ cũng như có lúc phạm sai lầm trong khi làm nghệ thuật;

- Trẻ nên được phép làm sản phẩm nghệ thuật theo kiểu bừa bộn, xấu xí, hoặc đơn giản chỉ cho vui mà thôi;

- Trẻ cũng nên làm nghệ thuật mà không bị phán xét hoặc so sánh.

Nếu bạn là một nhà trị liệu nghệ thuật, khi làm việc với trẻ, bạn nên tránh nói ra những lời tán thưởng hoặc những lời bình có ý phán xét. Bạn có lẽ nên nói để thân chủ của bạn hiểu rằng "tiến trình quan trọng hơn là sản phẩm" và điều chính yếu trong nghệ thuật trị liệu không phải chỉ để làm nên những sản phẩm đẹp mắt!

Đừng để trẻ hình thành thói quen chỉ biết dựa trên sự chấp thuận, hài lòng của những người lớn. Lòng tự tin và tự trọng thực sự chỉ được hình thành dựa trên sự cảm nhận của trẻ về chính khả năng của mình, cảm nhận về sự tự hào và tự làm chủ bản thân của chính mình. Lòng tự trọng nếu chỉ dựa trên sự ngợi khen của người khác thì sẽ rất mong manh và dễ bị thương tổn.

Không phải sản phẩm nghệ thuật nào cũng có tính "hoàn hảo" và xứng đáng để được khen ngợi. Trẻ không nên bị mắc mứu vào chuyện khen chê hoặc phải tuân theo sự kỳ vọng đến từ bên ngoài, mà từ đó khiến trẻ lo ngại chuyện mình bị thất bại. Sự sáng tạo thực sự chính là phải biết sẵn lòng đón nhận những nguy cơ.

Kết quả nhận được từ tiến trình sáng tạo là ở chỗ giúp trẻ vui thú và khám phá, chứ không phải để tạo nên những sản phẩm "đẹp". Ngay cả những lời khen cũng có thể khiến trẻ nhập tâm những sự phê phán và so sánh, rồi sau đó trẻ tự phán xét chính mình - Có sản phẩm "tốt" thì ngược lại cũng sẽ có những sản phẩm "không tốt"!

Điều nên làm là bạn có thể nói chuyện với trẻ về những gì trẻ tạo nên thông qua sản phẩm. Bên trong những sản phẩm đó, có thể chất chứa những "câu chuyện" mà đứa trẻ muốn nói ra...

Michaela Herr, chuyên viên tâm lý phát triển tại Đại học Brooklyn, thành phố New York, Hoa Kỳ, đã mô tả một số trường hợp trẻ em bị tổn thương tâm lý mà cô đã làm việc như một nhà trị liệu nghệ thuật (art therapist).

Ca 1: Chuyển từ hung tính sang niềm vui

Một bà mẹ dẫn đứa con trai 7 tuổi đến nhà trị liệu nghệ thuật vì những hành vi hung tính của đứa trẻ. Việc gần nhất mà trẻ làm là đã dìm chết con mèo nuôi trong chiếc bồn tắm. Trẻ tư duy nhanh, nói nhiều chuyện chẳng biết là thực hay là trong tâm trí như đang mơ của mình. Cậu nói về những nỗi sợ của mình và về cách mà cậu đánh đập người khác khi cậu nổi điên lên. Nhà trị liệu nói với cậu rằng nổi điên cũng được, nhưng có nhiều cách khác để bày tỏ sự tức giận thay vì là sử dụng bạo lực. Cậu ngạc nhiên hỏi "Có à?". Nhà trị liệu đưa cho cậu bút vẽ và một tờ giấy, bảo cậu hãy vẽ ra cơn giận của mình. Khi đó, cậu trở nên rất tập trung và cảm xúc đang mạnh mẽ trở nên dịu lại. Sau vài phút, cậu ngưng vẽ, nhìn nhà trị liệu rồi nói "Cháu là một họa sĩ". Gương mặt cậu có vẻ say sưa và ngạc nhiên về những gì mình có thể làm được. Niềm hạnh phúc như đang lan truyền...

Ca 2: Chuyển từ lo âu sang điềm tĩnh

Một bé trai 6 tuổi từng chứng kiến những hành vi bạo lực giữa cha mẹ ở nhà và bị bạn bè bắt nạt trong trường học. Cậu rất ngưỡng mộ những nhân vật siêu anh hùng và thường mặc chiếc áo thun có in hình Captain America. Chiếc áo như một nguồn cảm hứng tạo nên chiếc khiên che chắn cho cậu. Nhà trị liệu khuyến khích cậu dùng chiếc khiên ấy bất cứ khi nào cậu cảm thấy cần được bảo vệ, đặc biệt khi bạn bè ở trường nói những lời gây tổn thương cho cậu. Rồi nhà trị liệu bảo rằng chiếc khiên phải được để lại ở nhà, nhưng cậu có thể tưởng tượng rằng mình vẫn mang theo chiếc khiên ấy đến trường như một quyền năng vô hình. Cậu bé đã chỉnh lại dáng ngồi và mỉm cười. Việc này dường như đã làm cho cậu thêm tự tin. Cậu chưa bao giờ ngồi thẳng như thế...

Ca 3: Chuyển từ sợ hãi sang tự kiểm soát

Một trẻ trai 11 tuổi được nhiều lần gửi vào cơ sở nuôi dưỡng vì bị cha mẹ bỏ bê ngay từ lúc cậu mới 3 tuổi. Cậu được gặp nhà trị liệu nghệ thuật theo định kỳ. Do sợ những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật sẽ bị hỏng khi mang về nhà nên cậu đã để tất cả chúng ở lại phòng trị liệu. Nhà trị liệu đã để cậu viết ra khoảng thời gian mà cậu cảm nhận về bản thân như là rác rưởi hoặc vật phế thải. Cậu yêu cầu nhà trị liệu không nhìn cậu khi cậu viết. Nhà trị liệu đã nhắm mắt lại và quay mặt đi nơi khác. Sau khoảng mười phút, nhà trị liệu yêu cầu cậu xé mảnh giấy và bỏ nó vào chiếc máy xay. Cậu đã mỉm cười khi ấn nút chiếc máy để hủy những mảnh giấy kia đi. Rồi những máy giấy nát vụn ấy được trút đổ ra, nhà trị liệu yêu cầu trẻ hãy dùng chúng để tạo nên một thứ gì đó mới hơn. Trẻ đã tạo nên "Bức Tường" - một thứ mà cậu mô tả rằng đó là cách có thể kiểm soát được ai đi vào và ai đi ra. Bức tường đã đóng vai trò như một tấm khiên giống như trường hợp thứ 2 nêu trên. Cả hai đứa trẻ đã sáng tạo nên một mảnh nghệ thuật mang ý nghĩa ẩn dụ nhằm bảo vệ mình trước những công kích từ môi trường sống xung quanh...

Sự bình phục thực sự bắt đầu từ trong những khoảnh khắc lắng đọng ấy. Nghệ thuật tạo lối mở cho sự giải bày, bàn luận và đương đầu với các tình huống gây stress trong cuộc sống. Nghệ thuật tạo không gian an toàn cho phép đứa trẻ xử lý những xúc cảm mà khi nói ra bằng lời thì lại có tính chất quá thách thức. Trẻ có thể khám phá ra những cảm xúc mới lạ, khám phá được tiềm năng sáng tạo của mình, trẻ được lắng nghe, được hiểu, và trẻ cũng có thể tìm thấy lại được niềm vui và sự hy vọng...


1 nhận xét:

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...