Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI TIN VÀO CÁC THUYẾT ÂM MƯU?

Why Do Some People Believe in Conspiracy Theories?
Tác giả: SANDRA SILVA CASABIANCATRACI PEDERSEN - May 27, 2021
Nguồn: PsychCentral

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Điều gì xảy ra khi người ta nhìn thấy những “khuôn mẫu” (patterns) và những “manh mối” (clues) nào đó trong các sự kiện ngẫu nhiên ngoài đời thực và bắt đầu tạo ra các liên tưởng đến những việc không hề tồn tại? Một thuyết âm mưu đã ra đời theo cách như thế.

Từ Scooby-Doo đến Stranger Things cho đến bất kỳ bộ phim nào của Alfred Hitchcock, tất cả chúng ta đều thích việc thu thập manh mối, nhận ra các khuôn mẫu và làm rõ mọi chuyện cho chính mình.

Bạn có thể nghĩ mình không phải là người tin tưởng (vào thuyết âm mưu), nhưng một cuộc thăm dò bởi Insider vào năm 2019 cho thấy gần 80% người dân ở Hoa Kỳ tin theo ít nhất một lý thuyết chưa được chứng minh rằng một điều gì đó có phải là âm mưu hoặc không.

Bạn có thể tận hưởng cảm giác hồi hộp mà các thuyết âm mưu mang lại. Nhưng liệu có thêm nhiều thú vị hơn thế nữa không?

Hãy cùng tìm hiểu tâm lý đằng sau các thuyết âm mưu.

THUYẾT ÂM MƯU LÀ GÌ?

Thuyết âm mưu (Conspiracy Theory) là một ý tưởng cho rằng có một nhóm người nào đó đang làm việc cùng nhau trong bí mật để thực hiện các mục tiêu xấu xa.

Hiện nay, đôi khi trong thế giới thực, cũng có những người thực sự làm những điều xấu xa. Ví dụ, chúng ta chỉ cần xem xét các mạng lưới tội phạm như mafia, các nhóm khủng bố và các đường dây buôn bán tình dục. Ngay cả những nhân vật chính trị cấp cao và những người nổi tiếng cũng thỉnh thoảng tham gia.

Nói cách khác, có những âm mưu thực sự tồn tại.

Vậy, làm thế nào để bạn phân biệt được sự khác biệt giữa các âm mưu có thật và các thuyết âm mưu? Vâng, đôi khi bạn không biết ngay lập tức, nhưng có nhiều cách để tìm hiểu.

Các vụ án hình sự được xây dựng dựa trên bằng chứng chắc chắn và có thể chứng minh được – chứ không phải dựa trên linh cảm, sự trùng hợp hoặc thông tin được thêu dệt như kiểu các meme hoặc những bài đăng trên mạng xã hội.

Mặt khác, khi bạn kiểm tra kỹ lưỡng các sự kiện, các thuyết âm mưu sẽ không còn phù hợp với bạn.

Điều làm cho các thuyết âm mưu trở nên dễ lừa bịp hơn là khi chúng được thêu dệt thành các sự kiện trong đời thực - tất cả được xâu chuỗi lại với nhau theo cách thức hư cấu. Vì vậy, trong một số trường hợp, chúng có thể có ý nghĩa. Nhưng khi bạn tìm hiểu sâu hơn, bạn bắt đầu nhận thấy sự thiếu nhất quán và bằng chứng dựa trên thực tế.

Và không, không nên lấy việc thiếu bằng chứng làm bằng chứng cho âm mưu. Đó là toàn bộ vấn đề.

TÂM LÝ HỌC CỦA CÁC THUYẾT ÂM MƯU

Các thuyết âm mưu thường xuất hiện vào những khoảng thời gian bất ổn.

Ví dụ, trong một đại dịch, trong một cuộc bầu cử gần kề ở một quốc gia bị chia rẽ về chính trị, hoặc sau một cuộc tấn công khủng bố.

Vì sao?

Những khoảng thời gian có những đau khổ và bất định có thể khiến nhiều người phải tìm những cách khác để giải quyết tình huống gây sốc hoặc đau đớn đó.

Việc tin theo thuyết âm mưu có thể giúp bạn cảm thấy mình “hiểu” các sự kiện ấy và do đó, nó có thể làm giảm bớt phần nào tính bất định và những nỗi lo âu.

Tuy nhiên, thuyết âm mưu có thể xuất hiện nhiều hơn nhu cầu phải hiểu về các sự kiện gây sốc.

ĐẶC ĐIỂM TÍNH CÁCH CỦA NHỮNG NGƯỜI THEO THUYẾT ÂM MƯU

Có phải bất cứ ai cũng đều dễ có tư duy theo kiểu âm mưu? Không hẳn thế.

Các chuyên gia về thuyết âm mưu đã phát hiện ra rằng một số phong cách nhận thức và một số nét nhân cách nhất định có thể phổ biến ở những người tin vào chúng.

Theo một nghiên cứu năm 2018, những người tin vào thuyết âm mưu có xu hướng thể hiện các đặc điểm và tính cách như sau:

·  Tư duy dạng hoang tưởng hoặc hay nghi ngờ (paranoid or suspicious thinking)
·  Tính tình lập dị (eccentricity)
·  Ít tin tưởng thấp vào người khác (low trust in others)
·  Có nhu cầu mạnh mẽ hơn để cảm thấy đặc biệt (stronger need to feel special)
·  Tin rằng thế giới là một nơi chốn nguy hiểm (belief in the world as a dangerous place)
· Nhìn thấy các khuôn mẫu có ý nghĩa từ những việc không tồn tại (seeing meaningful patterns where none exist)

Theo nghiên cứu, người dự đoán mạnh nhất về niềm tin vào các thuyết âm mưu là người có một nhân cách nằm trong “phổ phân liệt” (spectrum of schizotypy).

Schizotypy (các thể phân liệt) là một tập hợp các đặc điểm nhân cách có thể bao gồm từ tư duy ma thuật (magical thinking) và trạng thái phân ly (dissociative states) đến các kiểu tư duy vô tổ chức (disorganized thinking patterns) và loạn thần (psychosis).

Ví dụ về các tình trạng sức khỏe tâm thần trong phổ phân liệt bao gồm rối loạn nhân cách kiểu phân liệt (schizotypal personality disorder), rối loạn nhân cách dạng phân liệt (schizoid personality disorder) và bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia).

Tuy nhiên, không phải tất cả các nét nhân cách theo kiểu phân liệt (schizotypy personality traits) đều chuyển thành rối loạn nhân cách hoặc tâm thần.

Nhiều người có thể có một, hai triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt nhưng không đủ tiêu chuẩn để được chẩn đoán bệnh này một cách đầy đủ.

Nghiên cứu sơ bộ cũng cho thấy rằng niềm tin vào các thuyết âm mưu có liên quan đến nhu cầu về sự độc đáo của con người. Ở một người có nhu cầu cảm thấy đặc biệt và độc đáo càng cao, thì người đó càng có xu hướng tin vào thuyết âm mưu.

Những nét nhân cách khác cũng thường có liên quan đến xu hướng tin hoặc theo thuyết âm mưu bao gồm:

·  Ái kỷ (narcissism)
·  Tính cách khó đồng thuận (low agreeableness)
·  Nhân cách thích thao túng người khác (Machiavellianism)
·  Thích cởi mở để trải nghiệm (openness to experience)

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa các nét nhân cách và niềm tin cá nhân là một mối liên hệ phức tạp không thể giải thích được bằng cách tách biệt các yếu tố khác về xã hội và văn hóa. Nghiên cứu về đề tài này vẫn còn nhiều hạn chế.

SỰ NGHI NGỜ: MỘT LỢI THẾ CỦA QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA?

(Suspicion: An evolutionary advantage?)

Con người dường như có xu hướng suy nghĩ theo kiểu nghi ngờ và hoang tưởng (paranoia).

Trên thực tế, một số chuyên gia đã nghiên cứu những tư duy có tính hoang đường và nghi ngờ như một lợi thế tiến hóa quan trọng.

Một trong số họ là giáo sư tâm thần học lâm sàng Richard A. Friedman, MD, người đã nêu quan điểm của mình trong bài viết “Tại sao con người dễ bị mẫn cảm với các thuyết âm mưu” (Why Humans Are Vulnerable to Conspiracy Theories).

“Khi một người có khả năng tưởng tượng và lường trước rằng những người khác có thể hình thành liên minh và âm mưu làm hại gia tộc của mình, thì sẽ mang lại cho người đó một lợi thế thích nghi rõ ràng: Lập trường nghi ngờ đối với người khác, ngay cả khi nhầm lẫn, sẽ là một chiến lược an toàn hơn là tin tưởng vô tư”.

Nói cách khác, từ góc độ tiến hóa, thuyết âm mưu có thể giúp bạn an toàn hơn nếu đối thủ của bạn tấn công, vì bạn đã đoán trước được các động thái của họ.

Friedman cho biết thêm: “Sự hoang tưởng khiến các cá nhân liên tục rà soát khắp thế gian để tìm kiếm những mối nguy và nghi ngờ về những điều tồi tệ nhất của những người khác có lẽ đã từng cung cấp một lợi thế sống sót tương tự” - Friedman nói thêm.

NHỮNG MÔ HÌNH MANG TÍNH ẢO TƯỞNG (Illusory patterns)

Tin vào các thuyết âm mưu cũng có thể liên quan với những sai lệch trong quá trình nhận thức.

Nhận thức theo kiểu ảo tưởng có thể chỉ ra được sự liên hệ có ý nghĩa và tính mạch lạc giữa các sự kiện vốn không liên quan với nhau.

Nói cách khác, sự sai lệch trong cách bạn nghĩ có thể khiến bạn dễ nhìn thấy được các khuôn mẫu nào đó giữa các sự kiện mà vốn không có liên quan nào với nhau cả.

Một nghiên cứu trong năm 2018 đã thử nghiệm lý thuyết này và phát hiện ra rằng sự bóp méo liên tục các quá trình nhận thức bình thường có liên quan đến suy nghĩ về những âm mưu và niềm tin phi lý.

Trong nghiên cứu, dưới những điều kiện có đối chứng, những người tham gia đã phát hiện ra các khuôn mẫu (patterns) từ các kích thích được tạo lập ngẫu nhiên. Khả năng này giúp họ làm nên ý nghĩa cho môi trường sống của mình và phản ứng tốt với từng tình huống, ngay cả khi các mối liên hệ ấy không thực sự tồn tại.

Một nghiên cứu năm 2008 thì nhận thấy rằng việc thiếu kiểm soát trong một tình huống lại có thể làm tăng khả năng của một người nhận ra những khuôn mẫu nào đó không thực sự tồn tại, bao gồm cả việc phát triển những niềm tin theo kiểu mê tín và tin vào những âm mưu.

Những người tham gia nghiên cứu nào cảm thấy thiếu khả năng kiểm soát tình huống thì hay kết nối các sự kiện không liên quan một cách thường xuyên hơn những người cảm thấy họ hiểu và đạt được một mức độ nào đó trong việc kiểm soát tình huống.

APOPHENIA - XU HƯỚNG KẾT NỐI CÁC ĐIỂM RỜI

(Apophenia: The tendency to connect the dots)

[Apophenia: Một từ gốc tiếng Đức, Apophänie, do bác sĩ tâm thần Klaus Konrad sử dụng trong công trình của ông mang tên Die beginnende Schizophrenie. Versuch einer Gestaltanalyse des Wahns (Giai đoạn khởi đầu của bệnh tâm thần phân liệt), ngụ ý chỉ xu hướng vô cớ nhìn thấy những mối liên hệ giữa các sự việc với một cảm nhận đặc biệt về những ý nghĩa rất bất thường – Chú thích của ND]

Xu hướng tìm kiếm và tìm kiếm các mô hình/khuôn mẫu (patterns) ở khắp mọi nơi của con người thực sự là một điều gì đó thường được liên kết với việc tin vào các thuyết âm mưu.

Bộ não con người đã phát triển khả năng nhìn thấy các khuôn mẫu về mọi thứ. Đó là một lợi thế tiến hóa nhưng cũng là một xu hướng tự nhiên.

Chúng ta đôi lúc nhận ra những hình thù động vật trên các đám mây hoặc phát hiện ra một khuôn mặt đáng sợ trên giấy dán tường phòng tắm vào ban đêm. Hoặc nếu chúng ta gặp ba người bạn mới mà tất cả đều tên là Bill, chúng ta sẽ có xu hướng chú ý.

Tuy nhiên, không có nghĩa là mỗi khi chúng ta kết nối các sự kiện rời rạc lại với nhau là chúng ta đều đúng cả.

Trên thực tế, Friedman giải thích rằng con người phát hiện ra các khuôn mẫu một cách ngẫu nhiên nhằm cố gắng hiểu thế giới một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình này khiến chúng ta dễ mắc phải các lỗi về nhận thức, chẳng hạn như “nhìn thấy mối liên hệ giữa các sự kiện khi không có mối liên hệ nào tồn tại”.

Friedman giải thích: “Đối với một loài có ý định kết nối các dấu chấm và tạo ý nghĩa cho thế gian này, môi trường giàu thông tin này là mảnh đất màu mỡ cho sự nhầm lẫn và cho cả các thuyết âm mưu” - Friedman giải thích.

Thực ra có một cái tên cho hiện tượng này: APOPHENIA. Đây là xu hướng nhận thấy có mối liên hệ có ý nghĩa giữa các tình huống ngẫu nhiên.

Nói cách khác, bạn bắt lấy các yếu tố tình cờ ở gần nhau và bạn thấy mối liên hệ có ý nghĩa và có mục đích giữa chúng.

Nhà thiết kế trò chơi giàu kinh nghiệm Reed Berkowitz nói rằng apophenia khá là phổ biến trong thế giới game.

Lấy một trong những trò chơi của ông ấy chẳng hạn. Mục đích là tìm ra một “manh mối” nằm ở phần nền của màn hình chơi để đi tiếp giai đoạn sau của trò chơi.

Manh mối thực sự được đặt ra bởi các game thủ đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người chơi đã bỏ qua nó và thay vào đó lại nhận thấy một vài tấm ghép không khớp. Sau đó, họ kết luận rằng hình dạng của chúng là một mũi tên hướng vào một bức tường. Do đó, họ bắt đầu phá bỏ bức tường.

Berkowitz viết trong một chuyên mục năm 2020: “Đây là những người bình thường, những giả định của họ là bình thường và rất hợp lý, nhưng vẫn hoàn toàn cho kết quả sai.

Có nhiều loại apophenia khác nhau. Bao gồm như sau:

Pareidolia hoặc kết nối các yếu tố thị giác và kích thích khác nhau để tạo thành một khuôn mẫu chưa từng tồn tại (nonexistent pattern). Ví dụ: nhìn thấy một khuôn mặt trên lớp vỏ của một thân cây hoặc một dấu hiệu đặc hiệu nào đó trong ánh đèn chiếu vào Toà Bạch Ốc.

Clustering tức “xếp thành nhóm” hoặc xu hướng tìm thấy có một khuôn mẫu chung cho một chuỗi dữ liệu ngẫu nhiên. Ví dụ: đi tìm logic trong một chuỗi ký tự được tạo ngẫu nhiên như xvvxvvxxxvx hoặc đoán xem xu hướng biến động của thị trường chứng khoán.

Gambler’s fallacy tức kiểu nguỵ biện của dân cờ bạc hoặc niềm tin không chính xác rằng nếu một sự kiện xảy ra lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định, thì sự kiện đó sẽ ít xảy ra hơn trong tương lai (hoặc ngược lại.) Ví dụ: nếu bạn tung đồng xu và nhận mặt ngửa bốn lần liên tiếp, bạn có thể sẽ đặt cược nó sẽ có kết quả mặt sấp vào lần sau.

Confirmation bias tức thiên hướng tìm cách khẳng định, hoặc loại thành kiến ​​theo “cách của tôi" (my way bias), đề cập đến quá trình bỏ qua những thông tin có thể bác bỏ niềm tin của mình, mà chỉ tìm kiếm thông tin để hỗ trợ niềm tin đó. Ví dụ, tin rằng ai đó thường gửi thông điệp bí mật trong bài phát biểu của họ sẽ khiến bạn có nhiều khả năng tìm thấy thông điệp bí mật trong các bài phát biểu như vậy, ngay cả khi không phải vậy.

MỘT GIẢI THÍCH BẰNG TOÁN HỌC (A mathematical explanation)

Theo sau khái niệm apophenia, có lý thuyết của Ramsey. Lý thuyết này nói rằng bất kỳ cấu trúc lớn nào cũng sẽ ẩn chứa các khuôn mẫu nếu bạn thực sự chú ý.

Bằng cách đó, ngay cả trong toán học và hình học, các khuôn mẫu cũng có thể được tìm thấy bất cứ khi nào có đủ yếu tố để kết nối.

Vì vậy, theo thuyết Ramsey, nếu bạn sắp xếp văn bản của bất kỳ cuốn sách nào, bạn sẽ tìm thấy những từ "ẩn" và đôi khi đó là một vài từ "có ý nghĩa" nếu xếp chúng lại với nhau thành một hàng.

Nói cách khác, nếu bạn đang tìm kiếm manh mối ở đâu đó, bạn nhất định sẽ tìm thấy một số manh mối!

QAnon: SỰ PHẤN KHÍCH KHI SỐNG TRONG 'TIỂU THUYẾT VIỄN TƯỞNG'

[QAnon: viết tắt của Q Anonymous; tức “Người vô danh mang bí danh Q”]

QAnon, một thuyết âm mưu trên internet, gần đây đã thu hút được sự chú ý của một bộ phận lớn trong công chúng (Ở Hoa Kỳ).

Nó có thể là một dấu hiệu mạnh mẽ về một lý do có thể có khác bên dưới xu hướng làm theo các thuyết âm mưu của một số người: Cảm giác hồi hộp khi trở thành “người biết được bí mật”.

QAnon đã trở thành xu hướng chủ đạo mà bạn có thể biết ít nhất có một người tin tưởng vào nó.

Những người theo thuyết âm mưu này tin rằng một nội gián ẩn danh của chính phủ, được gọi là “Q”, thường đưa ra những manh mối và câu đố bí ẩn để vạch trần sự hiện diện của một bộ máy “nhà nước ngầm” (deep state).

Theo các tín đồ QAnon, những manh mối này bao gồm từ màu sắc của ánh sáng mà Toà Bạch Ốc sử dụng vào một ngày cụ thể nào đó cho đến các thông điệp mã hóa được đăng trên các diễn đàn internet.

Đối với những người theo thuyết QAnon thì cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một “đặc vụ chiến đấu để giải cứu thế giới”.

Ông ta đang chống lại ai? Một giáo phái cuồng tín gồm những kẻ ăn thịt người, ấu dâm và buôn bán tình dục, do các chính trị gia đảng Dân chủ, chẳng hạn như Hillary Clinton và Barack Obama lãnh đạo.

Tại sao QAnon lại được yêu thích như vậy?

Đối với một số người, việc tìm hiểu thêm về QAnon có thể chỉ là vấn đề tò mò.

Đối với những người tin theo, QAnon có tính thuyết phục vì các lý thuyết của nó thường dựa trên:

·  Những nỗi sợ hãi của mọi người
·  Nhu cầu cảm thấy một người là một người đồng cảm (ví dụ: cứu lấy trẻ em)
·  Một sự hồi hộp tự nhiên để giải quyết những bí ẩn
·  Mong muốn trở thành một phần của một nhóm cùng chí hướng
·  Một lời giải thích và một tương lai đầy hy vọng có thể xảy ra cho những thứ không theo "cách của bạn" ngay bây giờ

Ngoài ra, QAnon có thể mang đến cảm giác hồi hộp của một “trò chơi”.

Đúng. Việc liên tục tìm kiếm manh mối bí mật ở những nơi bí ẩn có thể mang đến cho bạn một liều cao dopamine để đạt đến “mức độ mở khóa” như đang chơi trò chơi điện tử.

Trên thực tế, khi Berkowitz nhìn thấy những gì QAnon đang làm, anh ta ngay lập tức nhận ra chiến thuật của Q.

Berkowitz [nhà thiết kế trò chơi QAnon – ND] có nhiều kinh nghiệm tạo ra các câu chuyện và trò chơi bắt đầu trên máy tính và sau đó chuyển sang thế giới thực. Đối với ông ấy, QAnon có một cảm giác rất “giống trò chơi”.

“Khi tôi nhìn thấy QAnon, tôi biết chính xác nó là ai và đang làm gì. Tôi đã từng thấy nó trước đây. Tôi gần như đã xây dựng nó trước đây”, anh ta nói trong chuyên mục của mình. “Đó là cặp song sinh xấu xa trong trò chơi. Một trò chơi đóng vai con người”.

Khi được Psych Central hỏi tại sao anh ấy lại nghĩ QAnon hấp dẫn đến vậy, Berkowitz đã tóm tắt lại như sau:

“QAnon giải thích thế giới bằng những hư cấu sống động và cho các thành viên 'được phép' tin vào những chuyện hư cấu này là sự thật."

Giống như ta đang sống trong một bộ phim hay một trò chơi.

Berkowitz nói với Psych Central: “Nó cung cấp một cộng đồng mang tính chấp nhận đối với những người có cùng chí hướng và một thế giới quan đặt các thành viên vào trung tâm của một“ thực tại ”thú vị mà trong đó họ có vai trò tích cực trong việc gây ảnh hưởng. QAnon hấp dẫn bởi vì nó mang lại cho cuộc sống một sự mãnh liệt và những run động cảm xúc như đang sống trong một câu chuyện viễn tưởng.”

Ông ấy nói thêm: “Đó là về việc ở trong một cộng đồng mà tất cả mọi người làm việc cùng nhau để giúp cứu lấy thế giới và hoá giải một điều bí ẩn luôn đáng được tiết lộ.”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...