Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

TẠI SAO TUỔI 25 LÀ TUỔI 18 “MỚI” - Phần 2

“Why 25 may be the new 18”
Tác giả: JOHN G. COTTONE Ph.D. - Duyệt bởi: DEVON FRYE
Nguồn: Psychology Today - Posted July 19, 2021

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non



Bài hát Vienna của Billy Joel
Xem lại Phần 1

PHẦN 2:  
ĐỘ TUỔI 25 LÀ GIAI ĐOẠN MỚI CỦA TUỔI 18?  BÌNH TĨNH VÀ TÌM CÂU TRẢ LỜI Ở BÀI HÁT “VIENNA”  (Is 25 the New 18? Slow Down and Find the Answer in "Vienna")


Điểm chính

  • Thông điệp trong “Vienna” của Billy Joel là chủ âm hoàn hảo (perfect tonic) cho người vị thành niên ngày nay: Đừng vội lớn lên.
  • Những người trẻ ngày nay thường bị thúc đẩy trưởng thành quá nhanh, hy sinh sự phát triển và tinh luyện cần thiết trong quá trình này.
  • Để giúp mọi thứ chậm lại, hãy điều chỉnh những ưu tiên của bạn và cho phép con bạn thất bại và học từ những sai lầm của chúng.

Bài hát “Vienna” của Billy Joel nguyên là một bài hát không làm theo dự định vào thời điểm được phát hành năm 1975 (đó là một đĩa đơn mặt B), đã được khôi phục trong những năm gần đây, và tại thời điểm viết bài này, nó trở thành bài hát được nghe nhiều thứ tư của ông ấy trên Spotify. Mặc dù không rõ lý do bài hát này được phổ biến trở lại, tôi nghi ngờ có thể bởi vì thông điệp chính của bài hát này: đừng vội lớn lên – chính là chủ âm hoàn hảo cho người vị thành niên ngày nay, trong một thế giới đẩy họ trưởng thành ngày càng nhanh. Đoạn mở đầu của bài hát đã hiện ra chủ đề ấy:

Chậm lại bạn ơi, đứa trẻ đang điên loạn,
Là người chưa thành niên, đầy những khát khao,
Nhưng nếu đủ thông minh hãy cho mẹ biết,
Vì sao con vẫn sợ hãi đến như vầy... 

(Slow down you crazy child, you're so ambitious for a juvenile, but then if you're so smart tell me why are you still so afraid.)

Là một nhà tâm lý được đào tạo tại trung tâm tham vấn của trường đại học và chủ yếu làm việc với người trẻ - sinh viên đại học và sau đại học trong độ tuổi 20 – vừa là một phụ huynh có một con trai và một con gái ở tuổi vị thành niên, bài hát Vienna đã gây nên sự cộng hưởng trong tôi (Nguyên văn: “The song Vienna hits home”). Tôi là nhân chứng cho nhiều cách thức thúc đẩy con cái chúng ta lớn lên nhanh quá, hy sinh sự phát triển và sự tinh luyện thật cần thiết trong quá trình lớn lên này. Trẻ nhỏ - thậm chí khoảng 5, 6 tuổi – không còn được phép tham gia các hoạt động chỉ vì mục đích vui thú nữa: mọi hoạt động đều phải phục vụ cho việc dạy một bài học hoặc nâng cao cơ hội để nhận được học bổng đại học.

Việc sử dụng mạng xã hội quá mức ở cha mẹ (chứ đừng nói đến bản thân trẻ nhỏ) dường như nuôi dưỡng tâm lý rằng con cái chúng ta luôn cần phải làm điều gì đó hữu ích và đầy cảm hứng, vì sợ rằng chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để chứng minh cho bạn bè của mình thấy chúng ta là những bậc cha mẹ tuyệt vời. Trái lại, rất nhiều cha mẹ từng ở trong tình trạng quá lo lắng về việc con mình thất bại trong việc vào đời (failure to launch) đến nỗi mỗi khi thấy các con đang bị chậm lại (ngay cả trong giai đoạn Covid), hoặc khi phải lùi lại một bước trong nỗ lực tiến lên hai bước, chúng ta đã hoảng sợ và thúc đẩy trẻ mạnh hơn.

Theo kinh nghiệm của tôi, những ảnh hưởng tích lũy của những kiểu làm cha mẹ đầy lo âu này dẫn đến việc chúng ta đặt con mình vào một “guồng quay thành tích” (treadmill of achievement) ngay từ lúc trẻ được sinh ra. Khi tôi làm việc với một thân chủ trẻ tuổi, họ thường nói với tôi rằng khi lớn lên, dường như mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ họ là việc đảm bảo họ được nhận vào một trường đại học tốt hơn là giúp họ trở thành một người hạnh phúc, cân bằng và thành công. Họ thường đến với tôi vì một “hỗn hợp (cocktail) các chứng lo âu, rối loạn ăn uống, hoặc đôi khi mất khả năng tự xác định xem họ thật sự muốn làm gì trong đời bởi vì hầu hết những quyết định lớn trong cuộc sống của họ đều đã được cha mẹ thực hiện.

Một thế giới mới cần đến lòng can đảm (A brave new world)

Trưởng thành ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử cũng đều có những thách thức riêng của nó, nhưng có rất nhiều lý do để tôi tin rằng thế giới ngày nay đòi hỏi nhiều thời gian hơn – để thử nghiệm những điều mới mẻ và chỉ mắc những sai lầm không đáng kể – để đảm bảo một sự phát triển lành mạnh cho đến tuổi trưởng thành. Tôi tin rằng ngày nay thế giới đặt lên trẻ nhỏ nhiều kỳ vọng hơn từng có trước đây và rất nhiều cuộc đời của người trẻ đã bị “đặt dưới kính hiển vi” (under a microscope) và được xem xét kỹ bởi cha mẹ cũng như bởi bạn bè đồng trang lứa. Để minh họa cho điều này, hãy nhớ lại khi bạn đến trường và nhận một điểm số thấp khi làm bài kiểm tra. Phải chăng bạn đã có một lựa chọn, nếu muốn, đó là giấu điểm số này đi cho đến khi giấy báo được gởi về vào mãi cuối kỳ. Ngày nay, các bậc cha mẹ có thể biết điểm số của con chỉ vài phút sau khi kết thúc buổi kiểm tra (và thường còn trước khi chính trẻ biết điểm số này), khiến trẻ không có cách nào để giấu điểm số của mình và đối diện với hàng loạt những câu hỏi gai góc ngay khi trẻ bước chân ra khỏi cửa, giống như một vận động viên chuyên nghiệp phải xuất hiện trong một cuộc họp báo ngay sau một trận thua nhọc nhằn.

Dưới đây là một vài minh họa khác về những stress mà người vị thành niên ngày nay phải đối diện, những điều mà thế hệ trước đã không phải đương đầu:

* Chưa từng nhiều hơn trước đây, nhiều trẻ nhỏ đã lớn lên trong gia cảnh cha hoặc mẹ đơn thân (Pew Research Center, 2018) hoặc trong những gia đình mà cả cha và mẹ đều đi làm, những hoàn cảnh mà trẻ không có được sự hướng dẫn của cha mẹ vào những giai đoạn trẻ có nhiều đau khổ về cảm xúc. Theo kinh nghiệm của tôi, điều này khiến rất nhiều vị thành niên thiên về việc lạm dụng những cơ chế ứng phó không lành mạnh (ví dụ: tìm kiếm sự an ủi ở thức ăn, tự sử dụng các chất gây nghiện, hoặc dành quá nhiều thời gian trên những màn hình thiết bị) và sau đó phải cần học những cách lành mạnh hơn để ứng phó với những đau khổ cảm xúc về sau trong đời.

* Trái với những thế hệ trước đây, với phong cách sống trung lưu, thoải mái, có thể chỉ cần đến mức tốt nghiệp trung học (khi mà hầu hết những công việc cơ bản chỉ là lao động thể lực), ngày nay cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn nếu không được giáo dục và huấn luyện nâng cao, thường việc ấy diễn ra quanh độ tuổi 25 của một đời người. Sự cạnh tranh để có công ăn việc làm càng thôi thúc người trẻ tiến tới và càng khiến cho việc đào tạo sau đại học hoặc đào tạo kỹ thuật nâng cao ngày càng cần thiết hơn trong tương lai.

* Sự phát triển các chuẩn mực về giới (gender norm) hướng tới một bộ chuẩn tắc phổ quát – bao gồm sự pha trộn những nét truyền thống của cả nam tính lẫn nữ tính– có nghĩa là trẻ nhỏ ngày nay phải học nhiều gấp đôi để có thể được xã hội hoá một cách đầy đủ trong thế giới ngày mai. Trong cái thế giới mà con cái chúng ta thừa hưởng hôm nay, các nam thanh niên cũng được mong đợi là những người nhạy cảm và có kỹ năng giao tiếp vượt xa hơn những người đàn ông của thế hệ trước. Nữ giới ngày nay cũng được mong đợi sẽ phát triển năng lực tranh tài trong thể thao, sự dẻo dai về thể chất và tính quyết đoán vượt xa sự mong đợi đối với phụ nữ ở bất kỳ thế hệ nào trước đây. Điều này có nghĩa là trẻ nhỏ ngày nay cần nhiều thời gian hơn để học tập, thực hành và thể nghiệm các tính cách của người trưởng thành nhiều hơn các thế hệ trước để có thể trở nên một người trưởng thành lành mạnh và thành công trong cuộc sống tương lai.

* Mạng xã hội, như con dao hai lưỡi, đem lại nhiều rủi ro ở cả hai mặt. Một mặt, việc tiếp xúc với mạng xã hội sẽ khiến người trẻ bị ngập tràn bởi vô số những cách nhìn bị bóp méo cả về thế giới rộng lớn lẫn thế giới nhỏ của các vòng kết nối xã hội của họ. Họ thường bị áp lực phải giữ một vị thế mạnh mẽ (đôi khi còn gây tranh cãi) trước những chủ đề mà họ còn hiểu biết rất ít, đưa họ lên một mức độ chịu sự kiểm định và phản bác mà hầu hết người lớn cũng khó có thể xử lý. Ngoài ra, tình trạng ẩn danh trên internet làm tăng khả năng bị tấn công bằng lời theo những cách mà người vị thành niên có thể không sẵn sàng xử lý. Điều cũng đáng chú ý là mạng xã hội chắc chắn sẽ làm cho một sai lầm nào đó của người vị thành niên (chẳng hạn những bức ảnh gây ngượng ngùng) sẽ có thể tồn tại trên internet mãi mãi với viễn cảnh những đối thủ, những đối tác cạnh tranh và người yêu cũ sẽ sử dụng những điều này với mục đích xấu vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai.

Mặt khác, né tránh mạng xã hội có nghĩa là mất đi những cơ hội quan trọng để xây dựng nên một mạng lưới xã hội lành mạnh trong thế giới tương lai.

Những khuyến nghị

Trong ánh sáng của một thế giới “can đảm mới” mà những người trẻ thế hệ Z sẽ đối mặt, tôi tin rằng chúng ta cần thay đổi quan niệm của chúng ta về người vị thành niên, kéo dài giai đoạn này đến khoảng tuổi 25. Điều này không có nghĩa là chúng ta cần đẩy lùi độ tuổi bầu cử, làm việc, lái xe hay tham gia quân đội đến 25 tuổi, nhưng chúng ta nên thay đổi những mong đợi về mặt văn hóa đối với những trẻ em ở độ tuổi dậy thì, với người trẻ và với cha mẹ của các em. Dưới đây là một vài khuyến nghị dựa trên công việc lâm sàng của tôi với người trẻ cũng như kinh nghiệm trong việc làm cha mẹ. 

1.   Điều chỉnh dòng thời gian (timeline) và các ưu tiên của bạn 

Hãy xem việc nuôi dạy một người trưởng thành cân bằng và lành mạnh là ưu tiên hàng đầu của bạn thay vì đưa con bạn vào một trường đại học hàng top đầu (Nguyên văn: “an Ivy League university”) sau khi kết thúc trung học. Hãy nghe lời khuyên của chuyên gia tuyển sinh đại học nổi tiếng Lynn O’Shaughnessy; và tránh trở thành nạn nhân của “huyền thoại Ivy League”, và hiểu rằng con bạn về lâu dài sẽ tốt hơn, vào đúng trường đại học, đúng thời điểm thay vì bị thúc ép để vào Harvard chẳng hạn. Trong những năm tháng trung học, hãy khuyến khích con bạn chơi thể thao, học một loại nhạc cụ để giải trí, không phải vì học bổng, cố tránh việc xếp lịch nhồi nhét đến mức trẻ không có thời gian để mơ mộng.

Một lưu ý liên quan khác, tôi thường khuyên các bạn trẻ nên học ít nhất một năm học ở đại học và tránh học quá 15 tín chỉ trong một học kỳ. Mặc dù điều này có thể kéo dài thời gian học đại học thêm 1 đến 2 năm, nhưng những cơ hội có sẵn trong thời gian học đại học – như làm thử những điều mới (ví dụ: chương trình du học, thực tập, câu lạc bộ…) và gặp gỡ những người mới – lại hiếm khi có được trong cuộc sống sau này.

2.   Hãy cho trẻ được thất bại và học từ những sai lầm của mình

Vấn đề làm cha mẹ theo kiểu “máy bay trực thăng” và “máy ủi tuyết” (helicopter and snowplow parenting) thể hiện khi chúng ta quá bảo vệ trẻ khỏi những thất bại, trẻ nhỏ sẽ không bao giờ học được cách sử dụng tiến trình thử và sai (liên quan đến hầu hết những sai lầm) để phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và trưởng thành từ những sai lầm của chúng. Nhiều thân chủ đang gặp khó khăn của tôi là con của những cha mẹ nuôi dạy con theo “kiểu trực thăng”, và họ thường nói với tôi rằng họ gặp khó khăn trong việc tự quyết định, thậm chí gặp khó khăn khi xác định mình muốn gì bởi vì hầu hết những quyết định quan trọng đã được cha mẹ làm thay trong suốt cuộc sống của họ.

Để kết luận, bằng cách lưu ý những khuyến nghị này, bạn sẽ có điều kiện tốt để nuôi dạy một đứa con nên người, phát triển lành mạnh, cân bằng và sẵn sàng trở thành một con người có ý nghĩa trong thế gian này.

Nếu có lúc nào bạn chùn bước và cần một lời nhắc nhở, chỉ cần chậm lại và lắng nghe bài hát Vienna của Billy Joel: Những người trưởng thành mà bạn nuôi dạy sẽ vì thế mà trở nên tốt hơn.


Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

SABINA SPIELREIN Ở LIÊN XÔ

(*) Tựa được đặt lại

Tựa gốc: “The Soviet life of Carl Jung’s most famous patient” – “Cuộc sống tại Liên Xô của bệnh nhân nổi tiếng của Carl Jung”

Tác giả: JOHN LAUNER – Bác sĩ, Nhà Trị liệu gia đình, Nhà Giáo dục, Nhà văn người Anh

Nguồn: RUSSIA BEYOND - March 25 2015



Hầu hết mọi người chỉ biết đến Sabina Spielrein từ vai diễn của Keira Knightley về bà trong bộ phim “A Dangerous Method” năm 2011, nhưng vị bác sĩ tâm thần này, sinh ra cách nay 130 năm (Tính đến 2015), đã có những đóng góp quan trọng cho ngành tâm thần học và Nhi học hiện đại. RBTH (Russia Beyond) đã yêu cầu tác giả của cuốn tiểu sử "Tình dục và Tồn tại" (Sex Versus Survival) John Launer kể về thời kỳ Xô Viết trong cuộc đời bà.

Sabina Spielrein (1885-1942) là một bác sĩ tâm thần và bác sĩ nhi khoa người Do Thái ở Nga, nổi tiếng với vai trò là bệnh nhân của nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Gustav Jung. Bà đã trở thành một trong những tình nhân của ông, trước khi rời bỏ ông để trở thành người đi theo đối thủ của Jung, đó là Sigmund Freud. Giờ đây, ngày càng có thêm nhiều người công nhận bà là một trong những tư tưởng gia chính gốc nhất của tâm lý học trong thế kỷ 20.

NGƯỜI ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI

Spielrein sinh năm 1885, ở thành phố Rostov-trên-sông-Don, miền nam nước Nga (cách Moscow 670 dặm), nhưng làm việc tại Zurich, Vienna, Berlin, Geneva và Moscow, trước khi trở về quê nhà trong 20 năm cuối đời. Vì thành kiến ​​chống Nga ở phương Tây, chủ nghĩa bài Do Thái, và sự áp chế của Stalin đối với giới trí thức, nên công việc của bà hầu như không được biết mãi đến cho đến gần đây. Bà có thể viết bằng ba thứ tiếng Nga, Đức và Pháp, và đã viết về hàng loạt các chủ đề tâm lý.

Danh sách những thành tựu trí tuệ của Spielrein thật là phi thường. Khi còn là một sinh viên y khoa, bà đã viết về làm thế nào để hiểu cách nói của những người bị tâm thần phân liệt: bà là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng có một loại lập luận đặc biệt trong cách nói của những bệnh nhân ấy. Một năm sau, vào năm 1912, bà đã viết một bài báo có tên “Destruction as the Cause of Coming into Being” (Tạm dịch: Sự hủy diệt là nguyên nhân dẫn đến Hiện hữu). Bà viết dựa trên ý tưởng của Darwin về sự bảo tồn của các loài (preservation of species), tạo ra mối liên hệ giữa nỗi sợ hãi cái chết và tính cấp thiết phải sinh sản. Bà đã học từ Nietzsche, cũng như từ các nhà văn và triết gia theo trường phái biểu tượng Vladimir Solyovov và Vyacheslav Ivanov. Bà cũng quen thuộc với công trình của các nhà khoa học lớn đương thời ở Nga. Một số ý tưởng trong bài viết của bà cũng dự báo cho những tư duy trong lĩnh vực tâm lý học tiến hóa (evolutionary psychology) ở thời đại của chúng ta.



MỘT CHUYÊN GIA CÓ TÍNH ĐỘT PHÁ TRONG TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRẺ EM

Spielrein gần như chắc chắn là người đầu tiên sử dụng liệu pháp tâm lý với những trẻ em bị nhiễu tâm (neurosis), bao gồm cả chứng ám ảnh sợ (phobia), và làm việc với trẻ thông qua trò chơi. Bà hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa bà mẹ và trẻ sơ sinh, rất lâu trước khi các nhà tư tưởng khác viết về điều này. Một số bài báo của bà nhấn mạnh đến nữ quyền (feminist emphasis), và bà hiểu những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong lựa chọn của họ về chuyện sinh sản.

Trong công việc của mình, Spielrein đã kết hợp phân tâm học với việc nghiên cứu sự phát triển, sinh học và tâm lý học thần kinh ở trẻ em. Bà đã làm việc với nhà tâm lý giáo dục Jean Piaget và cũng là nhà phân tâm cho ông. Sau đó, đến cuối năm 1924, bà đã giúp điều hành một trường mẫu giáo theo xu hướng phân tâm (psychoanalytic kindergarten) nổi tiếng ở Moscow, cũng là nơi hoạt động như một phòng thí nghiệm nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em. Nhiều trẻ em con cái của các yếu nhân Xô Viết cũng đã học ở đó, bao gồm cả Vassily, con trai của Stalin. Trong thời gian ở đây, Spielrein đã dạy cho hai nhà tâm lý học thần kinh nổi tiếng người Nga là Alexander Luria và Lev Vygotsky.

MỘT DI SẢN ĐÃ MẤT (A lost legacy)

Sau khi chuyển về Rostov vào năm 1923, bà đã giúp phát triển ngành Nhi học (pedology) cho nước Nga. Đây là một ngành khoa học cố gắng phá bỏ các rào cản giữa các cách nhìn về y tế, tâm lý và giáo dục đối với trẻ em. (Pedology: Là ngành Nhi học, chuyên nghiên cứu về trẻ em, trên tất cả các mặt về tâm lý, giáo dục, cũng như sức khoẻ, phát triển – Đừng nhầm với Pedagogy là ngành Sư phạm và Paediatrics là ngành Nhi khoa trong Y khoa - Chú thích của ND) Nhà sử học Alexander Etkind đã viết về lịch sử ngành nhi học và những đóng góp của bà cho ngành đó. Một thế kỷ sau, tất cả những ý tưởng và cách làm việc này dường như là một việc đi trước thời đại rất xa. Thật bi thảm, Spielrein đã bị sát hại cùng với các con gái của mình bởi một đội tử thần của Đức Quốc xã tại Zmeyevsky Ravine bên ngoài Rostov vào năm 1942. Sau đó, bà hoàn toàn bị lãng quên ở cả phương Tây và Nga. Các nhà sử học chỉ bắt đầu khám phá lại công việc của bà vào những thập niên 1980 và 1990.

Sabina Spielrein bây giờ được đánh giá như thế nào? Thật đáng buồn khi nói rằng hầu hết các bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học vẫn chưa bao giờ nghe nói về bà - hoặc họ biết đến bà qua hình ảnh một bệnh nhân cuồng loạn và tình nhân cuồng nhiệt do nữ diễn viên Keira Knightley thủ vai trong bộ phim bởi đạo diễn David Cronenberg có tên “A Dangerous Method”. Nhiều người sử dụng những ý tưởng giống như bà đã nghĩ ra, mà không nhận ra rằng bà đã viết về chúng cách đây hàng trăm năm. Không có tiểu sử chính xác nào về bà mãi cho đến vài năm trước, khi Sabine Richebaecher viết một tiểu sử về bà bằng tiếng Đức và hiện đã có bản tiếng Nga.

Các nhà tư tưởng Nga thường bị bỏ qua hoặc bị lãng quên trong các trường đại học và cả trong sử sách của Phương Tây. Khi xem xét đến tâm lý học trong tương lai, Sabina Spielrein xứng đáng có một vị trí rất quan trọng. Tôi (tác giả) tin rằng mọi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của bà trong lịch sử tri thức của thế kỷ 20.

*John Launer là một bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý gia đình, nhà giáo dục và nhà văn. Ông là tác giả của cuốn sách Sex Versus Survival: The Life and Ideas of Sabina Spielrein.

Tất cả các quyền được bảo lưu bởi Rossiyskaya Gazeta.



Câu chuyện về Sabina Spielrein

“SÁCH ĐỎ” CỦA CARL JUNG

“Carl Jung's Red Book”

Tác giả: JOHN M. GROHOL, Psy.D.

Nguồn: PsychCentral - September 20, 2009

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Carl Jung (1875-1961) là một nhân vật có nhiều điều hấp dẫn trong lịch sử tâm lý học.

Được đích thân Freud dìu dắt, Jung sau đó đã tách khỏi Freud để tìm ra lý thuyết của riêng mình về hành vi con người, lý thuyết mà ngày nay thường được gọi là “Tâm lý học Jungian”. Các lý thuyết của Jung nhấn mạnh nhiều hơn vào khía cạnh tâm linh của nội tâm chúng ta (spiritual side of our inner psyche), và niềm tin rằng tất cả nhân loại đều chia sẻ cái mà ông gọi là “vô thức tập thể” (collective unconscious). Ông cũng tin vào sức mạnh của các nguyên mẫu (archetypes) - rằng thần thoại và biểu tượng (myths and symbols) của chúng ta là những thứ có tính bẩm sinh và phổ quát, và chúng phục vụ một mục đích lớn hơn là giúp chúng ta học hỏi từ mỗi giai đoạn trong cuộc đời của chúng ta.

Carl Jung đã qua đời cách đây 48 năm (tính đến thời gian của bài viết 2009 - tính đến năm 2021 thì là 60 năm), nhưng ông vẫn có một lượng lớn những người nhiệt thành theo đuổi, gồm các chuyên gia, bác sĩ và nhà nghiên cứu tin tưởng vào sức mạnh của lý thuyết của ông. Mặc dù không phải là một hình thức tâm lý trị liệu phổ biến ở Hoa Kỳ, nhưng dù sao đây vẫn là một nhánh trong tâm lý học mang trên mình những lý thuyết và thực hành của Jung.

Ở tuổi gần 40, Jung bắt đầu viết một cuốn sách có tên The Red Book - Sách Đỏ. Đây một phần là nhật ký, một phần là tiểu thuyết thần thoại (mythological novel), đưa người đọc đi qua những huyễn tưởng của Jung - những ảo giác (hallucinations) mà ông đã tự tạo ra để cố gắng đi đến phần cốt lõi bên trong vô thức của mình. Là một lý thuyết gia, ông muốn ghi lại cuộc hành trình trong 16 năm của mình, vì vậy ông đã viết ra tất cả những gì mà ông đã trải qua, nhìn thấy và cảm nhận.

Jung đã ghi lại tất cả. Đầu tiên thực hiện các ghi chú trong một loạt những quyển nhật ký nhỏ, màu đen, sau đó ông diễn nghĩa và phân tích các huyễn tưởng của mình, viết với một văn phong vương giả, mang tính tiên tri trong một quyển sổ lớn có bìa bằng da màu đỏ. Cuốn sách kể chi tiết về một chuyến du hành trong ảo giác một cách quyết đoán bên trong tâm trí của chính ông, một diễn trình mơ hồ theo kiểu Homeric (phong cách kiểu nhà văn Hy Lạp cổ đại Homer) về những cuộc gặp gỡ với những con người xa lạ diễn ra trong một cảnh mộng rất ly kỳ. Viết bằng tiếng Đức, ông đã lấp đầy 205 trang khổ lớn với những bức thư pháp công phu và những bức hoạ màu sắc sặc sỡ, chi tiết đến mức đáng kinh ngạc.




Trong nhiều thập kỷ, Sách Đỏ đã bị bao phủ trong bí ẩn, bởi vì nó chưa bao giờ được xuất bản. Người ta cho rằng chỉ có một bản duy nhất của cuốn sách - được những người thừa kế gia sản của C.G. Jung khóa giữ trong một chiếc két an toàn ở Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, hóa ra là nếu người ta đủ siêng năng tìm kiếm thì vẫn có thể tìm thấy đây đó đã xuất hiện những bản sao của quyển sách. Một sử gia tên là Sonu Shamdasani đã tìm thấy các bản sao nói trên và sau ba năm thảo luận với những hậu duệ của Jung, đã thuyết phục gia đình Jung cho phép ông tiếp cận bản gốc để dịch và cuối cùng xuất bản nó. Cuốn sách cuối cùng sẽ được xuất bản vào tháng tới (trong năm 2009).

Nhưng độc giả liệu sẽ tìm thấy được gì trong Sách Đỏ? Và liệu nó có giá trị gì đối với ai đó nếu không phải là những người trung thành với trường phái Jungian? Bạn có thể xem qua câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên bằng cách đọc toàn bộ bài báo của The New York Times về quyển sách:

Tiền đề trung tâm của cuốn sách, Shamdasani nói với tôi, là Jung đã trở nên vỡ mộng với chủ nghĩa duy lý khoa học – điều mà ông đã gọi là “tinh thần của thời đại” (the spirit of the times) - và qua nhiều cuộc gặp gỡ kỳ lạ với chính linh hồn ông cùng với những “nhân vật bên trong” khác (other inner figures), ông đã hiểu và đánh giá cao “tinh thần của những tầng sâu” (the spirit of the depths), một lĩnh vực tạo chỗ cho ma thuật, sự ngẫu nhiên và những ẩn dụ thần thoại được chuyển tải bởi những giấc mơ. […]

Sách Đỏ không phải là một hành trình dễ dàng - nó không dành cho Jung, nó không dành cho gia đình ông, cũng không phải cho Shamdasani, và nó cũng không dành cho độc giả. Cuốn sách mang vẻ khoa trương, phong cách nghệ thuật baroque và giống như rất nhiều thứ khác về Carl Jung, một người lập dị ngang bướng, đồng bộ với một thực tế huyền bí và cổ sơ. Lời văn thường cô đọng, có chất thơ, lúc nào cũng lạ lùng. Nghệ thuật cũng rất lôi cuốn và cũng kỳ lạ. Ngay cả ngày nay, việc xuất bản của nó vẫn mang lại cảm giác rủi ro, giống như một sự bóc trần. Nhưng một lần nữa, có lẽ chính Jung cũng đã dự định như vậy. Vào năm 1959, sau hơn 30 năm ít nhiều không chạm đến quyển sách, ông đã viết một phần kết ngắn gọn, thừa nhận tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân nhắc số phận cuốn sách. “Đối với người quan sát nông cạn,” ông viết, “nó sẽ trông giống như một sự điên rồ”. Tuy nhiên, việc ông viết phần kết dường như đã cho thấy rằng ông tin tưởng một ngày nào đó lời nói của mình sẽ tìm được đúng đối tượng.

(*) Phong cách baroque đặc trưng với "ánh sáng phóng đại, cảm xúc mãnh liệt, thoát khỏi sự kiềm chế, và thậm chí là một loại chủ nghĩa giật gân nghệ thuật". Xuất hiện tại Ý, thời kỳ Phục Hưng, đầu thế kỷ 17 – Chú thích của người dịch.

Nhưng câu hỏi thứ hai sẽ khó tìm ra câu trả lời hơn. Trong khi một số lý thuyết của Jung đã trở thành một phần của văn hóa tâm lý học phổ biến, hầu hết các lý thuyết của Jung đều khó có thể tiêu hóa và khó chấp nhận trên danh nghĩa (at face value). Các lý thuyết của ông rất sáng tạo và thú vị, nhưng thật khó để khái quát hóa từ cuộc sống nội tâm và sự bất ổn bên trong một con người. Để hiểu về Jung, về cuộc đời của ông, và tất cả lý thuyết tâm lý của ông đến từ đâu, đó quả là cả một kho báu. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của chúng ta, giá trị của nó có thể còn cao siêu và khó nắm bắt hơn.

Nhà sử học, người đã thực hiện bản dịch trong những năm qua, đã nói rằng thông điệp cơ bản của cuốn sách là “Hãy trân trọng cuộc sống nội tâm của bạn”. Cho dù bạn có đọc nó hay không, đó vẫn là một thông điệp đáng giá của bất kỳ lý thuyết gia vĩ đại nào trong lĩnh vực tâm lý học.


LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ - Phần 2

LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ - MỘT SỐ KHÍA CẠNH VỀ KỸ THUẬT

(*) Tựa được đặt lại

“19 Narrative Therapy Techniques, Interventions + Worksheets”

Tác giả: COURTNEY ACKERMAN, MA, tốt nghiệp Chương trình Lượng giá và Tâm lý Tổ chức Tích cực (the positive organizational psychology and evaluation program) tại Đại học Claremont Graduate. Cô hiện đang làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu cho Bang California và các mối quan tâm nghề nghiệp của cô ấy bao gồm làm nghiên cứu khảo sát, chủ đề hạnh phúc tại nơi làm việc và lòng trắc ẩn.

Nguồn: Positive Psychology - 15-04-2021

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN

(*) Narrative Therapy – Trong bài dịch là “liệu pháp chuyện kể”, có cách dịch khác là “liệu pháp trần thuật”



Xem lại Phần 1

Phần 2

CÁC BÀI TẬP VÀ CAN THIỆP KHÁC TRONG LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ

Trong khi liệu pháp chuyện kể thiên về đối thoại giữa nhà trị liệu và thân chủ, vẫn có một số bài tập và hoạt động bổ sung cho các buổi trị liệu thông thường. Một số những bài tập này được mô tả dưới đây.

1. Trình bày một Bản đồ Vị trí (Position Map)

Một tài liệu phát tay đơn giản bao gồm bốn lĩnh vực để khách hàng ghi ra về:

1, Những đặc trưng về vấn đề của thân chủ và cách đặt tên hoặc dán nhãn cho vấn đề đó

2, Lập bản đồ về các ảnh hưởng của vấn đề lên từng lĩnh vực cuộc sống mà nó tác động đến (trong gia đình, cơ quan, trường học, các mối quan hệ, v.v.)

3, Đánh giá tác động của vấn đề trong các lĩnh vực này

4, Các giá trị nào xuất hiện khi nghĩ về lý do tại sao những tác động này lại là những điều không mong muốn

Bản đồ này nhằm mục đích sẽ được thân chủ điền vào khi cùng làm việc với một nhà trị liệu, nhưng nó có thể được thăm dò một cách tỉ mỉ nếu khó tìm được một nhà trị liệu theo liệu pháp chuyện kể.

Nói chung, cuộc đối thoại giữa nhà trị liệu và thân chủ sẽ đi sâu vào bốn lĩnh vực này. Nhà trị liệu có thể đặt câu hỏi và thăm dò để tìm hiểu sâu hơn, trong khi thân chủ thảo luận về vấn đề họ đang gặp phải và tìm kiếm cái nhìn sâu sắc về bất kỳ lĩnh vực nào trong bốn lĩnh vực chính được liệt kê ở trên. Có một sức mạnh được tạo nên trong lúc làm việc đặt tên cho vấn đề và từ từ chuyển sang ý nghĩ rằng chúng ta là một người từ ngoài quan sát một cách thụ động cuộc sống của chính mình.

Cuối cùng, điều quan trọng là khách hàng phải hiểu ở mức độ sâu hơn rằng tại sao vấn đề này lại làm phiền lòng họ. Những giá trị nào đang bị xâm phạm hoặc cản trở bởi vấn đề này? Tại sao thân chủ lại cảm thấy vấn đề này là tiêu cực? Ví dụ, một “bữa tiệc tối căng thẳng” liệu có thể mang lại điều gì cho họ? Phải chăng những cảm giác lo âu xã hội (social anxiety) cùng điều gì đó “khác lạ” khiến bạn cảm thấy mình bị lẻ loi? Đây là những câu hỏi mà bài tập này có thể giúp trả lời.

2. Câu chuyện đời tôi (My Life Story)

Một trong những nguyên tắc trị liệu cơ bản nhất trong liệu pháp chuyện kể là chúng ta tìm thấy ý nghĩa và chữa lành thông qua việc kể chuyện.

Bài tập này là về tất cả câu chuyện của bạn, và tất cả những gì bạn cần là một bản in cùng với bút mực hoặc bút chì.

Mục đích của bài tập “Câu chuyện Đời tôi” là tách bản thân bạn ra khỏi quá khứ và cho bạn có được cái nhìn rộng hơn về cuộc sống của mình. Nó nhằm mục đích tạo ra một phác thảo về cuộc sống của bạn không chỉ xoay quanh những ký ức về những thời khắc quá mãnh liệt như những chuyện gây cảm xúc mạnh hoặc trong quá trình lớn lên.

Đầu tiên, bạn viết tên cuốn sách đó là cuộc đời của bạn. Có thể đó chỉ đơn giản là “Câu chuyện cuộc đời của Monica” hoặc một điều gì đó phản ánh nhiều hơn các chủ đề bạn có thể thấy trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như “Monica: Câu chuyện về sự kiên trì”.

Trong phần tiếp theo, hãy đưa ra ít nhất 7 tiêu đề chương, mỗi tiêu đề đại diện cho một giai đoạn hoặc sự kiện quan trọng trong cuộc đời bạn. Khi bạn đã có tiêu đề chương, hãy đưa ra một câu tóm tắt chương. Ví dụ: tiêu đề chương của bạn có thể là "Ngại ngùng và Bất định" (Awkward and Uncertain) và phần mô tả có thể có nội dung "Tuổi thiếu niên của tôi bị chi phối bởi cảm giác không chắc chắn và bối rối trong một gia đình có 7 người."

Tiếp theo, bạn sẽ xem xét chương cuối cùng của mình và thêm mô tả về cuộc sống của bạn trong tương lai. Ban sẽ lam gì trong tuong lai? Bạn sẽ đi đâu và bạn sẽ là ai? Đây là đoạn mà bạn có thể linh hoạt các khả năng dự đoán của mình.

Cuối cùng, bước cuối cùng, là thêm vào các chương của bạn khi cần thiết để tạo nên một câu chuyện toàn diện về cuộc đời bạn.

Bài tập này sẽ giúp bạn sắp xếp những suy nghĩ và niềm tin về cuộc sống của bạn và cùng nhau dệt nên một câu chuyện có ý nghĩa đối với bạn. Ý tưởng khi làm bài tập này không phải là đi quá sâu vào bất kỳ ký ức cụ thể nào, mà thay vào đó là nhận ra rằng những gì trong quá khứ của bạn thực sự là quá khứ. Nó định hình bạn, nhưng nó không hẳn định ghĩa con người bạn (Nguyên văn: “It shaped you, but it does not have to define you”). Quá khứ của bạn khiến bạn trở thành người biết suy nghĩ và khôn ngoan hơn của ngày hôm nay.

3. Sử dụng những nghệ thuật diễn đạt (Expressive Arts)

Loại can thiệp này có thể đặc biệt hữu ích đối với trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể tìm thấy sự nhẹ nhõm và ý nghĩa trong đó.

Tất cả chúng ta đều có những phương pháp khác nhau để kể câu chuyện của mình và việc sử dụng nghệ thuật để làm điều đó từ lâu đã là những sản phẩm của tính người trong vô vàn những thế hệ đã qua. Hãy tận dụng cách diễn đạt và sáng tạo này để kể câu chuyện của bạn, hãy khám phá các phương pháp khác nhau theo ý của bạn.

Bạn có thể:

Tĩnh tâm (Meditate)

Thư giãn có hướng dẫn hoặc tĩnh tâm cá nhân có thể là một cách hiệu quả để giải thông một vấn đề.

Viết nhật Ký (Journal)

Viết nhật ký có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích. Xem xét một bộ câu hỏi cụ thể - Ví dụ: Vấn đề ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Vấn đề đã tồn tại trong cuộc sống của bạn như thế nào? - Hoặc đơn giản là viết mô tả về bản thân hoặc câu chuyện của bạn theo quan điểm của bạn về vấn đề đó. Điều này có thể khó nhưng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề và cách nó ảnh hưởng đến các lĩnh vực trong cuộc sống của bạn.

Vẽ (Draw)

Nếu bạn quan tâm hơn đến việc “vẽ ra” tác động của vấn đề đối với trải nghiệm của mình, bạn có thể sử dụng kỹ năng của mình để vẽ ra những tác động của vấn đề đó. Bạn có thể tạo một bản vẽ mang tính biểu trưng, ​​lập một bản đồ về những ảnh hưởng của vấn đề hoặc tạo một tranh vẽ biếm họa (cartoon) đại diện cho vấn đề trong cuộc sống của bạn. Nếu việc vẽ là đáng sợ với bạn, bạn thậm chí có thể vẽ nguệch ngoạc các hình dạng trừu tượng với màu sắc minh hoạ những cảm xúc mà bạn đang cảm thấy và các từ khóa thể hiện sự suy tư của bạn trong khoảnh khắc đó.

Sự chuyển động cơ thể (Movement)

Bạn có thể sử dụng một phương tiện đơn giản là sự chuyển động cơ thể cùng với sự tập trung toàn tâm toàn ý (mindfulness) để tạo nên và thể hiện câu chuyện của mình. Bắt đầu bằng cách di chuyển theo cách thông thường của bạn, sau đó cho phép vấn đề ảnh hưởng đến chuyển động của bạn. Thực hành việc “quan sát toàn tâm toàn ý” (mindful observation) để xem có điều gì thay đổi khi vấn đề đã được thiết dựng nên (qua sự chuyển động cơ thể). Tiếp theo đó, hãy khai triển một “chuyển động có tính chuyển tiếp” (transitional movement) để khởi sự cho việc làm lung lay vấn đề đang đeo bám bạn. Cuối cùng, sự chuyển tiếp tiến dần sang một “chuyển động mang tính chất giải thoát” (liberation movement) để khám phá thông qua sự chuyển động cơ thể và có tính ẩn dụ làm thế nào để “thoát khỏi vấn đề” (escape the problem).

Hình dung hoặc tưởng tượng bằng hình ảnh (Visualization)

Sử dụng kỹ thuật hình dung để xem xét cuộc sống của bạn có thể sẽ như thế nào trong một tuần, một tháng, một năm hoặc một vài năm, cả khi vấn đề này vẫn còn tiếp diễn lẫn khi bạn đã có thể nắm bắt được một hướng đi mới. Chia sẻ kinh nghiệm của bạn với người cùng tham gia hoặc với nhà trị liệu, hoặc có thể phản ánh lại trải nghiệm này trong nhật ký để khám phá những cách thức mà bài tập này đã giúp bạn tìm thấy ý nghĩa hoặc những khả năng mới cho cuộc sống của mình (Freeman, 2013).

Ví dụ về các câu hỏi để hỏi thân chủ của bạn (nhà trị liệu)

Liệu pháp chuyện kể là một cuộc đối thoại trong đó cả nhà trị liệu và thân chủ trò chuyện để cùng tìm hiểu về câu chuyện của thân chủ. Nó cần đến nhiều câu hỏi được đặt ra bởi nhà trị liệu.

“Mỗi khi đặt một câu hỏi, chúng ta đang tạo ra một phiên bản khả thi cho một cuộc đời”.

David Epston

Danh sách các câu hỏi dưới đây được đính kèm với bài tập “Phát biểu về Bản đồ Vị trí”, nhưng cũng có thể hữu ích khi sử dụng bên ngoài bài tập này:

Nghe có vẻ như bây giờ [vấn đề] đã là một phần trong cuộc sống của bạn?

Bạn nhận thấy [vấn đề] này bao lâu rồi?

[Vấn đề] có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn?

[Vấn đề] ảnh hưởng như thế nào đến năng lượng sống của bạn trong công việc hằng ngày?

[Vấn đề] có ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với các thành viên khác trong gia đình không?

[Vấn đề] có những ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con bạn?

Bạn nghĩ gì về những ảnh hưởng mà [vấn đề] đang gây ra cho cuộc sống của bạn?

Bạn có đang chấp nhận những gì [vấn đề] đang gây nên không?

Những tác động này có được bạn chấp nhận hay không?

Tại sao lại thế? Tại sao bạn đứng vào vị trí này theo những gì mà [vấn đề] đang tạo nên?

Bạn muốn mọi thứ trở nên như thế nào?

Nếu bạn muốn duy trì kết nối với điều bạn vừa nói về những gì bạn thích, bạn có thể thực hiện các bước tiếp theo là những việc gì?

Trang web IntegratedFamilyTherapy cũng cung cấp các ví dụ điển hình về các câu hỏi để hỏi khách hàng của bạn khi bạn xem xét câu chuyện của họ:

1, Khai thông những Lối Mở (Enabling Openings)

Bạn có thể mô tả lần cuối cùng bạn đã xử lý để thoát khỏi vấn đề trong một vài phút? Điều đầu tiên bạn nhận thấy trong vài phút đó là gì? Điều tiếp theo là gì?

2, Liên kết các Lối Mở ấy với những Trải nghiệm Ưa thích (Linking Openings with Preferred Experience)

Bạn muốn có thêm những phút như thế này trong cuộc đời mình?

3, Chuyển từ những Lối Mở sang việc Phát triển Câu chuyện Thay thế (Moving from Openings to Alternative Story Development)

Mỗi người trong số các bạn đang nghĩ gì / cảm thấy gì / làm gì / ước gì / tưởng tượng gì trong vài phút đó?

4, Mở rộng cách nhìn (Broadening the Viewpoint)

Bạn của bạn có thể nhận thấy gì về bạn nếu cô ấy gặp bạn trong vài phút đó?

5, Khám phá Cảnh quan của Hành động (Exploring Landscapes of Action)

Làm thế nào bạn đạt được điều đó? Tim đã giúp bạn điều đó như thế nào?

6, Khám phá Cảnh quan của Ý thức (Exploring Landscapes of Consciousness)

Bạn đã học được gì về những gì bạn đã có thể làm trong vài phút đó?

7, Liên hệ với các trường hợp ngoại lệ trong quá khứ (Linking with the Exceptions in the Past)

Hãy kể cho tôi nghe về những lần bạn đã cố gắng đạt được một vài phút tương tự trong quá khứ?

8, Liên hệ những điều ngoại lệ trong quá khứ với hiện tại (Linking Exceptions from the Past with the Present)

Khi bạn nghĩ về những khoảng thời gian trong quá khứ khi bạn đã đạt được điều này, điều này có thể thay đổi cách nhìn của bạn về vấn đề bây giờ như thế nào?

9, Liên hệ những ngoại lệ trong quá khứ với tương lai (Linking Exceptions from the Past with the Future)

Giờ thì hãy nghĩ về ấy, bạn mong đợi làm gì tiếp theo?

KẾ HOẠCH TRỊ LIỆU TRONG LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ

Việc phát triển một kế hoạch điều trị trong liệu pháp chuyện kể là một hoạt động mang tính cá nhân chuyên sâu trong bất kỳ mối quan hệ trị liệu nào và có những hướng dẫn về cách làm thế nào để kết hợp lại thành một kế hoạch hiệu quả.

Người đồng sáng lập của liệu pháp tường thuật, Michael White, cung cấp một nguồn bổ sung cho các nhà trị liệu sử dụng liệu pháp tường thuật.

Theo White, có ba tiến trình chính trong điều trị:

1, Ngoại hiện vấn đề (Externalization of the problem) tức phần phản ánh các bước của bài tập lập bản đồ vị trí:

*Phát triển một định nghĩa cụ thể, gần với những trải nghiệm về vấn đề;

*Lập bản đồ các tác động của vấn đề;

*Đánh giá tác động của vấn đề; và

* Biện minh cho việc đánh giá (justifying the evaluation)

2, Sáng tác lại các cuộc đối thoại (re-authoring conversations) bằng cách:

*Giúp thân chủ bao gồm (trong câu chuyện) cả các khía cạnh bị lãng quên của họ; và

* Chuyển hướng câu chuyện đang bị tập trung vào vấn đề (sang một cốt chuyện thay thế - ND).

3, Ghi nhớ các cuộc đối thoại mà thân chủ đã tích cực tham gia trong các quá trình như:

*Làm mới các mối quan hệ của họ;

*Loại bỏ các mối quan hệ không còn phục vụ họ; và

*Tìm kiếm ý nghĩa trong câu chuyện của họ, từ chỗ bị bão hoà bởi các vấn đề (problem-saturated) sang một câu chuyện chứa đầy những nghị lực vượt khó (resilient-rich).

MỘT THÔNG ĐIỆP MANG VỀ (A TAKE-HOME MESSAGE)

Bạn kể câu chuyện của mình như thế nào? Các chương trong cuộc đời bạn là gì? Bạn thích câu chuyện mình đang kể hay bạn muốn thay đổi câu chuyện của mình? Những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác có thể được trả lời trong liệu pháp chuyện kể.

"Không có sự đau đớn nào lớn hơn là mang một câu chuyện chưa kể bên trong bạn."

Maya Angelou

Nếu bạn là một người tò mò muốn tìm hiểu về liệu pháp chuyện kể, tôi hy vọng sự tò mò của bạn sẽ được khơi dậy và giờ đây bạn đã có nền tảng để học hỏi thêm.

Nếu bạn là một nhà trị liệu hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần quan tâm đến việc áp dụng liệu pháp chuyện kể trong công việc của mình, tôi hy vọng bài viết này có thể cung cấp cho bạn một điểm khởi đầu cho bạn.

Cảm ơn vì đã đọc và kể chuyện vui vẻ!

Chúng tôi hy vọng bạn thích đọc bài viết này.

Tác giả: COURTNEY ACKERMAN


Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

TẠI SAO TUỔI 25 LÀ TUỔI 18 “MỚI” - Phần 1

“Why 25 may be the new 18”

Tác giả: JOHN G. COTTONE Ph.D. - Duyệt bởi: DEVON FRYE

Nguồn: Psychology Today - Posted July 19, 2021

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non



Phần 1: Tại sao tuổi vị thành niên nên kéo dài đến khoảng 25 tuổi

Những điểm chính

Từ độ tuổi vị thành niên trở thành người trưởng thành có sự dao động trong nhiều thế kỷ qua, tùy thuộc vào nhu cầu xã hội.

Người vị thành niên thường có nhận thức ngang với người trưởng thành, nhưng cần nỗ lực trong việc điều hòa cảm xúc và thực hiện các chức năng của bản thân.

Những đòi hỏi của xã hội hiện đại – bao gồm cả áp lực đến từ mạng xã hội – cho thấy việc mở rộng nhận thức của chúng ta về tuổi vị thành niên có thể sẽ hữu ích cho người trẻ trong xã hội ngày nay.

Trong phần 1 của loạt bài này, tôi (tác giả) sẽ giải thích việc tại sao chúng ta nên nghĩ về độ tuổi vị thành niên là một giai đoạn kéo dài đến khoảng tuổi 25, trong phần 2, tôi sẽ đưa ra một số đề nghị.

Bạn không cần phải là một tiến sĩ về tâm lý mới nhận thấy vị thành niên là giai đoạn phải phấn đấu rất nhiều. Trên thực tế, người nhìn thấy điều này rõ nhất là các bậc cha mẹ và thầy cô giáo của các bạn tuổi teens đang lớn nhanh ấy.

Tuổi vị thành niên, một khái niệm được hình thành kể từ thời Piaget, lúc nào đó cũng cần được xem lại, nhưng đại dịch Covid càng làm nổi bật điều này rõ ràng hơn. Đây là lúc người vị thành niên bước vào một kỷ nguyên mới.

Mặc dù chúng ta biết rằng đôi khi trẻ em ở khoảng tuổi 15 có thể được chứng minh rằng có khả năng nhận thức ngang với người trưởng thành (Brown, 1975; Keating, 2004), những khảo sát hình ảnh thần kinh (neuroimaging research) ở tuổi đó (Sommerville, 2016, Tamnes và cộng sự, 2010) cho thấy rằng não người vẫn tiếp tục phát triển cho đến thập kỷ thứ 3 của cuộc đời (tức khỏng 21-30 tuổi – ND), với sự phát triển muộn nhất xảy ra ở phần vỏ não trước trán (prefrontal cortex) và mạch vỏ não-thể vân (striatocortical circuits): vùng não chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng, tổng hợp nhận thức và cảm xúc đầu vào để ra quyết định (Casey và cộng sự, 2016; Goldberg, 2001; Sommerville, 2011).

Khi nhà thần kinh học Leah Sommerville cho biết trong cuộc phỏng vấn ở tờ New York Times 2016 (Zimmer, 2016): “Người vị thành niên làm các bài kiểm tra về nhận thức cũng tốt như người trưởng thành. Nhưng khi họ đang có những cảm xúc mạnh mẽ, điểm số này có thể giảm mạnh. Vấn đề này cho thấy rằng tuổi dậy thì chưa phát triển hệ thống não bộ chắc chắn để có thể kiểm soát được cảm xúc.”

Tuổi trưởng thành

Trong lúc nghiên cứu cho bài viết này, tôi (tác giả) mong rằng mình sẽ tìm thấy bằng chứng về việc độ tuổi được xem là trưởng thành (hay còn gọi là “tuổi thành niên”) đã bị đẩy lùi dần qua nhiều thế kỷ khi tuổi thọ tăng lên và lao động trí óc dần thay thế cho lao động chân tay. Sau tất cả, độ tuổi hợp pháp để kết hôn ở Hoa Kỳ từng là 12 đối với nữ và 14 đối với nam (Dahl, 2010), trong khi đó độ tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo ở hai tôn giáo lớn nhất thế giới – là độ tuổi để thực hiện nghi thức Bar Mitzvah của Do Thái giáo, Bí Tích Thêm Sức (Confirmation) của Công giáo – từng được thiết lập ở khoảng tuổi 13 trong nhiều thế kỷ (Minnerath, 2007; Olitsky, 2000).

Tuy nhiên, sau đó tôi tìm hiểu thêm tài liệu Tổng quan Nghiên cứu Luật (well researched law review) của Vivian Hamilton (2016) đã dẫn chứng về độ tuổi được công nhận trưởng thành đã dao động lên xuống trong suốt quá trình lịch sử như một chức năng tuỳ vào những nhu cầu của mỗi nền văn hóa. Ví dụ, tuổi trưởng thành ở Hoa Kỳ đã từng có lúc là 21, nhưng dần bị giảm còn 18 ở giữa thế kỷ 20 để đáp ứng nhu cầu về quân số trong suốt thời đệ nhị thế chiến.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là vào 2000 năm trước, bộ luật ban đầu ở La Mã về độ tuổi hoàn toàn trưởng thành là 25, thiết lập độ tuổi tối thiểu để nam thanh niên tham gia độc lập vào các hoạt động và khế ước mang tính chính thức mà không cần khuyên bảo. Hơn nữa, khoảng giữa tuổi từ 15 – 25, nam thanh niên ở La Mã được đặt dưới sự giám hộ tạm thời của những người lớn được gọi là Curatores (người giám hộ - ND), và “các nam thanh niên cần phải có sự chấp thuận của người giám hộ để chứng thực các hoạt động hoặc khế ước chính thức nếu họ chưa đủ 25 tuổi”.

Thật vậy, điều này cho thấy rằng những tiền nhân ở La Mã hiểu biết “điều gì đó” về tuổi vị thành niên, điều này có lợi cho chúng ta khi cần phải tìm hiểu lại, đó là: Trẻ nhỏ cần nhiều thời gian để phát triển trước khi chúng ta dồn trách nhiệm cho các em với rất những mong đợi và trách nhiệm như ở người lớn. Ở thời La Mã cổ đại, người giám hộ đóng vai trò như một người hướng dẫn, một nhà trị liệu, người nhà tham vấn hướng dẫn của người vị thành niên ngày nay, nhưng với một khoảng thời gian dài hơn rất nhiều. Khi là một nhà tâm lý được huấn luyện trong một trung tâm tham vấn ở trường đại học và chuyên hỗ trợ cho các sinh viên đại học và sau đại học, tôi hiểu được những trải nghiệm trong vai trò quan trọng mà những người giám hộ thời La Mã (và những “đồng nghiệp” thời hiện đại của họ) đã góp phần vào cuộc sống của những người trẻ ở khoảng tuổi ngoài 20. Leah Sommerville nghiên cứu và nhận thấy người vị thành niên cần thêm thời gian để phát triển các cơ chế thần kinh và hành vi nhằm tránh việc cảm xúc gây cản trở khả năng lập luận của họ - điều cũng phù hợp với trải nghiệm của tôi khi hỗ trợ các sinh viên đại học và sau đại học ở độ tuổi sau 20.

Chỉ riêng áp lực rộng khắp của mạng xã hội cũng làm gia tăng tác động về cảm xúc (emotional stakes) từ mọi việc mà người vị thành niên ngày nay đang cố gắng làm bằng những cách thức mà chưa có thế hệ nào trước đây từng trải qua. Những áp lực này thậm chí rất nặng nề đến nỗi rất nhiều người trưởng thành lành mạnh cũng khó xử lý, huống chi những đứa trẻ nhỏ trong độ tuổi dậy thì và khoảng tuổi trên dưới đôi mươi khi não bộ vẫn còn đang phát triển và vẫn còn phải học tập những trải nghiệm để giúp trẻ xây dựng khả năng chống chịu về mặt cảm xúc (emotional resilience).

Với những lý do trên, tôi tin rằng chúng ta cần mở rộng khái niệm hiện tại của chúng ta về tuổi thành niên như là một giai đoạn kéo dài từ những năm “tuổi teens” (teen years) cho đến giữa những năm 20 tuổi (the mid-20s - tức khoảng 25 tuổi – ND). Tóm lại, những trải nghiệm của tôi qua công việc hỗ trợ cho sinh viên đại học và sau đại học, cũng như qua quá trình nuôi dạy đứa con tuổi dậy thì của chính tôi – đã ảnh hưởng lên quan điểm của tôi, bởi thế chúng ta nên nghĩ về độ tuổi 25 như là “một giai đoạn mới của độ tuổi 18” (age 25 as the new 18) với mong đợi của chúng ta về những gì mà người vị thành niên có thể xử lý tốt về mặt tâm lý.

Đón xem Phần 2

HIỆU ỨNG MCGURK VÀ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC ĐEO KHẨU TRANG KHI GIAO TIẾP

(*) Tựa được đặt lại

Tựa gốc: “What Is the McGurk Effect? How COVID-19 Masks Impact Communication”

Tác giả:  SHERRI GORDON - Duyệt bởi: RICH SCHERR

Nguồn: VeryWellMind - Ngày 02/ 02/2021

Người dịch: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH - Tốt nghiệp cử nhân tâm lý Đại học Văn Hiến, TpHCM, năm 2006. Thâm niên 15 năm công tác tại Khoa Tâm lý Lâm sàng (Khu Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Vị thành viên), Bệnh viện Tâm thần Trung uơng 2, Biên Hoà, Đồng Nai. 



Khi nói chuyện với người khác thông qua khẩu trang, những gì bạn nhìn thấy và nghe thấy không đồng nhất với nhau và bạn có thể cảm thấy khó khăn để theo dõi cuộc trò chuyện giống như cách bạn làm mà không có khẩu trang - thậm chí bạn có thể hiểu sai những gì đang được chia sẻ. Do đó, não của bạn có thể cố gắng thuyết phục bạn rằng bạn đang nghe thấy điều gì đó chưa được nói ra. Khi điều này xảy ra, nó được gọi là hiệu ứng McGurk.

Hiệu ứng McGurk

Hiệu ứng McGurk là gì? Loại giao tiếp sai lệch (miscommunication) này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1976 bởi Harry McGurk và John MacDonald.

Hiệu ứng McGurk là một hiện tượng giao tiếp xảy ra khi ai đó nhận thấy rằng chuyển động môi của người khác không khớp với những gì họ thực sự đang nói.

Vì vậy, đối với một số người, những gì họ nghe được hoàn toàn khác với những gì đang thực sự được nói. Đầu vào thị giác của họ chồng lên những gì họ đang nghe và thuyết phục bộ não của họ rằng họ đang nghe một điều gì đó hoàn toàn khác.

Nghiên cứu về Hiệu ứng McGurk

Trong một nghiên cứu về hiệu ứng McGurk được thực hiện bởi các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Y Baylor College of Medicine, những người tham gia được yêu cầu nhắm mắt khi nghe video có người phát ra âm thanh "ba ba ba".

Khi những người tham gia được yêu cầu mở mắt và xem kỹ đoạn video đó nhưng không có âm thanh, họ báo cáo rằng có vẻ như người đó đang nói "ga ga".

Và, trong phần cuối cùng của thử nghiệm, video đã được phát lại khi bật âm thanh. Những người tham gia được xem và nghe đoạn video và những ai nhạy cảm với hiệu ứng McGurk cho biết họ đã nghe thấy "da da da."

Rõ ràng, âm thanh này không khớp với các manh mối về thị giác hoặc thính giác mà họ đã báo cáo từ phần trước của thử nghiệm. Vì vậy, thí nghiệm là một minh họa của hiệu ứng McGurk.

Hiệu ứng McGurk xảy ra bởi vì não đang cố gắng phân giải những gì nó nghĩ rằng nó đang nghe bằng một âm thanh gần hơn với những gì nó đang nhìn thấy.

Khẩu trang tác động đến giao tiếp như thế nào

Khi nói đến việc đeo khẩu trang trong đại dịch COVID-19, hiệu ứng McGurk là một khái niệm có thể hữu ích trong việc hiểu tại sao việc không nhìn thấy môi của ai đó có thể khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn.

Ví dụ, hiệu ứng McGurk nhấn mạnh rằng mọi người sử dụng cả mắt và tai của họ để hiểu những gì mọi người đang nói — ngay cả khi thỉnh thoảng nó tạo ra kết quả không chính xác.

Mặc dù đúng là hiệu ứng McGurk có thể ít xảy ra hơn khi một người bị che miệng khi nói, nhưng nó cũng chứng tỏ rằng khi miệng của một người bị che lại thì những người khác đã mất đi một phần quan trọng của quá trình giao tiếp - miệng và môi của người nói.

Hành động che phần lớn khuôn mặt của bạn bằng khẩu trang có thể khiến mọi người khó biết bạn đang cảm thấy thế nào hoặc bạn muốn giao tiếp điều gì.

Khẩu trang làm gián đoạn tín hiệu bằng lời nói và phi ngôn ngữ

Nói chung, giao tiếp phụ thuộc vào cả tín hiệu bằng lời nói và không lời (phi ngôn ngữ). Một khẩu trang can thiệp vào cả hai điều đó.

Ví dụ, khẩu trang thường che một phần lớn khuôn mặt của một người, điều này khiến mọi người khó nhận diện môi hoặc xử lý các tín hiệu phi ngôn ngữ. Và vì miệng bị che, nó cũng có thể dẫn đến giọng nói bị nghẹt. Cả hai yếu tố này làm cho việc giao tiếp với một chiếc khẩu trang càng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, trong những trường hợp bình thường, môi và miệng thể hiện trạng thái tinh thần của bạn. Tuy nhiên, với việc bịt miệng bằng khẩu trang, những người mà bạn tương tác phải xác định cảm giác của bạn bằng những dấu hiệu thị giác rất hạn chế.

Điều này đặc biệt khó khăn đối với người khiếm thính, những người thường dựa vào cách đọc môi (lip-reading) để hiểu những gì mọi người đang nói. Nếu môi của người đang nói bị che bởi khẩu trang, người khiếm thính có thể gặp khó khăn để hiểu những gì đang được nói với họ.

Làm thế nào để cải thiện giao tiếp bằng khẩu trang

Rõ ràng là mọi người dựa vào cả dấu hiệu hình ảnh và âm thanh để nghe và hiểu người khác, nhưng điều quan trọng là phải học cách giao tiếp với người khác một cách hiệu quả mặc dù thực tế là bạn đang đeo khẩu trang.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Một cách tuyệt vời để cải thiện khả năng giao tiếp bằng khẩu trang là cố gắng nghĩ xem các bộ phận nào trên cơ thể bạn có thể dễ được nhìn thấy. Những bộ phận mà người khác có thể nhìn thấy bao gồm mắt, lông mày, bàn tay và cột sống của bạn (giúp bạn kiểm soát về tư thế của cơ thể). Tất cả những điều này giúp bạn sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với người khác.

Trên thực tế, theo khuyến nghị dành cho các bác sĩ phòng cấp cứu trong một Nghiên cứu về Bệnh Tâm thần Phân liệt, mọi người sự dụng các bộ phận cơ thể có thể nhìn thấy của họ để giao tiếp hiệu quả hơn với người khác khi đeo khẩu trang. Bạn cũng có thể làm như vậy.

Các tác giả đã đề xuất một số chuyển động cơ thể mà bạn có thể dựa vào để cải thiện giao tiếp khi đeo khẩu trang: [3]

* Lông mày: Nhấc lông mày của bạn để thể hiện sự ngạc nhiên hoặc tạo thành chữ "V" để thể hiện sự tức giận. Những người khiếm thính thường sử dụng lông mày của một người để giải thích những gì người khác đang nói.

* Tay: Sử dụng cử chỉ tay để truyền đạt tốt hơn những gì bạn đang cố gắng diễn đạt. Ví dụ, chuyển động tay nhanh có thể cho thấy bạn đang hào hứng với điều gì đó.

* Tư thế cơ thể: Cách bạn đứng có thể nói lên nhiều điều về cảm giác của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang khom lưng, bạn có thể cho thấy rằng bạn đang bị trầm uất. Nếu bạn đứng cao với vai vuông, bạn có thể trông căng thẳng hoặc đang ở trong tình trạng cảnh giác cao.

Để giao tiếp tốt hơn với người khác khi đeo khẩu trang, hãy nhớ cố gắng kết hợp nhiều chuyển động cơ thể hơn vào các cuộc trò chuyện của bạn.

Cải thiện giao tiếp với người khiếm thính khi khẩu trang

Đối với những người khiếm thính, nên dùng khẩu trang bằng một tấm chắn trong suốt ở phía trước để cho phép họ đọc khẩu hình của người nói.

Tương tự như vậy, giãn cách xã hội cũng có thể mang lại lợi ích ngoài ý muốn. Với Zoom meeting or Google Meet, những người bị khiếm thính có thể chọn sử dụng phụ đề chi tiết, cho phép các từ đang được nói xuất hiện trên màn hình.

Thêm vào đó, các ứng dụng như thế này cho phép người nói đang được cách ly, chỉ xuất hiện trên màn hình, có nghĩa là ngoài việc nghe giọng nói và đọc chú thích, họ còn có thể đọc môi. Do đó, họ (người khiếm thính) có thể thấy những cuộc họp kiểu này có lợi hơn những cuộc họp trực tiếp.

 Một số người thích giao tiếp qua khẩu trang

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng một số người có thể thấy nói chuyện khi mang một chiếc khẩu trang khiến họ cảm thấy thoải mái hơn. Như các tác giả trong Nghiên cứu bệnh Tâm thần Phân liệt nêu trên có lưu ý, đối với một số người - đặc biệt là những người hay lo lắng về việc bị người khác soi xét nét mặt của mình – thì việc đeo khẩu trang có thể giúp họ giao tiếp thoải mái hơn.


HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...