Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

NHÌN LẠI TRƯỜNG PHÁI MILAN - Phần 3

Milan Revisited: A Comparison of the Two Milan Schools
Tác giả: SERGIO PIRROTTA - Ed.M., L.C.S.W.
Nguồn: JST – Journal of Systemic Therapy; Volume 3, Issue 4, Dec 1984, Guilford Publication Inc.
Published Online: May 2016, GP - Guilford Press Periodicals

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Xem lại Phần 1 - Phần 2

Phần 3

TRÌNH CA

TRƯỜNG HỢP B: GIA ĐÌNH TOSCA – NHÓM NOUVO CENTRO

Gia đình này gồm có ông Tosca, một chuyên viên ngân hàng 52 tuổi, và vợ, một phụ nữ làm nội trợ 45 tuổi, trước đó làm giáo viên, bệnh nhân chỉ định là cô gái 23 tuổi, hiện ở nhà và cô em gái 19 tuổi, ở cùng nhà và hiện theo học tại một trường đại học ở địa phương. Vị bác sĩ gia đình đã chuyển cô gái 23 tuổi đến trị liệu tâm lý vì chứng chán ăn thường xuyên của cô ấy; cô ấy không ăn và kèm theo một sự thôi thúc phải sử dụng các thuốc nhuận trường. Trong 3 năm qua, gia đình đã đưa cô ấy đến một số nhà trị liệu làm liệu pháp cá nhân và một vài nhà trị liệu gia đình. Phiên trị liệu mà tác giả bài viết này quan sát được đó là phiên thứ 5 được thực hiện bởi nhóm Nouvo Centro (Nhóm nghiên cứu của Selvini-Palazzolli), các tóm tắt trước khi vào phiên này được nhóm nghiên cứu thực hiện và gồm những nội dung như sau:

Trong phiên đầu tiên, cả bốn thành viên trong gia đình đều đến dự, trọng tâm nhắm vào việc thiếp lập một “sơ đồ quan hệ” (relational map) và hiểu được lịch sử của quá trình trị liệu trước đó. Từ phiên đầu tiên này, điều có thể được nhận ra đó là gia đình này đã xem vấn đề như một chuyện kinh niên mà cứ mỗi lần trị liệu thất bại thì lại củng cố cho sự nghi ngờ của họ về tính chất thâm căn này. Ông bố và bà mẹ có vẻ tự hào với những nỗ lực của họ trong việc tìm kiếm các phương pháp trị liệu tốt nhất cho con gái của họ. Bà mẹ đặc biệt có sự quan tâm dạt dào với cô con gái bị bệnh của bà, trong khi lại tỏ vẻ gần gũi và tự hào về cô con gái nhỏ hơn của bà. Người bố biểu hiện hơi ít liên hệ với cuộc sống gia đình, có vẻ bối rối với những vấn đề của gia đình nhưng tỏ vẻ sẵn lòng làm bất cứ điều gì mà vợ ông và nhà trị liệu yêu cầu để trình bày vấn đề.

Từ ấn tượng đầu tiên này, nhóm đã quyết định rằng gia đình này thoả tiêu chí để đưa vào dự án nghiên cứu của họ và việc trị liệu sẽ vẫn đi theo kiểu “kê đơn” muôn thuở của họ. Hai cô con gái được miễn không cần tham gia thêm vào quá trình trị liệu, còn bố mẹ thì được báo cho biết rằng nhóm nghiên cứu đã nhận ra vấn đề của gia đình và độ trầm trọng của nó. Từ những kinh nghiệm của nhóm về loại vấn đề này, chỉ có một cách trị liệu mà họ có thể cung ứng nhưng đòi hỏi phải có sự hợp tác hoàn toàn từ phía gia đình để cho việc trị liệu có tác dụng. Hai bố mẹ đã đồng ý, và cuộc trị liệu đã bắt đầu bằng việc hai bố mẹ lên kế hoạch cho những cuộc rời khỏi nhà, mà không giải thích gì cho hai cô con gái lẫn những bạn bè của họ. Theo cách “kê đơn” muôn thuở này, họ sẽ để lại một thông điệp bằng lời lẽ cẩn trọng cho hai cô con gái, đơn giản chỉ là bố mẹ sẽ đi, từ lúc này đến lúc này, nếu được hỏi về chuyện đi đâu, làm gì, họ chỉ cần trả lời: “Đây là việc giữa bố và mẹ. Đây là việc của bố mẹ”. Một phần của huấn thị này bao gồm việc tránh đến những nơi chốn mà bạn bè của họ hoặc bạn bè của các con họ có thể nhìn thấy họ và vì thế có thể báo lại cho các con họ và làm hỏng bí mật này. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu không chỉ thị gì thêm cho việc hai bố mẹ phải làm gì khi ra khỏi nhà. Họ có thể ở cùng với nhau hoặc hoạt động riêng lẻ, nhưng phải trở về nhà chính xác vào thời gian đã định. Các phiên trị liệu sau đó sẽ được dùng để ghi nhận các phản hồi từ bố mẹ về những tác động của những cuộc “xuất gia” ấy của họ, và hướng dẫn họ cách lên những kế hoạch rời nhà sau đó.

Ở phiên trị liệu thứ tư, hai bố mẹ đã cho biết rằng họ đã ra khỏi nhà để đến một hộp đêm ở địa phương và gặp một người bạn của gia đình. Ông bố, trong cố gắng khắc phục sai lầm này, đã giải thích với người bạn ấy rằng những gì họ đang làm là để giữ bí mật với hai cô con gái và yêu cầu người bạn kia phải hứa giữ im lặng không được nói gì. Khi ấy, nhóm nghiên cứu đã bị rơi vào một khủng hoảng. Họ cần phải tìm cách hiểu rằng sự việc này cần được diễn giải như thế nào. Liệu đây có phải là một sự phá hỏng việc kê đơn trị liệu hay không? Liệu đây có phải là một nỗ lực nhằm mở rộng tiểu hệ thống (cha mẹ) với một thoả ước [ở đây là kéo thêm một nhân vật thứ ba là người bạn của gia đình – ND], nhờ đó mà làm giảm bớt độ căng thẳng của cặp đôi bố mẹ? Liệu hai cô con gái có khả năng phát hiện ra rằng những chuyến rời nhà của bố mẹ có liên quan đến việc trị liệu? Sau rất nhiều bàn luận, nhóm đã quyết định để gia đình tiếp tục trị liệu.

Nếu nhóm quyết định rằng hai bố mẹ đã để lộ ra bí mật theo cách thức không thể đảo ngược lại được, gia đình phải rời khỏi trị liệu với một thông báo rằng nhóm nghiên cứu không thể biết thêm được điều gì về vấn đề của họ. Họ sẽ trở nên bất lực vì sự “kê đơn” đã thất bại. Tác giả bài viết này đã được nhóm bảo cho biết rằng cách chấm dứt trị liệu theo kiểu như thế cũng có thể được sử dụng trong một số tình huống, và cách chỉ định đó cũng có thể có tác dụng như những can thiệp trị liệu, mặc dù đó không phải là dự định của nhóm trị liệu.

Gia đình (Tosca) chuyển sang giai đoạn thứ hai của trị liệu khi hai bố mẹ được yêu cầu thực hiện những lần ra khỏi nhà hằng đêm, nhịp độ 5 lần mỗi tuần. Trong phiên trị liệu thứ 5, hai bố trong lúc báo cáo tiến độ của họ, đã cho biết rằng họ chỉ thực hiện được có hai lần ra khỏi nhà thôi. Lần thứ nhất, họ đến hộp đêm cùng chỗ lần trước họ đã đến. Lần thứ hai, họ đến một resort gần đó để ở qua đêm, để lại hai cô con gái ở nhà, trong đó cô con gái út có một người bạn trai từ miền Nam nước Ý đến chơi với cô trong một tuần. Người mẹ suốt đêm vô cùng lo lắng không biết con gái bà (cô con út) có xảy ra chuyện gì hay không và đó quả là một tình trạng căng thẳng quá mức đối với bà. Người đọc cũng nên lưu ý rằng trong một số những gia đình miền Nam nước Ý, người bạn trai ấy cũng thuộc những gia đình có định kiến phân biệt chủng tộc.

Với nỗi lo âu như thế, người mẹ cảm thấy không đúng nếu bà phải rời nhà lần nữa. Nhưng đến lúc đó, bà tiếp tục nói rằng bà lấy làm tiếc đã không tuân thủ việc “kê đơn” bởi vì cô con gái lớn của bà đã trở nên tệ đi trong tháng vừa qua. Người mẹ đã tỏ ra rất khổ sở, bất lực và hoang mang. Bà đã biện minh rằng việc “kê đơn” đã quá khó thực hiện vì bà rất lo lắng cho đứa con gái út của bà (mặc dù dĩ nhiên bà cũng lo lắng cho cô con gái lớn nữa). Liệu có nên dùng một ít thuốc men để ổn định tình hình chăng?

Phía sau tấm gương [Tức tấm gương một chiều ngăn giữa hai phòng, một bên là phòng tiếp gia đình, bên kia là nhóm nghiên cứu đang quan sát – Chú thích của ND], nhóm nghiên cứu giả thuyết rằng người mẹ đang cố gắng làm hỏng cuộc trị liệu và đang đảo ngược mọi việc trở về trạng thái ban đầu, và rằng các chuyến rời khỏi nhà ban đêm của họ là một sự cường điệu hoá có chủ tâm đối với việc kê đơn để rồi bà có lý do để phá vỡ những nhiệm vụ cần làm trong phần còn lại của tháng đó. Người bố cũng thụ động thông đồng với bà trong quá trình này. Nhà trị liệu quay trở lại với những hướng dẫn từ nhóm nghiên cứu là hãy nghiêm khắc với cả hai người họ và hãy thử xem họ có sẵn lòng và có thể tiếp tục với cách “kê đơn” như thế không.

Trong phần bàn luận tiếp theo sau đó, người mẹ đã bật khóc, hết giận dữ, lo sợ rồi lại biện hộ; còn ông bố, lúc thì đứng về phía người mẹ, lúc thì đứng về phía nhà trị liệu. Tuy nhiên, cuối cùng thì, cả hai đều quyết định rằng họ có thể tiếp tục nhận việc “kê đơn” này và trở về sau khi được giúp để lên kế hoạch cho những lần rời khỏi nhà của họ. Trong suốt thời gian người mẹ bộc lộ cảm xúc, thái độ của nhà trị liệu khá là thực tế và đôi lúc gần như lạnh lùng (Nguyên văn: “The therapist's stance, throughout the mother's display of emotions, was quite matter-of-fact, and at times almost cool”), nhà trị liệu nhắc đi nhắc lại một thông điệp rằng nhóm chỉ có một cách kê đơn và hỏi xem hai bố mẹ có sẵn lòng và có thể thực hiện việc này hay không.

Quá trình trị liệu này vẫn tiếp thêm 4 phiên trị liệu sau đó, rồi gia đình được cho một thời gian nghỉ sau đó. Trong báo cáo cuối cùng, hai bố mẹ đã tiến triển tốt qua những lần rời khỏi nhà ban đêm và tình trạng của bệnh nhân chỉ định thì đã cải thiện.

Đón xem tiếp Phần 4


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...