Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

DỊCH VỤ SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO THÂN CHỦ TRONG TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG HOẶC THẢM HOẠ - Kỳ 2

“Providing Mental Health Services to Clients in Crisis or Disaster Situations”
Tác giả: HOWARD B. SMITH
Nguồn: Hội Tham vấn Hoa Kỳ (ACA)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trên cách một cá nhân đáp ứng với khủng hoảng hoặc thảm hoạ. Năm 1995, Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ đã xác định một số yếu tố như thế theo nghĩa rộng. Họ lưu ý rằng bản chất của sự kiện tự nó cũng là một trong số các yếu tố. Sự kiện đó do con người gây ra hay có nguồn gốc từ thiên nhiên? Sự kiện xảy ra vào thời điểm nào trong ngày? Việc đó xảy ra có gì báo trước hay không? Nó kéo dài bao lâu? Đây là những câu hỏi cần được đặt ra để có thể thực hiện một đánh giá tổng thể cho các đáp ứng của đương sự.

Một yếu tố khác có ảnh hưởng trên cách thức đáp ứng với khủng hoảng hoặc sang chấn đó là chính bản thân con người của đương sự. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, đương sự có tình trạng sức khoẻ thể lý và cảm xúc như thế nào? Đang có sẵn loại dịch vụ hỗ trợ nào tại chỗ? Đương sự có tiếp xúc với khủng hoảng hoặc thảm hoạ nào khác trước đó hay không? Các yếu tố nhân khẩu học mô tả về đương sự, ví dụ: tuổi tác, khả năng về thể lý, điều kiện tài chính, và các chủ đề về tính khác biệt, đa dạng (diversity). Các yếu tố này cũng phải được đánh giá.

Các yếu tố khác có ảnh hưởng trên cách thức đáp ứng với khủng hoảng hoặc thảm hoạ phải được xem xét dựa vào tính chất của cộng đồng nơi xảy ra vụ việc. Lĩnh vực quan tâm này nêu ra những câu hỏi liên quan đến mật độ dân cư, số lượng đã và có thể chịu tác động của sự kiện, tình hình chính trị tại cộng đồng đó, quy mô của cộng đồng là lớn hay nhỏ, các nguồn lực đáp ứng sẵn có và lịch sử đặc thù của cộng đồng đó trong việc đáp ứng với các thảm hoạ có trước đó.

Do có những thể loại chung về phản ứng và các yếu tố ảnh hưởng này, việc đánh giá chính xác tình trạng của thân chủ trong khủng hoảng hoặc thảm hoạ là điều vô cùng quan trọng. Myer (2001) đã phân biệt 5 cách tiếp cận để đánh giá.

Đầu tiên là cách “đánh giá theo kiểu chẩn đoán” (diagnostic assessment), cách này tìm kiếm sự hiện diện của những triệu chứng (symptom) để gợi ý về một bệnh lý hoặc một rối loạn có thể có. Cách thức tiếp cận này có thể xem là theo “mô hình y khoa” (medical model).

Thứ hai là “tiếp cận trắc nghiệm tiêu chuẩn hoá” (standardized testing assessment), cách này bao gồm một tiến trình sử dụng phối hợp những loại trắc nghiệm đã được tiêu chuẩn hoá và thiết lập một hồ sơ (profile) nhằm xác định những điểm mạnh và/hoặc những điểm yếu của đương sự. Một tên gọi khác cho cách này là “tiếp cận tâm lý học” (psychological approach).

Thứ ba là cách “đánh giá triệu chứng” (symptom assessment), cách này đơn thuần nhằm xác định những triệu chứng cần đến những đánh giá và điều trị xa hơn, thường có tính chất để sàng lọc các thân chủ và thường chỉ cần thực hiện trong một vài phút.

Thứ tư là cách “đánh giá lịch sử về tâm lý” (psychological history assessment). Cách này nhằm mô tả lịch sử về các mặt phát triển, tâm lý và xã hội (developmental, psychological, and social history) của thân chủ và được áp dụng nhiều nhất để giúp cho người cung ứng dịch vụ có thể hiểu được thân chủ trong bối cảnh môi trường sống của họ từ một nhãn quan về tâm lý. Cách tiếp cận này có thể gọi là “mô hình công tác xã hội” (social work model).

Thứ năm, Myer mô tả về cách “đánh giá khủng hoảng” (crisis assessment), cách này tập trung vào việc đánh giá thân chủ cả về  mức độ vận hành chức năng lẫn khả năng thu thập thong tin liên quan đến tình huống khủng hoảng hoặc thảm hoạ nhằm giúp thân chủ huy động các nguồn lực của mình để có thể vượt tình trạng khủng hoảng tức thời. Điều làm cho mô hình này trở nên độc đáo đó là cả 4 loại tiếp cận trước đều được áp dụng để đưa ra những khuyến cáo cho tương lai. Cách đánh giá khủng hoảng thì lại thu thập thông tin để có thể được sử dụng tức thời bởi thân chủ.

Cách đánh giá khủng hoảng phải liên tục theo dõi các phản ứng của thân chủ để xác định cần can thiệp khủng hoảng ở mức độ như thế nào. Cũng có thể hiểu rằng sự hiểu biết có được từ mô hình đánh giá này nên được thực hiện trước và dung nó để hướng dẫn cho các nỗ lực của chuyên viên sức khoẻ tâm thần trong việc thúc đẩy sự thay đổi nơi thân chủ (Collins & Collins, 2005). Trong can thiệp khủng hoảng, tính cấp bách của việc đánh giá nhanh và chính xác phải được ưu tiên hàng đầu. Một người cung ứng dịch vụ sức khoẻ tâm thần thường phải đánh giá phản ứng của một thân chủ và khởi đầu việc trị liệu như một việc được tính bằng từng phút (Myer, 2001). Một sự đánh giá sai có thể khiến sự hỗ trợ không hiệu quả và thậm chí còn làm trầm trọng thêm tình trạng của thân chủ (Hoff, 1995; James & Gilliland, 2005).

Myer (2001) lưu ý rằng các chuyên gia sức khoẻ tâm thần cũng có nhiều rủi ro trong việc đưa ra những quyết định đánh giá sai do bởi tính chất của kiểu thảm hoạ (disaster setting). Bị xao nhãng bởi những yếu tố môi trường xung quanh cũng như hàng khối những nhu cầu cần hỗ trợ của rất nhiều thân chủ có thể khiến cho chuyên viên bị mất tập trung vào thân chủ mà mình đang trực tiếp đánh giá. Vị chuyên viên cũng có thể bị rơi vào một cạm bẫy là “phải nghe chính xác cùng một vấn đề rất rất nhiều lần” và vì thế dễ đưa ra những cách thức trị liệu “được định trước” (preordained treatment) đi ngược lại những gì được nghe thấy thực sự từ thân chủ cụ thể ấy. Chuyên viên cũng có thể bị quá sức khi đứng trước tình thế và những nhu cầu to lớn đến mức không thể tự nhận biết được những giới hạn về năng lượng và khả năng tập trung của mình nữa. Ngoài ra, luôn luôn phải nói đến một chủ đề đó là: có những chuyên viên sức khoẻ tâm thần ít được huấn luyện về can thiệp khủng hoảng.

Đón xem tiếp Kỳ 3

9 DẦU HIỆU CỦA MỐI QUAN HỆ GẮN KẾT GÂY SANG CHẤN: “GẮN KẾT VỚI KẺ LẠM DỤNG”

"9 Signs of Traumatic Bonding: "Bonded to the abuser"

Tác giả: TAMARA HILL - MS, NCC, CCTP, LPC

Nguồn: PsychCentral - 8/9/2015

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm  lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non


Bạn biết gì về lạm dụng trẻ em? Bạn nên biết gì về lạm dụng trẻ em? Có phải bạn đã biết rằng lạm dụng là một trong những sự kiện gây sang chấn nhất mà trẻ nhỏ trải qua? Đối với nhiều trẻ nhỏ, lạm dụng không được mong đợi và khả năng ứng phó của trẻ là không đủ. Sang chấn thường được định nghĩa là một sự kiện kinh khủng, quá sức so với khả năng ứng phó của trẻ (National Child Traumatic Stress Netword, 2015). Việc mất khả năng ứng phó thường dẫn đến những khó khăn về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm và thậm chí là rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách ranh giới, ái kỷ, hoặc nhân cách né tránh. Hơn thế nữa, sang chấn có thể ngăn cản khả năng phát triển và duy trì những mối quan hệ lành mạnh của chúng ta (công việc, hôn nhân, bạn bè, gia đình) và cả những tương tác xã hội thích hợp. Sang chấn cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển suốt cuộc đời và dẫn đến việc không ổn định về mặt cảm xúc (tình trạng thay đổi về cảm xúc hoặc tâm trạng).

Bài viết này sẽ khám phá một cách tóm lược về sự “Gắn kết gây sang chấn” (Traumatic Bonding) và những dấu hiệu nhận ra sự gắn kết gây sang chấn với kẻ lạm dụng. Khi làm việc với gia đình, tôi (tác giả) thường khuyến khích họ nhận ra những loại quan hệ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ, vị thành niên hoặc người lớn từng bị sang chấn. Chính chất lượng của mối quan hệ mới có thể làm nên hoặc chấm dứt việc một cá nhân bị sang chấn. Chúng ta phải hiểu rằng ở mỗi nạn nhân bị sang chấn, một phần họ có sức chống chịu và sự mạnh mẽ, trong khi có một phần khác lại cần đến mức độ thương cảm, thấu hiểu, nhạy cảm, đồng cảm và sự an ủi.

Điều quan trọng cần hiểu là nhiều yếu tố, cả tích cực lẫn tiêu cực, đã xảy ra và góp phần vào sự hình thành sang chấn này. Những yếu tố nguy cơ này vừa có thể bảo vệ chúng ta khỏi sang chấn lại vừa có thể đẩy chúng ta hìm sâu hơn vào trong nó. Một vài trong số những yếu tố đó bao gồm:

Những yếu tố nguy cơ

  • Tình trạng kinh tế xã hội thấp
  • Lạm dụng chất
  • Suy nhược về sức khỏe tinh thần hoặc khả năng phản ứng cảm xúc
  • Khó khăn về tài chính
  • Phong cách ứng phó nghèo nàn
  • Những phản ứng khác với sang chấn
  • Không có hệ thống hỗ trợ
  • Thiếu công ăn việc làm
  • Bị bắt nạt hoặc quấy rối
  • Hoàn cảnh sống có nhiều khả năng tiếp xúc với sang chấn
  • Lòng tự tôn thấp
  • Thiếu bản sắc
  • Bạo lực hoặc xâm hại trong gia đình
  • Trình độ học vấn kém
  • Vô gia cư

Những yếu tố nguy cơ kết hợp với nhau có thể kích hoạt sang chấn phức hợp (complex trauma) như một trẻ nhỏ chứng kiến cha bạo hành mẹ, đang xoay trở trong tình trạng vô gia cư, thu nhập thấp, trầm cảm, lo âu, và cha mẹ nghiện chất. Những yếu tố nguy cơ này có thể tạo ra tình huống phức tạp đòi hỏi những hỗ trợ mang tính trị liệu trong nhiều tháng đến nhiều năm. Nhưng những yếu tố bảo vệ sau đây có thể giúp xây dựng nền tảng của sức chống chịu:

Những yếu tố bảo vệ:

  • Hệ thống hỗ trợ
  • Ổn định về tài chính
  • Sức khỏe cảm xúc và tâm lý tốt
  • Kỹ năng ứng phó tích cực
  • Có sự kết nối với cộng đồng như trường học, nhà thờ và các nhóm hỗ trợ khác
  • Kết nối với gia đình và xã hội 
  • Công việc làm
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề

Mặc dù có tất cả những yếu tố này, lĩnh vực tâm lý lâm sàng tiếp tục nỗ lực phân tích tại sao một số trường hợp trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng lại gặp khó khăn trong việc cắt đứt với người xâm hại và lãng quên họ đi. Một số trẻ khác, thật khó tin là trẻ tiếp tục khao khát sự chăm sóc và yêu thương của những cha mẹ đã ngược đãi mình, thậm chí rất lâu sau khi trẻ được chuyển đi ra khỏi môi trường bị lạm dụng. Đó là lý do tại sao AmyBaker và Mel Schneiderman đã tìm hiểu một cách khéo léo vấn đề này thông qua câu chuyện của những người sống sót. Và đây chính là một chủ đề quan trọng cần được phân tích.

Trong công việc của tôi, tôi có hơn 500 báo cáo về trẻ bị lạm dụng, đến nay cũng có thể gọi là những báo cáo trên đường dây nóng bảo vệ trẻ em (childline). Ở Hoa Kỳ, chúng tôi thu thập ba triệu (3.000.000) những báo cáo như thế mỗi năm, và đất nước này được xem là một kỷ lục tồi tệ nhất trong những quốc gia công nghiệp, theo trang mạng childhelp.org. Đáng sợ hơn, mỗi báo cáo đó lại chỉ được xem xét trong 10 giây. Câu hỏi đặt ra là: làm sao để chúng ta có thể hiểu được những vấn đề tinh thần và cảm xúc nào ở người lớn lại có thể khiến họ ngược đãi chính con của mình, và những học thuyết gắn bó nào có thể giúp chúng ta phân tích những kết nối không lành mạnh đã dẫn đến việc ngược đãi đó? Trong một quyển sách, một người lớn tên Peter đã kể lại câu chuyện bị cha hành hạ về thể xác, anh ấy nhận những trận đánh liên hồi không thể thở được từ người cha khi ông say. Với mỗi cú đánh bằng dây thắt lưng, Peter nhớ lại, “cơ thể tôi bị rung lắc và giật mạnh như thể tôi là một con búp bê giẻ rách bị tung ném bởi một con chó dại”. Và mặc dù điều đó chỉ xảy ra khi cha mình say, Peter giải thích, bạo hành như vậy dường như đã trở nên “bình thường đối với tôi. Đó là những gì cha mẹ đã làm với tôi”.

Những “gắn kết” như vậy được cho là gắn kết gây sang chấn, có thể xảy ra khi một trẻ nhỏ trải nghiệm những giai đoạn tích cực xen kẽ với những giai đoạn lạm dụng. Những tác giả giải thích, bằng những trải nghiệm tích cực và cực kỳ tiêu cực từ cha mẹ, trẻ nhỏ có thể trở nên đồng phụ thuộc (co-dependent). Nhưng Baker và Schneiderman đã chỉ ra rằng, mặc dù họ so sánh điều này với tình huống bắt làm con tin (Vd. Hội chứng Stockholm – ND), trẻ nhỏ trong trường hợp này khác với một con tin thật sự, trẻ nhỏ có mối quan hệ chăm sóc tồn tại từ trước với người lạm dụng. Vì vậy, mặc dù nhiều người trong chúng ta không thể hiểu việc trẻ nhỏ gắn kết với một người như vậy, thật khó để tách ra khỏi một người lớn vừa chăm sóc kết hợp với bạo hành.

Có những dấu hiệu về hành vi và cảm xúc quan trọng được biểu hiện để chúng ta có thể nhận biết những cá nhân đã gắn kết với người lạm dụng họ. Một vài dấu hiệu về hành vi và cảm xúc có thể được nêu dưới đây nhưng không nhất thiết chỉ giới hạn như thế: 

1. Đồng nhất hoá quá mức (overidentifying) với kẻ lạm dụng: một vài cá nhân chịu đựng sự xâm hại trong thời gian dài thường chứa đựng những cảm xúc mâu thuẫn. Có những lúc một người bị lạm dụng có thể ghét người đã lạm dụng mình và ngay sau đó có thể tuyên bố hoặc làm những điều khiến mối quan hệ trở nên tốt hơn. Ví dụ một trẻ nhỏ bị lạm dụng về mặt cảm xúc có thể tuyên bố “con ghét chú vì chú đã làm điều đó với con” và sau đó lại nói “chú Tim hay đùa giỡn và xem phim với con vào thứ bảy.” Hai cách nói khác nhau này thường làm người ngoài cuộc lúng túng. Đứa trẻ bị lạm dụng khác có thể nói “chú Tim và con rất giống nhau bởi vì con với chú thích đồ ăn giống nhau” hoặc “Chú Tim và con đã khóc khi cùng nhau xem phim Titanic lần đầu”

2.  Cảm thấy mắc nợ kẻ lạm dụng: Một vài người bị lạm dụng có thể phát triển cảm giác biết ơn về những gì người lạm dụng đã làm cho họ. Ví dụ, nếu một thiếu nữ đã từng vô gia cư và được đưa đến nhiều nơi nuôi dưỡng nhưng người ngược đãi đã nhận cô gái và đối xử tốt với cô trước khi ngược đãi, cô ấy có thể cảm thấy nợ người ngược đãi mình điều gì đó. Những vị thành niên bị ngược đãi nghiêm trọng đã từng nói với tôi rằng người ngược đãi “yêu tôi”.

3. Cảm thấy “họ cần tôi”: một vài người bị lạm dụng phát triển cảm xúc gắn kết với kẻ lạm dụng khiến họ cảm thấy đôi lúc họ nợ kẻ lạm dụng điều gì đó. Ví dụ, một người từng bị lạm dụng về thể chất, cảm xúc, tình dục có thể nhận ra bản thân mình cảm thấy có lỗi vì những khó khăn về cảm xúc và tâm lý của kẻ lạm dụng và phát triển sự thấu cảm hoặc trắc ẩn với kẻ lạm dụng. Điều này có thể dẫn đến người bị lạm dụng cảm thấy mắc nợ người lạm dụng và tận tụy “giúp họ tốt hơn”. Hành vi này có thể được thấy trong các mối quan hệ lãng mạn mà người bị lạm dụng trở nên bảo vệ quá mức về mặt cảm xúc cho kẻ lạm dụng, họ cũng chịu đựng kẻ lạm dụng này để làm hài lòng kẻ lạm dụng.

4. Giải thích hầu hết mọi chuyện: Hành vi điển hình của một số người bị lạm dụng là biện hộ cho kẻ lạm dụng. Kẻ lạm dụng không gây tổn thương họ bởi vì họ tệ mà bởi vì “Tôi xứng đáng với điều đó. Hôm đó tôi đã không tốt.” hay bởi vì “anh ấy quá ghen thôi, tôi cũng vậy”. Điều này thường là chỉ báo cho thấy người bị lạm dụng đang gắn kết với kẻ lạm dụng.

5. Bảo vệ kẻ lạm dụng: Hầu hết chúng ta bỏ chạy khỏi những người lạm dụng mình. Chúng ta không muốn trải nghiệm nỗi đau và không muốn cảm thấy xấu hổ khi bị lạm dụng.  Nhưng đôi khi bởi vì kẻ lạm dụng thường lúng túng về cảm xúc và tinh thần và là sản phẩm của môi trường sống loạn chức năng, người bị lạm dụng có thể phát triển một sự kết nối mà họ cảm thấy cần thiết để bảo vệ kẻ lạm dụng. Đôi khi người bị lạm dụng có thể đứng lên vì kẻ lạm dụng và chống lại những người thực sự quan tâm đến họ. Một cô gái tuổi dậy thì từng hẹn hò với người bạn trai lạm dụng mình dường như chống lại mẹ mình khi bà nỗ lực nhấn mạnh những hành vi và tính chất tiêu cực của người bạn trai này.

6. Cho phép sự lạm dụng tiếp tục để làm “hài lòng” kẻ lạm dụng: Một vài cá nhân, đặc biệt là những người bị thao túng và lạm dụng tình dục sẽ cho phép kẻ lạm dụng tiếp tục “để vấn đề sang một bên” hoặc “làm hài lòng anh ta/cô ta”. Nạn nhân trở nên quá yếu ớt không thể tự bảo vệ hoặc tự đứng lên đến nỗi họ phải nhượng bộ. Hoặc những người khác thì sợ hãi không dám bỏ đi và ở trong tình trạng đó chừng nào mà họ còn có thể. Trong suốt hành trình 8 năm làm lâm sàng của tôi, một trẻ nhỏ đã nói với tôi “ông ấy muốn điều gì đó tốt đẹp cho con và con đưa điều đó cho ông ấy bởi vì ông ấy xứng đáng. Bố luôn đi làm vì chúng tôi và là một người làm việc chăm chỉ.”

7. Đội nhiều “mũ” (wearing multiple hats): Do phụ thuộc vào tình trạng bất ổn định về tâm lý và cảm xúc của kẻ lạm dụng, một người bị lạm dụng có thể phải đóng nhiều vai trò trong cuộc sống của kẻ lạm dụng. Ví dụ, một trẻ nhỏ từng bị ngược đãi về thể chất và bị mắng chửi bởi một người cha nghiện chất cùng với 5 đứa trẻ khác có thể bắt đầu tham gia những vai trò: “người chăm sóc” với các em, “người thầy” với các em nhỏ khi làm bài tập về nhà, “người đại diện cho cha mẹ”, “vú em”, “nhà trị liệu” với kẻ ngược đãi, vv… Tham gia nhiều vai trò thường là kết quả của việc thiếu bản sắc và cảm thấy quá sức. Nhiều trẻ nhỏ sớm mất tuổi thơ và kết thúc sự phát triển khi bước vào tuổi trưởng thành với các tình trạng trầm cảm, lo âu và tự sát.

8. Che đậy những cảm xúc tiêu cực khi có sự hiện diện của kẻ lạm dụng: Nếu bạn buồn và kẻ lạm dụng vui, bạn che dấu nỗi buồn của mình. Nếu bạn vui và kẻ lạm dụng đang trầm uất, bạn che dấu niềm vui của mình. Nếu bạn cảm thấy thất vọng và muốn chết, nhưng kẻ lạm dụng đang đi dạo quanh nhà hát hò và chơi nhạc, bạn hầu như sẽ dấu kín cảm xúc của mình để cùng “hòa vào niềm vui đó”. Tôi từng làm việc với nhiều trẻ em và vị thành niên thường rơi vào dạng này. Một thiếu nữ 17 tuổi, sợ quay lại môi trường bị lạm dụng cảm xúc, đã nói với tôi trong phiên cuối cùng “Tôi đang khóc vì mất mát của bạn tôi nhưng ngay khi tôi nghe tiếng Gram đang lên cầu thang và hát, tôi lau sạch nước mắt và mỉm cười. Đến bao giờ tôi mới có thể cảm nhận được những gì tôi muốn cảm thấy?”

9. Khao khát tình yêu thương dù bị tổn thương: Hầu hết nạn nhân bị lạm dụng khao khát tình yêu và tình cảm, đôi khi tình cảm đó đến từ kẻ lạm dụng mình. Như thể hầu hết những người này khao khát tình yêu và tình cảm của kẻ lạm dụng nhiều đến mức họ sẵn sàng làm mọi thứ để có được nó. Một thân chủ trước đây đã nói rằng cô ta sẽ tự sát nếu người bạn trai đã quen 4 năm nói cô làm điều đó. Hãy suy nghĩ về những kẻ đánh bom tự sát? Động lực tự sát của họ là gì. Động lực ở đây thường là sự cống hiến vì tôn giáo hoặc có thể được chấp nhận bởi những người hỗ trợ hành vi đánh bom tự sát.

 


Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

DỊCH VỤ SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO THÂN CHỦ TRONG TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG HOẶC THẢM HOẠ - KỲ 1

“Providing Mental Health Services to Clients in Crisis or Disaster Situations”
Tác giả: HOWARD B. SMITH
Nguồn: Hội Tham vấn Hoa Kỳ (ACA)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Kỳ 1

Các lý thuyết về can thiệp khủng hoảng có thể được truy nguyên nguồn gốc là từ vụ hoả hoạn tại hộp đêm Cocoanut Grove, Boston, Hoa Kỳ năm 1942. Vụ cháy đó đã lấy đi sinh mạng của gần 500 người. Eric Lindemann đã điều trị cho nhiều người sống sót từ vụ cháy và đã sớm phát hiện ra một số điểm tương đồng về những nỗi đau khổ về cảm xúc cũng như về nhu cầu của họ. Dựa trên sự phát hiện này, ông đã bắt đầu định hình cho một lý thuyết về “những mẫu hình đau khổ thông thường” (theory of normal grief patterns). Gerald Caplan cũng đã làm việc với những người sống sót từ vụ cháy Cocoanut Grove (Collins & Collins, 2005), và cùng với những kinh nghiệm này, ông cũng đã làm việc với các gia đình đương đầu với khủng hoảng tại Trung tâm Hướng dẫn Sức khoẻ Gia đình Harvard Public Health Family Guidance Center, nơi mà ông cùng với Howard Parad đã xác định nên 5 yếu tố ảnh hưởng lên khả năng của một gia đình trong việc ứng phó với các sự kiện gây khủng hoảng. Việc này sau cùng đã dẫn họ đến việc định nghĩa 5 yếu tố góp phần tạo nên một khủng hoảng. Các yếu tố đó là: 

1. Một sự kiện gây stress khơi lên một vấn đề, mà theo định nghĩa, không thể giải quyết được trong một tương lai gần;

2. Vấn đề này vượt quá sức chịu đựng của các nguồn lực tâm lý của gia đình, vì nó vượt ra ngoài khả năng áp dụng các phương thức giải quyết vấn đề theo truyền thống của họ; 

3. Tình huống được nhận định là một mối đe doạ hoặc một mối nguy đối với những mục đích sống của các thành viên trong gia đình;

4.  Thời kỳ khủng hoảng (crisis period) được đặc trưng bởi áp lực tăng dần lên đỉnh điểm, rồi sau đó giảm dần;

5. Tình huống khủng hoảng hiện tại có thể “đánh thức” những vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, cả trong quá khứ gần lẫn quá khứ xa (Parad & Caplan, 1960, pp. 11–12)

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới rất nhiễu nhương. Những cuộc tấn công khủng bố đánh vào các thành phố lớn trên thế giới đã để lại những vết thương sâu đậm trong tâm trí của nhiều người vô tội. Nhiều người đã rơi vào những thảm kịch cá nhân và mất mát triền miên. Trong khi những khủng hoảng cá nhân chỉ gây ra những hệ quả đau thương hoặc sang chấn cho riêng người đó, các thảm hoạ (disaster) lại xảy ra trên một diện rộng và cần đến những cách tiếp cận ít nhiều khác biệt từ các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần. Trong trường hợp khủng hoảng xảy ra với cá nhân, dù có gây sang chấn đến mức nào cho cá nhân đó, thì môi trường sống xung quanh, ngoại trừ sự kiện gây khủng hoảng hoặc mất mát, nói chung vẫn bình ổn cả trước, trong và sau khi xảy ra sự kiện. Thế nhưng trong trường hợp một thảm họa lớn, môi trường xung quanh có thể được mô tả là một tình trạng hỗn loạn. Có sự tác động qua lại giữa tình trạng hỗn loạn và huỷ hoại của môi trường xung quanh cùng nhiều người bị ảnh hưởng với tình trạng riêng của những cá nhân có liên quan với sự kiện. Không chỉ cuộc sống riêng của một cá nhân bị rúng động và trong tình trạng chuyển đổi đột ngột, mà mọi thứ xung quanh người đó cũng có thể bị biến đổi và mọi người xung quanh người đó cũng đều có thể bị sang chấn.

James and Gilliland (2005) đã mô tả khủng hoảng như là “sự nhận thức hoặc trải nghiệm về một sự kiện hoặc một tình huống như thể một khó khãn không thể dung nạp được, điều đó vượt quá sức những nguồn lực và những cơ chế ứng phó hiện có”. Định nghĩa này có thể áp dụng cho cả hai loại kịch bản nêu trên (cả khủng hoảng cá nhân lẫn thảm hoạ - ND). Về thực chất, để phân biệt giữa một khủng hoảng cá nhân và một thảm hoạ và để làm rõ định nghĩa này thêm một chút, có thể xem thảm hoạ như là sự kiện hoặc tình huống (như đã nêu) được khuếch đại hoặc ngang mức với một số lớn những cá nhân tham gia phản ứng với sự kiện đó.

Có một số mức độ khác nhau trong đáp ứng ứng phó (coping response). Để ngắn gọn có thể trình bày ra đây 3 mức độ như sau:

Một là, hầu hết các cá nhân khi trải qua một khủng hoảng hoặc một thảm hoạ, đều sẽ đáp ứng một cách hiệu quả và theo một kiểu thức phản ứng bình thường, lành mạnh. Điều mà họ không thể hiểu được đó chính là những phản ứng của họ, dù rất khó chịu, không thoải mái, thậm chí có thể là đáng sợ, nhưng đó là phản ứng bình thường đối với một tình huống bất thường, và tình huống bất thường đó là khủng hoảng hoặc thảm hoạ. Nhiều người thậm chí có thể có được sự mạnh mẽ nhờ trải nghiệm này và một thái độ mới biết trân quý bản thân với ý niệm về một bản ngã được rõ nét hơn. Sức mạnh này sẽ không đến ngay tức thì mà thay vào đó, nó chỉ hiện ra trong suy tưởng và có thể là với một chút giúp đỡ từ một chuyên gia về sức khoẻ tâm thần.

Hai là, có một số người (ít hơn) có thể vẫn tồn tại (survive) và đi qua sự kiện, nhưng để làm được như thế, họ phải ngăn chận (block) sự kiện ấy ra khỏi tầm nhận biết của mình. Khi điều này xảy ra, một khả năng dễ hiểu đó là nếu trong tương lai, những người này đối diện với một khủng hoảng hoặc một thảm hoạ, những việc chưa được hoàn tất mà họ chôn vùi liên quan đến sự kiện trước đó sẽ không chỉ tái hiện trở lại mà còn góp phần làm trầm trọng thêm cho những phản ứng của họ với sự kiện đến sau. Hơn nữa, sự kết hợp giữa hai sự kiện này sẽ tiếp tục gây ra vấn đề cho đến khi đương sự hiểu được chúng và xem xét chúng với một nhãn quan đúng đắn. Những người này có thể được lợi ích nếu được giúp bởi các dịch vụ sức khoẻ tâm thần.

Ba là, có những người còn không có được những khả năng ứng phó để xử lý tình trạng khủng hoảng, và cũng không thể tiếp tục đi tới nếu không nhận được sự hỗ trợ mang tính trị liệu của những chuyên gia về sức khoẻ tâm thần.

Xem tiếp Kỳ 2

 


BẠO HÀNH TRẺ EM TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

"Child Abuse During the COVID-19 Pandemic"
Tác giả: ZAWN VILLINES
Nguồn: GoodTherapy - 16/5/2020

Người dịch: TRẦN NGUYỄN NGỌC TRINH - Cử nhân Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường



Mỗi ngày có khoảng 5 trẻ tử vong tại Mỹ do nạn bạo hành và bỏ bê, và hơn hàng nghìn trẻ khác bị bạo hành.

Nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em dự đoán rằng trong đại dịch COVID-19 hiện nay, sự căng thẳng quá mức, tình trạng cô lập và thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực sẽ làm gia tăng tỷ lệ trẻ bị bạo hành trong gia đình và sẽ khiến những trẻ đã từng bị bạo hành càng có nguy cơ bị ngược đãi tệ hại hơn.

Đây là những lý do vì sao đại dịch COVID-19 là một yếu tố nguy cơ dẫn đến nạn bạo hành và những điều bạn có thể làm để giúp đỡ.

NẠN BẠO HÀNH TRẺ EM PHỔ BIẾN NHƯ THẾ NÀO?

Theo dữ liệu từ Hội Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em Ontario, Canada, có khoảng một phần ba nam giới và một phần tư nữ giới cho biết từng bị bạo hành thể chất khi còn nhỏ. Nạn xâm hại tình dục cũng có lưu hành độ cao, với 22.1 phần trăm nữ giới và 8.3 phần trăm nam giới cho biết đã từng bị xâm hại tình dục dưới một hình thức nào đó khi còn nhỏ. Bạo hành cảm xúc thậm chí còn phổ biến hơn, và lưu hành độ thực sự của nạn bạo hành trẻ em có thể còn cao hơn những báo cáo chính thức.

Tỷ lệ bạo hành trẻ em cao cho thấy rằng phần lớn các gia đình đều biết đến một trẻ từng bị bạo hành hoặc có nguy cơ bị bạo hành. Bạo hành trẻ em ảnh hưởng đến trẻ ở mọi lứa tuổi và mọi bối cảnh. Thậm chí những gia đình trông có vẻ hiền hòa với người ngoài vẫn có thể tồn tại nạn bạo hành. Thật vậy, những cha mẹ bạo hành che giấu hành vi của họ thông qua vẻ tốt đẹp bên ngoài. Một số người bạo hành thậm chí còn có mối quan hệ thân thiết với người mà trẻ có thể nhờ giúp đỡ. Điều này khiến cho người lớn xung quanh ít tin vào lời tố cáo của trẻ hơn.

NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ DẪN ĐẾN NẠN BẠO HÀNH TRẺ EM

Mặc dù bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể trở nên bạo hành, nhưng có những yếu tố nhất định kích hoạt những hành vi này. Những yếu tố đó bao gồm:

• Đối mặt với căng thẳng, như là căng thẳng của cá nhân khi mất việc, hoặc căng thẳng lây lan trong cộng đồng về đại dịch.

• Sống ở những khu vực khó khăn với tỷ lệ đói nghèo, bạo lực và thất nghiệp cao

• Bị cô lập xã hội, như là những quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19

• Vừa mới trở thành người chăm sóc hoặc là người chăm sóc tạm thời, như là cha mẹ kế hoặc bảo mẫu

• Hiểu biết kém về nhu cầu của trẻ

• Hiểu biết kém về những hành vi phù hợp với giai đoạn phát triển

• Có những thái độ bạo biện như tin rằng cần phải nghiêm khắc thì mới giáo dục được trẻ hoặc đổ lỗi rằng trẻ khiến họ cảm thấy khó chịu.

• Căng thẳng liên quan đến việc nuôi dạy con cái

• Tương tác tiêu cực giữa cha mẹ và con cái

Một số trẻ có nguy cơ bị bạo hành cao hơn. Những yếu tố nguy cơ cụ thể ở trẻ bao gồm:

• Có những nhu cầu đặc biệt

• Có vấn đề về hành vi hoặc sức khỏe tâm thần

• Dưới 4 tuổi

Cần nhớ rằng trẻ em với những yếu tố nguy cơ này không phải là nguyên nhân dẫn đến bạo hành. Thay vào đó, những yếu tố nguy cơ này có thể làm trầm trọng hơn sự căng thẳng của cha mẹ, gia tăng nguy cơ khiến cha mẹ trở nên bạo lực.

COVID-19 GÂY NÊN MỘT LÀN SÓNG BẠO HÀNH TRẺ EM NHƯ THẾ NÀO?

Những thay đổi toàn xã hội do dịch COVID-19 khiến hầu hết các gia đình đối mặt với những yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em như cô lập xã hội và căng thẳng. Nhiều cha mẹ hiện nay đang vật lộn để cân bằng giữa công việc và việc giáo dục con, và có thể cảm thấy rất áp lực khi phải hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ. Những căng thẳng liên quan đến việc nuôi dạy con cái có thể làm suy thoái các cơ chế ứng phó và giảm thiểu chất lượng và sự ấm áp trong tương tác giữa cha mẹ và con cái. Hơn nữa, vì phần lớn cha mẹ không còn dựa vào dịch vụ chăm sóc trẻ hay thậm chí là sự giúp đỡ của người thân. Điều này có nghĩa là họ không có thời gian nghỉ ngơi, và điều này càng làm gia tăng sự căng thẳng.

Trẻ em cũng căng thẳng. Điều này có thể gây nên các khó khăn về hành vi và sức khỏe tinh thần, khiến trẻ thoái lùi, và dẫn đến những hành vi quấy phá. Cha mẹ có thể mất kiểm soát khi họ không biết cách để xử lý hành vi của trẻ.

Một nghiên cứu vào năm 2019 sau Cơn bão Harvey cho thấy tỷ lệ bạo hành cặp đôi và trẻ em gia tăng. Nhiều yếu tố gây căng thẳng đã tạo nên làn sóng bạo lực theo sau cơn bão hiện đang ảnh hưởng đến các gia đình trên toàn cầu.

Những yếu tố khác có thể làm gia tăng nạn bạo hành trong dịch COVID-19 bao gồm:

• Mất kiểm soát. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng bạo hành trẻ em là một dạng thức giành lại cảm giác kiểm soát. Khi con người đang rơi vào vòng xoáy của cuộc sống, họ có thể sẽ đả kích các con của mình.

• Thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Những dịch vụ này bao gồm chỗ ở, những chương trình hỗ trợ gia đình, và chăm sóc sức khỏe tinh thần

• Mất quyền tự chủ kinh tế, đói nghèo và thất nghiệp

• Riêng tư và bí mật: Khi trẻ ở nhà toàn thời gian với cha mẹ bạo hành, thì không có một bên thứ ba chứng kiến những hành vi bạo hành. Trẻ không có không gian riêng và không thể tiếp cận những người có trách nhiệm để nhờ giúp đỡ.

NHỮNG VÍ DỤ VỀ BẠO HÀNH TRẺ EM

Một vài ví dụ về bạo hành trẻ em bao gồm:

Bạo hành thể chất (physical abuse): bao gồm những hành vi làm bị thương hoặc thậm chí là giết chết trẻ, như là đánh đập dữ dội, đánh đập bằng một vật nào đó, làm bỏng hoặc đá vào trẻ, hoặc cố tình làm trẻ đau như cấu véo hoặc bắt trẻ ăn đồ cay.

Bạo hành cảm xúc (emotional abuse): Đa phần cha mẹ đều có những lúc mất bình tĩnh. Sự mất bình tĩnh này đạt đến mức độ bạo hành cảm xúc khi cha mẹ liên tục gọi con mình bằng những biệt danh miệt thị, hạ thấp trẻ, trừng phạt mỗi khi trẻ bộc lộ cảm xúc, dựa vào trẻ để chắp vá lòng tự trọng của họ hoặc cho rằng trẻ phải có trách nhiệm hỗ trợ họ, liên tục đỗ lỗi hoặc làm trẻ xấu hổ, hoặc cố tình hủy hoại lòng tự trọng của trẻ.

Xâm hại tình dục (sexual abuse): xâm hại tình dục xảy ra khi cha mẹ xem trẻ như một công cụ để thỏa mãn nhu cầu tình dục. Ví dụ như người lớn sẽ vuốt ve trẻ và buộc trẻ làm điều tương tự với họ. Xâm hại tình dục không nhất thiết phải thông qua những tương tác thể chất. Cho trẻ xem các sản phẩm khiêu dâm và đồi trụy cũng là một hình thức xâm hại.

Bỏ bê (neglect): bỏ bê xảy ra khi cha mẹ liên tục làm ngơ trước những nhu cầu cơ bản của trẻ - không kể đến đôi lúc họ quên mất một nhiệm vụ hằng ngày, như là cho trẻ ăn xế. Ví dụ, cha mẹ từ chối cho trẻ ăn như một hình phạt hoặc từ chối đưa trẻ đi thăm khám sức khỏe khi trẻ bệnh hoặc sau khi trẻ bị thương nghiêm trọng đều được xem là bỏ bê. Trong một vài trường hợp, khiến trẻ rơi vào những tình huống nguy hiểm, như là để súng đã lên đạn trong tầm tay trẻ cũng được xem là bỏ bê

Mỗi một bang đều có những luật lệ riêng về bạo hành trẻ em. Điều quan trọng cần lưu ý là nhiều hành vi bạo hành đã từng được xem là hợp pháp. Một số hành vi đến nay vẫn hợp pháp. Vấn đề không nằm ở tình trạng pháp lý của hành vi mà là nguy cơ gây ra những tổn thương về cảm xúc và thể chất.

GIÚP ĐỠ NHỮNG TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH

Những trẻ em bị bạo hành nên biết, điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạo hành không phải lỗi của trẻ. Không có một hành vi xấu nào xứng đáng bị bạo hành. Hàng triệu trẻ em trên toàn cầu phạm sai lầm hoặc cố ý chống đối cha mẹ và không bị ngược đãi. Trách nhiệm chấm dứt hành vi bạo hành cũng không thuộc về trẻ.

Một vài cách có thể hữu ích cho trẻ bao gồm:

• Liên hệ những “đường dây nóng” (hotline) sẵn có ở địa phương hoặc quốc gia của bạn để kêu gọi sự giúp đỡ.

• Nếu bạn có thể liên lạc với một người lớn mà bạn tin tưởng, hãy cố liên hệ với họ khi cha mẹ bạn không có ở bên hoặc khi bạn có không gian riêng tư.

• Nếu cha mẹ của bạn đang xâm hại tình dục hoặc bạo hành thể chất bạn, hãy gọi điện thoại ở đường dây khẩn cấp (Vd. Ở một số nước là 911)

• Nếu bạn không thể kêu gọi sự giúp đỡ ngay bây giờ, hãy nhớ rằng sẽ có nhiều nguồn lực hơn khi đại dịch chấm dứt. Có thể việc ghi chép lại hành vi bạo hành để chia sẻ cùng giáo viên hoặc những người lớn khác sẽ có ích với bạn.

HỖ TRỢ MỘT ĐỨA TRẺ MÀ BẠN NGHĨ RẰNG TRẺ CÓ THỂ ĐANG BỊ BẠO HÀNH

Bạo hành diễn ra trong bí mật. Những cha mẹ bạo hành có thể rất nỗ lực để che đậy những hành vi bạo hành, hoặc cố tình ngăn cản những trẻ bị bạo hành tiếp cận với những người đang cố gắng giúp đỡ trẻ. Do đó, đương đầu với những cha mẹ bạo hành có thể không phải là một chiến lược khôn ngoan nếu bạn không có một kế hoạch cụ thể giúp trẻ giữ khoảng cách an toàn với cha mẹ. Thay vào đó, hãy tập trung vào ba mục tiêu sau:

• Đảm bảo an toàn cho trẻ: Nếu những hành vi bạo hành đủ nghiêm trọng, cảnh sát và những tổ chức bảo trợ trẻ em sẽ can thiệp. Nếu trẻ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng, hãy gọi cảnh sát hoặc văn phòng bảo trợ trẻ em trong khu vực của bạn.

• Hỗ trợ cha mẹ tiếp cận các nguồn lực phù hợp: Bạo hành trẻ em không bao giờ được chấp nhận. Tuy nhiên, những cha mẹ bạo hành thường bị kiệt sức và choáng ngợp. Hỗ trợ họ tiếp cận những nguồn lực họ cần có thể giảm thiểu tình trạng bạo hành. Xem xét việc đề nghị dạy kèm trực tuyến cho trẻ trong đại dịch, hoặc hỏi thăm xem bạn có thể giúp đỡ gì cho gia đình. Đôi khi việc khen ngợi trẻ trước mặt cha mẹ đang giận dữ cũng có ích vì có thể làm dịu cơn giận của cha mẹ.

• Giới thiệu cho trẻ một người an toàn để trẻ trò chuyện: Sau một khoảng thời gian, bạo hành dường như trở thành thông lệ. Để giúp trẻ phục hồi, hãy giúp những trẻ em bị bạo hành hiểu rằng cách mà trẻ bị đối xử là bất thường và trẻ không đáng bị như thế. Đề nghị trò chuyện với trẻ mỗi ngày và trấn an trẻ rằng trẻ xứng đáng được yêu thương. Chia sẻ những thói quen yêu thích, như là đọc sách, làm vườn, hoặc trò chuyện với động vật, có thể giúp trẻ có một thú tiêu khiển có ý nghĩa

Tâm lý trị liệu có thể giúp tất cả các bên trong nạn bạo hành trẻ em – bao gồm những nhân chứng, cha mẹ và chính đứa trẻ. Trong trị liệu, cha mẹ có thể học được những cách ứng phó tốt hơn, còn trẻ thì có thể tái định hình lại lòng tự trọng. Những nhân chứng có thể tiếp cận những nguồn lực mới tiếp thêm sức mạnh để họ hỗ trợ gia đình.


Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

CHĂM SÓC CHO NGƯỜI TRẦM CẢM TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

"Caring for someone with depression during the COVID-19 pandemic"
Duyệt bởi:  Janet Brito, Ph.D., LCSW, CST
Người viết: Danielle Dresden 
freelance writer, arts educator
Nguồn: Medical News Today - May 12, 2020

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non




Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần làm thay đổi cuộc sống của những người đang trải qua nó và cả những người chăm sóc họ. Đại dịch Covid-19 và hệ quả phong tỏa có thể làm gia tăng những căng thẳng với những người trầm cảm và điều thiết yếu là phải duy trì sự chăm sóc thích hợp.

Bạn bè và gia đình của người trầm cảm thường không biết phải làm gì cho người thân của họ. Tuy nhiên, việc đưa ra những hỗ trợ trong suốt thời gian đại dịch thậm chí còn gặp nhiều thách thức hơn nhưng đồng thời cũng cần thiết và phức tạp hơn.

Bài này giúp bạn hiểu nhiều hơn về cách thức giúp đỡ cho những ai có thể đang trải qua các triệu chứng của trầm cảm trong thời kỳ gian nan này.

ĐẠI DỊCH ẢNH HƯỞNG ĐẾN NHỮNG NGƯỜI TRẦM CẢM NHƯ THẾ NÀO?

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm có những ảnh hưởng to lớn lên sức khỏe tâm thần:

  • Những nghiên cứu khoa học đã tiến hành trong thời gian bùng phát Hội chứng Hô hấp Trung Đông (Middle Eastern Respiratory Syndrome - MERS) ở Hàn Quốc cho thấy sự cách ly y tế làm gia tăng stress.
  • 27% nhân viên chăm sóc sức khỏe tham gia trong đợt bùng phát Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nghiêm trọng (Severe Acute Respiratory Syndrome – SARS) ở Singapore đã phát triển những triệu chứng tâm thần.
  • Những báo cáo từ Vũ Hán – Trung Quốc cho thấy gia tăng 7% những trường hợp trầm cảm kể từ khi bùng phát Covid 19.
  • Một nghiên cứu khác cũng ở Vũ Hán cho thấy có 17% số người được hỏi có các triệu chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng.

Cũng tương tự như việc coronavirus có thể làm nghiêm trọng hơn cho những người có bệnh lý nền, ảnh hưởng tâm lý của đại dịch có thể làm tình trạng tồi tệ hơn cho những ai đã có sẵn bệnh trầm cảm.

MỌI NGƯỜI CÓ THỂ GIÚP NGƯỜI TRẦM CẢM TRONG SUỐT GIAI ĐOẠN THÁCH THỨC NÀY:

  • Khuyến khích họ thực hiện những biện pháp bảo vệ đã được khuyến cáo, bao gồm rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, bởi vì những khó khăn về sức khỏe tinh thần có thể dẫn đến việc thiếu thận trọng trong chăm sóc sức khỏe. 
  • Cung cấp cho người trầm cảm những hỗ trợ về việc tiếp nhận các xét nghiệm và điều trị khi cần thiết.
  • Thường xuyên liên hệ với người trầm cảm để giúp họ xử lý khó khan do cách ly xã hội.
  • Bảo đảm rằng người trầm cảm có thể nhận được những tin tức và thông tin quan trọng từ các nguồn tin cậy thay vì chỉ từ mạng xã hội - nơi có thể làm gia tăng sự lo âu.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHĂM SÓC NGƯỜI TRẦM CẢM

Sự kỳ thị đối với bệnh lý tâm thần có thể khiến một số người trầm cảm khó thừa nhận việc họ đang gặp phải tình trạng này, chứ đừng nói đến việc nói về nó.

Nói chuyện và cởi mở

Bạn bè và gia đình của những người trầm cảm cần sẵn sàng thảo luận về những chủ đề khó khăn và đau khổ. Người thân nên nói rõ về việc những khó khăn về sức khỏe tâm thần của một cá nhân không làm giảm đi tình yêu, sự quan tâm và sự tôn trọng của họ.

Việc đề cập đến chủ đề sức khỏe tinh thần và nhu cầu cần được hỗ trợ có thể gây khó khăn đối với mọi người. Những bước sau đây có thể hữu dụng:

  • Chú ý rằng trầm cảm có thể gia tăng dần và một số người trầm cảm có thể không nhận ra điều này đang ảnh hưởng sâu sắc đến họ như thế nào.
  • Lựa chọn không gian và thời gian để trò chuyện sao cho mọi người cảm thấy thoải mái, bình tĩnh và không bị hối thúc.
  • Giải thích về những tình huống khác biệt đang gây nên sự bận tâm.
  • Nhớ rằng người trầm cảm không thể “thoát khỏi nó” (snap out of it) và hãy kiên nhẫn.

Sẵn sàng hành động (take action)

Hãy sẵn sàng giúp đỡ người trầm cảm hành động. Những bước sau đây có thể giúp bạn, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch:

  • Nhắc nhở mọi người rằng người trầm cảm có quyền đề nghị sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình và những chuyên gia.
  • Giúp đỡ thực phẩm theo nhu cầu của người trầm cảm. Chế độ ăn uống lành mạnh là điều cần thiết, nhưng có thể khó khăn trong suốt đại dịch.
  • Người trầm cảm cần những hoạt động thể chất, nhưng do chủ trương phải ở trong nhà nên việc này gặp nhiều hạn chế. Có thể tập thể dục trực tuyến cùng nhau hoặc ít nhất có thể kêu gọi những hoạt động khác.
  • Chuẩn bị danh sách các chuyên gia có thể giúp đỡ, bao gồm cả cách liên lạc với họ ngay cả trong giai đoạn phong tỏa (lockdown). Nhiều cơ quan y tế và những bác sĩ hành nghề độc lập đang cung cấp các phiên làm việc online cùng các thể thức khám từ xa trong suốt giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, đôi khi sẽ dễ dàng hơn đối với một số người khi được nói chuyện với bác sĩ riêng của họ trước khi được làm việc với một chuyên gia – đây có thể là một cách hay để bắt đầu.
  • Nhiều nhóm hỗ trợ online cũng hữu ích. Tìm hiểu xem những nhóm hỗ trợ nào có thể tiếp nhận bệnh nhân mới.
  • Giúp người trầm cảm có thể nhận được những loại thuốc mà họ cần. Trong suốt đại dịch Covid-19, điều này có nghĩa là cần phải chuẩn bị cho việc giao thuốc đến với người bệnh.

Lắng nghe và cho lời khuyên

Theo định nghĩa, người trầm cảm thường không suy nghĩ một cách rõ ràng và họ cũng có thể cảm thấy cần phòng vệ. Trong lúc cố gắng chăm sóc người trầm cảm, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19, một người (người thân hoặc người hỗ trợ - ND) nên chuẩn bị đối diện với rất nhiều sự phản kháng. Nếu những người trầm cảm nói rằng:

Họ chỉ đang rối trí vì đại dịch: Lưu ý rằng mọi người ai cũng đều đang rối trí vì đại dịch, nhưng hãy giải thích rằng bạn lo lắng về họ và về những thay đổi mà bạn nhận thấy.

Những người yếu sức cần được giúp đỡ hơn: Bất kỳ ai đang gặp thử thách cả về thể chất lẫn tinh thần đều đáng được giúp đỡ và bằng cách nhận được sự hỗ trợ lúc này sẽ hạn chế những ảnh hưởng lên cả hệ thống sau này.

Chẳng điều gì có thể trở nên khác đi được: Hãy cho họ biết rằng trầm cảm có thể được chữa trị. Nhiều loại thuốc và những cách hỗ trợ khác hiện có sẵn và chúng có thể giúp họ cảm thấy được giảm nhẹ.

Do tình trạng phong tỏa, để có một phiên trị liệu như thông thường thật khó khăn. Nhiều nhà thực hành lâm sàng cung cấp những phương pháp làm việc gián tiếp, chẳng hạn như trò chuyện video trên mạng.

TÌM KIẾM SỰ GIÚP ĐỠ

Ngay cả trong đại dịch Covid-19, người ta vẫn có thể tìm được sự trợ giúp cho người trầm cảm. Một số dấu hiệu giúp chỉ báo cho nhu cầu cần được hỗ trợ, đặc biệt khi chúng kéo dài hơn 1 hoặc 2 tuần. Một người cần tìm sự hỗ trợ khi: 

  • Có ý tưởng tự sát hoặc có kế hoạch tự sát
  • Không còn bị thu hút bởi những hoạt động hoặc những người mình đã từng yêu thích
  • Mất khả năng tập trung hoặc chú tâm vào suy nghĩ của họ
  • Ngày càng dễ bị kích động
  • Thiếu sức sống cực độ
  • Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
  • Thay đổi khẩu vị
  • Không màng chăm sóc vệ sinh thân thể và ngoại hình.

Tóm tắt

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng to lớn đối với con người theo rất nhiều cách khác nhau và nó có thể ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần và sự an lạc của chúng ta.

Nhiều bằng chứng từ những đợt bùng phát dịch tương tự trong quá khứ cho thấy rằng sự căng thẳng bởi những sự kiện như thế có thể dẫn đến những trường hợp trầm cảm mới cũng như các tình trạng khó khăn về sức khỏe tâm thần khác. Điều này cũng có thể khiến những triệu chứng trở nên tồi tệ hơn ở những người đã sẵn có các khó khan về sức khỏe tinh thần và cũng có thể khiến việc nhận được sự điều trị trở nên khó khăn hơn.

Những người chăm sóc không chính thức, bạn bè, gia đình đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì sức khỏe của người trầm cảm, bằng cách hiện diện đều đặn trong cuộc sống của họ, đồng thời giúp theo dõi tình trạng sức khỏe tâm thần và thể chất cho họ.


Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

SỬ DỤNG GENOGRAM TRONG THỰC HÀNH TÂM LÝ TRỊ LIỆU VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI - Phần 2

Biên soạn và tổng hợp: 
NGUYỄN ĐỨC TÀI -  Cử nhân Công tác xã hội, Cử nhân Tâm lý, Chuyên viên Dự án "Hành trình Du khảo Giáo dục Giới tính cho Cha Mẹ"

Trích từ bài viết gốc "SỬ DỤNG SƠ ĐỒ PHẢ HỆ TRONG THỰC HÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI CÁ NHÂN VÀ GIA ĐÌNH" - Viết cho nhân viên xã hội.


Monica McGoldrick


Xem lại Phần 1

Phần 2


Sử dụng sơ đồ phả hệ để vấn đàm trong thực hành công tác xã hội cá nhân và gia đình

Như đã đề cập trong phần tổng quan, việc sử dụng genogram không chỉ là liệt kê những thành viên trong gia đình "theo cách hành chính" mà còn là vẽ nên một “bản đồ” giúp chuyên viên trị liệu hoặc nhân viên xã hội có thể tiếp cận với gia đình thân chủ, cho dẫu sự hiện diện trong buổi làm việc giữa chuyên viên và thân chủ chỉ là một người trong hệ thống. 

Vấn đàm trong công tác xã hội là một trong những bước quan trọng để thiết lập một mối quan hệ hỗ trợ. Trên nền tảng của những cuộc vấn đàm, nhân viên xã hội có thể xác định những vấn đề làm cho cá nhân hoặc gia đình mất đi chức năng hoặc những khó khăn trong đời sống của một cá nhân hay của cả gia đình. Trong khi vấn đàm, chắc chắn nhân viên xã hội phải sử dụng một loạt các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng lắng nghe, tóm tắt, phản hồi, quan sát, xác định vấn đề… (Tôn Nữ Ái Phương, 2013). Tuy nhiên, nếu sử dụng không thuần thục các kỹ năng này, nhân viên xã hội có thể biến một cuộc vấn đàm trong khung cảnh làm việc có tính tương tác hỗ trợ cho thân chủ thành một cuộc "điều tra hỏi cung". 

Việc sử dụng genogram trong quá trình vấn đàm có thể khắc phục những điểm trên. Khi sử dụng công cụ này, nhân viên xã hội có thể lắng nghe câu chuyện của gia đình một cách xuyên suốt mà không cần đặt những câu hỏi có tính “điều tra”. Những thông tin mà genogram có thể rút trích từ những cuộc vấn đàm có thể chỉ diễn ra trong một vài phút ngắn ngủi, nhưng cũng có khi phải thông qua những cuộc làm việc dài hạn mất hàng nhiều giờ, nhiều tháng hoặc nhiều năm tùy theo mục đích làm việc và thỏa thuận của nhân viên xã hội và gia đình (McGoldrick, Gerson và Petry, 2008). Tuy nhiên, cho dẫu là ngắn ngủi hay dài hạn, việc sử dụng genogram giúp nhân viên xã hội không bỏ quên thông tin cần thiết và đồng thời hệ thống hóa thông tin. Trong lúc làm việc như vậy, gia đình thân chủ cũng học được cách thức tự xác định chính nguồn lực và những khó khăn mà mình có thể có hoặc tạo nên một cơ hội để nghiệm lại lịch sử cuộc đời của chính mình lồng trong một lịch sử của gia đình và tộc họ của mình.

Tính linh động của genogram khi kết hợp với các hệ thống lý thuyết khác

Genogram không chỉ giúp cho nhân viên xã hội (cũng như cho nhà trị liệu gia đình) trong công tác vấn đàm. Trong thực hành công tác xã hội, nhân viên xã hội sẽ có thể có nhiều cách thức để tiếp cận với gia đình trong bối cảnh làm việc. Tùy theo hệ thống lý thuyết được đào tạo và được áp dụng bởi nhân viên xã hội, việc tiếp cận cũng như đánh giá vấn đề của gia đình thân chủ có thể khác nhau thậm chí trái ngược nhau. 

Thông thường, khi sử dụng genogram trong thực hành công tác xã hội, công tác xã hội lâm sàng hay thực hành trị liệu gia đình, chuyên viên thường gắn kết việc sử dụng genogram với những lý thuyết của các tác giả như Murray Bowen (hoặc cũng có thể là Boszormenyi-Nagy hoặc Virginia Satir). Tuy nhiên, việc sử dụng genogram còn có thể kết hợp với những lý thuyết khác để tạo nên những giả thuyết trong việc xác định vấn đề của khách như là lối tiếp cận theo dòng lịch sử hoặc lối tiếp cận hệ thống sinh thái. Lối tiếp cận lịch sử trong việc kết hợp với sơ đồ phả hệ giúp cho nhân viên xã hội có thể phục dựng lại biên niên sử của một cá nhân hoặc biên niên của một gia đình (Chronology/Time line) trong lúc vấn đàm. Hoặc sự tương hợp của sơ đồ phả hệ với lý thuyết hệ thống sinh thái (Ecology-System) trong bảng tóm tắt mô hình làm việc dưới nhãn quan hệ thống của hai tác giả Okun & Kantrowitz (2007). 

Như vậy có thể thấy genogram là một trong những công cụ có tính thích ứng cao khi kết hợp với những hệ thống thuyết khác nhau để tạo nên một khung làm việc có tính phức hợp trong thực hành công tác xã hội. Điều này giúp cho nhãn quan lý thuyết của nhân viên xã hội có thể thực hiện việc “rà soát” các dữ liệu và thông tin một cách đầy đủ nhất và bao quát nhất. Thêm vào đó việc phối hợp genogram và những lý thuyết khác nhau cũng giúp cho nhân viên xã hội có thể thiết lập những giả thuyết độc đáo liên quan đến gia đình và các thành viên bên trong gia đình đó. Kết hợp giữa sử dụng genogram với lý thuyết tiếp cận bối cảnh, xem xét tương quan “cho” và “nhận”, của tác giả Boszormenyi-Nagy có thể gợi nên việc phát hiện những nguồn lực của gia đình và tạo nên cơ hội để gia đình vượt qua những khủng hoảng chuyển tiếp trong chu trình đời sống gia đình bằng những di sản, sự thông tuệ được chuyển giao từ chính những thế hệ trong gia đình.




 






KHỦNG HOẢNG SỨC KHOẺ TÂM THẦN GIA ĐÌNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong gia đình:
Cha mẹ trầm cảm, lo âu trong suốt đại dịch Covid 19 cũng sẽ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

"Family mental health crisis: Parental depression, anxiety during COVID-19 will affect kids too"
Các tác giả: 
LESLIE E. ROOS - Assistant Professor, Khoa Tâm lý Đại học Manitoba, Canada
LIANNE TOMFOHR-MADSEN - Associate Professor, Khoa Tâm lý, Đại học Calgary, Canada
Nguồn: THE CONVERSATION - 
August 16, 2020

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂNThạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV, Đại học Văn HIến Tp.HCM. Chuyên viên Tâm lý Trị liệu. Thành viên CLB Trăng Non.



Với hầu hết các bậc cha mẹ, nói "đại dịch Covid 19 thật căng thẳng" cũng vẫn chỉ là một cách nói giảm nhẹ. Sự kết hợp giữa áp lực kinh tế, mất khả năng chăm sóc trẻ nhỏ và những lo lắng về sức khỏe là thách thức cực kỳ lớn đối với gia đình. Những vấn đề sức khỏe tâm thần dự kiến sẽ gia tăng đáng kể như là một ảnh hưởng thứ phát của Covid 19 và nhiều biện pháp đã được áp dụng để ngăn chặn nó.

Những hậu quả lâu dài mang tính tiềm năng trên trẻ nhỏ có cha mẹ bị stress, lo âu, trầm cảm chỉ đang mới bắt đầu được hiểu. Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đây đã cho chúng ta biết rằng trẻ nhỏ tiếp xúc với các vấn đề này có nhiều khả năng sẽ trải nghiệm những khó khăn về sức khỏe tinh thần ở chính mình, thêm vào đó là gia tăng nguy cơ phát triển những vấn đề về hành vi và học tập, đồng thời suy giảm khả năng cải thiện về thu nhập của trẻ trong suốt cuộc đời.

Chúng ta cần phát triển một cách tiếp cận có thể giúp cha mẹ từ lúc này và bảo vệ trẻ nhỏ trong tương lai.

Sự gia tăng lo âu và trầm cảm ở cha mẹ

Trong những nghiên cứu hiện nay của chúng ta, phụ nữ mang thai và phụ nữ có con nhỏ tự báo cáo về những triệu chứng lo âu và trầm cảm gia tăng đến mức 3-5 lần. Một lịch sử của các vấn đề sức khỏe tâm thần, những xung đột trong gia đình hiện hành và áp lực về tài chính có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần đang xấu đi ở nhiều độ tuổi của trẻ.  Những mô tả này đang đặc biệt được quan tâm bởi vì trẻ nhỏ rất nhạy cảm với vấn đề sức khỏe tinh thần của người mẹ bởi vì trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc để được đáp ứng những nhu cầu an toàn và được chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Khả năng cao gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần ở cha mẹ cùng với việc dành nhiều thời gian cho con ở nhà trong suốt đại dịch Covid 19 làm xuất hiện rất nhiều nguy cơ, bao gồm những thay đổi trong chức năng của hệ thống ứng phó với stress của trẻ (stress – system function), một tỷ lệ ngày càng cao của các vấn đề sức khỏe thể chất và sự suy giảm chức năng nhận thức. 

Stress trong quá trình làm cha mẹ cùng với các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến những tương tác tiêu cực, bao gồm kỷ luật thép và giảm sự đáp ứng với những nhu cầu của con trẻ. Đối với cha mẹ, trầm cảm góp phần vào các vấn đề sức khỏe và chất lượng cuộc sống thấp. Tự sát là một nguyên nhân dẫn đến cái chết của phụ nữ trong độ tuổi sinh con, điều mà chúng tôi cũng dự đoán sẽ gia tăng ở độ tuổi này, nếu sự gia tăng tỷ lệ các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn tiếp tục không được để tâm đến.

Nhu cầu cần khẩn cấp cải tiến hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và những người đứng đầu chịu trách nhiệm về phúc lợi của trẻ em nhấn mạnh tính chất bắt buộc của việc phải dành ưu tiên cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cha mẹ để các bậc cha mẹ có thể duy trì năng lực của họ trong việc đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe và phát triển của con em mình.

Việc giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần của cha mẹ không chỉ giảm nhẹ những tổn thương ảnh hưởng lên sức khỏe của trẻ nhỏ mà còn xây dựng khả năng của trẻ trong việc kiểm soát những yếu tố gây stress khác như chuyển trường và những sự kiện không mong đợi khác.

Hiện đã có những phương thức trị liệu hiệu quả cho các vấn đề tâm thần của cha mẹ, tuy nhiên, có những rào cản lớn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc đạt chuẩn, và thậm chí những rào cản này càng trở nên nhiều hơn trong suốt giai đoạn Covid 19. Những rào cản tồn tại như chi phí trị liệu tâm lý cao và nhu cầu chăm sóc trẻ nhỏ trở nên khó khăn do giãn cách thể lý, kèm theo đó là việc đóng cửa các dịch vụ hiện có và đóng cửa các nhà trẻ, trường học.

Việc chuyển đổi lựa chọn sang hình thức hỗ trợ trực tuyến dựa trên chứng cứ hiện cũng đang triển khai chậm chạp và đòi hỏi sự đầu tư thực chất để phù hợp với việc cung ứng trên diện rộng và cần có thêm nhiều sự điều chỉnh trong chương trình để có thể đáp ứng với những nhu cầu hiện tại. Một vấn đề khác là hầu hết những mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa đang tồn tại không đồng thời hỗ trợ các vấn đề sức khỏe tinh thần và những nguy cơ trong quá trình làm cha mẹ mặc dù có nhiều bằng chứng ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết cả hai.

Đáng chú ý, những vấn đề sức khỏe tâm thần của cha mẹ được trải nghiệm không đồng đều trong những cộng đồng có tình trạng phân biệt chủng tộc và áp bức có hệ thống. Thất bại trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần và việc nuôi dạy con cái ở cả mức độ cộng đồng lẫn những đáp ứng với nhu cầu được xác định bởi cộng đồng sẽ chỉ kéo dài sự bất bình đẳng về sức khỏe giữa các thế hệ, chẳng hạn như những bất bình đẳng xảy ra cho người bản địa và người gốc Phi ở Canada. (Các tác giả đang liên hệ với tình hình ở đất nước Canada của họ - Chú thích của người dịch).

Những bước nhỏ có thể hữu dụng

Mặc dù rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm sức khỏe tâm thần ở các bậc cha mẹ nằm ngoài tầm kiểm soát, chúng ta vẫn có thể cố gắng thử thực hiện một vài bước nhỏ ngay bây giờ:

Khẳng định lại rằng cảm xúc của bạn là có ý nghĩa Đây là một khoảng thời gian khó khăn, căng thẳng, buồn khổ và lo âu chưa từng có. Bạn không hề đơn độc khi có cảm xúc này và khi đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Rất nhiều bậc cha mẹ khác cũng cảm thấy đau khổ tương tự và đang cố gắng giải quyết việc chăm sóc cho bản thân và gia đình.

Nói về những cảm xúc của bạn Sẽ hữu ích khi chia sẻ cảm xúc của bạn với bạn đời, bạn bè, những thành viên trong gia đình và những người cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Việc cùng với người khác động não và cùng giải quyết vấn đề có thể làm giúp giảm bớt căng thẳng và cải thiện tâm trạng cho bạn. Đơn giản chỉ bằng cách chia sẻ thôi cũng có thể giúp bình thường hóa một thực tế rằng bạn đang cố gắng rất nhiều và vẫn còn một thời gian khó khăn thêm nữa để có thể cảm thấy tốt hơn.

Thực hành tự trắc ẩn (Self-Compassion) Chúng ta thường đối xử tử tế với những người khác nhưng lại khắc khe và tuỳ tiện với đau khổ của chính bản thân mình. Điều rất quan trọng là hãy ưu tiên cho sự an lạc của bản thân và tự chăm sóc. Nếu bạn đang trải nghiệm stress, lo âu và trầm cảm, hãy nói với chính mình và đối xử với chính mình giống như với một người bạn. Nhiều người chưa từng tự đối xử với mình một cách trắc ẩn, nhưng rất nhiều nguồn lực vẫn sẵn có để có thể giúp bạn nuôi dưỡng sự tự trắc ẩn (yêu thương bản thân) này.

Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia Nếu bạn thường xuyên có ý nghĩ về việc tự gây hại cho bản thân, cảm thấy vô vọng hoặc gia tăng lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện khác đến mức khó kiểm soát, bạn đừng đợi thêm nữa, hãy tìm sự hỗ trợ. Nếu tâm trạng tồi tệ hoặc lo âu của bạn ảnh hưởng lên việc thực hiện các chức năng sống trong gia đình, trong công việc, trong quan hệ bạn bè trong khoảng 2 tuần hoặc hơn, sẽ rất cần tìm kiếm sự trợ giúp bổ sung để vượt qua các thử thách và đến được nơi bạn muốn.

Hành động khẩn cấp cần thực hiện đối với những yếu tố nguy cơ chính

Cân thực hiện ngay việc xử lý những yếu tố nguy cơ trên các tầng mức gia đình, cộng đồng và cả mức độ hoạch định chính sách.

Đây là lúc để phát triển một chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho gia đình và giai đoạn chu sinh (national perinatal and family mental health strategy). Những đầu tư vào việc can thiệp sớm (early intervention) được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cả về mặt sức khoẻ lẫn về kinh tế bằng cách ngăn ngừa những hậu quả lâu dài do việc những vấn đề về sức khỏe tâm thần của cha mẹ đang trở nên can dự vào quá trình phát triển hành vi và thể chất của trẻ nhỏ.

Đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho gia đình và hỗ trợ cho quá trình làm cha mẹ ngay lúc này và trên nhiều bình diện, trước khi vấn đề trở nên khó khăn hơn, sẽ mang lại những lợi ích to lớn. Đó chính là điều mà các chính phủ phải ưu tiên như một phần của quá trình ứng phó với đại dịch Covid 19. 


Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

HÌNH ẢNH SAU KHI SANH – ĐI TÌM NGƯỜI MẸ ”VỪA ĐỦ TỐT"

Nguyên tác: KATHRYN SNYDER, MA, ATR-BC, LPC
Postpartum Imagery: Finding the “Good Enough”
Nguồn: American Art Therapy Association

Người dịch: BS. NGUYỄN MINH TIẾN


Kathryn Snyder là người sáng lập và điều hành các chương trình "Parent to Child Therapy Associates" và "Spark School-Based Art Therapy" ở thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ. Bà là nhà tham vấn và trị liệu nghệ thuật với hơn 20 năm kinh nghiệm lâm sàng trong việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, vị thành niên và các gia đình. Bài viết này ghi lại việc áp dụng trị liệu nghệ thuật trong việc hỗ trợ những bà mẹ có khó khăn tâm lý sau khi sinh con.


Trong chu trình đời sống gia đình, giai đoạn sau khi sinh nở là một giai đoạn chứa đầy những nỗi lo âu lẫn những cảm xúc hai chiều buồn vui lẫn lộn. Trong khi cơ thể của người mẹ ngập tràn loại hormone có tên là oxytocin giúp cô ấy nối kết tình yêu thương với đứa con bé bỏng của mình, thì cũng cùng lúc cơ thể ấy cũng chứa đầy những hormone có tác dụng gây nên sự sợ hãi và lo lắng, bao gồm những nỗi mơ hồ về tình trạng mất ngủ và căng thẳng khi phải học tập cách chăm sóc cho sinh linh bé nhỏ, mỏng manh kia. Những cảm nhận ấy thường không được lưu tâm chú ý đến và cũng thường bị bỏ qua, có thể khiến cho những người mẹ trẻ cảm thấy mình cô độc và không được giúp đỡ.

Trong hàng chục năm, tác giả bài viết đã làm việc với những bà mẹ có tình trạng sau sinh như thế, hỗ trợ họ thông qua quá trình sáng tạo những hình ảnh để có thể tiếp cận được “người mẹ vừa-đủ-tốt” bên trong họ, để tìm thấy lòng trắc ẩn từ những trải nghiệm của họ và từ những nhu cầu làm mẹ của chính họ. Tác giả cũng thấy, thông qua những phản ảnh của những người mẹ, rằng nỗi khổ của những người mẹ trong giai đoạn này bắt nguồn từ việc họ đã chối bỏ những mất mát sâu sắc mà họ trải qua khi sinh nở (cũng như khi nuôi con) và từ việc họ phải lấy niềm vui có con để sống với những hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, đây chỉ là một phần nhỏ trong cái thực tại phức tạp tạo nên cuộc sống với gia đình, sự nghiệp và sự cảm nhận về bản thân. Những phụ nữ ấy phải chịu đựng một gánh nặng quá lớn về việc phải “làm tất cả”, “có tất cả”, ít được nói chuyện và đầy những công việc khó khăn phải làm. Họ không được phép nói về những nỗi trầm uất, những nỗi mơ hồ và lo sợ, khi gia đình, bạn bè và đồng nghiệp hỏi han họ về những trải nghiệm khi làm mẹ.

Có khi khác nhau giữa chuyện “làm cha mẹ” một cách chung chung với việc “làm mẹ” khi đang chăm một đứa con đang lớn lên. Những người mẹ thì lại ít nhận được sự giúp đỡ từ những đối thoại dựa trên thực tế của họ cùng những hỗ trợ xã hội, ngoài việc có thể tìm kiếm những thông tin về việc nuôi dưỡng con cái mà họ lấy từ truyền thông xã hội, internet và sách vở, để từ đó định hướng cho những gì họ cần làm và những gì họ cảm nhận về chuyện làm mẹ.

Thông qua liệu pháp nghệ thuật, tác giả đã giúp cho những người mẹ ấy có thể điều hướng được “tấm bản đồ định hướng” của họ, trong lúc tìm kiếm nghị lực và lòng tin vào trực giác của mình, họ vẫn có thể bày tỏ những nỗi sợ hãi, cảm xúc hai chiều, thậm chí cả những nỗi giận dữ, oán hờn, trong lúc đang nuôi những bé con của họ. Việc dành thời gian, không gian để tạo tác những hình ảnh để ghi nhận về những nỗi đau buồn, ngờ vực và dễ tổn thương, sẽ tạo nền tảng cho việc phát triển nên tính gắn bó, sự tận tâm và lòng trắc ẩn. Thông qua việc giãi bày những trải nghiệm về sự mất mát, những kỳ vọng bị mất mát khi nuôi con, những bà mẹ trẻ có thể tìm thấy được niềm hy vọng. Khi cho phép những hình ảnh như thế được hiện ra và được chấp nhận, những người mẹ ấy có thể trở lại với việc nuôi nấng con cái mà không còn chịu những gánh nặng quá mức bởi những nỗi lo của họ. Sau đó, họ có thể thiết lập nên một cảm nhận mới về bản thân trong vai trò làm mẹ, trong khi vẫn bảo toàn được những bản sắc mà họ vốn có trước đây. Một người mẹ sau khi sinh đứa con thứ hai đã có cảm nhận về mình như một người phải mang thêm hai phần phụ thuộc. Cả hai con người phụ thuộc kia đều hút đi sinh lực và vẻ đẹp của cô, rồi cô vẽ ra một bức hình về mình như một khối gì đó kích thước lớn, nhưng mơ hồ và lùng nhùng. Với thời gian, tác giả cùng người mẹ ấy đã xem đi xem lại bức vẽ và đã phát hiện ra những nét đẹp về hình thức thể hiện cũng như trong khi kết nối với những gì người mẹ đã làm cho đứa con của cô – một khi cô ấy đã có thể có đủ khoảng cách để tách bản thân cô ra khỏi bức vẽ mà cô đã thể hiện.


Một bức hoạ thể hiện nỗi khổ của một người mẹ


Bên trong một nhóm sinh hoạt có tính an toàn, những phụ nữ đang làm mẹ có thể ghi nhận những nỗi thất vọng và bộc lộ những sự oán giận mà họ trải qua khi không có ai làm bạn hoặc chia sẻ những nỗi khó khăn của họ khi làm mẹ.
 Những bà mẹ ấy có thể nói cho nhau nghe về những gì cần phải chuẩn bị để đón nhận những khó khăn trong hành trình làm mẹ, chứ không đơn thuần lấy ra những thông tin có tính hấp dẫn từ truyền thông đại chúng, mà từ đó chỉ đơn thuần tô vẽ nên bức tranh về những niềm vui trong gia đình. Những phụ nữ làm mẹ ấy có thể chia sẻ với nhau những hình ảnh và những câu chuyện về tình trạng hiếm muộn, những lần sẩy thai, thai chết non, cùng những mất mát khác mà họ phải chôn sâu trong lòng khi sinh được một đứa con khác, để cảm thấy rằng lòng biết ơn và sự chúc phúc là tất cả những gì họ được trông đợi để chia sẻ trong cuộc sống từng ngày của họ. Những mất mát và những khoảng tối đó có thể tìm được khoảng không gian tự nhiên riêng của chúng khi mà những người phụ nữ ấy sử dụng việc sáng tạo nghệ thuật như một phương tiện để giãi bày những trải nghiệm thực của họ như những người mẹ.

Đôi khi những trải nghiệm có được từ một buổi sinh hoạt cũng có thể vừa đủ để mang đến cho một người mẹ cơ hội để mở lòng và làm giảm nhẹ; nhưng đối với một số khác có thể sẽ phải cần đến liệu trình lâu dài hơn. Yếu tố then chốt để thực hiện những buổi làm việc đó là một bầu khí an toàn và kế đó là những cố gắng tìm kiếm nguồn lực, cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài, rồi tìm kiếm những cách thức để xử lý và ứng phó. Đây là giai đoạn diễn ra sự đồng nhất hóa cụ thể về những khả năng tự chăm sóc và tự làm dịu. Rồi kế tiếp sau đó, chúng ta sẽ quan sát mối quan hệ bộ đôi mẹ con cùng quá trình lớn lên của đứa trẻ để giúp người mẹ nhận dạng đứa con của mình và thiết lập một cảm nhận về sự kết nối với con. Trong giai đoạn này, chúng ta có thể huy động nguồn lực từ sự hiếu kỳ từ nội tâm và khả năng cùng nhau học hỏi về việc mỗi người đóng vai trò gì trong mối quan hệ bộ đôi này. Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu quá trình nhận dạng những mất mát và những nỗi bận tâm của người mẹ từ trải nghiệm làm mẹ của chính bà. Chẳng hạn như một người mẹ không có khả năng sinh thêm con sau khi đã có được đứa con đầu lòng sẽ có thể học được cách giãi bày câu chuyện về nỗi mất mát ấy thông qua tranh vẽ và lời nói. Việc này có thể giúp cô ấy đương đầu được với những nỗi buồn đau sâu trong tâm trí khiến cô ấy nhầm lẫn không nhận ra được rằng cô đang có một đứa bé con khỏe mạnh. Sau cùng, chúng ta chuyển dần sang một giai đoạn mới, giai đoạn của sự triển nở, của việc tìm thấy những hy vọng, của sự đảm nhận trách nhiệm và hình thành một cảm nhận mới về bản thân như một người mẹ. Công việc rất phong phú về tính ẩn dụ và việc sử dụng những chất liệu cụ thể để sáng tạo nên những hình ảnh sẽ giúp những bà mẹ tìm ra những phương cách giúp bình tâm và tìm ra được những nguồn lực nội tâm để trở thành một con người mới trong mối quan hệ mẹ con này.

Như những nhà trị liệu nghệ thuật, chúng ta biết rằng tiềm năng làm nên hiệu quả như thế là tiềm năng vốn có trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật. Nó cho phép những gì đang bị che giấu hoặc bị ngăn trở không được nói ra ở những người mẹ có nơi chốn để được ghi nhận; nó cũng giúp cho những cảm xúc phức tạp, hai chiều của những người mẹ có chỗ để được trình bày và được nhìn thấy.

 


HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...